Edit: Sa Ở khía cạnh nào đó thì tiệc mừng thọ mười bảy tuổi của Bùi Thời Khởi hơi thê lương, một buổi tiệc sinh nhật đáng lý phải vui vẻ nhưng lại biến thành liên minh thất tình, ai cũng sầu não, uống say ngã trái té phải, bỏ người có sinh nhật ngồi ăn lẩu một mình, người thắp nến hát chúc mừng sinh nhật và ăn bánh kem cùng cậu chỉ có mỗi Thi Âm, đến khi cậu muốn đưa cô gái mình thích về nhà thì cũng bị bà cô của mình chặn đứng.
Bà cô Bùi đi đánh mạt chược về, thấy mấy đứa trẻ nằm ngang nằm ngửa thì dở khóc dở cười, sau đó gọi đến nhà của mấy cậu trai để xin phép giữ họ lại qua đêm, các phụ huynh đều vui vẻ đồng ý. Còn về phần đám con gái, tất nhiên không thể ngủ lại, vì vậy bà cô Bùi và tài xế cùng đưa họ về. Mà nguyên nhân Bùi Thời Khởi không thể đi cùng rất phũ phàng: xe không đủ chỗ.
Thân là phú nhị đại, lần đầu tiên cậu có suy nghĩ “muốn mua một chiếc siêu xe Rolls-Royce”, nhưng rất hiển nhiên là trước mắt cậu chưa thể thực hiện bởi vì cậu muốn tự do.
…
Trước khi lên xe, Thi Âm sực nhớ ra một chuyện, lấy hộp quà từ trong túi xách ra đưa cho cậu: “Đúng rồi, quà sinh nhật của cậu, ban nãy quên tặng.”
Thiếu niên khẽ nhướn mày: “Cậu tặng rồi mà.”
“Hả? Bao giờ?”
“Mấy con cá voi.”
Cá voi?
… À, nhớ rồi.
Hồi tuần trước, Thi Âm và Giang Diệu đi xem phim, lúc xem xong nổi hứng chơi trò gắp thú, không ngờ vận may bùng nổ, gắp được tận ba con cá voi xanh nho nhỏ.
Sau đó cô ôm cá voi xanh về trường để học giờ tự học tối, đại gia Bùi Thời Khởi lại liên tục nghênh mặt thúc giục cô chuẩn bị quà sinh nhật cho cậu, nữ sinh nghe tới phát phiền, nhét luôn ba con cá voi xanh vào lòng cậu:
“Quà sinh nhật đây.”
Kỳ lạ là Bùi đại gia không giận mà chỉ nhíu mày, hỏi: “Cậu tự gắp được?”
“Tất nhiên, giỏi không?”
“Hơi xấu.”
“Ê ê…”
“Thôi, nể tình gu thẩm mỹ có vấn đề của cậu, tiểu gia miễn cưỡng nhận vậy.”
… Sao cơ? Mấy con cá nhồi bông đó nhỏ xíu, thiết kế cũng rất đơn giản, cầm mười mấy tệ đi vào siêu thị là mua được, Thi Âm lại chơi trò chơi để gắp, chỉ tốn sáu tệ. Vì vậy, khi thấy đối phương quá dễ tính, cô cực kỳ khiếp đảm.
“Mấy con cá voi đó… chỉ là đùa thôi, không tính.”
Cô bất lực thở dài.
Thi Âm nghĩ dẫu Bùi Thời Khởi bỗng nhiên dễ tính thì cũng không có nghĩa là cô có thể tặng cậu mấy con cá nhồi bông mang tính chất lấy lệ ấy, vì vậy sau đó cô đã nghiêm túc chuẩn bị quà cho cậu. Hơn nữa, đó lại là sách.
Đại đa số người cho rằng sách là món quà sinh nhật dễ tặng nhất vì không cần phải suy nghĩ quá nhiều nhưng cũng không quá sơ sài hay quá low. Từ cấp hai tới bây giờ, Thi Âm đã nhận không dưới hai mươi bộ sách trong dịp sinh nhật. Nhưng cô rất hiếm tặng sách cho ai đó vì cô cảm thấy tặng sách là chuyện cực kỳ trịnh trọng, đặc biệt là tặng cho người quen ở ngoài đời.
“Tớ muốn chia sẻ quyển sách này với cậu” và “Tớ nghĩ chắc hẳn cậu sẽ thích cuốn sách này” quá đỗi riêng tư. Quyển “Câu chuyện Sahara” tặng cậu hôm trước là cuốn sách thứ ba mà Thi Âm tặng trong đời, hai quyển trước thì một quyển tặng cho cô bạn thân, một quyển tặng cho em trai.
Bùi Thời Khởi rất vinh hạnh trở thành người duy nhất được Thi Âm tặng sách hai lần, hơn nữa không phải là tác phẩm văn học nổi tiếng mà là một bộ du ký về nhiếp ảnh.
Bộ sách có tổng cộng sáu quyển, mỗi quyển là một quốc gia, tất cả hình ảnh đều là cảnh vật và không hề có người, cho dù là đường phố thì cũng trống trải. Năm xuất bản trùng hợp là năm Bùi Thời Khởi ra đời, có thể nói đây là bộ sách lâu năm và được bảo quản rất tốt.
“Nhiếp ảnh gia này bị mù màu đỏ xanh.” Nữ sinh nói với cậu, “Nên khi chụp những tấm ảnh này, cảnh vật trong mắt ông ấy không giống như bức ảnh.”
Nhưng những bức ảnh vẫn ẩn chứ rất nhiều cảm xúc, màu sắc hài hòa khiến người ta rất khó để tin người chụp những bức ảnh này lại không biệt được màu đỏ và xanh.
“Đây là bộ sách cuối cùng của ông ấy được xuất bản, vốn dĩ ban đầu chỉ phát hành không tới hai nghìn bản, sau đó nhà xuất bản dùng chứng bệnh của ông ấy để tuyên truyền hòng kiếm thêm lợi nhuận.
Có điều họ chưa kịp in thêm thì nhiếp ảnh gia đã đệ đơn kiện nhà xuất bản tội xâm phạm quyền riêng tư, cũng đồng thời tuyên bố hủy hợp đồng. Ông ấy nói hy vọng người ta thưởng thức ảnh của ông chỉ đơn thuần vì tác phẩm chứ không phải vì con người của ông ấy ra sao.
Vì vậy, bộ sách này không ra thêm ấn bản nào nữa.”
Cô nhoẻn môi cười:
“Bộ sách này là do bố tớ tặng tớ, hồi nhỏ có lần tớ bị bệnh nhưng không chịu uống thuốc, bố tớ đã tặng nó cho tớ để làm điều kiện trao đổi là tớ phải uống thuốc.
Tuy sau đó tớ vẫn lén vứt thuốc đi nhưng rất kỳ lạ là mỗi khi phiền não hoặc không vui, chỉ cần xem bộ sách này, tâm trạng sẽ tốt hơn.
Tớ biết đó là tác dụng tâm lý đối với riêng tớ chứ sẽ vô ích với người khác nhưng từ hôm cậu tặng tớ quyển “Thép đã tôi thế đấy”, bỗng nhiên tớ rất muốn chia sẻ bộ sách này với cậu.”
…
Một hôm nọ.
Một ngày sau khi Thi Âm tặng “Câu chuyện Sahara” cho Bùi Thời Khởi, cậu đã kiên quyết nhét cho cô quyển “Thép đã tôi thế đấy”, là một cuốn sách rất phổ biến, tất cả học sinh tiểu học trong nước đều được được dạy trích đoạn của tác phẩm này.
Thời đại này ai cũng theo đuổi sự “hàn lâm”, bạn tặng quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” cũng giống như bạn nói bạn thích Lý Bạch, Đỗ Phủ, khiến người ta không hề cảm thấy có gì đặc biệt, nhưng thiếu niên lại vừa ngượng ngùng vừa chân thành:
“Đây là cuốn sách tiểu gia thích nhất, nè, tặng cậu.”
Thi Âm chớp chớp mắt, nghiêm túc nhận lấy.
Sau đó trong một lần trò chuyện, cô mới biết quyển sách này đúng là ánh trăng sáng trong lòng Bùi Thời Khởi, thiếu niên xưa nay không đọc tác phẩm văn học lại thuộc vanh vách từng tên nhân vật và địa danh khó nhằn trong sách.
“Cậu đọc quyển sách đó trên dưới tám mươi lần thì tớ cũng xem bộ sách ảnh này trên dưới tám trăm lần. Tớ tặng nó cho cậu, nhưng nếu cậu thấy nó quá bình thường thì tớ vẫn còn một cái mũ mới mua rất hợp với cậu, cậu có thể trả bộ sách ảnh lại cho tớ, sau đó tớ sẽ đổi quà thành mũ.”
Tầm mắt thiếu niên rơi xuống tên tác giả được in trên bìa sách: Thi Giác Trí.
Cái họ vô cùng quen thuộc.
Cậu im lặng chốc lát mới nói: “Tớ muốn đổi thành cái mũ.”
Hàng mi của nữ sinh thoáng rung lên. Có một chi tiết nhỏ có thể tìm hiểu sâu hơn, đáng để nghi vấn nhưng cậu không hỏi gì cả mà đã thẳng thừng từ chối món quà. Quả thật người thông minh như cậu thì không cần hỏi vẫn có thể đoán ra những sự việc nhỏ xíu không đáng kể ấy.
Đúng vậy, tác giả của bộ sách ảnh này là bố ruột của Thi Âm. Hồi trẻ, bố cô từng là người cuồng nhiệt yêu thích chụp ảnh, sau đó vì gia đình, ông đã từ bỏ ước mơ phiêu bạt đất trời, an ổn làm việc để lo cho gia đình, cũng bắt đầu hưởng thụ hạnh phúc. Vì vậy, bộ sách ảnh này là tập ảnh duy nhất được xuất bản của ông. Đối với Thi Âm, nó vô cùng vô cùng quý giá. Nhưng hồi cô học mẫu giáo, khi cô ôm hộp mứt khóc to, bố cô đã nói:
“Âm Âm, ích kỷ không thông minh chút nào đâu.”
“Ích kỷ là gì ạ?”
“Là giấu đồ tốt đi, dần dà, mình cũng sẽ không vui vẻ. Vì vậy, nếu có đồ tốt, chúng ta phải biết chia sẻ, được không?”
Dạ được.
Hiện tại, cô đã gặp được người mà cô muốn chia sẻ, thậm chí là tặng, nhưng mà…
Thiếu niên ngước mắt, nhướn môi cười với cô:
“Cái này chắc là thứ mà cậu rất quý trọng, cậu cho tớ mượn xem là được, xem xong tớ sẽ trả lại cho cậu.
Huống chi cậu cũng mua mũ rồi, sao không đưa cho tiểu gia, sao đây, cậu còn muốn tặng ai à?”
… Nhưng mà người ấy không cần.
Cô hơi ngớ người, sau đó cong môi cười, lấy cái mũ nồi từ trong túi xách ra đưa cho cậu, giọng nói dịu dàng vừa vui vẻ vừa ấm áp: “Bùi Thời Khởi.”
“Ừm hứm?”
“Cậu siêu siêu tốt.”
“… Về làm bài tập đi.”
Nữ sinh cười rạng rỡ, ngoan ngoãn về nhà làm bài tập.
Bùi Thập Thất, cậu siêu siêu tốt. Thật đó. Tuy bề ngoài thoạt trông rất hung dữ và lưu manh hệt như xã hội đen như thực tế cậu là vầng thái dương ấm áp nhất. Trong lòng tớ, cậu lương thiện hơn bất cứ ai trên đời.
***
Thời gian thấm thoắt thoi đưa.
Buổi diễn văn nghệ chào Xuân năm nay bị hủy bỏ vì sân vận động đang được trùng tu.
Cuối học kỳ, cuộc sống không được tính bằng lịch treo tường mà được tính bằng số bài thi, thi bao nhiêu bài là bấy nhiêu tuần. Rồi đến một ngày, khi dọn dẹp lại bàn học, chợt phát hiện mình đã giải tới trang cuối cùng của sách bài tập, lúc đó mới sực nhận ra: trời ơi, một học kỳ nữa lại bất giác trôi qua.
Là trường trung học phổ thông trọng điểm của tỉnh, chế độ thi cử của Nhất Trung rất kỳ lạ, thi cuối kỳ xong không được nghỉ liền mà phải chờ có điểm, các giáo viên giải đề xong thì vẫn học thêm nửa tuần nữa mới lưu luyến thả học sinh về nhà đón tết.
Thi Âm thu dọn cặp sách, nghe Giang Diệu líu ríu hẹn đi chơi nhân kỳ nghỉ đông, thậm chí đã lái tới Thái Lan, Lào, Campuchia thì mới tàn nhẫn đập tan ảo tưởng của cô nàng:
“Đừng mơ nữa, với thành tích kỳ này của cậu, bố cậu thả cậu đi chúc tết đã là phép màu rồi.”
“… Cậu không thể không đề cập tới câu chuyện thương tâm đó được ư?”
Không biết có phải thất tình dẫn đến không có tâm trạng học tập hay không mà đợt thi cuối kỳ này, thành tích của Giang Diệu đã trượt dốc không phanh, trượt một phát ra khỏi top 200. Lúc có điểm, Giang Diệu đã bị Lão Dương lôi lên văn phòng uống trà suốt ba tối vào giờ tự học, mỗi lần Thi Âm lên văn phòng nộp bài đều nhìn thấy gương mặt nhăn nhó đáng thương của cô nàng và ánh mắt tiếc hận của thầy chủ nhiệm.
“Thầy đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, một khi bị thụt lùi thì sẽ rất khó để theo kịp người khác! Em thân với Thi Âm thì hẳn là biết trước kia thành tích của em ấy tốt cỡ nào chứ? Lúc chưa chia lớp, em ấy lúc nào cũng đứng vững trong top 15 toàn khối, nhưng bây giờ thì sao? Đợt trước vừa thụt lùi một lần thì sau đó dẫu rất cố gắng, em ấy cũng chỉ nằm trong top 20. Cái này gọi là kiêu binh tất bại!”
“Em có biết đây là giai đoạn bứt tốc không? Không nói đâu xa, ngay cả Bùi Thời Khởi của lớp mình, lúc trước toàn đội sổ, nhưng cần cù bù thông minh, rùa thỏ thi chạy, bây giờ đã vững vàng ngồi ở vị trí thứ nhất. Em làm sao cạnh tranh nổi với người ta?”
…
Hoàn toàn không ngờ có ngày cô và Bùi Thời Khởi bị mang ra so sánh để chứng minh cho Bùi Thời Khởi “cần cù bù thông minh”. Thi Âm nghĩ nếu Bùi đại gia mà nghe được nhận xét đó, có lẽ sẽ nổi đóa ngay tại chỗ.
“Cần cù? Cần cù con khỉ! Điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời ông là không cần cố gắng cũng có thể thi được hạng nhất, đúng là bất công.”
Thử nghĩ có đáng giận không? Nhưng hết cách rồi, đó là sự thật.
Thậm chí trong lúc mọi người vật vã đi học nửa tuần cuối cùng thì người này đã tiêu sái xin nghỉ về nhà, lý do xin nghỉ cũng rất tiêu sái, chỉ có hai chữ: Ăn tết.
Tương tự, trong khi ai cũng khổ sở vùi đầu ở trung tâm luyện thi thì Bùi đại thiếu gia đã bay khắp bốn phương tám hướng để nhận tiền mừng tuổi, đến mức ăn trưa và ăn tối cũng không cùng một nhà. Hằng ngày cậu đều đặn gửi hình bàn ăn cho Thi Âm, Thi Âm đếm thử thì có tổng cộng hai mươi mốt bàn ăn khác nhau. Đếm xong, cô vừa nhíu mày nhìn giáo viên ở trung tâm đang viết trên bảng vừa gian nan đăng Wechat.
“Vật lý khó quá [khóc]”
Giang Diệu: Quá khó.
Hứa Tập An: Quá khó.
Dụ Hạnh: Quá quá khó.
Ninh Từ: Cố lên, làm bài nhiều sẽ quen thôi.
Quý Uy: Bởi vậy nên tui có học Vật lý đâu, tui đang bắt đầu học nghệ thuật nè [mỉm cười]
…
Đến khi Thi Âm mở Wechat sau khi học xong tiết Vật lý thì thấy bình luận cuối cùng là của Bùi Thời Khởi.
Bùi Thập Thất: Bé Khăn Đỏ, đừng học vẹt nữa, tới Bắc Kinh đi, anh dạy cưng.
… Cậu mới học vẹt ấy.
Một giây sau, có tin nhắn riêng.
Bùi Thập Thất: Nguyên tuần sau bổn đại gia rảnh, có thể làm gia sư miễn phí cho cậu.
Thi Âm chầm chậm gõ chữ: Cậu sắp về Hề Thành hả?
Bùi Thập Thất: Về con khỉ, tiểu gia bảo cậu tới Bắc Kinh
Thi Âm: À, vậy thôi
Bùi Thập Thất: Nể tình nghĩa của chúng ta, có thể bao ăn bao ở bao 90 điểm Vật lý cho cậu.
Thi Âm: Không thèm.
Bùi Thập Thất: Hớ, Thi Tiểu Âm cậu chẳng có lòng hiếu học gì cả.
Thi Âm: Tớ đang học thêm đấy thôi.
Bùi Thập Thất: Học thêm chỉ là để xoa dịu tâm lý thôi, toàn học vẹt, cậu nói thật đi, thấy học thêm có tác dụng gì không?
…
Lúc giáo viên giảng thì hiểu nhưng bắt tay làm bài thì vẫn ù ù cạc cạc.
Bùi Thập Thất: Thôi, nể tình cậu đáng thương
Bùi Thập Thất: Mua vé máy bay về Hề Thành cho tiểu gia đi. Tiểu gia sẽ lắc cái đầu gỗ của cậu thay cậu
Thi Âm: … Tớ chỉ đủ tiền mua vé xe lửa cho cậu thôi
Im lặng.
Bùi Thập Thất: Thi Âm tớ rất tò mò
Bùi Thập Thất: Một đứa vừa nghèo vừa dốt như cậu
Bùi Thập Thất: Hằng ngày trong đầu nghĩ gì vậy?
Thi Âm: Đang nghĩ lát nữa nên ăn sủi cảo hay cơm chiên
Bùi Thập Thất: Bé Khăn Đỏ
Thi Âm: Sao
Bùi Thập Thất: Tớ thấy mình quá vĩ đại
Thi Âm: Hở?
Bùi Thập Thất: Tớ lại mất một chiếc Rolls-Royce, từ chối hai mươi ba bữa tiệc, bỏ lỡ vô số bao lì xì có giá tới sáu chữ số, không đi xem thi đấu trực tiếp Liên Quân và còn tự bỏ tiền ra để dạy học
Bùi Thập Thất: Nếu sau này cậu thi đậu Thanh Hoa
Bùi Thập Thất: Cậu có nên nhận tớ làm bố không?