Buổi chiều, Long Vịnh Thanh đến nhà bà đỡ, cô biết bà từng bó chân, bàn chân đã bị dị dạng, mua giày rất khó, cô đặc biệt chạy đến tiệm giày Bắc
Kinh Xưa, nơi chuyên bán giày vải đặt may hai đôi mang về. Trên nền gấm
màu đen thêu hai bông hoa lựu nhỏ xinh. Hoa lựu là loại hoa bà đỡ thích
nhất, cô luôn nhớ hình ảnh bà chỉ tay vào cây hoa lựu ở cổng thôn nói
với cô: Cháu xem cây hoa lựu đó nở hoa đẹp chưa, màu đỏ rực may mắn, khi hoa tàn, những quá lựu nhỏ sẽ từ từ lớn dần lên, Vịnh Thanh này, cháu
có biết ở thời bà điều này tượng trưng cho cái gì không? Nó tượng trưng
cho “con đàn cháu đống” đấy cháu à.
Khi Long Vịnh Thanh mang hai
đôi giày vải đến nhà bà, nhìn thấy bà đang chơi với bọn trẻ ở cổng. Ba
năm không gặp, tóc của bà đã bạc gần hết, những sợi tóc bạc trắng như
cước được chải gọn gàng, bới lên đằng sau đầu, rồi dùng một chiếc trâm
bằng đồng sáng loáng cài vào búi tóc. Bà mặc một chiếc áo ngắn tối màu
được may theo kiểu thời xưa, nút áo hình bông hoa được kết từ sợi chỉ,
chiếc quần màu đen đã bạc màu gần hết, bà khom lưng ngồi trên chiếc ghế
nhỏ tỉ mẩn bóc lạc, bóc được hạt nào liền cho vào miệng của em bé ngồi
bên cạnh hạt nấy, mấy bé gái xung quanh còn nằng nặc đòi bà kể chuyện.
Thế là bà vừa bóc lạc, vừa chậm rãi kể một câu chuyện cũ rích, cô đứng
phía sau chăm chú lắng nghe đến khi kết thúc câu chuyện, vừa nghe vừa
nhớ đến những chuyện ngày xưa, cô nhớ đến ngẩn cả người, khi bà đỡ ngẩng đầu lên nhìn mà cô còn không phát hiện ra.
“Vịnh Thanh, là Vịnh
Thanh con gái nhà ông Long có phải không?” Bà đỡ cầm lấy gậy; run run
đứng dậy, “Con bé Vịnh Thanh này, cháu về rồi đấy ư? Cháu về thăm bà
sao?”
Long Vịnh Thanh nghe thấy giọng nói già nua này, chỉ cảm
thấy sống mũi cay cay, suýt nữa thì bật khóc, cô vội vàng hít thở sâu,
bước lên phía trước rồi ra sức gật đầu; “Dạ, cháu là Vịnh Thanh, bà ơi,
cháu về rồi đây.”
“Con bé này, từ nhỏ đã ương bướng, bước ra khỏi nhà là đi thẳng một mạch, không thèm về luôn, nhà cao cửa rộng gì nữa
cũng không bằng nhà cũ của mình đâu cháu, sao cháu lại có thể không về
thăm nhà được chứ?” Bà đỡ giơ tay ra, vỗ nhẹ vào mu bàn tay của Long
Vịnh Thanh nhắc nhở cô.
Tay của bà đỡ rất gầy, giống như một khúc gỗ mục khô, nhẹ nhàng bóp tay cô làm cô bị đau, cũng giống như bóp vào
trái tim cô vậy. Khoé mắt cô đỏ lên, vội vàng quay đầu nhìn sang nơi
khác.
Lúc này bà đỡ nhìn thấy Quan Vi Trần đứng bên cạnh cô, mở
to đôi mắt đục ngầu lên hỏi: “Đây là anh con trai cả nhà ông Triệu phải
không? Lớn thế này rồi cơ à? Nào, vào đây bà xem nào, ở bên ngoài cháu
không bắt nạt Vịnh Thanh đấy chứ, đừng quên hồi nhỏ đã hứa cái gì với bà đấy.”
Quan Vi Trần bị gọi nhầm tên, hơi mắc cỡ, vội vàng xua
tay, cười nói: “Bà ơi, bà nhầm rồi, cháu là Quan Quan, bà còn nhớ Quan
Quan không?”
“Rõ ràng là con trai cả nhà ông Triệu mà, bà làm sao nhớ nhầm được?” Bà đỡ rất tự tin với trí nhớ của mình, không thèm để ý
đến lời giải thích của Quan Vi Trần, một bên cầm tay Vi Trần, một bên
cầm tay Long Vịnh Thanh, móc gậy vào cổ tay, run run đi vào nhà, “Nào
nào nào, vào bên trong ngồi đi, lâu rồi không gặp các cháu, phải ở đây
nói chuyện với bà một lúc nhé.”
Long Vịnh Thanh và Quan Vi Trần
đành phải theo bà bước vào khu vườn cổ kính kia. Khu vườn đó vẫn giữ
dáng vẻ như trong ký ức, gạch xanh ngói trắng, bờ tường được xây bằng
đá, giống như một bức tranh lâu năm, dần dần hiện lên trước mắt người
xem. Trong khu vườn đã được lát đá này, mặc dù không được bằng phẳng lắm nhưng cũng rất sạch sẽ. Ở góc vườn đằng kia có một cây lựu rất lớn, cây lựu đã héo khô, chỉ tròn trơ lại cành, dưới gốc cây có một bộ bàn ghế
bằng đá.
Mọi người ngồi ở bộ bàn ghế đá đó, Long Vịnh Thanh đưa
đôi giày vải cho bà, bà đỡ cầm giày đưa tới sát mắt, tỉ mẩn mân mê, vừa
sờ vừa cười, cười mãi không thôi, đôi mắt đục ngầu lại nhòe nước, “Đẹp
quá, lúc bà và ông kết hôn, ông cũng tặng bà một đôi y đúc như vậy. Ngày đó nhà rất nghèo, phải chuẩn bị nhiều quần áo mới, ông không có sính
lễ, bà cũng chẳng có của hồi môn, mà đi một đôi giày vải thêu hoa, đầu
đội khăn đỏ về làm dâu nhà ông đó.”
“Ông Cát hồi đó chắc đẹp trai lắm.” Long Vịnh Thanh nhìn bà đỡ cười, mắt đỏ hoe.
Ông Cát là chồng của bà đỡ, ngày cô còn nhỏ đã thường nghe bà nhắc đến ông, cô chưa gặp bao giờ, bởi vì ông ấy mất trước khi cô chào đời. Nghe nói
lúc đó ông Cát làm thuê cho một mỏ than tư nhân, hầm than bị sập, chôn
cả ông Cát trong đó, không tìm thấy xác. Sau khi ông Cát mất, bà đỡ vừa
khóc vừa đào mỏ than, đào ba ngày ba đêm cũng không tìm thấy, từ lúc đó
tóc bà cứ bạc dần. Cũng từ ngày ấy, cây lựu trong vườn cứ ngày một khô
héo đi, mấy chục năm rồi, không hề đâm chồi nảy lộc. Ngày xưa mỗi lần
nhắc đến ông Cát, bà đỡ liền ngẩng đầu lên nhìn cây lựu khô, lẩm bẩm,
“Ông ấy ở trên cây lựu đó, không chịu đi đâu cả, ông đang chờ bà để cùng đi đầu thai.”
Hồi nhỏ không hiểu chuyện, cô thường ngồi dưới gốc cây lựu xưa, hiếu kì hỏi: “Bà ơi, sao bà biết ông Cát đang chờ bà ở đó? Cháu nghe thầy giáo nói, chết là hết, không có đầu thai gì cả, như vậy
là không khoa học.”
Mỗi lần nói đến đây, bà đỡ liền trừng mắt
nhìn cô, “Thầy giáo cháu thì biết gì mà nói? Bà nói ông ở đây là ông cứ ở đây. Ngày hôm rước bà về làm dâu nhà này, bà hỏi ông, nếu như một trong hai người chết trước, thì đến cầu Nại Hà chờ, chờ người kia đến rồi
cùng ăn canh Mạnh Bà*. Ông nói, không được, phải đợi ở nhà, một người đi thì cô đơn quá. Cho nên, ông ấy vẫn ở đây, đang đợi bà ở gốc cây lựu.
Nếu không, cháu nói xem, cớ gì mà cây lựu cứ héo quắt lại, nhiều năm như vậy rồi mà không hề đâm chồi nảy lộc?” [* Cầu Nại Hà, canh Mạnh Bà: Theo sách Phật, cầu Nại Hà ở phía Đông của
Diêm Vương Thập Điện (tức mười tầng Địa Ngục). Các linh hồn có tội sẽ bị quỷ sứ điệu đi chịu hình ở các cửa ngục, sau khi đi chịu hình phạt ở
các cửa ngục trước, sẽ đưa đến điện Diêm Vương thứ 10, nơi cai quản việc chuyển kiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà bắc qua sông Vong
Xuyên hình cầu vồng, rất trơn. Ven sông Vong Xuyên, có một tảng đá, gọi
là Tam Sinh Thạch. Những kẻ giết người, gian ác phải leo qua cầu, dưới
sông đầy thuồng luồng, cá sấu; hai đầu cầu lại có bầy chó ngao sẵn sàng
cắn xé. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua
Vong Đài (đài quên), uống canh Quên Lãng của Mạnh Bà để quên hết chuyện
kiếp trước. Canh Mạnh Bà khiến người quên đi hết thảy những ân oán của
kiếp này; Tam Sinh Thạch ghi lại kiếp trước kiếp này của con người.]
Long Vịnh Thanh quả thật không nói được nguyên nhân vì sao.
Nhưng, những truyền thuyết cổ xưa, những lời hứa xưa cũ đó, giống như cơn mưa
phùn mùa xuân sau mỗi buổi chiều, rả rích đan vào nhau, đau khổ triền
miên, cứ vương vấn trong tim cô từ đầu đến cuối. Khoảng thời gian rất
dài sau đó, cô thường xuyên nằm sấp trước khe hở của cánh cửa nhìn trộm
bà đỡ, nhìn bà ngẩng đầu ngắm gốc cây khô héo đó, ánh mắt xa xăm, sau đó âm thầm khóc, làm cô cũng cảm thấy buồn, từ đó cô chắc chắn rằng, ông
Cát vẫn quả thật vẫn còn đó, ông ngồi trên cây lựu khô đó chờ bà, hai
ông bà cùng ngắm nhìn nhau, lặng lẽ bầu bạn với bà vào những buổi chiều
nặng nề đó.
Có những việc đau khổ và buồn bã, có những người đã
tồn tại rồi ra đi, có người lựa chọn quên đi, nhưng có người lại không
bao giờ quên được, cho dù đã bao năm tháng trôi qua vẫn cố chấp sống ở
nơi đó, biến chúng thành tín ngưỡng của mình.
Khu vườn này, gốc
cây lựu khô héo này chính là tất cả cuộc đời của bà đỡ, là lời hứa của
bà và ông Cát, là thứ bà đã cố gìn giữ suốt nửa cuộc đời, không ai có
quyền cướp đi cả.
Cho nên Long Vịnh Thanh và Quan Vi Trần ngồi đó suốt cả buổi, cũng không dám khuyên bà ký vào hợp đồng đền bù giải tỏa.
Có lẽ vì nhớ đến quá nhiều chuyện của quá khứ, bước ra khỏi nhà của bà đỡ, người của Long Vịnh Thanh vẫn đang còn run lên. Quan Vi Trần đi bên
cạnh, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô. Cô quay đầu qua, không thèm để ý gì nữa, khóc ngon lành, giọng nói run run hỏi Vi Trần: “Quan Quan, nhất định
phải di dời thôn Long Sơn sao? Quan Quan, em nhất định phải đập phá tất
cả mọi thứ ở đây sao? Em cũng thấy rồi đó, nơi đây có tín ngưỡng của bà
đỡ, cả đời của bà ấy đều ở nơi đây.”
Quan Vi Trần nắm lấy lòng
bàn tay cô, càng nắm càng chặt, nụ cười ẩn giấu sau lớp bụi bặm, cả
người giống như phủ lên một lớp sương giá. Anh hỏi vặn lại: “Chị không
nỡ từ bỏ tín ngưỡng của bà đỡ, hay là của chính chị? Chị nói đi, Long
Vịnh Thanh, rốt cuộc anh ấy tốt đến mức nào, mà có thể làm cho chị nhớ
mãi không quên như vậy?”
Anh ấy tốt đến mức nào?
“Bây giờ
chị vô dụng như thế nào, thì anh ấy tốt như thế ấy.” Long Vịnh Thanh
giằng ra khỏi tay Vi Trần, lấy hết sức xô anh một cái, gần như là hét
lên: “Dù sao chị cũng không đồng ý di dời thôn Long Sơn, tuyệt đối không đồng ý. Bây giờ chị gọi đến công ty xin nghỉ việc, sau đó ngồi chờ ở
nhà, làm cái đinh khó nhổ như bà đỡ, không cho ai nhổ lên cả.”
Hét xong bỏ lại Quan Vi Trần đứng trơ trọi một mình, còn mình chạy về một hướng khác.
4.
Hôm đó, Long Vịnh Thanh ngồi một mình sau núi mấy tiếng hồ liền. Khi Quan
Vi Trần và mẹ Long chạy qua tìm, cô đã bị muỗi đốt đầy người, ngồi một
mình khóc ngon lành, ai nói cũng không thèm để ý. Không còn cách nào, mẹ Long đành phải gọi điện cho ba Long, bảo ông về sớm một chút.
Khi tiếng xe máy ầm ầm của ba Long vọng đến tai của Long Vịnh Thanh, cô mới giống như sống lại, khóc rồi ôm chầm lấy ba Long, “Ba, ba, con không
muốn thôn Long Sơn bị tháo dỡ, không ai được động vào cây ngân hạnh của
con, không ai được động vào cá.”
Đứa con gái đã ba năm không gặp, vừa gặp đã nháy vào lòng khóc ngon lành, lúc đó ba Long cũng không biết làm thế nào, chỉ biết vỗ vào lưng con gái, nhẹ nhàng an ủi:
“Không ai được động vào, người nào dám động vào, ba sẽ đánh người đó.”
Khác với tính tình nóng nảy của mẹ Long, ba Long lại rất đằm tính, nổi tiếng cả thôn Long Sơn, cưng con cái, chiều vợ yêu, một dạo ba Long trở thành mẫu người đàn ông của các cô gái trong thôn khi tìm kiếm bạn đời. Ba
Long rất thương Long Vịnh Thanh, từ nhỏ đến lớn, ngoài lần Long Vịnh
Thanh trộm tiền đi mua kẹo bông, bị đánh hai cái vào miệng ra, ông chưa
hề đánh cô thêm lần nào nữa.
Mặc dù những lời an ủi của ba Long
từ trước đến nay chưa bao giờ thay đổi, nhưng Long Vịnh Thanh vẫn cảm
thấy được an ủi rất nhiều, thút thít níu lấy vạt áo của ba Long đi về
nhà.
Ngày hôm sau, Quan Vi Trần trở lại thành phố K, Long Vịnh
Thanh nằm ngủ ở nhà đúng một ngày, sau khi tỉnh dậy, tóc cũng không thèm buộc, mặt chẳng buồn rửa, giống bị thần kinh ngồi dưới gốc cây ngân
hạnh gọi điện thoại cho Lý Tịch, cô nói chuyện muốn nghỉ việc, cũng đã
thuật lại hết câu chuyện của bà đỡ và ông Cát. Lý Tịch ở phía đầu bên
kia điện thoại im lặng lắng nghe, sau đó thở ra một cái, nói: “Vịnh
Thanh, không phải mình muốn làm cậu mất hứng, cho dù cậu xin nghỉ việc,
cho dù có mười cô Long Vịnh Thanh xin nghỉ việc, cũng không ngăn cản
được việc thôn Long Sơn bị di dời. Được, mình nhường cậu một bước, ví dụ kì tích xuất hiện, địa điểm trồng hoa và cây cảnh của chúng ta đổi sang nơi khác, thôn Long Sơn cũng không tồn tại được mấy năm nữa đâu, cậu
nhìn xung quanh đi, cậu nhìn xung quanh thành phố K đi, kinh tế đang
phát triển, thị trường đang dần mở rộng, mỗi người đều đang tiến về phía trước, tại sao cậu cứ muốn giẫm chân tại chỗ? Em yêu à, tỉnh ngộ đi.”
Long Vịnh Thanh không muốn nghe Lý Tịch nói nữa. Từ lần đầu tiên quen biết
đến nay, đây là lần đầu tiên Long Vịnh Thanh không nói không rằng ngắt
điện thoại, sau đó tắt máy dựa đầu vào thân cây ngân hạnh thô ráp, chán
nản nghĩ đến những tâm sự trong lòng, sau đó mê man ngủ thiếp đi.
Trong giấc mơ, cô lại gặp tiểu quản gia của cô, ngồi trên cành cây cúi đầu
xuống nhìn cô ở dưới này, mỉm cười và giơ tay xoa xoa đầu cô, cô cũng
ngẩng đầu nhìn anh, nhưng không dám nói, cứ như vậy, hai người nhìn nhau mãi. Khi tỉnh lại, trên khuôn mặt cô đã ướt đẫm nước mắt, trên đầu còn
có mấy chiếc lá hình rẻ quạt vừa rụng xuống, cô lại ngẩng đầu nhìn lên
cây lần nữa, nhưng trên đó đã không còn ai nữa rồi.
Mấy ngày hôm
sau cô cứ vật vờ như vậy, về nhà để xứ lý việc công, nhưng lại đi làm
chuyện phá hỏng lợi ích của công ty, vậy mà Long Vịnh Thanh vẫn chẳng
thấy áy náy gì. Kỳ lạ một điều là, sếp Hồ lại không hề gọi điện hỏi thăm tình hình công việc, phía công ty, thậm chí bên công ty Phong Hoa cũng
không cử người đến nữa. Quan Vi Trần mấy hôm nay cũng biến mất tăm mất
tích, không có tin tức gì cả, giống như việc di dời thôn Long Sơn chỉ là một giấc mơ của cô. Bây giờ tỉnh lại, tất cả mọi việc đều trở lại trạng thái bình thường.
Nhìn thấy Long Vịnh Thanh suốt ngày cứ rầu rĩ
như vậy, ba mẹ Long mặc dù lo lắng, nhưng cũng không biết làm sao, chỉ
có thể thở dài mỗi khi không có cô mà thôi.
“Ba nó này, Vịnh
Thanh cứ như vậy mãi là không ổn, ông nghĩ cách giúp nó đi, để nó đi ra
ngoài chơi cũng được; hoặc quay về làm việc cũng được, tóm lại đừng để
nó nằm ngủ ở nhà từ sáng đến tối nữa.”
“Tôi thì có cách gì? Chà, tôi biết ngay thể nào khi nó về, nó cũng sẽ nhớ lại chuyện trước đây.”
“Ông nói xem sao con bé này nó bảo thủ như vậy chứ?”
“Vịnh Lục nói, nó ở ngoài kia yêu không biết bao nhiêu người.”
“Càng như vậy, càng làm cho chúng ta lo lắng.”
“Ừ...”
Kết thúc cuộc nói chuyện luôn kèm theo mấy tiếng thở dài, sau đó ai đi lo việc người nấy.
Long Vịnh Thanh ở nhà đến buổi chiều thứ năm, Vịnh Lục chuẩn bị trở về
trường, cô xin trường nghỉ phép một tuần, đương nhiên không phải về để
đón Long Vịnh Thanh về nhà, mà là, cô nghe nói ngôi nhà trống đằng sau
nhà cô, sắp tới sẽ có người đến thu dọn, sắp di dời rồi, có một số đồ
dùng cần mang theo hoặc vứt đi.
Ngôi nhà trống phía sau nhà cô
chính là nhà của Triệu Ngôn Từ. Bố của Triệu Ngôn Từ là đại diện kiệt
xuất của thôn Long Sơn mấy năm trước đã vào thành phố làm ăn, dựa vào kĩ thuật làm rượu tổ tông truyền lại, bước đầu là bán lẻ, sau đó là thành
lập công ty sản xuất rượu Triệu Thị. Ngày hôm nay của hai mươi năm sau,
Triệu Thị đã trở thành nhãn rượu trắng nổi tiếng khắp trong nước, đối
với ngành công nghiệp rượu trên thị trường quốc tế cũng chiếm một vị trí khá quan trọng. Nhà họ Triệu là đại diện của sự thành công, rất có danh vọng ở thôn Long Sơn, mấy năm trước, nhà họ Triệu đã mua được mấy căn
nhà trong thành phố, nhưng ông nội của Triệu Ngôn Từ yêu quê hương, sống chết cũng không dọn vào ở trong thành phố. Ba của Triệu Ngôn Từ là một
người con hiếu thảo, cho vợ và con cái ở lại đây, để tiện bề chăm sóc
cha già. Nhà trước nhà sau, hai gia đình nhà họ Long và họ Triệu vì thế
mà có quan hệ rất tốt, mẹ Long và mẹ Triệu mỗi khi rỗi rãi, thường ngồi
dưới gốc cây, nói chuyện trên trời dưới đất, con cái hai gia đình cũng
tự nhiên mà chơi với nhau. Cho đến khi Long Vịnh Thanh học lớp tám, ông
nội của gia đình nhà họ Triệu trở về với đất mẹ, mẹ Triệu mới dẫn con
cái vào ở trong thành phố. Ngôi nhà ở phía sau nhà cô cứ để không như
vậy.
Mặc dù nói là nhà cũ, nhưng xét cho cùng vẫn là nơi nhà họ
Triệu đã sống mười mấy năm, có rất nhiều thứ để hoài niệm. Lần này dọn
dẹp nhà, chắc chắn không phải chỉ cho một người giúp việc về, người đi
theo có thể là mẹ Triệu, hoặc là Triệu Ngôn Từ, Vịnh Lục cứ ở trong nhà
đợi suốt, cô hy vọng người đến sẽ là Triệu Ngôn Từ.
Đợi như thế
đến ngày thứ năm, cũng chẳng thấy ai đến ngôi nhà trống đằng sau đó cả,
phép của trường đã hết, Vịnh Lục đành phải quay về trường. Có thể thành ý của cô cảm động ông trời, khi cô vừa xách hành lý ra khỏi cổng nhà,
liền nhiền thấy một chiếc xe Mercedes Benz màu đen chạy từ cổng thôn
vào, xe chạy lắc lư rồi dừng lại trước cổng nhà gia đình họ Triệu, cô
vui mừng vứt hành lý vào nhà, chạy vội về ngôi nhà phía sau.
“Con không về trường nữa à?” Mẹ Long đang quét sân, nhìn thấy Vịnh Lục vừa
xách hành lý ra khỏi cổng liền vứt lại, bà hỏi với theo một tiếng.
Vịnh Lục tràn ngập niềm vui, chẳng thèm quay đầu lại, cất tiếng trả lời, “Về chậm một hai ngày cũng không sao ạ, con chạy ra phía sau cái đã.”
Đúng lúc này, Long Vịnh Thanh từ lầu hai đi xuống, nhìn thấy dáng vẻ mừng rỡ đó của Vịnh Lục, Long Vịnh Thanh không khỏi tò mò hỏi mẹ Long: “Mẹ,
Vịnh Lục đi làm gì mà vui dữ vậy?”
“Chắc là người của gia đình
nhà họ Triệu đến rồi.” Mẹ Long cúi đầu quét sân, tiếng nói lẫn vào tiếng chổi rào rào khi tiếp xúc với nền đất, nhìn có vẻ sốt ruột, “Có lẽ là
Triệu Ngôn Từ đến, Vịnh Thanh, con cũng ra sau đó xem sao.”
“Dạ.” Long Vịnh Thanh ậm ừ trả lời một tiếng, quay người lại đi lên lầu.
Quay trở về phòng, Long Vịnh Thanh luôn cảm thấy trong lòng bất an, lúc nãy
xuống dưới nhà, vốn định đi uống nước, ai ngờ nước còn chưa kịp uống đã
quay ngược lên đây, bây giờ khát chết đi được, cổ họng khô rát, luôn cảm thấy phía sau bức tường này, giống như có người đang đốt lửa, cô giống
như một con gà bị nhốt trong lò nướng, sắp bị nướng chín đến nơi rồi.
Tường nhà xây bằng gạch, bởi vì thời gian đã lâu, có một số chỗ xuất hiện
những khe nứt nhỏ, khỏi bàn đến tác dụng cách âm của nó nữa, cho nên cô
ngồi trên mép giường của mình, không cần phải dỏng tai lên, cũng có thể
nghe thấy động tĩnh ở phía sau.
“Anh Ngôn Từ về rồi ạ?”
Trước hết là giọng nói của Vịnh Lục, thanh âm ngọt ngào mang chút mừng vui,
làm Long Vịnh Thanh chút nữa là không nhận ra người đang nói đó là đứa
em sinh đôi của mình.
Tiếng theo là giọng nói của một chàng trai
trẻ, hình như vừa từ trên xe xuống, tiếng đóng cửa xe vang lên nhè nhẹ,
“Ừ, đến thu dọn đồ đạc, có một số thứ phải mang đi.”
“Để em giúp anh nhé, dù sao ở nhà cũng chẳng có việc gì để làm.”
“Vậy thì tốt.”
Tiếp theo là âm thanh nặng nề của tiếng mở cửa sắt, hai người đều bước vào
nhà, chẳng nói chẳng rằng, đến những âm thanh nhỏ nhất cũng không có.
Chẳng nghe thấy gì nữa cả, Long Vịnh Thanh bỗng cảm thấy sốt ruột hơn, đi tới đi lui trong phòng, chi bằng thay quần áo xuống dưới nhà, bước ra khỏi
cổng lại chần chừ không dám đi về phía sau, lòng vòng tại chỗ một lúc
lâu, rốt cuộc không hề bước về phía sau thêm được một bước nào.
Mấy tiếng đồng hồ sau, Vịnh Lục từ ngôi nhà phía sau quay trở về, nhìn thấy Long Vịnh Thanh đang ngẩn người ngồi dưới gốc cây ngân hạnh, lạnh lùng
liếc nhìn một cái, “Chị còn ngồi đây làm gì? Muốn gặp anh Ngôn Từ phải
không? Ngày xưa chị đã làm những gì? Ngày anh ấy ra tù chị cũng không đi đón, bây giờ em khuyên chị đừng đi nữa, anh Ngôn Từ hiện nay hận chị
muốn chết, chẳng muốn gặp chị chút nào.”
“Chị biết.” Long Vịnh Thanh cúi đầu ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nhìn chân mình không hề chớp mắt, giọng nói chán nản không vui.
“Biết rồi thì tốt.” Vịnh Lục hừ một tiếng, bước vào nhà.
Chẳng bao lâu sau, chiếc xe Mercedes Benz đó từ phía sau chạy ra, khi chạy
ngang qua nhà Long Vịnh Thanh, theo phản xạ có điều kiện cô ngẩng đầu
lên nhìn ra, ở ngay cánh cửa xe chưa kéo kính lên đó, nhìn thấy một
khuôn mặt vô cùng quen thuộc đối với cô.
Anh chín chắn hơn trước
đây nhiều, tóc cắt ngắn, khi nhìn nghiêng, các đường nét trên khuôn mặt
có vẻ hơi cứng, nhưng vẫn rất đẹp. Một phút giây khi lướt qua nhau,
không biết anh có nhìn thấy cô hay không, ngược lại tay chân của cô bắt
đầu không nghe lời, đợi đến khi cô ý thức lại được, đã thấy mình đang
vội chạy theo sau chiếc xe đó rồi.
Cô không hề gọi người trên xe, cứ âm thầm đuối theo, cũng không biết mình đuổi theo có phải vì muốn
nhìn thấy anh nhiều hơn một chút không, hay là bởi vì hổ thẹn mà không
dám kêu anh. Tóm lại, xe chạy chầm chậm, cô cứ thế đuổi theo đằng sau.
Có thể là nhìn thấy có người đuổi theo xe từ gương chiếu hậu, chiếc xe
chạy chậm hẳn, nhưng vẫn không dừng lại. Long Vịnh Thanh cứ thế đuổi
theo, đuổi cho đến hồ nước lớn ở trước cổng thôn, xe mới dừng lại, sau
đó cửa xe mở ra, có người bước xuống.
Ráng chiều đỏ rực phán
chiếu trên những bông sen tàn, người đó đứng trước mặt hồ gợn sóng lăn
tăn, ngũ quan tinh tế dưới mái tóc ngắn đều nằm trọn vào trong tầm mắt
cô. Nhìn thấy người đó, cô theo phản xạ có điều kiện muốn trốn tránh,
nhưng xung quanh đó không hề có chỗ nào có thể để cho cô trốn được. Cho
nên đành phải mặt dày, chào hỏi anh, “Ngôn Từ, anh về rồi à... Đã lâu
không gặp... Anh khỏe không?”
“Ở trong tù ba năm, cô thấy là khỏe hay không khỏe'?” Người đó có khuôn mặt dửng dưng mà lại cực kì sáng
sủa, giọng nói nhuộm trong ráng chiều đỏ rực, nghe có vẻ hơi tàn nhẫn.
Anh tiến lại gần cô mấy bước, giọng nói lạnh lẽo, “Mấy thứ này đều nhờ
cô cả đấy, đừng nói là cô quên hết rồi đấy nhé? Cô đã câu kết với người
anh em của tôi như thế nào? Phản bội tôi như thế nào hở?”
“Đương
nhiên... là vẫn nhớ.” Long Vịnh Thanh cúi đầu, hơi đứng không vững, khó
khăn nuốt nước bọt, lùi về sau mấy bước, “Em cũng không ngờ sự việc lại
xảy ra như vậy, em cũng không ngờ lại hại anh phải đi tù.”
“Mấy
việc đi tù gì gì đó, tất cả đều không quan trọng. Long Vịnh Thanh, quan
trọng là lúc đó mọi người đều biết cô là người yêu của Triệu Ngôn Từ
tôi, nhưng cô chưa từng yêu tôi...” Triệu Ngôn Từ lạnh lùng nhìn Long
Vịnh Thanh, không hề đoán được tâm trạng qua giọng nói, “Người mà cô yêu là anh trai tôi — Triệu Ngôn Thuyết đã chết kia. Cô qua lại với tôi, là vì tôi có một khuôn mặt giống như đúc anh ấy. Cho dù tôi có thảm như
thế nào đi chăng nữa, cũng không thế nào thảm hơn việc làm kẻ thay thế
cho người đã chết. Có điều, tôi cũng phải cảm ơn cô, ba năm trong tù làm tôi tỉnh táo hơn nhiều, anh trai tôi đã chết vì cô, tôi không thể để cô tiếp tục hủy hoại tôi nữa, cho nên từ nay về sau chúng ta không cần
phải gặp nhau nữa.”
Tiếng hét tức giận trên đỉnh đầu giống như
tiếng sấm rền, nặng nề giáng vào trái tim Long Vịnh Thanh. Cô chỉ cảm
thấy bức thành trì mà bấy lâu nay khó khăn lắm cô mới xây lên được, bị
tiếng sấm rền này làm nứt liền mấy vết, những vết nứt này cứ như điên
như dại lan dần ra trong trái tim cô. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó,
trên bức tường thành đã chi chít đầy vết nứt, sụp đổ ầm ầm ngay trong
chốc lát.
Cô bị tiếng sấm đó dọa đứng không vững, lùi về phía sau mấy bước, lại vướng phải cục đá bên cạnh hồ nước, té ngã xuống đất. Cô
lồm cồm chống người ngồi dậy, tay đè phải một cục đá, hình như có thứ gì đó nóng hổi chảy ra, nhưng cô không hề cảm thấy đau. Cô nhìn thấu vào
tâm can của cô, những thứ bị bức thành trì đó che khuất cũng dần dần
hiện ra...
Những việc mà cô đã từng quên, cũng dần dần trở nên rõ ràng, ví dụ như, khi chàng trai trẻ ngồi dưới gốc cây ngân hạnh trước
nhà cô đọc đoạn văn trong quyển “Người tình” đó, cô kéo Quan Quan đi,
Quan Quan kiên quyết lắc đầu, kéo vạt áo ra không chịu đi, “Em không đi
câu tôm hùm đâu, em muốn nghe anh Ngôn Từ kể chuyện.”
“Nghe kìa
nghe kìa, cẩn thận lại trở thành ông cụ non giống anh ấy đó.” Cô nhăn
mặt chu miệng làm mặt xấu với Quan Quan, liếc xéo cái người đang ngồi đó đọc tiểu thuyết một cái, quay người xách thùng nước bỏ đi.
Ký ức đến đoạn này đáng lẽ ra đã rất hoàn chỉnh rồi, nhưng nó lại không thật
hoàn chỉnh. Bởi vì lúc đó cô quên mất một việc rất quan trọng, cô quên
mất nhắc nhở Quan Quan, người đọc sách là Triệu Ngôn Thuyết, không phải
Triệu Ngôn Từ.
Người khác đều nói phong thủy mộ phần của tổ tiên
thôn Long Sơn rất tốt, nhân khẩu của thôn luôn đông đúc, có mấy nhà liền sinh đôi hoặc sinh đôi một trai một gái, ví dụ nhà họ Triệu là một cặp
sinh đôi bé trai, nhà họ Long là một cặp sinh đôi bé gái, nhà chú Lưu
Kiều nằm ở cuối thôn năm nay cũng có thêm cặp sinh đôi một trai một gái. Chỉ có điều hai chị em nhà họ Long nhìn hoàn toàn khác nhau, còn hai bé trai nhà họ Triệu, giống nhau từ nhỏ, người trong thôn mà có thể phân
biệt được hai anh em họ, e rằng chẳng có mấy người.
Nhưng chỉ có
Long Vịnh Thanh là giỏi nhất, chỉ cần nhìn đằng sau lưng cũng có thể
phân biệt được, cho nên cô thường xuyên nhắc nhở Quan Quan, mỗi năm chỉ
đến nhà cô hai lần vào dịp nghỉ hè và nghỉ đông rằng, “Đây là Ngôn
Thuyết, em nhìn cho kĩ nhé, Ngôn Từ sẽ không có kiên nhẫn ngồi đây đọc
sách. Nhìn kìa, cái người chổng mông trên núi bắt bò cạp kia mới là Ngôn Từ.”