Phương Giải đặt cuốn hành quân bút kí trên tay xuống, trong đầu toàn là cảnh tượng hào hùng của cuộc chiến Đại Tuỳ diệt Thương năm xưa. Nghìn quân vạn mã vượt Đại Giang, tung hoành khắp tây nam, vương triều Thương quốc mấy trăm năm lịch sử cũng run rẩy dưới gót sắt hùng sư Đại Tuỳ, sơn hà mất, hoàng tộc diệt.
Bút kí của Ninh Ngôn rất tường tận, ngày nào đó, ở nơi nào đó, làm những việc gì, khi nào khai chiến, chừng nào kết thúc.
Nhất là trận chiến tấn công Ung Châu, ghi chép tường tận hơn cả. Tả Tiền vệ của Đại Tướng quân La Diệu dẫn đầu công phá cửa thành Ung Châu. Đại quân đổ vào trong thành như nước triều dâng. Người Thương quốc lúc này đã hoàn toàn sụp đổ, binh sĩ thủ thành không hề còn ý chí chiến đấu. Tuy cũng có tướng quân nhiệt huyết tập hợp tàn binh kháng cự. Nhưng làm sao mà có thể chống đỡ nổi thế công của chiến binh Đại Tuỳ? Những chiến binh Đại Tuỳ từng giết người này, trở thành một lưỡi đao sắc bén cực kì, không ai cản được.
Sự việc La Diệu một quyền đánh chết bát phẩm Phù Sư ngoài cửa Hoàng cung Ung Châu cũng có ghi chép trong đây, nhưng không hiểu sao chỉ viết sơ lược, không có miêu tả kĩ càng.
Phương Giải đóng cuốn bút kí lại, không nhịn được thở phào một cái.
- Dường như ngươi có điều gì lo lắng?
Ninh Ngôn ngồi một bên, nhìn vào mắt của Phương Giải hỏi.
Phương Giải vâng một tiếng:
- Không giấu gì tiên sinh, học trò biết rằng chiến binh Đại Tuỳ hơn trăm năm nay chưa từng thất bại, thiên hạ trung nguyên đánh đâu thắng đó. Nhưng… Học trò lo là, lần Tây Chinh này, đại quân đã hai mươi năm không có chiến đấu, binh sĩ trong quân toàn là người mới, những lão binh diệt Thương năm xưa, chắc là đã xuống giáp quy điền hết rồi. Quân đội như thế không thiếu nhuệ khí, nhưng lại thiếu kinh nghiệm… Học sinh không nghĩ là lần này Đại Tuỳ sẽ thua, nhưng học sinh lo là đầu cuộc chiến sẽ không được thuận lợi như dự đoán.
- Một khi như thế, có khi nào sẽ mất nhuệ khí không?
Phương Giải hỏi.
Khi Đại Tuỳ diệt Thương, các binh sĩ cũng đã mười năm chưa lên qua chiến trường.
Ninh Ngôn nói:
- Ngươi xuất thân biên quân, đương nhiên biết rõ đặc tính của quân nhân Đại Tuỳ. Một khi đã lên chiến trường rồi, họ không còn là một bọn người nữa, mà là một bầy sói.
- Cho ngươi xem cái này.
Ninh Ngôn lấy từ túi áo ra một miếng giấy mỏng. Phương Giải hai tay nhận lấy, nghiêm túc cẩn thận xem qua một lượt, chữ trên đó không nhiều, nhưng tuyệt đối đủ uy lực. Đây là mười hai điều quân qui mà Hoàng đế ban xuống trong cuộc Tây Chinh lần này của Đại Tuỳ. Tuy không công bố rộng rãi, nhưng các giáo thụ Viện Diễn Võ muốn có được nó cũng không phải chuyện khó gì.
- Kẻ lâm trận bỏ chạy, giết.
- Kẻ cứu viện bất lực, giết.
- Kẻ không tuân theo hiệu lệnh, giết.
- Kẻ khinh địch liều lĩnh, giết.
Tổng cộng mười hai điều mười hai cái “giết”. Kẻ nào vi phạm bất cứ điều nào trong đây đều là tội chết. KHông thể không nói, bản quân lệnh này cực kì nghiêm khắc, nhưng Phương Giải xem xong rồi, không kìm nổi hơi hơi cau mày, sau đó xem lại một lần nữa.
- Thấy có gì không đúng sao?
Ninh Ngôn hỏi.
- Trong Mười hai quân qui, dường như đều chỉ dùng để ràng buộc các binh sĩ về chiến thuật và chiến sự. Nhưng lại không ràng buộc một số chuyện nhất định sẽ xảy ra trong chiến tranh. Như là… các binh sĩ cướp đoạt tài sản người dân Mông Nguyên, chiếm giữ phụ nữ Mông Nguyên, phóng hoả đốt nhà dân. Những việc này, hoàn toàn không hề nhắc tới.
Phương Giải kinh ngạc nói:
- Mấy chuyện như thế đều không có ràng buộc, có khi nào sẽ phát sinh vấn đề không?
Ninh Ngôn cười nói:
- Ngươi cảm thấy đây là sai sót của bệ hạ?
Phương Giải trầm mặc một hồi rồi lắc đầu:
- Không phải… làm sao mà bệ hạ lại không nghĩ đến vấn đề này. Tiên sinh, ta nghĩ chắc là bệ hạ có dụng ý khác. Đại Tuỳ và Mông Nguyên tuy hoà bình trăm năm, bệ hạ thậm chí còn kí kết Điều ước thương mại với Đại hán Mông Nguyên Mông Ca. Nhưng điều chắc chắn là, quan hệ giữa hai nước tuyệt đối không có hữu nghị gì hết. Một khi khai chiến, song phương sẽ giống như những con sói đói, đỏ cả mắt mà xâu xé nhau, tuyệt đối không để cho đối phương có cơ hội xả hơi.
- Chính vì có thù hạn như thế, những bách tính Mông Nguyên có dân phong dũng mãnh thì sẽ không còn là bách tính nữa. Cho dù là phụ nữ nếu có cơ hội cũng sẽ dùng răng cắn chết binh sĩ Đại Tuỳ. Nhân từ không thể dẫn đến thắng lợi, cho nên bệ hạ cơ bản là không nghĩ tới chuyệnn nhân từ với người Mông Cổ. Cùng một đạo lý, nếu kỵ binh của Đế quốc Mông Nguyên xông vào lãnh thổ Đại Tuỳ, bách tính cũng sẽ có phản ứng tương tự. Vì thế… thay vì nhân từ, thà đại khai sát giới, để cho những người dân Mông Nguyên đó cảm thấy sợ hãi. Chỉ có sợ hãi, mới có thể khiến cho một dân tộc dũng mãnh như thế chịu khuất phục.
Ninh Ngôn nói:
- Nhân từ là chuyện của sau này, nhưng tuyệt đối không phải là chuyện trong chiến tranh.
Y ngừng lại một chút rồi tiếp tục nói:
- Cũng giống như điều ngươi vừa nói, Đại Tuỳ và Mông Nguyện đều có sự kiêu ngạo của riêng mình. Sự kiêu ngạo đó không cho phép đối phương khinh thường. Vì thế, khi chiến tranh mới bắt đầu thì sẽ rất ác liệt. Khi các binh sĩ xông vào thảo nguyên, họ không thể khống chế bản thân. Họ sẽ chỉ biết điên cuồng giết người, điên cuồng cướp bóc, giống như tẩu hoả nhập ma vậy. Mấy chuyện này là không thể tránh khỏi, quân qui ở trước đám binh sĩ điên cuồng này cũng trở nên vô hiệu lực. Cho nên… bệ hạ mặc cho đám binh sĩ đi giết người.
Ninh Ngôn mỉm cười nói:
- Nhiều năm về trước, khi ta ngồi nói chuyện với Đại Tướng quân La Diệu lúc rảnh rỗi, có thảo luận qua vấn đề tương tự. Lúc đó Đại Tướng quân hỏi ta, nếu triều đình khai chiến với Mông Nguyên, đại quân vào thẳng thảo nguyên rồi thắng lợi. Làm thế nào để có thể khống chế một cách ổn thoả chắc chắn giang sơn hàng vạn vạn dặm này? Làm thế nào để cho gần trăm triệu bá tánh Mông Nguyện thần phục?
- Tiên sinh trả lời như thế nào?
Phương Giải hỏi.
Ninh Ngôn trả lời:
- Lúc đó ta nói với Đại Tướng quân… Nếu bá tánh Mông Nguyện thần phục, thì không cần nói chuyện làm thế nào để nắm vững giang sơn vạn vạn dặm trong tay nữa. Mà cách đơn giản hữu hiệu nhất khiến cho người dân Mông Nguyên thần phục, chính là giết hết những người không thần phục đi. Mười trừ đi năm sáu, lòng dân ắt sẽ hoảng sợ.
- Giết đi một nửa…
Phương Giải thì thào lặp lại lần nữa, trong lòng có phần phát rét.
Ninh Ngôn mỉm cười nói:
- Bách tính Giang Nam bây giờ tự hào vì là người Đại Tuỳ… Ngươi nên biết trăm năm trước, số người mà vị Đại Tướng quân họ Lý đó giết chết, tuy không nhiều như một nửa, nhưng cũng có một phần ba. Giết trước dỗ sau, giết đến người ta kinh sợ, sau đó lại thực thi nhân nghĩa. Những người đang sống có được ích lợi, sẽ có cảm giác mãn nguyện và thấy vui mừng vì mình sống sót sau kiếp nạn. Chỉ cần thời gian một trăm năm, họ chỉ còn nhớ lại cái tốt mà không còn nhớ cái xấu nữa. Còn bá tính Ung Châu, bây giờ mặc trang phục Đại Tuỳ, dùng tiền Ngũ Thủ, trẻ em dưới mười bốn tuổi vào học đường Đại Tuỳ, người già trên sáu mươi nhận ngân lượng do triều đình phát. Mới hai mươi năm thôi… họ đã thích nghi với cuộc sống hiện giờ. Ngươi xem, thời gian đâu có dài, đúng không?
…
…
Nhà giam có thể thay đổi một người, cách nói này suy cho cùng cũng không sai.
Mặc dù kiểu ở tù của Phương Giải có hơi đặc thù, nhưng loại cuộc sống này vẫn có ảnh hưởng cực lớn trong sự thay đổi về tư tưởng của hắn. Mà cũng chính trong hoàn cảnh hiện tại, hắn mới có thể lí giải thấu suốt việc “giết một nửa” mà Ninh Ngôn nói ra. Nếu là hồi trước , Phương Giải nhất định sẽ không cho đó là đúng.
Thậm chí hắn sẽ cố hết sức tranh cãi, nói cho Ninh Ngôn biết chỉ có đối xử với bá tánh nhân từ thì bá tánh mới đối xử nhân từ với ngươi. Nhưng Phương Giải của bây giờ, tuyệt đối không nói ra những lời như thế. Một Hoàng đế bệ hạ nắm giữ thần khí quốc gia, những việc mà người nghĩ đến nhiều hơn nhiều so với bá tánh thông thường. Mà sự việc này, rất khó có thể phân định bằng quan niệm thiện ác đơn giản. Ngươi có thể có cách nhìn của riêng mình, nhưng không thể cưỡng chế nhận định Hoàng đế là một bạo quân chỉ với quyết định như thế của ngươi.
Ninh Ngôn và Phương Giải không có bàn luận quá nhiều về quân qui, dù sao để người khác biết ngươi tự ý thảo luận cái này, không chừng sẽ bị chụp cái mũ “đại bất kính” thật to.
Ở thế giới hoàng quyền trên hết này, có bao nhiêu là ngươi bị cái mũ này đè chết?
Sách để lung tung trên mặt đất, bản đồ trên tường bị viết vẽ đến hoàn toàn không còn nhìn được nữa. Thạch toả (dụng cụ cử tạ) dưới đất thiếu mất một cái, bị dính hẳn trên tường (sau cú phủi tay của Khâu Dư -_-), trên giường đá là hành quân bút kí của Ninh Ngôn. Phi ngư bào ở ngoài cửa hình như đang hô cái gì đó. Khi Phương giải hoàn hồn lại từ trong trầm tư, mới nghe thấy thì ra phi ngư bào đang gọi hắn nhận cơm.
Cơm phần hai người, có rượu có thịt.
- Nơi này không tồi.
Trước đó Ninh Ngôn không có lên tiếng quấy rối sự trầm tư của Phương Giải. Ông ta biết những lời ban nãy cần có thời gian để Phương Giải tiêu hoá chúng. Tuy vị thiếu niên này đang ở tù, nhưng nếu ông ta đã có thể ngồi đây giảng bài cho hắn, thì ai cũng không thể khẳng định thiếu niên này không có ngày ra khỏi nơi này. Phải nói là cách xử trí của bệ hạ đối với Phương Giải rất mâu thuẫn, giam hắn vào đại lao, nhưng lại lệnh cho các giáo thụ Viện Diễn Võ chạy mấy con đường để tới đây lên lớn cho mình hắn.
Hắn không có tự do, nhưng trong nếu là giam cầm thì như thế cũng được xem là tự do.
- Yên tĩnh, không ai làm phiền, có thể ngộ ra rất nhiều chuyện.
Ninh Ngôn rót cho mình ly rượu, cũng không dùng đũa, bốc lấy miếng thịt bò nóng hổi bỏ vào miệng, nhai chầm chậm:
- Ngày tháng có rượu có thịt có sách học lại thanh tĩnh như thế, nếu có cơ hội ta cũng muốn hưởng thụ một phen.
Phương Giải cười một cách bất đắc dĩ:
- Hình như không chỉ tiên sinh từng nói đây là một dạng hưởng thụ, có thể do cảnh giới của học trò chưa đủ, cho nên đến giờ vẫn cảm thấy đây là sự dày vò, không thấy có chỗ nào thoải mái hết.
- Không liên quan đến cảnh giới.
Ninh Ngôn nhấp một ngụm rượu, thở ra một cái dễ chịu:
- Võ học thì có cảnh giới, văn nhân làm gì mà có cảnh giới. Nói mấy câu có cảm giác thâm sâu, viết mấy bài văn phồn hoa cẩm tú thì gọi là cảnh giới sao? Cảnh giới được viết ra, nói ra, thậm chí là bị người khác nhìn ra đều không gọi là cảnh giới, mà là đang đóng kịch. Người có thân phận càng cao thì càng biết đóng kịch. Thế nhân ai cũng có tư tưởng, ai cũng có lúc ngẫu nhiên ngộ ra chân lý. Vậy thôi mà cũng gọi là cảnh giới à? Vậy thì cảnh giới của tất cả mọi người chẳng phải đều như nhau sao?
- Có một số người chọn nơi phong thanh cảnh đẹp cư trú, viết câu gì mà “nam sơn hái cúc, bắc sơn trồng đào”, cái này mà là cảnh giới à? Vậy thì mấy lão nông trong ruộng thợ săn trên núi, ai cũng có cảnh giới cao hơn người đó.
- Là tâm thái.
Ninh Ngôn điềm đạm nói.
- Tâm thái.
Phương Giải ngẩn ra một cái, rồi sau đó gật đầu.
- Nhà lao này bốn vách kiên cố chắc không thể phá, cho dù là hình cụ trên tường được thay bằng bản đồ, bên cạnh ngươi có thêm sách vở có thêm giáo thụ, nhưng đại lao vẫn là đại lao, chưa từng thay đổi. Nếu đại lao không thay đổi, vậy thì chỉ có thể là ngươi thay đổi thôi. Lúc cúi người thì khuất phục làm kẻ hèn nhát, lúc đứng thẳng thì vươn vai ưỡn ngực làm đại trượng phu. Làm được hết rồi, mới gọi là kiêu hùng.
- Đại Tuỳ không cần kiêu hùng.
Phương Giải nghiêm túc nói lại.
- Đại Tuỳ không cần người làm kiêu hùng, nhưng không phải không cần người có tâm thái đó.
Ninh Ngôn nói:
- Người nắm quyền trong tay, ai không có kiêu hùng tâm?
- Lời này của tiên sinh, nếu bị người khác nghe được sẽ bị kết tội đại bất kính đó.
- Cái này thì sao là đại bất kính? Đừng nói bản thân ta cũng là thân mang tội, còn sợ gì thêm tội nữa? Mà bệ hạ cũng biết bản tính của ta, nói thật những lời như thế chưa chắc là tặc tử, miệng đầy lời tâng bốc nịnh hót thì chưa chắc là trung thần. Sau này nếu ngươi có thể ra khỏi chỗ này, nhất định sẽ tòng quân, ta chỉ là đang nói cho ngươi biết một điều mà người làm tướng nhất định phải hiểu.
- Chỉ cẩn cuối cùng có thể đánh thắng, thì ngươi hà tất đi để ý thủ đoạn đó như thế nào? Ngày tháng bây giờ tuy có vẻ khổ sở, làm cho ngươi không cam tâm, nhưng nếu ngươi ngay cả việc như thế cũng không thể chịu đựng, làm sao mà chứa trong lòng một trận chiến, một trận thắng thua được? Nếu ngay cả một trận thắng thua cũng không chứa được, còn có tư cách gì nói đến thành bại sau này? Một kẻ nhu nhược ngu ngốc, chết không đáng tiếc.
- Trong lòng ngươi là học đường, thì nơi đây không phải nhà giam; trong lòng ngươi là nhà giam, thì bất cứ nơi đâu cũng sẽ là nhà giam. Lòng có bất cam, cho dù sau này có ngày được thoát khỏi nơi này, thì cũng chỉ tăm tối u lạnh đầy lòng. Trong lòng bình lặng rộng rãi, thì đâu chỉ có nghìn quân vạn mã? Bây giờ ngươi đang học, không phải học một cách cam tâm tình nguyện, mà là đang tự ép mình học. Tuy cả hai đều là học, nhưng những thứ thu hoạch được lại khác xa một trời một vực.
Phương Giải thì thào nói mấy chữ:
- Tâm thái… học trò hiểu rồi.
----------oOo----------