Trùng Sinh Trở Về Năm Ba Tuổi

Chương 77: Chương 77: Chương 77: SARS đột kích!




Lăn qua lăn lại suốt cả một đêm, ngủ thẳng đến chiều mới rời giường. Cha Mạnh vừa bước ra khỏi phòng liền kêu đói, muốn mẹ Mạnh nấu ngay vài món nóng sốt để an ủi dạ dày của mình. Có lẽ do tuổi tác không còn trẻ, chưa tới mười năm, mà tinh lực đã không còn dồi dào như trước. Cơm nước xong ông còn phải đi khảo sát siêu thị một vòng, động viên những nhân viên còn phải làm việc vào đêm ba mươi. Thu mua lòng người không thể chỉ dựa vào việc cho thêm tiền thưởng là được, vừa phải tạo động lực vừa an ủi lòng người, quả nhiên không phí công đọc sách của cha Mạnh, học có thể đi đôi với hành được rồi.

“Cha, tối ngày hôm qua con gọi điện thoại đến nhà họ Tằng chúc tết, Tằng phu nhân nhận. . . . . .”

Ở nhà không thể hút thuốc lá, nhưng vốn là người nghiện thuốc nặng, cha Mạnh liền rút một điếu thuốc ra đặt ở trước mũi hít hà, sau đó mới đáp: “Ừ cha biết rồi, Tằng phu nhân nói thế nào thì con cứ làm như thế đi!”

“Vậy kế hoạch của cha. . . . . .”

“Cục trưởng Tằng là người thông tình đạt lý, ông ấy nói với cha rằng rất cám ơn con trong khoảng thời gian qua đã chăm sóc cho con gái ông ấy, nhờ đó mà cô nhóc sáng sủa hơn nhiều, còn muốn mời con ăn cơm nữa đấy. Tằng Phu nhân tuy có hơi bới móc cố tình gây sự nhưng mấy lần cha đến tìm ông ấy đều rất vui vẻ, có lẽ là nhớ đến lòng tốt của con rồi!“.

Nghe xong Mạnh Tĩnh Nghiên cực kỳ vui vẻ, ha ha, quả không hổ danh lãnh đạo, nhìn xa trông rộng, chèo chống cho cả con thuyền, so với kia lãnh đạo phu nhân còn có kiến thức hơn nhiều...! Tăng Hàm Vi có một người mẹ như vậy thật xui xẻo, có lẽ xuất thân của bà ta cũng là đại tiểu thư con nhà danh giá, cho nên mới muốn con gái mình mười ngón tay không dính nước, cũng may là cha mẹ cô không có tật xấu này.

Đúng lúc này, thức ăn vừa vặn được bê lên, cha Mạnh cắm cúi ngồi ăn như hổ đói, tuy lúc ngủ bụng kêu lên ùng ục, nhưng ông không tài nào mở nổi mắt, nằm chết dí đến ba giờ chiều đến lúc thật sự không chịu nổi nữa mới bò dậy.

Vốn còn định cả nhà đi ra ngoài thăm thú, nhưng cha Mạnh lại ngủ đến xế chiều mới dậy vì thế có muốn đi cũng không kịp nữa rồi. Hai mẹ con cô ở nhà nghỉ ngơi, còn người đàn ông duy nhất trong nhà còn phải mặc quần áo tử tế lái xe đến siêu thị thị sát một vòng.

Lúc sắp đi mẹ Mạnh còn dặn dò cha Mạnh phải lái xe cẩn thận, buổi sáng tuyết rơi nên đường rất trơn.

Mùa xuân năm 2003, SARS ập đến. Thủ đô Bắc Kinh phát hiện mấy ca nghi vấn liền lập tức cách ly quan sát. Trên truyền hình, các phương tiện truyền thông mỗi ngày đều thông báo những tình huống mới nhất. Hơn 13 triệu người trong cả nước trừ những đứa trẻ còn chưa biết nói chuyện ra còn lại đều vô cùng bàng hoàng, bất cứ người nào đến trạm xe lửa, sân bay đều phải kiểm tra thân nhiệt hết sức cẩn thận. Thậm chí ngay cả cửa hiệu cắt tóc cũng không phục vụ người tỉnh ngoài, chỉ cần mở miệng không phải khẩu âm địa phương lập tức liền có người lễ phép mời khách ra ngoài.

Ở thành phố A dịch Sars bùng phát, không ít trường đại học cao đẳng phải đóng cửa niêm phong, không cho ra vào. Còn nếu dám vi phạm, nhẹ thì khiển trách, nặng thì trực tiếp khai trừ.

Mạnh Tĩnh Nghiên sớm có chuẩn bị, trong nhà tích trữ một lượng lớn dấm trắng, nước sát trùng, khẩu trang, nhiệt kế. Lúc này mặc kệ khẩu trang có dễ nhìn hay không, có đẹp hay không, lúc nào cũng đeo trên mặt mới có thể an tâm một chút. Người trẻ tuổi ra đường bắt xe buýt lại càng phải đeo, tính mạng so với bất cứ thứ gì đều quan trọng hơn. Nếu ngay cả mạng cũng bị mất còn lo đẹp với xấu làm gì?

Tuy nhiên người xưa thường có câu nói trước bước không qua, có lẽ ông trời vẫn muốn gây khó dễ, vào một buổi sáng nào đó, nghe mẹ Mạnh gọi mình dậy đi học mà Mạnh Tĩnh Nghiên không tài nào bò dậy nổi. Mẹ Mạnh vừa sờ vào trán kiểm tra, nhiệt độ nóng đến dọa người.

“Bà này, tôi đi làm trước, sáng sớm hôm nay có một cuộc họp quan trọng!“. Cha Mạnh vừa xỏ giày vừa dặn dò vợ mình: “Tôi không ăn sáng ở nhà đâu, đến công ty họp xong ăn tạm gì đó cũng được!“.

“Công việc, công việc, cả ngày lẫn đêm ông chỉ biết có công việc, Nghiên Nghiên bệnh không dậy nổi đây này!“.

Nước mắt nhanh chóng tràn ra, rất nhiều chuyện bình thường chưa từng nghĩ hoặc lơ là sơ sót trong nháy mắt chợt xông lên đầu mẹ Mạnh. Rồi lại nhớ đến việc hai vợ chồng bình thường đều vội vắt chân lên cổ không có thời gian để ý chuyện trong nhà, cũng may con gái khéo léo hiểu chuyện không hề gây phiền toái cho bọn họ. Từ nấu cơm đến thu dọn nhà cửa đều một mình quán xuyến, chưa bao giờ khiến hai vợ chồng họ phải quan tâm. Bọn họ làm cha mẹ, rất hiếm khi buổi tối về nhà đúng giờ, mà không phải ra ngoài xã giao, bọn họ thật sự thiếu nợ con bé rất nhiều.

Trong khoảng thời gian này, phát sốt lại càng không phải là chuyện nhỏ, trường của Mạnh Tĩnh Nghiên tuy không đóng cửa, nhưng mỗi lớp đều được phát 5-6 nhiệt kế, đo nhiệt độ thường xuyên, một khi phát hiện có học sinh sốt cao . . . . .

Cha Mạnh nghe thấy thế giày cũng không thèm cởi, đang cầm túi lên liền vọt vào phòng con gái, sờ tay lên trán cô kiểm tra, nhiệt độ cao đến mức khiến ông nhíu chặt chân mày. Mẹ Mạnh lấy nhiệt kế từ trong ngăn tủ ra, kẹp vào nách Mạnh Tĩnh Nghiên, sau đó lấy chăn bọc cả người cô lại, chỉ có đầu lộ ở bên ngoài.

“38 độ chín! Lão Mạnh, mau lấy quần áo của Nghiên Nghiên đến đây, đưa con bé đi bệnh viện!“. Thân nhiệt bình thường là 37 độ, nếu quá 37 độ chính là phát sốt, 38 độ chín là sốt cao, nếu không kịp thời hạ sốt có thể sẽ dẫn đến viêm phổi.

“Không được!”, cha Mạnh lớn tiếng quát: “Không thể đưa vào bệnh viện!”

“Không đi bệnh viện? 38 độ chín, không thể để sốt đến mức không chữa được! Mau mau mặc quần áo vào cho con, nếu ông không có thời gian thì để tôi đưa con bé đi!”

“Bà điên rồi sao? Nghiên Nghiên bị sốt là do tối ngày hôm qua tắm xong bị cúp điện, không sấy khô ngay nên mới bị cảm dẫn đến phát sốt, nếu đưa bệnh viện thì với tình trạng này con bé sẽ bị cách ly ngay!”

“Cách ly. . . . . .”, Cả nước đều đang đấu tranh với dịch SARS, những bệnh nhân sốt cao thế này nhất định phải cách ly để quan sát. Trong lòng cha mẹ Mạnh đều biết rõ, con gái mình không thể nào nhiễm SARS được, vì trừ đi học ra con bé đều rất ít ra cửa, mà mỗi khi ra cửa đều đeo khẩu trang cẩn thận. Trong nhà mỗi ngày đều trừ độc ba lần, cả ngày còn nấu rễ bản lam* uống thay nước. Nhưng người trong nhà rõ ràng là một chuyện, khi đưa đến bệnh viện bác sỹ có tin hay không lại là chuyện khác? Cách ly, sao họ có thế cam lòng để con gái mình chịu tội?

* Rễ bản lam hay còn gọi là bản lam căn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc chuyên trị: Sốt cao như cảm cúm, viêm não đơn độc, sởi, viêm họng, sưng tuyến mang tai; các loại lở loét trong xoang miệng…

Vừa nghĩ tới Nghiên Nghiên có thể sẽ bị nhốt vào trong phòng bệnh, mỗi ngày đều bị bác sĩ y tá đến lấy máu, làm đủ các loại xét nghiệm, rồi tiêm thuốc, cha mẹ người thân lại không thể vào thăm thì tâm lý mẹ Mạnh lập tức hoảng loạn, không biết phải làm sao mới phải, nước mắt rơi xuống như mưa.

“Được rồi đừng khóc, khóc thì có ích gì! Đi tìm thuốc hạ sốt cho Nghiên Nghiên uống đã, có lẽ đến xế chiều sẽ tốt hơn thôi!“.

“Đúng đúng, uống thuốc trước đã, buổi chiều là tốt, buổi chiều là tốt!“. Mẹ Mạnh dường như đang tự thuyết phục bản thân, vội vàng chạy đến tủ thuốc tìm thuốc. Trước tiên cho con gái uống một gói hạ sốt, bà cũng không đi làm, ngồi ở bên cạnh cứ cách mấy phút lại đo nhiệt độ cho Mạnh Tĩnh Nghiên một lần.

Ước chừng nửa giờ sau, nhiệt độ cũng hạ xuống 38 độ, tuy vẫn còn cao, nhưng dầu gì cũng đã hạ hơn lúc trước. Lại đi đến tủ thuốc tìm tìm xem còn có thể cho con gái uống thêm cái gì nữa không.

Điện thoại của cha Mạnh reo liên hồi, giục ông mau đến họp, tất cả mọi người đều đến đông đủ chỉ còn thiếu mình ông. “Để Lý Ái Dân chủ trì hội nghị, trong nhà tôi có chút chuyện, cả tuần này sẽ không đến công ty, các anh phân chia công việc quản lý cho tốt!“.

Không có gì quan trọng hơn sức khỏe của con gái mình, những năm này liều mạng kiếm tiền, là vì cái gì? Còn không phải là vì muốn vợ con mình cuộc sống khá hơn, cơm áo không lo? Bao nhiêu tiền cũng không quan trọng bằng sức khỏe của người trong nhà. Mẹ Mạnh cầm tay chồng, may mắn vẫn còn có ông để dựa vào.

Nhưng trời lại không chiều lòng người, chưa tới hai tiếng sau, thân nhiệt Mạnh Tĩnh lại bắt đầu tăng cao. Mẹ Mạnh gấp đến độ xoay vòng, dùng rượu trắng lau lòng bàn tay, lòng bàn chân cho con gái cũng không thấy tốt hơn. Hỏi con bé có khó chịu không thì lại nói là không khó chịu, lại càng thêm đau lòng.

Gọi điện thoại cho bà ngoại Mạnh hỏi các phương pháp hạ sốt dân gian, lại không dám nói là Tiểu Tĩnh Nghiên bị sốt, chỉ sợ bà cụ sốt ruột chạy tới. Nhỏ còn bệnh nặng, huống chi người già sức miễn dịch càng yếu, nếu chẳng may bị lây bệnh thì lại càng đau đầu hơn.

Phát sốt không phải ngoại thương, nên sẽ không đau đớn, chỉ váng đầu chóng mặt, bên tai lúc nào cũng thấy ong ong. Cô mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi, nhưng cũng không ngủ được bao lâu, nửa giờ hoặc một giờ sau liền tỉnh. Mờ mịt bị mẹ kéo lên đút cho mấy ngụm nước rồi lại nằm xuống, không bao lâu lại chập chờn thiếp đi.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, những chuyện xảy ra ở kiếp trước lại thi nhau ùa về trong đầu. Lúc nhỏ cùng cha mẹ sống trong một căn nhà nhỏ, thức ăn trên bàn cũng không ngon cho lắm, nhưng người một nhà sống cùng nhau rất vui vẻ. Thỉnh thoảng cha lại sờ sờ lên cái đầu nhỏ của cô, còn để cho cô trèo vắt vẻo trên cổ đi ra ngoài dạo bộ, cho dù là ở trong mộng Mạnh Tĩnh Nghiên cũng không kìm được nhếch miệng cười.

Nhưng đợi đến khi lớn tuổi hơn một chút, nhiều nhất vẫn là chính là chuyện ba mẹ thường xuyên cãi nhau bởi vì củi gạo dầu muối. Có lúc còn kiêng dè, có lúc không nhịn được liền nộ khí xung thiên cãi nhau um tỏi ở trước mặt cô.

Cô thi vào trường cao đẳng với thành tích xoàng xoàng, rồi thi đậu đại học ở thành phố A, sau đó dọn vào ký túc xá, về sau nữa, quen Lục Hoằng Văn. . . . . .

Nói yêu đương, kết hôn, liền một mạch. Cô cũng trải qua những ngày bươn chải vì củi gạo dầu muối, nhưng vẫn thấy ngọt ngào cho dù ngày ngày chỉ ở nhà giặt quần áo nấu cơm cho Lục Hoằng Văn.

Nhưng mẹ chồng lại không hề thích cô, cứ suốt ngày nói móc nói xấu cô với Lục Hoằng Văn. Lúc mới cưới, chưa thích ứng được nên cảm thấy rất uất ức, đêm khuya yên tĩnh cũng sẽ oán trách với chồng mình vài câu. Thời gian dài cũng liền từ từ thích nghi được, đối với những lời của mẹ chồng đều nghe tai trái, ra tai phải, không để ở trong lòng. Tựa như khi còn bé nghe thầy giáo dạy dỗ vậy. Một khi đã thương người nào đó sẽ bao dung tất cả những khuyết điểm của họ, dù sao người cô kết hôn là Lục Hoằng Văn, chứ không phải mẹ của anh ta, không ở cùng nhau, nên dù có mâu thuẫn cũng chỉ là nhất thời, nhịn một chút liền xong.

Nếu không nhìn anh ta suốt ngày bị kẹp ở giữa mình và mẹ chồng cô cũng đau lòng. Nhất là sau khi xem nhiều phim truyền hình thì cô càng thêm thấu đáo.

Mỗi lần bị uất ức, buổi tối khi chỉ có hai người bọn họ, anh ta sẽ luôn áy náy ôm lấy cô, nhẹ nhàng hôn lên trán cô, lẩm bẩm, có thể lấy được cô làm vợ, thật là có duyên từ ba kiếp, đời trước tích được bao nhiêu phúc đức. . . . . .

Trong bệnh viện, lúc cô quyết định phá thai, nằm trên bàn phẫu thuật lạnh lẽo, chợt hối hận không muốn mất đi đứa bé này, tuy cơ thể đã gây mê không còn hơi sức, nhưng vẫn cố liều mạng giãy giụa, ảnh hưởng đến bác sĩ, không biết thế nào lại đi đời nhà ma, một xác hai mạng.

Nước mắt lã chã rơi xuống, mẹ Mạnh vẫn tình huống của con gái bị dọa sợ, vội vàng lay cô dậy: “Nghiên Nghiên sao vậy? Gặp ác mộng sao?”

“Đúng vậy, mẹ, com cảm thấy hiện tại mình rất hạnh phúc. . . . . .”

Tình yêu gì gì đó quả nhiên không tin được, những lời ngon tiếng ngọt, thề non hẹn biển của Lục Hoằng Văn, bây giờ nhớ lại chỉ thấy thật châm chọc, còn không bằng những vỏ kẹo mà cô cất giấu trong rương!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.