Ván Cờ Người

Chương 4: Chương 4: Đổi Món




Mạnh Xuyên Thanh được điều từ “Nhật báo Tứ Phương” về báo “Tứ Phương buổi chiều”, tuy vẫn là Phó Tổng biên tập, nhưng ở đây anh làm chủ, phó thay quyền tổng. Báo buổi chiều có nhiều người đọc, quảng cáo gấp năm lần nhật báo, thu nhập cũng khá hơn. Người của nhật báo rất muốn sang báo buổi chiều, Xuyên Thanh không dựa vào quen biết để thay đổi vị trí, vị trí này đang cần anh. Tất nhiên đấy là cách nói của anh với người khác.

Văn phòng Tổng biên tập ở cuối hành lang, rất yên tĩnh. Bình thường Xuyên Thanh đóng kín cửa, ngoại trừ công tác, cấp dưới không được đến quấy rầy anh. Chiều hôm ấy, anh về tòa soạn người nồng nặc mùi rượu, rất may không gặp ai trong hành lang, không ai thấy bộ mặt Quan Công của anh.

Uống liền mấy li trà Thiết Quan Âm đặc, hơi rượu vẫn chưa tan, Xuyên Thanh đóng chặt cửa sổ, gọi một cú điện thoại không muốn để ai biết.

Trong điện thoại, tiếng cô gái rất dịu dàng, giống như nói thầm bên tai, khiến anh ngứa ngáy trong người. Anh muốn tán chuyện lâu lâu một chút, như vậy mới hết ngứa ngáy. Anh muốn đánh cuộc với nàng về chuyện anh không dám đánh cuộc.

Nàng nói: “Xúc động không anh? Uống nhiều rồi không dám quyết định. Em chỉ đùa vậy thôi, đừng vì thế mà phá hoại sự hòa hợp vợ chồng, làm hỏng hạnh phúc của hai người”.

“Dù sao thì anh cũng sẽ bắt đầu, em cứ chờ đấy. Anh nhất quyết không cần cô ấy, ít ra là ba ngày không có vấn đề gì rồi”. Anh cố gắng để giọng nói của mình thật kiên quyết, như vậy mới có thể biểu thị mức độ tin tưởng.

Ở đầu kia đường dây nàng cười, Xuyên Thanh rất thích nghe tiếng cười của nàng. Trước khi gọi điện, Xuyên Thanh dặn nàng gần đây ít chơi mạt chược chứ, vẫn chưa hãm được cái hứng chơi mạt chược trong giờ làm việc... Nàng nói, nàng chỉ là bạch đinh trọc tóc, không làm quan như anh, chẳng có gì phải sợ.

Đặt điện thoại xuống, Xuyên Thanh ngồi lặng lẽ, không muốn bắt tay vào công việc.

Rất lâu rồi anh không gọi điện cho hội mạt chược Hữu Ngư. Ủy ban kiểm tra - kỉ luật của thành phố thông báo kỉ luật mấy cán bộ xã và thị trấn chơi mạt chược, báo “Tứ Phương buổi chiều” chạy tít ngay trên trang một, anh viết bài bình luận: “Chơi mạt chược, mất sạch vì chơi”.

Đọc tin cán bộ Đảng và Chính quyền bị kỉ luật vì chơi mạt chược do mình viết, Xuyên Thanh cảm thấy giật mình. Mấy cán bộ bị kỉ luật anh đều quen biết, rất may anh chưa chơi với họ bao giờ. Họ thắng to, tiền chơi cũng lớn. Dám giữa ban ngày ban mặt chơi bài ngay trong trạm kinh doanh nông sản của xã, cửa không thèm đóng, bọn ông Lư cán bộ kiểm tra của thành ủy xuống xã công tác bắt gặp. Kỉ luật cũng khá nặng, đánh đến tận cùng, mất cả công chức. Đáng thương nhất là bác La, trợ lý dân chính sắp được về hưu, bác đến văn phòng Ban kiểm tra - kỉ luật khóc lóc mấy lần, có lần Xuyên Thanh có mặt ở đấy. Ông Bí thư Ban kiểm tra - kỉ luật nói rất gay gắt: “Mạt chược hay lắm, tôi cũng chơi, có qui định của Đảng, không được chơi ăn tiền. Trong gia đình chơi vui một vài đồng, ai cấm? Còn các anh, ‘khỉ ăn tỏi, ngứa tay’, giữa ban ngày ban mặt, trong giờ hành chính lại ngả ra chơi. Trên bàn các anh có mấy nghìn đồng, công an còn phạt, bắt giam mấy hôm”.

Đầu đề bài bình luận “Chơi mạt chược, mất sạch vì chơi” là do cuộc họp của mấy vị phụ trách tuyên huấn đặt. Lúc viết, Xuyên Thanh rất kích động, mở đầu là mấy câu hỏi, kết luận là mấy mệnh đề bồi cho vấn đề thêm nghiêm trọng, từng câu từng chữ như rỉ máu. Chắc chắn bài bình luận sẽ gây tiếng vang trong bạn đọc, là bởi khi đọc lại, tim anh nhói lên, toát mồ hôi. Anh cũng là người thích chơi mạt chược.

Xuyên Thanh yêu cầu mình không được chơi mạt chược nữa, ít ra là qua lúc cao điểm này. Anh biết, cắt đứt không chơi là không thể, vì mạt chược là thú vui của anh.

Anh cảm thấy thú vui mỗi ngày một ít đi.

Đã có lúc đọc sách là thú vui, trong những ngày không chơi mạt chược, anh lấy sách ra đọc. Nhưng bây giờ đọc sách không yên ổn, không phải sách làm anh không yên, mà vì có người làm anh không yên.

Trước đây bạn bè gọi điện đến, biết anh đang ngồi ở bàn mạt chược, liền thôi, không làm phiền anh nữa. Bây giờ nghe anh nói đọc sách, sẽ không tha cho anh, nhất định phải lôi anh đi bằng được. Không chơi mạt chược thì chơi tú-lơ-khơ, có thể uống rượu, ngâm chân, tắm hơi.

Có lúc Xuyên Thanh không yên vì tình trạng của mình, Cát Hồng đã từng giúp anh thăm dò ở hệ thống văn hóa thành phố. Nếu anh được thăng chức, có thể tranh thủ nội bộ và các cơ quan có liên quan như Đài truyền hình, Sở Văn hóa, Sở Du lịch. Lên Giám đốc đài hoặc Giám đốc sở cũng hơn hẳn cái chức Phó tổng biên tập hiện tại. Nếu không, sẽ làm Phó ban tuyên huấn kiêm Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật cũng được.

Cát Hồng hi vọng tương lai của anh sẽ lớn hơn, nhưng anh cảm thấy không thể vội, sau này có nơi nào phát triển, quan trọng là phải làm tốt công việc hiện tại, đứng vững trên vị trí của mình mới có thể phóng to tầm mắt.

Xuyên Thanh không cho rằng đấy là cách giải thoát, hiện tại anh phụ trách tờ báo hoạt động theo cơ chế thị trường, quảng giao bạn bè. Những người bỏ tiền vào quảng cáo không nịnh không xong, lãnh đạo doanh nghiệp không đồng ý cũng không xong. Việc này hay việc khác đều không thể tự chủ và không thể ngăn cản. “Báo chiều tốt, anh tốt”. Anh nói như vậy với Cát Hồng đang gia tăng sức ép đối với anh.

Buổi trưa, anh uống quá chén. Trong khách sạn có tắm hơi, anh đi tắm cho tỉnh rượu.

Anh quen cô gái mát xa có tên là Hoàng từ lâu, lần nào cũng điểm tên cô em, vì quan hệ mát-xa và bị mát-xa. Lấy lý do uống quá nhiều rượu, anh lật ngược thân phận. Cô em Hoàng không kiên nhẫn như anh, bị mát-xa rất kích động, vậy là có chuyện, rất hồ đồ. Sau đấy rất hối hận, cảm thấy bẩn thỉu, sợ dính bệnh. Sinh hoạt tình dục với vợ rất liên tục, cô nàng anh lén gọi điện ở văn phòng đã từng chế nhạo anh. Để an toàn, anh quyết định xa vợ mấy hôm, đúng lúc có thể đánh cuộc với nàng.

Rượu vào rồi việc gì cũng có thể làm.

Buổi chiều, Xuyên Thanh cảm thấy người không khoan khoái, trước bữa cơm tối anh đi tắm hơi. Tất nhiên không phải nhà tắm hơi trưa nay. Từ phòng tắm hơi ra, anh gặp Hồ Bằng vừa mát-xa xong, anh bảo Hồ Bằng đến ngồi ở phòng anh thuê. Vừa bước vào, nhân viên phục vụ hỏi có cần phục vụ gì không, anh lắc đầu, bỗng cảm thấy chán nản, vô cùng chán nản.

Một lúc sau Hồ Bằng vào, người anh ta còn nóng hầm hập. Không chút khách khí, Hồ Bằng lấy thuốc của Xuyên Thanh hút. Xuyên Thanh nhấp chút trà, hỏi gần đây Hữu Ngư và Văn Hòa có chơi mạt chược nhiều nữa không, có định giảm bớt không. Hồ Bằng nói, họ vẫn đánh, vẫn rất hăng hái, hôm trước anh vừa đến xem. Xuyên Thanh lại hỏi, phải chăng vẫn là Văn Hòa và Hữu Ngư thắng?

Đó là điều tất nhiên. Hồ Bằng gật đầu, anh biết Xuyên Thanh cảm thấy đáng tiếc, nếu anh cùng chơi sẽ thắng, vấn đề là thắng lớn hay thắng nhỏ mà thôi.

Xuyên Thanh thăm dò Hồ Bằng, hỏi tại sao mồ hôi nhiều như vậy? Hồ Bằng lau mồ hôi trên trán, cười bí ẩn. Xuyên Thanh bảo anh chú ý một chút, Hồ Bằng không cho là có vấn đề gì. Anh bảo, hiện tại hoàn cảnh rất tốt, không có gì nguy hiểm, chỉ sợ nhiễm bệnh. Xuyên Thanh nói, đấy là điều chú ý, phải chú ý chuyện lớn, ngộ nhỡ dính bệnh sẽ lây sang cho vợ và người trong gia đình.

Hồ Bằng bảo có thể đề phòng, có biện pháp, giống như trời mưa đã có ô. Xuyên Thanh hỏi Hồ Bằng, nếu ô rách, mưa lọt xuống ướt đầu thì sao? Hồ Bằng bảo có cách, thông thường bệnh đường tình dục cũng là bệnh lậu, nếu bị chỉ uống mấy viên kháng sinh, để an toàn, sẽ không gần vợ bảy tám hôm, qua rồi sẽ không có chuyện gì. Xuyên Thanh lắc đầu, cảm thấy không đơn giản như vậy: “Vợ chồng ngủ chung giường, một khi tình cảm trào dâng, không phải là chuyện anh có gan hay không”. Hồ Bằng nói: “Chặn lại, chặn khẩu vị của cô ấy, để cô ấy mất hứng chuyện kia”.

Đang dở chuyện thì Xuyên Thanh có điện thoại hẹn đi ăn tối, điện thoại của Phùng Xuân, Phó chủ tịch Hội liên hiệp văn học - nghệ thuật. Xuyên Thanh kiếm cớ: “Anh Xuân, thật không may, tôi đã có hẹn”. Phùng Xuân hỏi anh có thể từ chối được không, vì phải tiếp mấy họa sĩ ở tỉnh về, tiện thể kiếm vài bức tranh. Xuyên Thanh bảo: “Không được, ông Hữu, phụ trách nhà 121 mời”.

Đầu kia đường dây lặng đi, tiếp theo có tiếng cười: “Đùa đấy chứ, đến chỗ ấy à?”.

“Đúng vậy, tôi còn hẹn thêm mấy người nữa, anh có biết Giám đốc Sở Văn hóa Ngô Đông Ninh không? Anh ấy cũng dự”.

“Khủng khiếp, li kì! Các cậu càng chơi càng li kì”.

“Anh có đi không? Nếu không, từ chối bữa cơm ở đấy, đi với chúng tôi”.

“Tôi đâu dám!” Phùng Xuân nghe xong liền cúp máy.

Xuyên Thanh nói với Hồ Bằng: “Bằng, cậu đi với tớ, đến nhà 121 ăn cơm”. Hồ Bằng bảo, anh chưa bao giờ ăn cơm ở đấy, chắc rất ngon, anh vội quay về phòng mặc quần áo.

Hồ Bằng đi rồi Xuyên Thanh bật cười. Anh thừa nhận Hồ Bằng có kinh nghiệm ứng phó với những chuyện rắc rối trong xã hội, nhưng với con người thông minh như anh lại không cần, hễ gặp chuyện gì mình có thể nghĩ ra nhiều cách.

***

Người thành phố Tứ Phương gọi nhà tang lễ là 121. Hồi đầu điện thoại của thành phố Tứ Phương chỉ có ba chữ số, số điện của nhà tang lễ là 121, về sau điện thoại của thành phố có bảy chữ số, rồi lên tám chữ số, có rất nhiều máy số đuôi là 121, nhưng chỉ để cho nhà tang lễ dùng, vì không một đơn vị nào, một ai muốn dùng con số ấy.

Ở thành phố Tứ Phương không có ai dùng con số này cho số nhà, số xe, số máy điện thoại cố định và di động. Mọi người từ chối con số ấy, con số có liên quan đến người chết, đầy ám khí. Có người mua tủ lạnh về, phát hiện số đuôi của số thứ tự sản phẩm là 121, nhất định đòi đổi, nói rõ lý do, cửa hiệu không thể không đổi cho dù cái tủ lạnh đã dùng một thời gian.

Xuyên Thanh đã một lần ăn cơm ở nhà tang lễ. Mùa hè ba năm trước, anh đến phỏng vấn ông Chung Đại Hữu, một công nhân mai táng, được giữ lại ăn cơm. Lúc ấy, Xuyên Thanh rất không muốn, nhưng bề ngoài vẫn vờ như không có chuyện gì, tỏ ra tôn trọng và không ghét bỏ cái nghề ấy. Không ngờ việc làm của anh thành cử chỉ đẹp, thử hỏi đã có ai ăn cơm ở nhà tang lễ? Từ đấy về sau, trong những buổi chiêu đãi anh đều đem chuyện ấy ra nói với mọi người.

Ông Giám đốc Sở Văn hóa là người thích những chuyện li kì, kinh dị, hễ đi làm là lên mạng “Ma nửa đêm” của trang web Tây Tự, ông vô cùng thích thú với hai chi tiết ăn cơm ở nhà tang lễ. Thứ nhất dám ăn thịt lợn hầm với bí xanh. Tủ lạnh của nhà tang lễ chỉ có hai thứ thịt, thịt đóng băng rất dễ tưởng tượng, lúc bấy giờ Xuyên Thanh chỉ ăn một miếng nhỏ rồi nhổ ra. Thứ hai, ăn xong, phát hiện dưới đáy bát có in dòng chữ “Quán ăn nhà tang lễ 014”, vậy là tinh thần bị sụp đổ. Ông Ngô Đông Ninh muốn được Xuyên Thanh đưa đến đấy để thể nghiệm, kích thích bản thân. Vì vậy, ông ta bao nhiêu lần cầu khẩn Xuyên Thanh.

Xuyên Thanh trở thành nổi tiếng bởi đã viết hai phóng sự ca ngợi những y tá ở nhà hộ sinh, nơi con người chào đời và những công nhân hiến thân cho công việc ở điểm cuối cùng của đời người. Hai bài phóng sự hợp thành chùm bài được Ban tuyên giáo tỉnh khen thưởng. Bác công nhân Chung Đại Hữu làm công việc mai táng rất đặc biệt trở nên nổi tiếng, được đưa lên phụ trách nhà tang lễ. Thỉnh thoảng Xuyên Thanh cũng phải tìm bác Hữu để giúp đỡ chuyện ma chay của bạn bè, chỉ cần có điện thoại của Xuyên Thanh, bác Hữu liền hỏi thời gian, địa điểm, nhân vật và thu xếp mọi việc thật chu đáo.

Để tỏ lòng biết ơn Xuyên Thanh đã đưa bác lên vị trí lãnh đạo, rất nhiều lần bác mời anh ăn cơm.

Xuyên Thanh và Đông Ninh, Hồ Bằng đến nhà tang lễ, nơi không ai có thể ăn cơm tối ở đấy. Ông Hữu nói: “Đến một nhà hàng ngon nhất, tôi sẽ kí hóa đơn. Chiêu đãi các vị cán bộ tuyên truyền văn hóa phải thật long trọng, không thể qua loa xong chuyện”.

Để bày tỏ sự trọng thị, ông đem theo cấp phó và hai cô nhân viên trẻ đẹp. Đông Ninh quen hai cô này, anh nói với Hồ Bằng: “Các cô này cùng khiêng linh cữu ra xe tang, khỏe lắm”.

Họ ngồi lên một chiếc xe con của nhà tang lễ có số đuôi 121 đến nhà hàng. Tiệc rượu kết thúc, Hồ Bằng thấy Đông Ninh còn do dự, liền cùng ngồi xe về nhà tang lễ, đưa anh ta đi tham quan.

Xuyên Thanh về đến nhà, vợ anh là Cát Hồng đã nằm lên giường xem ti vi. Cát Hồng thấy anh lần lữa mãi mới lên giường, hỏi anh tại sao, anh bảo phải đi vệ sinh. Cát Hồng nghi ngờ: “Đi vệ sinh mà kĩ thế à, mất đến vài ba thước khối nước”. Anh khai thật, ăn xong rồi đến nhà tang lễ. Thấy mặt vợ trĩu nặng, anh giải thích: “Cũng tại anh Ninh, anh ấy mở kho lạnh để tử thi”. Cát Hồng không nói gì, chị ôm gối vào phòng con gái ngủ chung. Xuyên Thanh không ngăn, đúng với ý muốn của anh.

Sáng sớm hôm sau, Cát Hồng dậy, dựng chồng cùng dậy. Chị đeo găng tay cao su, cuộn hết chăn đệm đưa ra máy giặt, Xuyên Thanh đi tắm, thay đồ từ trong ra ngoài. Anh biết ý, đi làm bữa ăn sáng, thỉnh thoảng quan sát vẻ mặt Cát Hồng. Anh biết vợ lúc này đang nặng mặt. Mọi ngày, sau khi hết giờ làm buổi chiều, chị thường chơi mạt chược, nói chung ít khi sáng dậy chị đi giặt đồ và làm việc nhà.

Xuyên Thanh đến văn phòng, việc đầu tiên là gọi điện vào máy di động cho Đông Ninh, vẫn như mọi khi, anh ta không nhận điện. Một lúc sau gọi lại, Xuyên Thanh nói với Đông Ninh: “Anh thoải mái, còn tôi thật bi đát!”.

Đông Ninh cười sằng sặc: “May mà hôm qua cậu nhắc nhở, thua chỉ là chuyện vặt, quả nhiên phải dùng đến nắm đấm, về đến nhà đau cả đầu”.

Nghĩ đến chuyện cá cược tối hôm qua ở nhà tang lễ, Xuyên Thanh bắt Đông Ninh phải cam kết, dù phải xài hết một nghìn đồng. Đông Ninh nói, vẫn nên đi uống rượu, đem theo hai cô gái khiêng xác chết của nhà tang lễ.

Một lúc sau Cát Hồng gọi điện đến, bảo sáng nay vì phải giặt chăn đệm nên đi làm muộn, chưa kịp mua thức ăn, bảo chồng ăn ở đâu đó một hôm. Xuyên Thanh nói, biết đâu có người mời, anh bảo vợ chiều nay khỏi cần mua thức ăn, anh sẽ lấy vài thứ ở nhà hàng về. Cát Hồng đồng ý, biết anh sẽ lấy thức ăn ở nhà hàng và kí hóa đơn, chị lại tỏ ra không bằng lòng: “Em cảnh cáo anh, từ nay về sau còn làm cái chuyện tối hôm qua thì đừng bước chân về nhà này!”. Xuyên Thanh hét to: “Anh sẽ không bao giờ đến cái nơi ấy nữa đâu”.

Tiểu Hà, Trưởng phòng Biên tập vừa bước vào văn phòng, rất khó hiểu những lời ông Phó tổng biên tập vừa nói, anh cũng không tiện giải thích, chỉ cười gượng, kí nhanh vào bản thảo cô đưa duyệt.

Buổi tối hết giờ làm, về nhà Cát Hồng vẫn chưa về, anh đành phải vào bếp nấu cơm, cũng may đã có thức ăn sẵn, chỉ cần hâm lại là được. Cát Hồng về, vừa đẩy cửa bước vào đã ngạc nhiên kêu lên: “Thơm quá!”.

Thức ăn được bày lên bàn, “bốn món một canh, liêm chính khỏe mạnh”, Xuyên Thanh đem chuyện công việc ở cơ quan ra nói trong bữa ăn. Cát Hồng ăn rất vui vẻ, đều là những món ăn mà chị thích. Cơm ngon không bịt nổi miệng, chị cho chồng biết sau khi hết giờ đi xem Tiếu Nhu và các bạn chơi mạt chược. Tiếu Nhu ù một loạt ván siêu cấp, lúc tính sổ không sao tính hết. Xuyên Thanh nói, con gái còn một thời gian nữa mới thi tốt nghiệp trung học, Cát Hồng phải tranh thủ thời gian chơi mạt chược. Chị trả lời, gần đây không chơi, tranh vận đen, chơi không may mắn.

Bài học sau bữa ăn của Xuyên Thanh là rửa bát, Cát Hồng vào bếp hôn anh. Con gái đến trường ôn tập buổi tối rất muộn mới về, trong khoảng thời gian đó hai người không bị câu thúc gì. Nhưng không phải ngày nào cũng vậy, Xuyên Thanh buổi tối có nhiều cuộc ăn uống nhậu nhẹt, có lúc Cát Hồng đi chơi mạt chược.

Cát Hồng thay đồ ngủ, đắp mặt nạ dưỡng da, cứ lượn đi lượn lại trước mặt chồng. Đã có lần chị vừa đắp mặt nạ, Xuyên Thanh trông thấy cái vẻ ma quái của vợ, bỗng nổi cơn, cảm thấy lúc này làm tình quả là thú vị. Xong việc cũng không có gì thú vị, nhưng hình như đấy là ám hiệu, những hôm nào Cát Hồng đắp mặt nạ dưỡng da là hôm ấy chị muốn.

Cát Hồng đắp mặt nạ dưỡng da quả nhiên khuôn mặt sáng hơn, sinh động hơn. Chị lên giường nằm xem ti vi, tươi cười với chồng đang bận. Anh thu dọn bếp nước, vào phòng khách uống trà, hút xong điếu thuốc mới vào buồng. Anh lên giường xem ti vi với Cát Hồng, phim cổ trang của Hồng Công, Đài Loan, anh không thích. Xem phim một lúc Cát Hồng cũng không còn hứng, lấy điều khiển ti vi bấm hết kênh nọ sang kênh kia, tìm kiếm một lúc cũng không thấy kênh nào hay, chị bực mình tắt ti vi. Thấy Xuyên Thanh nằm bên cạnh có vẻ bối rối, chị hỏi: “Anh đang nghĩ gì thế?”

Xuyên Thanh cười cười, nói: “Nghĩ chuyện tối hôm qua anh Ninh cá cược với bác Hữu ở nhà tang lễ”.

Cát Hồng hỏi họ cá cược gì? Xuyên Thanh nói rõ với vợ.

Ăn xong, họ về nhà tang lễ tham quan, xem từ phòng truy điệu đến phòng chỉnh dung, sang phòng hỏa táng. Bác Hữu mở cửa lò cho Đông Ninh xem, Đông Ninh vẫn muốn xem nữa, nhất định đòi xem nhà xác, nơi để thi thể. Trong nhà xác có bốn kho lạnh bảo quản thi thể, mỗi kho có bốn thi thể. Kho nào cũng đầy. Xem xong, về phòng làm việc của bác Hữu, Đông Ninh bảo kích thích lắm, không thể tưởng tượng nổi. Bác Hữu nói, muốn kích thích thì chỉ một người vào nhà xác, đưa thi thể trong kho lạnh ra xem. Đông Ninh hào hứng, chuyện ấy có gì khó, dám cởi cả quần áo người chết. Bác Hữu không tin, họ cuộc nhau. Cuối cùng thì Đông Ninh thua.

“Anh nhắc nhở anh Ninh, hỏi anh ấy sờ tay vào người chết về có dám gần vợ gần con không?”

Nói đến đây, Xuyên Thanh thọc tay vào lưng Cát Hồng, Cát Hồng sợ quá, co người vào lòng anh, ôm chặt.

Sau đấy, chị đẩy chồng ra: “Anh cút đi, chưa biết chừng anh cũng đụng vào người chết rồi”.

***

Cát Hồng đến cơ quan không có việc gì làm, chị thích ôm cái máy điện thoại gọi cho Trần Tiếu Nhu. Chị biết tối nay Tiếu Nhu làm ca đêm, giờ này đang ngủ ở nhà. Quả nhiên Tiếu Nhu nhận điện, giọng uể oải, ngáp dài. Đêm hôm qua cô ta đánh mạt chược đến ba giờ sáng, thu tiền được về, có thua một ít. Cát Hồng thấy Tiếu Nhu uể oải, chị kể lại chuyện Xuyên Thanh đến nhà tang lễ để gây hưng phấn cho Tiếu Nhu nghe.

Lúc đầu, Xuyên Thanh, Đông Ninh được bác Hữu đưa đi tham quan không có gì đáng sợ, thậm chí còn cười với nhau. Xuyên Thanh nói, có thể anh là người nhát gan nhất, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, không biết anh nghe ai nói, ma sợ lửa. Phòng làm lễ truy điệu trống trải, âm u, bật đèn vẫn có cảm giác ấy. Hình như bác Hữu nhắm mắt cũng có thể tìm thấy công-tắc điện. Sang phòng chỉnh dung, thấy mấy cái xe đẩy thi thể, trên đó có những cái gối đặc biệt, xe nồng nặc mùi thuốc tẩy trùng, rất kích thích mũi. Đông Ninh đi tới đẩy xe, cười sằng sặc. Tiếp đó sang nhà xác, xác chết được để trong tủ lạnh, bác Hữu mở kho lạnh, Đông Ninh đến gần. Xuyên Thanh có kinh nghiệm anh đứng tránh xa. Anh biết, khi mở khí lạnh sẽ bay ra, khí lạnh trong kho bảo quản thi thể còn bị ô nhiễm, có mùi hôi. Đông Ninh đến gần, chắc chắn người anh dính đầy khí ô nhiễm. Mở kho lạnh ra, có đôi bàn chân trần chĩa thẳng về phía họ, đôi chân tím ngắt, chân đàn ông. Đông Ninh tò mò bảo kéo ra xem. Bác Hữu lôi cái xác ấy ra. Người dàn ông chết vì tai nạn giao thông, trần trụi chỉ khoác một cái áo quân phục màu vàng. Đầu bị vỡ, nửa người dưới nát bét. Vì chưa tìm thấy lái xe gây tai nạn, cái xác này vẫn phải để lại. Trong kho lạnh có xác một cô dâu, cô dâu chết trong đêm tân hôn, để đã bốn năm nay, áo cưới đã biến thành màu vàng, nước trong cơ thể cũng đã khô hết, đầu khô không khốc giống như đầu quạ, mặt teo tóp, miệng nhô ra trông như khỉ.

Thấy Tiếu Nhu ở đầu kia đầu dây im lặng, Cát Hồng không kể tiếp, hỏi còn nghe không đấy. Nghe Tiếu Nhu nói cô đang chăm chú nghe, Cát Hồng mới kể tiếp chuyện Đông Ninh đánh cuộc.

Đông Ninh bảo không sợ, một mình anh ta vào nhà xác mở kho lạnh lôi xác chết ra, anh ta dám cởi quần áo người chết. Bác Hữu không tin, bảo anh khoác lác. Hai người đánh cuộc, ai được sẽ được một nghìn đồng. Trước khi bước vào nhà xác, Đông Ninh giao hẹn, thứ nhất việc đánh cuộc này không được nói ra ngoài, bác Hữu bảo chắc chắn là vậy, nói ra người bất lợi nhất là bác; thứ hai, không được đứng đằng sau ho hoặc dọa anh. Tất nhiên Xuyên Thanh đồng ý, anh sẽ làm trọng tài.

Trước khi bắt đầu, Đông Ninh mượn cái bật lửa của Xuyên Thanh, thật ra trong người anh ta đã có bật lửa, có thể anh để dự phòng. Anh châm một điếu thuốc: “Tôi đi!”. Thấy bác Hữu không nói gì, anh nhắc lại: “Tôi đi!”

Đông Ninh đi rồi, bác Hữu và Xuyên Thanh vẫn đứng nguyên một chỗ. Bác Hữu nói: “Anh Ninh không thể thắng, tiền là chuyện nhỏ, thắng rồi sẽ đi nói khoác, đâm khó cho tôi là người phụ trách nơi này, chuyện không có gì phạm pháp, nhưng cũng khó ăn khó nói”. Xuyên Thanh đã tính rồi, Đông Ninh không thể thắng nổi. Anh nghĩ, Đông Ninh dùng bật lửa để chiếu sáng, cố làm ra táo bạo, từ phòng chỉnh dung cách một quãng xa mới đến phòng hỏa táng, đoạn đường rất sợ, tối om, tĩnh lặng. Cộng thêm những mùi lạ và những thứ rơi vãi trên lối đi, như vậy cũng đủ làm tóc anh ta dựng đứng, sợ đái cả ra quần. Không khí trong nhà xác lại càng không cần nói. Một lúc sau, Xuyên Thanh đoán Đông Ninh đã đến nhà xác, hỏi bác Hữu có nên cùng đến với anh ta hay không. Bác Hữu chơi ác, nói: “Vội gì?”.

Chờ cho đến khi Đông Ninh sợ quá, hét lên: “Tôi đến nơi rồi, đến nơi rồi”. Bác Hữu chậm rãi đi tới, nói anh kêu to như thế có thể khiến người chết cũng phải tỉnh lại. Đông Ninh bảo, chờ cho hai người đến, anh sẽ lột quần áo người chết. Xuyên Thanh thấy Đông Ninh cố làm ra vẻ bình tĩnh đứng trước kho lạnh hút thuốc, anh vội khen: “Được lắm, được lắm! Rất táo bạo! Rất táo bạo!”

Bác Hữu nói, trong lúc Đông Ninh lột quần áo người chết, bác và Xuyên Thanh tạm thời đi nơi khác, để một mình anh làm. Đông Ninh rất không đồng ý, nhưng không có cách nào. Bác Hữu lôi Xuyên Thanh ra ngoài, Đông Ninh vội gọi họ: “Đứng lại! Đứng lại!”.

Bác Hữu quay vào, Đông Ninh mở kho lạnh, lôi thi thể ra. Anh cúi xuống chuẩn bị, thi thể được lôi ra ngoài. Bác nói với Đông Ninh: “Anh vẫn rất căng thẳng, dùng sức quá mạnh, lại bị lệch”.

Thi thể đã được lôi ra, Đông Ninh bắt đầu, nhưng anh chưa làm ngay, hình như đang do dự điều gì, ra sức rít thuốc. Bác Hữu hỏi, có cần bác làm mẫu không, Đông Ninh bảo không cần.

Lúc này Xuyên Thanh khuyên Đông Ninh: “Thôi đi! Được thua là chuyện nhỏ, tay chạm vào xác chết bị ô nhiễm, về nhà chạm vào người vợ con”.

Đông Ninh như được thể, anh nói: “Đúng vậy, chỉ vì điểm ấy mà tôi không dám đụng tay”.

Bác Hữu rất vui vì Đông Ninh nói vậy, bác vỗ vai anh, cho cái xác vào kho lạnh, nói một câu độ lượng coi như Đông Ninh đã thắng. Đông Ninh nói anh nhận thua cuộc, trước đấy không nghĩ đến vợ con, ngày nào anh cũng cởi đồ cho vợ con.

Tiếu Nhu nghe đến đây bỗng bật cười, nói đàn ông hễ xa vợ con là làm những chuyện không đâu, tìm sự kích thích ở chuyện này chuyện khác. Cô hỏi, có phải đêm hôm qua Cát Hồng rất thích thú, Xuyên Thanh quấy rối mấy hiệp?

Cát Hồng dừng lại giây lát, kêu lên: “Không có chuyện ấy!”.

***

Buổi sáng, ngồi trước bàn ăn, Cát Hồng cười với Xuyên Thanh, anh hỏi vợ cười gì, chị không nói. Chị nhớ đến câu Tiếu Nhu hỏi hôm qua, trách anh: “Từ nay về sau anh đừng uống say nữa, em cảnh cáo anh đấy!”. Xuyên Thanh vội thanh minh, trong bữa ăn phải ứng phó, không thể tự chủ nổi. Anh còn nói, chưa biết chừng tối nay lại tiếp tục. Cát Hồng dọa anh, chị sẽ với danh nghĩa chủ gia đình viết thư cho Ban kỉ luật để trị những kẻ hủ bại. Xuyên Thanh không quan tâm đến chuyện ấy của vợ. Cát Hồng cũng nhận ra, chị bực tức: “Tối nay em sẽ đi chơi mạt chược”. Xuyên Thanh mừng lắm: “Được, hình như em lâu lắm không chơi”.

Ngay trước mặt Xuyên Thanh, Cát Hồng gọi điện cho Tiếu Nhu, bảo cô ta tìm hai người nữa cho đủ bạn chơi.

Hơn chín giờ tối, Xuyên Thanh uống rượu ở đâu đó về nhà, điều ngạc nhiên là Cát Hồng không đi chơi mạt chược.

Cát Hồng đắp mặt nạ dưỡng da, nằm trên giường xem ti vi, nhìn chồng, khen anh hôm nay khá lắm, không đi uống rượu. Anh hỏi vợ tại sao không đi chơi mạt chược, chị bảo thiếu một chân, với lại Tiếu Nhu kêu đau đầu. Cả hội hẹn tối hôm sau, hẹn chắc chắn, sét đánh cũng không thay đổi. Xuyên Thanh “hừm” một tiếng, chậm rãi rửa mặt, rửa chân rồi lên giường.

Cát Hồng như sực nhớ ra điều gì, chị bảo vừa đọc báo, báo đăng “Điều lệ xử phạt quản lý trị an” nay qui định nếu bắt được gái làm tiền sẽ thông báo cho gia đình, ở Hàng Châu đã có trường hợp đầu tiên. Xuyên Thanh chau mày: “Những chuyện ấy có liên quan gì đến chúng ta? Để ý làm gì?”.

Cát Hồng giải thích, đấu tranh giai cấp phải làm thường xuyên, hàng năm, hàng tháng, hàng ngày, những năm gần đây có nhiều người già đâm hư hỏng. Xuyên Thanh cải chính, bảo những người ấy vốn đã hư hỏng. Anh còn đưa ra những câu nói thực tế để an ủi vợ, anh bảo để mấy trăm đồng ấy mua quà cho vợ con thích hơn, hoặc cả nhà đi ăn tiệm cũng được. Cát Hồng thử chồng, nghe nói bây giờ tìm gái rẻ lắm, chỉ một vài trăm thôi. Xuyên Thanh nói, cho không anh cũng không làm, bẩn lắm, dính bệnh thì khốn, đừng nói gì đến AIDS, bị bệnh lậu cũng đủ lắm rồi. Anh đưa ra những ví dụ ở cơ quan chơi gái bị bệnh, không biết bệnh tiềm ẩn sáu bảy ngày, làm hại vợ cũng bị, phải đến bệnh viện rất xấu hổ, cùng vợ đi tìm bác sĩ theo quảng cáo dán trên cột điện, mất hàng chục nghìn mới khỏi chứng đi tiểu buốt. Cát Hồng nói, biết vậy là tốt. Chỉ sợ rượu vào không kiềm chế nổi. Xuyên Thanh bảo không thể, anh bảo uống say rồi vội vã bỏ về nhà.

Cát Hồng ngồi dậy đi bỏ mặt nạ dưỡng da, chị bảo người con gái dù xấu, dù béo, dù gầy, cứ tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Xuyên Thanh định nói không như nhau nhưng không dám nói, chỉ dám phụ họa rằng vợ rất có lý. Cát Hồng thấy anh cùng chung nhận thức, chị phấn khởi lắm, bảo hôm nay làm chuyện ấy, chị sẽ làm gái làm tiền, trả cho chị hai trăm đồng. Xuyên Thanh rất cáu: “Ôi ôi, đứng đắn nào, giống ai?”. Cát Hồng lè lưỡi, không dám bừa bãi, cảm thấy mình có phần quá đáng. Cát Hồng hỏi chồng tại sao lâu thế mà vẫn chưa lên. Anh lấy cớ, vì thấy thi thể người đàn ông ở nhà tang lễ, nửa người dưới bị xe cán nát, trông thật sợ. Anh lấy các bộ phận cơ thể của mình ra làm ví dụ để nói với Cát Hồng. Cát Hồng vội ngăn anh lại, nói sau này không vì trông thấy cái ấy của anh mà nghĩ đến chuyện kia, có cảm giác sợ hãi. Xuyên Thanh nói: “Không đến mức ấy đâu”. Cát Hồng quay lại: “Tiếu Nhu bảo, nguyên nhân gần đây em hay thua là vì làm nhiều. Hôm nay không làm, ngày mai thử chơi bài xem thế nào”.

Xuyên Thanh không dám tỏ ra phấn khởi, giả vờ không còn cách nào khác: “Thử thì thử”. Anh hỏi Cát Hồng có phải thường xuyên kể chuyện ân ái của vợ chồng mình với Tiếu Nhu? Cát Hồng cười cười, chột dạ nói: “Ngủ đi, ngủ đi”.

***

Cát Hồng đến nhà Tiếu Nhu chơi mạt chược. Cuộc chơi bắt đầu lúc năm giờ chiều, sau khi hết giờ làm việc, cho đến bữa tối chị thua năm trăm đồng. Những người khác được thua không nhiều, thua năm trăm coi như khá đậm, có thể gọi là thất bại thảm hại.

Bữa tối rất đơn giản, chồng Tiếu Nhu đi công tác, cô làm cho mỗi người một tô mì Dương Xuân, cũng may, mọi người để tâm vào cuộc chơi, ăn rất vội, người đặt bát xuống trước đã giục người khác. Cát Hồng giúp Tiếu Nhu rửa bát, miệng phàn nàn bảo mình hôm nay đen đủi quá. Tiếu Nhu vẫn cười Cát Hồng, bảo chuyện kia làm hăng quá đấy. Cát Hồng nghe nói vậy bực lắm, bảo bốn năm hôm nay không làm. Tiếu Nhu vờ nghiêm túc, hỏi: “Cậu với anh Thanh có vấn đề gì à?”. Cát Hồng cười ngập ngừng, vẩy nước rửa bát lên người Tiếu Nhu. Cát Hồng không sao hiểu nổi, chị đã từng nói với Tiếu Nhu: “Vợ chồng ba ngày không làm chuyện ấy coi như chồng có vấn đề, qua ba ngày không làm sẽ là chuyện của người vợ”. Cát Hồng nói làm đây là làm tình, thuyết này phù hợp với những cặp vợ chồng ngoài ba mươi và dưới bốn mươi, về điểm này Cát Hồng có thể ghi nhận. Tiếu Nhu đang dẫn lý thuyết của Cát Hồng.

Cuộc chơi đến mười hai giờ, đó là qui luật cũ. Thua đến tám trăm coi như kịch trần, tức là về vườn. Cho dù gần kịch trần, Cát Hồng như lợn chết không sợ nước sôi, đặt cọc lớn.

Cát Hồng ù một ván lớn, vẻ mặt rạng rỡ, miệng nói mèo mù vớ cá rán. Lẽ ra chuẩn bị dốc túi, được cũng không coi là gì, tâm lý Cát Hồng không bị nặng nề, chơi mỗi lúc một thuận tay hơn, ù liền mấy ván khiến mọi người phải bất ngờ. Ván kết thúc ba về một, Cát Hồng trở thành người thắng, thắng hơn một nghìn đồng.

Cát Hồng vui vẻ giúp Tiếu Nhu thu dọn chiến trường, xếp đặt bàn ghế. Nghĩ đến chuyện chuyển bại thành thắng, chị cười theo kiểu Chu Tinh Trì. Tiếu Nhu rất tin mấy hôm nay đúng là Cát Hồng không làm chuyện kia. Cát Hồng đỏ mặt: “Tớ không tin đằng ấy nói, hôm nay về nhất định phải làm, để xem ngày mai được hay thua”. Tiếu Nhu nghe rất phấn khởi, giục Cát Hồng về nhanh lên. Vừa ra đến cửa, Cát Hồng như nhớ ra điều gì, hỏi Tiếu Nhu chồng đi công tác mấy hôm nay, như vậy vận may phải đến chứ? Tiếu Nhu cười: “Nếu chồng tớ không làm, coi như không sống nổi hay sao?”. Cát Hồng thấy Tiếu Nhu không đùa, chị cũng không truy hỏi, nghĩ bụng: hỏng, hỏng, tất cả đều hỏng!

Xuyên Thanh vẫn chưa ngủ, đó là thói quen của anh, dù Cát Hồng đi chơi mạt chược về muộn thế nào thì anh cũng chờ vợ về. Thấy vợ tươi tỉnh, anh không hỏi cũng biết vợ được. Cát Hồng bảo với anh, không những thắng mà thắng đậm.

Lúc ngủ, Cát Hồng lấy cái gối để xuống cuối giường, bảo thử xem sao. Xuyên Thanh cười đau khổ, bảo nếu cứ được tiếp sẽ ở riêng hoặc li hôn là tốt nhất. Cát Hồng dỗ anh, miễn cho một tuần rửa bát. Ở nhà Xuyên Thanh phải rửa bát, anh đi công tác, bát đũa dùng rồi chất cao như núi chờ anh về rửa. Cát Hồng nói, nếu vậy đúng là lỗ vốn.

Chỉ một lúc sau Xuyên Thanh đã lăn ra ngủ, tiếng ngáy se sẽ, không nặng không nhẹ.

Cát Hồng rất phấn khởi, không ngủ nổi.

***

Cát Hồng biết Xuyên Thanh bận nhiều ở các bàn rượu, bàn mạt chược. Không chơi mạt chược nữa, anh với đám bạn chơi tú-lơ-khơ “đấu địa chủ”, chơi bài này hoàn toàn là giải trí, phần lớn chơi trước hoặc sau khi ăn, rất nhiều nhà hàng ăn ứng cảnh đã thu xếp cho khách một phòng chơi bài. Chơi bài này có lúc Xuyên Thanh cùng chơi thâu đêm suốt sáng.

Xuyên Thanh rất sạch sẽ, ngày nào cũng tắm ở nhà, không đi tắm hơi. Chuyện này trước kia cho rằng đấy là nhược điểm của anh, nhưng bây giờ lại coi đấy là ưu điểm, khiến chị yên tâm. Thật ra, Xuyên Thanh vẫn đi tắm hơi, tắm rồi về tắm lại cho Cát Hồng thấy.

Hôm ấy, chưa hết giờ làm việc, Tạ, Trưởng phòng quảng cáo gọi anh đi thăm khách hàng. Trưởng phòng quảng cáo vẫn thường có yêu cầu, lúc nào cũng khẩn khoản: “Tôi không quyết nổi, giúp tôi trấn áp”. Theo đúng lý, Tạ là cấp dưới của anh, không tiện sai phái anh. Nhưng quảng cáo là bộ phận quan trọng của tờ báo, Tạ làm việc này rất tốt, hai người kết giao cũng rất khăng khít, phòng quảng cáo là nơi có thể chi tiêu, nợ nần, rất tiện. Xuyên Thanh xuất trận khách hàng cũng dễ hơn, những gì Tạ không quyết Xuyên Thanh sẽ quyết.

Địa điểm “trấn áp” khách hàng là nhà hàng, Tạ đặt tiệc mời khách đến đàm phán ngay bên bàn tiệc. Ông Giám đốc công ty sữa vì họp nên đến trễ hẹn hơn hai tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó không có người, bài cũng không chơi nổi, Tạ gợi ý đi tắm hơi, Xuyên Thanh nói: “Cậu lại thế, lên cơn nghiện rồi”. Câu nói như trách cứ, Tạ cảm thấy ngượng. Xuyên Thanh thấy anh ta khó xử, liền chữa lại: “Ừ, đi nhé”.

Hai người tìm một nhà tắm hơi, tắm xong về buồng riêng, vừa nằm xuống thì mắt nọ nhìn mắt kia, người làm nhìn ông chủ. Lần trước Tạ mát xa kiểu Thái bị Xuyên Thanh dọa, anh ta được một phen hú vía. Vừa rồi nói đến tắm hơi, Xuyên Thanh lại bảo “lên cơn nghiện”. Tạ không nghĩ ngợi nhiều, hỏi Xuyên Thanh tiếp theo sẽ làm gì. Xuyên Thanh không hiểu, chờ anh ta như mọi lần hỏi xem mát xa chân hay tập luyện sức khỏe, hồi lâu không nghe nói gì, anh liền đề xuất mát xa chân. Tạ đồng ý ngay, nói hai người cùng làm.

Trong lúc chờ đợi, Xuyên Thanh hỏi lần trước đi mát xa Thái có dính bệnh không, Tạ bảo không thể như thế được. Xuyên Thanh cảnh cáo, bệnh ấy có thời gian ủ bệnh. Tạ mất tự tin, suy nghĩ sự việc đã qua năm sáu ngày rồi, miệng vẫn nói không có chuyện gì.

Lúc mát xa bàn chân Xuyên Thanh ngủ thiếp đi, nhưng nghe tiếng chuông điện thoại anh bừng tỉnh, cầm máy. Tạ nằm gần anh, nghe rõ có tiếng một cô gái trẻ. Xuyên Thanh chuyển máy sang tay khác, Tạ không còn nghe rõ tiếng đối phương nói gì với Xuyên Thanh.

Xuyên Thanh nói: “Bác sĩ Nhu, tôi thắng rồi, đã sáu hôm, kiên trì đến ngày thứ bảy, thứ tám cũng không có vấn đề gì”. Sau đấy Tạ lại nghe Xuyên Thanh nói: “Nhất định phải đổi món, ngày mai tôi sẽ đến”.

Nghe xong điện thoại, Xuyên Thanh nhắm mắt. Sau đấy, trong bàn tiệc Tạ phát hiện lãnh đạo của mình có vẻ sốt ruột, có vẻ hoảng hốt.

Xuyên Thanh về đến nhà, Cát Hồng đánh mạt chược vẫn chưa về, anh chờ đến hơn một giờ đêm vợ mới về. Cát Hồng nói lại thắng, bạn bắt chiêu đãi, phải đi nhà hàng lớn. Xuyên Thanh hỏi vợ mai còn đánh nữa không, chị bảo thôi, anh lập tức nhận ra điều gì, vội treo biển hưu chiến: “Hôm nay anh mệt, ngủ đi”.

Cát Hồng thấm mệt, ngủ rất nhanh. Xuyên Thanh không ngủ được, dậy ra phòng khách mở ví của Cát Hồng, lấy điện thoại di động vào nhà vệ sinh, cài cửa. Mấy tháng trước, Xuyên Thanh vô tình thấy trên máy điện thoại của vợ có những tin nhắn tình cảm, Cát Hồng giải thích của bạn học cũ, giữa hai người không có chuyện gì, chị cũng thấy những tin nhắn ấy thật vớ vẩn. Xuyên Thanh dùng máy của vợ để nhắn tin lại cho cậu bạn học cũ của vợ: Tin nhắn của anh: “Chồng em đọc được, anh ấy muốn gặp anh”. Về sau, cậu bạn học kia không nhắn tin cho Cát Hồng nữa.

Trong ngăn tin nhắn của Cát Hồng không có gì, không có cuộc gọi nhỡ. Xuyên Thanh không yên tâm, ngồi trong nhà vệ sinh lâu mỏi lưng, anh đấm lưng mấy cái, quyết định ngày mai gặp “nàng”.

Muốn gặp “nàng” phải tìm lý do.

***

Xuyên Thanh đi gặp nàng, nách kẹp cặp da, hai tay trống trải cảm thấy không tự nhiên. Khu chung cư Hinh Hoa Viên tòa nhà nọ sát tòa nhà kia, lúc len cầu thang anh cảm thấy có người nhìn theo. Anh đã từng đến khu này rồi, tại sao không có cảm giác ấy? Anh thấy kì lạ, đến nơi, anh đứng dưới gọi điện lên, nàng nói: “Anh lên đây”. Sau khi bấm chuông anh mới biết cửa khép hờ, vừa đẩy cửa thì thấy nàng đứng chờ sẵn. Nàng đưa cho anh đôi dép lê, đón cái cặp da trong tay anh.

Xuyên Thanh nhìn nàng, cảm thấy nàng đẹp hơn Cát Hồng. Nàng phát hiện anh đang nhìn mình, nàng hơi bối rối, nhưng chỉ trong giây lát nàng bình tĩnh trở lại, nét đẹp lại hiện lên.

Nàng đưa cho Xuyên Thanh li trà, hỏi anh: “Anh dám nhìn em thế à?”. Xuyên Thanh trả lời: “Tại sao không?”. Nàng không nói gì, cố làm ra vẻ bực mình, Xuyên Thanh nhận ra nàng giả vờ không giống chút nào. Anh nói: “Nhìn kĩ em giống một cuốn sách”. Nàng cười: “Anh nói giống như mẩu đối thoại của nhân vật đáng ghét trong truyện đăng dài kì trên báo của anh”.

Xuyên Thanh hỏi nàng thua có chịu nổi không. Nàng nói không coi đánh bài, mà như trò vui, không ngờ anh lại coi là thật. Xuyên Thanh bảo: “Em đồng ý nếu thua sẽ cho anh một món quà mà đàn ông thích cơ mà?”. Nàng nói: “Em nhận nợ, không vấn đề gì. Em đã chuẩn bị cái để tặng anh đây rồi”. Nàng đưa cho anh một gói giấy.

Xuyên Thanh cầm gói giấy định mở ra xem, nàng không cho, vậy là hai người giằng co nhau. Nàng giữ chặt gói giấy, Xuyên Thanh ôm nàng từ phía sau, định giật lấy gói giấy trên tay nàng. Rất tự nhiên Xuyên Thanh đã làm được sự mong muốn đầu tiên, nhưng mặt nàng đỏ bừng, buông tay. Xuyên Thanh mở gói giấy, trong đó là bốn vỉ Viagra. Anh cười, thở mạnh: “Không phải là cái anh thích, anh không cần”. Nàng nói: “Em biết anh rất hung, chị Hồng nhiều lần tuyên truyền cho bọn em biết”.

Nghe câu nói đó, lại nhắc đến Cát Hồng, Xuyên Thanh lúng túng, im lặng.

Xuyên Thanh không muốn im lặng, thấy trong phòng khách có bộ dàn âm thanh, anh khen bộ dàn này là loại cao cấp, hỏi nàng có đĩa CD nào hay không. Nàng mở đĩa nhạc của Bandari. Xuyên Thanh bảo bản nhạc này khiêu vũ hay lắm, anh đứng dậy, kéo nàng ra. Nàng nói: “Ở nhà làm sao khiêu vũ được?”. Cho dù hơi chần chừ nhưng rồi nàng cũng nửa đẩy nửa dựa vào anh. Lúc khiêu vũ nàng trở nên chủ động ôm sát anh. Hai tay anh ôm ngang người nàng, chân không muốn bước, nàng hỏi định nhảy điệu gì, anh nói giới hạn cao nhất của khiêu vũ là không có bước nhảy. Anh ôm chặt nàng, phát hiện nàng đã có sự đổi thay.

Nàng ngả đầu vào vai anh: “Vừa rồi anh bảo em giống cái gì cơ?”.

“Anh bảo em giống cuốn sách, cuốn sách có bìa đẹp hấp dẫn người đọc. Đáng tiếc anh mới thấy cái bìa, chưa dám mở ra xem”.

“Muốn chết à”. Nàng làm nũng, dùng nắm đấm đấm không mạnh không nhẹ lên người anh.

“Cho anh xem tủ sách của em”. Nàng đẩy anh ra rồi đi vào buồng. Trong lúc nàng chọn sách cho anh, anh vật nàng xuống cái giường bên cạnh.

Hứng thú chỉ có trước khi sự việc diễn ra, xong việc Xuyên Thanh cảm thấy hối hận.

Nàng rất chủ động, thuộc lòng thói quen của đàn ông, cả quá trình như ngựa quen đường cũ.

Anh nói: “Người em trắng như tuyết, Cát Hồng nói không sai”.

Nàng hể hả: “Anh đúng là danh bất hư truyền. Ngay trong bàn mạt chược chị Hồng bảo anh dai sức lắm, khiến bọn em phát ngượng”.

Anh lật người: “”Bọn em chơi mạt chược tay bận miệng cũng bận, làm chồng bọn em thật không may”.

Nàng cười, vừa cười vừa ôm bụng. Bỗng điện thoại di động của Xuyên Thanh đổ chuông. Anh ngồi dậy, trần truồng đi ra phòng khách lấy cái cặp da. Điện thoại không có chuyện gì quan trọng. Nàng hỏi, đêm hôm trước anh có làm với Cát Hồng hay không, Xuyên Thanh trả lời không, bảo hôm nay đã là ngày thứ bảy. Anh thổ lộ, anh với Cát Hồng sinh hoạt chưa bao giờ gián đoạn lâu như kì này, trừ những lúc sinh nở và kinh nguyệt.

Nàng nói, Cát Hồng hỏng lắm, chả trách gì hôm qua chơi bài lại được. Anh hỏi, tối hôm qua chơi bài đến lúc nào. Nàng cho biết kết thúc sớm, hình như hơn mười giờ. Chỉ một mình Cát Hồng được, cho nên mọi người không hứng thú chơi.

Tay Xuyên Thanh hầu như không nghỉ, nàng đẩy anh ra để anh dừng tay, bảo hình như có người gõ cửa. Anh căng thẳng đến nỗi không nói nên lời, mắt nhìn quanh, hình như tìm chỗ ẩn nấp. Nàng bảo không sợ, chắc chắn là mẹ nàng. Cửa khóa có cài chốt, có chìa khóa cũng không mở được. Nàng ra hiệu cho anh sang buồng bên cạnh.

Xuyên Thanh vội ôm quần áo, cầm điện thoại sang phòng bên. Vào phòng, anh chốt cửa, mặc áo quần. Anh nghe thấy tiếng người vừa vào nói chuyện với nàng, tiếng phụ nữ lớn tuổi, hình như là mẹ nàng.

Đây là căn phòng của Tiểu Vũ con trai nàng. Mặc xong áo quần, anh cố trấn tĩnh, mở khóa cửa, để cửa khép hờ, cầm cuốn vở của Tiểu Vũ, ngồi ở sofa giả vờ lật mở xem. Tiếng nói chuyện ở phòng bên cạnh nghe rất rõ. Mẹ nàng biết tối nay nàng trực nên đến với cháu.

Xuyên Thanh biết mục đích đến của mẹ nàng, nghĩ trong chốc lát cũng khó ra khỏi cửa, rất sốt ruột. Anh lấy điện thoại, mạnh dạn gọi cho nàng. Anh nói thật khẽ: “Làm thế nào bây giờ?”. Nàng không trả lời, chạy sang nói với anh: “Cửa phòng bên đóng rồi, anh đi đi, không sao đâu”.

Xuyên Thanh chỉ vào nách, nói: “Cái cặp”. Nàng đi lấy, anh lôi lại, bảo như thế mẹ nàng sẽ phát hiện. Nàng nói mẹ nàng tinh lắm, vừa vào cửa đã biết. Xuyên Thanh nói: “May mà mẹ em”. Lúc này anh cảm thấy gặp mẹ nàng chào hỏi vài câu cũng được. Tuy vậy, cầm cái cặp nàng đưa, anh vội vã đi giày rồi ra cửa.

Xuống cầu thang anh cảm thấy an toàn, không xảy ra việc gì. Anh đi thật nhanh, nhẹ nhàng như bay lên.

Trực đêm ở bệnh viện chỉ có phòng hóa nghiệm là nhàn hơn cả. Tiếu Nhu cùng một thực tập sinh, cô hầu như không phải làm việc gì. Mười giờ có hai cô gái đến thử nước tiểu, thấy các cô này ăn diện diêm dúa không đứng đắn, làm xong hóa nghiệm, Bính, cô thực tập sinh ghé tai Tiếu Nhu nói nhỏ: “Bị rồi!”. Cô ta như vui mừng, cũng không trách, vì làm ca đêm nhàn nhã. Cô gái cầm phiếu xét nghiệm hỏi Tiếu Nhu có vấn đề gì không, Tiếu Nhu lạnh lùng trả lời: “Đi mà hỏi bác sĩ”.

Cô gái đi rồi, Tiếu Nhu nói với Bính, mỗi ngày cô làm nhiều nhất là bảy ca. Bính bảo, bọn chúng ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ, vậy mà trong người lại bẩn thỉu. Tiếu Nhu nói, phiền nhất là nhiễm khi gần nhau, lây nhiễm cho bao nhiêu người. Bính hỏi, tại sao bệnh tình dục lại xếp vào khoa da liễu mà không phải là khoa tiết niệu? Tiếu Nhu trả lời, cũng không rõ lắm.

Tiếu Nhu cảm thấy khó chịu. Chiều nay mẹ đến, cô không đi tắm nổi. Cô vào nhà vệ sinh rửa qua, không biết ma sai quỉ khiến thế nào, cô lấy nước tiểu của mình đi xét nghiệm.

Bính phát hiện Tiếu Nhu ngồi kia, sắc mặt không bình thường, bảo cô vào phòng trong nghỉ. Tiếu Nhu nằm vật xuống giường.

Tiếu Nhu nghĩ theo chiều hướng tốt, tiếp xúc cũng chưa chắc đã bị nhiễm. Lại nghĩ theo chiều hướng xấu, đã nhiễm rồi. Lại nghĩ theo chiều hướng tốt, phát hiện sớm, dự phòng hoặc chữa trị sớm, sẽ không có vấn đề gì.

Tiếu Nhu ngồi bật dậy, chạy xuống nhà, tìm một bác sĩ trực vốn có quan hệ tốt, bảo bạn của chồng có vấn đề, đến chỗ nạp tiền và phòng dược cũng nói như vậy, không ai nghĩ rằng cô ta. Nhưng bác sĩ kê đơn lại hỏi họ tên, cô sững sờ, bác sĩ bảo tên gì cũng được, cô nói cái tên Ngô Xuyên Thanh.

Lấy được thuốc rồi, Tiếu Nhu đến phòng cấp cứu lấy một cái bơm tiêm dùng một lần, về phòng hóa nghiệm hút thuốc vào bơm tiêm, bảo Bính tiêm cho mình. Chị nói đấy là Gib.

Làm xong mọi việc Tiếu Nhu thở phào nhẹ nhõm, bỗng nhớ ra phải gọi điện cho Xuyên Thanh. Cầm máy lên rồi nhưng lại do dự, phải một hồi lâu mới quyết tâm.

Đầu dây đằng kia đang bận. Tiếu Nhu biết Xuyên Thanh bấm nút từ chối nhận điện. Tiếu Nhu không muốn gọi tiếp, nghĩ bụng anh ta tự chuốc khổ vào thân.

Lúc Xuyên Thanh cầm điện thoại thì Cát Hồng vào nhà vệ sinh đắp mặt nạ dưỡng da, anh thấy số máy của Tiếu Nhu, vội vàng tắt máy. Cát Hồng từ trong nhà vệ sinh hỏi với ra điện thoại của ai gọi, Xuyên Thanh nói: “Điện thoại của anh Ninh, bực quá, chỉ sợ anh ấy lại nói chuyện nhà tang lễ”.

Cát Hồng cười: “Sợ gì, nghe cũng hay đấy chứ”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.