Những bí quyết để trở thành một nhân Viên tốt và đầy thiện cảm!
Câu chuyện về việc “cấp trên không bao giờ ưa nhân viên” là câu chuyện muôn thuở ở khắp mọi nơi trên thế giới, chẳng riêng gì Việt Nam! Và mình cũng nhận ra một chuyện là người ta không dạy làm thế nào để vừa lòng sếp từ những ngày đầu tiên đi làm, dĩ nhiên là có thể đọc đến đây bạn sẽ nghĩ rằng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, tam tiền tệ, tứ trí tụê”, nhưng nếu chúng ta thử bỏ qua những yếu tố đó thì những chuyện mà các bạn nên biết, để không trở thành cái gai trong mắt cấp trên từ những ngày đầu tiên. (Nhất là khi, đã sắp đến lúc phải ra ngoài và suốt ngày bị mắng rồi đấy.)
Ngôn ngữ chuẩn mực
Thế nào là ngôn ngữ chuẩn mực nhỉ? Rất nhiều bạn hiền tưởng rằng bản thân biết rõ điều này, nhưng thật ra lại không phải thế. “Công sở Việt Nam” là một nơi vô cùng...nguy hiểm. Bạn đừng nghĩ rằng bạn có thể bông đùa, nói chuyện thiếu trước thiếu sau và đặc biết là thiếu tôn trọng với đồng nghiệp của mình, chứ đừng nói là cấp trên. Cho dù bạn có biết người đó từ trước đấy, hay có mối quan hệ thân thiết ở ngoài chốn công sở đi chăng nữa, một khi đã bước vào môi trường làm việc là phải nghiêm túc. Nghiêm túc - không sủ dụng những từ ngữ có thể làm cho đối phương cảm thấy rằng những việc bạn làm là trò đùa. Cũng đừng nịnh nọt, hoa mĩ, điều đó chỉ làm đồng nghiệp ghét bạn hơn mà thôi. Đặc biệt là trong email, văn bản hay tin nhắn, những từ bạn cần nhớ ở đây là nghiêm tức và chuyên nghiệp.
Đúng giờ
Bạn nghĩ rằng nếu sếp của bạn hiền, thoáng, thoải mái, không quan tâm lắm đến deadline và điều đó giúp bạn có khả năng “đi chơi trong giờ làm” hay lùi hẹn trước sau loạn cả lên thì bạn nhầm to rồi đó. Càng là người “trông” có vẻ dễ tính thì bạn sẽ càng phải nghiêm túc. Nếu bạn cũng dễ dãi theo họ thì khả năng là họ bị cấp trên của họ quở trách khi không đúng giờ với công việc và deadline sẽ càng cao, và họ sẽ trút cả lên đầu bạn đấy. Hãy đảm bảo rằng mọi việc sếp giao cho bạn được hoàn thành đúng hẹn, hoặc mọi chuyện bạn hứa làm được vào một thời gian nhất định sẽ xong. Đừng nghĩ họ không để ý, họ nhớ như in là bạn chẳng bao giờ đúng giờ đó!
Trang phục
Việc “không được đẹp hơn sếp” ở mọi nơi là một luật “ngầm”, nhưng trù khi bạn đang làm việc trong ngành thời trang thì đừng biến chốn làm việc của bạn thành thảm đỏ. Cá nhân mình rất thích style công sở của dân Hàn và dân Nhật - rất đứng đắn và chuẩn mực, lại gọn gàng, trẻ trung và năng động. Lịch sự là từ khóa ở đây.
Tác phong
Văn minh là tất cả những gì bạn hiền cần nhớ. Bạn có thể vụng về một chút khi mới bắt đầu công việc, chưa quen hoặc đơn giản là làm rối tung cả lên, bạn cảm thấy mình đang bị “dìm” ở chốn văn phòng. Nhưng rồi, hãy trở nên văn minh, vì nếu bạn buông thả theo những gì bạn cảm nhận, thì chính con người bạn hiền sẽ bị mục theo đó. Hãy xin lỗi nếu thấy mình sai, hãy hỏi lời khuyên khi không biết làm gì đó, và hãy cảm ơn khi đưọc giúp đỡ.
Nói tóm lại, không dễ dàng để được lòng đồng nghiệp và cấp trên, nhưng cho dù có ở đâu chăng nữa, hãy luôn nhớ rằng bản thân mình phải là ngưòi nghiêm túc, chuyên nghiệp, đúng giờ, lịch sự và văn minh. Năm điều đó có thể biến bạn thành bông sen trong vũng bùn, ở bất cứ đâu trên thế giới này đấy!
_________________