Dịch: trongkimtrn
Biên: Vivian Nhinhi
Dụ Thân Vương là người tỉnh táo nhất, sau khi khóc to một hồi với mọi người, ông vẫn cảm thấy còn có rất nhiều đại sự chưa có định ra, nếu ai cũng khóc lóc như vậy thì không phải là biện pháp tốt. Cho nên ông dừng lại đầu tiên, nức nở thưa: “Thần biết tình cảm giữa hoàng thượng và hoàng hậu vô cùng sâu nặng, nhưng vì giang sơn xã tắc Đại Thanh, thần khẩn cầu Hoàng Thượng bớt đau buồn mà bảo trọng long thể. Hôm nay hoàng hậu bất hạnh hoăng thệ, các nghi thức tang lễ lớn nhỏ còn chưa có định ra, kính xin Hoàng Thượng trước tiên đề ra chương trình để bọn thần có thể phụng chỉ mà đi xử lý.”
Mặc dù trong lòng Khang Hi còn đang bi thống vạn phần, nhưng cũng biết lo lắng của Phúc Toàn là thực, nên đành phải nỗ lực xốc lại tinh thần, nói: “Nhị ca nói đúng, nhưng dẫu sao thì hoàng hậu và trẫm đã có hai mươi năm tình cảm. Chuyện này quá đột ngột, nàng ấy cứ như vậy mà đi, làm cho trẫm thật không kịp chuẩn bị tinh thần. Lòng trẫm bây giờ rối như tơ vò, cũng nghĩ không ra cái gì, còn nhờ nhị ca lưu tâm lo toan mọi sự vụ giúp trẫm.” Khang Hi vừa nói xong, thì nước mắt mới vừa ngừng lại một lần nữa trào ra.
Phúc Toàn thấy khóe mắt của Khang Hi sụp xuống, sắc mặt tái nhợt, phảng phất như già hơn rất nhiều, thì trong lòng ông cũng cảm thấy khổ sở lắm. Nhưng Khang Hi đã lên tiếng muốn chính mình xử lý tang lễ này thì mình cũng không thể chủ quan được, nên ông lập tức bình ổn lại tâm thần, nói: “Vậy thì thần sẽ triệu tập đại thần, đại học sĩ ở Thượng Thư phòng, để cùng nhau thương nghị an bài nghi thức tang lễ cho hoàng hậu nương nương. Hiện tại thần cả gan xin thưa, trước hết mời Hoàng Thượng, thái tử, Tứ a ca cùng Đông công gia cởi bỏ chu anh (1) trên mũ miện và cát phục trên người xuống đã.” Khang Hi yên lặng tháo kim long quan ba tầng (2) trên đầu xuống. Lý Đức Toàn đã bước lên trước chờ sẵn, lão đỡ lấy và phủ vải trắng lên, thái tử cũng làm tương tự như vậy. Chỉ có Dận Chân vẫn là sững sờ mà quỳ ngay tại chỗ không nhúc nhích gì, phảng phất như không hay biết gì cả. Cao Quần thấy thế, biết Dận Chân đang thương tâm quá độ, sợ là hắn nhất thời không thể tiếp nhận được chuyện Đông hoàng hậu vừa qua đời, lại sợ Dận Chân thất nghi trước mặt vua mà bước vội đến, thấp giọng nói: “Nô tài đắc tội, xin được thay y phục cho Tứ gia”. Nói xong, Cao Quần mới gỡ quan (3) trên tóc xuống cho Dận Chân, cũng phủ lên một tầng vải trắng, may mà lúc này lòng người bối rối mới không ai để ý đến việc này.
Phúc Toàn dừng lại một chút, sau đó mới nói tiếp: “Về thụy hào (4) của Hoàng hậu, bọn thần không dám vọng nghị, kính xin hoàng thượng định đoạt.” Nhưng Khang Hi chỉ nhìn Đông hoàng hậu nằm trên giường mà không nói một lời. Dụ Thân Vương bất đắc dĩ đành lên tiếng: “Vậy thì thần xin đi quá giới hạn, trước đề nghị mấy chữ cho Hoàng Thượng định đoạt.” Lúc này Khang Hi mới nhẹ gật đầu. Phúc Toàn suy nghĩ một lát, sau đó mới nói: “Hoàng hậu vài chục năm dốc lòng phụng dưỡng Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu cùng với đương kim Hoàng thái hậu, trong Thuyết Văn Giải Tự có viết: Khéo phụng sự cha mẹ là Hiếu (5), thụy hào của Hoàng hậu có thể dùng một chữ ‘Hiếu’.” Khang Hi lại khẽ gật đầu. Phúc Toàn tiếp: “Hoàng hậu đức hạnh hơn người, là chữ “Ý”(6), mà trước khi được phong hậu từng ngồi ở ngôi vị Ý quý phi thống lĩnh lục cung, cũng có thể dùng chữ này.” Lúc này, Khang Hi đột nhiên lên tiếng, ông nói: “Lại thêm một chữ “Nhân”(7) đi, cho tới bây giờ Đông Giai thị đối xử với mọi người luôn rộng rãi, khoan dung, tâm địa nhân hậu, vì trẫm, cũng vì những...hoàng a ca mà lao tâm không ít. Chữ ‘Nhân’ này, sinh ra trong thiên địa, cũng là chữ quý nhất khi làm người, nàng ấy hoàn toàn xứng đáng với chữ đó.” Phúc Toàn vội nói: “Hoàng Thượng thánh minh. Hiếu Ý Nhân hoàng hậu được hoàng thượng bình phán hậu như vậy, ở trên trời tất sẽ mãn nguyện. Như vậy, thần cũng xin cáo lui để xử lý nghi thức tang lễ...”
Dận Chân quỳ một bên vốn tâm thần hoảng hốt sẵn, lúc này lại thấy trước mắt đột nhiên tối sầm, ngã sấp xuống ngay tại chỗ. Cả đoàn người lại cuống cuồng bận rộn lên.
Đến lúc Dận Chân tỉnh dậy, thì ngoài cửa sổ đã tờ mờ sáng. Dận Chân thình lình phát hiện Khang Hi vậy mà đang trông nom ở bên cạnh giường của mình làm hắn cũng bối rối không biết phải làm sao.
Thấy Dận Chân mở mắt, Khang Hi ân cần mà hỏi thăm: “Đã thấy khá hơn chưa?” Dận Chân vừa nghe thấy câu hỏi của Khang Hi lập tức nhỏm dậy, nhưng lại bị Khang Hi đè xuống. Khang Hi thở dài và bảo: “Con trước tiên đừng cử động, nghỉ ngơi nhiều vào. Thái y nói ngày hôm qua con thương tâm quá mức, dẫn đến khí huyết tích tụ nên mới ngất đi. Lúc con ngất đi đã làm cho hoàng a mã cực kỳ hoảng sợ.”
Câu nói này lại dẫn ra nỗi đau xót trong lòng Dận Chân, hắn nói: “Nhi thần bất hiếu, lại để hoàng a mã lo lắng vì nhi thần rồi.” Khang Hi lắc đầu và bảo: “Con là đứa trẻ hiếu thuận, hoàng ngạch nương của con cũng không có uổng công thương con, chỉ là nàng ấy ra đi quá sớm.” Khang Hi dừng lại một lát, vành mắt cả hai cha con cùng đỏ lên. Một lúc lâu sau Khang Hi mới nói tiếp: “Trẫm biết rõ trong lòng con không dễ chịu gì, thế nhưng con phải tỉnh táo lại mà đọc sách rèn luyện cho tốt vào. Đừng phụ kỳ vọng của hoàng ngạch nương của con đối với con, tương lai khi con đã trưởng thành, trẫm tất sẽ trọng dụng.”
Dận Chân không kiềm lòng được mà lại rơi lệ lã chã, hắn cúi đầu nói: “Nhi thần xin ghi nhớ!”
Khang Hi gật gật đầu, nói: “Hôm nay thân thể con còn khó chịu, việc túc trực bên linh cữu cũng không cần đi nữa, cứ điều dưỡng một ngày cho tốt đã!” Dận Chân sau khi nghe vậy thì không khỏi sốt ruột, vội đáp: “Nhi thần cũng không bị bệnh gì, cầu xin hoàng a mã cho nhi thần được túc trực bên linh cữu để tẫn hiếu với hoàng ngạch nương.” Khang Hi nhìn thấy vẻ mặt hoảng hốt của Dận Chân, thì ông cũng không kiên trì nữa, chỉ nói: “Vậy được rồi, con trước tiên ăn một chút, rồi cùng trẫm đi thôi. Mấy vị mẫu phi và các huynh đệ của con, đã đợi ở cung Chung Túy rồi.”
Dận Chân vội vàng khoác áo trắng đội mũ trắng, nuốt vội mấy ngụm điểm tâm rồi theo Khang Hi đến cung Chung Túy. Hắn vừa mới đi đến tiền điện thì chứng kiến cả điện chỉ toàn cờ trắng màn trắng, một cỗ quan tài đang đặt ở trung tâm. Thấy cảnh này, Dận Chân lại càng bi thương. Thấy Khang Hi đi vào, người trong sảnh đường bắt đầu gào khóc. Dận Chân yên lặng nhìn thoáng qua một lần, sau khi tìm được vị trí của mình thì hắn liền đi tới. Lúc đi qua người ngạch nương thân sinh (mẹ ruột) của mình là Đức Phi Ô Nhã thị, chú ý tới biểu cảm phức tạp trên khuôn mặt Ô Nhã thị, trong lòng Dận Chân cũng âm thầm thở dài.
Túc trực bên linh cữu là việc rất dài dòng buồn chán. Trong thời gian này, những a ca khác thỉnh thoảng mượn cớ gì đó để ra ngoài hoạt động tay chân cho đỡ tê mỏi, chỉ có một mình Dận Chân là một mực canh giữ trong linh đường. Tất cả những chuyện này đều lọt vào mắt Khang Hi. Sau ba ngày túc trực bên linh cữu, Dận Chân lập tức đưa ra nguyện vọng được túc trực ba năm trước linh đường dựng trong cung Chung Túy. Khang Hi sau một lát trầm tư mới nói: “Lòng hiếu thảo của con rất đáng khen, nhưng trẫm lại không đành lòng! Như vậy đi, con chỉ cần giữ đạo hiếu ba tháng, dùng tháng thay cho năm cũng được, sau đó, con có muốn dọn sang ở với ngạch nương Đức phi của con không?”
Dận Chân mặc dù vẫn luôn cung kính với Đức Phi, nhưng nói đến tình cảm thì lại không sâu sắc lắm. Hắn cũng không muốn tiếp nhận sự an bài này. Nói gì thì nói, hắn vẫn như cũ cảm thấy việc bản thân mình chỉ túc trực bên linh cữu ba tháng thì còn lâu mới đủ để đền đáp tình yêu thương của Đông hoàng hậu với mình.
Vì vậy, Dận Chân cứ khăng khăng trả lời: “Nhi thần vẫn muốn ở cùng hoàng ngạch nương lâu hơn. Kính xin hoàng a mã cho nhi thần túc trực bên linh cữu ba năm đi ạ!”
Khang Hi cười khổ một cái, dùng giọng dịu dàng ấm áp để khuyên: “Trẫm đã đáp ứng Hiếu Ý Nhân hoàng hậu, phải tài bồi cho con trưởng thành thật tốt. Con định làm cho hoàng a mã nói không giữ lời à.”
Khi nghe Khang Hi nói như thế, Dận Chân cũng không dám kiên trì tiếp, chỉ đành nói: “Thần nhi cẩn tuân ý chỉ của hoàng a mã, chỉ là Thập Tứ đệ còn nhỏ, ngạch nương còn phải chiếu cố cho hoàng đệ, nhi thần sang đó chỉ sợ ngạch nương sẽ có nhiều chỗ bất tiện. Thỉnh hoàng a mã cho phép nhi thần, hết ba tháng túc trực linh cữu được dọn đi điện Hiệt Phương ạ!”
Khang Hi biết rõ trong lòng Dận Chân có cảm tình sâu đậm với Đông hoàng hậu, vượt xa cảm tình của hắn với ngạch nương thân sinh, nhân tiện nói: “Chỗ Nam Tam thì quá xa. Trẫm đã từng nói sau này trẫm sẽ tự mình giám sát con, hi vọng con có thể ở gần trẫm một chút mới tốt. Như vậy đi, con hãy ở cùng một chỗ với thái tử, ở trong cung Dục Khánh, như thế thì hai người các con cũng có thể chăm sóc lẫn nhau.”
Việc an bài này là điều làm Dận Chân không ngờ tới nhất. Hắn hiểu rằng, được ở cùng thái tử, là vì Khang Hi yêu mến chính mình. Thế nhưng ngẫm lại lòng mình thì tuyệt không muốn chung sống dưới một mái nhà với vị nhị ca thái tử lòng dạ hẹp hòi này chút nào. Nhưng bây giờ thì hắn cũng không tiện nói thêm gì nữa, đành phải quỳ xuống đất tạ ơn.
Chú thích:
(1) Chu anh: chỉ phần tua rua đỏ trên mũ hoàng phục, quan phục
(2) Kim long quan ba tầng: Là phần đỉnh của mũ miện của vua nhà Thanh, cao ba tầng hình rồng vàng uốn lượn, đính thêm trân châu. Đỉnh cao nhất gắn một viên lớn, ba tầng dưới gắn bốn viên mỗi tầng, cách giữa các tầng lại gắn một viên.
(3) Quan: Là cách gọi mũ chụp tóc thời xưa. Chương trước có nhắc đến “quan lễ” – tức lễ đội mũ của nam giới cổ đại, đánh dấu tuổi trưởng thành.
(4) Thụy hào: Là tên hiệu (tên hèm) đặt cho người đã chết mang ý nghĩa tôn kính, cúng bái
(5) Đây là câu giải thích về chữ hiếu孝của Hứa Thận (許慎) thời Đông Hán trong Thuyết Văn Giải Tự (說文解字)là: “Hiếu, thiện sự phụ mẫu giả, tòng lão tỉnh, tòng tử, tử thừa lão dã”. Giải thích như sau: Hiếu được hiểu là kẻ khéo phụng sự cha mẹ. Chữ Hiếu孝 do chữ Lão老 (già) lược bớt nét mà thành, lại có chữ Tử 子(con) ở dưới, ý nói con cái phải nghe lời cha mẹ già.
(6) Chữ Ý là chữ 懿. Nghĩa là tốt đẹp, tốt lành, thuần mỹ về tinh thần. Trong phép đặt thụy hiệu, ai có đủ bốn nết ôn hoà, nhu mì, sáng láng, chí thiện thì gọi là Ý, vì thế nên thường dùng để khen phụ nữ
(7) Chữ Nhân là chữ 仁, nghĩa là đức khoan dung, từ ái, thiện lương. Trong Luận ngữ có viết Tử Trương hỏi Khổng Tử về đức Nhân. Khổng Tử đáp: Làm được năm đức trong thiên hạ thì gọi là Nhân. Tử Trương xin hỏi là những đức gì, Khổng Tử đáp: Cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái. Bởi thế nên Khang Hi mới đánh giá về hoàng hậu Đông Giai thị như trên.
p/s Mình có chèn một số hình ảnh về chu anh và kim long quan ở ở phần bình luận ↓nhé.