Nhưng không phải chỉ có một mình, lúc vòng qua bức ảnh bích, tôi liền phát hiện ông Tướng quân đang đứng dưới cửa sổ, ông ấy cứ lẳng lặng đứng đó nhìn Ngô đại tiểu thư qua cửa sổ, dường như chỉ lát nữa thôi bà sẽ đi ra, lại dường như ông đã đứng đó đợi rất nhiều rất nhiều năm rồi.
Tôi chầm chậm tiến lại gần, ông Tướng quân vẫn đứng bất động, hoàn toàn không phát hiện có người đến, tôi cũng không thể ở lại quá lâu, đành nhẹ nhàng gọi ông: “Ông Tướng quân.”
Thân hình ông khẽ run lên, giống người đang phiêu du trong mộng đột ngột quay lại nhân gian, lúc sau mới quay đầu nhìn tôi.
“Kiều Kiều, muộn thế này sao cháu còn đến đây?”
“Cháu…cháu đến trả đồ cho Ngô đại tiểu thư.” Tôi lí nhí đáp.
“Đồ gì thế?”
“Là…bảo bối của bà.” Tôi xòe tay, đưa chiếc trâm hoa đến trước mặt ông Tướng quân.
Những viên đá đỏ rực bóng loáng như được tráng thêm một lớp tinh hoa, càng thêm lấp lánh, tôi thậm chó có cảm giác nó còn phát sáng, hắt lên quần áo, đầu óc tôi khiến chúng cũng vằn vện ngũ sắc. Ông Tướng quân nhìn vật đó, bất giác khẽ run lên, ông thận trọng đón lấy, “Bà ấy tặng cho cháu à?”
“Không ạ.” Tôi ngượng ngùng nói, “Là cháu lấy trộm ạ, chiếc trâm này thật sự quá đẹp. Ngô đại tiểu thư rất thích cây trâm này, những lúc nhìn nó mắt bà còn long lanh nước. Vì vậy cháu nghĩ cháu nên trả lại cho bà.”
Ông Tướng quân vui mừng, “Bà ấy thích à, thế thì tốt. Năm xưa ta tặng cho bà ấy, chưa kịp hỏi bà ấy có thích không đã phải đi, ta tưởng bà ấy đã sớm vứt nó từ lâu rồi chứ.”
Tôi ngẩn người nhìn ông Tướng quân, ông rất khác thường, mặt đỏ rực.
“Kiều Kiều, cháu về đi. Ta sẽ giúp cháu trả lại bà ấy.” Ông Tướng quân cầm chặt chiếc trâm hoa trên tay nói.
“Dạ!” Tôi vội vàng gật gật đầu, tản đá đè nặng trong lòng như được cất xuống, thoải mái hơn rất nhiều.
Tôi đi về, lúc sắp ra đến cổng, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng thì thầm to nhỏ nên vô thức quay đầu lại. Đôi bóng người dưới ánh trăng màu trắng bạc, tôi rõ ràng nhìn thấy hai người ấy, ông Tướng quân như trẻ lại rất nhiều, thân mặc quân phục, phong thái anh tuấn, trong tay cầm chiếc trâm hoa. Đứng đối diện với ông Tướng quân, là Ngô đại tiểu thư với dáng người yêu kiều, khoát áo màu nguyệt quế, chân váy xòe màu tím, bầ thắt hai bím tóc, vừa cúi đầu nghịch đuôi tóc vừa chậm rãi đón lấy chiếc trâm hoa. Bà không nói mình thích, cũng không nói là không thích.
Tôi chớp chớp mắt, họ liền cùng biến mất.
Hôm đó tôi chạy như điên về nhà, nghe nói trốn ra ngoài không lâu thì bố mẹ đi tìm tôi khắp nơi. Nhưng những chuyện ấy tôi đều không nhớ nữa, tôi chỉ nhớ mình nhìn thấy Tần Xuyên ở cổng khu, sau đó thì ngất lịm.
Tần Xuyên hét lên gọi tôi: “Kiều Kiều!”
Cậu ấy lại chơi với tôi.
Tôi sốt suốt ba ngày liền, mê sảng nói linh tinh.
Người lớn bảo mắt trẻ con sạch, chắc chắn tôi đã nhìn thấy thứ không nên nhìn. Có lẽ sợ làm tôi hoảng, nên họ giấu chuyện ông Tướng quân qua đời, phải hơn một tuần sau mới cho tôi biết.
Ông Tướng quân mất ngay tối hôm đó vì bị nhồi máu cơ tim, ở trong viện tử của Ngô đại tiểu thư, sáng sớm hôm sau khi được phát hiện, người ông đã cứng lại, nhưng nghe nói trên mặt ông vẫn lưu lại nụ cười. Ông nắm chặt chiếc trâm hoa trong tay, cả mấy thanh niên cũng không thể cạy được những ngón tay của ông ra, đành phải để mặc cho ông cầm vậy.
Có câu nói rằng: “Ta và nàng thề hẹn trăm năm, nếu ai ra đi vào năm chín mươi bảy tuổi, nhất định phải đứng trên cầu đợi thêm ba năm nữa.”
Ông Tướng quân và Ngô đại tiểu thư phải đợi nhau quá lâu rồi, lần này, cuối cùng cũng không cần đợi nữa.
Anh Tiểu Thuyền không tin vào quỷ thần, anh bảo chắc hôm ấy tôi đã nhìn thấy ảo ảnh dưới ánh trăng mà thôi. Là do buổi chiều bị trúng gió khi đứng trong viện tử Ngô đại tiểu thư đã bị sốt nhưng không phát hiện ra, buổi tối lại chạy ra ngoài nên mới ốm nặng hơn. Chị Tần Thiến cũng không tin, chị ấy thậm chí không tin chuyện chiếc trâm hoa, bởi chị ấy bảo, nếu có thật kiểu gì tôi chẳng tới khoe với chị ấy. Duy nhất Tần Xuyên tin tôi, cậu ta bảo thực ra đó là câu chuyện số mệnh mà Ngô đại tiểu thư từng nói, cây trâm hoa đó vốn là của ông Tướng quân tặng bà, bị tôi lấy trộm rồi lại mang trả, coi như vật quay về với chủ cũ.
Mặc dù tôi thấy những lời Tần Xuyên nói rất hợp với ý mình, nhưng tôi muốn tin lời anh Tiểu Thuyền hơn, chuyện sống chết đại sự, chúng tôi tranh cãi ồn ào, rồi cũng như thế qua đi.
Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, bà Tần gọi mấy đứa chúng tôi đến giúp bà gấp vàng đĩnh bằng giấy. Mỗi năm đến tết Thanh Minh, rằm tháng Bảy, hay mùng 1 tháng 10 đốt quần áo rét, bà Tần đều làm tiền vàng giấy và vàng đĩnh bằng giấy đem ra phố bán. Bà là người có đầu óc làm ăn, mỗi lần mở hàng bán cái gì đều nhắm rất đúng thời cơ và kiếm được món hời không nhỏ. Sau lưng, bà nội tôi vẫn coi thường bà Tần, nói chỉ những người hạ tiện bần hàn mới làm việc ấy, còn bảo bà Tần mãi kiếm chắc tiền từ người chết, không đốt tiền vàng cho chồng mình đúng ngày. Nhưng bà Tần lại chẳng quan trọng mấy chuyện đó, và cũng không bận tâm tới mấy thứ quy tắc lễ nghi của bà nội tôi, bà Tần thường bảo: “Bà nội cháu được học hành, nên có những thứ khá cố chấp bảo thủ, cháu tưởng người chết dưới chín tấc đất rồi còn đợi được đốt tiền để tiêu cho vui vẻ ư? Họ thấy người sống có tiền tiêu họ mới vui vẻ.”
Tôi không tham gia vào việc tranh cãi của hai người già, nhưng mỗi lần bà Tần đưa chúng tôi đi bán vàng mã, đều sẽ mua kem túi cho chúng tôi ăn, vì vậy chỉ cần bà gọi, tôi sẽ lập tức đi cùng bà.
Những chủ cửa hàng tạp hóa xung quanh ngõ Đăng Hoa chúng tôi đều rất tốt với bà Tần. Bởi bà Tần vốn là người có thâm niên bán hàng lâu đời nhất, từ khi chú Kiến Quân còn nhỏ bà đã bày sạp bán hàng để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Không chỉ vàng mã, bà còn bán đế giày, đá mài dao, thậm chí những thứ nhỏ nhặt như kim chỉ bà đều bán cả. Bán đồ kiếm tiền là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời này của bà. Mấy năm nay chí Kiến Quân làm ăn ở Quảng Đông, những bánh xà phòng Lux chú gửi về cho bà cũng bị bà mang đi bán cả. Hơn nữa bà Tần còn rất lợi hại, ăn to nói lớn, làm ăn buôn bán coi trọng địa bàn nên khó tránh thỉnh thoảng xảy râ tranh chấp xô xát, nếu có cãi cọ bà sẽ đứng ra phân giải. Mọi người đều biết bà là người vùng này, tục ngữ có câu “rồng mạnh không thắng được rắn địa phương”, vì vậy tất cả đều nghe bà Tần.
Quầy hàng của chúng tôi bày ngay bên cạnh hàng hoa quả, bà Tần vừa đến đã sang sảng cất tiếng:
“Tiểu Chu Tử, đứng dậy đứng dậy, dịch sang bên kia một chút để bà lấy chỗ ngồi!”
Tiểu Chu Tử vội vàng vâng vâng dạ dạ đẩy xe hàng dịch sang bên cạnh, bà Tần lom khom đi đến, bóp bóp quả ngân hạnh trên xe của anh ta, “Ai da! Chín nhũn hết cả rồi! Tối nay mà không bán được thì hỏng mất thôi, mau xếp những quả còn cứng xuống dưới, chỗ quả mềm để lên trên, bán rẻ đi cho nhanh hết! Ha ha, ngọt thật đấy!”
Bầ Tần vừa nói vừa vốc cho chúng tôi một vốc quả ngân hạnh, Tiểu Chu Tử làm theo lời bà Tần, xếp lại xe hàng, không lâu sau một bà dì đi xe đạp tới mua cho một túi.
Bà Tần đắc ý cười bảo: “Thấy chưa? Làm ăn phải biết cách mới được. Kiều Kiều, ta không giống với bà nội cháu, ta không dùng kiến thức sách vở để phân cao thấp mà dùng cách thức thông thường để tung hoành thiên hạ!”
“Nhưng bà nội cháu bảo, phải đọc nhiều sách mới được!”
Tôi có chút mơ hồ, bà Tần xoa xoa đầu tôi hỏi: “Bà cháu biết nhiều chữ thế làm mì sợi có ngon hơn bà không?”
“Không ạ!” Điều này thì tôi có thể khẳng định, mì sợi nhà bà Tần luôn ngon nhất khu.
“Xì! Thế chẳng phải rõ rồi hay sao.” Bà Tần bật cười.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, chị Tần Thiến đã gấp xong mấy đỉnh vàng giấy rồi. chị ấy khéo tay, gấp lại nhanh, cả tôi và Tần Xuyên cộng lại cũng làm không bằng chị ấy. Tôi gấp vội gấp vàng, nhưng bỗng nhiên tôi nhìn thấy chị Tần Thiến lén nhét một đỉnh vàng giấy vào trong túi áo nhân lúc bà nội chị ấy không để ý. Tôi trợn tròn mắt nhìn chị Tần Thiến, chị ấy đưa tay lên miệng “suỵt” một tiếng ý bảo tôi yên lặng. Anh Tiểu Thuyền ngồi bên cạnh chị ấy nhìn tôi nháy nháy mắt, vậy là tôi đành vờ như không biết.
Trời sắp tối, bà Tần đuổi chúng tôi về nhà. Đi khỏi tầm mắt bà, tôi bèn chặn anh Tiểu Thuyền lại chất vấn: “Anh Tiểu Thuyền, hai người làm gì mà lại lén lút lấy trộm đĩnh vàng giấy thế?”
“Buổi tối mang đi đốt cho Ngô đại tiểu thư và ông Tướng quân mà! Bà nội chị ngay cả một tờ giấy bỏ đi cũng nghĩ mọi cách để làm sao bán được tiền, nên mới phải lén lút lấy trộm của bà.” Chị Tần Thiến cười cười vỗ vỗ vào túi, “Mình lấy được mười cái!”
“Em lấy được nhiều lắm!” Tần Xuyên nhét đầy hai túi quần.
“Sao mọi người không cho em biết?” Tôi ũ rũ.
“Cậu vụng về như thế, không chừng lại làm lộ chuyện cũng nên!” Tần Xuyên chế nhạo tôi.
Hai chúng tôi lại bắt đầu chí chóe cãi vã, anh Tiểu Thuyền phải kéo tách hai đứa ra, “Được rồi được rồi, hai đứa râ đầu ngõ đợi đi, anh về lấy bình nước và chậu!”
Lúc anh Tiểu Thuyền cầm đồ quay lại chúng tôi đã bày xong mọi thứ dưới gốc hòe.
Đốt vàng mã ở Bắc Kinh, phải đốt ở ngã tư đường, nơi bốn phương tám hướng dễ dàng mời gọi linh hồn đến. Chúng tôi bắt chước người lớn, dùng nước vẽ một vòng tròn dưới đất, “cửa” vòng tròn mở về hướng Tây, đây là cửa để người chết về lấy tiền. Tiền vàng mã để trong chậu đồng, chậu đồng đặt trong vòng tròn đó. Mấy đứa chúng tôi chỉ có anh Tiểu Thuyền là dám quẹt diêm, anh châm lửa, ném vào chậu đồng, đồ bằng giấy dễ bắt lửa, chẳng mấy chốc đã cháy bùng bùng.
Nhìn ngọn lửa phừng phừng, nghĩ đến Ngô đại tiểu thư và ông Tướng quân không còn trên đời này nữa, chúng tôi đều buồn bã.
Chị Tần Thiến cầm que gẩy gẩy vàng mã trong chậu, nghẹn ngào: “Mọi người nói xem Ngô đại tiểu thư còn hận ông Tướng quân không?”
“Không hận nữa, các em không nhớ bà cứ bảo là muốn muối lá hương xuân cho bọn mình ăn à? Muốn hái lá hương xuân phải sang nhà ông Tướng quân mượn thang, lòng bà đã tha thứ rồi, bà muốn chúng ta sang mượn thang thay bà!” Anh Tiểu Thuyền nói.
“Ừm!” Tôi gật mạnh đầu, mặc dù khi đó tôi không hiểu yêu và hận, nhưng nhớ lại bóng người vào đêm trăng hôm ấy, không hề thấy cảm giác u uất oán hận, giữa hai người bọn họ chỉ toàn yêu thương tốt đẹp
“Nửa đời sau của họ không nói với nhau một câu, chắc chắn có rất nhiều chuyện cần nói! Cả hai vừa tâm sự, vừa uống canh Mạnh Bà, qua cầu Nại Hà, cũng rất tuyệt!” Tần Xuyên nghịch ngợm bảo.
Tôi trừng mắt lườm cậu ta, vừa khéo khi ấy có tàn lửa bay về phía cậu tâ, cậu ta sợ quá ngồi bệt xuống bất, khiến bọn tôi được trận cười vỡ bụng.
Tiền vàng trong chậu đã cháy hết, một cơn gió cuốn qua, tro liền bay khắp không trung. Câu chuyện của Ngô đại tiểu thư và ông Tướng quân, cuối cùng cũng biến thành một làn khói mỏng trong thành phố Bắc Kinh này, nhẹ nhàng bay đi.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì, bắt đầu từ mùa thu năm đó, trên bức tường cũ kỹ trong con ngõ của chúng tôi bị viết một từ “Phá dỡ” rất lớn.
Đăng Hoa là con ngõ có từ thời Minh, kế hoạch cải tạo những khu dân cư cũ của thành phố vừa được khởi động, do ngõ Đăng Hoa có quá nhiều các căn nhà nằm trong tình trạng “nguy hiểm” nên được đưa vào diện phá dỡ cải tạo mới.
Ban đầu bọn tôi còn thấy thú vị, nhưng dần dần bạn bè trong ngõ người thì chuyển đi, người lại chuyển trường, bình thường tan học chúng tôi thường xếp hàng rồng rắn kéo nhau đi về nhà, nay hàng ngũ ấy thiếu đi không ít bạn. Viện tử của Ngô đại tiểu thư nơi chúng tôi hay lui tới chơi cũng bị tháo dỡ rồi, cây hải đường bị chặt, dàn nho bị phá, bà đá và ghế mây đều biến mất.
Tiếp theo đó là đến nhà ông Tướng quân, chiếc thang bị những người đến dỡ nhà mang đi, chum đựng nước chuyên dùng để tưới hoa cũng bị đập vỡ thành nhiều mảnh lăn lóc dưới đất, những bức tường quanh nhà bị kéo đổ, họ đã mang gạch đi chỉ còn lại sàn nhà mà chúng tôi đã khá quen thuộc. Chúng tôi từng đến đó chơi, mỗi đứa đứng ở một góc phòng chơi trò dạy học. Giữa tiết trời thu se se lạnh, những âm thanh dõng dạc như “báo cáo”, “mời vào” vang vọng giữa bầu trời Bắc Kinh, lá rơi, rơi đầy một vùng hồi ức.
Tiếp theo đó nhà anh Tân Nguyên cũng chuyển đi, tôi vẫn chưa hiểu vì sao, đi theo anh Tiểu Thuyền đến nhà từ biệt họ. Anh Tân Nguyên mua cho bốn đứa chúng tôi mỗi đứa một que kem, chúng tôi ngồi trên giường sắt của anh ấy, vừa ăn vừa nhìn anh Tân Nguyên thu dọn đồ đạc.
Tần Xuyên tay chân bứt rứt, cứ cần đồ của anh Tân Nguyên lật qua lật lại, ngó ngó nhìn nhìn, với tay lấy một xấp mảnh nhựa màu đen đặt ở đầu giường lên, hỏi: “Anh Tân Nguyên, đây là cái gì?”
“Là đĩa cứng.”
“Đĩa cứng là gì?” Tần Xuyên vẫn không hiểu.
“Là đồ dùng để lưu dữ liệu trong máy tính.”
“Lưu thế nào?” Anh Tiểu Thuyền cũng tò mò.
“Tức là những số liệu trong máy tính vào đây.”
“Copy là gì ạ?” Chị Tần Thiến bỗng hỏi tiếp.
Anh Tân Nguyên cười cười, đáp: “Chính là sao chép đó. Sao chép dữ liệu trong máy tính vào đây.”
“Nó chứa nổi không?” Tôi kịn ngạc nhìn chiếc đĩa.
“Đương nhiên. Nó có thể lưu rất nhiều dữ liệu.”
“Nó thật lợi hại!” Tôi cảm thán.
“Nó chỉ là công cụ lưu trữ, không lợi hại bằng cái máy tính.” Anh Tân Nguyên chỉ ra chiếc máy tính ở đằng sau mình.
“Máy tính lợi hại thế nào ạ? Nó có thể tính toán không?”
“Không chỉ tính toán, máy tính còn viết được các phần mềm, qua những phần mềm này chúng ta có thể truyền tải tin tức, tài liệu, tranh ảnh, sau này thậm chí là âm thanh, hình ảnh động… tất cả những thứ đó đều có thể gửi qua máy tính nếu nó được kết nối Internet. Thậm chí những người đang ở bên Mĩ cũng có thể liên hệ với chúng tôi được. Tuyệt không? Nói cho bọn em biết, sớm muộn gì cũng có ngày, máy tính sẽ thay đổi thế giới.”
Khi anh Tân Nguyên nói những điều này, mắt anh sáng lấp lánh, còn chúng tôi mắt to nhìn mắt bé, chẳng ai hiểu máy tính rốt cuộc để làm gì, chỉ cảm thấy những chiếc đĩa cứng màu đen và cái máy tính trông giống ti vi kia rất thần bí, kết nối với thế giới mà chúng tôi vốn không thể tưởng tượng ra. Và chúng tôi cũng không biết rằng, đúng như những gì anh Tân Nguyên nói khi ấy, anh đã dùng máy tính để thay đổi thế giới của mình.