Cũng vào thời điểm ấy Ngô đã tìm được chỗ làm việc
mới của đoàn thợ xây Phú Đản. Đấy là ngôi nhà hai tầng của một vị cán bộ ngoại thương ở gần bến xe An Hoà. Phú Đản nhận hợp đồng làm ngôi nhà
này có một ý riêng, ông cần phải lẩn quẩn gần bến xe để sẵn sàng nhào ra xóm Linh Linh nếu có tin cấp báo của đứa con gái.
Lúc đó có lẽ
đã gần hết giờ làm việc buổi chiều. Những thợ cả đang hì hục tô nốt
những bai vữa cuối cùng. Đám phụ nề lăng xăng thu gọn xẻng cuốc, thùng
hồ, giây dợ ... Phú Đản chắp tay sau đít đi vòng quanh khu nhà lẩm nhẩm
tính toán, người vợ hí hoáy lau soong chậu, bát đĩa để chuẩn bị dọn cơm.
Bỗng một cậu phụ nề chỉ tay ra ngõ kêu lên:
- A, có người ăn xin ! Đứa nào cho mà lấy hên !
Đám phụ nề ngoái cổ nhìn ra. Quả thật có một người đàn ông quần áo
nhếch nhác, râu xồm xoàm bò gần kín mặt, tóc dài hơn tóc con gái, mặt
đen sám, mắt trắng bạch, bước vào. Hắn đảo mắt nhìn một lượt và nhanh
chóng nhận ra cái dáng lom khom của người đàn bà nấu bếp. Hắn bước đến.
Người đàn bà quay lại buông xẳng một câu:
- Đi đi, không có chi hết.
Nhưng kẻ ăn xin vẫn đứng trơ trơ. Người đàn bà bê nồi cơm ra khỏi bếp định đi thẳng vào sân thì kẻ ăn xin đã túm lấy tay.
- Ô hay, cái ông này ...
Chị ta nhăn mặt khó chịu. Nhưng chưa mắng hết câu, chị đã há tròn miệng ra, cả người bỗng run lên lẩy bẩy. Cả nồi cơm rơi bịch xuống đất. Cũng
may cơm không nhào ra ngoài. Chị bước thụt lùi rồi ù té chạy. Lúc ấy đám phụ nề chạy lại. Mấy thợ cả cũng dừng tay nhìn . Phú Đản lừ lừ đi tới
...
- Thằng kia cần gì ?
Ngô dương cặp mắt trắng dã ra
nhìn Phú Đản. Trông dáng vẻ béo tốt nhàn nhã của Phú Đản, Ngô đoán chắc
đây chính là thằng chủ thầu đã cướp vợ mình. Hắn khẽ nhếch mép.
- Tôi đói ...
Phú Đản cho tay vào túi móc ra tờ giấy một đồng, hắn xỉa ra trước mặt
kẻ ăn xin mà không nói một lời. Ngô đứng im. Phú Đản quay lưng đi, tờ
giấy bạc rơi xuống chân Ngô.
- Chúng bay còn nhìn cái chi, thu dọn nhanh lên mà nghỉ ? Thằng Mộc tới bảo lão ăn xin ra đi !
Phú Đản hạ lệnh xong thì bước thẳng ra phía sau tường nhà. Cậu phụ nề
tên là Mộc có dáng người thấp lùn nhưng to con, tóc xoăn, mặt lồi. Mộc
đã có một gian đoạn theo bọn cướp hành nghề ở ga. Hắn bị bắt và đưa đi
cải tạo gần ba năm. Khi được trở về hắn xin làm phụ nề cho Phú Đản.
Mộc khệnh khạng bước lại gần Ngô, hất mạnh chiếc cằm:
- Này, nhặt lấy tiền rồi ra đi cho người ta làm việc ! Ngô khẽ nheo
mắt nhìn hắn, có lẽ phải cho thằng oắt con này một bài học để cảnh cáo
đã.
- Răng, chê ít à ? Đ. mạ ăn mày còn đòi làm sang. Ngô đã
quay hẳn người lại đối diện với Mộc, miệng lầm rầm réo gọi tên pho tượng đồng đen để tập trung tư tưởng. Độc khí trong người bắt đầu ứ lên.
- Đi đi ! ơ cái thằng khốn kiếp này, mày cứ trơ mặt thịt ra đây à ?
Vừa quát, Mộc vừa xán đến chụp tay vào cổ áo Ngô xô mạnh . Ngô nhọn mồm ra phì một tiếng như rắn phun độc. Bất ngờ Mộc lùi lại. Một mùi thối
ngột ngạt phả vào mặt hắn đến mức muốn lộn mửa. Rồi Mộc cảm thấy chếnh
choáng, mắt hoa lên, người mất thăng bằng. Hắn kêu lên một tiếng và ngã
vật ra. Bọt mép sủi đầu khoé miệng.
Mấy cậu phụ nề đang đứng gần đó vứt hết đồ đạc ù té chạy. Thợ cả nhảy huỵt từ trên cao xuống, đạp ào qua mấy thùng vữa lẩn nhanh ra sau nhà. Phút chốc cả sân vắng lặng. Phú Đản lật đật chạy ra. Nhìn thấy xác tên Mộc nằm sóng soài giữa đất, mặt
chủ thầu cắt không còn giọt máu. Hắn hoảng hốt nhìn Ngô, lắp bắp.
- Mày ... mày ... phạm ... pháp ...
Ngô cười khẩy một cái, rồi cất giọng khàn khàn:
- Gọi người đàn bà ra đây !
- Đàn ... bà nào ?
- Con vợ mày mới cướp được trên A Lưới ấy !
Phú Đản tròn xoe mắt nhìn Ngô. Hàm hắn cứng lại, nhưng cái khối óc kỳ
diệu của một chủ thầu đầy bản lĩnh thì bắt đầu cựa quậy tư duy và hắn đã hiểu ra kẻ quái dị đang đứng trước mặt chính là người chồng của con mụ
ấy. Nhanh như một diễn viên trên sân khấu, Phú Đản nhoẻn miệng cười:
- Ô ... có phải anh là Ngô không ? Trời đất ơi ... thế mà hàng năm nay tôi và chị ấy cử tưởng ...
- Mi tưởng tao chết nên mới cướp vợ tao phải không ?
- Trời, anh Ngô ! Lẽ nào anh lại nở ăn nói với ân nhân của mình như
vậy ? Lẽ nào tôi làm ơn lại được trả oán ? Anh cứ nhìn kỹ tôi coi, cái
mặt tôi như thế này, con người tôi như thé này, có phải là loại đàn ông
cù lần không, nói xin lỗi anh, làm chi đến mức tôi phải tìm đến một phụ
nữ có chồng con như chị ấy ...
Vừa nói Phú Đản vừa tư duy một
cách gấp gáp tất cả những gì cần bịa ra. Khối óc của một chủ thầu thật
là thông minh hết chỗ nói. Công bằng mà nói thì lý lẽ của hắn cũng có
phần đúng bởi thực chất hắn đâu có cần loại đàn bà như vợ Ngô. Hắn cần
cái khác.
- Mà khoan đã ... chúng mình cần đi ra một cái quán
nào đó, hãy uống với nhau chén rượu mừng hội ngộ đã, rồi tôi sẽ kể cho
anh nghe. Sau đó, anh cứ gặp chị ấy để hỏi xem những điều tôi nói với
anh có đúng không. Có phải sau khi anh bị bắt đi, bọn người trên ấy xúm
lại trêu ghẹo chị ấy, chị ấy sợ quá bỏ chạy. Có phải vì tình cảm của
người dưới xuôi với nhau nên tôi đã cho chị ấy trốn vào đoàn thợ, cậy
thế làm việc hợp đồng với cơ quan Nhà nước nên chúng tôi được an toàn.
Sau một thời gian ngắn, tôi đưa chị ấy về xuôi. Anh cứ hỏi chị ấy mà
xem, có phải suốt một năm nay tôi không hề phạm vào người chị ấy. Còn
đứa con trai của anh, có phải tôi đã nhận cháu vào làm việc. Rồi sau đó, thấy công việc này quá vất vả đối với cháu, tôi đã gả con gái tôi cho
nó, lại cho tiền và vàng để về quê lập nghiệp. Tôi đã đối xử với anh như thế, lẽ nào anh lại căm ghét tôi. Sự thật thì tôi với anh đã trở thành
sui gia, và chúng ta, anh Ngô ơi, chúng ta sắp có cháu. Cháu nội của anh và cháu ngoại của tôi ...
Phú Đản vừa tư duy vừa nói liên hồi
một mạch khiến cho bộ óc của Ngô dù đã bầm đen thuốc độc nhưng một đôi
chút chất người còn lại cũng được khơi dậy và như bị lay động bởi thuật
thôi miên. Hai người dẫn nhau ra quán nhậu. Phú Đản gọi món đuôi bò,
rượu trắng. Ngỗ vẫn im lặng, vừa nhậu, vừa uống vừa nghe. Còn Phú Đản
thì vẫn vừa tư duy vừa nói:
- Ta là đàn ông với nhau, cái chi
cũng cần phải thẳng thắn, sòng phẳng. Trong cảnh ngộ vừa rồi, anh là kẻ
có lỗi. Anh bỏ nhà ra đi mà không thèm nói lại với chị ấy một câu ...
Nhìn tình cảnh chị ấy lúc đó, tôi không sao cầm lòng được. Đã là đàn ông với nhau cũng phải nói toạc móng heo ra, hơn một năm qua, nếu tôi có
lợi dụng chị ấy thì chừ tránh sao khỏi to bụng ... ha ha ... chuyện chi
còn dấu diếm được chứ cái việc đàn ông với đàn bà thì đố mà dấu. Nào
uống đi ! uống trăm phần trăm vào. Rồi ông hãy kể xem, hơn một năm qua
ông đi những đâu, sao mà coi bộ hom hem gầy gò đến vậy ?
Cái
chất người còn lại ít ỏi trong Ngô đã ngấm men và ngấm cả những lời bùi
ngùi của Phú Đản. Còn cái phần thầy mo trong hắn lại vốn thích được khoe khoang. Thế là sau khi trăm phần trăm thêm hai chén nữa, Ngô bắt đầu
kể.
Bắt đầu hắn kể bằng giọng lầm rầm như thầy cúng. Hắn kể
những cơ cực, cay đắng khi bị Phu Sẩu bắt giam. Rồi giọng hắn cao dần
lên đầy chất ly kỳ khi được tận mắt nhìn thấy trận đọ phép của đám ma
người Rạc. Rồi cái men rượu và chất độc trong người bốc lên. Hắn trợn
mắt oang ong nói về các phép. Hắn học được một thì nói phét thành hai.
Hắn vung tay, đạp chân, bậm môi, trợn mắt lên mà kể. Rồi hắn thổi phù
phù vào chậu cây Vạn niên thanh của bà chủ quán. Mấy nhành cây héo gục
trước sự khiếp đảm của Phú Đản. Như cái bệnh thổ tả không có cách chi
cầm lại, hắn nói toạc cả ý đồ học phép và công việc mà các thầy mo đã cử hắn về đây ... Hắn réo gọi tên bố hắn ra như gọi tên một kẻ tử thù phải bằng mọi giá tiêu diệt cho được.
Giây phút hãi hùng trùm qua óc Phú Đản rồi tan nhan. Cái bộ óc luôn luôn tỉnh táo của một chủ thầu đã
bắt đầu tính toán. Một ý nghĩ loé lên, bùng cháy khiến đôi mắt Phú Đản
sáng rực lên:
- Tuyệt ! Phú Đản chụp tay lên vai Ngô lắc mạnh.
Anh thực là kẻ cao cường ... Có được một người xui gia như anh, tôi tự
hào lắm lắm. Nào, trăm phần trăm, hỡi người anh hùng độc nhất vô song.
Rượu có sức mạnh đánh gục tất cả. Người anh hùng đã đổ xỉu xuống vì
rượu. Hắn nôn ra những thứ chứa chất trong bụng, mồm lẩm nhẩm gọi tên
pho tượng đồng đen một chân. Phú Đản thuê người dìu hắn về lán của thợ,
bảo đám phụ nề dọn cho Ngô một chỗ ngủ. Sau đó hắn cho gọi vợ Ngô lên,
thầm thì kể lại câu chuyện mới nghe được. Người đàn bà sợ đến xanh xám
cả mặt. Nhưng khi Phú Đản ghé tai dặn dò chị không dám lắc đầu từ chối.
Đêm đó, người đàn bà tội nghiệp phải ngồi bên cạnh chồng xua muỗi. Chị
sợ hãi đến mức tưởng như phải canh một xác chết. Cũng may Ngô đã ngủ li
bì hết đêm.
Khi Ngô tỉnh dậy thì nắng đã chiếu tạt vào trong lán. Nhìn thấy vợ, Ngô vùng người dậy. Hắn chụp lấy tay chị và hỏi:
- Mi nói đi ! Một năm nay mi đã sống như thế nào ?
Người đàn bà lật đật kể. Cả một đêm, chị cố nhớ những gì mà Phú Đản đã
dặn. Chị kể rành mạch gọn gàng, lên bỗng xuống trầm nghe rất ngọt tai.
Ngô nghe đến đâu tin đến đáy . Cái phép của Phú Đản đã thắng Ngô hiệp
đầu.
Sau đó, Ngô được ăn sáng bằng một tô bún đầy thịt và chả.
Hắn ăn ào ào như lợn đói. Trong lúc ấy Phú Đản đã đi vòng một lượt dặn
dò tất cả đám người làm. Cuối cùng khi tất cả mọi người chúi đầu vào
công việc thì Phú Đản chui vào lán gặp Ngô.
- Này anh Ngô, chừ anh định làm gì ?
- Tao về quê !
- A, nhưng mà xa đó. Đã có tiền đi đường chưa ?
- Chưa !
Phú Đản gật đầu rồi cho tay vào túi rút ra một tập giấy bạc.
- Mười ngàn chẵn. Anh cầm lấy mà xài.
Ngô trợn trừng mắt lên:
- Mười ngàn ? Mi cho cả à ?
- Cho chác gì. Chỗ sui gia với nhau, sau này khi anh gây dựng cơ nghiệp nếu cần tôi sẽ giúp thêm vài ba chỉ.
Ngô chớp chớp mắt ra vẻ cảm động. Hắn nhét tiền vào cạp quần lẫn với
những rễ cây thuốc độc. Phú Đản chở Ngô bằng xe hon đa ra bến. Trước lúc chia tay, tên chủ thầu còn dặn:
- Anh về quê, gặp hai cháu,
thay tôi chăm sóc chúng nó ! Có lẽ con Vĩ Kiều đã gần đến ngày sinh rồi. Từ nay anh là bố của Vĩ Kiều, dâu con rễ khách mà, tuy vậy nếu có khó
khăn thì nhắn với tôi. Cầu mong cho chúng nó sinh được con trai. Anh có
cháu đích tôn mà tôi cũng thêm được tí cháu ngoại.
Ngô lại chớp
chớp mắt cảm động. Hắn mường tượng ra khuôn mặt đứa cháu đích tôn. Có lẽ phải giống hắn. Thế thì khoái chí biết chừng nào ! Phú Đản nhanh chóng
bắt nhận được tâm trạng của Ngô, hắn choàng tay lên vai người sui gia đi chầm chậm giữa bến xe:
- Này, còn cái công việc của anh, theo
tôi ra ngoài đó anh đừng nói cho ai biết cả. Cả cái việc anh học phép
trên rừng cũng đừng kể. Anh cứ phải giả bộ như trốn thoát lũ người rừng
ấy rồi bị lạc, lạc lung tung, đói khát hàng năm ... Đại khái như vậy.
Thế rồi sau đó khi tất cả mọi người không ai chú ý tới anh nữa thì mới
tìm cách điều tra ... Khi nào nắm chắc được chỗ chôn tượng rồi hãy giở
phép ra. Có vậy mới chắc ăn.
Ngừng lại một tý để thăm dò thái độ của Ngô, Phú Đản dặn kỹ:
- Ngoài đó chừ bọn đàn em kéo về đông lắm. Vì thế anh nên cẩn thận.
Khi ra tay, nếu cảm thấy không đủ sức để thắng chúng nó, anh hãy nói với cháu Vĩ Kiều nhắn tin cho tôi. Cả tôi với anh hợp sức lại thì chắc chắn thành công.
Ngô gật gật đầu. Chiếc xe đò bấm còi gọi khách. Phú Đản đưa Ngô lên xe. Hai người chia tay trong những câu hẹn hò ra vẻ
thắm thiết. Thế là, sau hơn một năm trời tu luyện hàng chục phép thầy mo cao cường, nhưng đến phút giáp trận với một chủ thầu, Ngô đã chịu phép
của kẻ nhiều tiền và lắm mưu mẹo!
° ° °
Sự xuất hiện đột ngột của Ngô làm cho Ngãng bàng
hoàng không kém gì lúc tìm thấy tượng đồng đen. Cả xóm Linh Linh xao xác như có giặc càn đến. Cũng may, nhìn thấy cái dáng điệu tiêu điều hốc
hác của Ngô cộng thêm những câu chuyện bịa đặt về thất lạc đói kém đã
làm cho các chú em có phần yên lòng. Cái thứ người ngơ ngác ấy khó ai đủ sức đủ tài để chiếm đoạt được kho của. Ngô tủm tỉm cười một mình. Hắn
bắt đầu đi thăm hỏi từng nhà, lân la trò chuyện, và lúc nào hắn cũng ghi nhớ lời người sui gia tốt bụng đã căn dặn, luôn luôn tỏ ra khờ khạo
ngây ngô.
Giữa lúc như vậy thì một sự kiện đột ngột xẩy ra khiến cho tất cả những ông chủ thầu rụng rời chân tay. Tuy vậy, xét về cái lẽ thông thường của cuộc đời thì đó lại là một kết cục tất yếu. Một đoàn
thanh tra tổng hợp của tỉnh, bao gồm cả công an, viện kiểm sát và tài
chính đã bất ngờ ập đến. Sau một buổi dò hỏi cả người già lẫn người trẻ
con trong xóm, đoàn đã về làm việc với huyện. Những vị chủ thầu chưa kịp đối phó gì thì một tuần sau họ nhận được giấy gọi của công an tỉnh. Mặc dù, họ vốn là những kẻ cực kỳ khôn ngoan và vô cùng hùng biện, song
trước cơ quan pháp luật thì họ lại là kẻ hèn kém nhất. Cả ba người đều
khai giống nhau. Một thời gian ngắn sau đó, chủ tịch huyện bị cách chức, phó chủ tịch Hoành bị khai trừ khỏi Đảng. Một quyết định của Uỷ ban
nhân dân huyện đình chỉ và thu hồi phần đất đã cấp cho ba tổ hợp thuỷ
tinh, gạch men và lò nấu sắt. Tất cả các đoàn thầu buộc phải rút lui bỏ
lại những bãi đất hoang tàn xơ xác.
Đó là kết quả tất yếu của
cái câu chuyện pho tượng đồng đen một chân trong thời buổi hôm nay, thời buổi mà xóm Linh Linh không còn dấu mình tách biệt bên bàu nước rêu
đen, xóm nhỏ ấy đã buộc phải trở thành một cái tà áo của xã Hưng Thịnh , là cái hạt cúc chưa đứt chỉ của huyện Thuỷ Đông. Người ta , nghĩa là
cái xã và cái huyện ấy, có thể có lỗi là chưa làm được gì để xóm Linh
Linh thoát ra khỏi màu đen của rêu nước, nhưng không vì thế mà cái phần
đất hẻo lánh ấy muốn làm gì thì làm, muốn sống ra sao thì sống. Liền sau đó, ở huyện có một cuộc họp kiểm điểm những thiếu sót đối với những xóm nhỏ hẻo lánh và đề ra nhiều chủ trương sửa chữa. Chủ trương ấy được phổ biến xuống xã Hưng Thịnh. Có thể trong một thời gian rất ngắn nữa, xã
Hưng Thịnh sẽ có cuộc họp khẩn trương quán triệt tinh thần mới của cấp
trên để đề ra một chủ trương mới đặng tìm cách văn minh hoá xóm Linh
Linh ! Hãy bình tĩnh chờ đợi !
Nhưng dư luận lại không được bình tĩnh. Trong lúc các cán bộ xã Hưng Thịnh và huyện Thuỷ Đông đang loay
hoay bàn cãi đề xuất chủ trương làm giàu làm đẹp xóm Linh Linh thì tờ
báo của tỉnh đã đăng gần trọn một mặt bài báo phóng sự điều tra về vụ ăn hối lộ của chủ tịch và phó chủ tịch huyện Thuỷ Đông, cấp đất bừa bãi
cho các đoàn thầu thực hiện các mưu đồ riêng. Chuyện đó thôi thì cũng
chịu được bởi kẻ mất chức thì đã mất chức rồi, người đang nắm quyền tự
coi mình không dính dáng gì đến. Nhưng cái lão nhà báo đáo để ấy, chẳng
hiểu moi tìm tư liệu đâu, đã kể vanh vách về tình cảnh một xóm nghèo gần như bị bỏ quên của xã Hưng Thịnh. Bài báo cũng đề cập tới câu chuyện
tượng đồng đen một chân mà tác giả coi đó là một huyền thoại bịp bợm đã
làm bất ổn định đời sống nhân dân. Cuối cùng tác giả yêu cầu các cấp
chính quyền địa phương cần có sự điều tra và trả lời chính xác để nhằm
giúp đỡ những con người đang sống trong xóm Linh Linh nhang chóng được
hoà nhập với đời sống mọi nơi, được hưởng thụ bình đẳng tất cả nền văn
minh xã hội, vân vân, dài nữa.
Tờ báo ấy không đến được xóm Linh Linh vì ở đây từ xưa đến nay chưa từng có thư từ báo chí. Mà cả xóm
này, trừ mấy ông chủ thầu đã bỏ chạy, còn lại tuyệt nhiên không ai biết
chữ. Giả dụ như bài báo ấy có đến thì cũng chẳng hề gây được chút ảnh
hưởng nào.
Nhưng cả xã Hưng Thịnh thì xôn xao, cả huyện Thuỷ
Đông ồn ào náo động. Rồi gần khắp cả tỉnh, đâu đâu cũng xì xầm bàn tán,
rằng trên đời này lại có cái xóm nhà một ông bảy vợ mà lại là bảy chị
em, rằng biết đâu có thể có cái tượng đồng đen ấy thực. Chuyện đời cứ
như chuyện cổ tích, kể qua kể lại không sao tránh khỏi sự thêm thắt để
thêm phần hấp dẫn. Thế rồi, trăm nghe không bằng một thấy, nhiều kẻ vô
công rỗi nghề đã rủ nhau đi tận nơi. Thời gian đầu còn lác đác, càng
ngày càng tấp nập. Người trong Huế ra, người ngoài Bắc vào mà ngay dân
trong huyện cũng cảm thấy lạ lùng cần phải mò tới. Ngay dân trong xã
Hưng Thịnh có phải ai cũng đã được tận mắt nhìn thấy xóm Linh Linh đâu ! Rầm rập, dập dồn, người đi bộ, kẻ đi xe, hầu hết là những người ăn mặc
sang trọng, ngày nối ngày tấp nập lại qua, nhiều đêm họ cắm bạt ngủ lại. Xóm Linh Linh phút chốc tràn ngập văn minh. Thế mới biết bài báo nói
trên có giá trị đến ngần nào !
Khiếp đảm hơn cả lúc đám chủ thầu đưa máy cày, máy húc về đào xới, ông Ngãng và bảy bà vợ già cùng lũ con đều co dúm lại trong các lều tranh để tránh sự vây bủa hỏi han, tránh
những chiếc máy ảnh chụp tanh tách, những cái chỉ trỏ, thầm thì rồi bất
chợt cười ré lên của đám khách không mời mà đến ấy. Đôi lúc ông Ngãng
điên lên lầu bầu chưởi rủa. Cũng có lần Ngô trợn mắt bỉm môi toan phun
ra một hơi thuốc độc, và đặc biệt là Vĩ Kiều, người con gái thị thành
hẳn hoi, lại phải lúc bụng mang dạ chửa nên tính khí càng hung dữ, cô
không chịu đựng được khi thấy người ta cứ nườm nượp kéo tới coi mình như coi con thú lạ. Cô đã rướn cổ lên mà chưởi, mà văng ra tất cả các thứ
tục tỉu của người đàn bà. Tuy vậy, khách không hề tự ái thì bởi chính họ đang muốn được thấy, được nghe tận mắt những cái quái lạ ấy. Còn như
họ, lớp người văn minh ấy, đời nào lại biết văng các thứ ấy ra.
° ° °
Tai hoạ không phải chỉ có vậy. Khi những huyền thoại về pho tượng đồng đen cùng với xóm Linh Linh được loang truyền rộng
rãi, và tin tức của những đoàn khách đã từng đến tận nơi tham quan trở
về trở thành tin sốt dẻo nhất trong các quán cà phê, quán cắt tóc, thì
có một số ít người đã đặc biệt quan tâm đến những chuyện ấy. Đó là những người đàn ông miền thượng bán thuốc ở ga. Dĩ nhiên không phải tất cả
những người miền thượng có mặt ở thành phố, bởi số đông họ chẳng dính
líu gì đến chuyện này. Kẻ để tâm dò hỏi nhiều nhất về pho tượng chính là những người đã quá sốt ruột vì chuyện đó mà giả dạng bán thuốc để mò vê tìm dấu vết của Ngô. Họ xuống xuôi mỗi đứa một lần khác nhau nên không
hề biết sự có mặt nhau ở đây. Xuống đến phố, mỗi đứa tự tìm một nơi để
bán thuốc và để dò tin. Phu Sẩu lẩn quẩn ở ga. Mu Thoòng trong bộ sơ
vinh chải chuốt, nói năng đặc giọng Huế la cà ở những tiệm cà phê đông
người. Các thầy mo khác đều ở dạng bán thuốc, kẻ ngồi chợ, người ra bến
xe ... Rồi khi nghe tận tai tên huyện Thuỷ Đông, xã Hưng Thịnh, xóm Linh Linh, tất cả đều đã nhảy lên các chuyến xe đò khác nhau mà mò ra cái
nơi đang tấp nập người tham quan kéo đến. Chẳng ai để ý đến họ. Trong
lúc đó, những tên thầy mo ấy lại chòng chọc để ý từng người.
ở
xóm Linh Linh, Ngô không hề biết mình đang bị săn đuổi. Nhưng cái không
khí náo động của những người ngày ngày kéo nhau đến nhòm ngó khiến hắn
không sao bình tâm được. Nhớ lời dặn của người sui gia, hắn rỉ tai đứa
con dâu tiết lộ kế hoạch hành động của mình, yêu cầu Phú Đản trợ giúp
ngăn chặn đám khách tham quan. Vĩ Kiều mặc dù cái bụng đã to và nhọn
hoắt ra phía trước, nhưng tỏ ra là đứa con dâu hiếu thảo , cô vẫn mò ra
đường cái đón xe đò vào Huế.
Vĩ Kiều đi từ lúc tám giờ sáng đến
khoảng bốn giờ chiều thì có mặt trở lại ở xóm Linh Linh. Ngô chưa kịp
hỏi han công việc thì Vĩ Kiều đã nhăn mặt, ôm bụng xuýt xoa. Cô Lào chạy lại ôm lấy người cháu, dìu vào giường. Ông Ngãng thò đầu ra khỏi buồng
hỏi:
- Đẻ à ?
Lào càu nhàu
- Đã bảo đừng có đi xa, đâu có chịu nghe !
- à, nghĩa là động thai à ?
Ông Ngãng hỏi như hỏi một người bán cá ở chợ. Rồi ông cao giọng tuyên bố.
- Ngải cứu, trứng gà, thang ấy hơi khó uống nhưng rất hiệu nghiệm, nếu không thì dùng phương Hà thủ ô, long nhãn ...
Lào hét lên:
- Thôi, bố im đi !
Ngô đứng đực người nhìn con dâu . Cái việc rắc rối ấy đã xảy ra. Vĩ
Kiều cứ nhăn nhó, xuýt xoa gần vài giờ liền rồi chuyển qua kêu la dữ
dội. Lào cuống quýt soạn sửa tã lót, quát nạt mọi người giúp một tay.
Nhưng trời đã tối hẳn. Tất cả các túp lều đều đóng chặt cửa vì ở ngoài
bãi nhiều khách tham quan cắm bạt ngủ lại. Trong căn nhà một gian hai
chái chỉ còn có ông Ngãng và Ngô là có thể phụ giúp thêm tay với Lào. Bà La dạo này quá yếu, mắt kém, tuy run không thể cậy nhờ công việc.
Giữa lúc ấy, ở phía ngoài bãi phi lao xuất hiện thêm nhiều khách mới.
Thực ra, họ đến đây từ sớm nhưng không ai muốn lộ mặt nên đã tìm cách
lảng vảng phía chợ, chờ trời tối hẳn mới mò vào. Đó là ba vị chủ thầu đã bị đuổi khỏi xóm này, nhưng hầu như những cặp mắt, đôi tai của họ thì
chưa hề tháo gỡ khỏi đây. Cả Nghi, Ngãi lẫn Vi Hán đều đã bỏ tiền ra
nuôi không một số tên tay chân ăn rồi ngồi chơi ở ngoài chợ hoặc trà
trộn với khách tham quan. Bất cứ động tỉnh nào của xóm nhỏ này cũng đều
được mật báo cho chủ. Sáng nay việc Vĩ Kiều nặng nhọc khuôn cái bụng lễ
mễ ra đón xe, chiều đó lại thấy cô hớt hải trở về, sự kiện ấy không thể
không được đánh giá là đặc biệt. Cả ba chủ thầu vừa con vừa rể ấy đều
vội vã có mặt ở chợ. Họ chui vào một chiếc quán, sai lũ tay chân trà
trộn với khách tham quan bám chặt hoạt động của bảy túp lều ...
Chập choạng tối, ba người lại nhìn thấy Phú Đản đi xe hon đa ra. Đèo
phía sau xe hai tên phụ nề hung dữ. Bọn này cũng kéo nhau vào một chiếc
quán. Một tên phụ nề lặng lẽ tách ra đi thẳng vào xóm. Đúng là có chuyện thật rồi. Nhóm Nghi, Ngãi, Vĩ Hán đều thống nhất nhận định như vậy. Họ
hồi hộp chờ.
Cơn đau của Vĩ Kiều ngày một dữ dội khiến cho cô la hét muốn động trời. Bên ngoài, đám khách tham quan cảm thấy kỳ lạ, họ
rủ nhau len lén mò vào, vây lấy túp lều nhòm qua các khe nhỏ của phên
liếp. Vĩ Kiều nằm ngủa, trần truồng như nhộng, cái bụng cao chồm lên và
thỉnh thoảng lại núng ra những cục rất nhọn. Mặt cô tái mét, mồ hôi toát ra đầm đìa. Bên cạnh cô Lào cũng vã mồ hôi. Vĩ Kiều rên rỉ khóc:
- Cháu ... cháu chết mất ...
- Đừng dại mồm ...
- Có ... có cách chi không ? Mau lên ...
Cách chi được. Lào cố nghĩ mà chẳng nghĩ ra. Cả đời cô nào có biết gì
đến chuyện sinh đẻ. Cô cứ nghĩ mãi mà không hiểu vì sao Vĩ Kiều lại
chuyển bụng lâu đến vậy vẫn chưa sinh được. Hay là đẻ ngược ? hay thai
to quá ? Hay đây chỉ mới là động thai do đi xe đò mà chưa phải đến ngày
sinh ? Chị lật đật hỏi:
- Này, cháu thử coi, đã phải đến ngày sinh chưa ?
- Không ... không biết ?
- Ơ răng lại không biết ? Hôm ni là hai mươi tháng sáu nghe, tính lui
lại chính tháng mười ngày ... vị chi là mồng mười tháng mười năm ngoái
... có phải cháu có thai hôm đó không ?
Vĩ Kiều nghiến răng ken két, vừa nói vừa chửi:
- Đ.mạ , hôm đó với chả hôm đó, hôm đếch nào mà chẳng có ... úi úi ...
Cô Lào thở dài. Tình thế này không khéo nguy mất. Có lẽ phải đi tìm bà mụ thôi. Lào quay lại:
- Anh Ngô đi tìm bà mụ, mau lên:
Ngô đang tập trung suy nghĩ vào cái tượng Mẹ Đất. Đó là thói quen mỗi lần có chuyện gì đó bối rối.
- Anh Ngô ! Điếc à ?
- Ờ ờ ..
- Ơ cái chi. Đi tìm bà mụ, mau lên ! Nó để non đây này ... Ngô hơi ngớ ra, hỏi lại.
- Tìm chỗ nào ?
- Vào trong xã Hưng Thịnh
- Cô điên à ? Tôi mới về biết chỗ đếch nào là thịnh với suy !
Lào lầu bầu chưởi một tiếng trong miệng, rồi đột ngột kêu to vào bên trong:
- Bố đâu ?
Ông Ngãng ngái ngủ ú ớ:
- Tao đây ...
- Trời đất ơi, ngủ à ? Ra mà coi gà đã lên chuồng chưa.
Ông Ngãng vừa bực mình vừa sợ:
- Ngủ đâu mà ngủ ... tao đang nghĩ ...
- Nghĩ chi ?
- Là ... là ... có thể uống tam lăng, nga truật, đào ... đào ...
Lào tru tréo lên:
- Có mà đào mả cũng chẳng khỏi được. Bố phải đi tìm bà mụ, mau lên !
Ông Ngãng ngồi vọt dậy:
- Tao mà phải đi tìm bà mụ ? Tổ cha con với cái.
- Chỉ có bố mới biết đường vô xã thôi.
- Nhưng mắt mũi tao kèm nhèm, tay run chân yếu ...
Lào đứng phắt dậy hạ lệnh:
- Anh Ngô chẻ mấy ống tre làm bó đuốc. Cả anh Ngô lẫn bố phải đi. Mau
lên, đừng có trợn mắt lên với con này. Có đi không, tôi đốt nhà đây này
!.
Cả hai người đàn ông vừa lầu bầu chưởi vừa lật đật chẻ đuốc thắp lên.
Suốt cả ngày hôm nay, đặc biệt là đêm nay không hiểu
sao Ngẩu cứ cảm thấy bồn chồn gan ruột. Mặc dù với anh đêm cũng như
ngày, tất cả đều mịt mùng đen tối. Tuy vậy, Ngẩu vẫn phân biệt rõ ràng.
Cái màn đen ban ngày bao giờ cũng pha chút đùng đục, tim tím cùng với
làn da nóng lên, cùng với tiếng ồn ào hỗn loạn, cùng với cái gió thổi
phần phật và những bước chân lúc nào cũng vội vã. Còn ban đêm, màn đêm
trước mắt Ngẩu sâu hun hút. Tiếng muỗi vo ve ếch nhái ồm ạp, tiếng dế
nghiến răng treo tréo rỉ rả đến sốt ruột. Ban đêm hầu như vắng bặt tiếng người.
Thường thì khi đêm xuống, cả xóm Linh Linh chết lặng vào giấc ngủ mệt nhọc. Ngẩu cũng thường đi ngủ rất sớm. Ở xóm này ngủ nhiều hơn ăn, và người ta vẫn khoẻ mạnh được, hay ít ra cũng không đến nỗi ốm lên đau xuống có lẽ cũng nhờ vào giấc ngủ.
Nhưng đêm nay lạ
qúa. Có một cảm giác rất khác thường cứ chập chờn trước mắt Ngẩu, mặc dù dế vẫn kêu râm ran và tiếng muỗi vẫn vo ve dày đặc. Hay là chị Lào đã
bỏ đi rồi ? Chị ấy đi sao không dắt Ngẩu theo ? Không có lý. Từ ngày
được chị Lào tỏ bày tâm trạng, Ngẩu bỗng thấy thương chị hơn. Nói cho
công bằng thì từ trước đến nay Ngẩu chưa biết thương ai cả, bởi vì trong anh không hề có loại tình cảm ấy, anh chưa được ai thương yêu thật sự
bao giờ cho đến cái ngày gặp đứa cháu dâu..Anh biết đó không phải là
tình thương ...Đó là một cái thứ làm cho con người anh đê mê, ngẩn ngơ,
là một cái gì đó đột ngột bùng cháy trong ruột gan và da thịt khiến cho
cả người anh rần rật quay cuồng. Thế rồi như một kẻ đang nhào lộn trên
không, anh tuột tay rơi ập xuống. Cái hố sâu thăm thẳm lại chôn ngập
anh. Có lúc anh ngỡ như không còn nghe tiếng dế, tiếng muỗi . Nghĩa là
anh không chỉ mù mà còn điếc nữa. Không còn sự náo động nào lọt vào tai
anh. Chính lúc đó, anh đột ngột nghe được được một thứ âm thanh khác, âm thanh của cõi lòng mình. Anh nhận ra tội lỗi và nhận biết được sự cô
đơn. Sự nhận biết làm cho anh tức thở, đôi khi cứ ngỡ như có bàn tay ai
đó đang bịt chặt mũi miệng mình. Anh cựa quậy, vùng vẫy trong ngột ngạt. Cái màn đêm bốn bề như đặc lại, chực cướp lấy anh.
Lúc ấy là
lúc người chị cùng cha khác mẹ đến. Đôi khi hai nỗi cùng quẫn gặp nhau
lại tạo ra được một khe hở. Ngẩu đã thoi thóp thở bằng cái khe hở mơ hồ
ấy. Anh khắc khoải đợi chờ ngày ra đi.
Nhưng chị Lào đã đình
hoãn công việc ấy. Có một lần chị rỉ tai nói nhỏ với Ngẩu: "Chưa đi
được, con Vĩ Kiều đang bệnh, có lẽ chờ nó đẻ xong đã .." Cái tin ấy làm
cho Ngẩu rùng mình . Chưa đi được là một chuyện khổ, nhưng khổ hơn là
tin Vĩ Kiều sắp đẻ. Nó có mang với ai ? Hay là ..hôm đó ! Nếu vậy thì
anh sắp có một đứa con, một giọt máu nối dòng, một lời rủa nguyền cay
nghiệt, một bản án đeo đẳng suốt đời.
Đêm nay sao lạ quá ! Cái
cảm giác bồn chồn mỗi lúc một rõ rệt. Có thể do thân xác anh đang nóng
lên, hình như hâm hấp sốt. Ngẩu cố dỏng tai nghe. Những tiếng ồn đâu đó
vẳng lại. Cũng chẳng có gì đặc biệt cả nhưng mà cứ cồn cào ruột gan.
Thế rồi Ngẩu bỗng thấy cái màn đen trước mặt bừng lên một vầng tim tím. Sáng rồi chăng ? Đâu phải. Ngẩu nhớ rất kỹ là vừa mới ăn tối xong, anh
chưa hề lên giường nằm. Cái quầng sáng kia là gì vậy ? Mà hình như còn
có cái gì đó nữa hâm hấp toả ra hơi nóng, lại có cái gì nữa cay cay như
khói bếp, tất cả những thứ đó có một sức lôi cuốn kỳ diệu đến mức Ngẩu
không thể ngồi yên được nữa. Anh đứng dậy, ngất ngưỡng bước đi. Lần đầu
tiên Ngẩu bước ra khỏi sân nhà, bước ra khỏi ngõ. Mà lại là bước đi
trong đêm. Nhưng với anh đêm cũng như ngày. Nói chung anh chẳng hề có
chút ý thức gì về sự nguy hiểm . Anh bước đi theo cái quầng tim tím
trước mắt và cái mùi ngai ngái phả ra phía sau.
Đấy là bó đuốc
đang phầm phập cháy trên tay Ngô. Một bó đuốc được chẻ bằng tre lồ ô, bó to hơn cột nhà dài gần hai mét. Đêm tháng sáu gió Lào thổi ù ù gần cấp
bão, lửa cháy cuồn cuộn như cháy nhà. Hai người đàn ông thoạt trông có
vẻ già gần bằng nhau lụi cụi bước đi trong quầng sáng dữ dội của ngọn
lửa. Người đi trước tóc bạc và thưa thớt, người đi sau tóc đen kịt dài
tới bã vai. Người trước lưng hơi còng, người sau không phải còng mà lại
gù. Cả hai đều mặc áo ngắn, tà bay lất phất. Bó đuốc to đủ sức cháy sáng cả một vùng khá rộng quanh họ. Tuy vậy, màn đêm vẫn lấp ló ngoài đốm
sáng kia. Đôi mắt của cả hai người không thể nào nhìn vượt ra khỏi quầng sáng, nhưng những kẻ ở phía ngoài nhìn vào lại nhận rõ mồn một từng
bước chân của họ. Và thế là, trong cái màn đêm mông lung vô tận ấy,
nhiều bóng đen đã âm thầm bám theo cái vầng sáng hâm hấp kia.
Hai người vượt qua bãi phi lao trước nhà thì băng qua một trảng cát. Qua khỏi trảng cát là đến quốc lộ một. Họ đi dọc theo quốc lộ rải nhựa
phẳng lì ấy độ chừng hút tàn một điếu thuốc thì rẽ quặt xuống phía đông, bám theo một lối mòn bạc trắng màu cát. Rồi để tiết kiệm thời gian, ông Ngãng quyết định bỏ lối mòn đạp băng qua một bãi cây lúp xúp mọc thành
từng cụm giữa cát trắng. Đi thêm chừng trăm mét nữa thì cây có vể cao
hơn, hình như chỗ đó đã gần bờ ruộng nước. Đến đó thì bất ngờ Ngô cao
giọng:
- Đứng lại đã !
Ông Ngãng dừng bước, quay lại nhìn đứa con trai đầu, hỏi:
- Mi mỏi chân à ? Gắng một đoạn nữa thôi ..Qua bên kia chân ruộng là đến xã ...
Ngô không nói không rằng. Hắn đưa cao ngọn đuốc lên, quay một vòng nhìn khắp cả bốn phía. Rồi hắn dừng lại nhìn chằm chằm vào bố:
- Chừ thì ông phải nói.
- Nói ... nói cái chi ?
- Nói cái điều mà bấy lâu nay ông cử giả vờ câm điếc.
Ông Ngãng chột dạ, hơi lùi lại một bước. Rồi ông giả bộ cười cợt:
- Con nói chơi cái chi rứa ... bố có câm đâu nào .. hí hí
- Thôi ông nói ngay đi, pho tượng đồng đen ấy bố chôn ở đâu ?
Ông Ngãng sững ra ! Cái thằng con đầu ngu ngơ này sao lại đột nhiên coi bộ dữ tợn làm vậy ? Từ hôm về tới nay hắn có để ý gi đến pho tượng đâu. Hay ai xui nó ?
- Nói nhanh lên !
- Tổ cha mi, tượng tiếc nào, đừng có nghe cái bọn mất dạy nó xui bậy.
- Tôi không có thì giờ. Hãy nói nhanh một câu thôi. Ông chôn ở đâu ?
- Tao không biết
- Nhiều người nói rằng ông đã đào được và đem chôn.
- Tao ... quên mất rồi
- Vậy hả ? Vậy thì cố mà nhớ lại
- Con c.. . tao đây !
Ông Ngãng chưởi vung một câu rồi quay phắt đi. Nhưng đột nhiên ông nghe "phà" một tiếng. Ông thấy có cái mùi gì đó thôi thối như mùi xác chết.
Rồi đột ngột ông thấy váng đầu, hai chân run lên, đầu gối quỳ xuống. Vẫn còn chút tỉnh táo để ông kịp nghĩ rằng có lẽ mình trúng gió. Giá như
thằng con trai đầu có hiếu nó sẽ chạy lại đỡ ông đừng để ngã xuống đất.
Sau đó nó phải nhanh chóng lấy kim châm vào các huyệt nhân trung, hợp
cốc ... Đến đó thì ông hết tỉnh, chút kiến thức thầy lang tan biến đâu
mất, còn lại trong đầu ông là sự bồng bềnh của cơn say. Ông như trôi
trên sóng nước, như có ai tung lên giữa trời hoặc là ai đó đang cù vào
nách. Buồn cười quá, buồn cười không thể nhịn được. Thế là ông cười.
Cười ha hả, cười no nê, cười đến thắt cả ruột. Bốn phía quanh ông là
những vùng sáng chấp chới, muôn vàn tiếng gọi tên ông. Ai gọi rứa ? Ông
quay ra và vui mừng nhận thấy tất cả đều là người quen. Họ xô vào hỏi
chuyện ông như những người bạn cố tri xa cách nhiều ngày nay mới gặp
lại. Ông dang tay ra ôm họ. Người ông ôm sớm nhất là ông Hi !
Ô, ông Hi ! Tôi với ông có lẽ bằng tuổi nhau. Ta làm bạn với nhau từ hồi
nào ? Ông có nhớ cái hôm tôi bốc thuốc ..Nhớ chứ, ha ha bốc thuốc ! Còn
cái tàu bay ! ô hô, tàu bay ! Ta với nhau sao mà lắm kỷ niệm. Ta với mày là kẻ thuỷ chung, còn nữa chúng nó là thứ tồi tệ. Cả một lũ người đẻ ra từ mày, ngày đêm ngong ngóng vào mày, thế mà có đứa đếch nào đi chôn
mày đâu ..Chỉ có ta chôn ... Chỉ có ta biết. Ta không biết vì sao mày
lại cụt chân ? Ô hô, hình như mày không thích đi đâu cả. Mày cứ nằm đó,
dù sao cũng còn có ta. Chừ gặp nhau đây, uống chén rượu đã, rồi thì ta
vào nhà ta, mày cứ lê cái chân cụt ấy mà về chỗ mày, nơi cái gốc mít có
chạc ba ấy. Mít vườn ta có tới hơn năm chục cây, nhưng cây có chạc ba
thì chỉ một. Ta chôn mày ở đó là có ý của ta ...
Chẳng ai hiểu
được ý ông, nhưng những câu điên rồ của ông được hét lên oang oang thì
nhiều người nghe được. Thế là tất cả đột ngột quay đầu chạy. Kẻ đi sau
bây giờ lại là người chạy trước. Ngô đi trước hoá ra thành kẻ chạy sau.
Hắn vác đuốc lên lưng mà chạy, càng chạy lửa càng bốc dữ dội, tàn lửa
bay vùn vụt về sau, rơi cả xuống áo hắn. Mặc kệ, Ngô cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về nhà.
Còn lại giữa quãng rừng hoang, ông Ngãng vẫn
quỳ hai chân xuống đất, tay vươn ra phía trước, bọt mép sủi đầy khoé
miệng chảy xuống tận cằm. Bóng đen đã trùm kín bốn phía. Ông Ngãng gọi
thất thanh:
- Mày đâu ..hỡi cái thứ đui què mẻ sứt kia, mày hãy lại đây với ta .... Ta xa nhau quá lâu rồi chừ mới gặp, hãy lại đây bên nhau tí đã nào, hỡi cái giống đui què mẻ sứt ...
Linh thiêng
như một lời nguyện, hai bàn tay ông bỗng chạm phải một người. Người nào
đó cũng quờ quạng tìm ông. Ông Ngãng mếu máo hỏi:
- Có phải mày không, hỡi cái thứ què cụt kia ?
- Không phải què mà là đui ...
- ừ thì là đui. Đui què mẻ sứt ..Ta xa nhau đã lâu lắm rồi phải không ? Chưa khi nào ta ôm nhau được thật lâu phải không ?
- Dạ, đã mấy chục năm rồi, có khi nào bố ôm con đâu ...
Ông Ngãng choàng tay ôm lấy cái hình người phía trước mặt. Người ấy
cũng ôm ghì lấy ông. Không biết ông có tỉnh ra chút nào không mà bỗng
dưng đổi cười thành khóc. Còn đứa con trai mù thì đã tỉnh hẳn, anh tỉnh
hẳn khi cái vầng tim tím tắt lịm đi, cái màn đêm muôn thuở lại bịt bùng
vây kín, anh chỉ tỉnh lại lúc tất cả tối tăm vậy thôi. Tuy vậy, dù tỉnh
táo thật nhưng anh vẫn nhầm. Anh tưởng cái vòng tay bố lúc này đang thật sự ôm anh.
Cùng vào thời điểm đó, trong mái nhà một gian hai
chái ở giữa xóm Linh Linh, Vĩ Kiều đang lên cơn đau dữ dội. Cơn đau như
đứt từng khúc ruột, như bóp nát con tim và chèn tắt cuống họng. Không
thể nào thở được nữa. Vĩ Kiều co dúm cả người lại và đột ngột hét lên
một tiếng động trời. Sau cái giây phút kỳ diệu ấy, cô ngất xỉu đi. Tất
cả đối với Vĩ Kiều lúc này là màu đen huyền ảo.
Cô ngất đi nên
không hề biết rằng đã trút lại trên đời một di sản, cái di sản mà nhiều
người gọi nó là ngọc ngà châu báu, nhưng cũng có kẻ đã gọi là của nợ
suốt đời. Của nợ được trút vào bàn tay cô Lào, bà cô lỡ thì quá lứa, lúc đầu thẳng đuỗn và tím lịm như một pho tượng đồng. Lào hết hồn hết vía
định hét lên, nhưng cái tượng kia chợt run rẩy, hai bàn tay bé xíu đã cử động, khuôn mặt nhăn lại và đột ngột bật ra tiếng khóc. Lào ngồi sửng
cả người.
Mặc dù chưa hề có được một chút kinh nghiệm nào trong
công việc đỡ đẻ, nhưng bằng cách nghĩ mộc mạc nhất của một người cô độc, Lào thấy rằng cần phải cắt đứt tất cả những gì rằng buộc một con người, cần phải lau chùi cho sạch những gì nhớp nháp quanh một thể xác. Chị
nghĩ, đạo làm người ắt phải vậy và chị đã làm như thế.
Vĩ Kiều
dần dần tỉnh lại. Cái cô cảm nhận được sớm nhất là tiếng khóc, sau đó là cái sự nhồn nhột nơi đầu vú. Ra thế, mình đã có con ! Vĩ Kièu nghĩ vậy
và bỗng thấy hay hay, lại bỗng thấy sợ hãi. Có lẽ đã chấm dứt hết thời
ngang dọc tung bay rồi. Thế thì bất hạnh biết bao !
Tuy vậy cái
cảm giác nhồn nhột nơi đầu vú nhanh chóng lan truyền ra khắp cơ thể của
Vĩ Kiều, râm ran khắp gân cốt như một liều thuốc trợ sức. Vĩ Kiều choàng tay ôm lấy hài nhi. Lòng cô bỗng thấy nhẹ nhõm. Dù là kẻ làm đĩ chuyên
nghiệp, nhưng khi được nếm mùi hạnh phúc Vĩ Kiều vẫn thấy thấm được cái
hương vị ngọt ngào.
Nhưng cái hương vị ấy chưa kịp ngấm đầy trí
não cô thì đã nghe thình thịch những bước chân hoảng loạn. Cả Lào lẫn Vĩ Kiều đều cố lắng nghe. Ngoài trời tối mịt. Gió vẫn thổi ào ào. Những
tiếng thình thịch mỗi lúc một thêm nháo nhác như có kẻ cướp tràn vào,
chó sủa náo động. Lào sợ hãi khép chặt cửa lại. Nhưng Vĩ Kiều đã ngồi
vọt dậy, quát to lên:
- Cô hãy mở cửa ra ! Mau lên, mở ra !
° ° °
Những người chạy trước không ai nhận mặt được ai,
nhưng họ biết rõ rằng đã đến lúc phải chạm mặt. Họ lao thục mạng trong
đêm đen, cố vượt lên nhau từng bước chân. Cả bọn đạp qua bờ rào, đạp qua bãi sắn, đạp băng lên những vạt đất mới bị cày xới. Có đứa ngã sấp mặt
xuống đất, mồm ngoạm cứng cả một nắm đất bột. Có đứa ngã lộn nhào lăn
hai vòng, mặt rách bươm, cùi tay toạc máu. Không có một tiếng rên la,
không nghe một câu than vãn, tất cả đều cắm chặt hai hàm răng lại, nén
hơi thở đến mức ù cả lỗ tai. Chỉ có cặp mắt là căng ra hết cỡ để soi tìm cây mít chạc ba. Vườn rộng trên bốn mẫu, gần năm chục cây mít, không kể chè xanh, sắn, khoai từ và cỏ rậm. Bầy người ào vào vườn nháo nhác như
những con hoãng bị săn đuổi, đạp ngược lội xuôi tan nát cây cỏ. Cuối
cùng họ cũng tìm ra được cái điểm cần đến. Bỗng họ cùng đứng sững ra.
Cây mít có chạc ba thì chắc chắn đây rồi. Nhưng bắc, nam, đông, tây,
biết hắn chôn phía nào. Lại cách xa hay gần, chôn nông hay cạn ? Cái lão điên ấy không hề nói. Thôi, đành cứ đánh bài may rủi, cuốc banh cả vùng này ra.
Thế là cả bọn khoảng tám thằng, gồm bốn chủ thầu và bốn tên đồ đệ nữa đã giăng ra thành một vòng tròn cắm đầu cắm cổ cuốc.Tiếng cuốc lẫn tiếng thở, lẫn cả những tiếng chưởi " đ. mạ" mỗi khi lưỡi cuốc va vào nhau hay bị mắc kẹt vào rễ cây.
Đột ngột đứa con rể Vi
Hán vứt cuốc, chồm cả người xuống dùng hai tay cào y như chó đào lỗ.
Nghĩa là nó đã đào đúng hố đất tơi. Cả bọn đồng loạt dừng cuốc. Hai tay
Vi Hán moi một cách quyết liệt rất bất ngờ hắn không kìm được kêu lên
một tiếng " Đ. mạ đây rồi". Ngay lập tức, môt lưỡi cuốc bổ thẳng xuống
gáy hắn. Vi Hán không kịp chưởi thêm được một tiếng " đ. mạ" nào nữa đã
đổ xỉu qua bên bờ hố. Ngãi nhào tới bế xốc hẳn lên. Nhưng liền lúc ấy
Phú Đản đã nhảy tới đá bục một cái vào vùng gan của Ngãi. Lập tức Ngãi
dáng thẳng vào đầu Phú Đản một nhát cuốc. Phú Đản né người tránh được.
Thế là tất cả ào vào. Bây giờ thì những tiếng "đ. mạ" bật ra liên tục
hoà lẫn với tiếng chan chát của các lưỡi cuốc va vào nhau. Tiếng la oai
oái. Thêm vài xác nữa đổ xuống. Những lưỡi cuốc đập vào nhau toé lửa.
Vào lúc ấy, một quầng sáng như đám cháy từ phía ngoài bãi phi lao ập
vào. Bó đuốc đã cháy quá một nửa . Ngô dừng lại, đưa cao bó đuốc lên.
Trước mắt hắn, cả một bầy người máu me chảy ròng ròng đang quần nhau say như lũ trâu điên. Đã có mấy xác người nằm thở thoi thóp. Ngô căng mắt
nhìn kỹ và phát hiện ra một hố sâu có xác Vi Hán nằm sấp. Hắn đoán chắc
đó là nơi cần tìm.
Ngô thấy cần phải ra tay ngay, hắn đưa cao bó đuốc bước hai bước tới sát đám người đang quần nhau. Không ai thèm để ý đến hắn. Thế càng hay. Ngô dướn cả khuôn mặt ra phía trước phun phù
phù.
Bầy người vẫn điên cuồng xán những lưỡi cuốc vào nhau,
nhưng dần dần những lưỡi cuốc đã mất phương hướng. Những thân người lảo
đảo, những cánh tay lạng quạng, cuốc bổ xuống chỗ không có địch thủ. Rồi tất cả bỗng xiêu vẹo, quờ quạng, vứt hết cuốc mà ôm lấy bụng, quỳ gối
xuống đất rồi nằm cong quèo đủ các kiểu , tiếng rên la náo động cả khu
vườn.
Ngô nhảy xổ tới, vứt bỏ đuốc bên cạnh, hắn lật người Vi
Hán ra hất lên trên miệng hố rồi cũng giống như con chó đào đất, hai tay Ngô bới liền hồi. Càng bới , đất càng tơi , hắn càng hăng máu. Đột ngột Ngô kêu rít lên trong cuống họng. Ngón tay đã chạm vào một vật dài rất
cứng . Hắn sướng rợn người. Cố cào thêm vài cào nữa, tay hắn đã xoa được vào một cục tròn . " ồ đây rồi..". Rồi hắn sục tiếp tay xuống phía
dưới. " Chân tượng..đúng là nó rồi..nhưng sao lại gãy ra thế này..đồng
đen mà lại dễ gãy thế này ư ?"
Nhưng hắn chưa kịp hiểu vì sao
pho tượng lại có thể gãy nát như thế thì bất chơt hắn cảm thấy rùng
mình. Ngô nhận ra rất rõ là có một cặp mắt đang găm thẳng cái nhìn xuống gáy hắn. Ngô dừng tay và quay vụt lại. Hắn há tròn mồm, ngồi phịch
xuống, cứng quai hàm lại. Trong cái màu sáng hừng hực của lửa, khuôn mặt Phu Sẩu hiện ra, nửa như cười nửa như căm giận. Ngô cố vận động suy
nghĩ, thầm gọi tên pho tượng đồng đen hàng chục lần để trấn an tinh
thần. Dần dần hắn thấy tim đập chậm lại. Ngô nhớ tới đám rễ cây của Mu
Thoòng, hắn giả vờ cựa quậy cho tay vào lưng quần rút một túm rễ đưa
nhanh lên miệng.
Phu Sẩu chỉ thẳng tay vào mặt Ngô:
- Mi phản bội ta ?
- Đâu ... có
- Tại răng mi về hàng năm nay mà không lên báo cho ta ?
- Tại ... vì ... vẫn không tìm ra chỗ chôn ...
- Tại răng mi không dùng phép thư bắt cha mi nói ?
- Vì .. vì .. cần phải dò xem có đúng cha ta chôn tượng không đã.
- Hừ ... mi lắm lý lẽ lắm. Chừ ta biết chỗ chôn tượng rồi, kiếp sống của mi rứa là hết . A ...
Phu Sẩu nói chưa dứt câu đã thấy một luồng khí độc phả vào mặt. Hắn
nhảy lùi lại một bước. Không ngờ Ngô đã tấn công trước. Phu Sẩu phùng
mang thổi hắt trả lại. Ngô nhún người nhảy lên miệng hố, hắn nắm chặt
hai lòng bàn tay, vận nội công để lấy những hơi dài. Phu Sẩu kinh ngạc
vì thấy khí độc của mình phun ra đã không đánh gục được Ngô, hắn mở tròn mắt, đút tay vào đai quần rút một miếng vỏ cây.
- Hai đứa kia dừng lại !
Một tiếng quát the thé vang lên bất ngờ khiến cả Ngô lẫn Phu Sẩu đều
giật mình. Cả hai quay vội đầu lại và cùng trố mắt ra. Một lũ thầy mo
đầu trọc lóc đang đứng vây quanh, mồm đứa nào cũng nhai rễ cây nhồm
nhoàm. Tất cả đều đã quen mặt nhau, và chỉ trong phút chốc cả Phu Sẩu
lẫn Ngô biết rõ ngay ý định bọn này. Vì thế cả hai không nói không rằng, lập tức nhào vào tấn công luôn. Chúng quây tròn lấy nhau, phun bậy vào
mặt nhau. Thằng nào cũng có thuốc thượng hạng. Bản thân Ngô tuy là kẻ
mới học, nhưng do sự ma lanh của mình nên hắn đã học với tất cả bọn này, thuốc đứa nọ chống đứa kia, thành thử Ngô trở nên thằng khó gục nhất.
Chưa từng có một cuộc sát phạt nào dai dẵng như trận này bởi lẽ không
đứa nào chịu cho đứa kia hơn thế. Phu Sẩu sắp dồn cho thằng mũi khoắm
đến phút ngã, thì Ngô đã vội phà hơi độc vào gáy hắn khiến Phu Sẩu chênh choáng lùi lại. Cứ thế mà cả bọn đánh lộn nhau, không chia được thành
phe cánh.
Đang lúc đám thầy mo điên loạn đang quần nhau đến tơi
tả mặt mày thì một tiếng cười vang lên quái rợ. Cả bọn hốt hoảng nhìn ra đã thấy bộ mặt dị hình của Mu Thoòng chập chờn trong sắc lửa. Biết rõ
nguy cơ bị tiêu diệt, cả bầy lao ào đến. Mu Thoòng đứng chạng chân, hai
tay xoà ra thu lại, mồm phù phù liên tục. Đã có đến bốn năm đứa gục
xuống đất bò lổm ngổm nhưng Phu Sẩu vẫn cứ lao tới. Ngô cũng lảo đảo
chồm lên. Rồi bất chấp các luật phép, chúng xô ập vào nhau, ôm lấy thắt
lưng nhau, khạc hơi vào gáy, xoa tay lên tóc, cào cấu da thịt cho thuốc
độc ngấm thẳng vào máu. Cả bọn không còn đứa nào tỉnh táo. Tất cả đã say ngất ngưỡng, có đứa tự cào lên mặt, lên đùi mình mà không biết.
° ° °
Những tiếng la hét náo động phía sau vườn đã làm cho các bà vợ hãi hùng đến tê tái da thịt. Lũ con nít khóc ré lên ôm lấy
lưng mẹ. Tất cả các lều đều tắt đèn, cột chặt các liếp cửa. Chỉ có bầy
chó là sủa đến khản đặc tiếng.
Chỉ duy nhất có một người cứ nhấp nhổm không yên. Đó là Vĩ Kiều. Cô gần như quên đi nỗi mệt nhọc đến đứt
ruột của phút sinh đẻ, cũng chẳng còn bận tâm gì đến đứa con trai vừa
mới ra đời, mắt cố mở thao láo, hai tai cô lắng nghe, ngực đập dồn hơi
thở.
Lúc đầu là tiếng hét, tiếng chưởi tục, tiếng cuốc xẻng va
vào nhau chan chát. Sau một lúc lại nghe thấy tiếng hú , tiếng la rất
quái dị. Rồi như có chiếc quạt lớn đặt ở sau hồi nhà, những tiếng phù
phù cộng hưởng với nhau thành một thứ âm thanh lạ lùng không sao hiểu
nổi. Vĩ Kiều muốn vọt ngay dậy, lao ra. Nhưng người cô tận tuỵ vẫn ngồi
một bên, đặt bàn chân nặng nề của mình lên trên bụng đứa cháu dâu như
cách trấn an nỗi sợ hãi. Mặc dù chính Lào cũng cảm thấy kinh sợ. Cô
không sao hiểu nổi những tiếng động ma quái ở sau vườn. Và Lào nghĩ
rằng, cái nhấp nhổm của cháu là vì sợ hãi. Cô cố hết sức tự gìm mình và
thều thào an ủi Vĩ Kiều: "Đừng sợ ! không có chi đâu, đừng sợ !".
Thế rồi đột nhiên im lặng ! Một sự lặng im đến rợn người. Vĩ Kiều ngồi vọt dậy, mắt mở thao láo. Cô Lào hoảng hốt ôm lấy cháu:
- Đừng sợ ! Ma quỷ biến hết rồi !
- Biến đi đâu ?
- À ... xuống đất ... hoặc vô rừng.
Vĩ Kiều không nhịn được nữa đứng bật lên. Đứa bé oe oe khóc:
- Chúng nó lấy được rồi ! ...
Lào ngơ ngác hỏi:
- Lấy cái chi ?
- Còn chi nữa - Vĩ Kiều tru tréo lên - Tất cả là tại cô, tại cô, tại cô hết ...
- Ơ hay ... Cháu làm sao thế ?
- Đồ khốn nạn ! Mày cứ cố tình ôm ghì lấy tao. Chừ thì mất rồi ... Thật là toi công hu hu ...
Vừa hu hu khóc Vĩ Kiều vừa lao ra cửa. Lào bàng hoàng không sao hiểu
được. Đứa trẻ khóc nấc lên như muốn ngạt hơi. Lào hốt hoảng cúi xuống bế cháu lên. Nó vẫn khóc. Cô ôm đứa trẻ lên tay chạy ra sân gọi Vĩ Kiều.
Không một tiếng đáp lại. Lào ngơ ngác quay nhìn bốn phía. Có một quầng
sáng vật vờ phía gốc mít . Lào nhìn rõ bóng Vĩ Kiều đang lao về chỗ đó.
Cô kinh hãi ôm đứa trẻ trên tay chạy theo.
Lúc này chính là lúc đám thầy mo đang ôm lấy nhau, lột truồng nhau ra không còn một manh vải trên người.
Chúng đã bị nhiễm độc của nhau. Không một đứa nào chết, bởi đứa nào
cũng có phép cao cường. Nhưng cũng không còn một đứa nào tỉnh táo bởi
chẳng thằng nào nương tay với thằng nào. Tất cả đều quyết chí sát hại
nhau. Cả lũ điên, trần truồng như nhộng, đen thui thủi đang ôm lấy nhau, đi vài bước lại bò vài bước.
Vĩ Kiều chạy ra đến nơi kịp nhìn
thấy cảnh tượng ấy. Cô rú lên, suýt ngất. Nhưng đám người trần truồng
kia không hề bận tâm đến tiếng hét của cô . Chúng cứ ôm nhau vừa đi vừa
bò ra đến phía rừng phi lao.
Vĩ Kiều cắn chặt hai hàm răng, rón
rén đi lại chỗ gốc mít. Cô hãi hùng trước những xác người quằn quại chưa chết nhưng có lẽ cũng gần chết. Bó đuốc bằng tre lồ ô đã cháy gần hết.
Những đóm lửa cuối cùng le lói sáng không đủ cho Vĩ Kiều nhìn thấy xác
bố. Mà có lẽ, tâm trí cô cũng không đếm xỉa gì chuyện ấy. Bằng con mắt
lõi đời, Vĩ Kiều nhận ra cái hố sâu giữa vòng những chân người nằm co
quắp. Cô nhảy ào xuống và mặc dầu máu vẫn còn chảy đầm đìa ở bắp đùi
thấm đẫm ra ống quần , ả cố gắng hết sức để moi đào. Tay Vĩ Kiều chạm
được một mảng to, xù xì, nhiều hang hốc. Cô giật vội lên. Nhưng những
tàn lửa cuối cùng đã tắt. Vĩ Kiều không sao nhìn rõ vật trên tay. Cô lại cúi xuống, vừa thở dốc vừa bới, vừa nhặt.
Lào bế cháu chạy lại gần cây mít thì lửa tắt. Cô hốt hoảng đứng sững lại, cất tiếng gọi run rẩy:
- Vĩ ... Kiều !
Bất ngờ từ ngoài bờ rào ồ lên những tiếng hát. Có thể gọi là tiếng hát
bởi nó cứ lên cao, xuống thấp và đôi lúc cũng ngân nga. Nhưng là thứ
tiếng gì không thể nghe được, nó quái dị như âm của một bầy ma. Lào thấy lạnh người, hai đầu gối run lên lẩy bẩy. Cô định gọi Vĩ Kiều lần nữa
nhưng mở miệng không ra. Thế rồi nỗi sợ hãi ói lên đến tận mang tai, Lào rùng mình quay đầu chạy thục mạng vào nhà.
Đứa trẻ trên tay vẫn khóc ngặt hơi. Nhưng Lào không sao ru cháu được. Khuôn mặt cô tái xám,
mồ hôi vã ra. Vừa lúc ấy, Vĩ Kiều xô cửa nhào vào. Trong ánh sáng lu mờ
của ngọn đèn thắp bằng dầu ma dút, cả khuôn mặt Vĩ Kiều nhẽo nhoẹt mồ
hôi lẫn bụi đất. Lào chưa kịp hỏi thì đã thấy đứa cháu dâu thả xuống
giữa chiếu một đống gì đó. Rồi Vĩ Kiều tự tay bê chiếc đèn dầu đến. Bất
ngờ cả hai đứng đực ra, kinh hãi.
Trước mặt họ là một đống
xương, xương cẳng chân, đầu gối, xương chậu và cái sọ dừa to bằng cái
bát. Lẫn trong đống xương đó có một chiếc vòng bằng đá, vật duy nhất có
thể đem bán được vài đồng.
Bất giác Lào kêu to lên :
•- Cái vòng đá này..thôi chết rồi cháu ơi..
Vĩ Kiều không thể hiểu được sự hãi hùng đó , ả sung sướng như nhặt được vật báu, mắt dán chặt vào chiếc vòng :
- Đồng đen với chả đồng đen, cái này cũng có giá...
- Đừng đụng vào ! Lào hét lên một tiếng rồi bổ chồm người xuống tay run run bê cái sọ người lên, giọng cô mếu máo :
- Vô phúc rồi ...bố ơi...
Vĩ Kiều không hiểu vì sao cô mình lại khóc. Mà ả cũng chẳng cần hiểu .
Nói chung ả là người không biết xúc động . Chỉ sau một giây hơi bị chững lại, rồi ả thò nhanh tay ra nhón chiếc vòng đá lên, lau lau vào tà áo
rồi nhét vào tay đứa trẻ vừa mới sinh chưa hề biết cầm nắm.
- Đừng ...Giọng cô Lào thì thào đuối sức .
- Kệ ! Của cha truyền con nối chứ có phải của ăn cướp đâu ! Cầm lấy ... Cái này là của con ..