Biên tập: Ney
Tôi quyết định cho Triệu Long một cơ hội.
Tôi hỏi Triệu công tử – người đang ngồi trên sofa đọc báo, là có nhìn thấy tập thơ của tôi không, trên đó có nhà thơ ký tên tặng chữ, núi vàng cũng không mua nổi đâu. Tính tình nhà thơ kia thanh cao lại kiêu ngạo, tôi cũng có duyên mới vô tình được gặp một lần, vốn định làm bảo vật gia truyền mà không ngờ nó lại biến mất.
Phàm là đồ tôi không thấy, thì có đến 80 90% dính dáng đến Triệu công tử.
Triệu công tử còn chẳng ngẩng đầu lên, gã nói: “Chưa từng thấy.”
Trăm phần trăm có dính dáng đến gã.
Nếu không dính dáng đến gã, chắc chắn gã sẽ mắng tôi là lại vu oan giá họa cho gã.
Lần trước Kim Tiên Nhi hỏi mượn tôi tập tranh, tôi bất cẩn kẹp một bộ tem ở trong đó rồi đem đi, tôi ôn hòa hỏi Triệu công tử, thì gã lập tức quát tôi: “Ông còn chẳng biết em có thứ như thế! Em không thấy cái gì là toàn đổ tại ông làm mất!”
Cái gã này, chưa bao giờ biết ăn nói nhỏ nhẹ dễ nghe gì cả, đúng là đáng ghét dã man!
Mà thôi cũng được, lần khác đều bỏ qua, nhưng tập thơ của tôi thì phải tìm lại.
Tôi ngồi xuống gần bên Triệu công tử, định là dẫn dắt từng bước, nhưng gã ném tờ báo, quát tôi: “Đã bảo anh không biết! Em muốn làm gì? Tạo phản à?!”
Phàm là Triệu công tử làm sai, sẽ có ba cấp độ.
Cấp độ thứ nhất, chằng thèm quan tâm, làm dáng tỏ ra mình là mặt trăng treo cao, trên mặt trăng chỉ có chị Hằng và chú Cuội, việc chả liên quan gì đến mình.
Cấp độ thứ hai, lửa giận phừng phừng, quát như hổ gầm, vẻ oan như Thị Kính, lấy “máu bắn ba thước” (đương nhiên là máu người khác bắn) để tỏ sự trong sạch.
Tôi nhặt báo lên, đặt vào lại tay gã, nói giọng hiền hòa: “Em không có ý khác, chỉ là cháu Ba hỏi mượn nên em mới muốn tìm sách cho bé mượn thôi.”
Bé Ba là con trai anh Cả, không nằm trong danh sách một trăm thân thích mà Triệu công tử ghét nhất. Điều này là cực kỳ hiếm có, nên tôi mới mượn danh nghĩa bé ấy.
Triệu công tử lạnh lùng nói: “Thì liên quan gì đến anh.”
Gã lại đọc báo nửa phút nữa, ném tờ báo, đứng dậy rồi nói: “Anh có việc đi ra ngoài, không muốn trông thấy em, mẹ nó, suốt ngày chỉ có em lắm sự, thấy em là bực.”
Cấp độ thứ ba, chuồn.
Vốn dĩ bữa sinh nhật 18 tuổi đấy, tôi không nên uống rượu.
Nếu đồ do Triệu công tử làm mất, thì tôi sốt sắng cũng vô ích. Tôi thôi không tìm nữa, đọc một quyển sách khác.
Mới vừa lật được vài tờ, tôi nhận được điện thoại của Hách Đạt. Giọng điệu của y nghe có vẻ cực kỳ khẩn cấp, lại cực kỳ thần bí, hỏi: “Anh Khâu, Triệu công tử có đó không?”
Tôi nói: “Anh ấy ra ngoài rồi.”
Hách Đạt thở phào nhẹ nhõm một cái: “Anh Khâu à, anh tuyệt đối đừng nói với Triệu công tử, xin anh cứu mạng!”
Có thời Hách Đạt nhận tiền lương từ Triệu công tử nhưng lại làm việc cho tôi, thế nên đương nhiên là tôi phải giúp y rồi, tôi bèn hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Hách Đạt nói: “Tôi định ủi áo khoác treo ở văn phòng giúp Triệu công tử một chút, mà bỗng nhiên Tứ gia gọi điện tới hỏi việc công ty, tôi trả lời lâu, quên béng mất chuyện ủi quần áo, áo khoác bị ủi cháy thủng rồi!”
Tôi hỏi: “Cái áo khoác nào?”
Hách Đạt nói: “Cái áo đã từng bán đấu giá ấy!”
Tôi ôn hòa khuyên nhủ và an ủi y: “Cậu đi theo Triệu công tử ngần ấy năm, vẫn còn chưa tin tình nghĩa giữa hai người sao? Cậu cảm thấy thế nào?”
Hách Đạt tức khắc cuống lên: “Tôi cảm thấy có lẽ tôi phải cầu cứu anh!”
Triệu công tử sống hơi lỗi rồi đấy.
Chiếc áo khoác đó của gã được một kẻ lừa đảo ngoại quốc làm ra. Kẻ đó lừa Triệu công tử mất năm trăm đồng đại dương, mà làm ra một chiếc áo gió khó bề miêu tả. Khó khăn lắm tôi mới quyên góp được chiếc áo đó cho tiệc đấu giá từ thiện, nhưng không ngờ lại bị Triệu công tử buộc mua về lại.
Triệu công tử không tin tưởng tôi nữa, bèn đem cái áo khoác yêu quý đến văn phòng treo.
Tôi đã biết chiếc áo khoác kia không hay hớm gì từ lâu, treo ở công ty chưa được bao lâu đã làm hỏng phong thuỷ, Triệu công tử từ giám đốc biến thành nhân viên, văn phòng cũng bị Triệu tứ gia cho Hách Đạt ngồi mất. Chẳng qua Hách Đạt hiền lại nhát gan, chủ yếu là nhát gan, ngồi được văn phòng nhưng không dám ném đồ của Triệu công tử đi. Đã thế thỉnh thoảng còn giúp ủi quần áo và hong phơi giấy tờ một chút.
Hách Đạt trong điện thoại như thể sắp bật khóc, nên tôi đành phải nhận ôm đồm việc này, cũng coi như tay tui làm hết không cần nhọc đến người thứ hai, tin chắc tôi sẽ giải quyết tốt thôi.
Tôi đến công ty, Hách Đạt lập tức đón tôi, dẫn vào văn phòng y rồi còn khóa cửa lại.
Tôi liếc cửa một nhát, nhắc y mở ra.
Vẻ mặt Hách Đạt như đưa đám, y nói: “Lỡ như bỗng nhiên Triệu công tử đến công ty, thấy thì sao?”
Y đúng là vẫn còn trẻ người non dạ quá, không hiểu ân oán tình thù giữa người lớn rồi.
Nếu bỗng nhiên Triệu công đến công ty, thấy cửa khóa mà tôi với Hách Đạt lại ở bên trong, thì đó mới là to chuyện.
Hách Đạt do dự, rồi mở rộng cửa.
Tôi xem thử chiếc áo khoác, chỗ vạt áo ủi cháy thủng cái lỗ chừng ba ngón tay, sợ là không vá được. Nếu muốn cứu vớt, thì chỉ còn cách nhờ thợ thêm một miếng dán ủi họa tiết lên.
Nhưng mà chiếc áo khoác này cũng đã xấu lắm rồi, lại thêm một miếng dán ủi họa tiết lên nữa, thì thảm càng thêm thảm, thảm không nỡ nhìn, cực kỳ thê thảm.
Chỉ còn cách cắt hết toàn bộ chỗ vạt áo, rồi vắt sổ lại viền gấu. Cũng may áo này vốn dĩ đã dài, cắt bớt một đoạn cũng vẫn có thể quá đầu gối.
Hách Đạt nói: “Nhưng mà thế cũng phải mất một chút thời gian, mà đêm nay Triệu công tử đã cần mặc chiếc áo này rồi.”
Tôi hỏi: “Anh ấy muốn mặc để đi đâu?”
Hách Đạt nói: “Đêm nay Triệu công tử muốn đi nghe vở hí mới của ông chủ Kim với Tiểu soái[1] Hoắc ạ.”
[1] Soái: Chức tổng chỉ huy trong quân đội.
Tiểu soái Hoắc, là em trai ruột của Đại soái Hoắc, là một con người sắt đá, nhưng lại dạt dào tình cảm, người khác thiện xạ, hắn lại thiện “hái hoa”. Độ phong lưu có thể sánh vai cùng với Triệu tứ gia. Bởi vậy đó giờ Triệu công tử chẳng cho tôi gặp hắn.
Triệu công tử cứ lo linh tinh. Vì người tôi thích chính là cháu trai của Tiểu soái Hoắc, con trai lớn của Đại soái Hoắc cơ mà. Cậu ta hào hoa phong nhã, đẹp trai lịch sự, cười rộ lên như là hoa xuân tháng Ba nở. Tháng trước, nghe anh Ba kể là hôm nọ bắt gặp cậu ta ở kinh thành.
Ài, con trai lớn của Đại soái Hoắc cũng bỏ chạy đến kinh thành, vì tự do, vì lý tưởng, vì nhiệt huyết, vì tín ngưỡng.
Cậu ta và anh Ba đều đang chờ đợi tôi.
Tôi thở dài một tiếng.
Hách Đạt xem mặt đoán ý, căng thẳng hỏi: “Làm sao thế?”
Tôi trả lời: “Không sao. Thế này nhé, tôi cầm chiếc áo khoác đi, Triệu công tử có hỏi thì cậu cứ bảo tôi mặc đi rồi. Xong việc thì tôi bảo là tôi đã bất cẩn làm hỏng áo, chữa áo lại cho anh ấy là được.”
Hách Đạt dưng dưng nước mắt: “Cảm ơn anh, anh Khâu, đại ân đại đức chỉ có thể…”
Tôi ngăn lại vụ y “lấy thân báo đáp”, chỉ nói: “Tôi cũng có một việc muốn nhờ cậu giúp đỡ.”
Thực ra là Triệu tứ gia nhờ tôi giúp đỡ. Ông ấy đưa nhầm một đôi hoa tai quý giá, đôi mà vốn định tặng cho dì Mười Ba, cho cô Bao. Cô Bao là một quý cô gần đây nhất ông ấy đang hẹn hò.
Vốn dĩ chỉ là một đôi hoa tai, cũng chẳng có gì, nhưng trùng hợp ở chỗ là lúc dì Mười Ba chơi mạt chược nghe được phong thanh, biết Triệu tứ gia đốt tiền như rác ở hội đấu giá mua đôi hoa tai đó. Ông lại còn tuyên bố trước mặt mọi người là phải tặng cho người phụ nữ mà ông yêu nhất.
Càng trùng hợp hơn nữa là, đêm buổi đánh mạt chược đấy cô Bao đã đến muộn mà vẫn khoan thai, tóc mai vấn tít lên cao, ngoài đôi hoa tai kia ra thì không hề đeo trang sức gì nữa hết.
Nhưng không trùng hợp là, Triệu tứ gia và Thị trưởng đến đấy bàn chuyện, bắt gặp đúng cảnh này.
Ngay trước nhiều đôi mắt chú mục, Triệu tứ gia thản nhiên và nói giỡn với Thị trưởng như thật: “Trùng hợp ghê, y chang đôi hoa tai mà tôi mua ấy, âu cũng là cái duyên.”
Cô Bao mỉm cười.
Dì Mười Ba cũng mỉm cười như thế.
Sau đó Triệu tứ gia nói với tôi: “Phóng viên chụp được con với cậu cảnh sát kia rồi đấy, tên là cái gì Hỏa ấy, hình gửi đến chỗ của bố này, đương nhiên bố biết đấy là bạn học ở trường Tây với con, chỉ ra ngoài ăn bữa cơm thôi nên chẳng hỏi đến, nhưng mà Triệu Long biết được, là nó không để yên đâu.”
Dưới sự uy hiếp của Triệu tứ gia, giải quyết vụ hoa tai liền thành việc của tôi.
Bây giờ, tôi muốn nó trở thành việc của Hách Đạt.
Hách Đạt hoang mang hỏi tôi: “Tôi phải làm sao bây giờ?”
Tôi vạch ra cho y một lối sáng: “Cậu đi xin chú Đại Lực giúp đỡ, ông ấy là chú cậu, chắc chắn sẽ giúp.”
Hách Đạt hỏi: “Nhưng chú tôi thì giúp kiểu gì được?”
Tôi nói: “Thì cậu cứ bảo là đôi hoa tai kia là Triệu tứ gia nhờ Triệu công tử bảo quản, Triệu công tử giao cho cậu bảo quản, nhưng không biết vô ý lùng tung thế nào mà đôi hoa tai đó lại đến chỗ của cô Bao. Bây giờ Triệu tứ gia tức giận, Triệu công tử cũng tức giận, thì cậu xin chú Đại Lực trộm hoa tai về.”
Sở dĩ muốn chú Đại Lực đi trộm, không gì khác ngoài lý do vợ chú Đại Lực là bạn chơi bài với mẹ cô Bao, đi ra đi vào tiện ra tay.
Hách Đạt nghi hoặc hỏi: “Thế vì sao Triệu tứ gia không trực tiếp sai chú tôi làm thế luôn?”
Ôi thằng nhóc ngốc nghếch này.
Đương nhiên là bởi chú Đại Lực là anh em kết nghĩa của dì Mười Ba rồi.
Cậu nghĩ việc đại sự như này Triệu tứ gia sẽ tin tưởng chú ấy hay sao?
Thứ duy nhất có thể khiến chú Đại lực giúp che giấu chuyện này là kéo Hách Đạt vào cuộc. Nếu trách nhiệm việc này nằm trên người Hách Đạt, thì vì đứa cháu trai này, chú Đại Lực tất sẽ giữ kín như bưng, làm việc gọn ghẽ ngay.
Hách Đạt gật gật đầu, đồng ý.
Buổi tối sau khi về, Triệu công tử hỏi tôi: “Em mặc áo khoác của anh à?”
Tôi đáp: “Em ra ngoài với một bạn hàng của hãng buôn nước ngoài, trên đường đi làm bẩn áo khoác mà đúng lúc đang ở gần công ty, bèn đến mượn mặc tạm.”
Triệu công tử: “Ừ.”
Tôi lại nói: “Tiếc là quá dài, vấp chân, về sau thôi em không mặc nó nữa, hôm nay ngã hai lần rồi.”
Triệu công tử mắng tôi: “Mẹ nó, em còn nhỏ lắm đấy? Đi trên đường còn ngã cho được? Ngã đau chỗ nào? Mẹ nó, suốt ngày làm anh xấu mặt. Ngã đau ở đâu rồi?”
Tôi nói: “Đau cẳng chân, anh xoa thuốc giúp em xíu đi.”
Triệu công tử vừa lấy thuốc vừa mắng tôi: “Mẹ nó, chỉ biết sai anh, em không ngã không được à?”
Tôi nói: “Tại áo của anh sai chứ.”
Gã mắng tôi: “Cái gì sai cũng là ông sai! Ông làm em ngã chắc?!”
Tôi liền im.
Gã vừa xoa thuốc cho tôi vừa hỏi: “Áo của ông đâu? Không phải em lại tìm cớ ném đi rồi chứ? Mẹ sư, trên chân không có miệng vết thương không máu bầm, em lại lừa ông đúng không?”
Tôi đáp: “Ngã nhưng cách quần áo, đương nhiên là không có miệng vết thương với máu bầm rồi. Em cũng chẳng phải mệnh nhà giàu, nên da thô thịt dày, chẳng lẽ cách mười ba tầng chăn đệm, còn cảm nhận được một hạt đậu à?”
[2] Một nàng công chúa thực thụ thì nằm cách mười ba tầng chăn đệm vẫn thấy đau người =:)) Tác giả lấy từ truyện “Công chúa và Hạt đậu”.
Triệu công tử vừa xoa thuốc cho tôi vừa mắng: “Mẹ sư, lại đang nói cái vớ vẩn gì không biết? Có phải đang mắng ông hay không? Mẹ nó, mỗi lần em nói gì ông không nghe hiểu là y như đang mắng ông!”
Cái thói đa nghi Tào Tháo này của gã thật sự nên thay đổi đi.
Tôi nói: “Có điều người em không bị sao, nhưng vạt áo bị mài xuống đất hỏng rồi, em đưa đi tiệm may vá sửa cái viền gấu chút. Em biết ngay anh sẽ giận rồi, anh đánh chết em đi.”
Triệu công tử quát tôi: “Ông nghèo đến mức đánh chết em chỉ vì cái áo rách à? Em nghĩ ông là ai? Mẹ sư! Ông để em thiếu ăn thiếu mặc à? Ông có bao giờ đánh em chưa? Mẹ sư! Có phải em lại muốn bỏ trốn với người khác hay không, nên mới ở đây bôi nhọ ông! Lại là thằng nào nữa?!”
Tôi nói: “Tiếp tục xoa thuốc đi.”
Triệu công tử vừa tiếp tục xoa thuốc, vừa tiếp tục quát tôi: “Mẹ tiên sư!”
Hai ngày sau, Hách Đạt lấy đôi hoa tai đá quý từ chỗ chú Đại Lực về, tôi trả lại nó cho Triệu tứ gia.
Một tuần sau, Triệu công tử chủ động bảo gã đã tìm được tập thơ của tôi ở dưới đệm giường, đã thế còn nổi một trận tức như vũ bão, bảo tôi để đồ linh tinh còn đổ oan cho gã. Còn khi tôi hỏi gã là vì sao hai ngày trước lúc giặt đệm giường tôi cũng không thấy tập thơ thì gã nện cái gối đầu xuống đất một cách hùng hổ, rồi bảo tôi gây sự vô cớ, gã không chấp, gã quyết định ra ngoài giải sầu, nhắm mắt làm ngơ đi, thấy tôi là phiền.
*
Nhật ký của Triệu công tử:
Kim Tiên Nhi quen cái tay nhà thơ chẳng ra sao kia, làm tay đấy ký lại quyển khác được.
Nhưng ông phải giúp Kim Tiên Nhi thoát khỏi sự đeo bám của Hoắc Phong.
Mẹ nó, chính ông đã bảo Hoắc Phong đi đeo bám cậu ta này.