Thành Phong Bình cách thành Khánh Nguyên khoảng 360 dặm, là một trong hai tòa thành lớn ở phía bắc Nam Yến. Nơi này từ trước tới nay đều là vùng đất chiến lược. Thành chủ Chu Xanh Thiên cũng đã trải qua Thương Quốc diệt vong. Ông ta đã bảy mươi tuổi rồi vẫn có thể mặc giáp ra trận, nghe nói tài bắn cung cực cao.
Chu gia vốn là vọng tộc của Thương Quốc, từng xuất hiện bốn Tể tướng, bảy Đại tướng quân. Về phần quan viên từ Tử Phẩm trở xuống thì nhiều không đếm xuể. Danh môn như vậy, còn thâm căn cố đế hơn cả gia tộc của Phó Chính Nam. Hiện tại Chu gia không chỉ nắm trong tay một tòa thành Phong Bình. Phía nam thành Đại Lý còn có một tòa thành lớn nằm trong tay Chu gia. Nam Yến Tể Tướng Chu Kiểm Toán là cháu của Chu Xanh Thiên, cũng đã năm mươi tuổi rồi.
Những đại gia tộc nắm binh quyền và quyền lực trong và ngoài triều như vậy, đối với Hoàng thất mà nói, luôn là con dao hai lưỡi. Nếu dùng tốt, thì an bang định quốc. Nếu dùng không tốt, thì chính là gốc rễ của diệt quốc.
Tuy nhiên, người của Chu gia chưa từng có tham vọng đoạt ngôi vị Hoàng Đế Nam Yến. Bởi vì bọn họ rất rõ ràng rằng vị trí Hoàng Đế Nam Yến này không dễ ngồi. Lại nói tiếp, đế vị này của Mộ Dung Sỉ có chút xấu hổ. Mệnh lệnh của triều đình coi như dùng được ở ngàn dặm xung quanh thành Đại Lý. Nhưng nếu dính dáng tới ích lợi của thế gia đại hộ, vậy thì hoàng mệnh căn bản không có tác dụng gì ở các thành trì.
Có lẽ ngay từ lúc đầu bọn họ đã biết Mộ Dung Sỉ căn bản không phải là Thái tử của Đại Thương, nhưng bọn họ vẫn đồng ý để y xưng đế. Đó là vì chỉ cần có người xưng đế, bọn họ có thể đoạt được lợi ích. Mà khi gia tộc của bọn họ đứng ra xưng đế, thì sẽ lập tức trở thành kẻ thù của các gia tộc khác.
Có một người thực lực không quá mạnh làm Hoàng Đế, đối với các gia tộc mà nói chưa hẳn là chuyện xấu.
Lúc đầu Chu Xanh Thiên làm Đại tướng quân ở Thương Quốc. Tuy nhiên tính cách của người này có chút âm trầm. Lúc quân Tùy quyết chiến với quân Thương ở ven bờ Trường Giang, Hoàng Đế Thương Quốc đã điều động quân đội của ông ta tới Ung Châu trấn thủ đô thành. Nhưng Chu Xanh Thiên chậm chạp không mang quân tới. Ông ta lo lắng một khi mình mang binh tới Ung Châu, thì Hoàng Đế sẽ lập tức thu hồi binh quyền trong tay ông ta.
Đợi cho La Diệu mang binh tới thẳng Ung Châu, Hoàng Đế Thương Quốc trước sau gửi tới mười ba ý chỉ bảo Chu Xanh Thiên trở về, nhưng y không hề nhúc nhích.
Không chỉ là y, lúc trước các tướng quân phía nam Thương Quốc cơ hồ không người nào nguyện ý mang binh trở về. Lúc đó Thương Quốc đã gần như sụp đổ, cho dù không có quân đội của Đại Tùy xuôi nam, thì chỉ sợ Thương Quốc cũng chỉ có thể kéo dài thêm vài năm. Các hào môn địa phương nắm binh tự lập, không chịu nghe theo chính lệnh của triều đình. Mà vị Hoàng Đế cuối cùng của Thương Quốc lại là một kẻ làm việc không đàng hoàng, bình sinh có hai chuyện khiến cho ông ta si mê.
Một là trường sinh bất lão, hai là văn chươ ng tranh vẽ.
Vì muốn trường sinh bất lão, một tháng thì có ít nhất mười ngày ông ta ở trong lò luyện đan, cùng một đám Vu Sư tộc Hột nghiên cứu làm sao để trường sinh. Còn thừa lại hai mươi ngày, có mười chín ngày ông ta đều cùng đám văn nhân ngâm thơ vẽ tranh. Tuy nhiên chữ viết của vị Hoàng Đế này quả thực có một phong cách riêng. Vài năm trước đây lúc Đại Tùy còn thái bình, một bộ tranh chữ bình thường của Hoàng Đế Thương Quốc có giá trị ít nhất cũng phải năm vạn lượng bạc. Tác phẩm xuất sắc càng là bảo vật vô giá.
Cho dù hiện tại Đại Tùy rối loạn, ai có một tác phẩm của ông ta trong tay thì có thể cam đoan cả đời ăn uống vô ưu.
Hoàng Đế thích gì, người phía dưới đều học theo. Thế nên toàn bộ triều đình Thương Quốc đều là chướng khí mù mịt. Ở Thương Quốc, người Hột có địa vị cao hơn người Hán. Vu Sư thì có địa vị cao hơn quan viên. Quốc gia như vậy, nếu có thể kéo dài mới là kỳ tích.
Sau khi Thương Quốc diệt vong, Chu Xanh Thiên chưa từng rời khỏi thành Phong Bình. Về sau Mộ Dung Sỉ soán vị đăng cơ, mời ông ta tới thành Đại Lý tham gia đại lễ, nhưng ông ta không tới. Dù vậy, Mộ Dung Sỉ cũng không dám đắc tội vị đại nhân vật tay nắm trọng binh này. Qua mấy chục năm, địa vị của Chu Xanh Thiên càng thêm siêu nhiên. Hiện giờ ông ta là người lớn tuổi nhất của Chu gia, cho dù là Tể Tướng Chu Kiểm Toán thấy ông ta cũng phải dùng lễ của hậu bối để chào.
Nhưng chính là một lão già như vậy, lại có quan hệ không tệ với Phó Chính Nam.
Nghe nói hai người bọn họ thường xuyên đi ngắm phong cảnh với nhau, là bạn vong niên.
Vì vậy trước khi rời đi, Phó Chính Nam mới viết cho ông ta một bức thư.
Bức thư này, vẫn ở trong tay Phương Giải, hắn không phái người gửi cho Chu Xanh Thiên.
-Đại tướng quân, vì sao không mở bức thư kia ra nhìn?
Trần Hiếu Nho không nhịn được tò mò hỏi.
-Nếu nhìn, thì cả nhà Phó Chính Nam khó có thể sống sót để tới cái làng chài kia. Nếu ta đã thả y, vậy thì chưa từng nghĩ qua sẽ ám sát y ở nửa đường. Nhưng bức thư này, quả quyết không phải là khuyên bảo Chu Xanh Thiên đầu hàng. Tám chín phần là Phó Chính Nam nhắc nhở Chu Xanh Thiên nên chú ý cái gì đó, làm sao để phòng thủ tốt Phong Bình.
-À?
Trần Hiếu Nho hơi ngạc nhiên:
-Tay Phó Chính Nam kia có lá gan thật lớn. Y không sợ hành động này của mình sẽ gây họa cho người nhà sao?
Phương Giải cười cười:
-Người như y, khó có thể vứt bỏ được hết mọi thứ trong lòng. Chẳng hạn như người nhà của y, dù chết y cũng không muốn buông tha. Y và Chu Xanh Thiên là bạn vong niên, cho nên thà chọc giận ta cũng không muốn buông tha cơ hội này để nhắc nhở Chu Xanh Thiên đề phòng ta. Y dùng kinh nghiệm thất bại của mình để làm ví dụ, khiến Chu Xanh Thiên tránh khỏi sai lầm.
-Người này, diệt trừ vẫn tốt hơn.
Trần Hiếu Nho có chút bất an nói:
-Chỉ sợ y không chịu được cuộc sống bình thường, trong lòng lúc nào cũng nghĩ tới đông sơn tái khởi.
-Cũng chưa chắc.
Phương Giải nói:
-Y viết thư, là vì y cảm thấy đó là chuyện nên làm. Vì vậy ta có chút khâm phục người này, y là một người làm việc gì ra việc ấy. Vì người nhà, y có thể chết, vì bằng hữu, y thậm chí có thể buông tha cho người nhà. Người như vậy không còn thấy nhiều rồi. Coi như ta làm một việc thiện, lưu lại chút thuần túy cho thế giới này.
-Chúng ta thực sự có thể lừa được cửa thành Phong Bình mở ra sao?
-Không lừa được!
Phương Giải nói:
-Chu Xanh Thiên đa mưu túc trí, bảy mươi tuổi vẫn có thể mặc giáp ra trận, đã trải qua năm mươi năm chìm nổi trong quan trường rồi, ít có thủ đoạn nào qua mắt được ông ta.
-Vậy chúng ta lừa ông ta ra khỏi thành cứu người chẳng phải là vô dụng?
Trần Hiếu Nho càng thêm khó hiểu.
Lúc trước Phương Giải để cho đám văn nhân bắt chước bút tích của Phó Chính Nam, làm giả thư của Phó Chính Nam rồi phái người gửi tới thành Phong Bình, bảo Chu Xanh Thiên phái binh nhanh chóng tiếp viện. Kiêu Kỵ Giáo cầm bức thư giả đã xuất phát. Nhưng chính vì thế, Trần Hiếu Nho mới hiếu kỳ. Nếu Đại tướng quân đã biết rõ không lừa được Chu Xanh Thiên, vì sao còn ai bài như vậy.