Không biết có phải trong tiềm thức không muốn cho Tiểu Kim đi gặp bố nó
hay không mà đến khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Lễ Tạ ơn, Sầm Kim
mới nhớ ra chưa đặt vé cho con bé. Cô biết trường con sẽ cho nghỉ một
tuần, nhưng cô không muốn cho Tiểu Kim đến chỗ bố nó cả tuần, vậy là cô
bàn với con gái xem đặt vé hôm nào là phù hợp.
Nhưng Tiểu Kim nói:
- Mẹ, mẹ không cần đặt vé cho con, Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) con không đến chỗ bố nữa.
Cô cảm động lắm, rốt cuộc vẫn là báu vật của mẹ, cho dù đã qua cái tuổi
quàng tay qua cổ mẹ, áp vào má mẹ, “dựa vào nhau mà sống” nhưng cũng chỉ là thay đổi về phương thức, con bé vẫn rất yêu mẹ.
Gạt sự cảm động sang một bên, cô vẫn nói một cách vô tư:
- Hay cứ đến chỗ bố con đi, một mình mẹ ở nhà không sao, mẹ chỉ nghỉ có
hai ngày, đến cuối tuần thì mới là bốn ngày, mẹ xem ti vi, lên mạng,
cũng mau qua thôi.
- Con không phải đi.
- Tại sao?
- Bố nói bố sẽ qua chỗ chúng ta.
Cô ngây ra:
- Ông ấy nói với ai?
- Nói với con.
- Sao ông ấy không hỏi xem mẹ có đồng ý hay không?
- Bố sợ mẹ không đồng ý.
- Sợ mẹ không đồng ý thì tiền trảm hậu tấu?
Cô rất tức giận, lập tức cầm điện thoại bấm số.
Tiểu Kim lêu lên:
- Mẹ, mẹ làm gì vậy! Mẹ đừng gọi điện mắng bố, là con đồng ý cho bố tới,
bố nói nếu mẹ không hoan nghênh bố thì bố có thể đến hotel (khách sạn)
ở, còn có thể đưa con ra ngoài đi chơi, không làm phiền mẹ.
Cô đã bấm số rồi, đầu bên kia có tiếng hỏi:
- Petal à?
- Không phải, là tôi.
- Bé yêu.
- Anh đừng gọi tôi là bé yêu có được không? Nghe nổi cả gai ốc.
Tiểu Kim liền ra ngoài.
Đầu bên kia nói:
- Ha ha, không phải cố ý mà gọi thành quen rồi.
- Cái gì mà gọi quen rồi? Chúng ta đã ly hôn bao nhiêu năm rồi.
- Là do trước khi ly hôn gọi quen rồi, sau khi ly hôn không có cơ hội đổi cách xưng hô mới, nên chưa bỏ được thói quen cũ. Em tìm anh có việc gì
à?
- Lễ Tạ ơn anh muốn đến đây sao không bàn bạc với tôi trước đã?
- Anh đã nói với Petal rồi.
- Anh chỉ nói với nó là được?
Bên kia cũng tỏ thái độ cứng rắn:
- Anh có quyền thăm con gái, nó đồng ý anh đến đâu thì anh đến đó thăm
nó. Em có thể không tiếp đón anh, thậm chí có thể không cho anh vào cửa
nhưng em không có quyền ngăn cản anh thăm con gái anh.
- Không phải đã nói là nó đến chỗ anh sao?
- Anh đã kiểm tra vé máy bay, bay thẳng rất đắt, nhưng Petal nhỏ như vậy, nếu chuyển máy bay thì anh không yên tâm.
Cơn giận của cô vơi đi một chút:
- Lễ Tạ ơn anh không ở nhà, người nhà không nói anh à?
- Anh đã li thân với cô ta rồi.
Cô bĩu môi, trong lòng nghĩ: Hừm, thảo nào bên kia thôi rồi mới nghĩ tới
bên này. Nhưng cô không hỏi tiếp, hai người phân phân hợp hợp cũng không phải là một hai lần, cô không còn hứng thú với việc này nữa.
Đầu dây bên kia cũng chuyển đề tài:
- Tiểu Hồng, chuyện Petal vào đại học em đã quyết định chưa?
- Anh chưa hỏi nó?
- Đợt trước anh đã hỏi, lúc đó con bé còn chưa biết vào trường nào thì tốt.
- Nếu con bé không biết thì anh hỏi tôi có tác dụng gì? Trong mấy chuyện
này tôi đều theo nó, nó tự quyết định, muốn thi trường nào thì thi, dù
nó chọn trường nào thì chỉ cần đỗ vào được tôi cũng dốc sức ủng hộ nó.
- Nếu vào trường học tư thì học phí rất đắt.
Cô cười:
- Anh quan tâm chuyện con bé chọn trường như vậy hóa ra là do anh phải
trả tiền? Anh yên tâm đi, tôi chưa bao giờ làm như anh mong đợi. Chuyện
con gái vào đại học tôi sẽ nghĩ cách, cùng lắm là vay tín dụng thôi.
- Không phải anh sợ trả tiền mà chỉ cần anh có thì anh sẽ cố gắng trợ cấp cho nó. Đừng quên rằng nó cũng là con gái anh.
- Thế anh còn lo cái gì nữa?
- Cái chính là anh sợ một mình con bé xem xét vấn đề không thể chu toàn, em làm mẹ thì hãy giúp con vượt qua cửa ải này.
- Cái này tôi biết.
- Trường học vẫn không phải là điều anh lo lắng nhất, cái chính là chuyên ngành. Anh nghe nó nói muốn học chuyên ngành tiếng Anh, anh rất lo, sợ
nó học ra không tìm được việc công việc.
Cô cũng có mối lo này, hai người dường như đã tìm được tiếng nói chung. Cô hỏi:
- Anh có định hướng gì cho nó không?
- Nói thì anh cũng đã nói một chút, nhưng không dám nói nhiều, sợ nó không vui. Em có thời gian thì cố gắng hướng dẫn nó.
Cô không nén nổi cười:
- Anh thật xảo quyệt, mình không muốn đắc tội với con gái lại bảo em đi làm kẻ ác?
Đầu dây bên kia có vẻ bối rối:
- Không phải bảo em làm người ác, cái chính là em ngày ngày ở bên con, có thể dần dần giúp nó thấm nhuần khái niệm học tiếng Anh không tìm được
việc làm. Anh cách xa như vậy, thời gian nói chuyện ít nếu gọi điện
thoại mà lại cứ trái với ý nó thì nó chẳng sẽ hận anh sao?
- Lễ Tạ ơn anh chẳng phải tới đây sao? Lúc đó anh có thể nói chuyện với nó.
- Được, bé yêu, đến lúc đó em có thể ra sân bay đón anh được không?
Cô cũng chẳng buồn chỉnh sửa lại cách xưng hô của anh, trả lời:
- Anh xem anh đang nói cái gì vậy? Tất nhiên em có thể ra sân bay đón anh, lẽ nào em lại là loại người hẹp hòi sao?
- Vậy anh báo cho em số chuyến bay, em ghi lại nhé.
Cô ghi lại số máy bay của anh.
Bên kia đầu dây được thể lấn tới:
- Anh đến chỗ em, không cần phải thuê khách sạn chứ?
- Anh chẳng nói anh có thể ở khách sạn mà?
- Có thể thì tất nhiên là có thể, nhưng house (nhà) em cũng có guest room (phòng khách) mà? Để anh ở đó đi, có thể ở cùng với Petal nhiều hơn
chút. Ngày nào em cũng ở bên con nên không cảm nhận được, rất khó thấu
hiểu anh hiếm khi được ở cùng con bé và nhớ nó đến nhường nào.
Cô phát hiện ra anh vẫn tình cảm như vậy, không làm chủ mình một lát là sẽ mắc lừa anh ta ngay, bất giác cười, ngắt lời anh ta:
- Được rồi, được rồi, đừng có nói mình đáng thương này nọ nữa, anh không cần đặt phòng khách sạn.
- Cám ơn, cám ơn em.
Buổi trưa, Tiểu Kim từ nhà thờ về, cô nhắc lại chuyện chọn ngành nghề, kéo cả bố con bé vào làm người ác cùng:
- Tiểu Kim, bố con hôm nay nói chuyện trong điện thoại, ông ấy không muốn con học ngành tiếng Anh, sợ sau này khó tìm việc.
Tiểu Kim cười:
- Con biết, còn mẹ? Mẹ có tán thành không?
- Mẹ cũng cảm thấy chuyên ngành tiếng Anh không dễ tìm việc. Sao con phải học chuyên ngành tiếng Anh? Viết screenplay (kịch bản phim) cũng không
cần đến chuyên ngành tiếng Anh! Con xem mấy nhà văn lớn, nhà viết kịch
lớn đấy, có mấy người là tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh đâu?
- Họ tốt nghiệp chuyên ngành gì ạ?
- Mẹ… Không biết.
- Vậy sao mẹ nói họ không phải English major (sinh viên chuyên ngành tiếng Anh)?
Cô cứng họng, xem ra nói chuyện với con bé cũng phải làm bài tập bổ trợ, không thể ba hoa tùy tiện được.
Tiểu Kim hỏi:
- Mẹ ơi, tại sao bố mẹ cứ lo chuyện tìm việc của con? Con vẫn chưa vào
đại học, hai người lại lo sau khi con tốt nghiệp không tìm được việc, đó chẳng phải là chuyện của rất nhiều năm sau này sao?
- Chuyện của rất nhiều năm về sau nhưng nếu chuyên ngành chọn sai thì bao nhiêu năm uổng phí hết.
- Sao lại uổng phí? Con có thể học rất nhiều thứ.
- Nhưng nếu con học rất nhiều thứ mà lại không tìm được việc thì con dựa vào cái gì để mưu sinh?
- Con viết screenplay (kịch bản phim) này, con còn có thể viết novel (tiểu thuyết) này.
- Nhưng nếu dựa vào viết lách để mưu sinh thì con sẽ rất khó mà viết được thứ gì hay ho.
- Tại sao?
- Bởi vì con luôn nghĩ viết như thế nào mới bán được, con lại luôn phải
nghĩ sao cho phù hợp thị hiếu của độc giả, như thế sẽ viết không hay.
- Tại sao?
- Bởi vì… vì thị hiếu của độc giả không giống nhau, hơn nữa có thể thay
đổi. Một nhà văn lớn không phải là phục vụ thị hiếu của độc giả mà phải
tạo ra thị hiếu cho độc giả, cải thiện thị hiếu của độc giả.
Cô nói một thôi một hồi, cứ tưởng rằng chắc chắn sẽ thuyết phục được con bé, kết quả là con bé lại hỏi:
- Mẹ, thị hiếu là cái gì?
- Là taste.
- Thế cái gì là “phục vụ thị hiếu”? Có phải là Milky Way (Dải ngân hà) không?
Xem ra vừa rồi coi như nói cũng bằng không, cô đành phải dùng tiếng Anh nói lại một lần.
Con gái nói một cách dễ dãi:
- Mẹ, tùy mẹ, mẹ bảo con học ngành nào thì con sẽ học ngành đó.
- Vẫn phải xem con thích ngành gì, mẹ chọn thay con nếu con không thích thì học cũng chẳng có hứng thú và động lực.
- Mẹ nói thử xem mẹ muốn con học ngành gì, xem con có thích hay không.
- Con có thích nghề y không?
- You mean medical school? (Ý mẹ là trường Y?)
- Ừ, học ra làm bác sĩ.
Con gái phàn nàn:
- Sao bà mẹ Asian (châu Á) nào cũng muốn con mình học medical school thế? Mẹ Nadia muốn bạn ấy học medical shool, mẹ Rajishi muốn cậu ấy học
medical school, mẹ Sean cũng vậy.
- Đó đều là mấy bà mẹ Asian?
- Phải.
- Sean, không phải người Mỹ sao?
- Sean là người Mỹ, nhưng nhà cậu ấy đến từ Korea (Hàn Quốc).
Cô không trả lời được.
Con gái nói:
- Con biết rồi, bởi vì các bà mẹ Asian đều rất thích tiền, họ muốn con
mình học medical school là có thể kiếm được nhiều tiền, họ sẽ không phải đi làm, để con cái nuôi họ.
Cô vội vàng thanh minh:
-
Mẹ không nói con nhất thiết phải học medical school, mẹ chỉ đưa ra cho
con một sự lựa chọn, cũng không phải vì muốn kiếm tiền mà mẹ mới có lựa
chọn này, chỉ là cảm thấy con gái làm bác sĩ thì rất tốt.
-
Nhưng làm medical doctor (bác sĩ) cần rất nhiều năm học tập, bốn năm
under (đại học), bốn năm medical school (trường Y), còn phải là
residency (bác sĩ nội trú), phải on call (trực ban, lúc nào cũng sẵn
sàng).
- Làm nhà văn cũng rất vất vả, không kể ngày đêm, còn chưa chắc đã có người đồng ý nhận không.
- But I don’t want to be a medical doctor. (Nhưng con không muốn làm bác sĩ.)
- Không làm thì thôi vậy.
Cô thấy con gái không vui thì không dám nói đến vấn đề này nữa, để cho bố Tiểu Kim đi mà đối phó.
Tối trước Lễ Tạ ơn một ngày, cô đưa Tiểu Kim ra sân bay đón bố nó.
Con gái rất phấn khởi, ăn mặc chỉn chu hơn, còn trang điểm nhẹ, và bảo cô cũng phải trang điểm:
- Mẹ, đừng có mặc bộ này, đây là bộ mặc hàng ngày, không được, mẹ phải mặc bộ của ngày lễ!
- Tại sao? Chúng ta ra sân bay đón người chứ có phải đi tham gia vũ hội đâu?
- Mẹ phải mặc đẹp hơn một chút, khiến mắt bố phải sáng lên.
- Mẹ không quan tâm mắt ông ấy có sáng lên hay không.
Con gái bất lực:
- You don’t know how to please men. (Mẹ không biết làm thế nào để làm hài lòng đàn ông.)
Cô cười ha ha:
- Mẹ làm please (làm hài lòng) ông ấy để làm gì?
- He’ll fall in love with you again. (Bố sẽ lại yêu mẹ.)
- Lần trước con chẳng nói He still loves you (ông ấy vẫn yêu mẹ) sao? Sao hôm nay lại muốn mẹ trang điểm để làm cho ông ấy yêu lại mẹ?
Con gái vẫn kiên trì:
- He loves you, but you can’t take it for granted. You should rekindle
his love now and then. (Bố vẫn yêu mẹ, nhưng mẹ không thể coi đó là vấn
đề tất yếu, mẹ phải có một cái gì đó để kích thích tình yêu của bố đối
với mẹ.)
Cô hỏi tò mò:
- Đây có phải là kinh nghiệm qua thực tế của con?
- Kinh nghiệm qua thực tế là What’s (là gì?)
- Là những điều con học được từ experience (kinh nghiệm) của bản thân.
Con gái không nói gì.
Cô hỏi với vẻ quan tâm:
- Thế nào?
- Nothing (không có gì).
Cô cảm thấy trong tình yêu con gái không được suôn sẻ cho lắm, có thể đã
gặp thằng nào đó xấc xược, hết lần này đến lần khác bắt con gái phải
rekindle tình yêu của nó. Cô rất lo, lo đến nỗi lồng ngực đau thắt,
không biết thằng khốn nào lại đối xử với Tiểu Kim của cô như vậy, không
tôn thờ con gái cô như một nàng công chúa mà bắt con bé phải lấy lòng nó thế, nếu điều tra ra là đứa nào thì cô nhất định sẽ…
©STE.NT
Cô thật cũng chưa biết mình có thể làm gì, không thể chạy đến chỗ thằng
khốn đó đánh cho nó một trận, cũng không thể chạy đến trước mặt thằng
khốn đó cầu xin nó yêu con gái cô.
Cô vỗ về con gái:
- Trên đời này thiếu gì con trai, Đông phương không đẹp thì Tây phương đẹp.
- Mẹ, tại sao Đông phương không đẹp? Có phải đã hết thời của học rồi không?
- À, đây là một cách nói ẩn dụ, có nghĩa là đứa này không yêu mình thì còn có đứa khác yêu mình.
- But that guy is not this guy. (Nhưng đứa khác không phải là đứa này.)
Cô không còn từ để nói, ngực càng thêm thắt lại.
Hai mẹ con lên xe, cô lái xe, con gái bật GPS (hệ thống định vị bằng vệ
tinh). Không biết con gái đã điều chỉnh ngôn ngữ chỉ đường của GPS từ
tiếng Anh thành tiếng gì, đến một câu cô cũng không hiểu, lo lắng nói:
- Tiểu Kim, con đừng chỉnh lung tung, mẹ không thuộc đường, con chỉnh
thành ngôn ngữ này mẹ nghe không hiểu, mẹ không biết lái thế nào, khéo
lại đi nhầm đường ra sân bay đấy.
- Không sao, sắp đến sân bay con sẽ chỉnh lại về tiếng Anh.
Con gái cứ theo direction (phương hướng) với ngôn ngữ kì quái của GPS, cô
hoàn toàn không hiểu, chỉ có thể dựa vào sơ đồ trên GPS để lái xe, lái
một lát cô hỏi:
- Đây là tiếng gì vậy? Sao cứ “đô ni oa, đô ni cô” thế?
Con gái cô cười rũ rượi trên ghế.
Cô thầm than, vẫn còn trẻ con lắm, tinh thần vừa sa sút mà chốc cái đã tốt ngay, chỉ mong con gái vui vẻ thật sự, chứ không phải là giả vờ cho cô
thấy.
Đến sân bay, cô dừng xe ở hourly parking (bãi đỗ xe tính phí theo giờ) trước, sau đó cùng Tiểu Kim vào phòng chờ đợi bố nó.
Sân bay có một cửa hàng bán các loại tạp chí, đặt trên giá sách, ai cũng có thể lấy ra đọc. Cô và Tiểu Kim tự tìm những quyển tạp chí mà mình
thích, đứng đó lấy ra đọc. Nhưng cô cứ thấp thỏm, không vào đầu được
chút nào, trước mặt cứ chập chờn khuôn mặt của Lewis, lòng hậm hực nghĩ: không biết có phải thằng nhóc đó đang giày vò Tiểu Kim của cô không,
hừm, một thằng chẳng ra thể thống gì mà còn đòi con gái cô hết lần này
đến lần khác phải rekindle tình yêu của nó?
Một lát sau Tiểu Kim đi lại gọi cô:
- Mẹ, sắp đến giờ rồi, chúng ta đến chỗ lấy hành lý đợi bố đi!
Cô nhìn nhìn Arrivals (chuyến bay đến) trên bảng thông báo sân bay nói:
- Chuyến bay của bố con vẫn chưa tới, tới rồi còn phải đi ra nữa, ít nhất cũng phải nửa tiếng.
- Đi thôi mẹ, đừng để lỡ.
Cô đành phải đặt cuốn tạp chí xuống, cùng con gái đến chỗ lấy hành lý đợi bố Tiểu Kim.
Đúng bốn giờ, mới nghe thấy tiếng gọi vui vẻ của Tiểu Kim:
- I saw Papa! (Con nhìn thấy bố rồi!)
Tiểu Kim tiến lên, nhưng cô vẫn không di chuyển mà đợi ở chỗ cũ. Bố con nhà
người ta gặp nhau, còn cô chẳng qua cũng chỉ là lái xe mà thôi.
Cô đứng xa xa nhìn người chồng cũ, người đàn ông một thời hào hoa phong
nhã đó giờ cũng đã béo lên, to con hơn, da đen hơn vì phơi nắng, tóc
cũng ít hơn.
Thời gian không tha cho ai mà!
Tiểu Kim khoác tay bố đi lại, rất phấn khởi nói:
- Mẹ, bố đến rồi.
Bố nó một tay ôm con gái một tay kéo vali hành lý, mỉm cười nói:
- Bé yêu, em chẳng thay đổi chút nào, vẫn trẻ trung và xinh đẹp như xưa!