Sầm Chi – bố của Sầm Kim nổi danh nhờ cây bút, và cũng xui xẻo vì ngòi
bút. Ông dùng cây bút của mình, viết tên lên bảng vàng “nhà văn trẻ” đạt “giải thưởng nhà văn”, và cũng tự đưa mình vào đống bùn lầy của “phần
tử phái hữu”.
Năm xưa, với tấm lòng đầy nhiệt huyết và sự nông
nổi của tuổi trẻ, chàng trai trẻ Sầm Chi đã hưởng ứng lời kêu gọi của
Đảng, giúp Đảng chỉnh đốn, với cây bút của mình, ông đã viết tiểu
thuyết, sáng tác thơ ca, có mấy bài viết đưa ra ý kiến đối với Đảng. Sầm Chi cứ tưởng rằng nhờ đó Đảng sẽ có sự cải tiến, đâu ngờ… ông.
Phong trào chống phái hữu vừa bắt đầu thì Sầm Chi bị lôi vào, phải đội chiếc
mũ “phần tử phái hữu”, bị đều đến một thành phố E rất nhỏ xa xôi làm
giáo viên của trường Trung học thứ Ba.
Sự xuất hiện của Sầm Chi
được coi như là một thông tin lớn và mới của thành phố E, bởi thành phố E cách tỉnh đến mấy trăm ki lô mét, giao thông bất tiện, ngồi xe ngồi tàu đều mất một hai ngày, cho nên rất ít người từ tỉnh đến. Nay có một
người phái hữu từ trên tỉnh xuống, từng là nhà văn lớn, đã xuất bản
sách, có nhiều bài viết đăng báo, tạp chí, đó hẳn là một sự bất thường.
Nhưng sự xuất hiện của Sầm Chi khiến cho lãnh đạo trường trung học thấy đau
đầu: Để phần tử phái hữu từ tỉnh xuống này dạy môn gì đây?
Sầm Chi tự nguyện nhận dạy môn Ngữ văn, nói đó là nghề tay phải của mình.
Nhưng nhà trường không dám để Sầm Chi dạy Ngữ văn, sợ ông sẽ truyền cho học sinh tư tưởng phái hữu chống Đảng, chống nhân dân.
Vậy thì dạy Lịch sử đi.
Không được, dạy Lịch sử rất dễ mượn cổ bác kim.
Dạy Địa lý thì sao?
Cũng không được, đừng có cổ xúy cho việc quốc dân Đảng chống Đại lục trên giảng đường.
Dạy Âm nhạc?
Càng hỏng bét, công khai truyền bá cho học sinh những âm thanh suy đồi.
Kết quả sau nhiều cuộc thảo luận là Sầm Chi trở thành giáo viên dạy “môn Lao động”.
Môn Lao động của trường học trước đây là do giáo viên chủ nhiệm các lớp đảm nhiệm, có nghĩa là đưa học sinh đi vệ sinh sân trường, đào hố trồng
cây, chăm sóc mấy mẫu vườn cây của trường, lo mấy việc bếp núc cho nhà
ăn của trường. Giờ có Sầm Chi là giáo viên chuyên trách môn Lao động,
giáo viên chủ nhiệm đã được giải phóng, đến lớp nào học môn Lao động thì Sầm Chi lên lớp, đưa học sinh đi lao động, cá nhân cũng được sẽ cải tạo tư tưởng trong việc rèn luyện lao động.
Cách làm này của trường trung học lúc đó không chỉ có mình trường biết mà chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp thành phố E, lãnh đạo trường trung học còn vì thế được nhận bằng khen của cấp trên.
Nhưng thật không may cho Sầm Chi, cả
đời chưa từng lao động chân tay, thực sự là “vai không thể vác, tay
không thể làm”, giờ buộc phải đưa học sinh đi lao động, không chỉ bản
thân phải có thể lực, tay mang tay vác tay đào, mà còn phải duy trì kỷ
luật, ngăn ngừa học sinh gây chuyện đánh nhau, để xảy ra sự cố thương
vong, thật khiến Sầm Chi mỏi mệt.
Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com
Sầm Chi với ước mơ làm nhà văn chảy bỏng bị điều đến vùng đất bé như vậy,
rơi vào hoàn cảnh phải đi lao động chân tay, hơn nữa không còn cơ hội
trở về tỉnh làm nhà văn, tự thấy mình rơi xuống vực sâu của cuộc sống,
không còn thiết sống.
Nghe nói lúc đó Sầm Chi thường xuyên lang
thang bên bờ sông, bờ ao, và bên hố phân, đắn đo không biết nhảy xuống
đâu để có thể chết nhanh, chết triệt để hơn.
Thời đó nước máy
của thành phố E vẫn chưa được phổ cập, chỉ có trường học và nhà máy mới
có nước máy, còn người dân muốn dùng nước thì đều phải ra sông gánh về,
Sầm Chi nghĩ nhảy xuống sông không ổn, sẽ bị thanh niên đi gánh nước
nhìn thấy, cứu lên, vậy thì bao công lao lại đổ xuống sông xuống bể hết, tội lại tăng thêm một nấc, gọi là “sợ tội mà tự sát bất thành”, như vậy cuộc sống sau này càng khốn đốn hơn.
Hay nhảy xuống ao đi, lại
sợ bị đàn bà con gái giặt quần áo nhìn thấy, vừa được ngụm nước đã bị
người ta kéo khỏi cái ao, vẫn là công cốc.
Nhảy vào hố phân thì
sẽ chẳng có ai ra tay cứu, nhưng mồm miệng tai mắt đều ngập ngụa nước
phân, nước tiểu, nghĩ đến đã thấy khó chấp nhận, hơn nữa chết bẩn thỉu
như vậy, nếu muốn đầu thai kiếp sau để làm nhà văn thì cũng đừng mong
đợi gì.
Đúng lúc đứng bên bờ vực của sự tuyệt vọng thì Sầm Chi
nhận được một lá thư gửi từ tỉnh nhà, xưng Sầm Chi là “thầy của em”, ký
tên “Đào Kim Phần, một người yêu văn ngưỡng mộ thầy”, nội dung thư toàn
là những lời lẽ khích lệ.
Sầm Chi vắt óc cũng không nghĩ ra được cô gái Đào Kim Phần đó là người nơi nào, ông giở lại cuốn sổ ghi chép
nhỏ quý báu của mình ra tìm, cũng không thấy cái tên “Đào Kim Phần”, mà
những cái tên trong cuốn dổ đó đều là quá khứ rồi, người ta không liên
lạc với ông từ lâu. Ông xé toạc cuốn sổ ghi chép đó, tìm một quyển sổ
nhỏ mới, trong cột “họ tên”, viết một cách cung kính mấy chữ “Đào Kim
Phần”, trong cột “liên hệ”, cảm kích viết mấy chữ “ân nhân cứu mạng”.
Sầm Chi viết thư trả lời rất cẩn thận, nói mình có lỗi với nhân dân, có lỗi với Đảng, phạm sai lầm theo phái hữu, may nhờ có chính phủ cứu rỗi kịp
thời, đã cho mình cơ hội sửa chữa làm lại từ đầu, giờ đang nỗ lực cải
tạo tư tưởng, phấn đấu sớm trở về với vòng tay của nhân nhân dân v.v…
Đào Kim Phần nhanh chóng gửi tới bức thư thứ hai, lần này không còn kiểu
khách sáo nữa, sau tiếng xưng hô “thầy của em” lại thêm một chữ “tình
yêu của em”, và thẳng thắn thổ lộ tình yêu và lòng ngưỡng mộ của mình
đối với “thầy của em, tình yêu của em”, cảm xúc chân thành, lời văn
thanh thoát, Sầm Chi đọc mà ngây ngất, cứ như một giấc mơ.
Mãi
cho đến giờ Sầm Chi mới nhớ ra một khuôn mặt mơ hồ, Đào Kim Phần chắc là cô gái nhỏ nhắn có khuôn mặt hơi xanh xao, trông nhỏ hơn nhiều so với
nhóm nữ sinh yêu văn nghệ, không giống sinh viên đại học, mà giống học
sinh trung học chưa hết tuổi dậy thì. Ông chỉ có một chút ấn tượng như
vậy đối với Đào Kim Phần, cũng bởi vì cô vẫn chưa trưởng thành nên lúc
đó ông nghĩ cô là em gái của một nữ sinh nào đó.
Ông hoàn toàn
không ngờ trong cơ thể nhỏ nhắn Đào Kim Phần lại ẩn chứa sự gan dạ và
sức mạnh to lớn như vậy, trong khi tất cả mọi người đều không dám qua
lại với ông thì cô nữ sinh bé nhỏ này lại mạnh dạn thổ lộ tình yêu chân
thành của mình với ông, điều đó khiến ông cảm động đến rơi nước mắt, lập tức viết ngay một lá thư bày tỏ nỗi lòng.
Nhà văn thì hay dễ bị lẫn lộn giữa tưởng tượng và hiện thực, bức thư đầu tiên Sầm Chi viết
cho Đào Kim Phần không giống như viết cho cô gái nhỏ nhắn chưa trưởng
thành với khuôn mặt mơ hồ, mà như viết cho người yêu mà mình đã khao
khát, mến mộ bao năm, một tình cảm sâu đậm, nồng nhiệt và lãng mạn.
Từ đó Sầm Chi không còn cảm thấy cô đơn, buồn tẻ nữa, những mệt mỏi về thể xác cũng đã dễ chịu hơn, cuộc sống trống trải cũng trở nên phong phú,
toàn bộ thời gian rỗi rãi của ông đều dùng để viết thư, giống như viết
một cuốn tiểu thuyết, có lúc phải chỉnh sửa nhiều lần, có lúc lại viết
một mạch, bức nào cũng viết rất văn vẻ, hai người nói chuyện về văn
chương, về kịch, về nghệ thuật, về hội họa, phàm là chủ đề không liên
quan đến cơm áo gạo tiền, họ đều bàn tới.
Nhưng ông không dám nói đến tương lai, biết mình không xứng.
Đào Kim Phần mấy lần hỏi ông có dự định gì trong tương lai, ông đều quanh co rồi lảng đi.
Sau đó Đào Kim Phần đã viết một tiểu thuyết ngắn, nhờ “thầy của em” chỉnh sửa.
Cuốn tiểu thuyết viết về hai thanh niên người Nga, người con trai bị Lê nin
gọi là “Đảng viên Đảng tháng Chạp” của “Những nhà Cách mạng quý tộc”,
sau khi việc lật đổ Sa hoàng bị thất bại, đã bị lưu đày đến vùng Siberia lạnh giá, vị hôn thê của anh đã từ bỏ cuộc sống quý tộc, xa hoa để đuổi theo người mình yêu ở Siberia, hai người đã kết thành vợ chồng tại vùng đất băng giá và sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Đọc xong
cuốn tiểu thuyết của Đào Kim Phần, Sầm Chi không chỉ cảm động vì một
tình yêu không hề lay chuyển được thổ lộ giữa từng câu từng chữ, mà cũng kinh ngạc bởi ngòi bút của cô. Đào Kim Phần nói đã từng gửi ông bài
viết của mình, nhờ ông chỉnh sửa, vậy sao ông không hề phát hiện ra ngòi bút hay như vậy? Có phải vì lúc đó người gửi bài cho ông quá nhiều nên
đến đọc ông cũng không buồn đọc mà vứt ngay vào sọt rác?
Nếu lúc đó đọc cuốn tiểu thuyết này của Đào Kim Phần thì chắc chắn ông sẽ vô
cùng sửng sốt và lập tức đề nghị biên tập xuất bản cuốn tiểu thuyết này. Nhưng giờ thì việc xuất bản nó là điều không thể, không chỉ vì sự tiến
cử của ông đã không còn đáng một xu, mà còn bởi ông đã sáng mắt ra sau
phong trào chống phái hữu của mình, ông biết rằng tiểu thuyết như vậy
rất có thể sẽ bị coi là sự ám chỉ, sẽ coi tác giả như một phần tử phản
động có mưu đồ lật đổ chính phủ và sẽ bị bắt giam.
Ông không trả lời thư ngay, nhưng trong lòng cũng suy nghĩ liên miên, sau hai ngày ba đêm, ông gửi lại Đào Kim Phần cuốn tiểu thuyết đã được ông “hiệu đính”.
Nửa phần đầu của cuốn tiểu thuyết được giữ nguyên bản, nhưng kết thúc bị
sửa lại, vị hôn thê của chàng thanh niên Đảng tháp Chạp đó không đuổi
theo đến Siberia, mà lại nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, ở lại Saint
Petersburg sống một cuộc sống êm đềm, lấy đội trưởng đội vệ quốc của Sa
hoàng, và có cuộc sống tốt hơn.
Vài năm sau chàng thanh niên
Đảng tháng Chạp đó đã già yếu, chắc không thể tạo phản nữa, nên được Sa
hoàng ân xá, rời Siberia, anh ta đến Saint Petersburg để tìm người yêu.
Ngày nào anh ta cũng băng qua gió tuyết đi tìm trên các đường phố, cuối
cùng đã gặp lại được vị hôn thê năm xưa. Cô vẫn còn trẻ và xinh đẹp,
đang ngồi trong một chiếc xe ngựa sang trọng, bên cạnh là người chồng
vạm vỡ và đứa con còn non nớt.
Anh đi đến gần cỗ xe ngựa, cô không nhận ra anh, nhưng rất nhân từ cho anh một chút tiền.
Cỗ xe ngựa xa dần trong tiếng chuông leng keng, lớp tuyết bị vó ngựa cào
lên theo cơn gió lạnh buốt thổi tạt vào mắt chàng thanh niên Đảng tháng
Chạp.
Anh ngã xuống nền tuyết, trên môi là một nụ cười hạnh phúc.
Sau khi bức thư được gửi đi, trong thư trả lời Đào Kim Phần viết: “Cảm ơn
sự chỉ bảo của thầy, em đang viết bản thảo thứ hai, sau khi hoàn thành
sẽ gửi thầy, kính mong thầy sửa giùm”.
“Bản thảo thứ hai” này rất lâu sau vẫn chưa được gửi tới.
Mùa hè đến, trường học nghỉ hè, Sầm Chi không phải lên lớp lao động, nhưng
lãnh đạo phân công cho ông nhiệm vụ: phụ trách mấy vườn rau của nhà
trường, nói rằng kỳ nghỉ hè, một số giáo viên không rời trường, vẫn ăn ở nhà ăn nên trường không thể cắt đứt nguồn cung cấp rau xanh.
Đây rõ ràng là công việc phải làm thêm, nhưng Sầm Chi không dám lên tiếng,
ai bảo mình là kẻ phái hữu chứ? Đã đội cái mũ to như vậy thì há không
phải để cho người ta giẫm vài cái, đá vài cái sao?
Vậy là Sầm
Chi biến thành anh nông dân trồng rau, hàng ngày bận rộn giữa mấy mảnh
vườn, xới đất, tưới nước, bón phân, diệt sâu, rất cực nhọc.
Ông
vốn đã quen với sự đau đớn về mặt thể xác, nhưng sự trống vắng về tình
cảm lại càng khiến sự đau khổ tăng thêm gấp bội. Sau khi được nếm mùi vị tình yêu và và sự ngưỡng mộ của Đào Kim Phần, giờ bỗng đột ngột rơi vào cảnh ai ai cũng nhìn với con mắt khinh bỉ, khiến cuộc sống của Sầm Chi
càng không còn ý nghĩa gì. Ông bắt đầu lại đi lang thang khắp nơi, để
xem làm thế nào cắt đứt ý thơ.
Một hôm, khi ông đã chăm bón xong mấy mảnh rau của nhà trường, quấn xắn ống cao, khắp người đầy mùi phân
trở về căn phòng tồi tàn của mình, đang mở khóa cửa thì nghe thấy một
giọng nữ phía sau: “Thầy Sầm, cuối cùng thầy cũng đã về!”
Ông
quay đầu lại nhìn, đó là một cô gái trẻ từ trong bóng râm của một lùm
cây đi ra, khuôn mặt đỏ ửng, tay cầm một chiếc khăn tay không ngừng phe
phẩy.
- Cô là?
- Thầy không nhận ra trò sao?
- Cô là Đào?
- Sao ạ? Không giống như thầy tưởng tượng?
- Trong ấn tượng của tôi, em là một cô bé rất gầy.
- Người không lớn lên sao ạ?
Đào Kim Phần thật sự đã lớn lên nhiều, ngực cô nhấp nhô, eo thon thả, cánh
tay trắng nõn như cọng sen, mặc một chiếc váy hoa nhí, eo thắt một chiếc thắt lưng cùng màu với váy, khiến cho những đường cong trên cơ thể cô
đều được thể hiện một cách rất tinh tế, chân đi đôi giày đen với đôi tất trắng.
Một luồng sinh khí trẻ trung được thổi đến.
Trong đầu nhà văn lớn Sầm Chi lại hiện ra một cụm từ: thắt đáy lưng ong.
Đầu óc ông u mê đi, chỉ có thể nghĩ đến cụm tính từ đó.
Đây cũng là cụm từ mà Sầm Kim buộc phải nghe thấy khi cô được nghe bố kể lại chuyện tình cảm của mình.
Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com
Đào Kim Phần “thắt đáy lưng ong” nhìn bộ dạng của ông thầy nhếch nhác đang
choáng váng mất cả phương hướng thì rất vui, tinh nghịch hỏi:
- Có phải sư mẫu đang trốn trong phòng thầy không?
- Không, không, tôi chưa kết hôn, làm gì có sư mẫu nào?
- Chưa kết hôn vẫn có thể có sư mẫu, sư mẫu tương lai.
- Không có, không có, tuyệt đối không có.
- Không có sư mẫu thì may, nếu có thì em không tiện quấy rầy.
- Ờ! Mau vào nhà đi, ngồi đi, tôi vừa tưới phân xong, người bẩn thỉu quá, để tôi ra bể nước rửa ráy chút đã.
- Em cũng đi với thầy.
- Em!
- Em cũng vừa mới đến, cả người cũng đầy mồ hôi, cũng muốn đi rửa ráy chút.
Cái hôm đó, bố mẹ làm gì ở bể nước thì Sầm Kim không biết.
Khi kể cho cô nghe đoạn lịch sử này, bố mẹ đều dừng lại và nhảy phắt sang
phần “sau đó”. Khi lớn rồi, cô cũng từng trơ mặt hỏi mẹ, nhưng mẹ cô nói lần đó chẳng làm gì cả, người thời đó rất giữ phép tắc, chưa đăng ký
kết hôn, chưa làm đám cưới thì sẽ không làm gì cả, cùng lắm là nắm tay,
hôn một cái. Nhưng hôm đó là lần gặp riêng đầu tiên của bố mẹ, ai cũng
không dám lỗ mãng, hấp tấp, cho nên hai người đi ra bể nước rồi mỗi
người trốn vào một chỗ mà đối phương không nhìn thấy để rửa, rồi về nhà.
Kỳ nghỉ hè năm đó, mẹ cô sống ở chỗ tạm thời do nhà trường sắp xếp, đó là
một phòng học, giường được ghép từ mấy chiếc bàn học, mẹ lót một lớp
bông lên trên, phủ lên tấm khăn trải giường kẻ ô màu hồng phấn của mình, trên đỉnh mắc cái màn.
Còn bố vẫn ở trong căn phòng tồi tàn
mười mét vuông cũ, dùng hai cái ghế đẩu của học sinh, bên trên đặt một
tấm ván cửa, đó là giường của bố.
Cái màn của bố rất cũ, đã bị
thủng, hàng ngày bố đều bị muỗi cắn. May mà mẹ cắt mấy miếng vải từ
chiếc áo sơ mi cũ của bố để vá vào cái màn, bố mới không “hiến máu” cho
muỗi nữa.
Lúc nhỏ, Sầm Kim nghe kể đến đây thường hỏi bố:
- Con muỗi đó có cắn con không?
Bố mỉm cười rồi nói:
- Lúc đó còn chưa có con.
- Sao lại chưa có con?
- Bởi vì bố mẹ lúc đó vẫn chưa kết hôn.
- Sao bố mẹ chưa kết hôn?
- Lúc đó đang nghỉ hè, lãnh đạo trường học đều không có ở trường, sao kết hôn được?
- Tại sao lãnh đạo của trường không có ở trường thì không thể kết hôn?
- Tại vì kết hôn phải được lãnh đạo trường phê chuẩn thì mới có thể đi đăng kí.
- Không đăng kí thì sao ạ?
Bố nói một cách nghiêm túc:
- Không đăng kí? Không đăng kí thì không thể kết hôn, kết hôn cũng không được tính.
Sự thực sau này đã chứng minh, kết hôn có được tính hay không không phụ
thuộc vào bạn có đăng kí hay không. Cuộc hôn nhân không đăng ký có thể
vẫn được tính; cuộc hôn hôn nhân đã đăng ký cũng có thể không được tính. Mà việc có được tính hay không này trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc đời của bố mẹ và Sầm Kim.
Nhưng Sầm Kim lúc đó không hiểu những điều
này, cô chỉ thấy tò mò, sao cuộc hôn nhân không đăng ký lại không được
“tính” chứ? Đó có phải giống như học môn Ngữ văn hay không?