Tuổi Thơ Dữ Dội

Chương 4: Chương 4: Phần Thứ Hai (2)




4

TỔ của Vịnh - sưa được đội trưởng chọn gửi về tham gia chiến đấu ở đại đội quyết tử trấn giữ khu vực cầu Kho Rèn.

Buồi đầu tiên đến nhận công tác, cả đại đội hầu như không một ai tin tưởng bốn chú bé “đầu chưa sạch cứt trâu” này lại có thể giúp ích được gì cho nhiệm vụ nặng nề mà đơn vị họ đang đảm nhiệm. Cấp trên đã giao xuống thì cũng phải miễn cưỡng mà nhận thôi.

Bởi vậy, hai ba hôm đầu, Ban chi huy chỉ giao cho bốn em những công việc vặt như chạy hên lạc về các trung đội đưa công văn thư từ lên Chỉ huy sở... Đêm đến, cho các em đi theo các tiểu đội yểm trợ “để làm quen dần với súng đạn“. Và mỗi lần thấy bốn em trở về, đại đội trưởng lại hỏi: “Có chú mô đái ra quần không đó?“.

Không thể nhịn thêm được nữa, Vịnh - sưa đã đứng nghiêm lại nói:

- Báo cáo đại đội trưởng, cái việc xấu xa đó chỉ có tụi Tây mới quen làm, chứ chúng em chưa khi mô biết đến.

Đại đội trưởng Nguyễn Thới trước Cách mạng là thợ rèn ở nhà máy xe lửa Huế. Dáng người thấp đậm, vạm vỡ, xù xì như một thỏi gang đúc. Tính ông nóng như lửa nên cả đại đội gọi ông là Thới Trương Phi. Lúc nghe Vịnh - sưa nói, ông hơi chững người lại nhìn em. ông không ngờ chú bé này lại đối đáp với mình bằng một giọng gay gắt đến thế. ông nheo một mắt lại như lúc bắn súng, nhìn Vịnh - sưa, rồi bất chợt phá lên cười ha hả. ông vỗ vai em một cái làm cho em gần sụn vai, nói:

- ăn nói như rứa mới gọi là biết ăn nói. Rứa thì được, tối nay tôi sẽ cho các chú đi chơi nhau với tụi Tây một trận, cho tụi hắn biết cái gan của con nít Huế mình.

Cả ngày hôm đó, các em rất hồi hộp, chỉ sợ đại đội trưởng quên mất lời hứa. Nhưng không, khoảng bốn giờ chiều, ông đi đến gian phòng ở của các em, gọi các em lên buồng làm việc của Ban chỉ huy. Và thật tai hại, ông bước vào phòng đúng lúc bốn em đang say sưa chọi dế. Các em hốt hoảng dúi vội những con dế cưng, dế nòi, dế cụ vào các xó xỉnh trong buồng. Các em lo lắm: chuyến ni răng cũng bị đại đội trưởng xạc cho một trận ra trò đây. Cũng có thể vì chuyện chọi dế mà ông không cho đi chiến đấu cũng nên. Vệ Quốc Quân mà còn chơi chọi dế, nhất định là khuyết điểm to rồi. Với cương vị tổ trưởng, Vịnh - sưa lo lắng hơn cả. Em đâm cáu với Mừng: Chỉ tại hắn đầu têu hết! Hắn bày đặt ra cái trò chơi chọi dế làm cả tổ đâm ham. Mà không biết hắn moi ra được ở mô con dế đầu si chọi khỏe đến rứa? Bao nhiêu dế của mình, cậu Vệ, cậu Quỳnh lên đài đều bị con dế nòi của hắn cho “nốc ao” hết.

Tức không chịu được. . .

Nhưng cũng thật bất ngờ. Khi lên đến buồng làm việc, đại đội trưởng lại hỏi chúng về chuyện chọi dế và nghe rất chăm chú. òng cười, gật gật đầu nói: “Khi mô rỗi các em đem dế lên đây chọi cho anh coi với. Ngày nhỏ bằng các em, anh cũng là một tay chọi dế sừng sỏ nhất xóm“. ông mở ngăn kéo lấy cho mỗi em một cục đường phèn to như quả trứng vịt: “Ăn cho vui các em“.

óng vừa lau khẩu “pạc hoặc” vừa nghiêng nghiêng lai lắng nghe tiếng nhai đường lóc cóc của bốn chiến sĩ.

Gương mặt thợ thuần phác của ông phảng phất một nụ cười trìu mến của người cha. ông chợt dừng tay lau súng hỏi:

- Trong bốn em, có em mô biết ngôi lầu thằng Lơ-bờ-rít không?

Dạ em. - Mừng suýt vội nước bọt và ngậm nhanh viên đường phèn vào một bên mã, trả lời.

- Em có thuộc đường trong khu vực ngoắc ngoéo ni không?

Dạ thuộc làu làu. Bịt mắt em thả em vô trong đó em cũng tìm được đường ra... Bởi trong khu vực ni nhiều cây bút bút lắm. Trong vườn nhà thằng Lơ-bờ-rít cũng có hai cây bút bút rất cao. Mấy lần em đã trèo qua rào sắt, lẻn chui vô vườn, trèo lên ngọn cây...

Đại đội trưởng Nguyễn Thới lạ lùng nhìn Mừng, hỏi:

Em trèo lên ngọn cây bút bút mà làm chi rứa?

Vịnh -sưa kể vắn tắt cho đại đội trưởng nghe chuyện Mừng đi tìm thuốc cho mẹ và trường hợp mừng gia nhập Vệ Quốc Đoàn... Đại đội trưởng cười ngất. ông đặt khẩu súng pạc hoặc lên bàn, bàn tay thợ to lớn đen nhọ dầu súng, nâng cằm Mừng lên nhìn sâu vào đôi mắt em:

Chú em khá lắm! Tối ni tôi giao cho chú dẫn đường trung đội cảm tử mang bom vô choảng nhà thằng Lơ-bơ-rít, liệu chú có dám làm không? Mà chú phải nhớ tối nay là tối ba mươi, tối ngửa bàn tay không thấy đó nghe. Dẫn đường mà lạc là coi như trật hết kế hoạch.

Mừng liền đứng bật ngay dậy, nhìn thẳng vào mắt ông trả lời:

- Anh cứ giao cho em. Em mà dẫn lạc hướng, về anh cứ chặt đầu em đi.

Đại đội trưởng nheo nheo một mắt như lúc bắn súng nhìn Mừng, nói giọng không có chút gì là đùa cợt:

Chú phải nhớ đã hứa là tôi chặt thật đấy! - Rồi ông mỉm cười đặt bàn tay nặng trĩu lên đầu em, giọng trở nên âu yếm khác thường: .

- Anh tin chắc là em sẽ hoàn thành được nhiệm vụ.

Dẫn đường cho bộ đội đi tiêu diệt bọn giặc nước cũng là đi tìm thuốc cho mẹ phải không em?

Dạ... - Mừng đáp, môi run run. Câu nói của đại đội trưởng vang vọng rất lâu trong trí nhớ của em.

Vịnh - sưa cũng đứng lên, hồi hộp nói:

Dạ rứa còn mấy đứa em?

- Cho cả mấy chú cùng đi theo trung đội cảm từ đánh bom Các chú có nhiệm vụ liên lạc, trinh sát, phát hiện các mục tiêu bí mật của địch. Chú nào lập được công sẽ có phần thưởng lớn.

Các em mừng rơn suýt nữa nhảy hết cả lên. Các em bỗng tin chắc rằng trên đời ni không ai tốt bằng đại đội trưởng Thới Trương Phi.

5

Lúc trời gần sâm sẩm, Quỳnh-sơn-ca bỗng gặp phải chuyện không may. Em và Mừng rủ nhau đi ngoài, lúc nhảy qua giao thông hào phía sau doanh trại, em dẫm phải mảnh chai nhọn hoắt. Em kêu lên một tiếng, rồi ngã qụy xuống đất. Mừng hốt hoảng chạy lại, nâng bàn chân bạn lên. Mặt em tái ngắt. Cái mảnh chai màu xanh đâm ngập khá sâu đúng giữa gan bàn chân bạn. Em lấy hết can đảm rút mảnh chai ra, mình sởn hết gai ốc. Máu chảy chan hòa ướt đỏ cả bàn chân Quỳnh, giọt giọt xuống đất.

Lần đầu tiên Mừng thấy máu chảy nhiều như thế, mà là máu của đứa bạn thân nhất đời. Em bối rối đến mụ cả người. Chính Quỳnh lại bĩnh tỉnh hơn, mặc dầu em đau lắm. Em lột cái mũ ca lô trên đầu đưa cho Mừng: “Cậu lau sạch đất với máu rồi kiếm cái gì băng lại cho mình. Mừng lau gần ướt hết cái mũ ca lô mà máu vẫn chảy ra không ngớt. Em chợt nhảy lên như ngồi phải lừa, kêu to: “Suýt nữa thì tớ quên'“. Không kịp để bạn hỏi, em lao về phía cuối vườn, nơi có những bụi chuối um tùm. Em tìm vít một đọt chuối cuộn tròn như cây gậy xanh, ghé răng cắn một khúc ngắn nhai ngấu nghiến. Em nhả miếng đọt chuối đã nhai nát ra lòng bàn tay, quỳ xuống nâng bàn chân bạn lên, và đắp miếng nhai vào vết thương. Vết thương quả nhiên cầm máu. Mừng dứt cái khăn quàng cổ bằng vải dù pháo hiệu mà chiều nay em vừa xin được của một anh ở trung đội hai, bằng vết thương cho bạn. Em hỏi, giọng hồi hộp, xót xa: cậu có thấy đỡ đau không?””Có, đỡ nhiều rồi“. Quỳnh mím mím môi trả lời.

”Thuốc chi của cậu mà hay dữ rứa?“.

Thuốc của cụ Ba Trà bày cho mình đó. Cụ nói đây là thuốc dấu của tụi ăn trộm tài danh. Đọt chuối non nhai nhỏ đắp vô, vết thương to mấy cũng cầm máu ngay. CÓ thêm mấy hột muối nhai lẫn vô nữa thì thuốc tiên cũng không hay bằng. Chỉ mấy bữa là kín miệng ngay. Cụ còn bày cho mình nhiều môn thuốc dấu hay lắm. Thuốc trị rắn cắn, chó cắn, bò cạp, rết cắn, rồi thuốc trị hắc lào, ghẻ lở.

Tại răng cụ hay bày cho cậu rứa?

- Tại mình hay qua nhà cụ chơi, xách nước tưới vườn giúp cụ, cụ thương cụ mới bày. Chứ người khác có trả tiền nhiều mấy cụ cũng không bày mô.

Quỳnh vịn vai bạn, run run đứng lên, xuýt xoa:

- Nếu không đi Vệ Quốc Đoàn, cả ngày ở trong nhà lầu, chân lúc mô cũng đi giày đi dép thì làm răng mà biết được môn thuốc dấu hay ri cậu hè?

- Ừ . Mà da chân cậu mềm thiệt, như... như là thạch ấy. Cái mảnh chai đó mà đâm vô chân mình thì chắc không sâu đến rứa mô.

Em cúi lưng xuống trước mặt bạn:“Coi bộ cậu đau lắm. đi một mình không được mô. Để minh cõng cậu vô nhà.. .“.

- Đừng, - Quỳnh lắc đầu, - để mình tự đi lấy thôi.

Cậu mà cõng, Vịnh - sưa nó biết mất.

- Biết cái chi?- Mừng ngạc nhiên nhìn bạn.

Biết là mình đạp phải mảnh chai ấy. Biết thì đời mô cậu ấy chịu để cho mình đi tấn công nhà thằng Lơ-bơ-rít tối nay. Vịnh-sưa là kỷ luật sắt gớm lắm.

- Nhưng chân cậu sắp què ri thì đi làm răng được? - Mừng kêu lên lo lắng.

Mình biết ngay mà, - Quỳnh phụng phịu giận dỗi - Cả cậu cũng không muốn mình đi... Các cậu chỉ muốn sướng lấy một mình, còn mình thì bắt phải nằm đèo queo ở nhà... - Cặp mắt trong veo đen ngời của Quỳnh rơm rớm như sắp khóc.

Yêu bạn quá, chỉ sợ bạn giận, Mừng gãi đầu bối rối:

- Chừ biết làm răng hè...

Cậu phải giấu không cho Vịnh -sưa biết là mình đạp phải mảnh chai. Biết, răng hắn cũng báo với đại đội trưởng bắt mình phải ở nhà.

Được rồi, được rồi, - Mừng ôm vai bạn dỗ dành, - mình sẽ giấu... Nhưng chân cậu còn đau lắm không, chỉ lo cậu không theo kịp được đơn vị thôi...

- Đỡ lắm rồi, mình sắp hết đau rồi. Thuốc dấu của cậu hay hơn thuốc tiên. Chưa chừng hắn liền miệng rồi cũng nên.

Quỳnh chỉ tay xuống bàn chân đau cố nhoẻn cười.

Đôi môi em đỏ như son tươi ngời lên trong ánh chạng vạng khu vườn um tùm bóng cây. Và để chứng tỏ vết thương đã sắp liên miệng, Quỳnh nhảy lên một cái.

Nhưng chân vừa chạm đất em bật rên một tiếng khe khẽ, mặt tái nhợt. Mừng không nhanh tay đỡ kịp chắc em đã ngã khuỵu xuống đất.

Không việc chi, không việc chi... - Quỳnh hấp tấp nói - Mình giả đò đau để dọa cậu chơi ấy mà. - Em quay mặt thật nhanh để giấu bạn nước mắt ràn rụa vì đau.

6

Trung đội Cảm từ tập họp trước sân doanh trại chuẩn bị xuất phát. Lúc này khoảng mười giờ đêm. Trinh sát của Mặt trặn cho biết một bộ phận tham mưu quan trọng của giặc hiện đóng trong ngôi lầu kiên cố của thằng thực dân cáo già Lơ-bơ-rít. Từ ngày nổ súng quân ta đã bốn lần tổ chức tấn công nhưng không hạ nổi. Đêm nay là trận tấn công thứ năm.

Mừng - chiến sĩ liên lạc dẫn đường đứng trước hàng quân “Liên lạc dẫn đường là người quan trọng nhất của trận đánh tối nay Dẫn trúng đường, không lộ, là coi như trận đánh đã thắng một nửa” Đó là lời của đại độ trưởng lúc giao nhiệm vụ cho em Thấp bé nhất đơn vị, em đứng chỉ cao đến ngực anh chiến sĩ vác trái bom đứng sát sau em. Em đội mũ Tiếp Phòng Quân, quai mũ buộc chặt dưới cằm, lưng thắt xanh tuya-rông, dắt hai trái lựu đạn OF, tay cầm một quả lựu đạn mỏ vịt, quần xắn quá đầu gối. Nhìn em đã ra dáng là chiến sĩ lắm, nhưng là chiến sĩ trong câu chuyện cố tích. “Đội quân tí hon đi đánh nhau với bọn khổng lồ hung ác“. Cuối hàng quân là Vịnh-sưa, Vệ-to-đầu, Quỳnh-sơn-ca. Chân trái Quỳnh được quấn to sù như viên tướng đi hia trong tuồng cổ. Em lấy cái áo sơ mi mới tinh bằng thứ hàng len mỏng mà ngày ấy chỉ con cái nhà giàu mới mặc để quấn bàn chân đau. Vịnh-sưa ngạc nhiên hỏi: “Cậu quấn chân quấn cảng làm chi rứa?” Quỳnh nói mặt tỉnh khô:

Để lúc vô trinh sát vị trí giặc được êm, có đi sát bên tai tụi hắn, tụi hắn cũng không biết, cứ ngáy khò khò“.

Nghe cũng có lý nhưng Vịnh-sưa thắc mắc: “Tại răng cậu chỉ quấn có một chân thôi”? - “Tại tớ bước nặng về bên chân trái” Mặc dầu đã quấn kỹ như vậy, nhưng bước chân đi lỡ chạm phải vật gì cứng, vết thương vẫn làm em buốt nhói đến tận óc. Em phải nghiến chặt răng mới có thể đi thẳng người được để giấu không cho Vịnh-sưa biết.

Đơn vị lên đường, tiến sâu vào khu vực giặc. Đi trước đơn vị, chốc chốc Mừng lại đặt tay lên ngực. Bàn tay đen đủi nhỏ bé bấu chặt lấy áo trấn thủ như muốn ghì giữ trái tim trong lồng ngực. Trời ơi, nó đập dữ quá!

Tiếng đập của nó mới vang to làm sao? Mừng cảm tưởng cả đơn vị đều nghe tiếng tim mình đập. Nhiều lần chỉ chực bật lên khóc vì không sao kiềm chế giữ nó trở lại nhịp đập bình thường. Em xấu hổ thầm nhủ: “Các anh mà nghe tiếng trống ngực mình đập chắc các anh sẽ cho là mmh sợ'! Thật ra thì em không sợ mà lo Lần đầu tiên trong đời, vào lúc vừa tròn mười ba tuổi, em cảm nhận được sức nặng lớn lao của hai tiếng:“Trách nhiệm chiến sĩ“. Lúc đứng trước mặt đại đội trưởng, em hăm hở nói: “Em mà dẫn lạc đường, anh cứ chặt đầu em đi” Em chưa hình dung được hết tất cả sự nghiêm trọng của lời nói đó. Nhưng bây giờ bắt tay vào việc thực hiện lời hứa, gánh nặng của nỗi lo càng lớn mãi và cơ hồ muốn đè em qụy xuống.

Lạ lùng thay, trong bóng tối, không hề nhìn thấy mặt mà anh trung đội trưởng Cảm tử như thấy hết tận gan ruột Mừng. Anh bước lên đi cạnh mừng, đặt tay lên vai em và nói nhỏ: “Em cứ bình tĩnh, không phải lo lắng gì hết. Càng lo người ta càng dễ rối trí và dễ quên hết những điều mình vốn thuộc lòng...“. Anh nói có vậy mà tự nhiên Mừng thấy vững lòng, nhịp tim đập bình thường trở lại. Em bật lên thì thầm như một lời cầu khấn: “Mạ ơi, mạ dắt con đi trúng được con đường con đi tìm thuốc cho mạ trong đêm tối ni mạ ơi!” Không biết có phải để thử thách Mừng chăng, mà đêm nay trời tối ghê gớm, tưởng như bóng tối của một ngàn đêm trước được đêm cô đặc lại mà làm ra bóng tối đêm nay...

Nhưng càng tiến sâu vào khu vực giặc đóng, mừng càng thấy vững bụng hơn. Mắt em như mỗi lúc một sáng hơn, trí nhớ em như tinh tường hơn... Đường phố ở Huế được trồng nhiều phượng, vông đông, mù u, bút bút. Cây bút bút có phần ít hơn ba loại cây trên, nhưng dáng của nó lại rất dễ nhận ra trong đêm tối. Cao lớn, um tùm, tán cây rất lớn. Da nó khá nhẵn nhụi. Nếu không nhận ra bằng mắt có thể nhận ra được bằng tay.

Mừng thì nhận ra cây bút bút bằng tất cả thân thể em, từ trán, má, môi, tay, chân đến đùi, bụng... Đã bao nhiêu lần em ôm nó với toàn bộ gân sức bé bỏng của em, để trèo lên ngọn nó, tìm thuốc cho mẹ.

con đường dẫn đến vị trại giặc khá ngoắt ngoéo, rất nhiều ngã ba, ngã năm và cây bút bút trồng hai bên hè đường có thưa hơn những đường phố khác. Nhưng bù lại cây nào cũng rất lớn, rất cao. Lá tầm gửi đậu trên ngọn cây bút bút cao chừng nào chữa bệnh hen suyễn càng hay chừng ấy. Do đó mà hầu như tất cả những cây bút bút trong khu vực này em đều đã trèo lên ngọn, ít nhất là một lần. Và trèo với trái tim đập mạnh xao xuyến trong lồng ngực vì hồi hộp, hy vọng... Rất nhiều gốc cây đã thấm những giọt nước mắt nóng hổi của em Những giọt nước mắt đau buồn thất vọng. Những giọt nước mắt rớt xuống trong tiếng kêu thầm nức nở: “Mạ ơi cây bút bút ni cao ri mà cũng không có lá tầm gửi...

Biết khi mô cho mạ lành được bệnh suyễn mạ ơi”'. Tất cả những cái đó làm cho dáng dấp của mỗi cây trong khu vực này ghi hẳn vào trí nhớ em Và đêm nay, những cây đó đứng sừng sững trong đêm tối làm những cọc tiêu khổng lồ chỉ đường cho em dẫn trung đội Vệ Quốc Đoàn Cảm tử mang bom đánh thẳng vào hang ổ của bọn giặc nước.

Anh trung đội trưởng đi sau em cách vài bước chân Anh chỉ cần nhìn dáng đi của em hơi cúi thấp, rẽ bóng tối như người bơi rẽ nước. thận trọng vững vàng tiến lên phía trước: anh cũng biết là em đã nhận ra đúng đường. Đến những chỗ ngã năm, ngã ba, những quãng đường cây cối, cột điện, xác xe cộ của giặc bị bắn cháy lấp kín, phải đi vòng, em chỉ dừng lại một chút, đầu ngước lên phía các ngọn cây, quan sát, rồi tiến vào lối đi đã chọn với bước chân không một chút ngập ngừng.

Một vài địa điểm tấn công phía đông, phía tây Mặt trận, tiếng súng, bom mìn, lựu đạn bắt đầu rộ lên, mỗi lúc một căng thẳng. Pháo hiệu đỏ lừ nối nhau vọt lên thinh không đến đặc như những hòn than đỏ bắn vọt ra từ một cái bể rèn khổng lồ. Như một đám cháy gặp cơn gió nam, tiếng súng tấn công giặc lan rộng ra rất nhanh. Chỉ chốc lát dã trùm lấp khắp cả Mặt trận.

Chính vào lúc đó thì Vịnh-sưa từ dưới cuối hàng quân chạy vụt lên gặp anh trung đội trưởng, báo cáo giọng hớt hải:

- Báo cáo anh, Quỳnh bị lạc mất rồi ạ?

Trung đội trưởng gọi Mừng lại. Anh hỏi Vịnh:

- Lạc vào lúc nào?

- Dạ chắc lạc lúc phải đi vòng tránh con đường bị cây cối, cột điện đổ lấp kín ấy. NÓ đi trước em với Vệ.

Nhưng không hiểu tại răng nó cứ đi chậm lại, rồi tụt hẳn đằng sau, người nó cúi lom khom, bước thì tấp ta tấp tểnh. Em hỏi nó: “Cậu đi kiểu chi lạ rứa?” NÓ nói:

! Mình đi kiểu ni tránh đạn mới tốt. Đi như các cậu ăn đạn tụi bắn tỉa có chầu'” Lúc vượt qua khỏi đoạn đường vòng, em nhìn lại sau thì không thấy nó nữa. Chắc nó lạc mất rồi... giọng Vịnh như muốn khóc.

- Chà, lôi thôi quá hè. Trung đội trưởng chắc lưỡi nói .

- Anh cho em quay trở lại tìm. - Vịnh nói. - Em sợ nó đi lung tung đâm đầu vô giữa vị trí giặc thì nguy.

Quãng đường vòng nớ có nhiều chỗ rẽ ngang rẽ dọc lắm. Em còn nhớ đường không?

- Dạ .. cũng hơi nhớ thôi... Nhưng răng cũng phải tìm... NÓ nhỏ mà yếu ớt nhất đội em... Ngày chưa Cách mạng, nó đi mô một bước cũng ngồi trên xe nhà. Đường sá trong thành phố hắn có thuộc chút chi mô anh...

Giờ quy định tần công đã sắp đến. Không thể chậm trễ được Trung đội trưởng đành phải giải quyết.

Thế thì em quay lại tìm bạn đi. Tìm ra, hai em dẫn nhau về doanh trại, không phải quay lại đây nữa nghe.

Dạ . Vịnh ngập ngừng một tí rồi chào anh và chạy vụt về phía sau.

Mừng đứng như bị chôn chân, miệng há ra, mắt mở trân trân nhìn hút theo Vịnh. Tim em đau nhói như bất ngờ bị cắm một miếng mảnh chai. “Chi tại mình hết! úi chao. Em thầm kêu. Mình giấu chuyện chân hắn đạp phải mảnh chai, nên chừ hắn mới bị lạc..

Trung đôi trưởng phải giục đến lần thứ hai em mới nghe ra:

- Đi thôi em Sắp đen giờ tấn công rồi! Chừng hai mươi phút sau, Mừng dừng lại ở đầu một ngã ba. chỉ tay về phía trước nói thì thào với trung đội trưởng:

Ngôi nhà lầu thứ hai có hàng rào sắt cao nghêu là nhà tháng Lơ-bơ-rít đó anh nờ.

Anh cố mở căng mất nhìn theo tay chỉ của chú em liên lạc.

Giữa tiếng bom đạn đang nổ rầm trời bốn phía xung quanh, ngôi nhà này đặc biệt im im hầu như không có người ở. Anh hơi ngờ?

- CÓ chắc không em?

- Răng lại không chắc? - Mừng nói giọng quả quyết.

Nhà hắn có hai cây bút bút. Cái cây có cành ngã ra gần hàng rão sắt tê, một lần em trèo lên suýt nữa bị con chó béc giê nhà hắn cắn chết. Còn cái cây mọc chính giữa vườn ngọn cao quá cả mái lầu tê thì em chỉ dám đứng ngoài đường ngó vô, rểu nước miếng mà thèm. Bác Hùng xóm em nói trong tụi Tây ở Huế mình, thằng Lơ-bơ-rít là dữ nhất. Đi qua đây em ngó thấy hắn luôn. Mặt hắn râu mọc nhiều như rễ bèo. Hắn hút cái ống điếu dài như cái cây đánh khăng, tay dắt chó béc giê. Hắn hay sụyt chó cắn người lắm. Tụi em hễ đi qua nhà hắn là đua nhau réo thật to:“Thằng Lơ-bơ-rít ăn mít chấm đường đen, ăn ghèn chấm với mũi, ăn củi chấm với than, ăn vàng chấm với cứt“. Rồi vùng chạy cho thật nhanh. Hắn mà tóm được thì chết.

Không một lời chi dẫn trinh sát nào mà trung đội trưởng thấy tin chắc hơn lời chỉ dẫn của Mừng. Sau khi quan sát kỹ toàn bộ ngôi nhà, anh đã hiểu ra: bọn giặc qủy quyệt, không động tĩnh là để giữ bí mật nơi cơ quan chỉ huy quan trọng của chúng đóng. Anh nói với Mừng:

Nhiệm vụ dẫn đường của em đến đây coi như hoàn thành. Bây giờ em phải quay ngay lại phía sau để tìm Quỳnh và Vịnh. Anh lo chúng nó lạc lắm. Vệ sẽ ở lại với trung đội làm nhiệm vụ trinh sát hên lạc.

Anh ngoắc tay ra hiệu. Cả trung đôi đang dàn hàng ngang phía sau, lập tức nằm rạp xuống, bí mật, thận trọng bò lên tiếp cận ngôi lầu vị trí giặc.

Mùng thèm được ở lại tham dự trận đánh lắm.

Nhưng nghĩ đến bạn, em lao nhanh về phía sau rẽ bóng tối dày đặc như người bơi rẽ nước...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.