Mùa này chương trình “Về quê ở” kết thúc trong bầu không khí “An lành”.
Dù đã biết đạo diễn bẫy người, nhưng rồi sao, đánh xong rồi, nghe cũng đã nghe được một nửa rồi.
Điều này cũng khiến chương trình “Về quê ở” mùa này khác với những mùa khác, trước kia quay đến tập cuối, mọi người dù có phải diễn thì cũng phải diễn như lưu luyến không rời xa, nhìn qua nhìn lại, hết sức cảm động.
Nhưng mùa này thì khác, lấy cảnh đập đạo diễn để kết thúc.
Có lẽ sau này khán giả xem đến đây, cũng phải thốt lên một câu: Đánh hay lắm!!
Nói chứ, cố ý kể chuyện câu người ta thì thôi đi, đằng này hết mùa rồi vẫn còn chơi xấu, mười ba hồi lận, đến mùa sau cũng chưa chắc đã kể xong ấy chứ?
Kết thúc ghi hình bên đây, Tề Thiệp Giang cũng chính thức bắt đầu công việc với “Uyên ương khấu”, bước vào đợt huấn luyện trước khi bấm máy.
Theo như Đường Song Khâm sắp xếp, chương trình học của các diễn viên cũng được phân chia chuyên ngành, có những người học khác nhau, có những người lại học chung. Dù sao có người là diễn viên truyền hình, người lại là nghệ sĩ hí khúc, hoặc giống như Tề Thiệp Giang.
Về khoản biện hí này, Tề Thiệp Giang và mấy diễn viên khác theo Lạc Hà học tập, đệ tử của bà cũng làm trợ giảng.
Về những cảnh “khiêu công” xuất hiện trong phim, Đường Song Khâm và Lạc Hà cũng đã thương lượng qua với Tề Thiệp Giang.
Trước đó từng giới thiệu về khiêu công, đây vốn là một môn do các diễn viên kinh kịch phát minh ra, bởi rất thích hợp với xã hội cũ, biện hí cũng bị ảnh hưởng, trước đây khi Tiểu Ấn Nguyệt diễn “Vọng tình ngư” cũng phải “giẫm kiễng”.
(Khiêu công: khiêu ở đây là nhón chân/kiễng chân, là kỹ năng biểu diễn hí khúc. Diễn viên đi một chiếc giày được đặc chế mô phỏng bàn chân được bó của phụ nữ thời xưa)
Nhưng khiêu công vô cùng, vô cùng khó luyện tập, bình thường cũng phải mất ba, bốn năm. Có người kiến nghị Đường Song Khâm tìm diễn viên đóng thế, chọn các góc quay chụp để che giấu, bản thân Tề Thiệp Giang cũng có năng lực, sẽ không để lộ đâu.
Nhưng Đường Song Khâm là một người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, ông vẫn muốn để Tề Thiệp Giang học khiêu công. Cho dù chỉ là thử học một ít, cho dù trên thực tế không có nhiều phân cảnh Tề Thiệp Giang giẫm kiễng được đưa lên màn ảnh.
Nhưng ngoài dự liệu của ông và Lạc Hà là, Tề Thiệp Giang lập tức nhận lời, thậm chí dường như đã có dự tính như vậy từ trước.
Hai tháng, hoàn tất trình độ người khác cần ba, bốn năm, chưa nói đến thông hiểu đạo lý, chỉ cần luyện tập cho ra dáng thôi mà độ khó đã rất cao! Hơn nữa còn rất khổ!
Đường Song Khâm rất thỏa mãn, cũng càng hài lòng với Tề Thiệp Giang hơn, ông là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, đương nhiên cũng hy vọng người khác phối hợp với mình, nhất là ông vốn không ôm nhiều kỳ vọng, còn nghĩ xem nên lừa để thuyết phục Tề Thiệp Giang thế nào.
Ngày đầu tiên học, Tề Thiệp Giang hát một đoạn hí khúc cho Lạc Hà nghe, hơn nửa tháng qua ngày nào anh cũng luyện tập, khiến Lạc Hà phải ngạc nhiên.
Cái nghề khúc nghệ này, có được sư phụ chỉ điểm hay không rất quan trọng, dù Tề Thiệp Giang học không tồi, nhưng sau khi được nghệ nhân chuyên nghiệp như Lạc Hà chỉ điểm cũng có cảm giác thông suốt.
Sau đó đệ tử của Lạc Hà hướng dẫn anh học khiêu công, Tề Thiệp Giang từng xem các diễn viên khác giẫm kiễng, nhưng chưa bao giờ thử sức mình.
“Muốn giẫm kiễng cho tốt, thì nhất định phải bó chân thật chắc.” Đệ tử của Lạc Hà nói. Bây giờ không có diễn viên giẫm kiêng, những năm trở lại đây có một vài vở kịch, cũng sẽ diễn khiêu công, đơn thuần vì kỹ xảo phong phú, thu hút khán giả tới xem.
Nhưng nữ đệ tử này không ngờ, Tề Thiệp Giang bắt tay vào làm tương đối lưu loát, tuy rằng có phần không quen tay, nhưng vừa nhìn đã biết giàu kiến thức lý thuyết, thao tác không sai lầm, trông còn rất nghiêm túc, nhất định đã chuẩn bị bài trước rồi.
Tề Thiệp Giang cũng đã xem ở hậu trường nhiều, anh nắm được về giày gỗ này, phía dưới được bó thành hình kim liên ba tấc như phụ nữ thời cổ đại, cũng thực sự chỉ dài có ba tấc, dùng vải buộc mu bàn chân lại với giày gỗ, mũi chân hoàn toàn dựng thẳng đứng trong giày, từ mu bàn chân đến cổ chân, cẳng chân đều duỗi thẳng tắp, gót chân cách mặt đất.
—— Trong lúc biểu diễn, bên ngoài sẽ đi đôi giày nhảy, mặc quần để đồng thời che đi. Nhưng Tề Thiệp Giang vẫn còn đang trong giai đoạn luyện tập, phải luyện được rồi mới đi giày khiêu công.
Tư thế đó cũng là lý do vì sao khiêu công lại được gọi là ba lê phương Đông. So với ba lê thì còn khổ hơn nhiều, phải bó chắc như vậy, đến khi diễn xong mới có thể bỏ ra.
Tề Thiệp Giang kiễng chân, chỉ đứng thẳng thôi mà cũng cảm thấy mũi chân ê ẩm, phải chống tường mới có thể đứng được, không khỏi hít sâu một hơi.
Không bao lâu sau, Tề Thiệp Giang vã mồ hôi như mưa, chẳng mấy chốc mái tóc ướt nhẹp. Anh từng nhìn người ta luyện khiêu công, cũng từng nghe Tiểu Ấn Nguyệt kể khi ông ấy luyện khiêu công đã khổ cực nhường nào. Nhưng khi tự mình thể nghiệm vẫn rất khác, không thử thì không biết rốt cuộc đau đến nhường nào.
Nhưng mà kiễng chân để đi và đứng mới chỉ là bước đầu tiên.
Cảm giác đau đớn không chỉ nằm ở mũi chân, theo từng bước đi, bởi vì phải kiễng thẳng, chịu lực, còn phải duy trì tư thế mà cơn đau từ chân lan đến eo và sống lưng.
Lần này đâu chỉ tóc trán, mà sống lưng Tề Thiệp Giang cũng đã đẫm mồ hôi, cũng may mà anh từng chịu khổ, vẫn cắn răng kiên trì.
Lạc Hà đứng bên cạnh nhìn anh, lần đầu giẫm kiễng, Tề Thiệp Giang kiên trì được mười lăm phút, dài hơn mong muốn của bà nhiều, phải biết Tề Thiệp Giang là người trưởng thành chưa từng thử giẫm kiễng chân.
Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, quá trình tuần tự đi lên được gọi là “hao kiễng”, chỉ chữ “hao” kia thôi đã bao hàm bao nhiêu khổ cực. Từ từ hao lực rèn giũa, hao hết tư thế hoàn mỹ trên sân khấu.
Bà cũng hy vọng Tề Thiệp Giang có thể “hao” được khiêu công, chứ không bị khiêu công làm cho hao kiệt sức mình.
..
Mấy ngày trôi qua, Tề Thiệp Giang gầy rộc cả đi, hai chân sưng lên, những khi không kiễng thì đau ê ẩm, Đường Song Khâm vừa nhìn thấy đã trầm ngâm bảo: “Cậu như vậy không được đâu.”
Lạc Hà gật đầu trong lòng, Tề Thiệp Giang quá liều mạng, vì vội vã theo tiến độ mà anh không những tập luyện rất nhiều lần, còn vừa kiễng chân vừa luyện xướng để tiết kiệm thời gian, ngay cả những diễn viên chuyên nghiệp bà cũng hiếm khi thấy liều mạng đến mức này.
Đường Song Khâm cất lời sâu xa: “Gầy rồi sau này khó hóa trang.”
Lạc Hà: “………..”
Xướng hí khúc là vậy, gầy quá ngược lại còn không đẹp, tóc mai trên trán ép lại, như vậy chẳng phải gương mặt lại càng nhỏ hơn hay sao.
Lạc Hà không khỏi khiển trách, “Anh nói vậy thì hơi quá rồi.”
Nhưng Tề Thiệp Giang lại không để tâm, “Chú nói rất đúng, Tiểu Ấn Nguyệt cần hóa trang rất đẹp, hôm nay cháu bắt đầu ăn thêm món.”
Đường Song Khâm gật gù, hài lòng đi ra, không phải Đường Song Khâm ông gây khó dễ cho người khác, nhưng cứ quay phim là ông lại như vậy, Tề Thiệp Giang còn nghe thấy ông hỏi những diễn viên khác: “Cậu có thể để khí chất của mình nhìn qua giống như mê đọc “Kim Bình Mai” không? “Đừng giống “Hòa thượng Đăng Thảo”, giống như “Kim Bình Mai” ấy.”
Yêu cầu quá kỹ càng, khiến diễn viên người ta cũng phải dở khóc dở cười.
Ngày hôm nay Tề Thiệp Giang còn nhận được thông báo, phải đi học một khóa, Đường Song Khâm tận tình mời thêm một thầy nghiên cứu về văn nghệ kinh thành cận đại, tới giảng cho mọi người một tiết, để mọi người hiểu được nhân vật của mình trong bối cảnh thời xưa.
Lần này ngay cả những diễn viên chỉ có vài phân cảnh cũng có mặt, Tề Thiệp Giang không phải nhân vật chính, anh tìm một chỗ ngồi không trước không sau. Chẳng bao lâu sau trông thấy hai người mặc áo dài đi vào, một cao một thấp, trông rất buồn cười, vừa nhìn đã biết đóng vai diễn viên tấu nói trong phim.
Tề Thiệp Giang cũng đoán được phần nào, sau này trong “Uyên ương khấu” xuất hiện hai vị danh gia tấu nói, anh chưa từng gặp hai người ấy, nhưng biết đó là nghệ nhân rất nổi ở kinh thành lúc bấy giờ. Lúc Tiểu Ấn Nguyệt viết thư cho anh, từng nhắc tới trình độ nghệ thuật của họ.
Vào thời đó, theo nghề khúc nghệ, bao gồm cả tấu nói, muốn thành danh thì nhất định phải tới hai nơi Tân, Kinh, một là cái nôi của khúc nghệ, còn lại là kinh đô của cả nước, đủ người tài giỏi hội tụ lại. Đây cũng là lý do vì sao Tiểu Ấn Nguyệt tới kinh thành rồi còn nhiều lần mời Tề Thiệp Giang, chỉ là khi đó Tề Thiệp Giang cố thủ một thành đợi sư môn.
(T/N: Hai thành phố được nhắc tới là Thiên Tân và Bắc Kinh, hai thành phố này ở cạnh nhau. Thiên Tân được mệnh danh cái nôi của khúc nghệ Trung Quốc)
Anh thất thần một lúc, hai người kia nhìn một vòng, đi tới ngồi xuống bên cạnh anh, mọi người đối diện với nhau.
Cậu chàng cao cao cười hì hì, chủ động bắt chuyện, “Chào thầy ạ, bọn em nhìn một vòng, thấy có mỗi thầy là người cùng nghề.”
“Chào cậu, gọi Giét-si là được rồi.” Tề Thiệp Giang bắt tay với họ, nghe hai người giới thiệu, biết được cậu chàng cao cao tên là Mạc Thanh, còn cậu chàng thấp kia thì cùng họ với Tề Thiệp Giang, tên là Tề Lạc Dương.
Hai người họ đều được chọn từ trong trường khúc nghệ, vốn học về tấu nói, bởi hình tượng khá tương đồng với hai diễn viên tấu nói kia, học hành không tệ, hạng giữa, đất diễn không nhiều bằng Tề Thiệp Giang, Tề Thiệp Giang là nam ba, còn họ có lẽ là nam thứ mười ba.
Hai người này còn một năm nữa là ra trường, còn chưa bái sư, bản thân cũng không có vai vế, không có chút tiếng tăm nào trong nghề, đương nhiên cũng không có phiến diện gì với dân “hải thanh” như Thiệp Giang, ngược lại còn cảm thấy rất thú vị.
Không bao lâu sau mọi người tới đông đủ rồi, thầy bắt đầu giảng bài, Tề Thiệp Giang vừa nghe vừa cân nhắc làn điệu trong lòng.
Bởi chỉ dạy có hai tiết, tới thời điểm đặt câu hỏi, thầy giáo lập tức bị vây lấy.
…
Không biết Đường Song Khâm tới từ lúc nào, ông đi một vòng, tới bên cạnh nhóm Mạc Thanh, “Mấy đứa kiếm được bao nhiêu tiền rồi?”
Mạc Thanh và Tề Lạc Dương đưa mắt nhìn nhau, khó xử cúi gằm đầu, “Không.. không được bao nhiêu…”
“Không được bao nhiêu là bao nhiêu?” Đường Song Khâm gặng hỏi.
Mạc Thanh ấp úng nói: “Hơn năm mươi.. Đạo.. đạo diễn à, bọn cháu biểu diễn đạt hiệu quả không tệ, nhưng mà.. nhưng mà tiền không nhiều.. không chịu cho bao nhiêu..”
Tề Thiệp Giang nghe mà thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Kiếm tiền gì vậy?”
Đường Song Khâm hất cằm, ra hiệu hai người kia nói cho Tề Thiệp Giang.
Nghe họ kể lại Tề Thiệp Giang mới biết, hai người này vừa đến huấn luyện, Đường Song Khâm không sắp xếp chương trình học gì cả, chỉ phát cho mỗi người một bộ áo dài, nói rằng từ hôm nay trở đi, tới công viên tấu nói mãi nghệ, dù sao cảnh diễn của hai người cũng không vội, bao giờ kiếm được năm ngàn tệ thì tính sau.
Cả hai đều choáng váng, ngẫm lại mới rõ, hai người họ có năng lực, có hình tượng, chỉ là không có khí chất bôn ba chốn giang hồ mà Đường Song Khâm muốn, hai danh gia tấu nói kia cũng đều họa nồi mãi nghệ ngoài phố, bước lên từng bước một.
Lại nói, hai cậu chàng này chưa từng dãi nắng dầm mưa, không có vẻ nhọc nhằn khổ cực.
Dù sao Mạc Thanh và Tề Lạc Dương cũng học tấu nói, da mặt vẫn đủ dày, thế là mỗi ngày dậy sớm tới công viên tấu nói, còn tự chuyển bàn đạo cụ tới. Nhưng được mấy ngày rồi mà mới chỉ kiếm được chừng năm mươi tệ, còn chưa đủ phí trà nước đi lại.
Đường Song Khâm nghe vậy liền bảo, “Mấy cậu thế là không được, vào thời xưa thì chết đói từ lâu rồi, không phù hợp với nhân vật. Để tôi tìm xem có thầy nào chỉ điểm cho mấy cậu không.”
Hai người thầm nghĩ, vào cái thời ấy, chẳng phải không còn con đường nào mới đi tấu nói hay sao!
Tề Thiệp Giang đứng bên cạnh, cười một tiếng bảo rằng: “Đạo diễn Đường à, hay là để cháu chỉ cho. Mấy cái nghệ thuật thu tiền thì cháu không dạy được, nhưng sư phụ cháu chỉ rồi.”
Trước đó đã nói, biểu diễn xong cũng cần kỹ xảo để nhận tiền từ khán giả.
Trong nghề có một thuật ngữ gọi là “Chử môn tử”, chử có nghĩa là tiền giấy, chỉ tiền bạc, môn tử nghĩa là cửa mở, cửa tiền mở ra có nghĩa là nên thu tiền.
Có một câu thế này: Chử môn tử là vàng, lời dẫn là bạc, chuyện kể là đồng; có thể thấy được tầm quan trọng của nó.
Dù rằng bạn tấu rất hay, nhưng không biết chử môn tử, khán giả nghe xong sẽ bỏ đi, như vậy đã tấu uổng công rồi.
Nhưng một kỹ năng quan trọng như vậy, lứa diễn viên trẻ lại không mấy am hiểu, bởi vì không ai phải đi mãi nghệ ngoài đường. Bây giờ có sàn diễn bán vé, không cần phải lăn lộn ngoài đường tự kiếm tiền nữa.
Hai người họ không có chút kinh nghiệm nào, đứng ở ngoài đường tấu thì sao có thể thu được nhiều tiền.
Họ đứng bên cạnh thảo luận, Tề Thiệp Giang cũng nghe được, mọi người ở cùng đoàn phim với nhau, cho dù chỉ là một hồi mua bán, hà tất bỏ gần tìm xa. Năng lực “chử môn tử” của anh đã được kiểm nghiệm ở ngay hiện trường.
Đường Song Khâm “Ồ” một tiếng, cũng nghĩ ra, Lạc Hà nói có nguồn tin trong giới khúc nghệ, rằng Tề Thiệp Giang có một sư phụ dạy biểu diễn truyền thống, còn từng biểu diễn tiết mục thất truyền trên tivi. Không có môn hộ và biết biểu diễn là hai chuyện khác nhau. Nếu anh đã nói vậy, nói không chừng có thể làm được thật?
Đường Song Khâm nhìn Tề Thiệp Giang, “Thế thì.. cậu tới giúp nhé?”
Tề Thiệp Giang không qua loa một chút nào, “Buổi sáng cháu tranh thủ thời gian rảnh luyện cùng họ mấy lần là được, hiểu là được rồi.”
Lại nhìn Mạc Thanh và Tề Lạc Dương, họ đều đứng hình, “Không phải, khoan đã, đạo diễn Đường à, Giét-si, bộ dạng anh thế nào, theo chúng tôi ra ngoài sẽ bị người ta vây xem mất.”
Bọn họ nói đúng trọng điểm rồi, bây giờ cái tên của Tề Thiệp Giang vẫn còn rất hot, nếu dám ra ngoài giúp người ta mãi nghệ, sẽ bị fan bắt sống cho coi.
Nhưng Đường Song Khâm lại rất thản nhiên, “Ôi có gì đâu mà, hóa trang là được rồi.” Ông nhìn Tề Thiệp Giang, bảo rằng, “Thật là, đẹp một cách quá đáng quá phận.”
Tề Thiệp Giang đã quen rồi, thuận miệng tiếp lời: “Chẳng phải chú cũng vừa ý ngoại hình của cháu hay sao.”
Đường Song Khâm cười như được mùa, “Cậu lắm mồm thật.”
Vẻ mặt Tề Thiệp Giang hết sức vô tội, làm diễn viên tấu nói, không lắm mồm sao được?
….
Theo lời Đường Song Khâm nói, ngày hôm sau trước khi Tề Thiệp Giang dẫn nhóm Mạc Thanh đi, anh tới tìm chuyên gia trang điểm để hóa trang, cho làn da đen đi một chút, sửa lại dáng chân mày, lại đeo cặp kính mắt, hạ tóc mái xuống, thoạt nhìn ủ dột hơn nhiều.
Lại nói vị trí mãi nghệ của Mạc Thanh và Tề Lạc Dương là nơi các ông các bà trung niên xa gần tụ tập lại. Các ông các bà ở đây tập thể dục buổi sáng, các thím các bác đi chợ về ngồi lại buôn chuyện, ngoài ra còn những người dắt chó thả chim đi dạo, từ sáng tới tối đều rất đông vui.
Đầu tiên Tề Thiệp Giang nhìn một vòng, quan sát kết cấu công viên này. Trong lòng anh hơi cảm thán, dù vì lý do gì, đây cũng là lần đầu tiên anh mãi nghệ ngoài đường kể từ khi tới thời không mới này.
“Thầy Giét-si à, thực ra trước đó chúng em cũng từng thử nói “chử môn tử”, nhưng hiệu quả không được lắm.” Mạc Thanh nói, “Hơn nữa có rất nhiều người, còn chưa nghe tấu nói xong đã đi rồi.”
Bấy giờ Tề Thiệp Giang không còn ngăn cản cậu ấy gọi mình là thầy, dù sao lát nữa anh cũng phải dạy bản lĩnh thực sự, ngày xưa nếu không bái sư thì không được học.
Mãi nghệ ngoài đường là thử thách trình độ nghệ thuật lớn nhất, làm thế nào để thu hút người ta tới đây, làm thế nào để giữ chân họ ở lại, làm thế nào để người ta chịu bỏ tiền ra, đều là kiến thức cả.
Bạn có thể giữ chân người ta đến khi nghe xong như vậy khả năng phải rất tốt.
Năng lực bình thường thì cần đầu óc linh hoạt, phải thay đổi thủ đoạn, nói một đoạn, rồi dừng ở ngay đoạn gay cấn để thu tiền. Hoặc là kể những tiết mục, mẩu truyện cười ngắn.
Hai người họ ở trường học mấy năm, đều học ba mươi phút nửa tiếng để biểu diễn xong một tiết mục hoàn chỉnh.
“Phải luyện nhịp điệu nhiều vào. Hôm nay tôi nâng cho Mạc Thanh, mọi người cảm nhận một chút rồi tôi sẽ nói sau.” Tề Thiệp Giang nói, hai người này trước đây không hợp tác với nhau, so ra thì Mạc Thanh khá hơn một chút.
Có câu “Ba phần giỡn bảy phần nâng”, đừng coi pha trò là nhất, các nghệ nhân tấu nói đều giữ vai trò nâng đỡ cho người trẻ, điều này cũng thể hiện được phần nào tầm quan trọng của vai phụ, Tề Thiệp Giang làm vai phụ, anh có thể nâng đỡ cho Mạc Thanh.
“Được rồi, trước tiên cần “viên niêm” đã, mấy ngày hôm nay bọn em ở đây hát, hoặc xướng hí khúc để thu hút mọi người tới đây.” Mạc Thanh tội nghiệp nói, “Nhưng mà hiệu quả lại rất bình thường, mọi người xem bọn em chỉ như xem bói, còn không nhiều bằng xem các ông chơi cờ tướng.”
Viên niêm có nghĩa là mời chào khán giả, dùng các cách khác nhau để thu hút mọi người tới, sau đó các nghệ nhân mới biểu diễn, giống như ca từ thái bình, ban đầu cũng dùng để thu hút mọi người tới nghe.
(Viên niêm: Viên (hình tròn) là tụ tập, Niêm (dính) là khán giả)
Bởi thời đại thay đổi, cũng giống như “chử môn tử”, bây giờ biểu diễn tấu nói trên sân khấu không cần quy trình này nữa.
“Xướng hí khúc?” Tề Thiệp Giang nhìn một vòng, “Vậy cũng coi như mấy đứa biết nhập gia tùy tục, ở đây nhiều các ông các bà.”
Hai người gật đầu, lại nghe ra dường như anh còn có cách gì khác, khiêm tốn bảo: “Thầy xem, còn có cách nào khác không? Ở đây thực sự không tiện thu hút!”
Chẳng lẽ dùng quy tắc cũ, xướng ca từ thái bình, hoặc cầm cát trắng vẽ hình?
Ầy, nhưng xem ông cụ bên cạnh dùng bút lông vẽ tranh đẹp thế kia kìa.
Tề Thiệp Giang đứng sau chiếc bàn đạo cụ mà họ mang tới, lại quét mắt nhìn mấy người dẫn chim dắt chó đi dạo trong công viên, khẽ mỉm cười, trong lòng đã có tính toán, anh cất tiếng: “Gâu gâu oảng oẳng gâu gâu!!”
Càng nghe càng thấy giống y như thật, khó mà phân biệt được.. tiếng chó sủa thật hay giả.
Chỉ thấy trong phạm vi một trăm mét, những con chim đậu trên vai mọi người đều cất cao tiếng kêu, líu ríu mãi không ngừng; những con chó đang thảnh thơi dạo bước cũng từ từ dựng tai lên, vẻ mặt hết sức tò mò, kéo chủ nhân chạy về nơi phát ra tiếng kêu.
Chỉ trong thoáng chốc, những người dẫn chim đều nhìn sang bên đây, mà những người dắt chó thì đều bị chó lôi xềnh xệch tới trước mặt họ!
Ngay cả những người không dẫn chim cũng chẳng dắt chó nghe thấy động tĩnh lớn như vậy, sao có thể không chú ý tới được?
Chưa đầy một phút, trước mặt có chục người vây xem rồi.
Mạc Thanh: “…….”
Tề Lạc Dương: “…………”
Cả hai đều choáng váng.
Đây nào giống cách thần tượng thu hút khán giả…
Thuyết học đậu xướng, học bao gồm học khẩu kỹ, hai người họ cũng học được một chút, trong mấy loài bay trên trời chạy dưới đất, tiếng chó sủa là căn bản nhất.
(Khẩu kỹ: một loại tạp kỹ, dùng kỹ xảo của miệng để bắt chước các âm thanh khác)
Nhưng hai người họ không ngờ còn có thể dùng để làm như vậy, hoặc nói là không ngờ có thể sử dụng tốt như vậy, đến chó cũng bị lừa…
Còn có thể thu hút như này nữa hả? Bá (lưu) đạo (manh) dữ vậy trời!!