Tuyến Xe Cuối

Chương 8: Chương 8




Hà Hi Lân siết chặt đôi đũa trong tay, đứa bạn ngồi bên vỗ nhẹ vai cậu, hỏi: “Sao thế? Nhìn ông có vẻ không được khỏe?.”

Cậu buông tay ra, quay về phía bạn, lắc đầu. Giờ, đến một nụ cười gượng gạo, Hà Hi Lân cũng chẳng thể nào vẽ ra nổi.

Hộp cơm ngon lành ở ngay trước mắt, nhưng cũng không thể kích thích cơn thèm ăn trong cậu.

“Từ mai trở đi, con đừng đến trường nữa, dù sao kiến thức cũng học xong rồi, cứ ở nhà ôn tập đi. Bố mời gia sư cho con.” Ngay trong bữa sáng nay, cha nói vậy với cậu. Đôi mắt hằn lên vết chân chim của ông nhìn chăm chú vào những số liệu về tài chính, kinh tế trên tay, không thấy được vẻ ngạc nhiên của con mình, “Bố xin phép giáo viên rồi, con không cần lo.”

Vì sao cậu không được thương lượng? Vì sao cậu chỉ có thể bị động nhận lấy những sắp đặt của cha mẹ?

“Con…”

“Ngoan, bố cũng vì tốt cho con thôi, để con khỏi lại ra ngoài mua mấy thứ vớ vẩn về để rồi bị phân tâm.”

Cậu thực hâm mộ những đứa bạn có thể phản nghịch, tuy thành tích học tập của họ không sánh bằng Hà Hi Lân, nhưng lại sở hữu rất nhiều điều mà cậu chẳng thể có.

Hà Hi Lân nhớ tới một ước mơ của thời thơ bé – a, ra cậu cũng từng hồ hởi với tương lai của mình như thế.

Khi ấy, cậu chỉ là học sinh tiểu học. Giáo viên giao cho cả lớp một đề bài mà suốt bao năm rồi vẫn chẳng thay đổi – ước mơ của em.

Cậu biết cha mẹ muốn mình trở thành bác sĩ, nhưng trong bài văn ấy, cậu lại viết rằng bản thân muốn làm nhà thiết kế. Bởi có một bạn học nói rằng quần áo cậu vẽ rất đẹp.

Điểm các môn của cậu lúc nào cũng cao, môn văn cũng thế.

Cảm thấy ước mơ của mình được khẳng định, cậu vui vẻ mang bài văn ấy về cho cha mẹ xem, mong rằng có thể được khen ngợi.

“Con viết gì thế này? Nhà thiết kế? Cái nghề này làm gì có tương lai?”Giọng điệu cha vô cùng nghiêm khắc, hàng lông mày nhíu chặt.

“Tiểu Lân, nghề này vừa không kiếm được tiền, lại bấp bênh. Làm bác sĩ tốt hơn.” Mẹ vừa mỉm cười vừa lắc đầu, cứ như bài viết này thực đáng cười, thực ngây ngô.

Sau đó, cậu phải ngồi trước mặt cha mẹ, nghe họ ân cần dạy bảo. Khi ấy, Hi Lân chỉ là một đứa bé, luôn coi lời cha mẹ như thánh chỉ. Ấy là lần đầu tiên, vì họ, cậu gạt bỏ ước mơ của mình.

Lần thứ hai là khi lên trung học cơ sở, nhà trưởng tổ chức thi kịch, cậu xung phong nhận việc thiết kế quần áo cho những nhân vật trong vở kịch của lớp. Các bạn đều ủng hộ nhiệt liệt.

Nhưng bởi quá chăm chú vào việc đó mà trong bài kiểm tra hàng tháng, thành tích của cậu giảm sút.

Cha đột ngột xông vào ngay lúc cậu đang mải mê phác họa phần trang sức cho các nhân vật. Ông muốn cậu vứt hết những trang vẽ đó đi.

“Thay vì làm mấy chuyện vô bổ này, chi bằng đọc nhiều sách hơn.”

“Mấy chuyện này không làm được thì đừng làm.”

“Là học sinh, con phải làm tốt bổn phận của mình.”

“Chúng có ích gì cho tương lai của con sao?”

Hà Hi Lân thử thuyết phục ông, nhưng lại hoàn toàn bị đè ép, xấu hổ vô cùng.

Vậy nên sáng hôm sau, cậu đành nhường lại việc này – cũng giao luôn bản phác thảo – cho người khác.

Hạt giống hoang mang gieo vào lòng từ lúc ấy, nó cứ lớn dần lên, càng ngày càng khỏe mạnh khi mà những chuyện thế này cứ lặp đi lặp lại.

Cuối cùng, trái tim cậu bị bụi gai hoang mang quấn chặt, nhiệt tình chất chứa bên trong dần lụi tàn theo từng lần phủ định của cha mẹ. Cuối cùng, giấc mộng điêu tàn trở thành đống đổ nát chẳng ai thèm để ý.

Đôi khi, cậu không khỏi tự hỏi – Mình rốt cuộc là ai? Sống vì ai? Mình là con rối của cha mẹ sao? Nếu phản kháng, liệu đó có phải là bất hiếu không?

Cậu thương cha mẹ. Thực ra, ngoài việc lúc nào cũng muốn con trai nằm trong tầm kiểm soát của mình thì họ đối xử với Hà Hi Lân rất tốt.

Nhưng cậu không thể chịu đựng nổi nữa, nhất là từ sau khi đã được nếm hương vị của sự phản nghịch.

Nếu cứ thế nghe theo lời cha mẹ, từ mai, cậu sẽ không còn được gặp Tham Chỉ nữa.

Chút an ủi cho cuộc sống tù túng và bí bách của cậu…. sẽ biến mất.

Bỗng nhiên, cậu muốn được nói chuyện với Tham Chỉ, muốn được nghe giọng nói thân thiết, trầm ấm và mê hoặc ấy.

Cậu vội vàng rút chiếc di động bấm phím của mình ra. Trước, trong danh bạ chỉ có số của ba người – cha, mẹ và cô giáo.

Nhưng từ khi có được danh thiếp của Tham Chỉ, trong đó xuất hiện một số điện thoại không tên, và chưa bao giờ được gọi.

Lần này, cơn hoảng hốt và lo sợ giục giã cậu mau liên lạc cho số điện thoại đó.

Đang là giờ đi làm, liệu Tham Chỉ có cảm thấy rằng mình rất phiền không? Có cảm thấy cậu như một đứa trẻ chỉ biết ỷ lại vào người lớn?

Chính vì bản thân vô dụng nên cậu mới càng không muốn Tham Chỉ biết những chuyện riêng tư của mình.

Nội tâm giằng xé, đến khi Hà Hi Lân định thần lại thì phía đầu bên kia đã có người bắt máy: “A lô, tôi là Tham Chỉ.”

Cậu hé miệng, nhưng … nói gì bây giờ? Họ là gì của nhau cơ chứ? Người yêu? Không … đến nơi làm việc của Tham Chỉ cậu cũng chưa từng tới. Ngoài tên, số điện thoại và tên công ty, cậu chẳng biết gì về anh cả.

Cậu chỉ biết là … Tham Chỉ có bạn gái, ngày nào cũng đi chuyến xe bus cuối cùng, sẽ lên bến thứ tư, xuống ở bến cuối —

Dù họ từng làm rất nhiều chuyện mà đến ngay cả những người yêu nhau cũng sẽ không, nhưng cả hai vẫn … chẳng biết gì về nhau cả.

Hà Hi Lân cầm di động, bờ môi cập mấp máy như một con cá đáng thương phải rời khỏi nguồn nước, luẩn quẩn mãi mà chẳng thốt ra được chữ nào.

Tham Chi hô vài tiếng, Hà Hi Lân vẫn không đáp lại. Chỉ nghe giọng anh thôi cũng đủ khiến cậu muốn bật khóc.

“Em muốn gặp anh ….”

Đã bao lần cậu không có đủ dũng khí để bật ra những điều mình muốn nói, và lần này cũng vậy.

“A lô? Có ai không? Có thể nói một tiếng được chứ?” Tham Chỉ vẫn kiên nhẫn hỏi, rồi dường như quay sang nói gì đó với người bên cạnh.

Cậu loáng thoáng nghe thấy tiếng cười sang sảng của một cô gái.

Khác hoàn toàn với cậu, dường như là một cô nàng phóng khoáng và rực rỡ.

Hà Hi Lân chấm dứt cuộc gọi, tắt nguồn rồi nhét kỹ di động vào một góc sâu trong cặp. Không muốn nghĩ nhiều thêm nữa.

Cứ ngỡ rằng sắp đạt tới, nhưng rốt cuộc chỉ là ảo mộng.

Hôm nay Hà Hi Lân không tới thư viện, sau giờ tan học cậu ngồi yên trên băng ghế làm từ đá hoa cương dưới mái hiên của bến xe bus, thẫn thờ nhìn từng chiếc xe đến rồi lại đi.

Lên xe, tức là phải về nhà, phải sắm vai đứa con ngoan của cha mẹ.

Không lên xe, không thể gặp Tham Chỉ … Ít nhất, cậu phải báo cho anh biết rằng những ngày kế tiếp, hai người không thể gặp nhau nữa —

Tham Chỉ sẽ tìm người khác sao? Dù sao thì anh cũng đã có bạn gái, đối với anh, Hà Hi Lân chỉ là một món giải trí, có thể vứt bỏ bất cứ lúc nào.

Còn về phần Hà Hi Lân, cậu không muốn chấm dứt mối quan hệ này.

Có phải chỉ cần cậu ngồi lại đây một đời, thì sẽ không phải đối mặt với cha mẹ, không phải nói lời từ biệt với Tham Chỉ?

Mười phút nữa thôi, chuyến xe cuối cùng sẽ tới.

Hai bàn tay Hà Hi Lân siết chặt lấy nhau, chúng dính nhớp mồ hôi lạnh. Cậu cúi gằm mặt xuống như đang cầu nguyện.

Không muốn về nhà, đừng làm trẻ hư, đừng, nghe lời tôi đi, cha mẹ đối xử tốt với tôi mà, đừng có tự tiện bắt tôi làm chuyện gì —

Chỉ đại ca, em muốn gặp anh —

“Tiểu Hi.”

Đến khi tiếng gọi của Tham Chỉ cất lên tới lần thứ ba, Hà Hi Lân mới tỉnh táo lại sau cơn bàng hoàng vì cữ ngỡ mình nghe nhầm: “Chỉ, Chỉ đại ca … sao anh lại ở đây?” Cậu trợn tròn mắt nhìn anh – vẫn trong bộ âu phục hợp dáng người, phối với chiếc áo bành tô lam sẫm – thong dong bước lại gần, rồi ngồi xuống cạnh cậu rất tự nhiên – y như những lần trên xe bus vậy.

Nụ cười dịu dàng đặc trưng của Tham Chỉ nở trên môi: “Hồi trưa em gọi điện cho anh đúng không? Vậy nên anh tới.”

“A? Chuyện đó … ” Sao anh ấy lại biết? Chắc hẳn không phải vì có số của mình chứ? Hay là …

“Dù không nói gì thì anh vẫn biết là em đó. Bởi vì đó chính là em nha.”

Tuy trong lòng đang vô cùng ủ rũ nhưng Hà Hi Lân vẫn không thể không đỏ mặt trước những lời như đang đưa tình của Tham Chỉ.

“Có chuyện gì vậy?” Tham Chỉ cầm lấy bàn tay tê cóng của Hà Hi Lân, “Tay em lạnh quá, có cần mượn áo khoác của anh không? A, lần này đừng làm bẩn đấy.”

Bàn tay bọc lấy tay cậu truyền tới thứ ấm áp mà Hà Hi Lân vẫn hằng khát khao. Cậu định nói rằng không có gì, nhưng hé miệng ra mới biết, giờ mình chỉ có thể thốt ra những tiếng nghẹn ngào.

Không được khóc, cha mẹ vẫn nói rằng: là con trai thì không được khóc —

“Em … em muốn nói với anh … ” Hà Hi Lân cắn chặt răng, quay đầu sang chỗ khác. Cậu không dám nhìn vào gương mặt của Tham Chỉ.

Không ngờ anh lại đột nhiên túm lấy tay cậu: “Xe đến rồi, có gì lên xe nói. A, nếu không bắt kịp chuyến này, anh không về nhà được đâu. Em sẽ không đành lòng để anh gặp phải cảnh đó chứ?”

Tham Chỉ không cường tráng, nhưng lại khỏe vô cùng. Trong lúc Hà Hi Lân chưa kịp phản ứng thì cậu đã ngơ ngác theo anh lên xe. Hai người ngồi xuống vị trí cũ của mình – ghế cuối cùng của hàng bên phải.

Không hiểu vì sao, khi vừa yên vị tại đây, nghe tiếng động cơ ù ù, nghe hương nước hoa thoang thoảng trên người Tham Chỉ, những dòng suy nghĩ miên man trong tâm trí Hà Hi Lân dần tan biến.

Hôm nay là vị bạc hà, không phải trầm mộc nha. Cậu nghĩ.

Đã tỉnh táo lại. Hà Hi Lân hít sâu một hơi, nắm chặt bàn tay đang giúp mình lau đi những giọt mồ hôi lạnh của Tham Chỉ: “Chỉ đại ca — ”

“Anh nghe đây, em cứ nói đi, Tiểu Hi.”

Hà Hi Lân vẫn khao khát rằng, sẽ có ai đó thủ thỉ với mình câu ấy.

“Cứ nói đi.”

Giống như một cuốn album xưa cũ, mọi chuyện trong phút chốc chợt ùa về. Hà Hi Lân trút hết cả bầu tâm sự: từ những sắp đặt của cha mẹ, đến ước mơ luôn bị gạt bỏ của mình, rồi cả nỗi đau khổ thầm kín vẫn luôn chôn giấu trong lòng … Đương nhiên, cả chuyện cậu chẳng thể bắt chuyến xe cuối nữa.

Từ đầu tới cuối, Tham Chỉ không hề lên tiếng, chỉ chăm chú lắng nghe, như ngầm cổ vũ để Hà Hi Lân có thể trải hết nỗi lòng.

Cho đến lúc dứt lời, liếm liếm đôi môi khô khốc của mình, Hà Hi Lân mới giật mình nhận ra đây là lần đầu tiên mình có thể kể nhiều như thế. Cậu bỗng thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Nhưng cậu lại chợt nhận ra, có lẽ, cái nỗi niềm vẫn luôn khiến mình đau đớn lại chẳng khác gì chuyện tầm phào đối với một người khác. Hà Hi Lân đưa mắt ngóng ra khung cảnh ngoài cửa sổ.

Sắp phải xuống rồi.

Không, cậu không muốn chấm dứt như thế.

Tham Chỉ trầm ngâm một lúc, rồi nở một nụ cười với Hà Hi Lân: “Vậy, em muốn làm gì?”

Hà Hi Lân vội xoay mình, thẳng lưng, ngẩng đầu. Bấy giờ, cậu mới nhận ra, rằng không biết từ bao giờ, mình đã có thể nhìn thẳng vào Tham Chỉ – trước khi mối quan hệ giữa cả hai chuyển biến, đến việc trộm liếc mắt nhìn anh cũng đã ngượng ngùng.

Cậu muốn làm gì? Từ bé đến giờ, chưa từng có người hỏi Hà Hi Lân lời ấy, họ đều ra lệnh để cậu làm theo những gì đã được lên kế hoạch sẵn.

Nếu thắc mắc, hoặc có chút do dự, chắc chắn sẽ bị mắng nhiếc như một đứa con bất hiếu và ngu xuẩn.

“Con khiến chúng ta thất vọng.”

Hoàn thành tốt thì là bổn phận, không làm được lại chẳng khác nào kẻ mang tội ác tày trời.

Cha mẹ của Hà Hi Lân không cần biết đứa con trai độc nhất này muốn gì. Họ chỉ cần nó là một đứa trẻ hoàn mỹ, không chút tỳ vết – như họ hằng mong đợi.

Cậu vẫn cho rằng mình chỉ cần sắm vai một đứa trẻ ngoan hiền là được. Nhưng sau khi hưởng qua cái cảm giác sung sướng khi được thỏa mãn niềm khao khát, sao cậu có thể buông tay dễ dàng như vậy.

Cậu cần lòng cam đảm, lòng cam đảm để nói hết nỗi lòng.

Xe dừng lại, Hà Hi Lân chỉ cần xuống xe cùng những hành khách khác là có thể về nhà. Nhưng cậu cứ ngồi đó bất động, nhìn chằm chằm vào Tham Chỉ.

Cậu hít sâu một hơi, khiến hương bạc hà quyết rũ căng tràn trong ***g ngực: “Chỉ đại ca … ” rồi nhìn thẳng vào đôi mắt khiến người khác đọa lạc kia, “Anh có thể … đưa em về nhà anh không?”

Nghe thế, Tham Chỉ nở một nụ cười rạng rỡ: “Anh vẫn luôn đợi mật mã này của em.” Anh đưa tay nâng mặt cậu lên. Hà Hi Lân nhìn thấy trong ánh mắt anh ngập tràn tình yêu —

Và cả khát khao.

Cửa xe bus đóng sầm, tiếng động cơ nổ vang, khung cảnh dần trôi xa.

Bờ môi của Tham Chỉ khẽ mấp máy — đôi tai cậu nghe rõ tiếng anh nói:

“Có thể.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.