Nguyên lai, khi Bạch Hân Như và Chu Lãnh Long chia nhau đi tiếp cứu Điền Đại Thố với Liễu Nhạn Bình thì bọn Thiết Thủ đã bắt thăm được kết quả
là:
Trận thứ nhất:
Thiết Thủ đấu Nguyễn Minh Chính.
Trận thứ hai:
Ngũ Cương Trung đấu Lao Huyệt Quang.
Trận thứ ba:
Chu Bạch Tự đấu Uy Thiếu Thương.
Vừa có kết quả rút thăm, bọn Thời Chấn Đông đã đoan chắc ngoại trừ trận
Thiết Thủ đấu với Nguyễn Minh Chính còn có chút chắc chắn. Hai trận còn
lại đều không nắm được phần thắng. Đặc biệt là trận đấu với Uy Thiếu
Thương. Cứ cho là Thiết Thủ đấu Nguyễn Minh Chính có chút chắc chắn
nhưng Nguyễn Minh Chính túc trí đa mưu, ngụy kế đa đoan, nếu không cẩn
thận cũng rất dễ lạc bại.
Gọi là tỷ võ nhưng võ công phân ra nội
công và ngoại công. Nội công lại phân thành thổ nạp pháp, tĩnh tọa pháp, tu hành pháp, phá địch pháp ..., ngoại công thì có chỉ pháp, chưởng
pháp, thoái pháp, khinh công ..., huống hồ lại còn thập bát ban binh
khí, thêm vào ba mươi hai thứ binh khí ngoại môn nữa, loại nào không
phải là võ công? Thế nên sáu người lại quyết định xem do ai quyết định
phương pháp tỷ võ, đương nhiên vẫn dùng phương pháp công bằng nhất là
rút thăm. Kết quả rút thăm là:
Trận đầu tiên do Nguyễn Minh Chính quyết định.
Trận thứ hai Ngũ Cương Trung quyết định.
Trận thứ ba Chu Bạch Tự quyết định.
Sau khi mọi việc đã được quyết định, song phương không ai phản đối gì.
Thiết Thủ cung tay nói:
- Mạo phạm rồi! Không biết Nguyễn tiên sinh định dùng phương pháp tỉ thí nào?
Nguyên lai Thiết Thủ thấy Nguyễn Minh Chính là kẻ trọng nghĩa, trong lòng rất không muốn đả thương y. Chàng thầm nhủ:
"Người này tuy không tài trí bằng Khổng Minh, nhưng quả thật có nghĩa khí của
Võ Hầu. Quả không hổ thẹn với ba chữ «Trại Gia Cát».".
Nên biết
Khổng Minh thời Tam Quốc không chỉ trí lược vô song, mà còn nghĩa bạt
vân thiên, không biết đã bao lần vì Lưu Bị vào sinh ra tử, lập bao chiến tích huy hoàng, sáng tạo ra nhiều trận thế kinh thiên động địa, quỷ
khốc thần sầu.
Chẳng những vậy, ông còn tận lực vì chủ, dẫu biết A Đẩu vô năng, nhưng vẫn khổ tâm bồi dưỡng, cả đời chưa từng phụ Lưu Bị
một lần. Có thể nói Khổng Minh đúng là một vĩ nhân kiêm toàn cả trí,
dũng, tín, nghĩa.
Nguyễn Minh Chính thở dài:
- Thiết huynh, tại hạ tự biết không phải là đối thủ của huynh, song vì bổn trại nên đành phải bêu xấu một phen vậy.
Thiết Thủ không ngờ y lại tự mài nhuệ khí của mình như vậy, liền khiêm tốn đáp:
- Chuyện này vị tất, tại hạ có thể không bại dưới tay tiên sinh thì đã vạn hạnh lắm rồi.
Nguyễn Minh Chính nói:
- Nghệ không bằng người thì còn gì để nói nữa đâu? Thiết huynh muốn bảo toàn mặt mũi cho tại hạ nên mới nói vậy mà thôi.
Nói đoạn chậm rãi rút ra một thanh đao vừa dày vừa to, nói:
- Thiết huynh đã nể mặt vậy thì chỉ cần huynh đoạt được binh khí mà không thương tổn tại hạ trong vòng hai mươi chiêu thì xem như huynh thắng.
Thiết Thủ thầm nhủ trong lòng:
"Dám chắc y biết rõ không phải là đối thủ của ta, nên mới nói trước như vậy. Chỉ được đoạt binh khí, không được thương tổn người.".
Nghĩ đoạn chàng liền nói:
- Hảo! Chúng ta chỉ tỷ thí võ công. Tại hạ to gan thử đoạt binh khí của
tiên sinh, nếu có gì sơ thất, mong tiên sinh hạ thủ lưu tình.
Một là Thiết Thủ cũng có ý thành toàn, hai là người đặt ra phương thức tỉ
võ là Nguyễn Minh Chính, Nguyễn Minh Chính đặt ra việc cướp binh khí làm chuẩn cũng không có gì quá đáng. Thiết Thủ liền gật đầu đáp ứng luôn,
nào ngờ Nguyễn Minh Chính lại vui mừng nói:
- Thiết huynh đáp ứng trong hai mươi chiêu cướp được binh khí của tại hạ làm tiêu chuẩn phân
thắng bại. Đa tạ Thiết huynh đã nhân nhượng.
Thiết Thủ ngẩn người giây lát, biết mình đã trúng kế. Đối phương nói là đoạt vũ khí trong
hai mươi chiêu, mình lại gật đầu đáp ứng luôn. Tuy không nói là sau hai
mươi chiêu nếu không đoạt được vũ khí của y thì sẽ thua, nhưng thế cũng
có nghĩa là đồng ý rồi. Thiết Thủ tự biết trúng kế, nhưng lúc này hối
hận cũng quá muộn, đành bất động thanh sắc, tự an ủi mình:
"Nguyễn Minh Chính võ công không cao, trong hai mươi chiêu đoạt được binh khí
của y cũng không phải quá khó, coi như là không phải trúng kế!".
Nguyễn Minh Chính hoành đao nói:
- Mời!
Bọn Thời Chấn Đông nghe thấy lời này là biết ngay Thiết Thủ đã trúng mưu
của Nguyễn Minh Chính, trong lòng đều thầm mắng chửi Nguyễn Minh Chính
là lão hồ ly, mặt khác cũng lo lắng Thiết Thủ không thể đoạt được binh
khí của y trong hai mươi chiêu. Ngay trận đầu đã thua, e rằng trận thứ
hai và thứ ba càng khó thắng hơn bội phần. Chúng nhân thấy Nguyễn Minh
Chính người thân hình nhẹ nhàng lại sử dụng một thanh đại đao, không
biết y thiện dụng loại đao pháp nào, bất giác nỗi lo lại tăng thêm một
phần.
Thiết Thủ không nói lời nào, đột nhiên bước lên một bước. Tay tả vung ra chộp vào mạch môn Nguyễn Minh Chính.
Nguyễn Minh Chính cả kinh thất sắc, thầm nhủ:
"Thiên hạ sao lại có người xuất thủ nhanh như vậy?".
Nghĩ đoạn vội vàng rút tay lại, nhưng nhất thời cũng không giữ được thăng bằng nên phải thối lùi ba bộ.
Uy Thiếu Thương lớn giọng đếm:
- Chiêu thứ nhất!
Chúng nhân thấy Thiết Thủ một chiêu đã bức Nguyễn Minh Chính lùi ba bộ, trong lòng không ai là không kinh hãi.
Nguyễn Minh Chính vừa ổn định thân mình thì đã thấy Thiết Thủ ở trước mặt.
Tả thủ lại vươn ra chộp lấy mạch môn của y. Nguyễn Minh Chính vội vàng thối bộ.
Lần này thối lui tới bảy tám bước.
Uy Thiếu Thương lại lớn giọng:
- Chiêu thứ hai!
Trong thanh âm cũng mang chút kinh hãi.
Thiết Thủ công đến chiêu thứ bảy thì Nguyễn Minh Chính đã không còn đường lui nữa, đột nhiên dụng cùi chỏ đánh ra một chiêu vào lồng ngực Thiết Thủ.
Thiết Thủ liền biến trảo thành chưởng, đẩy ra phía trước, vốn liệu rằng hậu
phát tiên trúng, Nguyễn Minh Chính không thể không thu chiêu tự cứu, lúc ấy sẽ đoạt được đao của y trong chiêu thứ chín. Nào ngờ Nguyễn Minh
Chính căn bản không để ý đến một chưởng của Thiết Thủ, cùi chỏ vẫn đánh
tới như trước. Thiết Thủ chấn động trong lòng:
"Ta đã đáp ứng chỉ đoạt vũ khí, không đả thương người.
Nếu như đả thương y tức là đã bội tín.".
Nguyễn Minh Chính vẫn không tránh không né, giữ nguyên thế công lao tới.
Thiết Thủ kinh hãi, vội kịp thời thu tay lại, chặn đứng thế công của Nguyễn Minh Chính trong gang tấc.
Lúc này Uy Thiếu Thương đã hô lớn:
- Chiêu thứ tám, chiêu thứ chín.
Nên biết Thiết Thủ xuất chưởng đánh ra một nửa cũng tính là một chiêu, phản chưởng đỡ chiêu của Nguyễn Minh Chính cũng là một chiêu, vậy là đã lãng phí mất hai chiêu.
Thiết Thủ vừa chặn được cùi chỏ, Nguyễn Minh
Chính liền thừa cơ phản công, đại đao quét ra liên tiếp. Nhìn y thân
hình gầy gò mà múa đao cứ vù vù, liên hoàn ba đao chém vào thượng bàn,
trung bàn, hạ bàn của Thiết Thủ.
Ba đao này phương vị bất biến,
cùng lúc công vào ba bộ vị thượng, trung, hạ trên người Thiết Thủ. Chúng nhân thấy vậy đều không khỏi thốt lên một tiếng «Hảo!» Phải biết Nguyễn Minh Chính không giống Thiết Thủ, xuất thủ bị hạn chế mà chỉ cần có thể tấn công, là khả dĩ tận lực mà đánh.
Chúng nhân mới thốt lên được nửa chữ «Hảo!» thì đao quang đã tắt ngóm.
Năm ngón tay của Thiết Thủ đã chộp chặt thân đao. Thiết Thủ một tay tóm gọn được thanh đao đang chém tới với tốc độ cực nhanh khiến chúng nhân
không ngớt trầm trồ.
Thanh âm Uy Thiếu Thương vẫn vang lên đều đều:
- Chiêu thứ mười!
Nguyễn Minh Chính đột nhiên dụng tả thủ đánh ra một chưởng!
Thiết Thủ liền đưa hữu chưởng lên chặt xuống tay Nguyễn Minh Chính. Đột nhiên chàng sực nhớ ra một chuyện:
nếu như chiêu này của chàng đả thương tả thủ Nguyễn Minh Chính, tất sẽ đoạt đao dễ như trở bàn tay, song chính chàng lại trở thành kẻ bội ngôn vô
tín. Đả thương Nguyễn Minh Chính, dù có đoạt được đao cũng không thể xem là thắng được. Đành phải thu chưởng, lách người tránh khỏi một chưởng,
nhưng tả thủ của chàng vẫn nắm chắc thân đao của Nguyễn Minh Chính không rời.
Uy Thiếu Thương lúc này lại thốt:
- Chiêu thứ mười một, chiêu thứ mười hai!
Lúc này hai người đã đánh đến kịch liệt, chúng nhân không ai không ngưng thần quan sát.
Thiết Thủ đã nắm được đại đao của Nguyễn Minh Chính, quyết chẳng dễ buông ra. Chàng đang định dụng lực giật lấy đao trong tay Nguyễn Minh Chính thì
đột nhiên y xông lên lao cả người húc vào Thiết Thủ.
Thiết Thủ đã không thể đả thương y, lại không thể kéo dài trận chiến nên tình hình
càng lúc càng khó khăn. Nguyễn Minh Chính xông đến lần này nếu không
đụng trúng Thiết Thủ, ít nhất cũng bị đại đao trong tay làm bị thương.
Thiết Thủ đành thở dài một tiếng, biết vô phương giằng co thêm nữa, đành buông tay thoái bộ.
Lúc này chúng nhân đều thấy được Nguyễn Minh Chính đang dùng cách đánh liều mạng, còn Thiết Thủ thì không thể đả
thương y nên hết sức vất vả.
Uy Thiếu Thương lại hô to:
- Chiêu thứ mười ba!
Thiết Thủ vừa thối lui, lại lập tức như tên rời khỏi cung, phi thân lên phía trước, vung tay chộp lấy thân đao lần nữa.
Nguyễn Minh Chính không ngờ thân pháp Thiết Thủ lại nhanh đến nhường này, nhất thời sơ thất đã để cho Thiết Thủ nắm lấy thân đao, nhưng y cũng lập tức cấp trung sinh trí, dụng lực xoay mạnh cán đao một cái. Lúc này Thiết
Thủ đang nắm chặt thân đao, chỉ cần Nguyễn Minh Chính xoay mạnh thân
đao, e rằng hữu thủ của Thiết Thủ sẽ lập tức bị phế. Nguyễn Minh Chính
dụng lực xoay mạnh, nhưng đao vẫn tơ hào bất động.
Nguyên lai năm ngón tay Thiết Thủ giống như gọng kềm sắt đã bóp chặt vào thân đao,
Nguyễn Minh Chính có xoay mấy thì đao cũng trơ trơ bất động.
Thiết Thủ thở mạnh một hơi, hét lớn:
- Buông tay!
Đoạn dụng lực kéo mạnh. «Băng» một tiếng, thanh đao đã nằm gọn trong tay Thiết Thủ.
Lúc này Uy Thiếu Thương cũng đã đếm đến chiêu thứ mười lăm.
Thiết Thủ đoạt đao xong chợt cảm thấy có tiếng đao phong ám kích, cho rằng
Nguyễn Minh Chính không thủ tín nghĩa, tiếp tục nhặt đao công kích.
Chàng liền thở hắt ra một hơi, tung người lùi lại bảy tám thước. Chân
vừa chạm đất thì người đã ngẩn ra, thì ra trong tay chàng chỉ là một
lưỡi đao rỗng, không có cán đao. Còn trong tay Nguyễn Minh Chính là một
thanh miến đao mỏng, hiển nhiên là được giấu trong ruột của thanh đại
đao. Thiết Thủ vừa kinh vừa nộ, Uy Thiếu Thương đã đếm đến chiêu thứ
mười sáu, cũng có nghĩa là nếu sau bốn chiêu nữa mà chàng không đoạt
được binh khí của Nguyễn Minh Chính thì chàng sẽ thua trong tay y.
Nguyễn Minh Chính đao trung tàng đao, Thiết Thủ lúc đầu cũng không nghĩ tới
điểm này, nhưng hạng mục tỉ võ là «Trong hai mươi chiêu đoạt binh khí»,
mà hiện nay trên tay Nguyễn Minh Chính vẫn còn cầm đao, như vậy tuy trá
ngụy, nhưng vẫn không phải là thua.
Thiết Thủ biết Nguyễn Minh
Chính giảo hoạt đa đoan, trong đao chỉ sợ lại có đao nữa. Biện pháp duy
nhất hiện nay là trong bốn chiêu phải đánh rơi binh khí của y.
Bọn Thời Chấn Đông mắt thấy rõ ràng Thiết Thủ đã đắc thủ, nào ngờ chỉ đoạt
được một thanh đao rỗng, lại lãng phí mất một chiêu, ai nấy đều lấy làm
tiếc, không tự chủ được «A!» lên một tiếng.
Trại chúng của «Liên
Vân Trại» cũng ngỡ Tam Trại chủ đã bại trong tay Thiết Thủ, nhưng nhìn
kỹ lại thì vẫn thấy Tam Trại chủ của chúng cầm đao trong tay, không nén
được cất tiếng hoan hô vang dội.
Nguyễn Minh Chính biết Thiết Thủ chỉ còn lại bốn chiêu, hơn nữa lại không được đả thương y, trong lòng thầm nghĩ:
"Cho dù võ công của ngươi có giỏi hơn nữa, chỉ cần ta giấu đao sau lưng,
quyết không để ngươi chộp trúng nữa, để xem trong bốn chiêu ngươi có
đoạt được không? Cùng lắm là ta dùng thân cản lại, ngươi cũng không dám
đả thương ta, hễ đả thương ta thì coi như ngươi thua rồi.
Nói thế nào ta cũng giúp cho «Liên Vân Trại» thắng được trận này.".
Nguyễn Minh Chính nghĩ đoạn liền giấu đao sau lưng, xem Thiết Thủ định tấn công thế nào.
Đột nhiên Thiết Thủ hét lớn một tiếng.
Nguyễn Minh Chính bị chấn động đến hồn phi phách tán, trợn mắt há miệng.
Chúng nhân quan chiến cũng bị chấn động. Trại chúng của «Liên Vân Trại» đều
lùi lại ba bước, ba bốn mươi tên đứng hàng đầu còn bị tiếng hét của
Thiết Thủ làm cho ngã phịch xuống đất.
Bọn Thời Chấn Đông đã từng thấy qua Thiết Thủ dụng nội lực phát thanh đả thương Ngũ Trại chủ
«Thiên Lang Ma Tăng» Quản Trọng Nhất, nhưng không ai ngờ được nội lực
của chàng lại sung mãn nhường này. Lạ một điều là trong tiếng hét của
Thiết Thủ, vẫn ẩn hiện tiếng đếm của Uy Thiếu Thương:
- Chiêu thứ mười bảy!
Uy Thiếu Thương coi tiếng hét này thành một chiêu, thực tại quá vô lý,
song giữa tiếng thét như sấm động này mà thanh âm của y vẫn sang sảng
không hề mờ nhạt, phần nội lực này không cần nghĩ cũng biết hùng hậu thế nào rồi.
Thiết Thủ hét lớn một tiếng, Nguyễn Minh Chính chấn
động như bị ngũ lôi oanh đỉnh, nhất thời tâm thần sơ thất. Thiết Thủ
liền nhân cơ hội này lắc khẽ người, nháy mắt đã đến sau lưng Nguyễn Minh Chính, xuất thủ như điện, chộp lấy mạch môn của y.
Động tác hoán vị xuất chiêu này liền lạc như nước chảy mây trôi, rõ ràng là một
chiêu. Uy Thiếu Thương dù có giảo hoạt đến mấy cũng chỉ đành tính thêm
một chiêu nữa:
- Chiêu thứ mười tám!
Thiết Thủ nắm được
mạch môn của Nguyễn Minh Chính, dụng nội lực truyền sang, định làm cho
Nguyễn Minh Chính phải xòe tay ra, khiến đao của y rơi xuống đất. Thật
không ngờ, nội lực của chàng vừa truyền sang, năm ngón tay Nguyễn Minh
Chính quả thật đã xòe ra, nhưng đao thì tuyệt không rơi xuống đất.
Thiết Thủ kinh ngạc đưa mắt nhìn thì tức đến nổ đom đóm mắt. Nguyên lai ở cán đao có năm chiếc vòng nhỏ, năm ngón tay của Nguyễn Minh Chính xỏ vào
đó, trừ phi chặt đứt năm ngón tay của Nguyễn Minh Chính đi, bằng không
thì khó mà đoạt đao được, nhưng thế có nghĩa là Thiết Thủ đã đả thương
Nguyễn Minh Chính, cũng có nghĩa là chàng đã thua.
Bấy giờ chúng nhân quan chiến cũng đã thấy năm chiếc vòng nhỏ trên cán đao, thốt lên một tiếng kinh hãi.
Thiết Thủ biết mình chỉ còn lại hai chiêu, cơ hội không nhiều.
Nguyễn Minh Chính lúc này cũng đã khôi phục thần trí, không hề lý tới mạch môn đang bị Thiết Thủ nắm giữ, tả thủ vung quyền đấm thẳng vào đỉnh đầu
Thiết Thủ.
Lúc này Thiết Thủ chỉ cần khẽ vận nội lực là có thể
khiến Nguyễn Minh Chính tàn phế, ngăn chặn được quyền này vô cùng dễ
dàng. Nhưng chàng có nỗi khổ là không để đả thương y, chỉ đành lách
người tránh khỏi một quyền này.
Uy Thiếu Thương lại hô lớn:
- Còn một chiêu nữa.
Trên giang hồ người chỉ định bao nhiêu chiêu đánh bại người khác, tức là chỉ bao nhiêu chiêu công chứ không bao gồm cả chiêu thủ trong đó, hôm nay
Uy Thiếu Thương lại tính cả vào thành một loại như vậy, rõ ràng là đã
lợi dụng lúc đầu Thiết Thủ không nói rõ ràng mà giảo biện. Chúng nhân
dẫu biết rõ Uy Thiếu Thương giở trò trá ngụy, nhưng không ai có thể chỉ
trích gì được hắn.
Thiết Thủ đột nhiên buông tay đao của Nguyễn Minh Chính ra.
Nguyễn Minh Chính liền phản thủ, thanh đao liền chém thẳng vào tay Thiết Thủ.
Thiết Thủ không hề tránh né, năm ngón tay búng ra một cái.
«Bộp» lưỡi đao đã chém vào tả thủ của Thiết Thủ.
«Cách cách cách cách cách» năm tiếng liên tiếp vang lên, miến đao trong tay
Nguyễn Minh Chính rơi xuống đất, giữa đường bị Thiết Thủ đưa tay bắt
lấy.
Sắc mặt Nguyễn Minh Chính lúc đỏ, lúc trắng, không nói nên lời.
Cánh tay Thiết Thủ không hề chảy máu, bất quá y phục của chàng đã bị cắt một mảnh lớn, nhưng cơ thịt thì không hề tổn thương.
Uy Thiếu Thương thở dài nói:
- Chiêu thứ hai mươi! Bái phục! Bái phục!
Nguyên lai, Thiết Thủ vừa buông mạch môn của Nguyễn Minh Chính ra, lại để cho y phản thủ công kích, lúc ấy mới bắn ra năm chỉ đánh gãy năm chiếc vòng
nhỏ, đồng thời tụ lực trên cánh tay, đao này của Nguyễn Minh Chính chém
vào tay chàng như chém vào cục sắt vậy. Nguyễn Minh Chính ỷ trượng có
năm chiếc vòng nên không toàn lực giữ đao mà phân bổ ra để tấn công
Thiết Thủ, bởi vậy nên nắm đao không chặt, bị phản lực chấn cho rơi đao
xuống đất.
Thiết Thủ đoạt đao của Nguyễn Minh Chính trong chiêu
thứ hai mươi. Chàng dụng chỉ bắn gãy thiết hoàn, lấy thân huyết nhục ra
ngạnh tiếp một đao, còn chấn bay cả đao đi. Lẽ nào tay của Thiết Thủ còn cứng hơn cả sắt thép?
Bọn Thời Chấn Đông thấy Thiết Thủ thắng trận, liền hoan hô vang trời.
Người của «Liên Vân Trại» cũng là những kẻ kính trọng anh hùng, mắt thấy
Thiết Thủ trong tình hình tuyệt vô khả năng vẫn có thể đoạt đao của
Nguyễn Minh Chính, cũng hoan hô vang dội.
Thiết Thủ đột nhiên cung tay hướng về Nguyễn Minh Chính nói:
- Nguyễn tiên sinh nhân nhượng!
Sắc mặt Nguyễn Minh Chính vẫn lúc trắng lúc hồng, qua một hồi mới trầm mặc thở dài nói:
- Thiết huynh quá lời rồi. Nguyễn Minh Chính này tỷ đấu cùng người không
đến một ngàn thì cũng đến năm trăm trận rồi, trận này tại hạ thua tâm
phục khẩu phục.
Bởi y dùng lời lẽ dụ được Thiết Thủ đồng ý đoạt
binh khí trong hai mươi chiêu, lại lợi dụng lời giao ước không đả thương của Thiết Thủ mà liều mạng phản công, hơn nữa trên đao còn có thiết kế
đặc biệt, đao trung tàng đao, cán đao có thiết hoàn, trừ phi chặt đứt
năm ngón tay y mới có thể đoạt được binh khí, có điều như vậy cũng đồng
nghĩa với việc đả thương y rồi. Nhưng cuối cùng Thiết Thủ vẫn đoạt được
đao của y trong hai mươi chiêu. Nguyễn Minh Chính thật sự đã thua đến
mức không còn gì để nói.
Ngũ Cương Trung liền cười ha hả bước ra:
- Đến lượt lão phu lĩnh giáo tuyệt kỹ của «Liên Vân Trại» rồi!
Nhị Trại chủ Lao Huyệt Quang của «Liên Vân Trại» trầm mặt bước ra, hai chân dang rộng đứng tấn vững tựa Thái Sơn, sát khí đằng đằng, cung thủ nhạt
nhẽo nói với Ngũ Cương Trung:
- Ngũ Trại chủ, đắc tội!
Ngũ Cương Trung nhìn Lao Huyệt Quang một hồi rồi cười lớn:
- Các hạ là Trại chủ, ta cũng là Trại chủ. Ha ha ha, trận này hết sức có ý nghĩa.
Nên biết rằng trước khi «Cửu Hiện Thần Long» Uy Thiếu Thương xuất hiện, «Hổ Tiêu Ưng Phi Linh Xà Kiếm» Lao Huyệt Quang này chính là Đại Trại chủ
của «Liên Vân Trại», lúc đó danh vọng của «Liên Vân Trại» chỉ đứng sau
«Nam Trại», thế lực rất lớn. Về sau khi Uy Thiếu Thương đến làm Đại Trại chủ thì thanh danh của «Liên Vân Trại» còn có phần vượt trên cả «Nam
Trại». Có thể thấy Lao Huyệt Quang nói gì cũng là kẻ thất bại.
Ngũ Cương Trung tuy niên kỷ đã cao, nhưng tính tình vẫn thích đùa cợt,
thường thường hí lộng địch thủ, vừa thấy Lao Huyệt Quang đã nói lời châm chọc.
Lao Huyệt Quang chỉ lạnh lùng nói:
- Mời Ngũ Trại chủ ra đề!
Ngũ Cương Trung cười lớn:
- Ngoại hiệu của các hạ là «Hổ Tiêu Ưng Phi Linh Xà Kiếm» là chỉ nội lực
tinh thâm, thân pháp cao cường, kiếm pháp cực khoái, vậy chúng ta tỉ thí nội công, khinh công, kiếm pháp, các hạ thấy thế nào?
Lao Huyệt
Quang thấy đối phương nói trúng ý mình, bởi y cũng biết Ngũ Cương Trung
ngoại hiệu «Tam Tuyệt Nhất Thanh Lôi», đệ nhất tuyệt là nội lực, đệ nhị
tuyệt là khinh công, đệ tam tuyệt là kiếm thuật, vừa hay trùng với sở
trường của bản thân liền thầm nhủ trong lòng:
"Ngũ Cương Trung
niên kỷ đã cao, chắc rằng không thể đánh lâu, thể lực của ta lại đang
sung mãn, nội lực có thể duy trì lâu, nhảy lên nhảy xuống cũng quyết
không thở hổn hển, Linh Xà Kiếm cũng có thể lấy khoái đả khoái, đại khái coi nhưng đã nắm chắc phần thắng trong tay.".
Nghĩ đoạn y liền trầm giọng đáp:
- Tốt!
Ngũ Cương Trung cười lên «Ha! Ha! Ha!» ba tiếng rồi nói:
- Nói đánh là đánh luôn!
Một chưởng đã vung ra.
Trên giang hồ Ngũ Cương Trung lấy khoái kiếm thành danh, đệ tử của lão cũng
được mệnh danh là «Điện Kiếm», lão xuất thủ nhanh thế nào nghĩ tất không cần phải nói. Nhưng chưởng này của Ngũ Cương Trung kích ra lại thập
phần chậm rãi, khí thế trầm trọng, ẩn hiện tiếng ầm ầm của như gió bão,
so với khoái kiếm thì hoàn toàn bất đồng.
Lao Huyệt Quang cũng
không hề tránh né. Y «hừ» lạnh một tiếng, phản chưởng đánh lại. Chưởng
này của y xem giống như tùy tiện đánh ra, nhưng bên trong lại ẩn tàng
tiếng kêu như long ngâm hổ tiếu, khí thế như thác đổ mưa nguồn.
Hai chữ «Hổ Tiếu» trong ngoại hiệu của y xem ra không hề sai.
«Bách!» Hai chưởng tiếp nhau, Ngũ Cương Trung liên tiếp thối lui ba bước.
Lao Huyệt Quang cũng biến sắc, thân thể lắc lư bất định.
Cùng lúc đó, Ngũ Cương Trung lại đánh ra một chưởng nữa.
Lao Huyệt Quang cũng đưa chưởng nghênh tiếp.
«Ầm!» tuyết dưới đất bị chưởng lực của hai người chấn bay tung tóe lên cao
bảy tám trượng! Ngũ Cương Trung biến sắc mặt, thân hình lảo đảo không
ngừng.
Lao Huyệt Quang cũng bị thối lui liên tục bảy bước.
Lao Huyệt Quang vừa dừng lại dược thì đã bắn người lên phía trước, kích ra
một chưởng, không để đối phương có thời gian đổi hơi. Tiếng hổ gầm trong chưởng so với chưởng đầu tiên còn lớn gấp mười lần.
Ngũ Cương Trung cũng hét lớn một tiếng, chưởng thế như sấm động giữa trời, thập phần lăng lệ!
«Ầm!» Hai chưởng chạm nhau, Lao Huyệt Quang và Ngũ Cương Trung đều đứng yên
bất động, nhưng nội lực hai người vẫn tuôn ra liên miên bất tận, khiến
sau lưng mỗi người đều mọc lên một trụ tuyết cao đến cả trượng.
Chưởng lực hai người mạnh thế nào, chắc không cần nói cũng biết.
Ngũ Cương Trung và Lao Huyệt Quang, cả hai đều luyện võ theo con đường
cương mãnh, vì thế vừa xuất thủ đã muốn dụng bản thân nội lực đánh ngã
đối phương, nhưng kỳ phùng địch thủ, nhất thời khó phân được cao hạ.
Ngũ Cương Trung cảm thấy Lao Huyệt Quang tuổi còn trẻ, nội lực hỏa hầu chắc không thâm hậu nên cố ý tiếp chưởng để dụng nội lực đánh ngã y, nào ngờ nội lực đối phương lại liên miên bất tuyệt, trong lòng bất giác kinh
hãi vô cùng.
Lao Huyệt Quang cũng cho rằng dù Ngũ Cương Trung
chưởng lực có cương mãnh đến đâu đi nữa thì niên kỷ cũng đã cao, nên
cũng ý đồ dụng nội lực để đánh ngã lão, không ngờ rằng nội lực đối
phương cũng liên miên bất tuyệt, không ngừng tuôn ra cuồn cuộn, bất giác cũng cả kinh thất sắc.
Cục thế đã biến thành cuộc đấu nội lực của hai người.
Chưởng lực hai người vừa giao tiếp thì khó mà tách rời được. Hễ có bên nào mạo hiểm thu chưởng, lập tức sẽ bị chưởng lực của đối phương thừa cơ xâm
nhập, đồng thời ngay cả chưởng lực của bản thân cũng bị đẩy ngược lại
làm tổn thương tâm mạch. Bởi thế một khi đã đấu nội lực, trừ phi cả hai
cùng lúc thu chưởng, bằng không thì phải có một bên khí tuyệt thân vong
thì mới kết thúc được.
Do vậy nên bình thường người võ lâm rất ít khi sử dụng phương pháp tỷ đấu mạo hiểm này, nhưng Ngũ Cương Trung và
Lao Huyệt Quang đều là những kẻ tính tình bướng bỉnh nên vừa đụng nhau
là đã liều mạng. Nếu như thu chiêu tức là đã đồng nghĩa với nhận thua,
vậy nên cả hai chỉ có thể nghiến răng mà đấu cho đến cùng.
Quần
hùng thấy vậy đều muốn ngăn hai người lại, nhưng thắng phụ chưa phân.
Nếu như xuất thủ chỉ sợ sẽ gây nên hiểu lầm, Ngũ Cương Trung và Lao
Huyệt Quang hai người cũng sẽ không vui. Hơn nữa dù xuất thủ e rằng cũng khó mà phân khai được hai người ra, ngược lại còn rất có khả năng bị
nội lực của hai người làm bị thương; nhất thời chỉ có thể đứng nhìn,
trong lòng vô cùng lo lắng.
Chỉ thấy trên đầu hai người bốc ra
một làn khói trắng, tuyết ở phạm vi xung quanh hai người mười thước đã
dần dần tan chảy, hai người càng lúc càng lún sâu xuống mặt đất, song
chưởng vẫn gắn chặt với nhau không rời.
Lúc này trời đột nhiên đổ tuyết, những hạt tuyết rơi xuống thân hai người liền vỡ thành muôn ngàn mảnh nhỏ, hoa tuyết bay đầy trời!
Vừa hay lúc này Điền Đại Thố
đến nơi, gã thấy hai người đánh nhau đến phi sa tẩu thạch, không hiểu
chuyện gì liền nhảy đến sử một chiêu «Đại Trủng Trước Thự Thức» mới sáng tạo ra đánh tới.
Chúng nhân cả kinh thất sắc, bất đồ có người hét lớn:
- Ngươi cũng tiếp một chiêu «Tiểu Bạt Trước Thự Thức» của ta!
Chỉ thấy một đại hán mặt đen mặc giáp đen uy vũ vô song, lao người đến, song chưởng tề xuất tiếp lấy một chiêu của Điền Đại Thố.
«Ầm!» một tiếng.
Điền Đại Thố lộn người nửa vòng trên không trung rồi hạ thân xuống đất, thân hình hơi lảo đảo.
Người này chính là Tứ Trại chủ của «Liên Vân Trại» «Trận Tiền Phong» Mục Nha Bình.
Nguyên lai trường quyết đấu này của Ngũ Cương Trung và Lao Huyệt Quang hết sức hiểm ác, người người đều chú mục quan sát. Nhưng mặc dù vô cùng kịch
liệt nhưng biểu hiện của trận đấu này lại không hề đặc sắc, rất nhiều
trại chúng võ công thấp kém không hiểu được hai người đang làm gì? Mục
Nha Bình đương nhiên biết hai người đang liều mạng đấu nội lực, nhưng gã thiên tính hiếu động, không đủ kiên nhẫn để nhìn hai người lâu vậy nên
mới nhìn đông ngó tây, vừa thấy Điền Đại Thố chạy đến đã lưu tâm chú ý,
nên mới kịp thời xuất thủ ngăn chặn gã, ngay cả Thiết Thủ, Uy Thiếu
Thương cũng không nhanh bằng gã.
Mục Nha Bình thấy Điền Đại Thố
dụng một chiêu «Đại Trủng Trước Thự Thức» thanh thế kinh nhân, tự cho
mình thần lực hơn người nên vô cùng không phục, gã liền sử luôn một
chiêu thức ngược lại với chiêu của Điền Đại Thố, đánh ngược từ dưới lên, gọi tên là «Tiểu Bạt Trước Thự Thức», có ý muốn cùng Điền Đại Thố phân
thắng phụ một phen.
«Băng!» Hai người bốn chưởng chạm nhau phát
ra tiếng nổ vang trời. Điền Đại Thố bay lên không rồi rơi xuống ngoài xa ba trượng. Mục Nha Bình cũng giống như Câu Thanh Phong, bị đánh ngập
xuống tuyết đến tận ngực! Chỉ có điều Điền Đại Thố sau khi hạ thân xuống đất cũng bị chấn động đến đầu váng mắt hoa, lảo đảo người ngã phịch
xuống đất, không giống như lúc nãy đối phó với Câu Thanh Phong, có thể
thừa cơ đối phương chưa kịp đổi khí, tiếp tục công kích.
Còn Mục
Nha Bình nhất thời cũng không chui lên được khỏi mặt đất. Một kích này
của hai người, có thể nói là kỳ phùng địch thủ, sức lực tương đương.
Bất quá một kích này của Điền Đại Thố đã giải được thế giằng co nguy hiểm
giữa Ngũ Cương Trung và Lao Huyệt Quang. Bởi lẽ một kích này của Điền
Đại Thố thế tựa bôn lôi, Lao Huyệt Quang tự biết vô phương chống đỡ, thà để nội lực của Ngũ Cương Trung đả thương kinh mạch còn có sinh cơ, chứ
để gã mới đến này đánh cho một chưởng giữa đỉnh đầu thì chết chắc, thế
nên vội vàng thu chưởng.
Không ngờ Ngũ Cương Trung tính tình
cương liệt, lại cũng rất thưởng thức nội lực thâm hậu của y nên không
muốn lợi dụng cơ hội này, cũng lập tức thu chưởng thoái lui.
Hai
người cùng lúc thu chưởng, dư lực vẫn còn nên đồng thời bị đẩy lùi bảy
tám bước, có điều không ai thọ thương cả. Có thể nói trận đấu nội lực
này là bất phân thắng bại.
Nhưng Lao Huyệt Quang cũng tự biết trong lòng:
nếu như không phải Ngũ Cương Trung kịp thời thu chưởng thì e rằng gã thọ trọng thương rồi, vì thế vô cùng cảm kích.
Lúc này Bạch Hân Như cũng đã nhảy vào trường đấu. «Thiên Lang Ma Tăng» Quản Trọng Nhất cười lạnh nói:
- Định ba đấu một hả? Chỉ sợ các người không nhiều bằng chúng ta thôi!
Bạch Hân Như ôm quyền mỉm cười nói:
- Quản đại sư nói gì vậy? Chỉ tại vị Điền gia này vừa mới tới nơi, không
biết Nhị Trại chủ và Ngũ lão anh hùng đang tỷ võ công bằng nên mới mạo
phạm xuất thủ. Thực là xin lỗi vô cùng, mong chư vị bớt giận.
Lúc này Thời Chấn Đông cũng hét gọi Điền Đại Thố quay lại. Chúng nhân thấy
Bạch Hân Như là một nữ tử, mà Lao Huyệt Quang cũng không có thương tổn
gì, Uy Thiếu Thương cũng thấy được Ngũ Cương Trung đã hạ thủ lưu tình
nên cũng không tiện phát tác, đành cười cười nói:
- Nói hay lắm, nói hay lắm! Không biết không có tội!
Bên này Mục Nha Bình cũng đã dụng lực chui ra khỏi hố tuyết, trợn mắt nhìn Điền Đại Thố lẩm bẩm nói:
- Lực tay mạnh thật!
Điền Đại Thố cũng trợn mắt nhìn Mục Nha Bình:
- Lực tay mạnh thật! Hảo hán!
Hai người một sơn tặc, một quan sai không ngờ lại có chút cảm giác không đánh không quen biết như vậy.
Bạch Hân Như vỗ tay một tiếng, bốn binh sĩ còn lại trong đội của Điền Đại
Thố liền cõng «Hồng Bào Lục Phát» Câu Thanh Phong và «Kim Xà Thương»
Mạnh Hữu Uy ra. Bạch Hân Như nói:
- Vừa nãy nhị vị Trại chủ có
chút hiểu lầm, giết mất sáu người của chúng tôi nên bất đắc dĩ mới phải
điểm huyệt, mong Uy Trại chủ thứ tội.
Uy Thiếu Thương biết rõ lời này của Bạch Hân Như là chỉ trích chuyện Câu Thanh Phong, Mạnh Hữu Uy
hai người âm thầm ám kích, giết người của họ nên đừng trách người ta sát nhân để tự vệ, nhất thời cũng không biết nói gì.
Nguyễn Minh Chính liền hạ lệnh cho người ra đỡ Câu Thanh Phong, Mạnh Hữu Uy hai người về, đồng thời tức giận mắng:
- Hai người các ngươi thật là ... Bạch cô nương là khách quý của chúng ta, làm sao lại vô lễ thế được?
Thời Chấn Đông biết là Nguyễn Minh Chính đang đóng kịch, song cũng đành nhẫn nhịn, giữ thể diện cho đối phương, tránh khỏi việc đối phương xấu hổ
quá hóa giận, hỏng hết chuyện lớn.
- Chuyện này cũng không trách
hai vị Trại chủ được. Chúng tôi cũng có chỗ sai, đáng lẽ trước khi qua
núi cần phải đưa bái thiếp trước, thật có lỗi quá!
Nguyễn Minh Chính cũng thừa cơ mắng Mạnh Hữu Uy, Câu Thanh Phong mấy câu lấy lệ, rồi cũng thôi.
Câu, Mạnh hai người có miệng mà không nói được câu nào, rõ là Đại Trại chủ
phái hai người bọn chúng đi phục kích, nhưng lại khó mà giải thích được. Có điều hai người dẫn đi bảy tám chục người mà không bắt được đối
phương có hơn mười người, cũng tự biết tội nên không dám lên tiếng cãi
lại.
Người của «Liên Vân Trại» thấy Bạch Hân Như đẹp tựa tiên sa, lại có bản lĩnh sanh cầm Lục Trại chủ, Thất Trại chủ nên đều thập phần
ngưỡng mộ.
Bên đấu trường, Lao Huyệt Quang và Ngũ Cương Trung đã bước vào trận đấu thứ hai.
Lao Huyệt Quang cho tay vào bọc lấy ra một đồng tiền, lạnh lùng nói:
- Ai bắt được đồng tiền này trước thì khinh công của người đó cao hơn!
Nói xong tay liền vung mạnh, đồng tiền liền vọt lên khoảng không ba trượng ở giữa hai người.
Lao Huyệt Quang dài người phóng lên.
Ngũ Cương Trung cũng cùng lúc nhún mạnh chân.
Chỉ nghe tiếng hú như long ngâm hổ tiếu vang lên, cả hai cùng lúc rời khỏi mặt đất.
Ngũ Cương Trung dụng ngón cái và ngón trỏ kẹp lấy đồng tiền.
Lao Huyệt Quang sợ lão chộp được đồng tiền, ngón giữa liền búng mạnh ra,
khiến đồng tiền bắn vọt lên không thêm một trượng nữa. Ngón giữa dài hơn ngón cái và ngón trỏ nên Lao Huyệt Quang bắn trúng đồng tiền còn Ngũ
Cương Trung thì hai ngón kẹp vào khoảng không.
Ngũ Cương Trung tức giận gầm lên một tiếng, hít mạnh một hơi, người vọt lên thêm một trượng nữa.
Lao Huyệt Quang cũng không phải tay vừa, đề khí vọt lên cao quá đồng tiền, rồi đưa tay chộp lấy.
Ngũ Cương Trung cũng đang xuất thủ bắt lấy đồng tiền, thấy Lao Huyệt Quang
đưa tay ra, liền lập tức biến chiêu, chưởng biến thành đao chém thẳng
vào năm ngón tay của Lao Huyệt Quang.
Lao Huyệt Quang thầm đoán nếu để Ngũ Cương Trung chém trúng thì năm ngón tay không gẫy cũng tàn phế, liền vội vàng thu tay lại.
Ngũ Cương Trung một chặt không trúng liền biến chiêu thành trảo, chộp lấy
đồng tiền, biến hóa cực nhanh mà chiêu thức vẫn liền lạc, tựa hồ như lão chỉ vung tay ra chộp lấy đồng tiền vậy.
Chúng nhân không ai là không trầm trồ thán phục.
Mắt thấy Ngũ Cương Trung sắp bắt được đồng tiền thì Lao Huyệt Quang đã trầm người xuống, tung chân đá vào tay Ngũ Cương Trung.
Ngũ Cương Trung cả kinh, thầm tính nếu để Lao Huyệt Quang đá trúng thì cánh tay coi như bị phế, đành vội vàng thu tay lại.
Đồng tiền lúc này đã bay lên đến cực điểm và bắt đầu rơi xuống.
Lao Huyệt Quang đang ở thấp hơn, thấy đồng tiền rơi xuống liền đưa tay ra chộp.
Ngũ Cương Trung liền vận dụng «Thiên Cân Trụy» gia tăng tốc độ rơi xuống,
đoạn tung chân đá mạnh vào mạch môn của Lao Huyệt Quang.
Lao Huyệt Quang lại phải thu tay lại.
Thế rơi của Ngũ Cương Trung lại tiếp tục tăng tốc, đã rơi xuống dưới chân Lao Huyệt Quang.
Lao Huyệt Quang cũng vận «Địa Hổ Công», tăng tốc độ rơi xuống của mình.
Ngũ Cương Trung vốn chuẩn bị sau khi hạ thân lập tức đoạt lấy đồng tiền.
Chân vừa chạp đất đã vọt lên chộp lấy đồng tiền.
Lao Huyệt Quang vội đá lên một cước, khiến cho đồng biền tay ra ngoài xa hơn trượng.
Ngũ Cương Trung liền lập tức lao người đuổi theo.
Cùng lúc Lao Huyệt Quang cũng nhún mình bay theo.
Hai người vừa lên vừa xuống, lại bổ người đuổi theo đồng tiền, tất cả chỉ
trong một thời gian điện quang hỏa thạch. Những chiêu thức đã giao thủ
với nhau đều thập phần tuyệt mỹ, chúng nhân đều hò hét vang dội, ca ngợi không ngớt.
Mắt thấy đồng tiền đã sắp rơi xuống đất. Ngũ Cương
Trung và Lao Huyệt Quang cũng đồng thời xuất thủ. Ngũ Cương Trung tả thủ chộp ra, định bắt lấy đồng tiền thì hữu thủ của Lao Huyệt Quang đã chộp trúng mạch môn của lão.
Lao Huyệt Quang cười hắc hắc, tả thủ
vung ra, mắt thấy sắp bắt được đồng tiền thì lại bị hữu thủ của Ngũ
Cương Trung nắm chặt. Hai người cứ giằng co không dời, cuối cùng để đồng tiền rơi xuống đất.
Chúng nhân thấy vậy thì không khỏi «ô» lên một tiếng tiếc nuối.
Ngũ Cương Trung và Lao Huyệt Quang trợn mắt nhìn nhau một hồi rồi mới chậm rãi buông tay nhau ra.
Ngũ Cương Trung cười «Ha ha» một tràng dài.
Lao Huyệt Quang lạnh lùng nói:
- Hảo khinh công!
Ngũ Cương Trung vẫn cười:
- Các hạ cũng rất khá! Chúng ta tiếp tục trận thứ ba!
Ngữ âm vẫn sang sảng có thần - mặc dù lão đã cao tuổi, đồng thời lại vừa
trải qua hai trận đấu vất vả, vậy mà nguyên khí tựa hồ không hề hao tổn
chút nào, khí thế vẫn bừng bừng.
Lao Huyệt Quang tâm niệm chuyển
động, thầm tính toán mình y niên thanh lực tráng, dù võ công Ngũ Cương
Trung có cao hơn nữa thì đánh thêm trận thứ ba chỉ sự chân khí sẽ đứt
đoạn, lúc đó y có thể thừa cơ công kích. Bất luận thế nào thì trận thứ
ba này cũng chính là then chốt để phân thắng bại giữa hai người.
Cách nghĩ của Ngũ Cương Trung cũng y hệt như vậy, bất quá cảm thấy nội lực
và khinh công của đối phương đều rất giỏi, nhưng tỷ kiếm thì không giống như vậy, muốn thắng thì phải dựa vào kinh nghiệm, Ngũ Cương Trung tự
nhận thấy kinh nghiệm của mình so với Lao Huyệt Quang thì phong phú hơn
nhiều. Ngũ Cương Trung đưa tay lên rút kiếm đánh «vù» một cái.
Vốn dĩ chuyện bạt kiếm có âm thanh phá không của binh khí là chuyện hết sức bình thường, bất kỳ kiếm khách nào cũng có thể làm được, có điều kiếm
của Ngũ Cương Trung là một thanh kiếm dày đến nửa tấc, vậy mà tốc độ rút kiếm vẫn nhanh như điện, qua đây có thể thấy được kiếm thuật của lão
thế nào rồi.
Lao Huyệt Quang «hừ» lạnh một tiếng, bạt xuất trường kiếm. Chỉ thấy một đạo cầu vồng bay ra rung động không ngừng, thân kiếm ngoắn ngoằn ngoèo ngoèo giống như một con linh xà.
Ngũ Cương Trung thốt lên:
- Hảo! Linh Xà Kiếm!
Lao Huyệt Quang cười lạnh:
- Còn có «Linh Xà Kiếm Pháp» nữa!
«Suy!» một tiếng, kiếm đã nhanh tựa tấn lôi đâm thẳng vào Ngũ Cương Trung.
Ngũ Cương Trung khẽ lắc cổ tay, hoành ngang trường kiếm.
«Cong!» Hoa lửa bắn tung tóe, Linh Xà Kiếm của Lao Huyệt Quang đã đâm trúng thân kiếm của Ngũ Cương Trung.
Ngũ Cương Trung vừa chặn được một kiếm thì liên tiếp phản công lại ba
chiêu! Kiếm của Ngũ Cương Trung vừa dày vừa nặng, nhưng kiếm pháp thì
nhanh đến mức người ngoài không thể nhìn rõ được.
Lao Huyệt Quang vội phản kiếm gạt mạnh, mũi kiếm điểm vào thân kiếm của Ngũ Cương
Trung. Kiếm tuy vừa nhanh vừa trầm trọng, nhưng mấy cái gạt của Lao
Huyệt Quang tựa như điểm trúng phải chỗ ba thốn trên đầu con rắn vậy,
toàn bộ đều bị thủ pháp «Tứ Lạng Bạt Thiên Cân» gạt ra hết. Vừa gạt xong ba kiếm của Ngũ Cương Trung, Lao Huyệt Quang liền hoàn lại năm kiếm.
Năm kiếm này thập phần kỳ quái, tựa như rắn đang bò vậy, lúc đầu thì
khúc khúc chiết chiết, nhưng một khi công kích thì nhanh độc vô bì.
Ngũ Cương Trung liên tiếp hoành kiếm năm lượt đỡ kiếm của Lao Huyệt Quang, sau đó lập tức phản công đâm ra bảy kiếm.
Xà Kiếm của Lao Huyệt Quang liền lập tức lóe lên, liên tiếp gạt văng bảy
kiếm của Ngũ Cương Trung, tức thời phản thủ công ra mười kiếm.
Hai người càng đánh càng nhanh, kiếm pháp càng lúc càng tinh thuần, xuất
kiếm càng lúc càng nhiều, đến độ ngay cả kiếm quang cũng không nhìn rõ
nữa, cả không gian tràn ngập tiếng kiếm phong «vù vù», cả nhân ảnh cũng
không thấy đâu.
Chúng nhân xem hai người đánh mà kinh tâm động phách, không biết cả hai đã đánh ra bao nhiêu kiếm, ngăn lại bao nhiêu kiếm.
Thiết Thủ cũng thầm kinh hãi, trong lòng thầm lo rằng Ngũ Cương Trung niên kỷ đã cao, không thể chi trì cùng Lao Huyệt Quang lâu hơn được nữa.
Uy Thiếu Thương cũng thầm lo lắng bởi công lực hai người tương đương nhau, nhưng Ngũ Cương Trung đã hành tẩu giang hồ hơn bốn chục năm, không biết đã kinh qua bao nhiêu trận chiến, kinh nghiệm chiến đấu chắc chắn cao
hơn Lao Huyệt Quang bội phần, chỉ sợ vạn nhất Lao Huyệt Quang bất phòng
sẽ thua trong tay lão.
Đột nhiên không gian im lặng như tờ, hai bóng người đã dừng lại.
Mọi ngươi đều đưa mắt nhìn qua, chỉ thấy Lao Huyệt Quang và Ngũ Cương Trung hai người đều đang thở hổn hển, sắc mặt lúc trắng lúc hồng. Trường kiếm của Ngũ Cương Trung đang chỉ thẳng vào ngực Lao Huyệt Quang, chỉ cách
có nửa tấc. Còn Linh Xà Kiếm của Lao Huyệt Quang cũng đang trỏ vào tâm
huyệt của Ngũ Cương Trung, khoảng cách cũng chỉ có nửa tấc.
Nguyên lai hai người ác đấu đến cuối cùng thì Ngũ Cương Trung đã cảm thấy chút lực bất tòng tâm, đành giả vờ khí lực không thông, xuất thủ chậm lại.
Lao Huyệt Quang tưởng rằng đắc thủ, trong nhất thời lơ là phòng bị nên bị
kiếm của Ngũ Cương Trung đâm tới trước ngực, nhưng Ngũ Cương Trung cũng
không duy trì được khí lực, xuất thủ chậm một chút nên bị kiếm của Lao
Huyệt Quang chỉ vào tâm huyệt. Hai người liền đứng ngẩn ra nhìn nhau.
Uy Thiếu Thương cũng ngẩn người giây lát rồi cao giọng nói:
- Điểm đến mà dừng lại kịp thời là tốt rồi!
Thời Chấn Đông cũng lớn giọng nói:
- Trận này hai bên hòa nhau.
Bởi trận đầu tiên Thiết Thủ đã thắng Nguyễn Minh Chính, nếu trận thứ hai là hòa, chỉ cần trận thứ ba không thua là coi như bên Thời Chấn Đông đã
thắng, vạn nhất nếu bị bại thì kết quả toàn bộ vẫn là hòa.
Ngũ Cương Trung và Lao Huyệt Quang chậm rãi thu kiếm, đứng thở hào hển.
Ngũ Cương Trung nói:
- Hảo khoái kiếm!
Lao Huyệt Quang cũng nói:
- Ông cũng vậy!
Hai người đưa mắt nhìn nhau một hồi, trong lòng không khỏi có cảm giác anh hùng trọng anh hùng nổi lên.
Phải biết hai người đều có ba sở trường giống nhau:
khinh công, kiếm pháp và nội công, đều đấu đến kỳ phùng địch thủ nên cả hai
đều không tự chủ được mà có chút cảm phục đối phương.
Lúc này
«Bắc Thành» Thành chủ Chu Bạch Tự và «Cửu Hiện Thần Long» Uy Thiếu
Thương đã chậm rãi bước ra trường đấu. Trận đấu sẽ quyết định thắng phụ
của cả hai bên chuẩn bị bắt đầu.
---- oo --- Lại nói đến bọn Liễu Nhạn Bình đang bị vây khốn ở đằng trước. Liễu Nhạn Bình giết chết «Song Nhận Truy Hồn» Mã Chưởng quầy rồi lực chiến với «Bá Vương Côn» Du Thiên Long và mấy chục tên lâu la. Quân sĩ lại chết thêm một người nữa, nên
chỉ còn lại mình Liễu Nhạn Bình và hai tên binh sĩ ác đấu với năm mươi
tên sơn tặc.
Liễu Nhạn Bình một chọi với mười mấy người, dựa vào
một thanh khoái đao và thân pháp khinh linh nên nhất thời mười mấy tên
sơn tặc cũng chưa làm gì được gã. Dần dần, gã chém ngã được hai tên, còn lại Du Thiên Long và chín tên lâu la vẫn cứ bám riết lấy gã không thôi. Liễu Nhạn Bình biết nếu cứ tiếp tục đánh thế này cho dù gã giết chết
được chín gã lâu la cũng phải mất đến nửa canh giờ, nhưng hai tên binh
sĩ kia bất cứ lúc nào cũng có thể chi trì không nổi, một khi hai tên
binh sĩ ngã xuống, mấy chục tên sơn tặc cùng vây công thì dù gã có ba
đầu sáu tay cũng phải sức cùng lực kiệt mà buông đao chịu trói.
Đúng vào lúc này, một tiếng thét như hổ gầm vang lên, cùng lúc một bóng người bổ tới.
Trong đám đang vây công hai tên binh sĩ có ba tên lâu la đột nhiên trông thấy trước mắt hiện ra một người thân hình uy vũ, tựa như có ba cánh tay vậy nên nhất thời ngẩn người. Ba người liền lập tức bị ném bay lên không.
Cả ba tên ở trên không liền cố gắng vận lực ý đồ muốn lật người lại để
chân tiếp đất trước, nào ngờ sức đẩy của người kia thập phần quái dị,
thủ pháp lại cực chuẩn, ba người rơi trúng vào ba tảng đá phủ tuyết, đầu óc lập tức vỡ nát, chết ngay tại trận.
Chỉ nghe Liễu Nhạn Bình vui mừng hô lớn:
- Chu Phó Thống lãnh!
Người đến chính thị là Chu Lãnh Long.
Chu Lãnh Long ngoại hiệu «Tam Thủ Thần Viên» là chỉ khi y xuất thủ đối địch nhanh như là có ba cánh tay đồng thời đánh ra vậy, thập phần quái dị,
tựa như Thiên Thủ Quan Âm, ngay cả nhìn cũng không nhìn rõ. Còn lại hai
chữ «Thần Viên» là chỉ lộ số võ công của y. Bộ võ công này chính là do y sau khi nghiên cứu cách đánh nhau của loài khỉ vượn mà ngộ ra, gần
giống như trường quyền nhưng lại thêm các động tác gạt, bổ, đẩy, ném và
thân pháp linh hoạt, giống như một chiêu vừa nãy hất văng ba tên lâu la
lên vậy. Cả ba lúc ở trên không dù có giãy giụa thế nào cũng không thể
lật mình lại được.
Nên biết rằng loài khỉ vượn rất giỏi nhào lộn, nên khi đánh nhau chúng đã sớm liệu đến chuyện đối phương có thể an
nhiên tự tại hạ thân xuống đất, vì thế lực đạo xuất ra phải hết sức xảo
diệu, bằng không thì có ném cũng vô dụng. Dù ba tên lâu la đó có là khỉ
vượn đi chăng nữa, gặp phải chiêu này cũng khó tránh khỏi mông đít khai
hoa.
Chu Lãnh Long lắc người, lại chắn trước mặt ba tên sơn tặc khác.
Một tên thấy Chu Lãnh Long chỉ cần một chiêu đã giết chết ba người nên cả
kinh lùi tránh. Hai tên còn lại thì không biết sống chết, cử đao chém
tới.
«Bốp Bốp» hai tiếng, lại bị ném bay ra xa hơn trượng, đập đầu vào đá chết ngay tại chỗ.