Bùi Thời Khởi nói đi tìm thầy lang giải cổ dĩ nhiên chỉ là nói đùa, sự thật là cậu đói bụng, muốn tìm cái cớ để về nhà ăn cơm sớm thôi.
Bởi vì hồi bé, Bùi Đại Vương cùng đám huynh đệ tác oai tác quái ở thủ đô, làm náo loạn từ nhà trẻ cho đến trường tiểu học khiến tiếng than khóc thấu trời, hơn nữa mẹ cậu có thân phận đặc biệt, để bảo vệ sự riêng tư và bảo đảm an toàn của con trai nên khi cậu lên cấp hai, người nhà đã chuyển cậu về quê ngoại đi học.
Sau khi về hưu, bà cô của Bùi Thời Khởi đã chuyển về thành phố này để dưỡng lão và tận hưởng cuộc sống, biết tin thì vô cùng vui vẻ, không cần nhờ đã chủ động đòi chăm sóc cháu trai. Bà không có con cái, ba đời nhà họ Bùi cũng khá thưa con, bây giờ chỉ có mình Bùi Thời Khởi là cháu độc đinh.
Từ bé, Bùi Thời Khởi luôn hy vọng bố mẹ sẽ sinh cho mình đứa em để thay cậu gánh vác “tổ nghiệp nhà họ Bùi” mà ông nội trăn trối trước lúc lâm chung. Song, vì muốn giữ dáng nên mẹ cậu đã nhẫn tâm từ chối cậu. Do đó, Thập Thất bé bỏng không tiếc lời trù ẻo chính mình:
“Sao bố mẹ không biết phòng ngừa gì hết vậy? Nhỡ một ngày nào đó con xảy ra chuyện gì thì gia nghiệp của nhà họ Bùi biết tính làm sao?”
Bố cậu đang xem bài thi Ngữ văn đạt bảy mươi sáu điểm của cậu, nghe vậy thì ngẩng đầu, hờ hững nói:
“Bùi Thời Khởi, năm nay con mười tuổi, lớn rồi đấy, Tư Mã Quang sáu bảy tuổi đã biết đập vạc(1), còn con thì sao, ngay cả tiếng mẹ đẻ cũng nói không sõi. Cho dù con không xảy ra chuyện gì, bố cũng không giao gia nghiệp to lớn của nhà họ Bùi cho con đâu.”
Như vậy có thể thấy được dốt văn là nỗi bi đát to lớn đến mức nào, tranh luận với người ta không chỉ phải suy nghĩ luận điểm thích hợp mà trước khi nói còn phải nghĩ xem mình phát âm đúng hay sai.
(1) Tư Mã Quang là nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc vào thời Tống. Hồi bé, khi đang chơi trốn tìm cùng các bạn, có một bạn bị ngã vào vạc nước cao hơn thân người của trẻ con. Trong lúc các bạn hoảng hốt và người bạn bị rơi vào vạc liên tục kêu cứu, Tư Mã Quang đã dùng hòn đá to đập vỡ chiếc vạc để cứu bạn.
Tất nhiên đó chỉ là những suy nghĩ non nớt hồi tấm bé của Bùi Thời Khởi.
Từ sân bóng về nhà, bác giúp việc đã nấu cơm xong, một bàn đầy thức ăn, thịnh soạn hệt như ăn Tết: thịt kho tàu, sườn xào chua ngọt, cánh gà sốt coca, thịt dê xào hành tây, ở giữa bàn còn bày thố phật nhảy tường.
Thiếu niên kéo ghế ngồi xuống.
“Bà cô của cháu ơi, hôm nay bà gặp chuyện gì vui mà đại khai sát giới thế này?”
“Phỉ phui cái mồm, ăn nói lung tung.”
Bà cô Bùi hằng năm đều đi lễ Phật trừng Bùi Thời Khởi, múc cho cậu chén canh:
“Ngày mai bà đi Campuchia, bác La của cháu cũng đi theo, vì vậy trong một tuần kế tiếp, cháu phải tự lo ăn uống.”
“Bà đi Campuchia làm gì?”
“Sao? Bà cô của cháu lớn thế này rồi, chẳng lẽ không được vòng quanh thế giới tận hưởng cuộc sống?”
“Được chứ, tất nhiên là được rồi.” Bùi Thời Khởi lẳng lặng vứt táo đỏ ra khỏi chén canh, “Vậy bác La cũng đi du lịch với bà ạ?”
“Con của bác La đang làm việc bên đó, nhân dịp này sang thăm luôn.”
“Ồ, cho nên đây là bữa cơm cuối cùng.”
“Phỉ phui cái mồm, cái thằng này, mồm miệng xui xẻo quá, mau ngậm mồm ăn cơm đi.”
Thiếu niên biết điều giơ ngón tay cái.
Bà cô Bùi nhìn chén canh trong suốt, thấy là lạ: “Táo đỏ của cháu đâu? Bà mới múc cho cháu mấy quả mà, cháu vứt rồi đúng không?”
“Không có.” Cậu thuần thục đá cái thùng rác xuống gầm bàn, “Cháu ăn hết rồi.”
“Vậy thì được, bà nói cháu nghe, táo đỏ bổ máu, nâng cao hệ miễn dịch, thỉnh thoảng ăn vài quả không có hại gì với cháu đâu.”
Đối phương gật đầu qua loa: “Vâng vâng vâng, dạ dạ dạ, cháu biết rồi biết rồi.”
“…”
Ăn được một nửa, bà cô Bùi lại thấy kỳ lạ. Bà nhìn thiếu niên không ngừng đưa ớt chuông vào miệng, ngạc nhiên nói: “Hôm nay cháu sao thế? Bình thường ghét ớt chuông nhất mà.”
Bùi Thời Khởi hoàn hồn, cảm nhận được mùi vị kỳ quặc trong cổ họng liền lập tức nhổ ra phì phì: “Mẹ… tui ơi, gớm quá.”
Trước mặt bà cô, ngay cả bố cậu cũng không dám chửi bậy.
Bà cô Bùi buồn cười: “Gặp chuyện gì mà ăn cơm cũng ngẩn ngơ thế?”
“Không có gì đâu ạ.”
“Cháu là do bà nuôi lớn, có chuyện hay không chẳng lẽ bà còn chưa nhìn ra. Mau nói đi, có khi bà còn giúp cháu nghĩ cách đấy.”
Thiếu niên cân nhắc từ ngữ: “Bà cô ơi.”
“Ơi?”
“Cháu kể bà nghe một câu chuyện nhé?”
Bà cô Bùi tỏ vẻ rửa tai lắng nghe.
“Rất lâu trước đây, ở một vùng biển mênh mông bất tận có một con Cá Voi cao quý hung mãnh và một con Cá Mập vừa xảo trá vừa yếu ớt. Một ngày nọ, Cá Mập và Cá Voi đánh nhau, sau đó…”
“Khoan đã.” Bà cô hào hứng cắt ngang cậu, “Nếu Cá Voi hung mãnh và Cá Mập yếu đuối thì sao chúng lại đánh nhau?”
“Vì Cá Mập rất xảo trá.”
“Ừ rồi, cháu kể tiếp đi.”
“Sau đó… Tóm lại là đánh nhau, nguyên nhân đánh nhau là vì ai cũng cho rằng mình đúng. Nhưng chuyện này rất kỳ lạ đúng không bà cô, Cá Voi cao quý mà lại đi so đo với Cá Mập, hình như có hơi mất giá?”
“Vậy thì phải xem nguyên nhân đánh nhau là gì mới được. Nếu có mối thâm thù đại hận không đội trời chung thì tất nhiên là phải tính sổ rồi, nhưng nếu chỉ là bị cướp mất cọng rong biển hay bị giành cái vỏ sò thì bà thấy Cá Voi có thể khoan dung độ lượng, cho đối phương một con đường sống.”
“Nhưng nếu Cá Mập phách lối đòi Cá Voi phải xin lỗi mới chịu thôi thì sao?”
“Vậy thì bình tĩnh suy nghĩ lại nguyên do sự việc. Làm kẻ mạnh thì tấm lòng càng phải rộng lượng, nếu quả thật Cá Voi có lỗi nhiều hơn thì hãy xin lỗi vì sai sót của mình, vừa là tôn trọng Cá Mập cũng vừa là tôn trọng chính mình, cháu thấy có đúng không?”
Đúng… Đúng vậy.
Nghĩ kỹ lại, trước khi hai người họ chính thức khai chiến, đúng là cậu còn nợ Thi Âm một lời xin lỗi.
Thiếu niên nhíu chặt mày dường như có điều suy nghĩ.
Bà cô nhìn cậu, nói như bâng quơ: “Thập Thất này, Cá Mập là đực hay cái?”
“…”
Bùi Thời Khởi hiểu rõ bà cô mình. Đối với người già ngay cả quan tài cho bản thân cũng đã chuẩn bị xong xuôi thì tâm nguyện lớn nhất là nhìn thấy đời sau nối dõi tông đường, chờ mong đến mức chỉ muốn độc đinh của nhà họ Bùi kết hôn sớm, trước năm hai mươi tuổi có đứa trẻ gọi bằng bố là tốt nhất.
“Cái.” Thiếu niên gắp miếng ớt chuông, “Nhưng mà bà từ bỏ hy vọng đi, khác giống loài nên không thể nào sinh sản được, nếu không sẽ bị trời phạt.”
“…”
***
Thời tiết đầu thu ẩm ương thất thường chẳng khác nào con gái mới lớn, buổi sáng vẫn còn mặt trời chiếu rọi bốn phương, đến trưa thì bầu trời toàn mây đen vần vũ.
Trời đất âm u, không khí ẩm ướt tạo cảm giác mưa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào khiến người ngồi trong phòng học vừa bực bội vừa lo lắng. Điều đáng mừng duy nhất là mùa hè của Nhất Trung kéo dài đến Quốc khánh, toàn thể học sinh còn có thể tận hưởng giờ ngủ trưa thêm hơn nửa tháng nữa.
Nhưng trưa hôm nay, Bùi Thời Khởi không ngủ trưa. Cậu lười biếng nằm trên giường suy nghĩ về câu chuyện ban nãy: phải làm sao để đại dương hòa bình trở lại nhưng không làm tổn hại đến uy nghiêm của Đại vương Cá VoiFF?
Cuối cùng, bởi vì mất ngủ, lần đầu tiên cậu không vào lớp trong tiếng chuông reo, phá vỡ thời gian biểu của mình.
Bây giờ còn cách giờ vào lớp khoảng mười phút, phòng học thưa thớt mười mấy người, ai cũng còn buồn ngủ, thi nhau rót cà phê để tỉnh táo. Vì vậy, khi đứng từ cửa sau quan sát toàn lớp, nữ sinh duy nhất cầm bút ngồi gần cửa sổ ở bàn thứ hai đếm từ dưới lên trông vô cùng nổi bật.
Thiếu niên đi tới, kéo ghế ngồi xuống sau bàn Thi Âm.
Kéttttttttt.
Tiếng ghế khó chịu kéo dài, nữ sinh vẫn chăm chỉ học tập, ngồi thẳng lưng, phớt lờ tiếng động ở phía sau, không thèm có chút phản ứng nào.
Trời lạnh mà cô chỉ mặc mỗi cái áo thun trắng để lộ hai cánh tay trắng trẻo mảnh mai. Tóc được tết thành đuôi ngựa sau đầu, có vài sợi tóc con rơi lưa thưa xuống chiếc cổ xinh đẹp.
Nam sinh chống cằm, tầm mắt rơi trên dây cột tóc ở đuôi tóc.
Chậc, phải nói sao đây ta? Có nên trò chuyện một chút trước không?
Dây cột tóc của cậu trông lạ đấy. Nể mặt nó, chúng ta bắt tay giảng hòa đi.
Này, làm xong bài tập Tiếng Anh chưa? Dạo này học hành căng thẳng quá, hay là chúng ta bắt tay giảng hòa đi.
Hôm nay thời tiết tệ ghê, chúng ta bắt tay giảng hòa thôi.
…
Đang lúc Đại vương Cá Voi suy nghĩ nên nói như thế nào thì Cá Mập tiểu muội ở đằng trước chẳng biết xoay người lại từ bao giờ, tư thế đoan chính, gương mặt nghiêm túc, tay cầm tờ giấy A4 đầy chữ.
“Bùi Thời Khởi, tớ có chuyện muốn nói với cậu.”
“…”
Thiếu niên nhíu mày, phòng bị theo bản năng: “Cậu nói đi.”
Chẳng lẽ lại muốn tuyên chiến? Hay là đã nghe chuyện sáng nay ở tiết Thể dục nên bây giờ muốn cười nhạo cậu? Mặc kệ nguyên nhân gì, nhìn đối phương ngồi nghiêm túc như vậy thì có thể khẳng định là không có ý tốt.
“Bùi Thời Khởi,” Nữ sinh dừng lại đôi chút, cắn môi, qua một lúc lâu mới như đã hạ quyết tâm, ngước mắt nhìn cậu. Đôi mắt hạnh to phản chiếu gương mặt cảnh giác của thiếu niên, cô hít sâu một hơi, giọng nói nghiêm túc hệt như đang tuyên thệ, “Chúng ta đúc kiếm thành cày đi.”
“…”
“…”
Cái quái gì đây? Vị cô nương này còn muốn đúc kiếm?
Tuy kiến thức Ngữ văn của Bùi Thời Khởi có hạn nhưng không có nghĩa là cậu không hiểu từ này có nghĩa gì, nghe là biết từ ngữ mang nghĩa tiêu cực rồi.
Trong khi Đại vương Cá Voi vô cùng khoan dung độ lượng chuẩn bị chủ động cầu hòa, biến chiến tranh thành tơ lụa thì Cá Mập yếu ớt lại muốn tiếp tục khiêu khích uy nghiêm của Đại vương?
Đại vương Cá Voi thực sự tức giận.
Thiếu niên nheo mắt, lạnh lùng hừ một tiếng, đập mạnh bàn: “Cậu đừng có mà mơ, tớ tuyệt đối không đồng ý!”