Dịch: Hạnh / Ảnh: Jas
Dư Tô tạm bỏ qua chuyện nhiệm vụ, cô gọi ngay cho bố mẹ, bảo họ dọn tới thành phố ở một thời gian.
Vì Dư Tô nói mình trúng giải độc đắc nên giờ bố mẹ cô cũng không đi làm nữa, họ mở một cửa hàng nhỏ trước cổng chung cư, mục đích không phải kinh doanh lớn mà chỉ kiếm chút tiền sinh hoạt phí.
Do là cửa hàng gia đình nên đóng mở cửa cũng vô cùng dễ dàng.
Vì Ứng dụng mà hai năm nay Dư Tô đã không về nhà. Bố mẹ vừa nghe cô chủ động gọi họ đến đã rất mừng, lập tức đồng ý ngày mai sẽ bắt xe đến.
Vì vậy nên Dư Tô và Phong Đình lại đi thuê một căn hộ ở tòa nhà bên cạnh, chỉ cần bố mẹ Dư Tô đến là ở được ngay.
Đêm đó, Dư Tô mơ thấy tình tiết vụ án trong màn chơi.
Nhà họ Vương không có máy cày, ngày hôm ấy con trai cả nhà này mượn họ hàng làng bên chiếc xe để giúp người khác chuyển hàng. Chưa tới năm giờ sáng anh ta đã lái máy cày từ nhà họ hàng đi nên những người khác trong thôn không hay biết chuyện này.
Sau khi đâm phải ông Mã, anh ta lại lái xe đi, máu trên bánh xe bị bùn đất che lấp hết nhưng anh ta vẫn sợ bị phát hiện, bèn men theo một con đường khác, đỗ tại nơi đến chính mình cũng không biết là đâu. Xong, anh ta bỏ xe lại bên một cánh rừng nhỏ rồi chạy như bay về nhà.
Anh con trai lớn nhà họ Vương về đến nhà, run lập cập kể cho cha mẹ nghe chuyện mình gây tai nạn.
Hai ông bà cụ hoảng sợ, lát sau mới bàn nhau mang tám nghìn tệ tới nhà thân thích xin họ giấu giúp.
Tám nghìn tệ khi ấy là số tiền rất lớn, hơn nữa cũng là họ hàng với nhau nên gia đình nọ cũng đồng ý giấu diếm, báo cảnh sát tối qua mình đỗ máy kéo bên đường rồi bị trộm lấy mất.
Dù sao khi ấy cũng mới bốn giờ sáng, không ai tận mắt chứng kiến mà nói là đúng hay sai được.
Về sau, người nhà họ Vương biết được nạn nhân là ông cụ họ Mã không chết nên cũng bớt lo đi nhiều, đặc biệt là Vương Phát vốn sợ chết khiếp. Hay tin mình không đâm chết người, anh ta nhẹ nhõm hơn rất nhiều, thành công giấu tội trước sự tra khảo của cảnh sát.
Sau đó, Mã Văn Tài mới đến nhà họ Vương vay tiền. Nếu là trước đó thì đương nhiên người nhà Vương sẽ cho anh ta vay ngay, nhưng giờ để lấp liếm tội ác, họ gần như đã tiêu hết số tiền tích cóp được, nếu cho Mã Văn Tài vay thì gia đình họ sẽ chẳng còn miếng cơm mà bỏ bụng.
Nhà họ Vương trở nên nghèo khổ và đúng lúc này, chẳng phải dễ khiến người khác phải nghi ngờ sao?
Vậy nên họ mới lấy cớ đã bỏ số toàn bộ số tiền tích cóp ra để kinh doanh, chuyện đã bàn bạc xong xuôi cả, rồi từ chối lời cầu xin của Mã Văn Tài.
Khi đó Mã Văn Tài không hề biết sự thật, bao nhiêu hy vọng tiêu tan trong chốc lát.
Những ngày sau đó, Mã Văn Tài vừa chăm sóc bố lại vừa thỉnh thoảng chạy qua chạy lại đồn công an, mong ngóng tìm cho ra hung thủ. Nhưng phái cảnh sát lại thiếu trách nhiệm, nhất là với một vụ án không ảnh hưởng tới tính mạng con người. Sau khi điều tra được một thời gian thì vụ án bị gác lại.
Họ báo cho Mã Văn Tài rằng có tên trộm đã ăn cắp một chiếc máy kéo, vì sợ bị bắt được nên trong lúc hoảng loạn tên này đã đâm phải ông Mã, tên trộm kia đã chạy mất, không phải bọn họ không muốn bắt hắn mà là thật sự không tìm ra nổi.
Mã Văn Tài cũng không còn cách nào, chỉ đành coi như bỏ.
Chưa đến một tháng sau, những người họ hàng cho Mã Văn Tài vay tiền trước đó tới đòi nợ, anh ta túng quãn quá đành phải tới nhà họ Vương vay tiền lần nữa.
Lần này khi đến trước cửa nhà họ Vương, anh ta đã nghe được cuộc trò chuyện từ trong vọng ra.
Cậu hai nhà họ Vương nói: “Bố mẹ, bố mẹ thiên vị quá! Bố mẹ tốn núi vàng núi bạc để lấp liếm chuyện nhà họ Mã cho anh cả mà, bố mẹ, chỉ vài nghìn thôi mà, khi nào lợn con nuôi béo tốt con bán đi trả lại tiền cho bố mẹ được không?”
Ông cụ Vương nện cây gậy chống xuống sàn nhà, những tiếng “cộc cộc” liên tiếp vang lên, ông phẫn nộ mắng: “Hai đứa khốn nạn này, chúng mày đang nói gì vậy! Im mồm lại ngay cho tao, người ta mà nghe được thì làm sao...”
Nghe tới đây, Mã Văn Tài bèn chạy một mạnh lên đồn cảnh sát trong trấn, kể lại toàn bộ những chuyện mình vừa nghe được cho họ.
Hai cảnh sát bèn theo Mã Văn Tài về làng họ Vương, hỏi chuyện người nhà Vương ngay trước mặt anh ta.
Đương nhiên người nhà họ Vương sẽ không thừa nhận, thay vào đó họ còn mắng ngược lại Mã Văn Tài, nói do nhà họ không cho anh ta vay tiền nên Mã Văn Tài mới bịa chuyện vu oan cho họ.
Vì nhà họ Vương được tiếng thơm trong làng đã lâu nên những người dân vây quanh hóng hớt cũng nói đỡ lời cho họ.
Thấy vậy, phía cảnh sát cũng bỏ đi, không hề có ý điều tra sâu thêm. Trước khi đi họ còn bảo nếu lần sau Mã Văn Tài mà muốn báo cảnh sát thì phải có chứng cứ.
Vào lúc không người nào có thể bảo vệ được công lý, sẽ có kẻ dùng cách của riêng mình để đòi lại công bằng.
Mã Văn Tài nhân lúc nửa đêm lẻn vào nhà họ Vương giết người. Mới đầu, anh ta chỉ định giết hai ông bà cụ và Vương Phát, nhưng khi bị giết, máu Vương Phát bắn lên mặt người vợ nằm ngủ bên cạnh khiến cô ta cũng thức giấc.
Mã Văn Tài không còn cách nào khác đành phải giết thêm một người.
Về sau, nếu cô bé kia không định chạy ra ngoài kêu cứu thì có thể Mã Văn Tài đã tha cho ba người nhà họ Vương. Nhưng hành động của cô bé đã kích thích Mã Văn Tài, khiến anh ta nóng máu giết sạch tất cả mọi người trong nhà.
Nhưng vì chuyên môn nghiệp vụ lạc hậu của giới cảnh sát năm đó mà Mã Văn Tài cũng có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật suốt mười mấy năm.
Xét ra thì chính sự tắc trách của cảnh sát cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nhà họ Vương bị giết hại. Bọn họ không chỉ hại những người đã chết, mà còn hại cả Mã Văn Tài.
Vốn Mã Văn Tài muốn cầu xin sự giúp đỡ của cảnh sát, ban đầu anh ta từng hy vọng có thể dùng pháp luật để giải quyết vấn đề. Chính do sự thờ ơ của cảnh sát đã đẩy Mã Văn Tài đến bước đường này.
Dù có thế nào thì trong bảy người nhà họ Vương có kẻ đáng chết nhưng cũng có kẻ không, đặc biệt là cô bé con vô tội nọ.
Vậy nên dù Mã Văn Tài có lý do giết người thì cũng đáng bị oan hồn báo thù.
Còn trong hiện tại thì sáng sớm ngày hôm sau, một vụ án thảm sát cả gia đình đi vào ngõ cụt suốt nhiều năm cũng đã tìm được lời giải.
Trưa, bố mẹ Dư Tô tới nơi, Vương Đại Long lái xe đưa Dư Tô tới trạm đón bố mẹ.
Thấy Vương Đại Long, bà Dư thoáng sửng sốt, rồi dùng ánh mắt mẹ vợ nhìn con rể ngó từ đầu tới chân anh ta mấy lần.
Dư Tô vội giới thiệu: “Mẹ, đây là đồng nghiệp của con, con nhờ anh ấy đưa con tới đón bố mẹ.”
Không biết vì sao mà vẻ mặt bà Dư lại tỏ vẻ thở phào nhẹ nhõm.
Vương Đại Long ủ dột vuốt mặt, nhìn Dư Tô với ánh mắt như đang hỏi: “Tôi kém cỏi tới vậy sao?”
Dư Tô: “...”
Thật ra Vương Đại Long rất đẹp trai, chỉ là cách ăn mặc rất kén, khó người nào cảm thụ nổi.
Tóc đuôi ngựa, luôn mặc quần áo rộng hơn một cỡ màu nâu đất hoặc màu xám, lại thêm cả dáng vẻ thờ ơ tưng tửng. Ai nhìn cũng thấy anh ta là một tên lập dị.
Về đến nhà, tất cả mọi người đều ghé tới chào hỏi bố mẹ Dư Tô.
Thấy mái đầu đỏ rực của Hồng Hóa, hai vợ chồng lập tức đưa mắt nhìn Dư Tô như thể trách cô giao du với bạn xấu.
Cũng may còn Bạch Thiên, Hồ Miêu và Đường Cổ.
Ít nhất thì vẻ ngoài ba người này trông cực kỳ bình thường.
Mặc dù thực chất họ lại đáng sợ hơn Vương Đại Long và Hồng Hóa rất nhiều.
Bạch Thiên cười tít mắt lễ phép gọi một tiếng “Cô“. Bà Dư vừa quan sát anh ta vừa cừa hỏi tuổi tác, sau khi biết anh ta nhỏ hơn Dư Tô bèn tiếc nuối thở dài.
Dư Tô: “...”
Đường Cổ thậm chí còn chuẩn bị cả quà gặp mặt. Bà Dư được tặng một chiếc vòng ngọc, ông Dư là bộ đồ uống trà.
Chỉ trông qua đã biết hai món đồ này không phải vật tầm thường, Dư Tô cũng không biết anh ta đã chuẩn bị từ lúc nào. Dù rằng hai vợ chồng họ Dư không sành đồ cổ nhưng cũng biết mấy món đồ này chẳng rẻ rúng gì, bèn từ chối liên hồi.
Sau khi bọn họ rời đi, trong phòng chỉ còn lại Dư Tô và bố mẹ, mẹ cô bèn nói: “Đại Bảo, con cũng không còn nhỏ nữa, nếu có bạn trai thì đừng giấu bố mẹ... Không có? Mẹ thấy cậu trai kia cũng được đấy, tên là Đường Cổ đúng không? Lúc nói chuyện luôn cười tươi tắn, nhìn đã biết là người tốt, còn cả cái cậu Bạch Thiên kia nữa, dù nhỏ hơn con nhưng nếu người ta không ngại thì con cũng đừng tỏ ra cao giá...”
Dư Tô thầm nghĩ, mẹ biết nhìn người thật, vừa liếc đã chọn ngay hai tên biến thái.
Hơn sáu giờ chiều Phong Đình mới tan làm trở về, xách hoa quả tới chào hỏi bố mẹ Dư Tô.
Dư Tô đứng đằng sau hờ hững nhìn anh được bố mẹ cô nhiệt tình kéo vào phòng, mời ngồi, rồi lại bắt đầu điều tra lý lịch hộ khẩu.
Dư Tô đau đầu thở dài, kết cục của kẻ đã lớn tuổi lại còn độc thân là thế này đây... Thật đáng thương.
Sau khi trò chuyện nửa tiếng đồng hồ, nét mặt tươi cười của bà Dư nói cho Dư Tô biết: bà đã quên tiệt Đường Cổ và Bạch Thiên rồi.
Dư Tô không chịu nổi nữa phải nhắc bà: “Mẹ, người ta còn bận việc mà, mẹ đừng hỏi nữa, để người ta về đi.”
Phong Đình ngồi trên sofa, híp mắt cười nói: “Không bận, tôi đâu có việc gì.”
“...” Được rồi, anh vui là được.
Bà Dư ngay lập tức sai Dư Tô và chồng mình đi mua đồ ăn, giữ Phong Đình ở lại ăn tối bằng được.
Đi được nửa đường thì chuông điện thoại Dư Tô vang lên.
Thấy dãy số trên màn hình, Dư Tô thoáng cau mày. Cô liếc nhìn bố mình rồi bước dịch sang vài bước, nghe máy: “Tào Linh?”
“Là tôi,“ tiếng Tào Linh vang lên, nghe như bị nén xuống thật thấp: “Hội sẽ không giúp Quách Diểu và Lâm Hạnh, nhưng mọi người phải cẩn thận, hai kẻ này rất thâm độc.”
Dư Tô sửng sốt, hỏi: “Sao cô lại nói cho tôi nghe chuyện này?”
“Bọn họ không phải người ở đây, để ra tay với các cô, giờ họ đã chuyển tới thành phố này rồi. Nếu nghe ngóng được gì thì tôi sẽ gửi tin nhắn cho cô, nhớ kỹ tin nhắn tôi gửi luôn có hai chữ xc.”
Dư Tô còn chưa kịp đáp thì điện thoại đã vang lên tiếng “tút tút“.