Trường An Loạn

Chương 4: Chương 4




Tôi và Hỷ Lạc đeo Linh xuống núi, thực ra tôi đợi ngày này từ lâu lắm rồi, có thể nói là mười năm, bởi tôi chẳng bao giờ muốn bị nhốt vào một chỗ rất nhỏ để rồi làm những việc rất lớn, như vậy thà ở một chỗ rất lớn rồi làm những việc rất nhỏ còn hơn. Cách suy nghĩ cũng có thể tự do thay đổi, nó sẽ lớn ở những chỗ lớn, và nhỏ ở những chỗ nhỏ. Song ngày này đến có vẻ đường đột, và có vẻ như khi những người hoặc những sự việc ta mong đợi quá lâu cuối cùng cũng xuất hiện, thì ta lại tỏ ra bình tĩnh và suy ngẫm về nguyên do khiến ta bình tĩnh đến vậy. Nguyên do chính là việc nếu lựa chọn cái mới thì sẽ phải mất đi cái cũ, trong khi cái cũ dường như vẫn còn rất tốt.

Tuy sự việc không đến nỗi to tát như những gì tôi ngẫm nghĩ suốt bao năm qua, mọi thứ cứ như thể đang chạy tị nạn, song trong lúc chạy tị nạn lắm khi lại có những thu hoạch bất ngờ, điều tôi muốn nói chính là Hỷ Lạc, cô gái xinh xắn đáng yêu đứng bên tôi, đang đeo thanh kiếm Linh trông rất mất cân đối so với người cô nàng.

Tại sao trong tất cả mọi việc, phụ nữ trông đều xinh đẹp đáng yêu. Tôi nghĩ chắc là “yêu nhau yêu cả đường đi” nên vậy, lý do này rất hay, nhưng tôi thực sự không phán đoán được, nói ra hẳn rất ngượng ngùng, bởi tôi cũng chưa so sánh bao giờ, có khi đây là cô nàng đầu tiên tôi ngắm nghía kỹ lưỡng.

Có rất nhiều chuyện xảy ra trong bao năm chúng tôi ở bên nhau, cần phải từ từ hồi tưởng lại, nhìn chung đều rất khó khăn, đầu tiên là việc sống chung với một cô nương bao lâu như thế, trong khi cô nàng lại có khuôn mặt cân đối ưa nhìn, muốn không thích cũng khó, ngoài ra việc khó khăn hơn là ở phía Hỷ Lạc, thật sự chẳng dễ gì khi xung quanh đến hơn một nghìn anh đàn ông mà lại không hề có mối quan hệ mờ ám nói với họ, và càng quý hóa hơn nữa khi cô nàng không hề nảy sinh thứ tình cảm phức tạp đủ khiến câu chuyện này trở nên rối rắm với sư huynh Thích Không của tôi, một người cũng không kém phần xuất chúng.

Tôi biết làm sao được, tôi nghĩ, những điều người khác làm và những điều tôi cảm nhận chính là những gì người ta nghĩ trong lòng.

Chúng tôi men theo đường xuống núi, dưới núi có một dịch trạm, rất nhiều thớt ngựa nghỉ chân ở đó. Cũng may trước khi được cứu vào chùa Hỷ Lạc đã có kinh nghiệm xã hội phong phú hơn tôi, nên tôi mới khỏi nghĩ rằng lũ ngựa này có thể dắt đi miễn phí. Hỷ Lạc nói, trong dịch trạm có cho thuê ngựa. Mà chúng tôi đang rất cần một thớt ngựa.

Tôi nói: Huynh cũng nghĩ vậy, nhưng chúng ta làm gì còn đồng bạc nào.

Hỷ Lạc nói: Vậy phải làm sao nhỉ, trên người muội cũng chẳng có thứ gì đáng tiền cả.

Tôi nói: Xem ra thứ đáng tiền nhất chính là thanh kiếm này rồi.

Hỷ Lạc đáp: Muội thì nghĩ có thể đem thanh kiếm này đi cầm đồ.

Còn tôi nghĩ chắc mọi người đều nghèo cả, vừa nghèo lại vừa muốn cưỡi ngựa, bởi bên cạnh dịch trạm có một cửa hiệu cầm đồ.

Tôi và Hỷ Lạc dắt tay nhau bước vào hiệu cầm đồ, đặt thanh kiếm lên mặt bàn. Chủ hiệu hỏi chúng tôi: Hai vị là người ở đâu vậy?

Tôi đáp: Tôi là người của Thiếu Lâm, thanh kiếm này chính là thanh kiếm Linh nổi tiếng, ông xem nó đáng giá bao nhiêu?

Chủ hiệu đánh mắt nhìn tôi, lại do xét Hỷ Lạc, rồi cười ngặt nghẽo nói: Linh thì đúng là ở Thiếu Lâm, nhưng… ha ha ha ha. Thiếu Lâm giờ cũng thoáng thật, thầy tu được phép mang theo đàn bà con gái sao?

Tôi nói: Sao cái cục cứt, chúng tôi quen nhau từ nhỏ.

Chủ hiệu lại cười ngặt nghẽo, nói: Chắc dấm từ tấm bé cũng nên, ha ha ha ha, thôi được rồi, tôi không đùa hai vị nữa, để tôi coi thanh kiếm này xem sao.

Lão chủ hiệu cầm kiếm lên quan sát, ngắm bao kiếm một hồi, đang định rút kiếm thì tôi nói: Cẩn thận kiếm khí đấy!

Chủ hiệu đúng là người thẳng tính, giàu cảm xúc và rất hào sảng, lần này lão ta cười ha hả hết đúng một tuần hương, đoạn nói: Bao kiếm này làm cũng khá được, đủ cho hai ngươi được cái giá phải chăng, có điều ranh con các ngươi chớ có khoác lác, bằng không ta đã định giá xong rồi.

Nói đoạn liền rút Linh ra. Nào là kiếm khí yêu phong, tất tật chẳng thấy thứ gì xuất hiện, bình thường chắc đã toi rồi. Chủ hiệu nói: Kiếm xịn! Hàng nhái cũng xịn! Chẳng qua là thiếu chút gì đó, không thì đã là hàng thật rồi.

Tôi nghĩ bụng, có mà chính lão thiếu chút gì đó thì có.

Chủ hiệu nói: Ta trả cho hai ngươi mười lạng bạc, lãi suất mười phần trăm, nội trong một tháng mà không đến lấy, ta sẽ tự xử lý.

Hỷ Lạc nói: Mười lạng? Quá ít! Hồi nhà chúng tôi còn khá giả, phải chi hơn trăm lạng mới đúc được thanh kiếm này đấy!

Chủ hiệu nói: Ồ, không phải hai vị nhặt được à, thế thì năm mươi lạng vậy nhé?

Hỷ Lạc nói: Tám mươi lạng.

Chủ hiệu nói: Xong luôn.

Hỷ Lạc nói: Một trăm lạng.

Chủ hiệu nói: Thế thì không được, cứ trả tiếp nữa thì vô cùng lắm, thanh kiếm này rất được, trông cũng thật, có điều giá mà tăng lên nữa, thì tôi lên hẳn Thiếu Lâm tự mua hàng thật cho xong.

Tôi nói: Hả, cái này mà cũng mua được à?

Chủ hiệu nói: Cái này công tử không phải bận tâm, thôi tôi trả công tử tám mươi lạng. Nào! Thứ này thuộc hàng quý giá, tôi sẽ gọi thợ vẽ đến vẽ chân dung hai vị, kẻo lúc đến lấy lại nhầm người, hai vị nhớ nhé, mã số của thanh kiếm này là: Hàng quý 00121, mật mã là ngày giờ hôm nay, nhà tôi là cửa hiệu cầm đồ đệ nhất thiên hạ, muốn sửa mật mã, hai vị cứ đến các chi nhánh ở Trung nguyên là được.

Nói đoạn, thợ vẽ cũng tới nơi, tôi và Hỷ Lạc ngồi lại ngay ngắn, thợ vẽ nói, vẽ một người hay vẽ cả hai ạ?

Tôi trả lời: Vẽ cả hai đi!

Chủ hiệu nói: Nếu vẽ cả hai thì chỉ khi nào cả hai vị cùng đến mới lấy được đồ, rắc rối lắm. Bận trước có cả một lớp học tư thục đến cầm một món đồ, họa sẽ vẽ cả lớp phải mất ba ngày mới vẽ xong, rốt cuộc lớp ấy bây giờ có hai học sinh tử nạn, đồ của họ thì vĩnh viễn không thể lấy ra.

Hỷ Lạc nói: Vậy vẫn cứ vẽ cả hai đi, một trong hai chúng tôi chết thì cũng chẳng cần món đồ này làm gì.

Tôi nói: Vậy thì vẽ cả hai luôn, anh nghe rõ chưa, vẽ đẹp một chút nhé!

Thợ vẽ nói: Vâng. Hai vị ngồi sát lại một chút, giấy to chừng này thôi, cách xa nhau quá sợ vẽ không đủ.

Tôi hỏi: Thế lần trước anh vẽ cái lớp kia thế nào?

Chủ hiệu nói: Xin công tử quay lại nhìn phía sau, hình vẽ trên tường kia chính là họ đấy.

Tôi và Hỷ Lạc quay lưng nhìn lại phía sau, tôi nói: Phải vẽ những ba ngày?

Hỷ Lạc nói: Sao xấu thế nhỉ?

Chủ hiệu nói: Thì tại tay thợ vẽ bận ấy kém quá, thế nên, nó vừa vẽ xong bức này, ra khỏi cửa là bị đạp chết ngay.

Tôi nói: Vậy lần này vẽ chúng tôi đèm đẹp nhé, tôi và cô nương đây chưa từng đi vẽ chân dung lần nào đâu, vẽ xấu tôi cũng sẽ đập chết anh đấy.

Thợ vẽ nói: Yên tâm, bảo đảm công tử sẽ hài lòng. Tôi thì thế này, vẽ tùy tiện không lấy tiền, vẽ giống lấy nửa lạng, vẽ đẹp lấy một lạng.

Chẳng đợi tôi kịp phát ngôn, Hỷ Lạc đã nói: Này, tôi trả anh hai lạng bạc, anh biết phải vẽ chúng tôi thế nào chưa?

Anh thợ vẽ mở cờ trong bụng, vội nói: Chắc chắn rồi, xin hai vị ngồi yên ạ!

Tôi và Hỷ Lạc ngồi sát bên nhau, giữ yên vẻ mặt tươi cười quãng bốn giờ, song trong khoảng thời gian đó, thợ vẽ dường như chẳng hề ngẩng mặt lên quan sát chúng tôi. Sắc trời tối sẩm, bức tranh cũng được hoàn thành.

Tôi và Hỷ Lạc đón bức tranh, hớn hở tỏ vẻ hài lòng, tôi nói với lão chủ hiệu: Ông cất giữ bức tranh cẩn thận cho tôi nhé, đến khi quay lại chuộc đồ, tôi sẽ lấy bức họa mang về luôn.

Chủ hiệu nói: Nhất định rồi. Song hai vị quý nhân còn phải điểm chỉ lên bức vẽ nữa mới được.

Hỷ Lạc hỏi: Tại sao? Ngộ nhỡ ông viết thêm khế ước bán mình lên trên thì chúng tôi phải làm thế nào?

Chủ hiệu cười nói: Cô nương đa nghi quá, tôi nào dám, sau này tôi làm sao mà tiếp tục làm nghề này được chứ?

Tôi hỏi: Vậy điểm chỉ để làm gì? Ông không biết dấu vân tay đại diện cho thân chủ hay sai?

Chủ hiệu nói: Dạ vâng, tôi chỉ e là không có vân tay, khi hai vị đến chuộc đồ, nhỡ mà tôi không có ở cửa hàng, chỉ dựa vào hai vị tiên trong bức tranh này thôi thì người hiệu tôi sẽ chẳng thể hoàn lại đồ cho hai vị được.

Tôi và Hỷ Lạc cầm tiền tới dịch trạm, hỏi người quản trạm: ngựa cho thuê ở đâu, người quản trạm dân chúng tôi lại một phía, ở đó có cả thảy hai thớt ngựa. Hỷ Lạc nói: Sao ít vậy?

Quản trạm nói: Khách quan đến muộn quá, chỉ còn hai thớt ngựa này thôi, song chúng không phải bị khách chọn rồi để thừa lại đâu, cũng là ngựa tốt cả đấy.

Tôi nói: Không phải loại bị để thừa lại thì là loại gì?

Quản trạm nói: Thì do vừa khéo người ta không chọn chúng. Khách quan xem, con đen bên trái kìa, thân hình vâm chắc, đuôi bồng chân khỏe, mã lực lại lớn, ăn rõ ít mà chạy rõ nhiều, tốc độ cực nhanh, đúng là bậc hào kiệt trong loài ngựa vậy!

Hỷ Lạc hỏi: Vậy sao không có ai thuê?

Quản trạm nói: Con này mỗi tội không nghe lời, cứ chạy linh tinh.

Hỷ Lạc nói: Vậy sao được, quả thật là không được, thôi thì thuê con lừa cạnh ông vậy!

Quản trạm nói: Khách quan, đây cũng là ngựa đấy ạ, cô chớ có nom con ngựa này nhỏ, tuy thân hình nó gầy còm, đuôi thưa chân mảnh khảnh, mã lực yếu, ăn rõ nhiều chạy rõ ít, tốc độ lại chậm, song trông lại nhỏ nhắn xinh xắn, cũng tiện dắt theo, hai vị cưỡi con này là hợp nhất đấy, hai vị buông thõng chân xuống, con ngựa này bị che đi ngay, trông như chẳng cưỡi con vật gì cả, nhìn từ xa, lại cứ ngỡ hai vị như đang bay trên không ấy chứ.

Hỷ Lạc ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Vậy cũng không tồi, haizz, ta lấy con nào đây?

Tôi nói: Huynh thấy lấy cái con chạy linh tinh hơn, rèn là được mà.

Hỷ Lạc nói: Không rèn được đâu, rèn được thì đã có người thuê lâu rồi. Ta cưỡi con ngựa nhỏ kia đi!

Tôi nói: Ngựa nhỏ cũng được, có điều chẳng may mà có bọn xấu đuổi theo, con ngựa ấy lại chạy chậm thì phải làm thế nào?

Hỷ Lạc nói: Thôi được rồi, dùng tạm đi, cũng còn hơn là chạy thẳng tới chỗ kẻ xấu mà.

Tôi nói: Chuyện vặt vãnh thế này huynh nghe theo muội, sau này huynh quyết định đại sự là được.

Tôi và Hỷ Lạc dắt ngựa ra, quyết định đặt cho con ngựa còm này một cái tên, Hỷ Lạc muốn gọi nó là Lép, tôi thì thấy cái tên này giống tên con cá lép, nên nói: không được.

Hỷ Lạc nói: Muội thấy con ngựa này quá lép ấy, chân thì ngắn cũn, gọi nó là Lép quá hợp rồi. Vả lại huynh bảo rằng những việc vặt vãnh thì do muội quyết định cả còn gì.

Tôi nói: Nhưng đặt tên là việc hệ trọng.

Hỷ Lạc nói: Mặc kệ đấy, dù sao sau này muội cũng có quyền quyết định hai việc, một là những việc vặt vãnh, hai là việc phán quyết xem việc nào là việc vặt vãnh và việc nào là việc hệ trọng.

Tôi và Hỷ Lạc bước ra khỏi dịch trạm, đứng ở trên cao nhìn quanh bốn phía. Chính đỉnh núi này là nơi chúng tôi chung sống bên nhau suốt mười năm nay, cũng bởi nơi đây có ngôi chùa lớn nhất, chúng sinh khắp nơi đến thắp hương khấn khứa nhiều nhất, cho nên dưới chân núi dần dần hình thành nên một thị trấn rất nhỏ, gồm một dịch trạm, một tửu lầu, một cửa hiệu cầm đồ, một cửa hàng rèn sắt, ba nhà trọ và một hàng tạp hóa. Con phố nhỏ có hai đường cắt nhau hình chữ Thập, phía trước thông thẳng đến thành Trường An, phía sau là Thiếu Lâm, bên trái là con đường tơ lụa, còn bên phải hướng ra biển. Giữa trung tâm con phố có một đôi câu đối, song đối không hề chỉnh, vế trên là: Chớ có. Vế dưới là: Quay đầu. Bức hoành phi ở giữa vẫn lại là bốn chứ viết ngay ngắn: CHỚ CÓ QUAY ĐẦU.

Những thứ trông có vẻ thâm thúy này thực ra phải xem xét nó xuất hiện ở đâu, ở nơi đầy ắp Thiền cơ, chói chang Phật pháp này thì nó chính là chân lý. Hễ là những thứ có thể suy nghĩ kỹ càng thì tốt nhất đừng suy nghĩ làm gì, bởi quả thực tôi cũng chẳng hiểu gì cả, điều này cũng có nghĩa là, với một số việc đừng nên đặt câu hỏi nên quay đầu là bờ hay không nên quay đầu lại.

Một cơn gió cát chẳng biết tự nơi nao ập đến đã tràn ngập con phố nhỏ này, đây là thánh địa được dựng lên giữa chốn đồng hoang, nhất là dưới ánh chiều tàn, rất đông những người nhạt nhòa nhân ảnh bắt đầu dập đầu hành lễ ở chỗ CHỚ QUAY ĐẦU LẠI, song tất cả mọi thứ dường như đều có thể bị cuốn phăng đi bởi một trận bão cát.

Bên ngoài dường như cũng rất yên bình, song mọi người đều biết rằng từ sau cuộc tỉ thí lần trước, mối quan hệ trong giang hồ đã trở nên tế nhị, triều đình cũng có những phản ứng tế nhị. Một số nơi đã rộ lên những tiếng chém giết, duyên do có thể chỉ là vì yên ổn quá lâu.

Dưới ánh hoàng hôn thê thiết, cô gái bên cạnh tôi tên là Hỷ Lạc, kể ra cũng còn đỡ, cái chính là con ngựa lại tên Lép, thật sự chẳng đem lại cho người ta chút không khí hào hiệp nào.

Song bất kể thế nào, cuối cùng, tôi và Hỷ Lạc vẫn phải rời bỏ nơi này, chỉ có điều chẳng ai biết phải đi đâu, và cũng chẳng có ai nói là phải làm gì. Tôi hỏi Hỷ Lạc, chúng ta đi đâu đây? Tôi nghĩ bụng, chắc Hỷ Lạc cũng chẳng biết gì hơn tôi đâu.

Hỷ Lạc nói: Chúng ta có thể đi Trường An, nơi đó rộng lớn, có thể mua ít quần áo.

Tôi cố gắng nhớ lại xem trước lúc ra đi sư phụ và phương trượng có việc gì dặn dò tôi không, nhưng họ chỉ nói: Con đi đi!

Trước mắt cũng đành đi Trường An, Trường An, cái tên nghe rất hay, là kinh đô, mọi thứ ở đó đều thật tuyệt, ngoại trừ việc Trường An chưa bao giờ “trường an” cả. Thẳng phía Tây đi tới Trường An, xa mấy trăm dặm, cưỡi lừa phải lắc lư mất hai ngày, vậy có nghĩa là cưỡi Lép thì phải mất ba ngày.

Lép thật là một con ngựa hiểu ý chủ, ta vẫn nói tâm tính tương thông chẳng qua cũng đến vậy thôi, chủ mệt nó cũng mệt, chủ ngủ nó cũng ngủ, tôi và Hỷ Lạc định đánh một giấc trên lưng nó, nhưng khi tỉnh dậy đã thấy nó ngủ ngon hơn ai hết. Hỷ Lạc kẹp hai chân lại, con Lép sực tỉnh, nó hí vang một tiếng rồi chậm rãi tiến về phía trước.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Con ngựa này sao lại có thể ngủ đứng được nhỉ?

Tôi đáp: Nó khôn, nếu nó nằm xuống ngủ thì huynh và muội đều té ngã cả rồi còn gì?

Hỷ Lạc nói: Đúng là con ngựa tốt.

Tôi nói: Chuyến đi Trường An này không những lành ít dữ nhiều, lại còn hết sức vô nghĩa nữa.

Hỷ Lạc hỏi: Sao huynh lại biết là vô nghĩa?

Tôi trả lời: Bởi quả thật không biết mình đi làm cái gì.

Hỷ Lạc nói: Muội thấy cũng được đấy chứ. Chưa biết là việc gì thì làm sao biết được nó vô nghĩa.

Tôi nói: Thật là khó hiểu.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy sao huynh lại nói là lành ít dữ nhiều?

Tôi trả lời: Huynh chẳng biết. Chỉ biết là mỗi khi sư phụ hoặc sư huynh đi giải quyết sự vụ gì đều nói rằng: chuyến này e là lành ít dữ nhiều. Chẳng hiểu sao lại vậy.

Hỷ Lạc nói: Chắc là nói vậy, để chẳng may ta đi có lỡ thiệt mạng, mọi người sẽ không cảm thấy bất ngờ, còn nhỡ mà không chết, thì cứ như bản thân rất lợi hại vậy.

Tôi nói: Hỷ Lạc, muội thông minh thật đấy!

Hỷ Lạc nói: Huynh cũng thông minh mà, với lại huynh nhìn mọi thứ đều cụ thể, tường tận, muội thật hâm mộ huynh đó.

Tôi nói: Có gì đâu, chẳng qua là quan sát tỉ mỉ thôi.

Hỷ Lạc nói: Có điều, hình như… chẳng lẽ huynh không phát hiện thấy chúng ta đứng yên một chỗ suốt từ nãy tới giờ sao?

Tôi cúi đầu nhìn, con Lép lại ngủ rồi.

Tôi hỏi Hỷ Lạc: Nó ngủ từ lúc nào thế nhỉ?

Hỷ Lạc đáp: Muội nghi ngờ là nó ngủ từ cái lúc muội nói câu “Đúng là con ngựa tốt” ấy.

Tôi nói: Lúc nào mới tới Trường An được đây?

Hỷ Lạc đáp: Cứ đánh thức nó dậy rồi hẵng nói. Nói đoạn lại ghì hai chân lại, con Lép lại hí lên một tiếng, song đứng yên không mảy may động đậy. Hỷ Lạc nói: Thôi toi rồi, con ngựa này không thể tỉnh dậy ngay được đâu, Nói xong liền xuống ngựa, giật giật cái đuôi, song con ngựa vẫn đứng yên, không mảy may nhúc nhích.

Tôi nói: Không được đâu, đừng để con ngựa này trở thành gánh nặng của ta trên đường. Muội đạp cho nó hai đạp!

Hỷ Lạc nói: Việc nhỏ nhặt này huynh ra tay là được!

Thế rồi tôi xuống ngựa, đạp mạnh nó một cái. Con Lép lại hí vang một tiếng song không có phản ứng gì thêm. Tôi và Hỷ Lạc nhìn nhau không nói được lời nào. Tôi nói: Chẳng lẽ phải khoét mắt nó ra mới đánh thức được nó chắc? Vậy hay là khoét thêm mấy thứ ra nướng ăn nhỉ?

Hỷ Lạc nói: Huynh chẳng có tý tình cảm nào với con Lép cả, thôi dù sao hôm nay cũng mệt rồi, chi bằng ta dừng lại đây nghỉ ngơi một lúc, đợi trời sáng rồi tính tiếp.

Tôi còn nhớ hồi bé có một lần như thế này, tất cả huynh đệ do phải xử lý một vài việc đã lén chạy ra ngoài ngủ một đêm. Lúc đó có cả sư huynh tôi, mà tôi bất chợt nghĩ, không biết sư huynh tôi giờ đang làm gì. Chúng tôi từ bé tới lớn chưa từng rời nhau nửa bước, chuyện gì cũng nói, và đương nhiên cũng chẳng có chuyện gì để nói, trừ phi trong chùa xảy ra việc gì mới mẻ. Tính sư huynh tôi cũng giống tôi, đều thuộc dạng khó có thể tưởng tượng nổi, vì thời gian bên nhau quá mức lâu, thành thử lần này không được bầu bạn sớm chiều nữa lại cảm thấy hết sức nhẹ nhõm. Có thể tôi luôn muốn làm một số việc sư huynh không biết, trong khi những việc trước kia chúng tôi đều biết quá rõ.

Còn hôm nay chỉ là tôi với Hỷ Lạc, chúng tôi tìm đến dưới gốc cây gần đó, con Lép vẫn đứng ngủ cách đó chừng mười mét. Ban đêm, không khí rất dễ chịu, có thể trông rõ các vì sao, tôi nói: Không ngờ lại ra khỏi chùa nhỉ.

Hỷ Lạc nói: Muội lại chẳng thấy có thay đổi gì lớn cả, như nhau thôi.

Nói được hai câu, chúng tôi đều díp cả mí mắt. Không biết tựa vào nhau ngủ được bao lâu, tôi đột nhiên cảm giác có thứ gì đó ở gần mình, lập tức bừng tỉnh, đứng phắt dậy quát: Ai đấy?

Hỷ Lạc cũng bị tôi làm cho giật mình, vội ôm lấy chân tôi.

Trước mắt tôi chềnh ềnh một cái mặt ngựa.

Tôi và Hỷ Lạc thở phào một hơi, Hỷ Lạc xoa mình con Lép nói: Muội nghĩ, làm gì có chuyện chúng ta bị truy sát gắt gao thế.

Tôi nói: Giật cả mình. Nghỉ tiếp một lát đi. Còn bao lâu nữa trời sáng nhỉ?

Hỷ Lạc đáp: Ít nhất cũng phải mấy tiếng nữa, đêm dài thật.

Tôi nói: Dài là vì có chút bất ngờ. Không có chút bất ngờ thì việc gì cũng ngắn.

Tôi và Hỷ Lạc nhắm mắt lại. Ai dè con Lép đứng bên bắt đầu thở phì phì, tôi nói: Chết rồi, con ngựa này lấy lại sức rồi, nó bắt đầu hừng hực lại rồi. Muội xem xem, muội chọn phải con quái vật gì vậy.

Hỷ Lạc ngồi một bên dụi dụi vào tôi, mơ màng nói: Kệ nó, ngủ đi!

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ nghe tiếng thở phì phò của con ngựa, tôi đã nghĩ đến rất nhiều việc, như sự bế tắc trong khi dự đoán những việc sắp xảy ra và nỗi sợ hãi do chính sự vô tri tuyệt đối này mang lại, tôi nhận thấy thật là vô nghĩa khi nghĩ quá nhiều, bởi tất cả mọi thứ đều bị cưỡng bức xảy ra và bị ép buộc chấp nhận.

Ngày hôm sau tỉnh giấc. Trời tờ mờ sáng, tôi đã ngửi thấy hương hoa thoảng đưa se sắt, không khí còn đẫm mùi sương. Lẽ nào đây chính là mùi hoa lộ thủy Hỷ Lạc đã kể từ ngày xửa ngày xưa? Phía đằng xa trông không được rõ, hình như có vài ngọn núi lè tè khuất trong sương sớm. Hỷ Lạc vẫn ngủ say, tôi sát lại ngắm nghía cô thật kỹ, quả là một khuôn mặt xinh đẹp. Hình như đẹp hơn khuôn mặt tôi thấy lúc ở chùa, sao vậy nhỉ, tôi nghĩ, chẳng lẽ vì đây là lần đầu tiên tôi thấy dung nhan của muội ấy trong khi ngủ? Và phải chẳng khi không nhìn tôi, muội ấy trông mới quyến rũ xiêu lòng nhất? Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, cuối cùng ngán ngẩm phát hiện ra rằng không phải vậy, chẳng qua vì hôm nay có vật để so sánh mà thôi, đó chính là cái mặt ngựa ngay bên cạnh chúng tôi.

Và điều ngán ngẩm hơn nữa là, con Lép ngờ đâu lại ngủ.

Tôi nghĩ, ba chúng tôi, hoặc nói, hai chúng tôi và một con ngựa, có lẽ nào vì giờ giấc ngủ hoàn toàn khác nhau nên vĩnh viễn không khi nào cả ba cùng tỉnh giấc, để rồi sau một tháng chúng tôi vẫn đứng nguyên ở một nơi?

Tôi nghĩ, Hỷ Lạc và tôi, dù là tôi dựa vào muội ấy hay muội ấy dựa vào tôi thì đều được cả. Nhưng hình như chúng tôi đều phải dựa vào con ngựa có giờ giấc nghỉ ngơi lạ lùng này.

Tôi lẳng lặng ngắm nhìn Hỷ Lạc, lúc này, con ngựa đã tỉnh, chạy sang một góc gặm cỏ, trong cơn mơ màng, tôi lại thiếp đi một lúc. Không biết ngủ được bao lâu, tôi bị Hỷ Lạc gọi dậy. Bấy giờ trời gần như đã sáng trắng. Tôi vừa dậy liền nói: Ngựa đâu?

Hỷ Lạc nói: Đang chạy một mình quanh cây đây này.

Tôi lập tức lấy lại tinh thần, nói: Mau nhân lúc cả ba cùng tỉnh, lên đường ngay. Bằng không tới Trường An sẽ trễ đấy.

Hỷ Lạc đáp: Ơ, nhưng chúng ta đến Trường An có việc gì đâu, sao lại sợ trễ nhỉ?

Tôi nói: Huynh không biết, huynh luôn cảm thấy phải mau chóng tới đó.

Lép chở chúng tôi, đủng đả đủng đỉnh lên đường.

Trưa. Chúng tôi tới trước một quán hàng, ở đó bán nước chè và lương khô. Chúng tôi cột ngựa, ngồi vào chỗ, gọi mấy bát nước và lương khô, tôi nói: Còn bao lâu nữa mới tới được Trường An nhỉ?

Hỷ Lạc đáp: Huynh hỏi chủ quán thử xem.

Tôi gọi chủ quán lại hỏi: Nhà mình đây cách chùa Thiếu Lâm bao xa ạ?

Chủ quán lập tức cổ vũ chúng tôi: Hai vị khách quan dọc đường mệt nhọc, nom là biết hai vị từ Trường An lại, không còn xa đâu, mười dặm nữa là tới thôi.

Tôi và Hỷ Lạc nghe xong, bất chợt cảm thấy mệt hơn.

Một lúc, chủ quán lại quay lại nói: Suốt từ Trường An tới đây sao không cho con ngựa con của hai vị ăn, nó đói lả ra rồi kìa.

Hỷ Lạc nói: Huynh đừng có trách muội, muội cũng nào có biết.

Tôi nói: Thôi được, dù sao cũng đã vậy rồi, xuất phát sớm một chút đi, ăn no chưa?

Hỷ Lạc gật đầu. Chúng tôi lại lên đường, chủ quán cứ gọi ầm lên ở phía sau: Nhầm đường rồi! Nhầm rồi! Thiếu Lâm ở đầu này cơ mà.

Tôi và Hỷ Lạc chỉ có thể giả vờ nghễnh ngãng, đi thẳng một mạch về phía trước.

Đường tới Trường An quả thật rất dài, tôi chỉ mong sao màn đêm mau xuống. Cái cảm giác nhất thiết phải đến một nơi nhưng lại chẳng biết vì sao phải là nơi đó chứ không phải là nơi khác, thật khó có thể hình dung bằng lời. Đôi tay của ai đó vì sao là đôi tay của người này mà không phải là đôi tay của người khác, tuy mang lại cảm giác giống nhau, nhưng lại không biết có giống nhau thật hay không, thực sự rất huyền hồ.

Tôi và Hỷ Lạc không cần phải tường thuật lại từ đầu bất cứ chuyện gì, dù trong đó có bao nhiêu việc, là việc gì đi nữa, kết cục cho tới ngày hôm nay cũng vẫn không thay đổi, trừ phi giang hồ thật sự giản đơn trong sạch, một trong hai chúng tôi sẽ chết bất thình lình. Kỳ thực tôi đã ngầm đặt ra kết cục này nhiều lần, bởi thời gian Hỷ Lạc ở trong Thiếu Lâm rất dài, tài nghệ bếp núc tuy ngày một tăng tiến, song thuật phòng thân thì chẳng khá gì hơn hồi muội ta tám tuổi, thế nên người chết trước chắc chắn là muội ấy, do vậy điều tôi cần phải nghĩ là giả như Hỷ Lạc chết thì sau đó tôi phải làm sao. Tôi nghĩ, tôi sẽ đào một cái hố chôn muội ấy, rồi quyết chí tự vẫn, cùng muội ấy về nơi chín suối, nhưng tôi lại có việc chưa hoàn thành, tỉ như, sư phụ hoặc phương trượng bị ai đó giết, tôi phải báo thù, mà kẻ sát nhân đó lại vừa khéo là kẻ giết Hỷ Lạc, thù xưa cộng với hận mới. Tôi sẽ nói trước mộ của Hỷ Lạc rằng, Hỷ Lạc, đợi huynh giết chết bọn chúng, huynh sẽ tự chôn mình. Sau đó, điều may mắn là, tôi đã giết hết bọn sát nhân một cách thuận lợi; còn điều bất hạnh là, tôi không thể tìm lại được nấm mồ trong đêm mưa đau đớn ấy, chẳng nhớ nổi rốt cuộc đã chôn Hỷ Lạc ở đâu.

Nghĩ đến đây, tôi không thể nào nghĩ thêm được nữa, bởi đó thực sự là một cuộc chia ly đằng đẵng, sẽ lắng sâu trong niềm đau xót, sẽ giống như ngọn cỏ, chẳng thể nào tự nhổ dậy được, còn lúc này đây, Hỷ Lạc trong cuộc sống hiện thực vẫn luôn tươi vui hoạt bát trước mặt tôi. Tôi say đắm nhìn Hỷ Lạc, nghĩ bụng, làm sao tôi có thể chôn một cô gái thế này ở một nơi mà ngay cả bản thân tôi cũng không thể tìm được nhỉ.

Hỷ Lạc và tôi năm mười bốn tuổi đã công khai dắt tay nhau đi trong chùa. Sư phụ rất chiều tôi, bảo rằng tôi chưa khôn lớn, còn chưa dậy thì, song các sư huynh đi tắm cùng thôi lại ngầm tố cáo, bảo rằng thực ra tôi đã dậy thì rồi. Việc này khiến sư phụ rất bực mình, bởi vì sư phụ nói vậy là mở lối thoát cho mọi người, vậy mà các vị sư huynh lại mê muội đến mức ấy, chẳng lẽ phải tụt quần ra kiểm tra tại chỗ? Thế thì còn ra thể thống gì. Thế rồi, sư phụ đánh cho họ một trận, bảo rằng, việc tắm gội là tắm gội, là gột rửa những tục khí trên thân thể do tiếp xúc với ngoại trần, các ngươi không suy ngẫm về ý nghĩa của việc tắm gội cho tốt, lại rắp tâm rình nhìn cậu bé của người ta, thật là bẩn thỉu. Cho dù cậu bé của tiểu đệ Thích Nhiên đã ấy, thì…, mà thế thì đã làm sao, không cho em nó nắm tay Hỷ Lạc, lại để cho các ngươi nắm chắc? Cái lũ dê này!

Như vậy, dưới sự che chở của sư phụ, những kẻ từ nhỏ đã không được cầm tay con gái đều trở thành lũ dê. Còn tôi thì vẫn có thể dắt tay Hỷ Lạc đi đi lại lại thoải mái. Các sư huynh không đoái hoài đến tôi cũng chẳng sao hết, có Hỷ Lạc là tôi có thể nói chuyện rồi.

Tôi hỏi Hỷ Lạc, muội có nhớ nhà không, Hỷ Lạc nói, thực ra muội ấy không có bố mẹ, từ nhỏ đã bị người ta dắt theo coi như công cụ ăn xin, những người ăn xin đều rất thích muội ấy, vì Hỷ Lạc trông rất đáng yêu, ai dắt Hỷ Lạc đi xin tiền thì chắc chắn sẽ xin được nhiều hơn người khác, cho nên Hỷ Lạc từ nhỏ đã là vật may mắn của hội Cái bang, chỉ có Cái bang trưởng lão mới được dắt Hỷ Lạc đi xin ăn.

Tốt quá, không có cha mẹ, như vậy có nghĩa là khi lấy nhau sẽ không phải bỏ ra một khoản tiền bạc để tỏ rõ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ vợ, Hỷ Lạc cũng sẽ không bị bắt ép gả về làm thiếp cho anh chàng công tử nào.

Hồi ở trong chùa tôi đã hỏi Hỷ Lạc, khi nào chúng mình lấy nhau?

Hỷ Lạc nói, đợi khi nào sư phụ cho phép, chúng ta ra khỏi chùa hẵng nói.

Tôi nói: Đừng sợ, sư phụ chiều mình lắm, cứ tổ chức đám cưới ngay trong chùa là được, sư phụ có thể chủ trì hôn sự, phương trượng có thể làm chứng.

Song câu này không may bị sư phụ nghe thấy, sự trừng phạt hẳn nhiên là nghiêm khắc hơn bao giờ hết.

Thực ra từ sau khi có Hỷ Lạc, hình bóng của sư huynh Thích Không dường như mờ dần trong ký ức tôi, cuộc sống mười năm về sau vì có Hỷ Lạc mà trôi qua rất nhanh bất kể giữa tôi và Hỷ Lạc là thứ tình cảm gì, bởi dù là tình cảm gì thì chung quy lại cũng đều là tình thân, tôi cảm thấy, lấy Hỷ Lạc là việc sớm muộn mà thôi. Mà việc sớm muộn xảy ra thì xảy ra sớm vẫn hơn là xảy ra muộn, bởi nếu đã là việc sớm muộn xảy ra, thì kết quả sự việc đem lại cũng sớm muộn xảy ra, đều như nhau cả thôi, vậy tại sao không xảy ra sớm đi một chút.

Tôi hỏi: Hỷ Lạc! Hôm nay đã đi bốn năm chục dặm rồi, con Lép thế mà còn chưa ngủ, chúng mình bao giờ thì lấy nhau?

Hỷ Lạc một lúc lâu không có phản ứng gì. Còn con Lép thì lại hí vang lên một tiếng.

Hỷ Lạc nói: Huynh lấy nó đi, nó đồng ý rồi đấy.

Tôi nói: Huynh không đùa với muội đâu, bao giờ thì mình lấy nhau?

Hỷ Lạc lại một lúc lâu không có phản ứng gì.

Tôi nghĩ, đây quả thật là một vấn đề rất khó, từ xưa tới giờ trước mặt tôi Hỷ Lạc chưa bao giờ thể hiện vẻ làm cao thường thấy ở một người con gái, không phải muội ấy không có, chẳng qua là chưa có cơ hội, lần này cuối cùng thì cơ hội cũng đến, chắc chắn muội ấy phải làm cao một lúc, để thể hiện vẻ hấp dẫn đầy nữ tính đó.

Hỷ Lạc nói: Giờ chưa được.

Tôi nói: Vì sao vậy? Muội sợ nếu lúc này nhận lời huynh, khi đến Trường An gặp phải người vừa ý hơn chứ gì?

Hỷ Lạc nói: Không phải, huynh còn chưa tặng muội món quà gì, người ta đâu thể tùy tiện lấy huynh được.

Tôi nói: Cái đó có khó gì, huynh tặng con Lép luôn cho muội đó.

Hỷ Lạc nói: Không được, con Lép vốn dĩ là của muội.

Tôi nói: Vớ vẩn, của lão quản trạm chứ.

Hỷ Lạc nói: Vậy muội không trả nữa đấy thì sao nào, muội và con Lép ở bên nhau lâu nên nảy sinh tình cảm đấy, thì sao nào?

Tôi bất chợt cảm thấy rất thất vọng, xét theo góc độ này, lẽ nào quá trình của tôi và con Lép lại giống nhau sao? Tôi thấp giọng nói: Thì ra là vậy.

Hỷ Lạc nói: Không vui à?

Tôi nói: Đúng thế!

Hỷ Lạc nói: Muội nghĩ thế này, đợi khi chúng ta cùng có một mục tiêu rõ ràng, sau đó cùng đạt được mục tiêu rồi hẵng kết hôn, chứ như bây giờ, ngay cả việc đến Trường An làm gì còn không biết, chưa gì đã lấy nhau rồi. Mà thực ra chúng mình có khác gì đã lấy nhau đâu, ngày nào cũng ở bên nhau, chẳng qua là thiếu một nghi thức mà thôi. Song huynh phải để tóc đi, bằng không người khác dễ tưởng huynh là sư Thiếu Lâm, đi để bảo vệ muội, họ sẽ tranh giành muội với huynh đấy.

Tôi nói: Đúng!

Đêm hôm ấy, chúng tôi lại tới một nơi đồng không mông quạnh, con Lép lại không đi được nữa. Mà chỉ khi nào con Lép không đi được nữa, khi ấy chúng tôi mới được nghỉ ngơi. Tôi thấy chúng tôi vẫn phải tìm đến một gốc cây mới được, bởi nếu nghỉ lại bên đường thì cứ có cảm giác thiếu vắng chỗ dựa, trống huơ trống hoác, trong khi thứ có thể dựa sẫm được thì chỉ có cái cây. Cái cây lần này cách chúng tôi tương đối xa, phải chừng trăm bước. Chúng tôi không thể bỏ con Lép tại chỗ được, bởi khoảng cách đó xa quá, con Lép có thể sẽ bị người ta dắt đi vì tưởng là ngựa hoang, vậy là chỉ còn cách tôi phải cõng nó đi về chỗ cái cây.

Hỷ Lạc nói: Kỳ lạ thật, huynh cứ phải tìm thấy cây mới ngủ được chắc.

Tôi hỏi: Muội không thấy, nếu không có cây, trong lòng cứ có cảm giác thiếu vắng thứ gì đó sao?

Hỷ Lạc đáp: Không hề.

Tôi nói: Huynh cũng chẳng rõ. Huynh cứ phải tựa vào cái gì đó thì mới ngủ yên được.

Hỷ Lạc nói: Huynh như vậy rất nguy hiểm.

Tôi nói: Huynh chẳng ngại nguy hiểm nào hết, lúc ngủ chỉ cần có thứ gì đó khẽ dịch chuyển là huynh có thể tỉnh ngay, sợ gì chứ, huynh không đánh được ai, song chúng ta còn có Linh, sắc nhọn thế cơ mà.

Hỷ Lạc nói: Linh đem đi cầm rồi còn gì.

Tôi nói: Ờ nhỉ, nhưng vậy cũng chẳng sợ, tóm lại chẳng có ai giết nổi huynh, sư phụ nói vậy.

Hỷ Lạc nói: Muội biết huynh rất lợi hại, có điều, huynh cứ nằm ngủ ở gốc cây, huynh sẽ bị sét đánh đấy.

Tôi nói: Hỷ Lạc ơi, muội thật thông minh, những lúc trời mưa chúng ta không ngủ dưới gốc cây nữa.

Hỷ Lạc nói: Huynh thật kém cỏi, lẽ nào cả đời cứ phải ngủ dưới gốc cây sao?

Tôi nói: Ơ, ta có thể tìm một chỗ thật đẹp, có núi có sông mà dựng một mái nhà, cơm ăn áo mặc đầy đủ.

Hỷ Lạc nói: Đến lúc ấy muội nhất định sẽ lấy huynh.

Tôi nói: Thực ra cũng chẳng có gì, trong tay chúng ta còn đầy bạc, sau khi trời sáng ta đi quanh đây xem xem, thấy chỗ nào được thì xây lấy một căn nhà.

Hỷ Lạc nói: Huynh thật chẳng có chí tiến thủ gì cả.

Tôi nói: Tiến thủ cái gì? Cùng lắm chẳng cần thuê công nhân, huynh từ bé đã luyện công phu dùng tay chặt đổ cây, khỏi phải cưa xẻ cả ngày làm gì, thảo nào sư phụ bảo luyện môn công phu này rất có tác dụng.

Hỷ Lạc nói: Muội đâu nói đến việc đó, huynh nghĩ xem, trên vai huynh khoác Linh, thanh kiếm cả thiên hạ đều thèm muốn, sư phụ đã dạy cho huynh mọi thứ, chẳng lẽ chỉ mong huynh chặt cây làm nhà thôi sao?

Tôi nói: Huynh không biết, Linh chẳng phải đem cầm rồi đó thôi?

Hỷ Lạc nói: Huynh là đồ ngốc, huynh tưởng thật sao? Chẳng qua muội thấy chúng ta mang theo nó quá nguy hiểm, tạm thời cất ở một nơi khó có ai có thể nghĩ đến thôi. Sau một tháng nữa còn phải đến lấy đấy.

Tôi nói: Hả, lẽ nào lại phải cưỡi con Lép kia quay lại?

Hỷ Lạc nói: Đương nhiên, không những vậy, chúng ta còn phải chuẩn bị gần một trăm lạng bạc để chuộc nữa đấy.

Tôi nói: Sao muội không nói sớm, nói sớm thì huynh đã chẳng đem cầm cố nữa, chúng ta mang nó theo người, thấy đạo tặc thì chém đạo tặc, cần chặt củi thì đem chặt củi, tiện quá ấy chứ.

Hỷ Lạc nói: Quả thật quá nguy hiểm. Huynh cứ nghe muội đi. Đừng có nghĩ sáng sớm ngày mai đã đi xây nhà, nhé!

Tôi nói: Được rồi, nhưng xây một căn nhà nho nhỏ trước đã nhé!

Hỷ Lạc nói: Ngoan nào, nghe lời muội. Mấy hôm nữa hẵng xây, ở đây cách chùa Thiếu Lâm quá gần, không hay, sư phụ mà biết chắc sẽ tức điên lên mất, mình có muốn làm nhà thì làm ở quãng xa một chút, được không nào, cứ ngủ đi đã nhé.

Chốc lát, tôi đã ngủ khì khì, nghĩ bụng, giang hồ thật quá đỗi bình lặng. Đi xa một chút rồi xây nhà, ắt sẽ trường an vô sự.

Đã đến ngày thứ ba. Tỉnh dậy. Lần này vẫn là Hỷ Lạc đánh thức tôi, tôi mở mắt, lờ mờ trông thấy trước mặt có rất nhiều bóng người chuyển động, liền mở miệng hỏi: Hỷ Lạc, đến Trường An rồi à?

Hỷ Lạc nói: Chưa, họ bảo họ đợi huynh rất lâu rồi.

Tôi mở tròn mắt, thấy phía trước có sáu bảy người ăn vận chỉn chu, người đứng đầu trông mặt mũi thanh tú hơn cả, tôi hỏi Hỷ Lạc: Hỷ Lạc, sơn tặc ăn mặc như thế này à?

Hỷ Lạc nói: Không phải, mấy người này bảo là từ Trục thành lại, muốn gặp huynh.

Tôi hỏi: Họ là ai vậy?

Kẻ đứng đầu nói: À, tôi là Vạn Vĩnh ở Vĩnh Triều sơn trang Trục thành, gia phụ là Vạn Bảo Long nức tiếng giang hồ, để lại kiếm thức Vạn Long quy nhất nổi tiếng, lần này tới đây, một là muốn tận mắt chiêm ngưỡng phong thái của thanh kiếm Linh, sau là muốn cùng Thích huynh đây tỉ thí võ nghệ một chút.

Tôi nói: Được thôi, có điều các vị không trông thấy Linh được đâu, bởi thanh kiếm đó vẫn ở trong Thiếu Lâm, đó là bảo vật của Thiếu Lâm, sao có thể để một kẻ mới ngần này tuổi như tôi tùy tiện mang ra ngoài được.

Vạn Vĩnh nói: Xem chừng chắc vậy, tôi cũng nghĩ như thế, lời đồn thổi trong giang hồ thật không thể tin được, vậy trận tỉ thí võ công thì được chứ ạ?

Tôi nói: Không vấn đề gì.

Vạn Vĩnh nói: Kiếm thức do gia phụ đặt ra bắt buộc phải dùng kiếm mới triển khai được, có điều trong tay Thích huynh lại không có bất kỳ loại vũ khí nào, vậy là không công bằng, phải làm thế nào đây?

Tôi nói: Không sao, tôi còn chưa biết sử dụng binh khí, dùng tay không vậy.

Vạn Vĩnh nói: Tôi quả thực rất muốn thắng huynh, cho nên xin chớ trách tôi không công bằng. Bắt đầu thôi nào!

Tôi nói: Gượm đã! Mấy người đi theo Vạn huynh hãy cho lui lại phía sau đi, tôi sợ gây thương tích cho bọn họ.

Vạn Vĩnh nói: Không được, chiêu thức Vạn long quy nhất chỉ có thể thành công khi có nhiều người cùng giả làm rồng, một mình tôi thì không thể sử dụng tuyệt chiêu này được.

Tôi nói: Hả? Chưa gì đã dùng tuyệt chiêu rồi à? Được thôi, Hỷ Lạc, dắt con Lép ra xa một chút đi.

Hỷ Lạc nói: Huynh cẩn thận đó.

Tôi nói: Huynh làm sao có thể chết ở nơi cách Thiếu Lâm còn chưa đến trăm dặm này được.

Vạn Vĩnh nói: Làm lỡ hành trình của huynh đài, thực mong huynh đài lượng thứ. Song việc thắng huynh đài thực sự rất quan trọng, xin huynh đừng trách tôi bất chấp thủ đoạn.

Tôi nói: Dù sao huynh đài cũng là người có khí phách, bằng không thì đã đánh lén tôi nhân lúc tôi ngủ mơ rồi, thôi bắt đầu đi!

Nói đoạn. Chỉ thấy sau người vây quanh Vạn Vĩnh lập tức bày thế trận, tức tối chạy quanh anh ta, sau rốt trở thành một vòng tròn khiến tôi nhìn mà hoa cả mắt, nghĩ bụng, thật ra điểm khó nhất của chiêu thức Vạn long quy nhất chính là ở mấy chỗ này, cần phải chạy thật nhanh, phải đều tăm tắp, nhìn họ chạy lòng vòng như vậy người trông thế nào chẳng chóng mặt.

Tôi chăm chú quan sát, lòng đầy ngờ vực, bổng nhiên, trong tay sáu người cùng lúc phóng ra sáu mũi tiêu về phía tôi, tôi nghĩ, quả thật nham hiểm, nhằm đúng lúc người khác đang đứng ngây ra nhìn liền ra đòn hiểm độc. Sáu mũi tiêu đều tăm tắp, đoán dựa theo vị trí của chúng thì chắc là nhằm vào phần đầu, cổ, tim gan, đầu gối của đối phương, thật sự là quá ác độc, nhưng phải công nhận là rất chuẩn, khốn nạn nhất là mũi tiêu cuối cùng, dám phóng thẳng vào chỗ kín của tôi hòng khiến tôi rơi vào đường tuyệt tự. Tôi liếc mắt nhìn ngay về phía sau, phát hiện ra sau lưng chỉ có một cái cây, không còn gì khác, may mà con Lép đã được dắt đi, bằng không cũng chẳng biết phải làm thế nào. Thế rồi, tôi nhẹ nhàng nhảy sang bên cạnh một bước, sáu mũi tiêu cũng nhẹ nhàng lướt qua người tôi. Tôi cười thầm, nghĩ bụng chiêu này gọi là Vạn long quy nhất sao.

Bất ngờ, một thanh đoản kiếm được phi ra từ trong sáu kẻ đang chuyển động. Công lực của Vạn Vĩnh thật không tầm thường, có thể lén phi thanh kiếm qua kẽ hở từ sáu người đang chuyển động mà không hề cắm nhầm vào đít quần mình, việc này thật chẳng dễ dàng gì. Hồi luyện chiêu này, dễ chừng phải chết đền hàng đống người.

Tôi nghĩ cùng lắm là lại tránh. Nhưng tôi đã mắc phải một sơ suất, đó là lúc này tôi đang lăn mình giữa không trung, chân còn chưa chạm đất, thì chẳng có cách nào tiếp tục tiến hành động tác khác, trong khi tốc độ của thanh kiếm kia thì lại hết sức nhanh gọn, thậm chí lao đến mỗi lúc một nhanh, theo đúng chiều tôi né mình.

Thôi rồi, tôi nghĩ, chỉ có thể đưa tay ra đỡ thôi.

Nhằm lúc thanh kiếm đến sát bên mình, hai tay tôi chộp lấy chuôi kiếm, mũi kiếm chỉ cách tôi chưa đến một ngón tay, tôi phải chặn thanh kiếm lại trong khoảng cách đó. Theo tôi thấy chắc chẳng có vấn đề gì, nhưng hoàn toàn không ngờ được rằng sức mạnh của thanh kiếm đó lớn hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng, mà bấy giờ quả thật đã không còn chỗ nào có thể tránh được nữa.

Cuối cùng thanh kiếm đâm vào người tôi, sâu quãng một ngón tay.

Chiêu thức này đã kết thúc như vậy, mọi người đều không mảy may động tĩnh. Hỷ Lạc lao như bay tới, cuống quýt gào lên: Huynh, sao huynh lại tự kết liễu như thế?

Tôi rút kiếm ra, nói: Mẹ kiếp, suýt nữa thì đâm ngập.

Hỷ Lạc nói: Sao vậy?

Tôi đưa thanh kiếm đã đâm tôi một nhát ra phía trước, nói: Đến lượt tôi đây.

Vạn Vĩnh cười nói: Thôi khỏi, huynh đài thua rồi, trên kiếm có độc.

Hỷ Lạc vội hỏi: Độc gì vậy?

Vạn Vĩnh nói: Tây vực hồng hoa, nhưng huynh đài chớ lo lắng, loại độc tính này phát tác rất chậm, hai ngày sau mới phát tác hoàn toàn, huynh cùng tôi tới Trục thành đi, tôi chẳng có ác ý gì đâu, chỉ muốn chúng ta kết nghĩa huynh đệ thôi, vả lại thuốc giải chỉ ở trong Vĩnh Triều sơn trang mới có. Tôi bảo đảm huynh sẽ không xảy ra chuyện gì đâu.

Tôi nói: Phát tác sau bao lâu?

Vạn Vĩnh nói: Phải hai ngày. Song một khi phát tác sẽ không có thuốc giải.

Hỷ Lạc nói: Vậy hãy tới sơn trang của huynh đi, mau lên!

Vạn Vĩnh nói: Hai vị cưỡi ngựa theo tôi.

Hỷ Lạc nói: Đợi chúng tôi với nhé, ngựa của chúng tôi đi chậm lắm.

Vạn Vĩnh nói: Không sao. Tôi sẽ đưa các vị ngựa của tôi, tôi dùng ngựa của huynh đệ tôi, ngựa của hai vị tôi bảo một người anh em cưỡi về là được.

Điều này có nghĩa là chúng tôi đã phí công đi rất nhiều quãng đường.

Từ đây tới Trục thành quả nhiên không xa, thoáng một cái chúng tôi đã tới chân cổng thành. Vĩnh Triều sơn trang nằm ở cực Tây của tòa thành, phía sau sát núi, là sơn trang gần như lớn nhất của bản triều, có thời còn chuyên phục vụ chỗ ở cho các vị hoàng đế đại thần đến dâng hương. Tôi chưa kịp ngắm cảnh của Trục thành thì đã tới Vĩnh Triều sơn trang, cổng lớn sơn trang to gấp đôi cổng thành, bốn chữ Vĩnh Triều Sơn Trang đang treo là do đích tay đức vua viết tặng. Bởi bốn chữ này thực ra rất xấu, nếu không phải vua viết thì sẽ chẳng có ai chịu treo cái thứ đó lên trước cửa cả.

Dọc đường tôi đã bắt đầu hôn mê, nhưng tôi vẫn nhủ thầm, sẽ chẳng sao đâu, còn có thuốc giải, với lại chắc chắn tôi không thể chết được, sự việc hoàn toàn nằm ngoài ý muốn, tuy kể ra có hơi ấm ức, vì dù sao đây cũng là lần đầu tiên tôi thực sự tỉ thí với người khác, thế mà lại bị hạ độc, lại còn bị người ta dắt về nhà cứu chữa nũa, thật mất hết thể diện.

Phía trong Vĩnh Triều sơn trang rất rộng lớn, tôi không nhớ nổi đã bị cáng đi qua bao nhiêu cửa, cảnh vật xung quanh dường như cứ biến đổi luôn, lúc thì cảnh hoa sen, khi thì hình chạm khắc, tôi đã không thể trông rõ, cũng không thể nghe rõ, chỉ có tiếng khóc của Hỷ Lạc cứ thút thít bên tai. Tôi nghĩ, ngộ nhỡ lần này không có thuốc giải, thì điều hoàn toàn bất ngờ là: Hỷ Lạc sẽ chôn tôi, đúng là không thể hình dung, mình thì vẫn là mình, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược.

Cuối cùng tôi được dừng lại trong căn phòng đầy ngập sách, Hỷ Lạc nhớ con Lép, bảo rằng phải ba ngày nữa mới gặp được nó, Vạn Vĩnh nói, cô nương cứ yên tâm, con ngựa chắc chắn sẽ không sao cả, chỉ có thuốc giải độc là quan trọng thôi. Nói đoạn, liền lấy một chiếc bình trên bàn lên, lắc lắc rồi bảo tôi uống.

Tôi nói: Vạn đại ca, thuốc giải mà sao huynh để lung tung thế?

Một tay thuộc hạ của Vạn Vĩnh nói: Hỏi ít thôi.

Vạn Vĩnh nghiêm mặt, quát: “Ai cho phép ngươi chõ mồm vào? Đừng có láo, về sau vị này là chủ nhân của ngươi đấy.”

Đoạn quay sang nói với tôi: Ừm, bọn tiểu nhân không biết gì, huynh mau uống thuốc giải đi?!

Tôi nói: Tôi uống rồi.

Hỷ Lạc nói: Liều lượng uống thế nào?

Vạn Vĩnh nói: Một ngụm.

Tôi nói: Chết thật, tôi hơi khát, nên uống hết rồi.

Vạn Vĩnh nói: Không sao, mặc dù trên giang hồ bình thuốc này phải hơn tám nghìn lạng bạc, nhưng sơn trang của tôi có đầy tiền, huống hồ vì muốn kết giao với hai vị, cho nên hằng ngày cứ coi bình thuốc này là rượu uống cũng được.

Hỷ Lạc nói: Sao lại đắt thế nhỉ?

Vạn Vĩnh nói: Loại thuốc này… chính là Bách độc tàn nổi tiếng trên giang hồ.

Tôi và Hỷ Lạc đều tỏ ra không hay biết.

Vạn Vĩnh nói: Loại thuốc này có thể tiêu trừ bá độc, hành tẩu trên giang hồ có một bình như vậy, thật là…

Hỷ Lạc nói: Sơn trang của huynh đài đây được xây bằng tiền bán thuốc phải không ạ?

Vạn Vĩnh nói: Không phải, Vĩnh Triều sơn trang nổi tiếng trên giang hồ, lẽ nào hai vị chưa nghe nói đến?

Tôi và Hỷ Lạc đều tỏ ra không hay biết.

Vạn Vĩnh nói: Vậy chứng tỏ hai vị không phải là nhân sĩ giang hồ thật rồi. Thuốc này rất đắt, giá gốc là tám ngàn, thường bán năm vạn lạng một bình, gia phụ là vua độc dược lừng tiếng giang hồ, chuyên chế các loại độc dược, độc hơn những gì hai vị có thể tưởng tượng nhiều. Nhưng gia phụ chẳng qua chỉ là thích chế độc dược mà thôi, chứ không hề thích hạ độc, độc dược ông cụ chế ra xưa nay không bán, song người trong giang hồ đều lăm le các món của ông, đều nghĩ đủ mọi cách để thó giật, cũng may gia phụ võ nghệ cao cường, ngoài thuốc chuột ra thì không để bất cứ thứ nào lọt vào dân gian. Sau đó gia phụ được bản triều chiêu an, rồi thì khi bản triều đánh trận, phàm nơi nào công mãi mà không hạ được, liền dùng chất độc diệt thành là hạ được ngay, ngót nửa giang sơn hiện nay được thu về như vậy đấy, thế mà ông lại phải ấm ức mà chết.

Vạn Vĩnh nói đến đây, sắc mặt sa sầm, nhìn tôi và Hỷ Lạc.

Hỷ Lạc nhìn tôi, một lúc lâu mới nói: Huynh, huynh nghe thấy chưa, vừa nãy huynh đã uống chẵn năm vạn lạng đấy.

Chuyện phiếm thêm đôi câu, cũng có phần lời không chuyển tải được ý. Vạn Vĩnh đích thân đi bố trí chỗ ăn ngủ tiếp đón tôi và Hỷ Lạc, còn tôi và Hỷ Lạc thì đi dạo trong trang viên này. Đây thực là một trang viên rất rộng lớn, phải gấp mấy lần so với chùa của chúng tôi, song cả ngày chẳng thấy một bóng người, có thể vì nó thật quá rộng. Từ thư phòng bước ra, dường như phải mất một lúc lâu mới tới được một cụm kiến trúc khác, mà là những nơi đó đều có người chuyên đứng canh giữ, thân phận cao quý của tôi và Hỷ Lạc có lẽ chưa được thông báo triệt để, mọi người đều nhìn chúng tôi với con mắt cảnh giác.

Tôi nói: Hỷ Lạc, muội có thích căn nhà lớn thế này không?

Hỷ Lạc nói: Muội chẳng thích.

Tôi nói: Muội là con gái, sao lại không ham hố vinh hoa phú quý nhỉ, ha ha.

Hỷ Lạc nói: Huynh xem, mấy cái nhà này rồi sẽ sang tên đổi chủ liền xoành xoạch, người ở đây bất quá là tá túc, ở chóng hay chầy mà thôi, chẳng ai chiếm hữu được cả.

Tôi nói: Nhưng muội xem người ta, vung tay thoải mái, còn mình thì phải nghĩ đủ cách để chuộc thanh kiếm lại.

Hỷ Lạc nói: Huynh không hiểu đâu.

Lúc này sắc trời đã tối, trong một căn phòng nào đó của Vĩnh Triều sơn trang đang có múa hát rất linh đình. Nghe tiếng ngân vọng lại, Hỷ Lạc réo lên đòi đi xem kich. Tôi thì chỉ cảm thấy, chẳng có trò gì đáng xem cả, tự mình xem trò mình diễn, thế là thành kịch rồi.

Chúng tôi tiếp tục đi men theo hành lang dài, sự xa hoa cùng lắm là như thế này mà thôi. Hai bên hành lang là một đầm hoa sen, đúng là nhà giàu có khác, chẳng hiểu sao tôi cứ cảm giác loài hoa sen này ngày nào cũng nở, khiến người ta say đắm. Lại còn cả tiếng hát du dương nữa. Cứ đi về phía trước, liền tới hậu hoa viên. Bấy giờ thâm u. Dưới ánh trăng, đá dăm lởm chởm, hoa cỏ ở đây tôi cũng hoàn toàn chẳng biết tên gọi là gì.

Hỷ Lạc rất sợ các trang viên, muội ấy cảm thấy bất cứ trang viên nào cũng từng xảy ra những chuyện rùng rợn.

Bất kỳ trang viên nào cũng giống nhau, điểm khác biệt có lẽ đều ở nội thật, các căn phòng nơi đây đều đóng kín cửa. Chúng tôi men theo đường cũ trở về, phát hiện ra Vạn Vĩnh đã ngồi trong thư phòng đợi chúng tôi.

Tôi nói: Ngại quá, tôi thấy khoan khoái hẳn ra, nên mới tùy ý đi dạo.

Vạn Vĩnh nói: Kỳ thực tôi biết tin từ rất lâu rồi, mà cũng ngưỡng mộ huynh đài từ rất lâu rồi. Ai cũng biết huynh đài sở hữu một khả năng phi thường, mọi người đều muốn giết huynh đài, bởi ai giết được huynh đài thì người đó đương nhiên sẽ càng phi thường hơn. Tôi nghĩ, chúng ta đều là những người học võ, việc chém giết rất chi vô vị, chỉ cần đánh bại đối phương là được rồi, cho nên vừa biết tin huynh đài rời khỏi Thiếu Lâm, tôi liền đem theo người đi tìm ngay, không ngờ hai vị lại đi chậm đến thế, ngót hai ngày mà mới đi được có mấy mươi dặm.

Hỷ Lạc nói: Tôi chưa hề nghe đến chuyện này, nhưng dọc đường chỉ mỗi mình huynh có ý định đánh chúng tôi thôi, ngoài ra có gặp ai nữa đâu. Vả lại, còn có ai muốn sát hại chúng tôi nữa đây?

Vạn Vĩnh nói: Ơ, cô nương ơi, không phải là sát hại hai vị, mà là sát hại vị huynh đài này, cô nương chẳng qua được đi kèm thôi. Nhưng tóm lại thì chẳng ai là cao thủ cả, cho nên đều muốn gây tiếng vang.

Hỷ Lạc nói: Hừm, tôi nói cho huynh biết, tôi mới lợi hại nhất, vị kia còn phải nghe lời tôi. Những người muốn giết chúng tôi đâu?

Vạn Vĩnh nói: À, sau khi họ hay tin, đều đã lũ lượt tăng tốc truy đuổi, bố trí mai phục khắp nơi, ai dè hai vị lại lề mề đến thế, họ đang đón đầu hai vị cả đấy.

Hỷ Lạc nói: Vậy sao huynh lại không đón lõng chúng tôi ở phía trước?

Vạn Vĩnh nói: À, thì tôi nắm thông tin chậm quá, vì tôi ở Trường An suốt. Vừa trở về, nắm được thông tin tôi liền lập tức đuổi theo ngay.

Tôi hỏi: Vậy… việc này… lẽ nào tôi vừa ra khỏi chùa là để bị truy sát?

Vạn Vĩnh nói: Không nghiêm trọng đến thế đâu, ai mà sát hại được huynh chứ? Tôi xin mạo muội hỏi, quan hệ của huynh đài và Hỷ cô nương đây là thế nào… để tôi tiện bố trí phòng ngủ.

Hỷ Lạc nói: Huynh ấy là chồng tôi.

Vạn Vĩnh cả kinh thất sắc, nói: Nhưng huynh ấy là sư.

Tôi nói: À, là trường hợp chiếu cố ngoại lệ ấy mà.

Vạn Vĩnh nói: Ồ. Vậy hai vị nghỉ chung một phòng là được. Sáng mai trời sáng, tôi sẽ lại tới, đưa hai vị đi thăm thú trang viên, rồi ở lại thêm hai ngày.

Tôi nói: Đa tạ Vạn huynh! Song chúng tôi cần tới Trường An gấp.

Vạn Vĩnh nói: Tới đó làm gì vây?

Tôi và Hỷ Lạc đồng thanh nói: Cũng chẳng biết.

Đêm, trước khi đi ngủ, tôi lại hỏi Hỷ Lạc: Muội có thích căn phòng lớn và cái giường lớn này không?

Hỷ Lạc nói: Muội không thích, bởi vì chúng không phải của muội.

Tôi nói: Không thể nói thế được, mọi căn phòng và mọi chiếc giường đều sống lâu hơn muội, cho nên chỉ có chuyện cả đời muội thuộc về chúng, chứ cả đời chúng chẳng thể nào thuộc về muội, có thể sau khi muội chết còn có người khác.

Hỷ Lạc nói: Mặc kệ. Cái gì của muội là của muội, có chết muội cũng phải mang theo.

Tôi nói: Muội mang theo làm sao được.

Hỷ Lạc nói: Huynh đừng có tranh cãi với muội, muội mang cả huynh theo luôn. Muội phải mang huynh theo, mang con Lép theo.

Sáng sớm thức giấc, không khí rất tuyệt, bữa sáng thật thịnh soạn. Vạn Vĩnh đã đợi từ sớm, khiến chúng tôi cảm thấy áy náy. Huynh ta có lẽ là người dậy sớm nhất trong số những người giàu có toàn triều. Vạn Vĩnh nói: Biết là nhị vị kiên quyết chia tay, tôi cũng không ngăn cản nữa, có lần kỳ ngộ này, chúng ta đều là huynh đệ, ngày sau chắc chắn còn gặp lại nhau.

Tôi và Vạn Vĩnh hàn huyên đôi câu, Hỷ Lạc dùng một chút đồ ăn, sau đó chúng tôi từ biệt nơi không chân thực này, đi tới một nơi không chân thực hơn nữa, đó là Trường An. Trước khi đi, Hỷ Lạc hỏi: Vạn đại ca, con ngựa còi của chúng tôi có được ăn no không?

Vạn Vĩnh nói: À, để tôi bảo thủ hạ đi thăm nom xem sao.

Mấy phút sau, một tên thị vệ chạy tới, thầm thì một hồi, Vạn Vĩnh cả kinh thất sắc, nói: Sao lại thế được?

Hỷ Lạc lập tức òa khóc, nói: Tôi biết huynh có thể giải cứu được mọi loại độc, có phải huynh thấy thuốc quá đắt, không thể đem chữa cho một con ngựa được đúng không, ngọn cỏ tinh mơ có đọng sương móc, có ngọn có độc, không thể cho ngựa…

Vạn Vĩnh cười nói: Cô nương hiểu nhầm rồi, quý ngựa vẫn đang trên đường tới đây, còn mấy dặm nữa mới tới sơn trang. Ngựa của hai vị, động tác lề mề, lại hơi đần độn, e sẽ làm nhọc hai vị, chi bằng thế này, trong trang viên của tôi có một con đem từ Tây Vực…

Hỷ Lạc ngắt lời nói: Đa tạ Vạn huynh, không cần đâu.

Tôi hỏi: Cái loại ngựa chưa bao giờ biết chạy, mà muội thích đến thế cơ à?

Hỷ Lạc nói: Đúng thế.

Tôi hỏi: Vì sao?

Hỷ Lạc đáp: Vì đó là con ngựa đầu tiên muội chọn.

Nói thực lòng, tôi chẳng có chút cảm tình nào với cái con Lép. Sự khó hiểu của phụ nữ nằm ở chỗ, họ có thể nảy sinh một thứ tình cảm khó lý giải với một số sự vật khó hiểu, còn tôi thì cảm thấy buồn chán khi từ đầu tới giờ vẫn chưa thể ra dáng oai phong hào hiệp trên lưng ngựa. Con ngựa kia không khiến tôi cảm thấy có sự tồn tại của tốc độ, nếu có thì chỉ là sự chờ đợi các cảnh vật sẵn trước mặt chậm chạp tiến lại mà thôi.

Trong khi đợi con Lép, tôi và Vạn Vĩnh tán dóc một số câu chuyện giang hồ, cuối cùng thì con Lép cũng tới nơi. Tôi và Hỷ Lạc lập tức chạy tới đón, chủ yếu là vì sợ nó dừng nghỉ. Sau khi con Lép cuốc bộ hai ngày, nó vẫn chẳng thay đổi gì so với lúc trước, chỉ có ông anh ngồi trên lưng ngựa, người đã cùng Vạn Vĩnh thi triển chiêu thức Vạn long quy nhất, là mệt rã rượi, gần như chẳng mở nổi miệng. Còn như thứ độc tôi trúng phải, đã không nguy ngại gì lớn nữa. Có lẽ ngày từ khi tôi còn nhỏ, sư phụ đã phủ lên mọi câu chuyện của chúng tôi một lớp màu truyền kỳ huyền ảo, khiến tôi cảm thấy tôi và Hỷ Lạc không thể nào chết ở cõi đời nhiễu nhương gói trong vỏ bọc bình yên này. Huống hồ, công hiệu của loại thuốc giải này quả thực rất tốt, tôi lại uống hết cả một bình, cảm giác chẳng có chất độc nào có thể xâm nhập vào cơ thể nữa, đâm ra càng tự tin đối với con đường phía trước.

Hỷ Lạc cưỡi lên con Lép, tôi và Vạn Vĩnh từ biệt nhau.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi giao du với người cùng giới có độ tuổi xấp xỉ sư huynh Thích Không, nên lòng có chút lưu luyến. Hỷ Lạc thúc ngựa không dưới mười tiếng, tôi mới quay lại đuổi theo con Lép đã đi được hơn hai trượng.

Từ giã như vậy cũng thật áy này. Tôi thấy từ xưa, anh hùng hào kiệt mỗi khi nấn ná chia tay đều ôm quyền, nói một câu “tạm biệt”, rồi quay người nhảy phắt lên ngựa, trong vài cái chớp mắt đã xa khuất tận chân trời, để lại sau lưng vầng tịch dương cùng khói bụi mịt mùng vẩn lên sau gót ngựa. Còn lần này, tuy đều là những người anh hùng, có điều muốn tôi, Hỷ Lạc và con Lép mất hút nơi đường chân trời, thì dù nói thế nào cũng phải mất thời gian một tiếng, mà trong khoảng thời gian đó, Vạn Vĩnh chắc chắn sẽ ngượng ngùng quanh quẩn trong trang viên, bất đắc dĩ đưa ánh mắt tống tiễn nom đến tàn khốc, xem chừng quả là làm khó vị huynh đệ này thật.

Tôi giục Hỷ Lạc: Mau lên!

Hỷ Lạc nói: Giục gì mà giục, con Lép mãi đã được nghỉ đâu, từ từ thôi.

Tôi nói: Vớ vẩn! Cái con này dọc đường chắc chắn nghỉ liên tục. Không tin thì xem đây!

Nói đoạn tôi đạp con ngựa một cước thật mạnh, con ngựa kinh hãi nhảy tót lên trước một bước. Hỷ Lạc kêu lớn trên lưng ngựa: Nhanh quá! Không hãm được nó nữa đây này!

Nhưng tôi thì nghĩ một cách bi quan rằng, nó như vậy là do bị tôi đạp văng đi thôi. Tôi quả thực chẳng có cách nào yêu con ngựa này được, mà cũng chẳng thể nào oán ghét nó, bởi mặt mũi nó trông rất ngu, khiến người ta có cảm giác nó hiển nhiên được quyền như thế.

Phải mòn mỏi chờ một lúc lâu, Vĩnh Triều sơn trang mới khuất hẳn tầm mắt chúng tôi.

Tôi nói Hỷ Lạc: Lẽ nào muội chưa từng nghĩ đến việc sẽ lấy một người như Vạn Vĩnh?

Hỷ Lạc nói: Hoàn toàn chưa từng. Mà sao huynh cứ muốn rũ bỏ muội vậy nhỉ? Nói mau!

Tôi cười nói: Đâu chỉ có muội, huynh muốn rũ bỏ cả người lẫn ngựa ý chứ.

Thời gian dường như đã trôi qua rất lâu, bất giác tôi và Hỷ Lạc đến Trục thành.

Lúc này trời sắp tối, Hỷ Lạc nói: Đi dạo đã nhé, nhỡ đâu lại phát hiện ra điều gì cũng nên.

Tôi nói: Có thể phát hiện được gì cơ chứ?

Trục thành. Tôi nghĩ, đây là nơi đã in trong ký ức chúng tôi từ hồi nhỏ, nơi chúng tôi chạy trốn để giúp sư huynh làm ám khí. Bấy giờ hoang mang, tôi không hề ngắm kỹ phố huyện nhỏ mà trọng yếu này của Trung nguyên. Phố huyện này thực ra bị chia cắt bởi bốn con đường xếp thành hình chữ Tỉnh (井), song đường quả thực rất dài. Tương truyền vùng này là đất báu, dưới đất có long mạch xuyên qua, đặc biệt là ở chỗ nét ngang trên của chữ Tỉnh (井) lại càng là rẻo đất quý báu, thành thử dường như tất cả vương gia, đại thần, phú hộ đều cây cất phủ riêng trên đó, đây cũng chính là nguyên nhân khiến lần trước tôi và Hỷ Lạc bị đuổi vì đòi qua đêm ở đây. Liệu trên mặt đất nơi ấy có vương vãi vài tờ ngân phiếu không nhỉ?

Bấy giờ ngân phiếu tràn lan, việc quản lý cũng rất hỗn loạn, đơn cử như ngân phiếu thì chỉ có thể lưu hành trong giới quan chức, lão bá tánh chưa được sử dụng; mà trước khi có hiệu lực, cần phải đưa cho các vị đại thần quản lý ngân phiếu ở địa phương ký tận tay mới được. Ở mỗi địa phương, họ đều được mọi người tôn kính gọi tắt với cái tên “giám ngân”[1]. Những ông giám ngân này đều đã có tuổi, chẳng ham hố thứ gì, chỉ việc nhắm mắt ký là xong, nhưng rắc rối ở chỗ, ký rồi thì phải ghi vào sổ sách. Điều này thật sự không hay, bởi nếu thu nhập rõ ràng thì quan khác gì dân. Có điều nét chữ của mấy ông giám ngân từng kinh qua tôi luyện đặc biệt, rất khó bắt chước, đặc biệt thủ pháp khống chế ngòi bút thì độc đáo vô cùng, cho nên ngân phiếu thật hay giả liếc mắt là biết ngay.

[1] Từ này trong tiếng Hán hiện đại đồng âm với từ “gian dâm” (đọc là “jian yin”). ND

Nhưng huyện quản ở Trục thành thông minh tột độ, lão ngâm tờ ngân phiếu của mình và chữ ký của giám ngân do bọn hạ nhân chuyên sao phỏng xuống nước, chữ ký nhòe ra, mất hết dấu vết của ngòi bút, sau đó viện là do mưa làm ướt. Phương pháp này về sau dần dần được lưu truyền, dân gian gọi là “rửa tiền”.

Những tờ ngân phiếu bay lướt bên chân tôi và Hỷ Lạc rõ ràng chưa được rửa, cũng không có chữ ký của giám ngân, cho nên vẫn chỉ là giấy. Hỷ Lạc ngồi xổm vớ được tờ nào bèn giơ tờ ấy lên xem.

Tôi hỏi: Xem gì thế?

Hỷ Lạc đáp: Muội xem xem nhỡ đâu có tờ nào đã được giám ngân ký.

Tôi nói: Không có khả năng ấy đâu, tờ ký rồi thì làm gì có chuyện bay trên phố thế này.

Hỷ Lạc có vẻ cuống: Vậy làm sao chúng ta mới có thể chuộc Linh về được?

Tôi nói: Chúng ta cũng có thể không cần thanh kiếm ấy nữa, nó chẳng còn tác dụng gì với huynh.

Hỷ Lạc nói: Không được, đó là đồ của chúng mình.

Tôi nói: Sao muội cứ phân biệt rõ đâu là đồ của muội đâu là đồ của huynh thế nhỉ. Đồ vật luôn lưu động cơ mà.

Hỷ Lạc nói: Vậy muội lưu động đến nhà họ Vạn kia, huynh bằng lòng không?

Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: Huynh thật sự chẳng thấy có gì là phiền lòng cả.

Tôi đột nhiên có cảm giác, phải chăng tôi không hề thích cô nương bên cạnh tôi. Bởi tôi thật sự cảm thấy chẳng có gì là không vui lòng cả. Lẽ nào vì tôi đã quá yên tâm với muội ấy, cảm thấy mọi việc không thể xảy ra, hai người chúng tôi đã trở thành một từ lâu rồi. Chắc là vì tôi thực sự không thể rời bỏ cô nương này được, đó chính là tình yêu sâu sắc nhất. Bởi tất cả mọi thứ chia sẻ cùng muội ấy đều hết sức tự nhiên, dường như thời gian cũng trôi chảy một cách êm đềm, không hề có điều gì khả nghi cả.

Tôi nói: Hỷ Lạc! Muội đừng nhặt nữa.

Hỷ Lạc đứng dậy, nói: Con phố này không phải chỗ chúng ta đặt chân, đi thôi, chúng ta tới chỗ của người nghèo.

Tôi cùng Hỷ Lạc đi xuyên qua một con phố, đến một nơi ầm ĩ tiếng người. Tôi phải thốt lên rằng ở đây quá náo nhiệt. Hỷ Lạc dắt con Lép đi trước, nói: Xem này, đây là phố Liễu Hạng.

Đột nhiên, tôi cảm thấy có tiếng gì đó vẳng lại gấp gáp từ phía xa, hơi bất bình thường, đến khi bầy người trước mặt bị rạch toang ra tôi mới trông thấy một con ngựa ô vâm chắc, cưỡi trên mình nó là một tay đầu trọc trước ngực đeo hai chữ “Thích Giáp”, đang quất roi xông lên. Hỷ Lạc đang đứng ngây ra ở ngay phía trước. Thằng tiểu tử cưỡi trên con ngựa ô lớn tiếng kêu tránh ra. Thấy Hỷ Lạc không thể nào tránh kịp, tôi liền xông lên phía trước ngựa, quét một đường ngang chân ngựa, con ngựa đột ngột bị mất trọng tâm, đổ đánh rầm xuống đất, cả người lẫn ngựa lăn tròn trước mặt con Lép và Hỷ Lạc vẫn đang ngây người kinh ngạc. Dường như đồng thời, có tiếng vỗ tay giòn giã vang ra từ trong đám người.

Tôi vội tiến lên nom xem vết thương của kẻ có tên Thích Giáp. Vừa tiến lại gần, hắn liền vung mạnh tay lên, tôi vỗ đánh đét vào bàn tay hắn, nói: Khốn nạn! Thiếu Lâm dạy ngươi trò tát vào mặt người khác hả?

Hắn lập tức ú ớ, đoạn nói: Pháp danh của ta nghe hay như vậy, ngươi biết ta không phải tầm thường, sao còn dám xông lên đụng vào ta, đúng là chán sống thật rồi.

Tôi nói: Thằng điên này, pháp danh của ta là Thích Nhiên mà cũng mới chỉ thong thả cưỡi cái con ngựa quèn kia, ngữ nhà người lại dám cưỡi con ngựa lớn làm náo loạn phố phường lên thế à?

Hắn nói: Ta đánh rắm vào, ngươi tên là Thích Nhiên thì mẹ kiếp ta tên là Thích Không đây này.

Cuối cùng tôi không nhịn nổi, liền nói: Bố láo! Tao mà không nhận ra sư huynh của tao à?

Hỷ Lạc lúc này mới hoàn hồn, liền lấy thẻ bài ghi pháp danh của tôi trong tay nải đưa cho hắn xem.

Tên kia thoắt chốc liền tiu nghỉu. Tôi nói: Không sao. Ta sẽ không kể cho sự phụ đâu, sư huynh ta dạo này thế nào?

Kẻ đó nói: Ta không quen ai cả.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy thế thẻ bài kia ngươi lấy đâu ra?

Hắn nói: Gỡ trên người chết ra.

Hỷ Lạc nói: Người chết? Người chết ở đâu?

Hắn nói: Trục Lộc cốc ở phía Nam thành.

Trục Lộc cốc là một kỳ tích của tạo hóa, trên mặt đất bằng bỗng đâu nứt toác ra một khe lớn. Năm xưa khi tấn công Trục thành, tương truyền Trục Lộc cốc là nơi khiến người ta đau đầu nhất, bởi nó sâu không thấy đáy, lại rộng bằng cả một con sông, cho nên lúc giữ thành về căn bản không cần phải phòng thủ, mà đương kim triều đình sở dĩ kiến lập nên, mấu chốt chính là ở việc đại quân đánh thẳng vào Trục Lộc cốc, bất ngờ chém giết đối phương, khiến chúng trở tay không kịp. Còn như việc đánh vào Trục Lộc cốc thế nào, trăm năm sau đã mỗi người nói một phách, song đó là chuyện bên lề. Quan trọng là, sao lại có đệ tử Thiếu Lâm chết ở đó.

Hỷ Lạc tiếp tục hỏi: Ngươi là ai?

Hắn nói: Ta là Chuột.

Hỷ Lạc hỏi: Ở đó xảy ra chuyện gì vậy, Chuột?

Hắn nói: Không biết, chỉ biết là chết rất nhiều người.

Tôi nghĩ bụng, tôi mới đi chưa quá mấy ngày mà cứ như thể có rất nhiều việc không hay biết, và có rất nhiều việc đã xảy ra. Việc này không hiểu sư phụ có biết không. Thiếu Lâm thật ra cách nơi này không xa. Tôi cảm thấy cần phải quay trở lại. Hỷ Lạc bảo đợi sau khi trời sáng thì tới Trục Lộc cốc xem sao, tôi nói, được, sau khi xem xong, huynh muốn về chùa.

Bỏ qua cho tên Chuột, tôi nói với Hỷ Lạc: Vừa nãy chỉ thiếu một chút nữa thì…

Hỷ Lạc nói: Vớ vẩn, thực ra muội phát hiện từ lâu rồi, do muội dắt con Lép, mà nó thì nhìn ngây ra, không sao dắt đi được.

Tôi nói: Thôi được, cứ cho là như vậy. Dù sao thì trong lòng huynh vẫn thấy nghi ngờ. Thôi ta cứ đi ngủ cái đã.

Tôi quay đầu lại nhìn, đạp mạnh vào con ngựa một cước, bấy giờ nó mời trở lại bình thường. Chắc nó cũng hãi hồn, bởi có đồng loại lớn gấp ba lần nó lăn quay ngay trước mắt. Tôi nghĩ, sau khi tận mắt trông thấy cảnh tượng này, có thể nó sẽ cảm thấy quả thật là “nhanh một phút, chậm cả đời”, và sau này sẽ không phóng thêm bước nào nữa.

Con phố Liễu Hạng rất dài, ở đoạn phồn hoa nhất có một khách sạn, hết sức xa hoa phú lệ, được gọi Liễu Hạng lâu. Tôi nói: Trọ ở đó đi!

Hỷ Lạc nói: Không được, ở đó quá đắt, ngân lượng của chúng ta không còn nhiều đâu.

Tôi hỏi: Còn bao nhiêu?

Hỷ Lạc đáp: Năm vạn mười mấy lạng ấy.

Tôi giật nảy mình, hỏi: Lấy đâu ra vậy?

Hỷ Lạc cười khanh khách, quét mắt nhìn xung quanh, thấy ba bề bốn bên không có người, liền moi trong tay nải ra một chiếc bình, suýt nữa thì cười bò ra đất: Ha ha ha, ha ha, muội thó ở nhà Vạn Vĩnh một bình thuốc giải, hình như là Vạn độc tán hay Bách độc tán gì đấy.

Tôi sững sờ nói: Việc này mà muội cũng làm?

Hỷ Lạc nói: Muội thấy cái tay Vạn Vĩnh này cũng chẳng phải tốt đẹp gì, lọ thuốc giải này lại rất hữu dụng, về sau khi nào đến đại hội võ lâm, có thể yên tâm ăn ngon rồi.

Thế mà tôi lại thốt ra một câu: Được đấy!

Từ nhỏ, sư phụ đã dạy tôi điều gì không nên làm, nhưng lại không nói điều gì nên làm. Sư phụ dặn, ngoài những việc không nên làm thì việc còn lại đều nên làm. Nhưng ăn trộm thì tuyệt đối không được. Tôi từ xưa đến giờ cũng rất coi khinh bọn trộm cắp, ai ngờ khi Hỷ Lạc thó một lọ nước có giá liên thành, tôi lại gật đầu tán dương. Vì sao vậy? Vì bản thân tôi đã mất đi khả năng phán đoán trước hành vi của Hỷ Lạc? Hay là từ trong tiềm thức của tôi, Vạn Vĩnh không phải là người tốt? Hay là vì kế sinh nhai bức bách? A Di Đà Phật!

Sau khi sám hối, tôi hỏi: Hỷ Lạc, muội làm như thế nào vậy?

Hỷ Lạc đáp: À, thì tiện tay vơ là vơ luôn thôi.

Tôi nói: Lẽ nào không có ai phát hiện à?

Hỷ Lạc nói: Huynh còn chẳng phát hiện ra, thì ai phát hiện ra?

Tôi nói: Việc này không hay lắm đâu.

Hỷ Lạc nói: Không hay lắm? Này, huynh coi muội là kẻ trộm chắc?

Tôi nói: Huynh không có ý đó, có điều sư phụ nói rồi, không được trộm cắp.

Hỷ Lạc nói: Muội cũng là nghe tay Vạn Vĩnh kia nói, cảm thấy dọc đường huynh sẽ rất gian nan, không biết sẽ có bao lần trúng phải các loại độc không rõ tên, cho nên mới thó lấy một lọ, không phải là ăn trộm, mà là thó, thó với trộm không giống nhau, huynh hiểu không?

Tôi nói: Huynh hiểu.

Men theo phố Liễu Hạng đi thẳng tới trước, rẽ vào một con ngõ, bắt chợt phát hiện có vô số cô gái ưỡn ẹo múa máy. Tôi cuống quýt bước đi, Hỷ Lạc nói, cuống gì mà cuống, chưa từng thấy phụ nữ bao giờ à.

Nơi chúng tôi muốn đến xem chừng là quán trọ xó xỉnh nhất của phố huyện.

Hỷ Lạc bảo tôi nhìn sang bên cạnh, nói: Huynh xem, mấy chỗ này đều là nhà thổ, tức là kỹ viện, là lầu xanh đấy, có biết không, huynh, không được vào đó đâu nhé.

Chẳng hiểu vì sao tôi lại hỏi một câu: Sao huynh không được vào?

Hỷ Lạc nổi giận: Huynh… vậy huynh vào đó đi!

Tôi nói: Tiền đều nằm cả trong tay muội, huynh đi bằng cách nào?

Hỷ Lạc nện cho tôi một đấm, nói: Đồ lưu manh, huynh mà cũng biết vào lầu xanh phải trả tiền cho các cô nương chứ không phải các cô nương cho huynh tiền à, nói mau, sao huynh biết?

Tôi nói: Huynh biết cái gì đâu nào? Giờ đi đâu mà chẳng phải trả tiền? Ngay như con ngựa này, cũng đã phải trả không biết bao tiền rồi đấy thôi.

Hỷ Lạc nói: Cũng đúng, tóm lại, huynh không được vào lầu xanh đâu đấy, biết chưa, gái lầu xanh đều không phải là gái ngoan.

Tôi bất chợt hiểu ra, liền nói: Thực ra họ cũng chưa hẳn đã không ngoan, vì kế sinh nhai bức cả thôi, biết đâu đấy.

Hỷ Lạc nói: Hồi nhỏ muội cũng vì cuộc sống bức bách đấy, cuối cùng phải cùng ông đi xin ăn, sao không vào lầu xanh làm gái nhỉ, muốn sống thì thế nào mà chẳng sống được, đâu như cái ngữ đàn bà kia, chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng…

Tôi nói: Nhưng mà… thôi huynh chẳng dám nói đâu.

Hỷ Lạc nói: Cứ nói thẳng, muội không đánh huynh đâu.

Tôi nói: He he, hồi đó muội còn quá nhỏ.

Hỷ Lạc nghe xong liền đánh tôi một trận.

Cảnh vật phồn hoa cùng tiếng ca bay bổng cứ trôi qua trước mặt. Quy mô của những tòa lầu xanh đều rất lớn, đại đa số cao hơn hai tầng, xanh xanh đỏ đỏ. Sao lại có nhiều lầu xanh đến vậy nhỉ, tôi nghĩ bụng, đúng là trời xanh không mắt thì lầu xanh có mắt. Hỷ Lạc nói, thế là ít đấy, đến Trường An, còn nhiều hơn nữa cơ.

Tôi hỏi Hỷ Lạc: Vậy lầu xanh có phải nộp thuế không?

Hỷ Lạc nói: Toàn do những bọn thu thuế mở ra, nộp thuế cái nỗi gì.

Tôi nói: Đúng là tạo nghiệt.

Hỷ Lạc nói: Huynh rõ là ngốc, bọn đàn ông các người, tới lần thứ hai là chẳng thấy tạo nghiệt gì nữa đâu, chắc chắn sẽ kêu luôn mồm, sao chỉ có một nhúm đàn bà thế này?

Tôi cười lớn, nói: Ranh con, huynh ngờ là muội ban đêm không ngủ trong chùa, sao cứ như thể mỗi tối đều trốn ra ngoài, ngủ trong cái chốn xanh xanh đỏ đỏ này thế nhỉ.

Đi xuyên qua con phố, bất chợt đến một nơi vắng lặng, ở tận cùng của phố huyện thấp thoáng có một quán trọ. Hỷ Lạc nói: Ở đây đi, chắc chắn rẻ nhất.

Trước của quán trọ treo hai chiếc đèn lồng đỏ, trông không rõ tên, nhưng chúng tôi vẫn tiến vào. Giá phòng quả thật rất rẻ, chúng tôi thuê một căn khuất gió, cột chắc ngựa rồi mò mẫm bước lên, cầu thang phát ra hàng tràng tiếng cót két. Những người ở trọ tập thể bên dưới quát mắng nhau om sòm. Về đến phòng, đốt đèn lên, tôi nói: Cũng tạm được.

Hỷ Lạc nói: Huynh xem, từ trước tới giờ huynh chưa ở nơi nào ra hồn cả, làm gì có chỗ nào để so sánh, giờ huynh trọ mấy đêm ở Vĩnh Triều rồi nên mới nói là “cũng tạm được”.

Tôi đáp: Cũng có thể. Vậy chắc muội cũng so huynh với các sư huynh trong chùa nên cuối cùng theo huynh chứ gì.

Hỷ Lạc nói: Huynh nói nhăng cuội gì vậy. Còn huynh thì sao?

Tôi cười đáp: Nỗi khổ của huynh chẳng có gì so sánh được.

Một đêm bình yên vô sự, sáng sớm tinh mơ chúng tôi thức giấc. Hai ngày liên tiếp ngủ trên giường đệm, không phải ngủ dưới gốc cây, tinh thần tôi sảng khoái lên trông thấy. Tôi nghĩ phải về chùa một chuyến xem sao. Lần này chúng tôi sợ bị chê cười nên không dắt ngựa theo, cứ thế cuốc bộ. Sắp tới sườn núi, sắp được gặp sư phụ rồi. Sư phụ thấy chúng tôi cười ha hả nói: Đi chơi vui chứ?

Tôi đáp: Vui ạ.

Sư phụ hỏi: Có cảm thấy khó hiểu không?

Tôi đáp: Có ạ.

Sư phụ hỏi: Khó hiểu điều gì nào?

Tôi đáp: Con không biết.

Sư phụ nói: Vậy con đúng là khó hiểu thật.

Sư phụ nói tiếp: Vậy ta nói cho con biết, con phải đến Trường An trước đã, tìm một ông già, ông ta có thể tiên tri. Con hỏi ông ta là biết hết.

Tôi đáp: Làm thế nào để con tìm được ông ấy ạ?

Sư phụ nói: Đã là một nhà tiên tri, tự nhiên con sẽ gặp thôi. Nếu không gặp được, con chẳng là gì hết mà ông ta cũng chẳng là gì cả.

Sau đó, tôi báo cáo với sư phụ về vụ người chết ở Trục Lộc cốc, đồng thời đưa cho sư phụ thẻ bài khắc pháp danh. Sư phụ xem qua liền lắc đầu nói: Con cứ đi thẳng đến Trường An, những việc thế này để kẻ làm thầy này xử lý là được.

Tôi và Hỷ Lạc tạm biệt sư phụ và phương trượng, không thấy sư huynh Thích Không đâu, chúng tôi đi thẳng xuống núi. Tôi nghĩ, đúng là đi lòng và lòng vòng, đường thì rõ dài, mà cuối cùng lại quay về nơi xuất phát. Hỷ Lạc nói, không phải quay về nơi xuất phát, mà là đến nơi xuất phát.

Trước mắt, điều khiến chúng tôi cảm thấy vô vị nhất chính là việc lại phải đi Trường An. Tôi thấy tôi và Hỷ Lạc đã xuất phát từ lâu rồi mà vẫn chưa đi được nửa bước, giờ còn giả vờ bí hiểm đi tìm một người bí hiểm. Trên đời này có quá nhiều người bí hiểm, thật sự cũng chẳng biết chính những người bí hiểm nghĩ gì trong đầu.

Tôi nghĩ, thôi thì xuất phát đi vậy, nhưng cứ nghĩ đến cái phương tiện giao thông của chúng tôi mọi ý nghĩ lại lập tức tan biến sạch. Nó đích thực chỉ là một con thú cưng, hoàn toàn không thể dùng làm công cụ chuyên chở. Nhưng biết làm sao khi mà Hỷ Lạc lại có cảm tình với nó. Phụ nữ thật khó hiểu, chỉ cần có tình cảm với một vật nào đó, họ đều bỏ qua mọi khuyết điểm cũng như tính thực dụng của nó trong cuộc sống hiện thực.

Sau khi bái biệt sư phụ, tôi và Hỷ Lạc liền xuống núi dắt ngựa. Tôi rất muốn đến Trục Lộc cốc xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng không may nơi đó không cùng hướng đi tới thành Trường An, con ngựa của tôi lại không thể nhanh chóng quay trở về, điều này thật đáng thất vọng. Tôi nghĩ bụng, thôi cứ vui lòng đến thành Trường An, vui lòng hoàn thành việc không tên, vui lòng dựng ra một chỗ nương mình, rồi lại vui lòng làm một số việc không tên.

Theo lộ trình chuẩn xác, trên đường đi Trường An chắc chắn sẽ đi qua Trục thành. Lần này chúng tôi thực sự đã tăng tốc, không hề cho con Lép được nghỉ ngơi tùy ý ở dọc đường nữa. Hỷ Lạc rất xót con ngựa, cứ bảo ngựa của cô nàng mệt chết đến nơi rồi. Tôi nói, ta và ngựa ngủ nhiều như nhau, chẳng có lý nào cái loại thân lừa thân ngựa này lại mệt chết trước ta cả. Huống hồ, sư phụ nói rồi, phải đến Trường An càng sớm càng tốt.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Vậy đến Trục thành rồi có nghỉ hay không?

Tôi nói: Không, cứ chạy một mạch đến sáng.

Hỷ Lạc nói: Vậy dù gì cũng phải ăn một bữa ngon lành đã, muội biết có một quán, nhưng không rõ bị dỡ đi chưa.

Tôi nói: Có thể nghỉ ngơi một lát, nhưng không được ngủ đâu đấy, huynh luôn cảm giác không thể ngủ lại ở Trục thành được.

Chúng tôi đến Trục thành, rồi lại đến tửu lâu vô danh Hỷ Lạc nói. Tửu lâu này có quy mô rất lớn, nhưng giá cả phải chăng, vốn có một cái tên rất cát tường, nhưng về sau, cách đây nhiều năm, có lần nhà vua đi vi hành đã đến tửu lâu đệ nhất Trục thành này, vua thấy thức ăn rất ngon miệng nên liền viết cho đệ nhất tửu lâu một biển hiệu, hơn nữa còn sửa tên gọi cũ theo ý mình. Điều không may là, chữ viết tháu của nhà vua một mình một kiểu, người khác không sao nhìn ra, nhưng lại không dám hỏi, nên cứ đành treo yên ở đó.

Tấm biển được treo ở một nơi rất bắt mắt, sơn son thiếp vàng, nội dung là: XX TỬU LÂU. Sau khi tôi và Hỷ Lạc ngồi yên vị, tiểu nhị liền dâng trà, mang thực đơn lại cho hai quý khách chúng tôi xem. Tửu lâu này được coi là tửu lâu có thái độ phục vụ tốt nhất Trung nguyên, nay mới thấy quả là danh bất hư truyền. Song việc gì cũng có nguyên nhân, mà nguyên nhân đó có thể không giống như những gì bạn tưởng tượng. Chỉ là vì nhà vua vi hành qua đây một lần, lại còn viết cho mấy chữ, chủ nhân của tửu lâu đâm ra hận bản thân mình có mắt không thấy núi Thái Sơn, đồng thời tin chắc rằng nhà vua còn đến nữa, cho nên mới dạy cho đám bồi bàn cách nhận biết nhà vua. Ví dụ nhà vua ăn mặc giống như người bình thường này, không phô trương thanh thế này, đi theo vua ít nhất phải có một người này, trông bề ngoài tưởng như võ nghệ làng nhàng nhưng thực chất võ công lại cực kỳ cao cường này, những món vua ăn không phải sơn hào hải vị này… dạy dỗ thế nào lại khiến đám bồi bàn nhìn thấy ai cũng cảm giác người đó là hoàng thượng, không dám mảy may bất kính.

Thức ăn chưa đưa lên, tôi mặc nhiên quay ra ngắm cảnh, bất thình lình trông thấy hai ngọn ám khí được phóng ra từ trong cửa sổ phía đối diện, rõ ràng nhằm vào tôi và Hỷ Lạc. Đúng là cao nhân, tôi liếc mắt nhìn, cảm thấy nếu chúng tôi không cử động chắc chắn cả hai sẽ đều dính tiêu. Thế là tôi đạp đổ chiếc ghế của Hỷ Lạc, đồng thời nghiêng người né tránh, hai mũi tiêu đều phi trượt. Song Hỷ Lạc lại ngã lăn kềnh ra đất. Mọi người đều đổ mắt vào cô nàng đang nằm chổng vó lên trời này.

Đột nhiên trong toán người có tiếng gào lên: Chết người rồi, giết chết người rồi!

Tôi quay đầu lại nhìn, phát hiện thấy ở bàn phía sau chúng tôi có một người chết, một người bị thương. Chưa kịp nghĩ ngợi gì, đột nhiên lại có tiếng người vọng lại: Chính là ám khí do tiểu cô nương kia phi ra, ra tay nặng quá nên ngã lật cả người đây này.

Lại có người nói: Bắt lấy cô ta, đưa lên nha môn đã rồi tính.

Tôi nghĩ bụng, Hỷ Lạc mà bị đưa đến nha môn thì toi, dẫu nói vô tội được thả, thì e rằng cũng sẽ phải làm thê thiếp gì đó. Tôi vội xông lên phía trước, đỡ Hỷ Lạc dậy, nói: Xin mọi người đừng hiểu lầm, không phải do cô ấy gây ra đâu.

Quần chúng nói: Đúng, hễ trông là biết không phải do cô ta gây ra, mà là do ngươi gây ra, nội lực của ngươi được đấy, còn đá lật cả cô ta ra mà.

Tôi nói: Không phải tôi gây ra, mà là cái lầu đối diện kia gây ra.

Ý của quần chúng là, tòa lầu không có sự sống, không thể nào do tòa lầu đối diện gây ra được.

Tôi thấy đám người đang tiến lại, liền bảo vệ Hỷ Lạc, nói: Các người chớ có lại đây!

Lúc này, một tay đứng hàng đầu, cũng là tay lắm mồm nhất nói: Ta bôn ba trong giang hồ đã hai chục năm, kinh nghiệm giang hồ nói cho ta biết rằng, việc này chính là do ngươi gây ra, xem ta bắt ngươi đây!

Nói đoạn liền tung nắm đấm tới. Tôi đón nắm đấm của hắn, xoay lật tay hắn ra, mượn lực của hắn dùng cùi chỏ của tôi thúc vào mặt hắn, chân tôi khẽ quét đất, tên đó liền ngất đi.

Mọi người cùng kinh ngạc nói: Quả nhiên là do ngươi làm. Vị nhân huynh hành tẩu giang hồ hai chục năm này tự xưng là tráng sĩ Đánh Không Ngất thế mà chịu một đòn đã ngất rồi. Bọn ta sẽ liều một phen với ngươi! Nói đoạn ba bốn chục người cùng lũ lượt xông lên khiến tôi bất chợt cảm thấy lúng túng.

Lúc này, Hỷ Lạc xông lên nói: Đúng thế! Đây là tiêu do ta phi ra, ta còn có mấy chục chiếc tiêu nữa cơ, xem tiêu đây!

Hỷ Lạc nói đoạn liền vung tay ra, ba bốn chục người đều ngã xuống rất ngay ngắn. Hỷ Lạc kéo tôi nói: Mau đi thôi! Tôi và Hỷ Lạc ba chân bốn cẳng chạy. Tôi quay đầu lại nhìn, phát hiện ra anh chàng bị thương ban nãy đã chết vì không được kịp thời cứu chữa. Tôi nghĩ bụng, quần chúng quả là rỗi hơi.

Tôi và Hỷ Lạc chạy ra khỏi tửu lâu. Những người phía sau cũng nhanh chóng biến mất.

Tôi và Hỷ Lạc đều cảm thấy hơi áy náy, tuy người chết không phải do chúng tôi giết, nhưng trong cái thời buổi nhập nhằng này, nếu bảo người là do bạn giết thì có cảm giác người do bạn giết thật. Huống hồ kẻ ở trong tòa lầu đối diện kia quả thực muốn chúng tôi có cảm giác bứt rứt, bất an. Chúng tôi cảm thấy nơi này không nên ở lại lâu, cần phải nhanh chóng thoát khỏi thành.

Đến được cổng thành, tôi, Hỷ Lạc và con Lép vừa băng qua cổng thành chưa xa, bất ngờ quan binh gọi với theo: Một thanh niên, một cô gái và một con lừa, chính là ba bọn họ!

Hỷ Lạc nhìn tôi, nói: Chạy! Tôi nghĩ bụng, quả này chắc toi rồi, bởi vì có con Lép. Hỷ Lạc nhảy lên ngựa, lớn giọng bảo tôi: Mau đạp mạnh vào nó đi!

Tôi nghĩ, thôi thì hết nạc vạc đến xương, hy vọng nó hiểu được rằng tình thế đang rất nguy cấp. Nghĩ đoạn, tôi đạp mạnh vào con Lép một cước.

Trong nháy mắt, tôi cảm giác mọi vật dường như ngưng trệ, con Lép dừng bước chân chậm rãi của nó lại, chầm chậm quay đầu nhìn tôi, tôi nghĩ phen này chắc chắn chết thật rồi, con Lép chín mươi chín phần trăm sẽ chết bởi cú đạp của tôi, biết ăn nói với Hỷ Lạc thế nào đây. Cùng lúc đó, quan binh cũng đang bổ nhào về phía chúng tôi. Đột nhiên, con Lép gào lên một tiếng “óe”, sau đó sải vó chạy như điên. Tôi cũng chạy hộc tốc theo con ngựa.

Con Lép chạy siêu nhanh, tôi bị rớt lại mỗi lúc một xa, Hỷ Lạc ngồi trên lưng ngựa không ngừng gọi tên tôi, con Lép dần dần mất hút trong tầm mắt, lúc này quan binh đã đuổi tới gần, chợt nghe thấy đằng sau có tiếng hô: bắn tên, bất chợt loạt tiễn bắn ra ào ào, tôi nhìn mà há hốc miệng ra, ngày thường chắc chắn họ không khổ công luyện tập bắn tên, bởi vì những mũi tên này thực sự quá xiên xẹo, tôi không thể tiếp tục chạy thục mạng được, lửng khửng vài bước là dính tên ngay.

Song suy cho cùng, tôi dựa vào đôi chân, còn bọn họ dựa vào ngựa khỏe, cứ chạy như vậy cũng không phải cách, tôi liếc mắt nhìn trộm, phát hiện ra có bốn người đuổi theo tôi, tôi thấy như vậy không vấn đề gì, liền dừng chân lại, nhưng lại lo không biết Hỷ Lạc đi đâu, con Lép lần đầu tiên chạy như bay, lại không có kinh nghiệm, liệu nó có chạy đến chết mới dừng không nhỉ?

Nhóm người ngựa dừng lại quát: Tiểu tử sao không chạy nữa? Chạy nhanh gớm. Theo bọn ta về nào!

Tôi nói: Sao tôi phải theo các ông về nhỉ?

Tên cầm đầu nói: Khỏi phí lời, ngươi làm gì rồi chẳng lẽ lại không biết?

Tôi nói: Rốt cuộc tôi đã làm gì?

Tên cầm đầu nói: Láo toét! Còn cãi hử, cái thằng lưu manh trọc dở có nằm sấp xuống ngay không!

Tôi nói: Thì ông cứ nói xem, tôi đã phạm tội gì nào?

Tên cầm đầu nói: Ta làm sao biết được ngươi đã làm gì, chỉ biết cấp trên bảo ta bắt.

Tôi nói: Sao ông dám chắc là bảo bắt tôi?

Tên cầm đầu nói: Ta không chắc, cho nên mới bắt về xem thế nào.

Tôi nói: Sao có thể tùy tiện bắt người được nhỉ?

Tên cầm đầu nói: Từ trước tới giờ, bọn ta muốn bắt ai thì bắt, lão vua phạm pháp thì ta cũng dám bắt.

Tên tùy tòng bên cạnh lén nhìn trộm tên cầm đầu, liền bị tên cầm đầu xạc cho một trận: Thằng khốn nạn! Giữa đồng không mông quạnh, chẳng lẽ tao không được bốc phét một tý à?

Tôi nói: Tôi thực sự không phạm tội gì cả, ông chắc chắn bắt nhầm rồi.

Tên cầm đầu nói: Cấp trên bảo rồi, một thanh niên, một cô nương, một con lừa, hễ trông thấy là bắt.

Tôi nói: Vậy thì nhiều lắm, vả lại ông thấy cái con chúng tôi cưỡi là con lừa à? Ông đã thấy con lừa nào chạy nhanh như thế chưa? Đấy là loại ngựa Hãn Huyết của Tây Vực, người được Lương đại tướng quân ban ngựa gọi con ngựa này là hàng cực phẩm trong loài ngựa, có tên Chạy Không Chết.

Tay cầm đầu nói: Con Chạy Không Chết của ngươi quả nhiên danh bất hư truyền, thật ngưỡng mộ, ngưỡng mộ, vậy ngươi đến đây làm gì?

Tôi đưa thẻ bài ghi pháp danh của tôi cho hắn xem, rồi nói: Tôi được cấp trên phái xuống bí mật điều tra vụ án có mấy huynh đệ trong chùa chết ở Trục Lộc cốc. Giờ thì đi Trường An.

Tên cầm đầu nói: Ồ, vụ này không phải do Lý đại nhân phụ trách sao?

Tôi nói: Ông nghe mà vẫn chưa hiểu à, thế nào là bí mật điều tra, vụ này có rất nhiều nội tình, e rằng liên đới cả một đống người đấy chứ. Không việc gì đến mấy vị đâu, mấy vị đi đi.

Tên cầm đầu nói: Anh em tôi nhầm người, mạo phạm đến huynh đệ rồi, tôi đây cũng vì công việc thôi, khì khì, thông cảm cho nhau nhé, đều là người một nhà, người một nhà cả ấy mà. Nói đoạn liền vẫy tay nói: Chào tạm biệt vị dũng sĩ này đi nào!

Toán người đồng thanh nói: Tạm biệt dũng sĩ!

Tôi vẫy tay trả lời: Tôi đi nhé!

Đoàn người ngựa thế là mất hút.

Tôi đi xuôi theo con đường gọi tên Hỷ Lạc, lòng nóng như lửa đốt. Từ nhỏ đã có Hỷ Lạc bầu bạn, tôi luôn cảm thấy muội ấy là một phần của mình. Thực ra, võ công của tôi quả thật cao cường, song sở dĩ tôi cảm thấy bình thường là bởi Hỷ Lạc đã là một phần của tôi, cho nên công phu chia đều ra cả hai, thì đương nhiên chỉ bình thường thôi. Bao năm nay, tôi và Hỷ Lạc chưa từng có cảm giác sẽ không tìm ra nhau, vậy mà nay lần đầu tiên có cảm giác này, bàn chân vì vậy cũng rảo bước nhanh hơn.

Sắc trời sẩm tối. Bão cát dần dần ôm lấy Trung nguyên. Mấy dặm ngoài Trục thành đều là đồng không mông quạnh, xa tít trong tầm mắt có một cây đại thụ nằm ở tia sáng đỏ cuối cùng. Tôi cảm giác có lẽ Hỷ Lạc đang ở đó đợi tôi, trong trường hợp muội ấy có thể thắng được con ngựa.

Tôi không ngừng chạy như bay, chạy không biết bao lâu, cây đại thụ dường như vẫn không lớn hơn chút nào, điều này khiến tôi hết sức tức giận. Tôi chỉ mong Hỷ Lạc đột nhiên hiện ra nói: Huynh thật ngốc, sao không nhìn thấy muội, đồ có mắt như mù!

Chạy đủ hai giờ, may mà đêm nay có trăng để tôi có thể biết được cây đại thụ nằm ở đâu. Đầu tôi đột nhiên lóe lên một ý nghĩ, nếu dưới cây đó không có người, thì thật quá tuyệt vọng. Nghĩ đến đó, tôi bất giác nhìn ngó xung quanh, lòng cảm thấy trống rỗng như cảnh vật xung quanh vậy, nào là Trường An, sư phụ, nhà tiên tri, Võ Đang, Thiếu Lâm, các bang phái khác, Vô Linh, Linh, Thích Không… tất cả đều qua xa xôi, như thể cách ly khỏi vô số sự vật, vô số sự tranh giành. Trong số tất cả những thứ thuộc về quá khứ, thứ chân thực nhất lại là bức họa ở hiệu cầm đồ, lẽ ra tôi và Hỷ Lạc đã có thể có được một bức họa chân dung rất đẹp, song không may là, Hỷ Lạc đã chi quá nhiều tiền, thợ vẽ vẽ thành hai vị tiên, hoàn toàn không giống tôi và Hỷ Lạc, thật là đáng tiếc vô cùng.

Mọi việc đều tốt đẹp, Hỷ Lạc đúng là ở dưới gốc cây. Con Lép đang ăn cỏ cách đó mấy mét. Hỷ Lạc trông thấy tôi, liền khóc tu tu. Tôi ra vẻ bình tĩnh, nói: Muội không sợ bị sét đánh à?

Hỷ Lạc càng khóc dữ hơn, ngay cả con Lép cũng quay đầu lại nhìn.

Tôi nói: Không đứng dậy đón huynh à, huynh biết muội sẽ ở gốc cây.

Hỷ Lạc khóc không ra tiếng.

Tôi nói: Được rồi, được rồi nào, huynh vẫn bình yên vô sự mà, tìm được muội rồi mà, chúng ta lại có thể cùng đi Trường An rồi, huynh còn chưa động thủ, muội đoán xem mấy thằng ngốc kia vì sao…

Tôi lại gần Hỷ Lạc, phát hiện ra trên quần áo cô chỗ tiếp giáp với chân tay đều có vết máu. Tôi vội hỏi: Sao vậy?

Hỷ Lạc không trả lời, vẫn khóc, tôi vạch ống tay áo của Hỷ Lạc lên xem thì thấy toàn vết chà xước, thâm tím. Tôi nói: Hỷ Lạc, muội ngã từ trên ngựa xuống à?

Hỷ Lạc khẽ nói: Không, muội nhảy xuống.

Tôi hỏi: Sao lại nhảy xuống?

Hỷ Lạc đáp: Muội bảo con ngựa dừng lại, nhưng nó không dừng, cứ chạy đi rất xa, muội sợ huynh gặp chuyện gì, lại không nhìn thấy huynh đâu, cho nên muội nhảy xuống.

Tôi ôm Hỷ Lạc nói: Không sao đâu, muội xem, chúng mình đến Trường An rồi tìm hiệu thuốc tươm tất, mua loại thuốc thượng hạng, bôi lên da chắc chắn sẽ không nhìn thấy vết gì đâu. Thôi nào, muội lên lưng ngựa đi, chúng ta tìm chỗ nào có thể ngủ lại thì ngủ một giấc, không ngủ ở ngoài trời nữa.

Hỷ Lạc nói: Muội chẳng cần nó nữa.

Tôi nói: Suy cho cùng nó cũng chỉ là con vật. Cú đá của huynh có lẽ quá mạnh, đó là lỗi của huynh, huynh đâu muốn đá nó chạy xa như thế. Chỉ cần muội không mệnh hệ gì là tốt rồi. Con Lép này dù gì cũng đã đưa muội đi được một chặng đường dài rồi, để huynh phạt nó, đá cho nó một cước nữa.

Hỷ Lạc nói: Huynh đừng đạp nó nữa, đạp nữa là nó đến Trường An trước đấy.

Tôi nói: Thế cũng được, điều đó chứng tỏ con ngựa này còn có thể chạy được, để huynh xem muội có đi lại được không nào.

Tôi dìu Hỷ Lạc đứng dậy, Hỷ Lạc đi được hai bước liền nói: Không sao đâu, chỉ có chỗ cọ xát với quần áo đau thôi.

Tôi kiểm tra kỹ vết thương của Hỷ Lạc rồi nói: Thế này đi, lấy nước gột qua một chút!

Hỷ Lạc đáp: Không sao đâu.

Tôi nói: Nhất định phải gột đi cho sạch, muội đưa cái bình nước gì gì lấy trộm… à quên lấy từ nhà tay Vạn Vĩnh ra đây, huynh rửa vết thương cho, chắc chắn hiệu nghiệm.

Hỷ Lạc ôm chặt lấy tay nải nói: Không được.

Tôi nói: Giờ là lúc nào rồi mà muội còn tiếc của?

Hỷ Lạc nói: Không được, loại thuốc này ngộ nhỡ huynh trúng độc thì có thể sử dụng, dùng không hết còn có thể bán, bán lấy tiền có thể chuộc Linh của chúng ta lại, nếu dư dả, chúng ta có thể mua một miếng đất ở Trục thành, Trường An hoặc một nơi nào đó, rồi dựng một căn nhà. Như vậy sẽ không phải ngủ dưới gốc cây chờ sét đánh nữa.

Tôi nói: Vậy vết thương của muội thì sao?

Hỷ Lạc đáp: Không sao đâu, không phải vết thương do vũ khí gây ra, cứ đến Trường An rồi tính sau.

Tôi nói: Thôi được, vậy muội cưỡi lên con Lép đi, chúng ta khởi hành luôn thôi.

Nói đoạn, lại nghe thấy tiếng vó ngựa đan xen nhau dồn dập vọng lại từ phía không xa, tôi nói: Mẹ kiếp, chắc chúng nó phát hiện ra sơ hở rồi. Huynh cứ tưởng nói mấy câu là dàn xếp ổn thỏa, báo hại muội ngã ra nông nỗi này, để huynh diệt bọn chúng.

Hỷ Lạc nói: Rốt cuộc là thế nào?

Vừa dứt câu, đoàn người ngựa đã tiến đến trước mặt. Tên cầm đầu liền xuống ngựa cúi chào, đoạn nói: Nhị vị anh hùng, vãn bối ban nãy có nói một số câu mạo phạm đến hoàng thượng, thực ra do vô tình thôi, tại uống nhiều quá, mong anh hùng chớ tiết lộ nhé!

Tôi nói: Xin cứ yên tâm, tôi biết huynh đài ruột để ngoài da, tôi cũng không phải loại người đưa chuyện đâu.

Hắn nói: Tốt rồi, tôi thoạt nhìn liền biết huynh đài là người có khí phách, sau này đến Trục thành cứ tìm tôi, người anh em nào của huynh đài mà có bị bắt, huynh đài cứ nói với tôi, tôi sẽ thả họ ra hết.

Tôi nói: Vâng, không có việc gì đâu.

Tên cầm đầu sau khi cáo từ liền dẫn đoàn người ngựa nhanh chóng bỏ đi. Đợi vó ngựa đi xa, mặt đất mới yên lặng trở lại. Tôi dìu Hỷ Lạc lên ngựa, dẫn con Lép bước đi từ từ.

Hỷ Lạc nói: Người đó nói vậy là ý gì?

Tôi trả lời: Từ từ rồi huynh sẽ kể cho muội.

Một đêm bình yên, Hỷ Lạc lẳng lặng thiếp đi trên lưng ngựa. Ngày hôm sau nghỉ ngơi chốc lát, ăn lót dạ xong tiếp tục rong ruổi một ngày đường, thoắt lại về đêm, sao khuya lấp lánh. Đêm ngày thứ hai, khi da trời sậm nhất cũng là lúc chúng tôi bước đến một khu nghĩa địa.

Tôi nói: Hỷ Lạc này, sắp đến Trường An rồi, trông là biết khi nghĩa địa này là nghĩa địa của một thành phố lớn, phía trước không xa nữa là tới rồi.

Hỷ Lạc nói: Sao ở đây nhiều sương thế nhỉ?

Tôi nói: Huynh chịu, huynh nhớ sư phụ từng nói, những nơi thế này âm khí luôn rất nặng nề, huống hồ bây giờ là lúc dương khí yếu ớt nhất trong ngày.

Hỷ Lạc nói: Huynh có trông thấy thứ gì không?

Tôi đáp: Hoàn toàn không trông thấy gì cả.

Hỷ Lạc nói: Hồn ma thì sao?

Tôi đáp: Cái đó thì e là chỉ có hồn ma mới thấy được thôi.

Hỷ Lạc nói: Chết nghĩa là sao?

Tôi đáp: Tức là không động đậy mà cũng không suy nghĩ được nữa.

Hỷ Lạc nói: Sống và chết có mâu thuẫn với nhau không?

Tôi nói: Huynh không biết, nhưng chúng có liên hệ với nhau.

Hỷ Lạc nói: Hai thứ không thể cùng tồn tại làm sao mà có liên hệ gì được chứ?

Tôi nói: Thì cứ nói cho có câu chuyện. Muội đừng bắt chước sư phụ, có một số việc nếu truy cứu đến cùng sẽ hối tiếc đấy.

Hỷ Lạc nói: Có lúc muội nghĩ, muội không có người thân nào cả, nếu huynh không còn nữa, muội sẽ chết.

Tôi nói: Nói vớ vẩn. Huynh thấy muội là người rất cứng rắn, người cứng rắn sẽ sống thọ nhất.

Hỷ Lạc nói: Vậy huynh nói xem người chết rồi thì thế nào?

Tôi nói: Huynh nghĩ, họ vẫn có suy nghĩ, song không nhận biết được gì, họ nhập vào một sinh mạng mới.

Hỷ Lạc nói: Nghe chẳng hiểu gì cả.

Tối nói: Ý huynh là, muội hiện giờ cảm thấy khắp thế gian chỉ có muội biết được suy nghĩ của một mình muội, sau khi muội chết đi, vẫn có một muội nữa, biết được suy nghĩ của một mình muội, song mọi thứ đều không giống như lần trước, mà lần trước thì cũng chẳng liên quan gì đến muội nữa cả.

Hỷ Lạc nói: Vậy là đầu thai à?

Tôi nói: Không hẳn là như thế. Bởi vì là một lần hoàn toàn mới rồi. Dẫu thế nào thì tất cả mọi việc đã xảy ra đối với muội lần trước mà muội là người duy nhất biết được đều đã trôi qua rồi.

Hỷ Lạc nói: Đúng thật là.

Tiến về phía trước mấy chục dặm, đột nhiên một cổng thành thâm nghiêm xuất hiện. Cuối cùng cũng đã tới thành Trường An, kinh đô phồn hoa của cả nước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.