Tuyết Sơn Phi Hồ

Chương 11: Chương 11: Những Bí Ẩn Của Thiên Long Môn




Ðào Bách Tuế hắng giọng nói:

-Hồi trẻ, tôi cùng Ðiền Quy Nông cùng nhau làm nghề buôn bán không cần vốn...

Mọi người đều biết ông ta vốn là tay lục lâm, đại trại chủ của ẩm Mã Xuyên Sơn, nhưng không hề biết Ðiền Quy Nông cũng từng là tướng cướp. Ai nấy đưa mắt nhìn nhau.

Tào Vân Kỳ kêu lên:

-Nói bậy! Sư phụ ta là hào kiệt trong chốn võ lâm. Ông đừng có ăn nói bừa bãi,làm bẩn thanh danh sư phụ ta!

Ðào Bách Tuế nghiêm giọng nói:

-Ngươi coi thường anh hùng hắc đạo ư? Nhưng anh hùng hắc đạo có coi bọn chó má nhát gan như ngươi ra gì? Chúng ta mở núi lập trại, dựa vào một thanh đao, một mũi thương mà mưu sinh, so với công việc coi nhà giữ cửa, bảo tiêu làm quan của các ngươi, thử hỏi kém cạnh ở điểm nào?

Tào Vân Kỳ đứng lên toan cãi nữa. Ðiền Thanh Văn kéo áo hắn, bảo nhỏ:

-Sư huynh, đừng cãi nữa, để cho lão kể tiếp đã nào!

Tào Vân Kỳ mặt đỏ tía tai, gườm gườm nhìn Ðào Bách Tuế rồi cũng chịu ngồi xuống.

Ðào Bách Tuế cao giọng nói:

-Ðào Bách Tuế ta đây từ nhỏ đã ở chốn lục lâm, chuyện đánh người cướp của xưa nay chưa từng giấu giếm nửa lời. Ðại trượng phu dám làm dám chịu, sợ cái quái gì?

Miêu Nhược Lan thấy lão nói chệch sang chuyện khác, vội bảo:

-Ðào bá bá, cha cháu cũng nói trong chốn lục lâm thẩy đều là anh hùng hào kiệt,chẳng ai dám coi thường đâu. Bá bá hãy kể tiếp chuyện Ðiền thúc phụ đi!

Ðào Bách Tuế chỉ mặt Tào Vân Kỳ nói:

-Ngươi nghe đó, Miêu đại hiệp cũng nói như vậy. Ngươi có dám tức tối với Miêu đại hiệp không hử?

Tào Vân Kỳ "hừ" một tiếng nhưng không bật lời.

Ðào Bách Tuế đã bớt bực bội, nói:

-Hồi trẻ, Ðiền Quy Nông và tôi đã gây ra nhiều vụ án lớn, tôi luôn là trợ thủ của ông. Tới khi ăn nên làm ra, ông mới bỏ nghề. Nếu ông coi khinh nhân vật hắc đạo thì sao chịu gả con gái độc nhất cho con trai tôi? Có điều, nói đi cũng cần nói lại,ông kết thông gia với tôi chưa chắc đã thực sự có lòng tốt mà là muốn bịt miệng tôi, muốn tôi giấu kín một việc quan trọng. Hồi ấy, Ðiền Quy Nông và Phạm bang chủ chặn vợ chồng Hồ Nhất Ðao ở Thương Châu thì tôi vẫn còn là trợ thủ của ông ta.

Hồ Nhất Ðao ngồi trong xe phi kim tiền tiêu ra, trong số những kẻ bị tiêu phi trúng huyệt đạo có Ðào Bách Tuế tôi đây. Sau đó Hồ phu nhân đứng trên nóc nhà dùng dải lụa trắng đoạt đao, phi trả người thì trong số người bị bà quăng khỏi nóc nhà cũng có một người là Ðào Bách Tuế.

Miêu Nhân Phượng la mắng mọi người là đồ nhát gan, thì trong số đó cũng có tôi là Ðào Bách Tuế, chỉ có điều năm ấy tôi chưa để râu, tóc chưa bạc, hình dạng khác hẳn bây giờ mà thôi.

Tình cảnh lúc sắp chết của hai vợ chồng Hồ Nhất Ðao, tôi có mặt ở đó nên chính mắt nhìn thấy, đúng như lời kể của Miêu cô nương và Bình A Tứ, còn lời kể của hoà thượng Bảo Thụ là hoàn toàn dối trá. Miêu cô nương có hỏi nếu Miêu đại hiệp biết Hồ Nhất Ðao không phải là kẻ thù giết cha mình thì sao còn đi tìm để tỉ thí?

Hẳn chư vị cũng tự nghĩ, nhất định là Bảo Thụ có ác ý không thông báo với Miêu đại hiệp về mấy điều đó chứ gì?

Mọi người quả cũng nghĩ như vậy, chỉ ngại Bảo Thụ có mặt nên không tiện nói ra.

Ðào Bách Tuế lắc đầu nói:

-Lầm rồi, lầm rồi! Hồi ấy thầy lang chữa vết thương đao kiếm là Diêm Cơ bản lĩnh còn thấp kếm, đâu dám giở trò quỉ quái trước mặt hai vị Miêu, Hồ? Quả thật Diêm Cơ theo đúng lời dặn của Hồ Nhất Ðao nói lại ba việc lớn đó, song Miêu đại hiệp lại không được nghe. Khi Diêm Cơ lên nhà trên thì Miêu đại hiệp có việc đi ra ngoài, chỉ một mình Ðiền Quy Nông tiếp gã ta mà thôi. Diêm Cơ thuật lại đầy đủ cho Ðiền Quy Nông nghe. Lúc ấy tôi đứng cạnh, cũng nghe đủ tất cả.

Ðiền Quy Nông bảo với Diêm Cơ: "Rõ cả rồi, ngươi về đi, ta sẽ chuyển lời tới Miêu đại hiệp.

Ngươi có gặp Miêu đại hiệp cũng không cần nhắc lại.

Hồ Nhất Ðao có hỏi thì ngươi cứ bảo là đã trực tiếp bảo với Miêu đại hiệp rồi. Lại bảo họ Hồ mua sẵn ba cỗ quan tài, hai cỗ lớn, một cỗ nhỏ để khi các đại gia đến đỡ phải tốn tiền". Nói xong, Ðiền Quy Nông thưởng cho Diêm Cơ ba chục lạng bạc. Diêm Cơ nhận số bạc đó, tất nhiên là cứ thế làm theo. Sở dĩ Miêu đại hiệp còn đi tìm Hồ Nhất Ðao để tỉ thí bởi Ðiền Quy Nông không hề nói lại cho ông biết về ba sự việc lớn kia. Tại sao không thông báo? Hẳn các vị sẽ đoán: Ðiền Quy Nông căm thù Hồ Nhất Ðao lắm nên muốn mượn tay Miêu đại hiệp giết quách ông ta đi. Ðoán như thế chỉ mới đúng có một nửa thôi. Ðiền Quy Nông quả có mong Hồ Nhất Ðao mất mạng, nhưng ông ta còn mong mượn tay Hồ Nhất Ðao khử luôn Miêu đại hiệp.

Miêu đại hiệp bẻ gẫy cây cung của ông ta, lại nhục mạ ông ta trước mặt mọi người, chẳng giữ thể diện cho ông ta chút nào. Tôi hiểu tính Ðiền Quy Nông lắm,ưa hiếu thắng, hay thù vặt. Miêu đại hiệp làm ông ta mất mặt như thế nên ông ta cũng căm thù Miêu đại hiệp lắm, căm thù hơn cả Hồ Nhất Ðao. Hôm ấy, Ðiền Quy Nông giao cho tôi một hộp thuốc cao, sai tôi tìm cách bôi lên hai thanh đao kiếm của Hồ Nhất Ðao và Miêu đại hiệp dùng để tỉ thí. Việc như thế, thực lòng tôi không muốn làm mà cũng chẳng dám làm, nhưng lại không trái lệnh được. Thế là tôi bèn giao cho tay thầy lang chữa vết thương đao kiếm là Diêm Cơ và bảo gã làm.

Chư vị thử nghĩ xem, công phu của Hồ Nhất Ðao điêu luyện đến mức nào? Nếu chỉ trúng độc thông thường thì làm sao chết ngay được? Diêm Cơ lúc bấy giờ cũng chỉ là thầy lang vườn, làm sao có được thứ độc mà đến các hảo hán trên giang hồ cũng khó lòng giải cứu?

Hồ Nhất Ðao trúng phải chất độc nào? Xin thưa, đó là loại độc bí truyền có một không hai của Thiên Long Môn vậy. Thứ vũ khí Truy Mệnh Ðộc Long Chuỳ mà nhân vật võ lâm nghe tên đã táng đởm kinh hồn đều nhờ loại thuốc độc này mà nổi tiếng đó. Sau này, tôi còn nghe nói trong hộp thuốc cao đó của Ðiền Quy Nông còn trộn thêm cả thuốc của "Ðộc thủ dược vương", cho nên ứa máu, nghẹn cổ, thật lợi hại vô cùng.

Mọi người vốn bán tin bán nghi, nghe đến đây thì đã tin đến tám chín phần. Họ liếc nhìn về phía Nguyễn Sĩ Trung, Tào Vân Kì cùng mấy đệ tử của Thiên Long Môn. Bọn Nguyễn, Tào trong lòng giận lắm song không dám làm gì. Ðào Bách Tuế nói tiếp:

-Ngày hôm đó, Bắc Tông của Thiên Long Môn vừa hết hạn nắm quyền trông nom môn phái, Ðiền Quy Nông cũng chọn ngày này để bế môn phong kiếm. Ông mở tiệc lớn đến mấy trăm anh hùng có tên tuổi trên giang hồ. Tôi với ông vốn là anh em, lại có con gả cho nhau, tất nhiên là tôi đến trước mấy ngày giúp ông lo liệu mọi việc. Theo quy củ của Thiên Long Môn, Bắc tông hết hạn thì kiếm phả, tờ điệp của tổ tông các đời cùng thanh bảo đao, báu vật biểu trưng quyền lực của Thiên Long Môn đều phải giao lại cho Nam Tông coi giữ. Ân huynh, tôi nói thế không sai chứ?

Ân Cát gật đầu, Ðào Bách Tuế lại nói:

-Vị đại tài chủ Ân Cát oai vang trời nam này là chưởng môn Nam Tông của Thiên Long Môn, ông ấy cũng đến trước mấy hôm. Vậy Ðiền Quy Nông phải chăng đã đem kiếm phả, tờ điệp của tổ tông các đời cùng thanh bảo đao trao lại

theo lời tổ dạy, xin Ân sư huynh cứ thực mà nói.

Ân Cát liền đứng dậy nói:

-Việc này nếu Ðào trại chủ không nêu ra thì tại hạ cũng không tiện nói rõ cho người ngoài. Tuy nhiên trong việc này có nhiều điều đáng ngờ. Nếu tại hạ giấu đi không nói thì mỗi ngờ đó khó mà đánh tan được. Ngày hôm đó, Ðiền sư huynh đãi khách xong trở vào nhà trong. Theo phép xưa nay, ông phải triệu tập người của hai chi Nam, Bắc lại, làm lễ trước bài vị của Sấm vương, các vị tổ sáng lập và các chưởng môn các đời sau đó truyền giao bảo đao cho tại hạ. Nào ngờ ông ta vào nhà trong mãi chẳng thấy ra. Tại hạ sốt ruột quá, chờ cho đến nửa đêm. Khách khứa các nơi đều đã về hết, cháu Thanh Văn bỗng từ nhà trong đi ra bảo tại hạ rằng cha cháu không được khỏe, việc trao kiếm phả xin chờ ngày mai sẽ tiến hành. Tôi lấy làm lạ quá, vừa thấy Ðiền sư huynh chào khách, mời rượu, nét mặt không hề có vẻ mệt mỏi, sao bỗng nhiên lại cảm thấy khó ở trong người? Hơn nữa, truyền phải trao đao cũng chỉ cần vái lạy các vị tổ tông một lát là xong, mọi việc đâu vào đấy, hà tất phải chờ đến hôm sau? Hay là Ðiền sư huynh không muốn giao lại bảo đao, cố ý mượn cớ nấn ná?

Nguyễn Sĩ Trung nói xen vào:

-Ân sư huynh, cái lối suy bụng ta ra bụng người đó không đúng đâu! Ngày hôm ấy nếu ông chỉ có việc đến nhận phả, nhận đao thì Ðiền sư huynh đã trao cho ông từ lâu rồi. Nhưng ông lại mời rất nhiều bậc cao thủ của các phái khác tới, hiển nhiên là không có ý tốt.

-Hừm, tôi còn có tâm địa gì xấu nữa? -Ân Cát cười nhạt.

Nguyễn Sĩ Trung nói:

-Ông định hế nắm được phả, điệp và bảo đao là bắt chẹt hai chi Nam, Bắc về một mối để ông làm chưởng môn độc nhất vô nhị chứ gì! Lúc ấy Ðiền sư huynh đã phong kiếm rồi, không thể ra tay động thủ với người khác, người của ông lại đông,há chẳng muốn làm gì thì làm?

Ân Cát hơi đỏ mặt, nói:

-Thiên Long Môn chia làm hai chi Nam, Bắc vốn là theo kế quyền nghi. Năm ấy, khi Ðiền sư huynh mới nhận chức chưởng môn chi Bắc, ông ta há lại không muốn thôn tính chi Nam sao? Cứ như tôi đây, nếu tôi có ý muốn hợp nhất hai chi lại, làm cho chúng ta hiển hách thêm thì đó cũng là một việc hay. Dù sao như thế còn hơn Nguyễn sư huynh nhà ta ra sức lấn át Vân Kỳ để hòng tự mình làm chưởng môn đấy nhỉ?

Mọi người nghe họ lật tẩy nhau, hoá ra cả hai đằng đều có mưu riêng tư, nên trừ người của Thiên Long Môn ra, ai nấy vừa nghe vừa cười hà hà, như sung sướng thấy người khác gặp nạn vậy.

Miêu Nhược Lan không muốn nghe thêm về cuộc tranh giành giữa các chi phái,môn này môn khác trong võ lâm nên lên tiếng khẽ hỏi:

-Chuyện về sau như thế nào ạ?

Ân Cát đáp:

-Tôi trở về nhà bàn bạc với các sư đệ của Nam Tông. Mọi người đều nói Ðiền sư huynh tất có ý khác, chúng ta không thể để mặc cho ông ta lừa dối, thế là cử tôi đi dò xét hư thực.

Lúc ấy, tôi đến phòng ngủ của Ðiền sư huynh để thăm hỏi bệnh tình. Cháu Thanh Văn khóc sưng đỏ mắt, ngăn tôi lại ở cửa nói: "Cha cháu đã ngủ rồi, xin Ân thúc phụ hãy trở về, đa tạ thúc phụ quan tâm!". Tôi thấy thần sắc cháu có vẻ khang khác, nghĩ bụng nếu Ðiền sư huynh thực sự người không được khỏe, thì cũng chẳng phải bệnh nặng khó chữa, cháu chẳng cần khóc lóc ghê gớm đến thế. Chuyện này hẳn có gì lạ đây! Tôi trở về phòng đợi chừng nửa canh giờ, thay quần áo, lại đến ngoài phòng Ðiền sư huynh thăm hỏi sức khoẻ...

Nguyễn Sĩ Trung đập mạnh xuống bàn quát:

-Hừm, thăm hỏi sức khoẻ? Thăm hỏi mà đứng bên ngoài thăm hỏi sức khoẻ được sao?

Ân Cát cười nhạt đáp:

-Cứ kể như tôi nghe trộm đi thì đã sao nào? Tôi nấp bên ngoài cửa sổ, chỉ nghe Ðiền sư huynh nói: "Ngươi không cần phải bức bách ta. Hôm nay ta bế môn phong kiếm và trước mặt các hào kiệt trên giang hồ đã trao lại quyền chưởng môn Bắc Tông Thiên Long Môn cho Vân Kỳ rồi làm sao còn thay đổi được? Ngươi bức ta nhường địa vị chưởng môn cho ngươi lúc này đã muộn rồi!". Tôi lại nghe sư huynh Nguyễn Sĩ Trung nói: "Tôi đâu dám bức bách sư ca? Chỉ nghĩ rằng Vân Kỳ cùng Thanh Văn đã làm cái chuyện đó, con cũng đẻ ra rồi. Việc làm tổn hại đến thuần

phong mỹ tục, vi phạm nghiêm trọng tới điều răn về giới sắc như thế, thử hỏi kẻ trên người dưới trong chúng ta, ai còn phục hắn nữa?

Ân Cát nói đến đây thì bỗng nghe "ầm" một tiếng, cả người lẫn ghế ngồi của Ðiền Thanh Văn lật ngửa về phía sau, cô ta đã ngất đi rồi. Ðào Tử An rút đao ra nhằm đầu Tào Vân Kỳ chém xuống; trong tay Tào Vân Kỳ không có vũ khí, đành giơ ghế lên đỡ. Ðào Bách Tuế nghe nói cô con dâu chưa cưới của mình làm chuyện xấu xa đó thì giận quá hét lớn, rồi cùng vớ lấy chiếc ghế giơ lên quật xuống đầu Tào Vân Kỳ.

Người của Thiên Long Môn vốn một lòng đối phó với người ngoài, nay thấy năm người của mình vạch mặt lẫn nhau thì chẳng ai ghĩ tới việc tương trợ Tào Vân Kỳ cả. "Chát" một tiếng, lưng Tào Vân Kỳ đã bị chiếc ghế của Ðào Bách Tuế đập trúng một đòn nặng. Cảnh tượng trên sảnh lúc này thật rối loạn. Miêu Nhược Lan kêu lên:

-Xin các vị đừng động thủ nữa, mọi người hãy ngồi xuống cả đi!

Lời nói của cô oai nghêm khiến người ta nghe khó cưỡng nổi. Ðào Tử An ngẩn người, thu đao lại. Ðào Bách Tuế vẫn giận giữ điên cuồng, vung ghế đánh tới. Ðào Tử An phải giữ chặt lấy chiếc ghế của cha, nói:

-Cha ơi, mình không nên động thủ vội, hãy để các vị có mặt ở đây nhận xét đúng sai, phải trái trước đã!

Thấy con nói có lí, Ðào Bách Tuế bấy giờ mới dừng tay.

Miêu Nhược Lan gọi:

-Cầm Nhi! Em đỡ Ðiền cô nương vào phòng trong nghỉ đi!

Lúc này, Ðiền Thanh Văn đã dần tỉnh lại, nét mặt tái nhợt, cô cúi đầu tự đi vào phòng trong. Mọi người đổ dồn mắt nhìn Ân Cát, mong nghe kể đoạn sau. Ân Cát nói:

-Tôi nghe Ðiền sư huynh thở dài nói: "Oan nghiệt, oan nghiệt! Báo ứng, báo ứng!". Ông ta nhắc đi nhắc lại luôn mồm: "Oan nghiệt, báo ứng!". Một lúc lâu sau mới nói: "Việc này ngày mai sẽ bàn tiếp. Ngươi đi đi, gọi Ðào Tử An đến đây! Ta có điều muốn nói với hắn!".

Ân Cát liếc nhìn cha con họ Ðào một cái rồi nói tiếp:

-Nguyễn sư huynh còn định cãi lại thì Ðiền sư huynh đập giường quát: "Ngươi định bức ta chết có phải không?". Lúc này Nguyễn sư huynh mới thôi không nói nữa, đẩy cửa bước ra. Tôi nghe họ nói đến chuyện xấu xa trong nhà mình nhưng không liên quan gì đến Nam Tông chúng tôi, lại sợ Nguyễn sư huynh đi ra bắt gặp,khó xử cho hai bên bèn rút lẹ về ngay phòng mình.

Nguyễn Sĩ Trung cười nhạt:

-Tối hôm ấy, tôi nói chuyện xong với Ðiền sư ca, lúc ra về thấy một bóng đen lướt qua mới quát hỏi: "Ðồ chó đẻ nào nghe trộm đây?". Lúc đấy không có tiếng đáp, tôi chỉ nghĩ hắn là tên chó đẻ nào, té ra lại là Ân sư huynh, thật là đắc tội với sư huynh?

Nói xong, Nguyễn Sĩ Trung vái Ân Cát một cái. Cử chỉ bên ngoài là tạ tội mà thực ra là chửi rất đau.

Ân Cát hơi tái mặt song công phu tu dưỡng cực tốt nên cũng vái trả rồi mỉm cười nói:

-Người không biểt thì không có lỗi mà!

Ðào Tử An nói:

-Ðược, bây giờ đến lượt tôi kể. Mọi người đã vạch mặt nhau rồi, nên tôi... cũng chẳng cần giấu giếm điều gì. Tôi... tôi...

Nói đến đây Ðào Tử An nghẹn ngào, xúc động, nói chẳng nên lờ, hai hàng nước mắt tuôn chảy.

Thấy một trang anh hùng trẻ tuổi hiên ngang mà không ngại tỏ ra yếu đuối trước mặt mọi người, ai nấy đều có ý không nỡ, vì vậy trong ánh mắt tia về phía Tào Vân Kỳ có xen cả phần tức giận lẫn oán trách.

Ðào Bách Tuế quát lên:

-Sao lại yếu mềm như thế? Ðai trượng phu đã ai dám chắc vợ hiền con hiếu?

May mà con đó chưa cưới về, có điếm nhục thì cũng chẳng dây đến nhà họ Ðào ta!

Ðào Tử An đưa tay áo lên chùi nước mắt, định thần lại rồi nói:

-Trước đây, mỗi lần tôi đến Ðiền gia trang... đến nhà Ðiền bá phụ...

Tào Vân Kỳ thấy chàng ta ngập ngừng giây lát rồi đổi giọng nói Ðiền Quy Nông là "bá phụ" chứ không phải "nhạc phụ" thì mừng thầm, nghĩ bụng: "Hừ, thằng này ngán rồi, không nhận Thanh Văn làm vợ nữa, thật là mình cầu được ước thấy!".

Lại nghe Ðào Tử An nói tiếp:

-... Hễ có người là Thanh Văn đỏ mặt tránh đi, không chịu nói chuyện với tôi,nhưng khi hai người thì chúng tôi nói chuyện với nhau rất thân mật. Lần nào, tôi cũng mang theo mấy thứ nho nhỏ tặng nàng, nàng cũng tặng lại tôi vài thứ, khi thì thêu cái túi nhỏ, khi thì cái áo cộc tay, chưa lần nào thiếu cái gì...

Vẻ mặt Tào Vân Kỳ dần dần trở nên khó coi, hắn thầm nghĩ: "Hừ, lại còn cái chuyện như vậy mà giấu mặt ta!".

Ðào Tử An nói tiếp:

-Lần này, Ðiền bá phụ bế môm phong kiếm, tôi phấn khởi theo cha tôi tới nơi,vừa nhìn thấy Thanh Văn liền cảm thấy dung nhan nàng tiều tụy như vừa trải qua cơn ốm nặng. Tôi thấy thương quá, thừa lúc vắng người an ủi nàng, hỏi xem ốm bệnh gì. Lúc đầu nàng ấp a ấp úng, tôi cứ hỏi cặn kẽ mãi, nàng tức giận quát tôi mấy câu, từ đó lờ tôi đi. Bị nàng mắng đến đần người ra, tôi đành buồn bực một mình. Hôm đó tiệc rượu tôi nhìn thấy nàng hóng mát trong đình ở vườn hoa phía sau, hai mắt đỏ mọng vì khóc. Bất kể ra sao, tôi liền tới xin lỗi nàng và nói:

"Thanh Văn muội, đều tại huynh không tốt, muội đừng giận huynh nữa!". Nào ngờ nàng sa sầm nét mặt, nổi đoá lên nói: "Hừ, nếu quả huynh không tốt thì cũng xong,đằng này lại là người khác không tốt, muội chỉ muốn chết đi cho rảnh!". Tôi càng ngơ ngác không hiểu, toan nói thêm mấy câu thì nàng đã quầy quậy bỏ đi.

Tôi trở về phòng nằm nghỉ một lát, càng nghĩ càng không yên tâm, thực sự không biết đã làm nàng phật ý ở điểm nào, bèn lẳng lặng trở dậy đi tới phòng nàng, khẽ búng ba cái ngoài cửa sổ. Trước đây, mỗi khi chúng tôi hẹn gặp nhau đều búng ba cái như vậy làm hiệu. Nào ngờ tôi búng đến mấy lượt mà trong phòng vẫn im lặng như tờ. Lúc sau, tôi lại búng lần nữa, vẫn không nghe thấy động tĩnh.

Tôi thấy lạ quá bèn đẩy cửa sổ ra. Cửa không cài, đẩy một cái là mở liền. Trong phòng tối om, chẳng trông thấy gì. Tôi đang muốn gặp nàng để nói chuyện bèn nhảy qua cửa sổ mà vào...

Tào Vân Kỳ nghe tới đây thì nổi ghen tuông dâng lên tận cổ, không sao nén xuống được. Hắn quát to:

-Nửa đêm khuya khoắt lẻn vào phòng nhà người ta, ngươi định giở trò gì?

Ðào Tử An đang tính quát lại thì cô hầu mau mồm của Miêu Nhược Lan là Cầm Nhi đã nhanh miệng bẻ lại:

-Người ta là vợ chồng chưa cưới, ông can thiệp được sao?

Ðào Tử An khẽ gật đầu mỉm cười với Cầm Nhi tỏ ý cám ơn rồi nói tiếp:

-Tôi tới bên giường nàng, thấp thoáng thấy dưới giường có một đôi giầy bèn đánh bạo vén màn, sờ tay vào dưới chăn.

Tào Vân Kỳ đỏ mặt tía tai toan chửi um lên nhưng thấy Cầm Nhi gườm gườm nhìn mình thì đành nuốt giận, thôi không nói nữa, đành nghe Ðào Tử An kể tiếp:

-Tay tôi như chạm phải cái bọc, còn Thanh muội thì không có trên giường. Tôi lấy làm lạ, sờ tay xem là cái bọc gì. Hình như trong bọc là đứa bé mới đẻ khiến tôi giật nảy mình. Sờ kỹ chút nữa thì đấy chẳng phải đứa trẻ thì còn là gì nữa? Có điều toàn thân đứa trẻ lạnh toát vì chết đã lâu mà xem chừng chết vì bị chăn bông chặn lên làm cho ngạt thở.

Chỉ nghe có tiếng nghẹn ngào rồi chén trà trên tay Miêu Nhược Lan tuột rơi xuống đất. Mặt cô tái nhợt, đôi môi run rẩy.

Ðào Tử An kể tiếp:

-Chư vị bây giờ nghe còn cảm thấy sợ thì khi đó chính tay tôi sờ thấy trong bóng tối đủ biết kinh hãi nhường nào. Suýt nữa tôi buộc miệng kêu lên. Ðúng lúc ngoài phòng có một tiếng bước chân rồi có người vào phòng. Tôi vội vàng chui xuống gầm giường. Người ấy đi đến bên giường thì ngồi xuống mép giường nức nở khóc.

Thì ra là Thanh muội. Nàng ôm xác đứa bé trong tay, thơm mãi nó, thì thầm nói:

"Con ơi, con đừng trách mẹ phải ra tay giết con. Lòng mẹ đau hơn dao cắt đây, chỉ vì nếu để con sống thì mẹ không sống nổi. mẹ thật nhẫn tâm, thật có tội với con".

Ở dưới gầm giường, tôi nghe thấy thế thì lạnh cả sống lưng. Lúc ấy tôi mới biết thì ra nàng tư thông với thằng chó chết nào đó, đẻ ra đứa con này rồi lại hạ độc thủ giết hại nó. Nàng bế xác đứa trẻ khóc một hồi, thơm một thôi, cuối cùng đứng dậy,khoác trên người cái áo choàng che lấy đứa bé rồi chui ra khỏi phòng. Ðợi nàng đi rồi tôi mơi chui ra, lẳng lặng theo sau. Lúc ấy tôi vừa buồn vừa giận, chỉ muốn tra xét xem kẻ tư thông với nàng là thằng chó đẻ nào.

Nàng đi ra vườn sau, cầm lấy chiếc xẻng ngắn ở chân tường rồi vượt tường ra ngoài. Dọc đường, tôi bám theo từ xa. Nàng cầm chiếc xẻng ngắn đang tính đào hố chôn chợt thấy cách khoảng mấy chục trượng có tiếng sắt thép va chạm với đất đá.

Trong đêm khuya mà cũng có người khác đang đào mộ. Nàng giật mình, vội vàng ngồi thụp xuống, một lúc sau mới khom lưng từ từ bò đến xem. Tôi nghĩ có lẽ kẻ đào mộ đang đào trộm nên cũng đi theo, thì thấy bên một ngôi mộ có ánh đèn leo lét soi cho một bóng đen đang đào bới.

Tôi nhìn kĩ thì ra người này không đào mộ mà moi một cái hố bên cạnh mộ nhưng không biết chôn dấu cái gì. Tôi thầm nghĩ: "Thế này thì lạ thật, lẽ nào cũng có ai đó đem chôn con đẻ hoang?". Người kia đào một hồi rồi nâng cái bọc dài dài dưới đất lên, dài đúng bằng một đứa bé mới đẻ, bỏ xuống hố, xúc đất đắp lên.

Người đó nghoảnh đầu lại, dưới ánh đèn tôi nhìn thấy rõ ràng, thì ra không phải ai khác mà chính là sư huynh Chu Vân Dương.

Vẻ mặt Chu Vân Dương vốn đã nhợt nhạt, nghe Ðào Tử An nói đến đây thì càng tái xanh. Ðào Tử An kể tiếp:

-Lúc này trong lòng tôi hết sức nghi hoặc, thầm nghĩ: "Lẽ nào tư thông với Thanh muội lại là tên súc sinh này? Sao hắn cũng đến đây chôn đứa trẻ mới đẻ?".

Thanh muội thấy hắn thì nép sát người xuống không dám ra gặp. Chu sư huynh lấp đất thật chắc rồi lại đổ lên trên cỏ nhiều xẻng đất đá nữa để người khác không nhận ra. Xong xuôi mới bỏ đi.

Chu sư huynh đi xa rồi Thanh muội vội vàng đào hố chôn xác đứa bé, sau đó mới gạt hết đất đá, moi cái hố của Chu sư huynh ra để xem chôn thứ gì. Tôi nghĩ thầm: "Nàng không ra tay thì tôi cũng đào lên. Nay thì tôi đỡ phải mất công rồi!".

Thanh muội vừa giơ xẻng đào được mấy nhát thì Chu sư huynh bỗng từ đằng sau mộ bước ra kêu lên: "Thanh Văn muội, muội làm gì thế?". Thì ra hắn suy tính rất chu đáo, chôn xong giả vờ bỏ đi, lát sau mới quay lại quan sát. Thanh muội giật nảy người, buông rơi xẻng xuống đất, không biết nói gì.

Chu sư huynh lạnh lùng lên tiếng: "Thanh Văn muội, muội biết tôi chôn cái gì mà tôi cũng biết muội chôn cái gì. Muốn dấu nhẹm thì cả hai đều giấu, còn muốn vạch trần thì cả hai cùng vạch trần!". Thanh muội nói "Ðược, vậy thì huynh thề đi!". Chu sư huynh lập tức thề độc. Thanh muội cũng thề theo. Hai người hẹn nhau cùng giấu kín rồi cùng trở về trang trại.

Tôi nhìn vẻ mặt hai người dường như họ có tình riêng gì đó song lại có vẻ như không phải. Xem ra thì đứa trẻ không phải con của Chu sư huynh. Tôi bèn lẳng lặng theo sau họ, tay cầm ám khí có chất độc, chỉ cần hai người tỏ vẻ thân mật với nhau, nói nửa câu khiến tôi nghe không lọt tai là tôi cho hắn chết ngay.

Cùng may số hắn còn đỏ, cả hai từ bãi tha ma về trang trại đều đi cách nhau một quãng xa, không nói với nhau câu nào.

Thanh muội về phòng riêng thì sụt sùi khóc mãi. Tôi đứng dưới cửa sổ phòng cố nghĩ tới nghĩ lui và nghĩ đủ cách. Tôi toan xông vào chém chết nàng, toan thiêu trụi Ðiền gia trang, toan nói vung chuyện xấu xa của nàng cho mọi người đều biết và cũng toan chạy tới ôm lấy nàng khóc rống lên. Cuối cùng tôi quyết định, trước mắt hãy làm thinh, điều tra xem gian phu là đứa nào rồi hãy hay.

Người lạnh toát, tôi trở về phòng. Cha tôi đã ngủ yên, còn tôi cứ đứng sững.

Không biết bao lâu thì Nguyễn sư thúc tới gọi tôi, nói Ðiền bá phụ muốn gặp tôi nói gì đó. Tôi thầm nghĩ: "Ðến lúc phải nói rồi, song xem ông ta nói thế nào? Ông ta muốn ta đồng ý huỷ bỏ hôn ước hay gạt ta không biết gì, tặng ta cái khăn xanh sẵn có cho ta đội? ( Khăn xanh: Chỉ người bị cắm sừng ). Nguyễn sư thúc nói đêm khuya không đi cùng tôi nữa, bảo tôi đi một mình. Tôi ngại có điều bất trắc liền đánh thức cha tôi, bảo ông đề phòng. Còn tôi mang theo vũ khí, ám khí trong người, cả cung tên cũng giấu trong áo.

Ðến phòng Ðiền bá phụ, tôi thấy ông nằm trên giường, mắt ngây dại nhìn sững lên nóc giường, trong tay cầm một mảnh giấy trắng, không hề biết có tôi trong phòng. Tôi dặng hắng một tiếng rồi gọi "Cha ơi?". Ông giật mình, giấu tờ giấy xuống dưới nệm, nói: "à, Tử An đấy ư con?". Tôi nghĩ thầm: "Rõ ràng ông cho gọi tôi mà còn cứ vờ vịt". Nhưng nhìn thần sắc thì ông quả có vẻ rất sợ hãi. Ông bảo tôi cài chặt cửa nhưng lại mở cửa sổ đề phòng có kẻ dứng ngoài cửa sổ nghe trộm.

Xong, ông run run nói: "Tử An, chỉ một sớm một chiều là ta gặp nguy, nhờ cậy con cứu mạng cho ta. Con phải làm cho ta một việc này!".

Tào Vân Kỳ cố nhịn mãi, nghe đến đây thì đứng vụt dậy, chỉ thẳng tay vào mặt Tử An nói:

-Nói bậy nói bạ! Sư phụ ta công phu như thế nào, còn một kẻ như ngươi thì có bản lĩnh gì mà cứu ông?

Ðào Tử An không thèm để ý đến hắn, coi như trước mặt không hề có con người đó, chỉ hướng về phía Bảo Thụ và những người khác nói tiếp:

-Tôi nghe ông nói như vậy thì lấy làm lạ quá, vội thưa: "Xin cha cứ sai bảo, con dù có nhảy vào nước, giẫm trên lửa bỏng cũng không từ". Ðiền bá phụ gật đầu, lấy từ dưới chăn bông ra một cái bọc bằng gấm, trao vào tay tôi, nói: "Con cầm vật này đi suốt đêm ra ngoài quan ải, tìm chỗ vắng người chôn xuống. Nếu để không một ai biết được thì con đã cứu sống ta rồi đó!".

Tôi nhận lấy cái bọc vừa nặng vừa cứng tựa như một vũ khí bằng thép đó, hỏi:

"Thưa cha, đây là cái gì? Ai toan làm hại cha?". Ðiền bá phụ xua tay liền mấy cái,ra chiều mỏi mệt lắm, nói: "Con mau đi thôi, ngay cả cha con cũng đừng nói gì hết,chậm chốc lát là không kịp nữa rồi. Cái bọc này con nhất thiết cũng không được mở ra xem". Tôi không dám hỏi nữa, quay người ra khỏi phòng. Vừa ra tới cửa thì Ðiền bá phụ lại nói: "Tử An, con giấu cái gì dưới áo bào thế?". Tôi giật mình, thầm nghĩ: "Mắt ông ta tinh thật!". Ðành nói thật rằng: "Ðây là vũ khí và cung tên. Hôm nay đông khách, con sợ có kẻ xấu trà trộn vào nên phải mang phòng". Ðiền bá phụ

lại bảo: "Tốt, con sáng suốt giỏi giang đấy! Vân Kỳ học được ở con một chút thôi cũng là tốt rồi. Này, con đưa cung tên cho ta!".

Tôi lấy cung tên từ trong áo đưa cho ông. Ông lấy ra một mũi tên ngắm nhìn giây lát rồi lắp vào cung, bảo tôi: "Con đi mau lên!". Thấy bộ dạng ông như thế, tôi hơi hoảng nghĩ thầm: "Ông chớ có bắn một phát vào lưng tôi đấy nhé!". Tôi khom lưng giả vờ vái chào rồi từ từ đi giật lùi trở ra, ra đến cửa mới thoắt quay người. Từ ngoài cửa tôi nhìn thấy ông gương cung chĩa tên nhằm vào cửa sổ, rõ ràng là đề phòng kẻ thù đột nhập từ cửa sổ vào.

Tôi trở về phòng mình, lòng đầy nghi hoặc về chuyện vừa rồi. Thầm nghĩ sắc mặt Ðiền bá phụ có đến bảy phần kinh hoàng, ba phần bí mật, có thể đoán chắc ông chẳng hề có ý tốt gì đối với tôi. Tôi bèn kể lại sự việc đo cho cha tôi biết,nhưng lại sợ ông nổi giận nên tôi giấu không nói chuyện của Thanh Văn muội cho ông hay. Cha tôi nói: "Hãy xem trong bọc này là cái gì đã". Tôi cũng đang có ý định này, hai cha con bèn mở bọc, thì ra trong đó là cái hộp sắt này.

Năm xưa chính mắt cha tôi nhìn thấy Ðiền bá phụ cướp chiếc hộp sắt của Hồ Nhất Ðao, rồi cất thanh bảo đao, vật báu biểu trưng quyền lực của Thiên Long Môn vào trong chiếc hộp. Cha tôi nói: "Việc này, lạ thật!". Ông biết trong hộp sắt có cài mũi tên ngắn, cũng biết cách mở hộp nên ngay lúc đó theo đúng cách mà mở ra. Hai cha con vừa nhìn vào hộp thì liếc nhìn nhau, không nói nên lời, bởi trong chiếc hộp trống không, chẳng có một vật gì. Cha tôi kêu lên: "Thế là thế nào?".

Tôi nhận ra ngay có điều không ổn và lập tức hiểu rõ mọi sự. Ðây ắt là một kế độc của Ðiền phá phụ để hãm hại tôi. Ông giấu thanh bảo đao ở nơi khác rồi trao hộp không cho tôi. Ông tất sai người ngăn tôi lại giữa đường và sau khi bắt dược tôi thì vu cho tôi là ăn cắp thanh bảo đao của ông rồi bắt tôi giao nộp. Tôi không nộp được đao thì nếu ông không giết tôi cũng bắt tôi phải thôi chuyện hôn nhân với Thanh muội để ông gả nàng cho Tào sư huynh. Cha tôi không biết căn nguyên việc này tất nhiên không thấy rõ độc kế đó. Tôi cũng không tiện nói rõ cho cha biết nên ngẩn người ra hồi lâu. Hai cha con tôi trao đổi một lúc mà không biết xử trí cách nào.

Tào Vân Kỳ nghe nói thế hét lớn:

-Ngươi giết chết sư phụ ta, ăn trộm vật chí bảo của Thiên Long Môn mà còn dám nói bậy bạ. Chuyện bịa đặt đó không lừa nổi đứa trẻ lên ba nữa là!

Ðào Tử An cười nhạt:

-Tuy Ðiền bá phụ đã chết không thể đối chứng được nhưng trong tay tôi còn có chứng cớ đây!

Tào Vân Kì lồng lộn như sấm sét, quát:

-Chứng cớ? Chứng cớ nào? Ðưa ra đây cho mọi người cùng thấy đi!

Ðào Tử An nói:

-Tới lúc cần tôi sẽ đưa ra, không cần ngươi sốt ruột. Thưa chư vị, vị sư huynh họ Tào này cứ luôn ngắt lời tôi, chi bằng mời hắn nói vậy.

Bảo Thụ lạnh lùng nói:

-Tào Vân Kỳ, đồ chó chết kia! Mi toan húc lão hoà thượng này rơi xuống núi, ta còn chưa tính sổ với mi đó! Mi trừng mắt gân cổ lên làm gì?

Tào Vân Kỳì bị chửi lạnh cả gáy, không dám ho he gì nữa. Ðào Tử An nói tiếp:

-Tôi biết rằng chỉ cần cầm cái hộp sắt này ra khỏi nhà họ Ðiền thì nếu không gặp họa lớn cũng tiêu tan thanh danh. Tôi bèn nói với cha tôi: "Cha ơi, trong việc này có điều kì quặc, thôi con đem bọc này trả nhạc phụ chứ không thể để gây họa được". Tôi gói chiếc hộp sắt vào trong tấm gấm, nhẩm sẵn mấy câu ngầm vạch trần quỷ kế của ông ta để hai bên hiểu nhau, không cần nói nhiều.

Khi tôi mang cái bọc tới ngoài phòng Ðiền bá phụ thì đèn trong phòng ông đã tắt, cửa sổ và cửa phòng đều đóng chặt. Tôi nghĩ việc này thế nào cũng sẽ phải xảy ra, không nên trì hoãn, nên đứng ở ngoài cửa sổ gọi to: "Cha ơi, cha ơi!". Trong phòng không có tiếng trả lời. Tôi ngờ vực, nghĩ thầm: "Võ công của ông ta đến thế thì dù có ngủ say cũng lập tức tỉnh giấc, không chừng ông ta cố ý không thưa cũng nên".

Tôi càng nghĩ càng sợ, cảm thấy đệ tử của Thiên Long Môn đang mai phục ngay bên cạnh, lập tức xông ra ngay bây giờ, buộc tôi phải nộp bảo đao. Tôi vừa đạp cửa, vừa nói rõ đầu đuôi: "Cha ơi! Cha con bảo con đem cái bọc này trả lại cho cha. Con và cha con có việc gấp, không thể làm giúp việc như cha giao phó. Cái bọc này con chưa hề mở ra đâu!". Tôi đáp liền mấy lượt, trong phòng vẫn lạnh như tờ. Tôi cuống lên, lấy dao cậy then cửa ra, đẩy cửa bước vào, đánh đá lửa thắp nến lên, bất giác hoảng hốt ngây người: Ðiền bá phụ đã chết trên giường, một mũi tên dài ngăm giữa ngực. Ðấy chính là mũi tên có cánh mà tôi thường dùng, còn cây cung thì đặt trên bàn. Vẻ mặt ông kinh hãi khác thường, dường như trước khi chết ông trông thấy yêu ma quỷ quái ghê gớm lắm thì phải.

Tôi ngẩn người ra một lúc, không biết phải làm thế nào. Cửa sổ và cửa ra vào đều đóng chặt, không rõ hung thủ nào giết Ðiền bá phụ làm thế nào lọt được vào,sau khi hạ thủ thoát ra bằng lối nào? Tôi ngẩng nhìn mái nhà nhưng gói lợp vẫn nguyên vẹn, không xô vỡ, vậy thì hung thủ cũng không vào ra bằng lối dỡ ngói.

Tôi đi xem kỹ nữa, chợt nghe ngoài hành lang có tiếng chân người đi tới. Tôi nghĩ Ðiền bá phụ chết dưới mũi tên của tôi, nếu lúc này có người vào đây, tôi làm sao chối bỏ được mối can hệ? Tôi vội vàng nhặt lấy cung tên trên chăn, đang định rút mũi tên trên ngực ông ta thì bất chợt dưới ánh nến, tôi thấy trên giường còn có hai thứ nữa. Lần giật mình này còn hơn cả lần trước, tay tôi run bắn, đài nến tuột rơi, nến tắt ngóm.

Hẳn chư vị không thể đoán được tôi trông thấy vật gì. Vật thứ nhất là thanh bảo đao, vật thứ hai là xác đứa trẻ Thanh muội đem chôn. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đứa bé này không cam chịu chết uổng nên chui từ mồ lên đòi mạng. Trong lúc hoảng loạn,tôi tiện tay vớ lấy bảo đao rồi chuồn. Vừa chạy tới cửa, tôi bỗng nhớ ra một việc,liền lộn trở lại giơ tay lần dưới nệm nằm của Ðiền bá phụ, quả nhiên sờ thấy mảnh giấy kia. Tôi đoán cái chết của ông hẳn có liên quan nhiều với mảnh giấy này nên nhét vào trong người. Ðang định giơ tay rút mũi tên thì tiếng chân người đến gần,có ba người đi đến cửa. Tôi thầm kêu: "Nguy to! Lần này cửa bị chẹn, tính mệnh Ðào Tử An này nguy mất!".

Trong lúc nguy cấp, thấy không có chỗ nào trốn được, tôi đành lại chui xuống gầm giường. Tôi nghe ba người đẩy cửa vào, thì ra là Nguyễn sư thúc và hai sư huynh Tào, Chu. Nguyễn sư thúc gọi: "Sư ca, sư ca!". Không thấy tiếng đáp, ông gọi Chu sư huynh thắp nến lên. Tôi nghĩ đợi khi thắp được nến, thấy Ðiền bá phụ chết uổng, thế nào họ cũng lục soát, vậy thì tính mạng tôi đi đời, chi bằng nhân lúc tối tăm mình vọt ra là hơn. Nguyễn sư thúc và Tào sư huynh đều là bậc cao thủ,một mình tôi không sao địch nổi hai người, nhưng xuất kì bất ý may ra thoát được.

Lúc này cần phải quyết đoán ngay, không thể nấn ná được, nghĩ thế nên tôi từ từ bò ra tới mép giường đang tính vọt chạy thì chợt tay tôi đưa ra chạm ngay phải mặt một người. Thì ra dưới gầm giường đã có người chui xuống trước tôi. Tôi suýt nữa kêu lên thất thanh thì người kia đã giơ tay bấm chặt mạch môn của tôi. Tôi thầm kêu đau, người đó bèn khẽ nói vào tai tôi: "Ðừng lên tiếng, cùng vọt ra!". Tôi đang mừng thầm thì đúng lúc đó trước mắt sáng bừng, Chu sư huynh đã xách đèn lồng đi vào.

Bỗng nghe "bụp" một tiếng, người kia đã tung ám khí làm đèn phụt tắt. Tôi lăn tròn ra khỏi gầm giường xông thẳng ra ngoài. Người dưới gầm giường cũng chạy theo sau. Nguyễn sư thúc kêu lên: "Bọn giặc giỏi nhỉ!" rồi vung chưởng đánh.

Nguyễn sư thúc võ công cực cao, xem chừng người kia cũng không thể thoát, tôi vội vàng chạy về phòng gọi cha tôi, ngay đêm đó trốn khỏi Ðiền gia trang.

Ðầu đuôi sự việc là như thế. Chiếc hộp sắt này do chính tay Ðiền bá phụ trao cho tôi, bảo tôi đem chôn ngoài biên ải, tôi làm theo lời dặn của ông. Các sư thúc,sư huynh Thiên Long Môn thấy mũi tên có cánh trên ngực Ðiền bá phụ, tất nhiên ngờ tôi hạ thủ giết hại ông, điều đó cũng không đáng trách. Chỉ tiếc rằng tôi không biết người dưới gầm giường sau đó ra sao. Nếu không đã có thể làm chứng. Song dù không tìm được người đó, tôi cũng biết được hung thủ giết hại Ðiền bá phụ là ai.

Xin các vị xem đây, mảnh giấy này là mảnh giấy Ðiền bá phụ giấu dưới nệm khi trông thấy tôi. Ông sợ kẻ thù đến giết hại ông nên giương cung lắp tên nhắm ra

cửa sổ đợi kẻ đó đến. Nhưng rốt cục kẻ thù đó cũng đến, còn Ðiền bá phụ thì không thoát nổi tay hắn.

Nói đến đây, Ðào Tử An rút trong người ra một cái túi thêu hoa. Mọi người thấy túi đó thêu rất tinh xảo, đoán là Ðiền Thanh Văn làm ra nên đều quay đầu nhìn cả vào Tào Vân Kỳ. Thấy hắn tức giận đến mức mắt như bắn ra tia lửa, ai nấy đều cười thầm. Ðào Tử An mở túi rút ra một mảnh giấy, đang định đưa cho Bảo Thụ thì lại ngần ngừ rồi đưa cho Miêu Nhược Lan.

Mảnh giấy đó gấp vuông vắn, Miêu Nhược Lan đỡ lấy mở ra coi. Cô khẽ "ồ" lên một tiếng khi thấy trên giấy viết đậm hai hàng chữ như sau:

"Chúc mừng Ðiền lão tiền bối bế môn phong kiếm, phúc thọ ven toàn.

Dưới cửa hầu dạy bảo là vãn sinh Hồ Phỉ kính lạy".

Hai dòng chữ này nét bút cứng cáp, giống hệt nét chữ trong tờ thiếp chào do hai đứa tiểu đồng lúc nẫy mang lên, hẳn là do chính tay Tuyết Sơn Phi Hồ là Hồ Phỉ viết nên. Bàn tay Miêu Nhược Lan cầm tờ giấy run run, cô khẽ nói: "Lẽ nào lại là chàng?".

Nguyễn Sĩ Trung cầm mảnh giấy từ trong tay Miêu Nhược Lan lên coi, nói:

-Ðây chính là nét bút của Hồ Phỉ. Như vậy thế là chúng ta đã trách lầm Tử An rồi!

Lão bỗng quay người lại nhìn Lưu Nguyên Hạc rồi nói:

-Lưu đại nhân, vậy thì ngài núp dưới gầm giường Ðiền sư huynh chúng tôi làm gì? Ngài mai phục sẵn cho Tuyết Sơn Phi Hồ có phải không?

Mọi người nghe nói đều giật mình, cả Tào Vân Kỳ và Chu Vân Dương cũng chẳng hiểu ra sao. Ðêm ấy, trong bóng tối, người ở dưới gầm giường giao đấu vài hiệp với Nguyễn Sĩ Trung rồi chạy đi luôn, sau đó ba người cùng đoán nhưng rốt cuộc không biết là ai, làm sao lúc này ông ta đột nhiên lại hỏi độp Lưu Nguyên Hạc như vậy?

Lưu Nguyên Hạc chỉ cười nhạt một tiếng chứ không chịu đáp lời. Nguyễn Sĩ Trung lại nói:

-Ðêm ấy trong bóng tối, tại hạ không kịp nhìn rõ diện mạo của bậc quân tử dưới dưới gầm giường, nhưng thầm phục võ nghệ tài giỏi của ông ta. Ba chú cháu tôi chẳng những không chặn nổi ông ta mà cả đến lai lịch gốc gác của ông ta cũng chẳng biết mảy may, quả thật là bất tài. Hôm nay, trong cuộc tỉ thí trên tuyết, tôi được cùng Lưu đại nhân giao đấu, mới nhận ra đúng là thân thủ của bậc quân tử dưới gầm giường ngày ấy. Hà hà, may mắn gặp gỡ! Hà hà, đáng tiếc, đáng tiếc!

Chu Vân Dương biết sư thúc lúc này cần có người đỡ lời, chẳng khác gì vai phụ trong đấu khẩu, nếu không thì không nói tiếp được nên mới hỏi:

-Sư thúc, đáng tiếc cái gì thế?

Nguyễn Sĩ Trung nhướn mày, cao giọng nói:

-Ðáng tiếc đường đường một vị thị vệ ngự tiền là Lưu đại nhân mà lại bất chấp danh phận, làm cả những trò trèo tường khoét gạch, trộm chó mó gà như vậy!

Lưu Nguyên Hạc cười ha hả, nói:

-Nguyễn đại ca chửi hay lắm, chửi đã lắm! Ðêm ấy, núp dưới gầm giường Ðiền Quy Nông đúng là tại hạ chứ không sai đâu. Ngài chửi tôi là trộm chó mó gà cũng đúng nốt!

Nói đến đây, vẻ mặt Lưu Nguyên Hạc lộ vẻ đắc ý. Lão nói tiếp:

-Chỉ có điều tại hạ trộm chó mó gà lại là phụng thánh chỉ của Hoàng thượng mà làm đó thôi!

Mọi người lấy làm lạ, ngờ lão nói nhăng nói cuội, song nghĩ lại, lão là thị vệ trong cung nhà Thanh, thì e quả thật phụng chỉ để đối phó với Thiên Long Môn cũng chưa biết chừng. Người của Thiên Long Môn ai cũng đều có gia đình, đều làm ăn buôn bán giàu có, nghe thế bất giác chột dạ. Ân Cát là một tài chủ lớn nổi tiếng của Lưỡng Quảng nên càng lo sợ trong lòng.

Lưu Nguyên Hạc thấy chỉ một câu đã khiến cả bọn lo ngại thì càng dương tự đắc nói thêm:

-Việc đến thế này tôi cần phải nói rõ cho các vị biết, lát nữa có khi phải nhờ vả các vị. Có một vật này hoặc giả các vị chưa từng thấy bao giờ chăng?

Nói xong lão lấy từ trong người ra một túi lớn màu vàng, ngoài có đề hai chữ "mật lệnh". Lão mở miệng túi lấy ra một tờ giấy vàng, đọc to lên:

"Phụng mật dụ. Lệnh cho Ngự tiền nhất đẳng thị vệ Lưu Nguyên Hạc theo đúng kế thi hành, không được để lỡ. Tổng quản họ Trại".

Ðọc xong, lão trải tờ giấy vàng trên bàn cho mọi người cùng xem.

Bọn Ân Cát, Ðào Bách Tuế là người hiểu nhiều biết rộng, thấy trên tờ giấy vàng có dấu son đỏ chói thì biết ngay đó quả thật là mật lệnh của quan tổng quản thị vệ Trại Thượng Ngạc gửi xuống. Trại tổng quản xưa nay có tiếng là đệ nhất cao thủ vùng Mãn Châu, vốn được vua Càn Long rất vị nể. Lưu Nguyên Hạc nói:

-Nguyễn đại ca, ngài không cần trợn mắt vênh râu với tôi. Việc này từ đầu là do sư huynh ngài là Ðiền Quy Nông gây ra. Một hôm Trại tổng quản mời mười tám tên thị vệ chúng tôi đến phủ tổng quản ăn cơm tối. Mười tám người chúng tôi được bạn bè bên ngoài phủ tặng cho một biệt hiệu là "mười tám cao thủ trong đại nội".

Thực ra, dựa vào một chút bản lĩnh của "mèo ba chân", chúng tôi sao xứng đáng với hai chữ "cao thủ"? Chẳng qua bạn bè thích gọi như thế, thích thiếp vàng lên mặt mũi chúng tôi, vậy cũng đành chịu, phải thế không nào?

Chúng tôi vừa tới thì Trại tổng quản bảo hôm nay muốn giới thiệu với chúng tôi một vị danh nổi như cồn trong võ lâm. Trại tổng quản vào nhà trong dẫn ra một người, người này lưng thẳng dứng, dánh đi mạnh, hai mắt sáng, quả nhiên là cốt cách đáng mặt cao thủ võ lâm. Tóc mai tuy đã muối tiêu nhưng diện mạo vẫn cực kỳ tuấn tú, hẳn hồi trẻ phải là trang nam tử điển trai. Trại tổng quản cao giọng nói:

"Thưa anh em, vị này là chưởng môn Bắc Tông của Thiên Long Môn, nhân vật tiếng tăm lừng lẫy trong võ lâm, Ðiền Quy Nông đại ca!".

Chúng tôi nghe xong đều hơi sửng sốt. Mọi người đều biết danh tiếng Ðiền Quy Nông, duy có điều Thiên Long Môn xưa nay vốn ít qua lại với quan phủ, không biết Trại tổng quản nhờ đâu mà mời được ông ta đến. Trong bữa ăn, Ðiền đại ca cũng khách khí lắm, nói rất nhiều lời khách sáo về mối giao tình song không hề hé một câu nào về nguyên nhân ông tới kinh. Cho tới khi ăn uống xong, Trại tổng quản mời mọi người sang phòng bên uống trà, Trại tổng quản và ông ta mới nói nguyên nhân vì sao.

Thì ra Ðiền đại ca tuy thân tại giang hồ nhưng lòng trung quân báo quốc thì không kém gì chúng tôi là người đang tại chức. Lần này ông tới kinh là vì có một kho báu muốn dâng lên Hoàng thượng. Kho báu này là kho vàng bạc châu báu mà tên phản nghịch Lý Tự Thành vơ vét được ở Bắc Kinh. Ðiền đại ca cho biết muốn tìm kho báu này phải có đủ hai đầu mối, phải ghép hai đầu mối này mới có thể tìm ra. Một đầu mối là thanh bảo đao của Lý Tự Thành hiện do Thiên Long Môn nắm giữ, đại ca đang mang bên mình. Một đầu mối nữa còn khó tìm, đó là bản đồ chỉ nơi cất giấu kho báu, vốn là vật truyền từ đời này sang đời khác của nhà họ Miêu.

Chỉ có bảo đao mà không có bản đồ thì cũng không thể biết kho báu ở chỗ nào.

Nếu như cùng có hai vật báu này đem ghép lại thì việc tìm kho báu dễ như trở bàn tay.

Chúng tôi tuy làm quan nhưng ai nấy vốn đều xuất thân võ lâm. Vừa nghe tới ba chữ "Miêu gia kiếm" đều nghĩ: "Kim Diện Phật Miêu Nhân Phượng nổi danh "Ði khắp thiên hạ không địch thủ" ghê gớm đến thế, ai dám gây sự với ông ta?". Ðiền đại ca thấy chúng tôi có vẻ ngần ngại thì mỉm cười nói: "Nếu tại hạ không nghĩ tới kế sách đối phó với Miêu Nhân Phượng thì làm sao dám khinh xuất đến đây làm kinh động tới các vị?". Trại tổng quản vội hỏi kế sách gì, Ðiền đại ca liền trình bày một hồi, khiến người nghe gật gù liền, đồng thanh khen là diệu kế. Diệu kế đó rốt cuộc là gì, khi nào đến lúc, các vị tất biết cả thôi, lúc này không cần nói nhiều.

Ngày hôm sau, Ðiền đại ca từ biệt rời kinh. Trại tổng quản liền sai chúng tôi tiến hành đúng kế. Trại tổng quản suy nghĩ về việc này thấy Ðiền đại ca không muốn làm quan cũng không màng của cải, sao vô duyên vô cớ lại biếu không một món béo bở như thế cho nhà quan? Trong thiên hạ đâu có người tốt đến thế? Trại tổng quản ngờ trong việc này phải có nguyên nhân khác, bèn bí mật cử mấy người đi khỏi kinh do thám. Tôi rời kinh không bao lâu thì được tin Ðiền đại ca bế môn phong kiếm, bèn chuẩn bị lễ vật đến nhà chúc mừng.

Lúc gặp mặt Ðiền đại ca, ông tỏ ra rất vui, nói rằng quý khách đến nhà thật là việc chẳng mấy khi có, sau đó lẳng lặng nhờ tôi làm giúp một việc. Ân đại ca, việc này nói ra xin đại ca đừng giận, ấy là ông bảo tôi đến gặp phủ quan để vu cho đại ca một tội danh nào đó, nhốt đại ca vào nhà ngục vài ba năm hẵng hay.

Ân Cát giật nảy người, sờn gai ốc, run run hỏi:

-Thì ra Ðiền sư huynh là con người như vậy. May mà được Lưu đại nhân soi xét,không nỡ bắt tội, tại hạ thế nào cũng phải báo đáp cho xứng.

Lưu Nguyên Hạc cười nói:

-Có gì đâu! Lúc ấy tôi hỏi ông ta có thù oán thế nào với Ân đại ca, mới biết theo quy củ của Thiên Long Môn thì thời hạn người chưởng môn Bắc tông nắm giữ bảo đao đã hết, thanh bảo đao vật báu biểu trưng phải chuyển cho Nam Tông, không trì hoãn, nếu bảo đao rơi vào tay Ân đại ca mà muốn đòi lại thì không tránh khỏi rắc rối. Lý do đó cũng đúng nhưng tôi bất giác càng nghi ngờ hơn. Lúc ấy tôi chỉ vâng vâng dạ dạ, không ra nhận lời cũng không hẳn từ chối, chỉ đứng sang một bên để xem sự thể ra sao mà thôi.

Sau bữa tiệc, tôi nghĩ thanh bảo đao của Ðiền đại ca thế nào cũng phải chuyển giao, khó mà thoái thác được. Tôi có cách giúp ông trong việc này. Nếu tôi lấy trộm thanh đao giấu đi, Ðiền đại ca ắt không thể bàn giao được. Ân đại ca dù có bất mãn thì cũng chẳng làm gì được. Ðây đúng là một thời cơ tốt cho tôi lập đại công báo ơn vua, sao có thể dễ dàng bỏ qua? Thế là tôi lẳng lặng lẻn vào phòng Ðiền đại ca, đang định tìm bảo đao thì nghe ngoài cửa có tiếng chân người, thì ra là Ðiền đại ca trở về phòng. Ðang lúc cấp bách, tôi đành nấp dưới gầm giường.

Ðiền đại ca về đến phòng thì mở hòm lấy chiếc hộp sắt ra. Bỗng ông kêu lên:

"Trời, đao đâu rồi?". Tôi nghe tiếng kêu ấy hoảng hốt khác thường chắc không phải giả vờ. Xem ra thanh bảo đao đã bị ai đó ăn trộm. Ông lập tức gọi con gái vào hỏi. Ðiền cô nương cũng không biết nên rất cuống quýt. Lát sau Nguyễn đại ca vào phòng, hai vị sư huynh sư đệ tranh cãi gay gắt với nhau về chuyện ám muội giữa Tào Vân Kỳ và Ðiền cô nương. Một lúc sau, Ðiền đại ca bảo Nguyễn đại ca đi gọi thế huynh Ðào Tử An đến.

Ðiền đại ca trao chiếc hộp sắt cho Ðào thế huynh, sai thế huynh đem chôn ngoài quan ải. Tôi núp dưới gầm giường nghe rõ mồn một, nghĩ bụng anh chàng ngốc Ðào Tử An phen này mắc bẫy lớn rồi.

Ðào thế huynh đi rồi, tôi ở dưới gầm giường nghe tiếng Ðiền đại ca đập tay xuống giường thở dài, miệng lẩm bẩm: "Gớm thay Hồ Nhất Ðao, gớm thay Miêu Nhân Phượng!". Lúc ấy, tôi không biết Hồ Nhất Ðao là ai, lại tưởng Miêu Nhân Phượng ăn trộm thanh đao báu. Nhưng hoá ra ông nhận được tờ thiếp của Tuyết Sơn Phi Hồ Hồ Phỉ, con trai Hồ Nhất Ðao, tự biết khó tránh khỏi được cái chết, cho nên rất hoảng sợ. Chẳng may đúng lúc này thanh bảo đao lại bị mất trộm, ông không thể cao chạy xa bay, bỏ mặc mọi chuyện.

Rồi Ðiền cô nương trở lại phòng nói: "Cha ơi, con tìm ra tung tích thanh bảo đao rồi!". Ðiền đại ca bật dậy, kêu lên: "ở đâu?". Ðiền cô nương bước đến gần nói khẽ:

"Chu sư huynh lấy trộm đây!". Ðiền đại ca nói: "Thật ư? Hắn đâu? Ðao đâu?".

Ðiền cô nương đáp: "Chính mắt con trông thấy Chu sư huynh đem bảo đao chôn ở một nơi". Ðiền đại ca bảo: "Tốt lắm, con mau đi đào lên!". Ðiền cô nương nói:

"Cha cho gọi Chu sư huynh đến, con nấp sau cửa. Cha hỏi sư huynh xem có ăn trộm bảo đao không. Nếu nhận, con sẽ ghim một trái Ðộc Long Chuỳ vào lưng hắn". Tôi nghĩ thầm thủ đoạn cô gái này độc ác thật. Lại nghe Ðiền đại ca nói:

"Cha bẻ gẫy bộ giò của nó là được rồi, bất tất phải lấy tính mạng hắn!". Ðiền cô nương nói: "Nếu cha không theo lời con, con không đi lấy đao cho cha đâu!". Ðiền đại ca lưỡng lự giây lát rồi nói: "Thôi được, con mau đi lấy đao về đây, xong rồi tuỳ con xử trí nó thế nào cũng được". Thế là Ðiền cô nương quay người bước ra.

Lúc ấy tôi không biết Ðiền cô nương có thù oán gì với Chu sư huynh của cô,hôm nay nghe Ðào thế huynh kể, tôi mới biết Ðiền cô nương muốn giết người để bịt đầu mối. Hừ, ghê gớm thật! Một cô gái con nhà nổi tiếng mà chôn đứa con hoang, việc ấy cho người khác biết được sao?

Lưu Nguyên Hạc nói đến đây thì mọi người đều chuyển ánh mắt sang Chu Vân Dương. Anh chàng này mặt tái mét, mắt chớp liên hồi.

Rồi Lưu Nguyên Hạc kể tiếp:

-Tôi quyết định nằm bẹp dưới gầm giường đợi xem màn kịch giết người này, vả chăng tôi còn phải đợi thanh bảo đao. Hơn nữa Ðiền đại ca đang thức nằm trên giường, tôi ra khỏi phòng sao được. Ðợi không lâu sau thì Ðiền cô nương hấp tấp trở vào: "Cha, thanh đao bị hắn đào lên đem đi rồi! Con ngu quá, để chậm một bước. Hắn... hắn còn..." Ðiền đại ca hoảng quá hỏi: "Hắn còn làm gì?". Thực ra Ðiền cô nương toan nói: "Hắn còn đào cả xác con trai con nữa", nhưng câu này nói ra sao được? Cô lặng đi một lát, nói: "Ðể con đi tìm hắn!". Nói xong cô sải chân đi

ngay. Chắc vì quá hoảng sợ nên cô chạy đến cửa thì trượt chân ngã nhào.

Tôi phải nín thở đến phát ngạt ở dưới gầm giường. Bảo đao không rõ ở đâu nữa rồi! Tôi đã toan thừa cơ tắt nến chuồn ra, nào ngờ Ðiền đại ca thấy con gái ngã thì chỉ thở dài chứ không xuống giường ra đỡ dậy. Ðiền cô nương đứng được lên, vịn vào khung cửa thở dốc một lát mới đi.

Ðiền đại ca xuống giường đến đóng chặt cửa sổ, ngồi trên ghế, . Ông đặt thanh trường kiếm lên bàn, tay cầm cung tên, mặt đanh lại, trông thần sắc ông mà phát sợ. Tôi cũng thấp thỏm lo lắng, nếu để ông phát hiện ra tôi, hẳn ông sẽ trở mặt, dứt tình. Võ công của tôi không bằng ông, e rằng tính mệnh khó bảo toàn.

Ðiền đại ca ngồi im trên ghế chẳng hề động đậy, người cứ đơ ra, riêng con mắt là còn sáng long lanh, chứng tỏ lòng ông buồn bực chẳng yên. Bốn bề im ắng như chết, chỉ nghe xa xa thoang thoảng có tiếng chó sủa, rồi gần đó có tiếng chó sủa inh lên. Chợt con chó ấy kêu"ẵng" một tiếng rồi im bặt như bị ai đó đánh chết bằng một đòn cực mạnh. Ðiền đại ca đứng vụt dậy, ngay lúc đó đã nghe thấy mấy tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa quả là đến nhanh thật vì tiếng chó cắn vang lên cách đấy cũng phải mấy chục trượng. Ðủ biết người vừa đánh chết chó trong nháy mắt đã tới

cửa.

Ðiền đại ca trầm giọng hỏi: "Hồ Phỉ, người đến rồi ư?". Người ngoài cửa nói:

"Ðiền Quy Nông, huynh có nhận ra tiếng tôi không?". Ðiền đại ca nhợt nhạt cả mặt, run run nói: "Miêu... Miêu đại hiệp!". Người ngoài cửa nói: "Ðúng đấy, tôi đây!". Ðiền đại ca hỏi: "Miêu đại hiệp, huynh đến đây làm gì?". Người ngoài cửa đáp: "Hừ, tôi đưa mấy thứ đến cho huynh đây!". Ðiền đại ca do dự giây lát rồi đặt cung tên xuống ra mở cửa. Một người đàn ông cao gầy, mặt vàng như nghệ bước vào.

Từ dưới gầm giường, tôi để ý nhìn bộ dạng của ông ta, thầm nghĩ: "Người mang biệt hiệu Ði khắp thiên hạ không địch thủ, nhân vật số một trong võ lâm ngày nay quả là không cần nổi giận ra oai, khí thế thật đáng sợ!". Tôi nhìn thấy tay ông ta nâng hai thứ đặt trên bàn nói: "Ðây là bảo đao của huynh, còn đây là cháu ngoại của huynh!". Thì ra một cái bọc dài dài là xác đứa trẻ mới đẻ.

Ðiền đại ca rùng mình, ngã ngồi xuống ghế. Miêu đại hiệp nói: "Ðồ đệ huynh giấu huynh đem đao đi chôn, con gái huynh cũng giấu huynh đem chôn đứa con đẻ hoang. Cả hai đều bị tôi bắt gặp, nay tôi đào lên đem trả huynh".

Ðiền đại ca nói:

"Cám ơn. Nhà tôi xui xẻo, nói ra thêm xấu hổ". Bỗng mắt Miêu đại hiệp hoe đỏ,dường như ông khóc, nhưng nay sau đó mặt đã đầy sát khí, nhả từng chữ hỏi:

"Nàng sao mà chết?".

Chợt nghe "choang" một tiếng, tách trà trên tay Miêu Nhược Lan rơi xuống đất vỡ tan tành. Cử chỉ của tiểu thư vốn tao nhã điềm đạm, không hiểu sao vừa nghe câu đó đã bối rối đến thế. Cầm Nhi vội vàng rút khăn tay ra lau nước trà đổ xuống người tiểu thư, khẽ nói:

-Tiểu thư vào phòng nghỉ một lát đi, đừng nghe nữa!

Miêu Nhược Lan đáp:

-Không, ta phải nghe cho hết đã!

Lưu Nguyên Hạc liếc nhìn cô rồi kể tiếp:

-Ðiềm đại ca nói: "Hôm ấy nàng bị lạnh, cảm và ho. Tôi mời thầy lang thăm bệnh, thầy lang bảo không việc gì, chỉ bị cảm gió xoàng thôi, uống một thang thuốc, ra mồ hôi hạ sốt là khỏi. Nhưng nàng kêu thuốc đắng quá, đổ cả thuốc vừa sắc đi, cũng chẳng chịu ăn cơm cháo gì. Thế là bệnh ngày một nặng, tôi mời đến mấy thầy lang song nàng chẳng chịu uống thuốc của ai, lại cũng không ăn, nói thế nào cũng không khuyên nổi".

Miêu Nhược Lan nghe đến đây bất giác thút thít khóc. Bọn Hùng Nguyên Hiến đều lấy làm lạ, không hiểu người đàn bà không chịu ăn và uống thuốc ấy là ai, có quan hệ gì với cả ba người là Ðiền Quy Nông cùng hai bố con Miêu đại hiệp. Còn cha con họ Ðào và người của Thiên Long Môn thì biết người nói đến là phu nhân kế thất của Ðiền Quy Nông. Song vì sao Miêu đại hiệp quan tâm đến chuyện đó,vì sao Miêu Nhược Lan đau buồn thì họ đều không rõ nguồn cơn. Họ đều nghĩ: "Lẽ nào Ðiền phu nhân là thân thích của nhà họ Miêu? Làm sao bấy lâu nay chúng ta chưa hề nghe nói đến?".

Lưu Nguyên Hạc kể tiếp:

-Lúc ấy nằm dưới gầm giường, tôi nghe mà chẳng hiểu mô tê gì hết, không hiểu họ đang nói về ai, thầm nghĩ Miêu Nhân Phượng hộc tốc đến đây chẳng qua vì muốn hỏi bệnh tình của một người. Người ấy không chịu uống thuốc, cũng chẳng chịu ăn, chẳng phải làm nũng sao. Nhưng Miêu đại hiệp lại hỏi tiếp: "Nói như thế là nàng không muốn sống nữa sao?". Ðiền đại ca đáp: "Sau đó tôi thụp xuống đất van xin nàng, nói đến hết hơi khản tiếng mà nàng vẫn cứ trơ trơ". Miêu đại hiệp hỏi: "Nàng có dặn lại gì không?". Ðiền đại ca đáp: "Nàng bảo tôi sau khi nàng chết

thì đem hỏa táng rải cốt tro lên trên đường đi cho mọi người giày xéo!". Miêu đại hiệp nhảy dựng lên, nghiêm giọng hỏi: "Huynh có làm theo lời nàng không?". Ðiền đại ca đáp: "Tôi đưa hỏa tang, cốt tro vẫn giữ ở đây". Nói rồi, ông đứng lên, lấy từ giường ra một cái hũ sứ nhỏ, đặt lên bàn.

Miêu đại hiệp nhìn cái hũ sứ, vẻ mặt vừa đau buồn vừa giận giữ. Tôi vừa liếc một cái là không dám nhìn vào mặt ông nữa. Ðiền đại ca lại lấy từ trong người ra một cái thoa ngọc đầu phượng đặt lên bàn nói: "Nàng dặn tôi trả cái thoa này cho huynh hoặc giao cho Miêu cô nương, bảo đây là vật gia truyền của nhà họ Miêu".

Nghe kể đến đây, ai nấy đều nhìn Miêu Nhược Lan. Chiếc thoa ngọc đầu phượng cài trên mái tóc cô hơi rung rung. Ðầu chim phượng chạm tinh xảo vô cùng, mấy hạt ngọc cũng tròn trịa trơn tru, chỉ riêng sắc ngọc đã ngả màu vàng, tựa hồ là đồ cổ trải qua lâu đời vậy.

Lưu Nguyên Hạc kể tiếp:

-Miêu đại hiệp cầm chiếc thoa ngọc lên rồi nhổ một sơi tóc trên đầu mình. ông thong thả xâu sợi tóc qua mỏ con phượng, sợi tóc xuyên xuốt từ đấy ra tới đầu nhọn của thoa, thì ra thân thoa rỗng. Ông cầm hai đầu sợi tóc kéo nhẹ một cái, một bên đầu con phượng bật ra. Chiếc thoa được nghiêng đi cho một viên giấy nhỏ rơi ra.

Miêu đại hiệp vuốt thẳng viên giấy rồi lạnh lùng nói: "Huynh đã thấy chưa?". Ðiền đại ca tái mét mặt, một hồi lâu mới thở dài.

Miêu đại hiệp nói: "Huynh nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lấy cho được bản đồ này nhưng rốt cuộc nàng đã nhận ra bộ mặt thật của huynh, không chịu nói cho huynh biết đều cơ mật, vẫn trả chiếc thoa ngọc cho nhà họ Miêu. Bản đồ kho báu ở ngay trong chiếc thoa này. Hừm, chắc có nằm mơ huynh cũng không nghĩ ra được!". Nói xong mấy câu đó, Miêu đại hiệp lại bỏ viên giấy vào một bên đầu chim phượng rồi dùng sợi tóc kéo lại cái lẫy như cũ. Ông dặt chiếc thoa lên bàn,nói: "Tôi dạy ông cách mở đầu con chim phượng rồi đấy nhé. Ông cầm lấy, theo bản đồ mà tìm kho báu!". Ðiền đại ca đâu dám động đến, chỉ mím chặt môi không nói một lời. Tôi ở dưới gầm giường nhìn ra thấy nôn nóng vô cùng. Bản đồ và thanh bảo đao chỉ cách tôi có vài thước, song không làm sao đoạt được. Còn Miêu

đại hiệp thì ngây người nhìn cái hũ sứ rồi thong thả giơ hai tay lên đặt vào lòng.

Nét mặt ông trông thật đáng sợ.

Một tiếng rên khẽ vang lên, rồi Miêu Nhược Lan phục xuống bàn khóc nức,chiếc thoa ngọc đầu phượng cài bên mái tóc rung mãi không thôi. Mọi người nhìn nhau, chẳng còn hiểu ra sao.

Lưu Nguyên Hạc kể tiếp:

-Ðiền đại ca đập tay xuống bàn nói: "Miêu đại hiệp, huynh cứ việc ra tay, tôi chết cũng không oán". Miêu đại hiệp cười gằn, nói: "Tôi hà tất phải giết huynh?

Người sống chưa chắc đã sung sướng bằng kẻ chết. Nhớ năm nào, tôi và Hồ Nhất Ðao tỉ thí, đánh nhau đến mấy ngày, cuối cùng cả hai vợ chồng họ đều chết mà tôi thì sống. Từ đấy tôi luôn đau buồn rồi cuối cùng mới nghĩ vợ chồng người ta chung thủy yêu nhau, sống chết có nhau, hơn tôi sống một mình trên cõi đời này nhiều lắm. Hừm, tấm bản đồ ấy ở ngay bên huynh bao nhiêu năm mà huynh chẳng hề biết, lại tự tay đưa trả tôi, tôi hà tất phải giết huynh? Cứ để cho huynh bực tức cả đời, như thế chẳng hay hơn sao?". Nói xong Miêu đại hiệp cầm lấy chiếc thoa, rảo

bước ra khỏi phòng. Tuy Ðiền đại ca có cung tên, đao kiếm song đâu dám động thủ.

Ðiền đại ca thở dài, đặt cái xác đứa bé lẫn thanh đao lên giường rồi quay ra cài chặt cửa, lẩm bẩm nói: "Người sống chưa chắc đã sung sướng bằng kẻ chết!". Ông ngồi trên giường gọi to: "Lan ơi Lan, nàng sẩy chân vì ta, ta cũng lỡ bước vì nàng,làm sao lại khổ đến thế?". Ngay sau đó nghe "sựt" một tiếng như một vật gì xuyên vào thịt. Ðiền đại ca giãy ở trên giường mấy cái rồi không động đậy nữa.

Tôi giật nảy mình vội chui ra, thấy ông đã đâm mũi tên có cánh vào tim, và đã tắt thở. Thưa chư vị, Ðiền đại ca tự tử chết chứ không phải bị tên bắn mà chết đâu.

Người khiến ông chết chẳng phải Ðào Tử An, càng không phải Hồ Phỉ mà chính là ông. Tôi không quen biết hai người họ Ðào, họ Hồ này nên chẳng cần phải gỡ tội cho họ.

Tôi thấy ông chết rồi liền thổi tắt nến, đang định cầm lấy thanh bảo đao rồi chuồn cho lẹ thì Ðào thế huynh đã đứng ngoài đập cửa, tôi đành lại phải chui vào gầm giường. Sự việc sau đó Ðào thế huynh đã kể rồi. Ðào thế huynh nhặt lấy bảo đao trốn ra quan ải. Tôi ở dưới gầm giường nín thở lâu đến thế lẽ nào uổng công sao? Thêm nữa, vị sư đệ họ Hùng của tôi đây xưa nay vốn có duyên với ẩm Mã Xuyên, thế là anh em chúng tôi cùng đến.

Lưu Nguyên Hạc nói xong, hai tay phẩy bụi trên người, trên tóc tựa hồ vừa mới từ dưới gầm giường chui ra vậy. Ông ta chiêu vài ngụm trà, thần sắc rất thoải mái,đắc ý.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.