Ván Cờ Người

Chương 3: Chương 3: Tan Cuộc




“Nhật báo Tứ Phương” đưa tin hỏa hoạn ở Trung tâm thời trang hồi sáng sớm cũng đồng thời giới thiệu sơ qua chuyện Tiểu Mãn tham gia cứu hỏa bị thương và được bệnh viện cứu chữa.

Xuyên Thanh ở nhà dưỡng bệnh đọc được tin này trên báo, lập tức gọi điện cho Ban Tuyên truyền của Thành ủy Tứ Phương, anh nói cuối cùng thành phố đã xuất hiện một anh hùng nghĩa dũng, Bí thư thành ủy và Chủ tịch thành phố nên đến thăm, đài truyền hình, đài phát thanh, báo ngày, báo buổi chiều cần thiết theo dõi, thông tin đầy đủ, có bài bản.

Người ở Ban Tuyên truyền nhận điện thoại của Xuyên Thanh thiếu kiên nhẫn, anh ta đặt máy xuống liền kêu ca: “Cái anh chàng Thanh này bệnh tâm thần nặng rồi. Anh ta cứ nghĩ mình là lãnh đạo tỉnh ủy, thay mặt cho Ban tuyên truyền tỉnh ủy trao nhiệm vụ cho chúng ta”.

Buổi tối, đài truyền hình thành phố đưa tin, Bí thư thành ủy và Chủ tịch thành phố vào bệnh viện thăm Tiểu Mãn, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của anh và tình hình điều trị, chỉ thị cho bệnh viện phải bằng mọi giá cứu sống người anh hùng cứu hỏa vì nghĩa này. Nhân dân trong thành phố lũ lượt kéo đến thăm anh, hoa tươi để đầy lối đi bên ngoài phòng bệnh.

Thấy đài truyền hình đưa tin, Xuyên Thanh rất xúc động đi đi lại lại trong phòng, miệng lầm bẩm: “Mãn ơi! Nếu tờ báo còn trong tay tớ, tớ sẽ đưa tin liên tục, đưa tin có hệ thống, đưa tin sâu đậm, mở chuyên mục, để cậu trở thành đại anh hùng ai ai cũng biết”.

Tiểu Mãn bị bỏng sâu trên phần lớn diện tích cơ thể, thêm vào đấy đường hô hấp bị cháy. Bệnh viện tổ chức hội chẩn, đề ra phương án điều trị nghiêm ngặt, lúc mổ có sáu bác sĩ làm việc liên tục, chia thành ba nhóm xử lý toàn diện. Vì mới qua cơn choáng, cơ thể Tiểu Mãn rất yếu, mổ nhanh có thể giảm ra máu, mà cũng đỡ đau.

Sau phẫu thuật, lớp da chết trên người đã bị loại bỏ, để lộ một diện tích lớn lớp thịt dưới da, bác sĩ phải xử lý bằng cách đậy lên người anh một lớp da khác, chờ đến khi đủ điều kiện sẽ cấy da của bản thân anh.

Tiểu Mãn nằm trong phòng cách li vô trùng, lúc đầu Vân Tài ít có cơ hội chăm sóc anh, vào thăm phải thay đồ vô trùng, bác sĩ cũng hạn chế thời gian thăm, không cho chị nói chuyện nhiều với anh.

Mặt Tiểu Mãn bị bỏng nặng, có thể nói khuôn mặt bị biến dạng, trong vòng một tháng phải phẫu thuật bốn lần, bác sĩ phải chỉnh sửa da trên người, trên mặt anh, lấy da ở những nơi khác cấy vào khuôn mặt. Tiểu Mãn rất đau đớn, toàn thân băng bó, không cử động nổi. Để giữ cho vết thương khô ráo, ngày nào bác sĩ cũng thay băng hai lần, mỗi lần thay phải hơn hai tiếng đồng hồ. Không phải lần nào mở băng ra đều có thể gây mê, vì không thể ngày nào cũng gây mê hai lần. Mỗi lần thay băng trong tình trạng gây mê cũng rất đau đớn, Tiểu Mãn tỏ ra kiên cường.

Hơn mười ngày sau, bác sĩ xét đến khả năng chịu đau và sức chịu đựng về tâm lý của Tiểu Mãn, ngoài việc điều trị theo phác đồ thông thường còn tiến hành chỉ dẫn về tâm lý. Hàng ngày Vân Tài đến với anh lâu hơn, được nói chuyện với anh nhiều hơn.

Vân Tài biết Tiểu Mãn quan tâm đến công ty, chị nói rõ cho anh biết, chỉ giấu anh một sự việc. Nhưng không thể giấu được anh, anh nhận ra ngay. Một hôm, sau khi Vân Tài nói chuyện công ty, mắt anh cứ nhìn xoáy vào chị. Vân Tài không dám nói, chuyện giấu anh có thể gây sốc cho anh.

Tiểu Mãn mặt bị thương không được nói chuyện, anh chỉ dùng âm mũi bảo chị “nói đi”.

Vân Tài chỉ nói với anh, Hồ Bằng đã bỏ trốn.

Hồ Bằng không nói đi đâu, trước lúc đi anh để lại cho Vân Tài một phong bì có năm trăm nghìn và một lá thư, bảo chị chuyển cho Tiểu Mãn. Thư rất đơn giản: “Anh, rất xin lỗi, tất cả đều do tôi sai trái. Hãy giúp tôi chăm sóc con”. Công an tìm Vân Tài để tìm hiểu về Hồ Bằng. Bảo anh có liên quan đến vụ việc lừa đảo huy động vốn. Vân Tài không nói với công an chuyện Hồ Bằng để lại thư và tiền. Sau đấy chị rất sợ, muốn nói chuyện này với Tiểu Mãn, lại sợ anh bị sốc.

Phản ứng của Tiểu Mãn làm chị căng thẳng, anh trợn mắt, nằm bất động, giống như đang suy nghĩ căng thẳng lắm..

Rất lâu sau, Tiểu Mãn dùng âm mũi để nói: “Trả… công… nhân…” Vân Tài gật đầu, hiểu ý anh.

Trước lúc Vân Tài về, Tiểu Mãn lại thay đổi ý định, anh vất vả lắm mới ra hiệu cho Vân Tài biết phải đưa tiền và thư đến cho công an.

Theo ý Tiểu Mãn, Vân Tài đưa tiền và thư đến công an, ông Đào Triệu Quốc, đội trưởng đội điều tra trực tiếp nhận. Ngay tối hôm ấy ông vào bệnh viện thăm Tiểu Mãn.

Ông Quốc không hỏi gì Tiểu Mãn, chỉ cho biết hiện tại công an tạm giữ Hai Hiến, trợ thủ của Hồ Bằng, thông qua anh ta để biết những người bị hại, sơ bộ được biết Hồ Bằng đã phi pháp huy động được hơn mười hai triệu đồng cho cái gọi là Quĩ hỗ trợ. Hai hôm trước, Hồ Bằng ở Hàng Châu gửi về cho đội điều tra một lá thư, trong đó có bản sao chụp chứng từ của bốn mươi hai chủ xưởng may vay một triệu hai trăm bảy mươi nghìn. Như vậy Hồ Bằng ôm một khoản tiền lớn bỏ trốn.

Ông Quốc dặn Tiểu Mãn và Vân Tài, nếu có tin tức gì về Hồ Bằng phải báo ngay với công an, công an đã công bố lệnh truy nã Hồ Bằng.

Sau hôm ông Quốc vào bệnh viện, đội điều tra lại tìm Vân Tài nhiều lần, tìm hiểu kĩ tình hình Quĩ hỗ trợ có liên quan đến Tiểu Mãn.

Hiện tình của Tiểu Mãn có sự thay đổi, bộ phận có liên quan ngừng ngay việc đề nghị tuyên dương Tiểu Mãn danh hiệu cá nhân tiên tiến, các phương tiện thông tin đại chúng cũng thôi tuyên truyền công lao thành tích của anh. Nhưng điều ấy không ảnh hưởng đến Tiểu Mãn, đáng sợ là bác sĩ thông báo với Vân Tài khoản viện phí phải trả là một trăm nghìn, gồm chi phí phẫu thuật và nằm viện, bác sĩ còn cho biết hậu kì điều trị của Tiểu Mãn cần phải một trăm nghìn nữa.

Vân Tài cầu xin bố mẹ, thu gom tiền gia công cũng chỉ như muối bỏ bể, vừa phải nộp viện phí cho Tiểu Mãn, vừa phải trả lương cho công nhân, chi tiêu cho nhà máy, hiện tại mỗi ngày có không biết bao nhiêu người đến ngồi ở công ty, họ bị Hồ Bằng lừa mua cổ phiếu quĩ hỗ trợ.

Nhà sư bỏ trốn nhưng chùa thì không thể đi theo, họ đòi Tiểu Mãn và Vân Tài phải trả nợ thay cho Hồ Bằng.

Cũng may, công nhân trong xưởng nể tình Vân Tài, sau ngày Tiểu Mãn bị nạn họ cũng không đòi lãi suất hàng tháng, sẵn sàng cùng công ty qua cơn hoạn nạn. Nếu không có sự ủng hộ của công nhân thì Vân Tài cũng đổ từ lâu rồi.

***

Sau hỏa hoạn, vì việc Hồ Bằng bỏ trốn, Trung tâm thời trang nổi sóng, cảnh ngộ của Tiểu Mãn được các chủ xưởng may đồng tình.

Tiểu Mãn bị thương trong khi cứu hỏa tại Trung tâm thời trang, nếu không vì cứu tài sản của người khác, anh không đến nỗi phải nằm viện, cũng không đến nỗi bị mất da trên cơ thể, mặt không bị biến dạng. Cát Hồng biết có nhiều người muốn bày tỏ tấm lòng với Tiểu Mãn, muốn tổ chức lạc quyên giúp đỡ Tiểu Mãn.

Sau khi đóng cửa phòng chơi bài, những ông chủ thích chơi mạt chược trong Trung tâm thời trang đều có ý kiến với Cát Hồng, làm ăn của chị cũng bị ảnh hưởng, nhà ăn vắng khách nhiều. Dần dần mọi người cũng hiểu được chị. Trước kia Cát Hồng dựa vào Xuyên Thanh, những mong vợ chồng vinh hoa phú quí, Xuyên Thanh bị bệnh thần kinh, Cát Hồng gần như trở thành người khác. Chị nắm lấy bãi đỗ xe và gia đình, một mặt chú ý đến làm ăn ở bãi đỗ xe, mặt khác chăm sóc chồng ốm đau. Tính tình Cát Hồng có phần khác đi, nhưng trong cốt tủy vẫn cởi mở nghĩa hiệp, thường xuyên giúp đỡ người khác, thích làm việc thiện, được mọi người khen ngợi. Bởi lòng dạ ngay thật, nhanh mồm nhanh miệng, nói năng thẳng thắn mọi việc lớn nhỏ trong Trung tâm thời trang, ra vào đồn công an hoặc đến tòa án chỉ một mình chị, chị trở thành ủy viên hội đồng hòa giải dân sự.

Buổi tối cuối tuần, Cát Hồng làm mười mâm cỗ, mời các vị chủ xưởng trong Trung tâm thời trang. Người đến đông hơn dự kiến, không những người của các xưởng may, một số người của khu thương mại cũng đến dự. Có người đến không ăn, trao tiền quyên góp rồi về. Tiền quyên góp hoặc nhiều hoặc ít, nhiều hai ba nghìn, ít không dưới hai trăm.

Cát Hồng chúc rượu, nói với mọi người khó khăn của Vân Tài và Tiểu Mãn. Người được chúc rượu đều nhận góp một khoản nào đó, tưởng như đã được bàn bạc kĩ, mỗi vị bỏ ra một nghìn đồng. Hữu Ngư ngồi kia, anh im lặng, không nói chuyện với người ngồi bên cạnh, không ai nhận đóng góp. Hữu Ngư sợ Cát Hồng hiểu nhầm, bảo anh đã tính toán, sắp xếp. Cát Hồng nói, Tiểu Mãn lấy đức báo oán, vì Hữu Ngư mà bị thương, Hữu Ngư nên ủng hộ nhiều hơn mới phải, Hữu Ngư gật đầu lia lịa.

Cát Hồng chúc rượu mọi người xong, con số đóng góp đã lên đến bảy tám chục nghìn, cộng với số tiền của những người ủng hộ trước bữa ăn được tất cả hơn một trăm nghìn. Chị đưa ánh mắt về phía Hữu Ngư, xem anh định tính toán thế nào.

Hữu Ngư đứng dậy, hắng giọng, nói: “Chúng tôi đây xin ủng hộ một trăm nghìn”.

Mọi người đều ngạc nhiên, Cát Hồng không tin ở tai mình. Hữu Ngư nói: “Cậu Mãn là người tốt, còn chúng ta cũng làm chút việc tốt”.

Nghe anh nói vậy mọi người cùng cười, có người hỏi có phải anh muốn làm người tốt việc tốt không. Hữu Ngư lắc đầu nói không phải. Anh giơ cao hai tay rồi ấn xuống, ra hiệu cho mọi người im lặng: “Chúng tôi đây bủa vây, chơi mạt chược chỉ có ra không vào, chơi được một trăm nghìn thì thôi không chơi nữa”.

Có người hỏi Hữu Ngư bủa vây là thế nào, tại sao quyên tiền lại chơi mạt chược?

Hữu Ngư nói: “Tôi là người nhà quê, quê chúng tôi có nghĩa cử giúp đỡ người gặp khó khăn, cần giúp ai chúng tôi ngồi lại với nhau, dùng cách chơi mạt chược. Người tham gia cuộc chơi đều là những bậc đức cao đạo trọng trong làng, thua bao nhiêu bỏ ra bấy nhiêu, theo cách nói duy tâm “ông trời có mắt”.

Hữu Ngư chỉ vào những người ngồi cùng bàn và người ngồi bàn bên cạnh, nói tiếp: “Chúng tôi đây không thể coi là đức cao đạo trọng, chỉ là những người thích chơi mạt chược, mỗi năm thu được đến mấy chục nghìn. Chơi mạt chược lớn là phạm pháp, chơi nhỏ không việc gì. Theo chị Hồng nói, mạt chược làm con người hư hỏng. Nói về chúng tôi, chơi mạt chược quên cả cứu người, suýt nữa thì xưởng cháy thành than. Rất may có anh Mãn, làm liên lụy đến anh”.

Thấy mọi người nghe rất nghiêm túc, Hữu Ngư càng nói càng hăng: “Chúng tôi bàn với nhau, vì anh Mãn chơi một trận cuối cùng, coi như mượn chậu vàng để rửa tay, từ nay về sau không chơi mạt chược nữa. Xin mọi người chứng giám”.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt, Cát Hồng xúc động, nói: “Hôm nay tôi phá lệ, xin tới đây chơi mạt chược. Tôi đưa bàn mạt chược tự động bấy lâu nay niêm phong ra cho mọi người chơi. Hoan nghênh mọi người xem, trà thuốc miễn phí”.

Mọi người cùng vui, không ai nghĩ đến ăn uống, ồn ào ngồi vào bàn mạt chược.

Phòng chơi bài bày ra năm bàn mạt chược, Hữu Ngư đưa ra qui tắc hai chục nghìn coi như về vườn, người thua nhiều nhất cũng chỉ hai chục nghìn.

Cát Hồng chia quân bài tú-lơ-khơ cho mọi người làm thẻ nợ, dặn mọi người chơi đến một trăm nghìn sẽ về vườn, coi như kết thúc.

Tiếng xoa mạt chược rào rào, Cát Hồng bưng trà rót nước còn thêm một việc, nghe bàn nào xóc bài chị liền đến xâu nợ.

Bàn của Hữu Ngư người đứng xem đông nhất, anh qui định không được ù nhỏ, mong mọi người ù to không tiền khoáng hậu, cho dù sau này không chơi nữa mọi người cũng nên đánh thật nghiêm túc, mong sao ù một ván thật lớn để làm kỉ niệm.

Thẻ nợ trước mặt Hữu Ngư nhiều nhất, người thua một nghìn vẫn cười hì hì: “Chơi mạt chược chưa bao giờ thoải mái như lúc này, được thua đều có ý nghĩa!”

Vừa qua mười hai giờ đêm, thẻ nợ trên tay Cát Hồng đã có tám chục nghìn, xem ra sắp kết thúc, bỗng có tiếng gõ cửa.

Cát Hồng mở cửa chợt đứng sững, định đóng cửa nhưng không kịp, một tốp cảnh sát ập vào. Chị quen người dẫn đầu nhóm cảnh sát này, chính là ông Lâu, người xử lý vụ mạt chược của Xuyên Thanh, ông vừa được điều về làm đồn trưởng trong khu kinh tế. Trong lòng Cát Hồng kêu khổ, cảnh sát vây lây bàn mạt chược.

Trên bàn không có dấu vết mạt chược, nhưng bài tú-lơ-khơ cũng có thể là bằng chứng, ông Lâu gọi bộ đàm điều xe cảnh sát lớn đến, dồn tất cả hai chục người chơi mạt chược lên xe về đồn.

Trên đường đến dồn cảnh sát, Cát Hồng giải thích với ông Lâu, bảo họ đánh bài bủa vây để quyên góp ủng hộ Tiểu Mãn. Ông Lâu cảm thấy nghìn lẻ một đêm đi bắt mạt chược chưa ai mượn cớ này, ông bảo Cát Hồng đến đồn sẽ trình bày.

Đến đồn cảnh sát, mỗi người một câu, tất cả đều nói “bủa vây” không phải đánh bạc ăn tiền. Hữu Ngư ra sức giải thích bủa vây là gì, mới mấy tiếng đồng hồ trước mọi người còn nói “bủa vây” thật phấn khởi. Ông Lâu không biết phải xử lý thế nào. Rõ ràng là đánh bạc lại bảo không phải vì mục đích được thua, ông đành phải chờ đến sáng hôm sau hỏi phòng pháp chế của sở.

Phòng pháp chế đã gặp một vụ như thế này rồi, họ xem xét, cho rằng đánh mạt chược là hành động phạm pháp vì kiếm lợi, còn đây là những người chơi “bủa vây” nhằm quyên góp ủng họ người gặp khó khăn, không thể nói không vi phạm trật tự xã hội, ít nhất cũng là làm trái với phong trào: Phòng pháp chế đề nghị đồn công an phê bình những người tham gia trò mạt chược.

Ông Lâu nghiêm sắc mặt phê bình mọi người, bảo rõ rằng họ làm việc tốt nhưng lại bằng phương thức không tốt, mọi người cần nâng cao phẩm chất. Hữu Ngư nói: “Đúng vậy”. Có mấy người đã từng bị xử lý về tội chơi mạt chược, vừa bước vào đồn gặp mấy nhân viên cảnh sát quen mặt gọi họ là “tôi phạm thân quen” lúc này nghe ông Lâu nói không xử lý, tỏ ra vui hết cỡ.

Từ đồn cảnh sát ra, có người đề xuất tiếp tục “bủa vây”. Không phải chỉ một vài người muốn vậy, về đến bãi đỗ xe họ cùng ngồi lại. Cát Hồng rất bình tĩnh, khuyên mọi người về, lý do chị đưa ra vì có ông Lâu đồn trưởng.

Mọi người không làm khó Cát Hồng, bảo bỏ tiền ra, cư tính toán theo ghi chép, dù sao thì cũng là tiền ủng hộ Tiểu Mãn. Đều là những tay chơi mạt chược kì cựu, rất nhớ mình thua bao nhiêu, phải bỏ ra bao nhiêu. Cát Hồng đếm tiền, hơn một trăm nghìn. Chị thay mặt Tiểu Mãn cảm ơn mọi người, hẹn Hữu Ngư chiều nay vào bệnh viện thăm anh.

Hôm sau, Vân Tài đến bãi đỗ xe tìm Cát Hồng, mặt đỏ bừng đứng trước Cát Hồng hồi lâu không nói nên lời. Cát Hồng sốt ruột, bảo Vân Tài có gì thì nói nhanh lên. Vân Tài ấp úng, chính chị đã đến đồn công an báo việc bãi đỗ xe có đám đánh bạc. Chị không biết nguồn cội, chỉ nghe nói Hữu Ngư và những người khác đánh mạt chược ở đấy.

Vân Tài nói: “Tôi căm giận mạt chược”.

Cát Hồng nói: “Không trách đằng ấy, tớ cũng rất căm giận. Nếu tớ không biết cũng sẽ hành động như đằng ấy. Bãi đỗ xe sẽ không còn ai chơi mạt chược nữa, lúc nào khỏe tớ sẽ phá những cái bàn mạt chược kia đi, không bán cho ai”.

***

Tiểu Mãn ra viện, anh không phẫu thuật chỉnh hình, để lại năm chục nghìn đồng ủng hộ nhà may Kì Cường bị hỏa hoạn. Trong thời gian anh nằm viện, Vân Tài và bà chị họ chấn chỉnh lại công ty, anh để cho hai chị em tiếp tục làm. Anh không còn mặt mũi nào đến công ty, không dám nhìn những người công nhân bị Hồ Bằng lừa gạt, cảm thấy mình đã giúp làm chuyện độc ác, tự trách mình và lấy làm xấu hổ. Anh định nghỉ ngơi một thời gian cho khỏe hẳn sẽ đi tìm Hồ Bằng, giúp công an truy tìm số tiền bị mất.

Không chờ Tiểu Mãn hành động, công an tóm được Hồ Bằng ở Ninh Ba - Triết Giang.

Chuyện bắt Hồ Bằng đầy kịch tính. Lần trước công an nhận được lá thư của Hồ Bằng gửi từ Hàng Châu, cho rằng anh ta vào nam nhưng lại nói mình ra bắc, cố tình nghi binh, không ngờ anh ta vẫn ở Hàng Châu. Có thể vì mạt chược ám ảnh, không biết ma sai quỉ khiến thế nào, Hồ Bằng đến xem bảo tàng mạt chược ở Ninh Ba.

Bảo tàng mạt chược của Ninh Ba đặt ngay cạnh Thiên Nhất Các. Bước vào bảo tàng, hai bức tường hai bên cửa vẽ quân bài Tuyên Hòa, bài lá Thủy Hử và bài giấy Mã Điêu thời cổ. Hai bên bày những thuyền buồm và những mô hình bằng xương có liên quan đến mạt chược, trên nền nhà vẽ những quân bài mạt chược. Bên trong còn trang trí những bức tranh xuân hạ thu đông và tượng các danh sĩ thời xưa chơi mạt chược.

Hồ Bằng vào bảo tàng, rất thích thú, ở trong đó rất lâu, gặp một đoàn khách du lịch Nhật Bản. Anh biết vài tiếng Nhật, người hướng dẫn du lịch giải thích không rõ ràng khiến anh bực mình, nổi hứng anh giở kiến thức mạt chược ra.

Mấy người khách Nhật Bản nghe rất hứng thú, liên tục giơ ngón tay cái, nói: “Tốt lắm”. Cảnh tượng ấy đã khiến cho một cảnh sát thường phục đang cùng vợ đi du lịch, anh ta cảm thấy như đã gặp Hồ Bằng ở đầu rồi. Người cảnh sát thường phục bỏ vợ đấy, chạy đến một đồn cảnh sát gần đấy tìm lệnh truy nã trên mạng, đối chiếu với tội trạng của Hồ Bằng. Đến khi người cảnh sát mặc thường phục và nhân viên cảnh sát của đồn đến bảo tàng thì Hồ Bằng vẫn đang đọc kinh mạt chược với khách.

Công an thành phố Tứ Phương nhận được thông báo của công an Triết Giang, lập tức cử ông Đào Triệu Quốc dẫn đầu nhóm điều tra phá án ba người đến Ninh Ba, họ áp giải Hồ Bằng về tạm giữ ở công an Hàng Châu, nơi Hồ Bằng ẩn náu, tiến hành thẩm vấn đột xuất.

Trên người Hồ Bằng chỉ có mấy nghìn tiền mặt, ngoài ra không còn tung tích các khoản tiền bẩn.

Nhóm điều tra của ông Quốc tiến hành khám xét nơi ở của Hồ Bằng, không tìm thấy bất cứ một đồng tiền mặt, thẻ ngân hàng hoặc sổ gửi tiền, cũng không phát hiện chứng từ chứng khoán hoặc thứ gì đáng tiền.

Hồ Bằng đã từng học luật, anh biết mình phạm tội gì. Anh nói mình can tội lừa đảo huy động tiền tiết kiệm của mọi người. Về các khoản tiền bẩn, anh bảo chỉ là khái niệm chứ không thực chất, dùng hết mấy nghìn có trên người anh sẽ không còn đồng nào, tiếp theo chuẩn bị tự kiếm ăn. Anh nói: “Thật tình tôi không có tiền, tôi là người có thể vượt vũ môn, chui hang chó”.

Sau mấy ngày ở lại Hàng Châu, Hồ Bằng bị dẫn giải về Tứ Phương. Về đến nơi, anh vẫn không thể khai báo khoản tiền bẩn ấy ở đâu, anh bịa chuyện nói dối với điều tra viên và các quan chức cảnh sát thẩm vấn.

Cảnh sát biết Hồ Bằng là người cứng đầu, hiểu luật pháp, anh chống lại hậu quả. Tức là, sẵn sàng ngồi tù nhưng không khai báo ra một đồng nào.

Ông Quốc nhớ đến Tiểu Mãn, ông nhờ Tiểu Mãn thuyết phục Hồ Bằng.

Không cần phải nói rõ quan hệ, Tiểu Mãn nói: “Tôi biết phải làm gì”.

***

Tiểu Mãn gặp Hồ Bằng trong phòng họp nhỏ không phải phòng thẩm vấn. Tiểu Mãn xuất thân là một cán bộ bảo vệ nội bộ yêu cầu lúc nói chuyện phải được ghi âm, điều này là có trách nhiệm đối với vụ án và cũng là đối với bản thân, vì anh có liên quan đến vụ án.

Hồ Bằng thấy Tiểu Mãn đến, bỗng giật mình, tay vẫn bị khóa, anh ta làm động tác vái chào, nhìn vào mặt Tiểu Mãn. Vì chưa phẫu thuật chỉnh hình, mặt Tiểu Mãn đầy những sẹo.

“Tôi biết anh bị bỏng nặng, nhưng không ngờ đến mức này. Tôi bỏ đi ba ngày sau vụ hỏa hoạn”.

“Xưởng may Kì Cường vay của anh một trăm năm chục nghìn, mấy xưởng khác sau hỏa hoạn cũng đóng cửa bỏ chạy. Cho nên anh…”

Hồ Bằng cảnh giác: “Tôi không làm hại anh”.

“Không nói đến chuyện ấy. Tôi với anh làm hại người khác, những người nghe tôi mua cổ phần ở Quĩ hỗ trợ”.

Hồ Bằng hạ thấp giọng: “Tôi đã nhắn với cô Tài anh phải làm thế nào để thoát khỏi mọi mối liên hệ. Với lại, nên đến sở Công thương để thay đổi hồ sơ đăng kí doanh nghiệp, tôi trở thành cổ đông hoặc đối tác của anh, anh sẽ đổ bể cùng với tôi”.

Tiểu Mãn nói: “Cho nên tôi phải tri ơn, đền đáp chứ?”.

Hồ Bằng nói: “Không cần, chỉ cần anh đừng gây rắc rối đối với tôi. Bây giờ tôi như chó rơi xuống nước…”. Tiểu Mãn trầm mặc giây lát, giống như bị những lời nói của Hồ Bằng gây xúc động. Anh nói với Hồ Bằng, cảnh sát yêu cầu đến gặp, anh bảo anh không còn tâm tư nào làm thuyết khách, chỉ muốn biết tại sao Hồ Bằng lấy nhiều tiền như thế. Nếu làm như hồi đầu, sẽ không gặp tai họa lớn như hôm nay.

Tiểu Mãn hỏi Hồ Bằng tại sao lấy nhiều tiền như thế, chữ “lấy” để mở ra chữ lừa dối. Hồ Bằng mượn cách nói của Tiểu Mãn, bảo lúc đầu anh cũng không muốn lấy nhiều như thế, chẳng qua không kiềm chế nổi.

“Tiền đến thật dễ dàng. Không cần thổi bụi cũng có trong tay anh thật nhiều tiền, những đồng tiến ấy có thể sinh ra tiền cho anh, liệu anh có từ chối không? Thật khoái!”

“Cho nên anh đã đào cho mình cái hố thật lớn, rồi chôn mình trong đó”.

Hồ Bằng cúi đầu: “Tôi hiểu luật pháp, tôi biết vết xe đổ của anh Hòa. Tôi biết kinh doanh, trong cuộc sống chưa bao giờ chịu thua thiệt. Tôi không gặp may, gặp phải lũ thổ phỉ và lưu manh trong nghề may. Nếu họ làm việc theo đúng qui tắc thì tôi vẫn làm việc tốt, tôi chỉ làm cái việc vẹn cả đôi đường”.

Tiểu Mãn nói: “Nói đến qui tắc, gần đây tôi có nghiên cứu luật pháp, biết anh dùng cái tên Quĩ hỗ trợ doanh nghiệp để né tránh luật pháp thực chất là để bịt tai ăn cắp chuông. Ngay từ đầu anh biết làm như thế là phạm pháp, anh gặp may về tâm lý, cho rằng mỗi công nhân không đi kiện anh vì hai nghìn đồng, cho rằng như thế anh có thể khống chế, không để xảy ra sự cố. Anh nhầm rồi”.

Hồ Bằng bắt đầu bực lên: “Anh Mãn, tôi với anh có quan hệ gì nhỉ? Chúng ta nên không có quan hệ gì. Tôi thấy anh đối xử với mọi người thật tốt, đối với con tôi rất tốt, coi anh như người anh lớn, như bạn bè, tại sao anh đến thẩm vấn tôi như cảnh sát vậy?”. Tiểu Mãn đang định gợi chuyện dần dần, nhưng chỉ nói một câu có phần mạnh mẽ, anh ta đã ý thức được.

Hồ Bằng nhận ra ý đồ của Tiểu Mãn, hỏi tại sao lấy nhiều tiền như thế là để khơi gợi, hỏi tiền ở đâu mới là mục đích, anh đã thay cảnh sát để hỏi chuyện. Tiểu Mãn chờ cho Hồ Bằng nói hết những điều định nói, anh tiếp: “Tôi muốn hỏi anh hai vấn đề, chuyện tiền ở đâu không phải là điều tôi muốn hỏi. Điều tôi muốn hỏi là, tại sao anh lấy nhiều tiền như thế? Lấy nhiều tiền như thế để làm gì?”.

Hồ Bằng: “Tại sao lấy nhiều tiền như thế? Tôi nói rồi cơ mà”. Tiểu Mãn nói: “Tôi biết, anh nói là vì không kiềm chế nổi”. Hồ Bằng không bằng lòng: “Anh còn muốn biết tôi lấy nhiều tiền như vậy để làm gì chứ gì? Tôi nói, tiền là thứ tuyệt vời, càng nhiều tiền càng có ý nghĩa”.

Tiểu Mãn: “Anh vẫn không kiềm chế nổi mình, tiền lúc này không phải là thứ tuyệt diệu đối với anh, tiền nhiều cũng không có ý nghĩa gì”.

Hồ Bằng cho rằng hai người cứ vòng vo mãi mất cả ý nghĩa. Tiểu Mãn thì chê Hồ Bằng không biết tính toán, nguyên nhân để không kiềm chế nổi là không biết tính toán, nói nhiều tiền có ý nghĩa cũng là bởi không biết tính toán.

Tiểu Mãn nói: “Có tiền còn phải có cuộc sống, phải được sống mới có ý nghĩa. Chị Oánh là người biết tính toán minh bạch”. Hồ Bằng không muốn nghe Tiểu Mãn nhắc đến Oánh Oánh. Tiểu Mãn không nghe thấy Hồ Bằng ngăn không cho anh nói đến Oánh Oánh, anh nói Oánh Oánh là con người minh bạch, chị đem nộp tiền là để giữ cuộc sống tự do, thay đổi cách sống trước kia, cùng con trai đang lớn lên, có tương lai hạnh phúc. Ngược lại, Văn Hòa không có tự do, chỉ còn biết ngồi tù. Tiểu Mãn nói: “Anh Hòa có giấu tiền cho con hay không tôi không biết, cho dù anh ấy làm như thế liệu con anh ta có cảm kích không? Nó có trách Văn Hòa làm nó sống không có cha trong mấy chục năm trời không? Còn Văn Hòa lấy vợ, có con, anh ta không biết mình đã đánh mất niềm vui gia đình”.

Hồ Bằng lẩm bẩm: “Tôi với cô Oánh không giống nhau, tôi không vươn lên nổi”.

Tiểu Mãn lắc đầu, vẫn nói Hồ Bằng không biết tính toán. Hồ Bằng bực lên, tưởng chừng sắp gây sự với Tiểu Mãn.

Tiểu Mãn ghé sát mặt Hồ Bằng, nói nhỏ: “Cổ phiếu của anh lên giá rồi đấy”.

Hồ Bằng trố mắt, thấy rõ anh ta không biết phải nói gì.

Hai hôm sau, Tiểu Mãn đem đến phòng tạm giam cho Hồ Bằng nửa con vịt muối và một chai bia để thăm Hồ Bằng một lần nữa.

Uống bia và ăn vịt muối xong, Hồ Bằng tỏ ra thỏa mãn lắm. Tiểu Mãn nói: “Tự do và hạnh phúc cụ thể là anh có được ăn thứ mình thèm, uống thứ mình khát. Nếu anh đi lao động cải tạo mấy chục năm, những thứ này anh cũng không dám nghĩ đến, mấy chục năm không được nếm”.

Hồ Bằng như đang suy tư, anh lau miệng. Tiểu Mãn nói với anh, gần đây thằng Hâm rất thích chơi game.

Hồ Bằng không hỏi gì thêm, nhưng rõ ràng anh không yên tâm về thằng Hâm mê game. Anh ngồi trên ghế, lòng những buồn rầu.

Một lúc sau, Hồ Bằng hỏi tại sao Tiểu Mãn biết cổ phiếu của anh lên giá, Tiểu Mãn nói: “Cô Tài bây giờ là vợ tôi, cô ấy không có chuyện gì là không nói với tôi, phỏng đoán anh có tiền chắc chắn sẽ mua cổ phiếu”. Hồ Bằng chỉ “hừm” một tiếng, tiếp tục không có biểu hiện gì hiện lên nét mặt. Tiểu Mãn cảm thấy kiềm chế tình cảm của mình thật sự khó khăn.

Trước khi ra về, Tiểu Mãn vỗ vỗ vai Hồ Bằng: “Tôi không biết chơi bài, nhưng tôi biết nguyên lý của bài. Một người cả đời chơi bài là số phận, nhưng ra bài là bản thân anh”.

Mặt Hồ Bằng co giật, một người không chơi bài, nhưng vẫn hiểu nguyên lý của bài hơn anh, mà người đó lại là Tiểu Mãn. Trong thâm tâm anh không thể không thừa nhận Tiểu Mãn nói rất có lý. Anh đang giúp Hồ Bằng ra một quân bài tốt.

Tiểu Mãn về rồi, cảnh sát đưa anh về phòng tạm giam. Hồ Bằng yêu cầu được thẩm vấn, có chuyện anh muốn khai báo.

Lúc thẩm vấn, Hồ Bằng không khai ra ngay khoản tiền bẩn ở đâu, mà khai ra một bản danh sách đưa cho ông Quốc, anh muốn biết giá các loại cổ phiếu. Điều này đối với đội trưởng đội điều tra phá án là vô cùng đơn giản, ông lên mạng và cho anh ta ngay.

Hồ Bằng nhìn giá cổ phiếu, tỏ ra phấn khởi, bảo cổ phiếu anh mua nay đã lên rất cao.

Hồ Bằng khai, hầu hết số tiền bẩn anh đem mua cổ phiếu. Theo anh tính toán, với giá cổ phiếu này anh sẽ trả gần đủ số tiền thu của mọi người.

***

Tiểu Mãn và Vân Tài đến bãi đỗ xe cảm ơn Cát Hồng. Cát Hồng bảo Tiểu Mãn và Vân Tài có thời gian nên đến thăm Xuyên Thanh, gần đây bệnh tình của anh khá hơn nhiều, có điều chỉ một mình ở nhà, không có ai đến thăm.

Tiểu Mãn đi ngay, còn đem cho anh một bộ quân cờ mà anh thích, định chơi với anh vài ván.

Ấn chuông hồi lâu, Xuyên Thanh với khuôn mặt nghiêm nghị ra mở cửa. Tiểu Mãn nhìn anh, áo quần tề chỉnh như xưa, cà vạt thắt ngay ngắn, nếu thay đổi chỉ là cái vẻ kì lạ, béo hơn chút ít, mặt nhợt nhạt dễ sợ.

Xuyên Thanh mời Tiểu Mãn vào, chỉ vào người đàn ông bưng trà đến, giới thiệu một cách máy móc: “Anh Kim, trợ lý của tôi, tôi vẫn thường xuyên khen anh ấy”.

Thấy Tiểu Mãn bắt tay với “trợ lý”, Xuyên Thanh nói: “Tôi rất bận, suốt ngày gục xuống bàn khởi thảo ‘Thư ngỏ gửi toàn thể nhân viên trong Trung tâm thời trang’”.

Xuyên Thanh đến bên cái bàn, cầm tập bản thảo lên vẫy vẫy: “Viết theo ý của đồng chí Cát Hồng, lãnh đạo của tôi, nội dung là của tôi, từ nay trở đi kiên quyết không chơi mạt chược”. Ngừng lại giây lát, anh nhìn bộ quân cờ trong tay Tiểu Mãn: “Cờ tướng cũng không chơi, mải chơi sẽ mất hết ý chí, không có lợi cho xây đựng và phát triển một xã hội hài hòa”.

Tiểu Mãn không biết Xuyên Thanh viết những gì, lén nhìn trong tay anh ta chỉ là tờ giấy trắng. Tay kia của anh cầm một quân bài mạt chược, không nhìn cũng biết đấy là quân bát đồng nổi tiếng.

Trong phòng khách vẫn còn cái bàn mạt chược, giống như vừa mới chơi xong.

Tiểu Mãn ngồi ở sofa, nhìn Xuyên Thanh với cái vẻ suy tư, không biết nên nói gì với anh. Xuyên Thanh cũng không có chuyện gì để nói, chỉ ngồi bên cạnh Tiểu Mãn.

Rất lâu hai người không nói chuyện. Xuyên Thanh nhìn theo ánh mắt của Tiểu Mãn, thấy anh đang nhìn cái bàn mạt chược.

Tiểu Mãn nghĩ bụng, Xuyên Thanh bệnh tật thế này mà còn bị điên đảo vì hồn ma mạt chược, miệng nói cấm nhưng trong lòng sợ rằng khó bỏ nổi.

Mạt chược không phải là thứ tốt lành, không phải đến hôm nay Tiểu Mãn mới nhận ra. Anh không chơi mạt chược, xưa nay không màng, nhưng bên cạnh có nhiều người chơi. Anh chưa thấy ai chơi mạt chược mà có tương lai tiền đồ, chỉ thấy mạt chược hại người. Xuyên Thanh là người bị hại; Vân Tài có thời chìm đắm trong mạt chược. Nghĩ lại, những người đặt cuộc sống trên bàn mạt chược không ai thắng:

Văn Hòa bị hại, thua; Hồ Bằng hại người, cũng thua; Xuyên Thanh tự mình hại mình, cũng thua; những người khác kết cục có gì khác không?

Cát Hồng tỉnh ngộ, Vân Tài liệu có từ nay xa rời mạt chược? Tiểu Mãn nghĩ bụng thật chua xót.

Tiểu Mãn hỏi Xuyên Thanh: “Anh có căm giận mạt chược không?”.

Xuyên Thanh nhìn đăm đắm phía trước, lạnh lùng trả lời: “Tôi không căm giận mạt chược, mạt chược căm giận tôi!”.

Tiểu Mãn đang suy nghĩ câu nói của Xuyên Thanh, chợt anh giằn mạnh từng tiếng:

“Anh nhìn vào mạt chược, mạt chược cũng nhìn anh”.

HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.