Trùm Tài Nguyên

Chương 252: Q.3 - Chương 252: Nguy cơ.






- Nguy cơ lớn nhất sao?

Hoàng tử Abdullah hỏi một cách khó hiểu, theo anh ta thì việc Hoàng thất Kuwait có thể trở về Kuwait đã là Thánh A La ban phước rồi! So sánh thực lực của Kuwait với Iraq thì quả thực là trên trời dưới đất, nếu không có người Mỹ hỗ trợ, ngay cả Arập Saudi và các nước khác liên kết lại, e rằng cũng khó có thể đuổi được Iraq ra khỏi Kuwait.

Nhưng vừa rồi Phương Minh Viễn đã nói rất rõ ràng, cuộc chiến lần này, người Mỹ thắng là chuyện không thể nghi ngờ, Hoàng thất Kuwait khẳng định sẽ được trở về Kuwait. Tuy rằng không hiểu vì sao Phương Minh Viễn có niềm tin tưởng mãnh liệt như vậy nhưng từ vài lần ‘lời tiên đoán’ của Phương Minh Viễn trở thành sự thật, tự nhiên là khiến Hoàng tử Abdullah tin tưởng hắn hơn nhiều, thành ra càng coi trọng ý kiến của hắn. Phương Minh Viễn quả quyết như lời thề son sắt khiến trong lòng Hoàng tử Abdullah cũng tăng vài phần hy vọng.

- Đúng, là nguy cơ lớn nhất! Liên quan đến Kuwait, Arập Saudi, thậm chí là nguy cơ của toàn thể nhân loại!

Phương Minh Viễn nghiêm mặt nói.

Nghe Phương Minh Viễn nói một cách nghiêm trọng lạ thường như vậy, lập tức Hoàng tử Abdullah nghẹn đến cổ họng, anh ta không nghĩ ra được là có chuyện gì mà liên quan ảnh hưởng tới mức độ toàn thể nhân loại như vậy.

- Hoàng tử điện hạ, chắc là Hoàng gia của quý quốc đã có chuẩn bị tâm lý, nếu Iraq không lui binh, hai bên lại xung đột, như vậy sẽ có khả năng Kuwait bị hủy diệt phải không?

Phương Minh Viễn đập bàn nói.

Hoàng tử Abdullah gật đầu, chiến tranh làm sao có khả năng không làm tổn hại đến người dân bình thường và các công trình xây dựng, năm đó chiến tranh thế giới lần thứ II đã biến không biết bao nhiêu thành phố của các nước thành một đống hoang tàn. Nước Pháp, nước Anh, Liên Xô, Đức cũng đều là như thế, tự nhiên là Kuwait cũng không có khả năng ngoại lệ.

Nhưng theo Hoàng thất Kuwait thì chỉ cần có thể lấy lại đất nước, chỉ trong vòng vài năm, một thành phố Kuwait mới tinh sẽ một lần nữa đứng sừng sững bên bờ vịnh Ba Tư. Đó chính là lợi thế của một quốc gia nhỏ, tốc độ xây dựng lại rất nhanh, chi phí cần dùng cũng không cao, có số dầu mỏ cuồn cuộn không ngừng được sản xuất ở Kuwait, Hoàng thất Kuwait rất có niềm tin với số lợi nhuận này. Thậm chí đô đốc Ả Rập còn tính toán chi phí xây dựng lại nhà cửa của nhân dân bị mất mát trong chiến tranh cũng nhất định sẽ do chính phủ chịu trách nhiệm.

- Hoàng tử điện hạ, nhưng các anh chưa từng nghĩ tới chuyện chiến tranh chấm dứt cũng không có nghĩa là hạnh phúc sẽ đến!

Phương Minh Viễn nói một câu đầy thâm ý.

- Vốn các anh chẳng có ai nghĩ tới, triệu tập một lực lượng xử lý sự cố tràn dầu và nhân viên chữa cháy toàn cầu sao?

- Triệu tập một lực lượng xử lý sự cố tràn dầu và nhân viên chữa cháy toàn cầu sao?

Hoàng tử Abdullah ngẩn cả người, triệu tập những người này làm gì?

Lúc này toàn cầu đều chú ý tới Iraq nên sẽ không nghĩ đến chuyện theo chiến tranh phát triển, nhân loại sẽ gặp phải sự cố ô nhiễm dầu mỏ lớn nhất từ trước tới nay xuất hiện tại vùng vịnh! Dầu mỏ là một trong những nguồn năng lượng nền tảng trong xã hội công nghiệp hiện đại, bởi vậy phương thức hữu hiệu để làm suy yếu tiềm lực của quân địch là phá hủy các cơ sở dầu mỏ, hành động quân sự này cũng không phải lần đầu tiên thấy trong các cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20. Nhưng những cuộc chiến tranh trong quá khứ cũng như hiện tại chưa từng xuất hiện ô nhiễm tràn dầu mỏ nặng nề như ở chiến tranh vùng vịnh, khiến cho sinh thái biển ở khu vực vịnh Ba Tư và người dân sống hai bên bờ vịnh gặp phải tai họa khôn lường.

Ô nhiễm biển trong chiến tranh vùng vịnh chủ yếu là do các hành động quân sự của hai bên và quân Iraq cố tình làm rò rỉ dầu mỏ. Sau chiến tranh, theo công tác thống kê không hoàn chỉnh của các chuyên gia thì trong lúc liên quân các nước tiến hành không kích đã phá hủy các cơ sở sản xuất dầu ở Iraq và Kuwait, từ đó tạo thành rò rỉ dầu. Mà Iraq cũng tiến hành phản kích lại các cơ sở dầu mỏ ở Arập Saudi, đồng thời quấy nhiễu việc liên quân đổ bộ vào bờ biển phía đông của Kuwait, quân đội Iraq khiến dầu của Kuwait tràn ra vùng vịnh.

Theo dự đoán của các chuyên gia, trong toàn bộ quá trình các hành động quân sự của hai bên và quân Iraq đã cố ý làm tràn dầu thì số lượng dầu mỏ bị rò rỉ phải lên tới gần mười triệu thùng dầu, gấp hàng chục lần số lượng dầu mỏ rò rỉ của toàn cầu lúc ấy! Khu vực vịnh Ba Tư đã hình thành một khu ô nhiễm lớn, cuối cùng làm ngành công nghiệp đánh bắt cá của Arập Saudi hoàn toàn đình trệ, hơn nữa lớp dầu nổi trên mặt biển di chuyển khiến các nhà máy làm nhạt nước biển ở ven biển bị ô nhiễm, khiến việc cung ứng nước ngọt từ các nhà máy làm nhạt nước biển ở Ả Rập gặp phải khó khăn lớn.

Dầu tràn còn làm cho chim hải âu ở vịnh Ba Tư dính đầy dầu trên người, không bay được, chỉ có thể chờ chết trên các bãi biển và tảng đá. Các sinh vật biển khác cũng không thể tránh được tai họa, cá kình, cá heo, rùa biển, tôm cua cùng với các loại cá khác đều bị nhiễm độc mà chết hoặc không hít thở được mà chết, trở thành bên bị thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến tranh này.

Đến giờ Phương Minh Viễn vẫn còn nhớ rõ, nhìn thấy loài chim và các loài cá đáng thương này trên TV, cả người đều dính dầu mỏ đen sì, căn bản là có giãy dụa cũng vô ích, chỉ có hình ảnh chờ chết bi thảm khắp nơi.

Nghe xong Phương Minh Viễn miêu tả, Hoàng tử Abdullah không khỏi nhảy dựng lên, kích động nói:

- Phương, cậu nói là người Iraq có thể cố tình làm tràn dầu ra vùng vịnh trong thời gian chiến tranh sao? Chuyện này, chuyện này…bọn họ điên rồi!

Bản thân là người Ả Rập, tự nhiên là anh ta hiểu được chuyện này sẽ dẫn đến hậu quả đáng sợ. Quả thực anh ta không tin nổi, người Iraq lẽ nào có thể làm ra chuyện điên rồ như vậy.

- Không phải là có khả năng mà ý tôi là chắc chắn sẽ như vậy!

Phương Minh Viễn ra hiệu cho anh ta ngồi xuống

- Nếu lục quân của Iraq được xếp hạng trên thế giới thì hải quân lại tuyệt đối không được xếp hạng. So sánh với hạm đội của Mỹ thì căn bản là sẽ không chịu nổi một đòn đánh mạnh. Dưới tình huống như vậy, để bảo đảm an ninh ven biển, tránh không cho quân Mỹ đổ bộ vào tác chiến, sĩ quan chỉ huy quân đội Iraq đã quyết định làm giống như trong chiến tranh Triều Tiên, muốn phòng tránh bị tấn công hai bên sườn, ngoại trừ để dầu tràn ra thì còn có lựa chọn nào khác sao?

Hoàng tử Abdullah trầm lặng một lúc thật lâu, lúc này mới gật đầu, quả thật là như lời Phương Minh Viễn nói, đội hình tàu sân bay của Mỹ so với hải quân Iraq đúng là như thuyền lớn hiện đại so với thuyền ba buồm vậy, thật đáng buồn cười.

Nếu quân Mỹ định đổ bộ tác chiến từ ven biển thì đúng là hải quân Iraq căn bản là không đủ lực để ngăn cản, mà nếu Iraq triệu tập binh lực để phòng vệ ven biển thì không thể nghi ngờ sẽ dẫn đến phân tán lực lượng, so sánh với chuyện đó thì thà rằng quân đội Iraq chọn cách để tràn dầu ra biển còn hơn.

- Vậy ngoài chuyện để tràn dầu… Phương, ý của cậu là người Iraq sẽ châm lửa đốt các giếng dầu sao?

Hoàng tử Abdullah đột nhiên phản ứng, kêu lên thất thanh. Tiếng của anh ta còn làm cho cả nhân viên Bộ ngoại giao đang đứng ngoài cửa chạy vọt vào, nhìn thấy hai người bình an vô sự trong phòng khách, lúc này mới lại lui ra ngoài.

- Cũng có khả năng này, nước Hoa Hạ chúng tôi có câu tục ngữ là ‘không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất!’ (là một câu thành ngữ dân gian Trung Quốc, nó có nghĩa nôm na là không sợ việc to tát, chỉ sợ việc không may xảy ra bất ngờ. Đây cũng là một lối chơi chữ, luyến láy 2 từ nhất vạn (10.000) và vạn nhất (1/10.000-nói theo người Việt ta là muôn một-ít có)). Nếu Saddam bị quân Mỹ đánh bại, ai dám đảm bảo là gã không đem người dân các quốc gia phương Tây ra làm tấm chắn thịt người, sẽ không hạ lệnh châm lửa đốt mỏ dầu Kuwait chứ?

Câu hỏi của Phương Minh Viễn vô cùng sắc bén, khiến Hoàng tử Abdullah á khẩu không trả lời được. Đúng vậy, đã là Saddam Hussein dám thách thức dư luận thế giới thì còn có chuyện gì gã không dám làm? Nhưng đốt giếng dầu thì dẫn đến nguy hại còn lớn hơn cả làm tràn dầu!

Ở kiếp trước của Phương Minh Viễn, từ những tiết lộ của các chuyên gia quân sự, lúc ấy trước khi quân Iraq bại trận lùi về thì đã châm lửa đốt các mỏ dầu là để cho hả giận, đồng thời cũng muốn làm chậm tốc độ tiến công của quân Mỹ, mục tiêu là lấy khói đặc để yểm hộ. Mà khói đặc đầy trời quả thật sẽ ảnh hưởng lớn đến lực lượng không quân, khiến máy bay bị chậm lại, chi phí bảo dưỡng tăng lên, khiến xác suất thành công khi tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iraq giảm thấp mạnh.

Chỉ vì một thắng lợi quân sự này của Iraq mà Kuwait và toàn bộ khu vực Trung Đông, thậm chí toàn bộ thế giới đều vì thế mà phải trả giá thê thảm và nghiêm trọng, ngay cả Hoa Hạ ở xa ngàn dặm cũng bị ảnh hưởng.

Trong cuộc chiến tranh này, cuối cùng Kuwait có khoảng hơn chín trăm mỏ dầu bị phá hủy, với nỗ lực ra sức dập tắt lửa của các đổi cứu hỏa trên toàn thế giới, nhưng những mỏ dầu này vẫn cháy đến tám tháng sau mới hoàn toàn bị dập tắt toàn bộ. Một ngày nhiều nhất có khi cả triệu tấn dầu thô bị thiêu đốt. Những giếng dầu bị thiêu đốt này tạo thành áp lực khiến dầu thô phun trào lên như mấy trăm con rồng lửa, khi cháy tạo thành khói đặc che kín mặt trời, khiến ban ngày cũng như ban đêm, giữa trưa mà tầm nhìn ở Kuwait cũng chỉ mấy mét, nhiệt độ không khí cũng vì vậy mà hạ xuống. Ban ngày mọi người lái xe cũng phải bật đèn pha, người đi bộ thì phải soi đèn pin chiếu sáng. Khung cảnh giống y như là miêu tả ngày tận thế trong các phim điện ảnh.

Việc đốt các giếng dầu còn khiến không khí bị ô nhiễm trên quy mô lớn, trong thời gian ngắn ngủi, không khí xung quanh khu vực Kuwait nơi nơi đều tràn ngập mùi dầu cháy gây mũi ghê người. Qua mấy trận mưa thì toàn bộ Kuwait thành ra như bị phủ một lớp màng nhầy trơn trượt. Hơn nữa mọi người còn kinh ngạc thấy những con chim trời đang tự do bay lượn trên không trung bỗng nhiên như bị đạn bắn trúng, đột nhiên rơi xuống đất mà chết.

Rất nhiều bò dê sau khi ăn phải cây cỏ đã bị ô nhiễm thì lăn ra chết, xuất hiện một hiện tượng trúng độc, co giật một cách khổ sở mà chết, người chăn nuôi chỉ còn cách đứng bên cạnh nhìn mà bó tay không có cách nào cứu vãn. Hơn nữa sau chiến tranh xuất hiện một số lượng lớn binh lính bị hội chứng chiến tranh vùng vịnh, nghe nói cũng có liên quan đến việc này.

Một số lượng lớn các giếng dầu bị thiêu đốt cũng có thể làm cho khí hậu thay đổi khác thường. Do khói đặc bao phủ che lấp mặt trời tạo thành một khu vực nhiệt lượng của mặt trời bị hạ xuống, thảm thực vật và thổ nhưỡng đều bị ảnh hưởng. Hơn nữa vụ cháy đã khiến rất nhiều địa phương ở khu Trung Đông xuất hiện mưa axit, làm cho thực vật ở khu vực đó bị hư hại nghiêm trọng. Ngay cả Iran ở cách Kuwait vài trăm km về phía đông cũng dính mưa đen.

Hơn nữa theo lời của các chuyên gia, sau khi dầu mỏ bị đốt cháy sẽ xuất hiện một lượng tro bụi lớn theo dòng khí trong không trung khuếch tán ra khắp nơi, khói đen này theo luồng khí ấm từ Ấn Độ Dương thổi về phía đông, khi vượt qua dãy Himalaya thì ngưng tự lại thành tuyết đen rơi xuống. Mà số tuyết đen này sẽ nhanh chóng hấp thụ ánh sáng mặt trời, khiến một lượng lớn băng tuyết bị tan chảy, từ đó khiến nước sông tăng vọt, trở thành nguyên nhân Hoa Hạ bị lũ lụt vào năm 1991.

Các chuyện gia phân tích như vậy rốt cuộc có chính xác hay không thì Phương Minh Viễn không biết, tuy nhiên hắn cảm thấy đợt lũ lụt năm 1991 nguyên nhân nhiều hơn là do người dân trong nước phá rừng chặt cây bừa bãi gây ra hiện tượng xói mòn đất mà ra, hơn nữa người dân trong nước còn lấp đi rất nhiều ao hồ để làm ruộng khiến nước sông dư thừa không có chỗ chảy đi, cuối cùng mới gây ra đại họa.

Những việc như thế thà tin là có còn hơn là không, cứ nhắc nhở Hoàng thất Kuwait một câu, nếu có thể khiến liên quân quốc tế chú ý một chút, bảo vệ các mỏ dầu của Kuwait trước tiên, từ đó giảm bớt hậu quả của ô nhiễm, cho dù cuối cùng có ảnh hưởng đến Hoa Hạ hay không cũng là làm được một việc thiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.