Vạn Dặm Hoa Đào Trong Mưa Hạ

Chương 29: Chương 29: Giấu nơi đáy lòng




Ánh mặt trời cuối cùng cũng tắt hẳn, đèn lồng trước cổng được đốt lên, hành lang dài quanh co cũng sáng rực.

Tiết Thống và Tiểu Kỳ tay xách hành lý im lặng đứng phía sau. Bàng thúc đi phía trước cầm lồng đèn rọi đường về hướng từ đường, dưới ánh sáng chao đảo không yên ta nhìn thấy nụ cười dịu hiền của thúc ấy và cả những nếp nhăn đã xuất hiện nhiều hơn trước.

"Thiếu lang, con lâu rồi không về nhà. Chúng ta vào thăm cha con nào, tướng quân rất nhớ con đấy."

Ta bỗng nhiên không thể bước thêm bước nào được nữa, cứ đứng như trời trồng giữa sân. Ta không dám.

Nếu không mở tung cánh cửa đó thì sẽ không có bài vị của cha, người vẫn còn ngồi trong thư phòng làm việc.

Nếu không mở tung cánh cửa đó, ta vẫn sẽ là ta của ngày nào vô tư chạy rong ngoài phố, cuộc sống ngang tàng chẳng cần lo nghĩ vì đã có cha chở che.

Nếu không mở tung cánh cửa đó thì những phong sương năm năm qua sẽ chỉ là một giấc mộng.

Cho nên ta không dám bước đi.

Bàng thúc vậy mà không hề đợi ta, chỉ liếc nhìn một cái liền tiến nhanh về phía trước, đưa tay đẩy cửa từ đường ra. Ta chẳng kịp nghĩ gì nữa chỉ hối hả chạy đến ngăn cản thúc ấy nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Trước mắt là kệ gỗ dài, lư hương tỏa khói nồng đậm, hai bài vị gỗ đặt ngay ngắn nằm kề nhau, đèn thắp sáng trưng đến mức muốn giả bộ không nhìn rõ cũng không được.

Hai chân ta run rẩy, nỗi sợ hãi tột độ bao trùm lấy cơ thể, lập tức quay người lại bước ra ngoài cổng chính.

"Về Thiệu quận đi."

Tiết Thống dang tay ra giữ chắc ta lại như một bức tường thành vững chắc, hắn lôi ta ngược lại: "Hạ Vũ, ngươi một mực muốn về nhà, bây giờ về rồi lại đi là sao?"

Ta thét lên một tiếng, vùng vẫy khỏi cánh tay hắn đáng tiếc dùng cả sức bình sinh cùng sự giận dữ cả đời tích góp lại cũng không thể thắng được hắn. Bước chân hắn càng ngày càng nhanh, chỉ còn cách vài trượng nữa là về lại chỗ cũ, ta chuyển thái độ thành van nài.

"Ta cầu xin ngươi, cho ta đi, ta sẽ không đòi về nữa, sẽ không đòi về nữa."

Ta chỉ là xa nhà lâu như vậy, rất nhớ cha nên muốn về ngắm lại phòng của ông một lần chứ không phải tấm bài vị gỗ lạnh tanh trên cao kia. Trái tim ta nghẹn ứ lại như muốn vỡ tung, nỗi đau dồn dập kéo đến buộc ta phải bật ra tiếng gào não nề, càng gào nước mắt lại càng tuôn rơi không ngừng.

Ta quỳ trước bài vị cha mẹ, khóc đến xé ruột xé gan, khóc đến cổ họng khản đặc, đến mức hai mắt đỏ ngầu, đến khi toàn bộ sức lực đều tiêu tan, nước mắt mới dần ngừng rơi.

Bàng thúc thấy vậy cũng không kiềm được nước mắt, thắp hương run run đưa cho ta: "Thiếu lang đã về rồi thì cũng nên thắp cho tướng quân một nén nhan. Năm năm rồi đấy, cuối cùng tướng quân cũng chờ được thiếu lang về thăm người."

Ta đón lấy định cắm vào lư hương thì mới phát hiện bên cạnh Tiết Thống đã quỳ xuống từ bao giờ, không kìm được hỏi: "Ngươi đang làm gì thế hả?"

"Ta được nghe kể chuyện đánh trận của Diệp lão tướng quân mà lớn lên, sự dũng cảm và thông minh của tướng quân là huyền thoại mà ta ao ước gặp được. Mặc dù hôm nay không được tận mắt thấy người nhưng đã đến rồi thì không thể nào không quỳ lạy kính bái."

"Cha xem, cha suốt ngày chỉ có mỗi việc vác quạt gõ đầu con thế mà cũng nổi tiếng ghê!"

Sau khi khóc một trận chán chê, tâm trạng ta nhẹ nhõm hơn hẳn, trên hiên nhà gỗ quen thuộc ngày xưa, ta ngồi hướng mắt ra khoảng sân thân thuộc. Cũng giống như bao mùa xuân khác, cây cối sẽ bắt đầu nảy chồi non. Ngoại trừ cây đào trước nhà, cây lê ta thường hái trộm quả và chậu hoa thanh tú bên bậu cửa sổ chịu nóng tốt nhất, ta chẳng biết tên những loại còn lại bởi vì người luôn chăm sóc chúng là Bàng thúc cho nên dù ta có đi thêm mười năm hay hai mươi năm nữa, khu vườn này vẫn xanh tốt như cũ.

Bàng thúc rót cho ta chén trà rồi ngồi xuống cạnh ta thủ thỉ: "Thúc nhớ thiếu lang vẫn hay đòi uống trà ướp hoa đào mà thúc pha nhỉ?"

Ta nhìn nước trà trong suốt ngấm vào từng cánh hoa làm nó nở rộ như đóa sen trên mặt hồ.

"Con đi mấy năm nay vẫn khỏe chứ, có đau ốm bệnh tật ở đâu không?" Bàng thúc lo lắng hỏi thăm.

Ta lắc đầu cười xuề xòa: "Con thì làm gì có bệnh tật được, khỏe như trâu ấy. May mà trời cho sức khỏe để còn sống mà áy náy suốt đời."

Bàng thúc vỗ đầu ta trách: "Đừng có nói như vậy, con về là được rồi đừng nghĩ quẩn."

Ta xoa xoa hai mắt sưng húp vì khóc: "Năm năm trước có phải thúc giận con, giận con hại chết..." Ta tưởng giọng mình bình thản lắm nhưng cuối cùng lại như có gì đó ứ nghẹn ở cổ họng không thể nói hết câu.

Bàng thúc ôm ta vào lòng, bàn tay thô ráp vuốt mái đầu ta rồi nhẹ vỗ về tấm lưng gầy: "Đứa nhỏ ngốc, tướng quân và ta yêu thương con còn không hết làm sao nỡ giận được. Chuyện ngày đó không trách con được, triều chính là vậy, lòng người lang sói mới tồn tại được ở nơi quyền cao đó. Con chỉ là một đứa trẻ vô tội bị cuốn vào thôi, làm sao hiểu gì mà trách cứ con."

Giọng ta run run hỏi lại: "Thúc nói thật chứ ạ?" Nước mắt ta lại không kìm được tuôn rơi.

Bàng thúc cứ đều đặn dịu dàng vỗ lưng ta như khi còn nhỏ thúc ru ta ngủ: "Làm gì có cha mẹ nào lại không thương con, dù cho có thế nào cha mẹ cũng không đang tâm trách mắng con. Huống hồ ngày đó tướng quân là do bị người khác dồn vào thế cùng mà ra tay hãm hại, ông ấy nhạy bén như vậy lẽ nào không đoán trước được kết cục không tránh khỏi này hay sao?"

Ta không nói nữa cũng không thắc mắc nữa, cứ lặng yên ghé đầu vào lòng Bàng thúc, cảm nhận nhịp vỗ quen thuộc, tấm lưng gồng gánh bao nhiêu năm nay cuối cùng cũng có được một giây phút thả lỏng.

Từ nhỏ cho đến giờ là thúc nhìn ta dần dần trưởng thành, đối với ta, thúc không khác gì cha mẹ vậy. Trải bao sương gió, lặn lội trăm núi ngàn sông, lòng người đổi thay, cuối cùng ta cũng về tới nhà, nằm trong lòng thúc nghe gió thổi những đau khổ tan vào tán lá xanh mướt.

Thật may, thúc ấy vẫn còn ở đây. Thật may, nhà của ta vẫn còn ở đây.

Bàng thúc nói: "Đợi qua vài ngày nữa, tuyết trên núi tan hết, thiếu lang cùng bác đến mộ tướng quân thắp nén hương nhé?"

Ta gật đầu đồng ý, bỗng dưng nhớ ra chuyện gì đó vội vàng đứng dậy chạy vào phòng mở túi hành lý ra, mang hộp gỗ sơn giao lại cho Bàng thúc.

"Cái này là của Bàng thượng tướng, Tiết Thống tìm được ở trong phòng của huynh ấy. Con thấy ở trên ghi người gửi là phụ thân nghĩ là thúc bởi vì trông hai người rất giống nhau, mở ra xem thử thì đúng là chữ của thúc nên mang về đây trao lại cho thúc. Thượng tướng quân được chôn cất ở đồi Khâm Vọng gần Nham thành, hòa bình lập lại bất cứ khi nào thúc muốn đến thăm huynh ấy thì hãy bảo Tiết Thống dẫn đường."

Bàng thúc đưa tay đặt lên hộp gỗ nhưng không mở ra, cứ giữ nó nằm yên như thế trong lòng: "Thúc biết đường mà, thúc từng sống ở Nham thành rồi, con không cần phải lo đâu. Thư trong này... con đã đọc hết rồi à?"

Ta lắc đầu ngồi xuống uống một ngụm trà đã nguội từ lâu: "Con chỉ đọc thư của thúc gửi. Thượng tướng là người mà con cực kỳ kính nể cho nên con tuyệt đối tôn trọng sự riêng tư của huynh ấy dù cho huynh ấy còn sống hay đã mất đi chăng nữa."

Nhớ lại hình ảnh ngày ta mới đến Nham thành đầu quân, Bàng Dũng là một người có bàn tay to với cái vỗ vai đau điếng người, là người hào sảng xả thân vì dân, là người xem quân lính dưới trướng mình như anh em trong nhà, là một vị tướng tài giỏi và anh dũng, cái chết hiên ngang mà đau đớn của hắn là nỗi ám ảnh mà ta không thể quên.

"Thúc hẳn là rất tự hào về con trai mình."

"A Dũng ấy à, nhìn như vậy nhưng nó không hợp làm lính đâu. Nếu nó sinh ra trong thời bình, ắt hẳn sẽ là một người nông dân chất phác lam lũ, nhưng vì nó cũng cứng đầu y như con vậy cho nên khuyên mãi không được ta đành để nó xông pha chiến trường vậy. Làm bậc cha mẹ, khó nhất là đáp ứng nguyện vọng của con cái nhưng biết sao được, nó không hề hối hận thì người làm cha như thúc đây cũng chẳng trách móc được gì." Những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ giọt xuống nắp hộp.

Trên đời này, nỗi đau dù không muốn nhưng vẫn phải tiễn biệt người thân phải trải qua rồi mới thấu, căn bản là không diễn tả được thành lời.

Bàng thúc gạt nước mắt cười nhẹ, nói: "Chúng ta đừng nhắc những chuyện đau buồn này nữa, hôm nay thiếu lang về để thúc xuống bếp xem có gì ngon sẽ nấu cơm tối cho con và mọi người."

Ta chán nản bấu vạt áo của thúc lại: "Lần này con về còn mang thêm hai miệng ăn nữa, phủ chúng ta chắc chẳng đủ gạo mà ăn mất."

Có vẻ như giọng ta chưa đủ thê thảm hay là vì thúc ấy đã tính trước đường lui cho mình rồi mà giọng thúc ấy nghe rất vui vẻ: "Thúc chịu thôi, người trẻ như con đi nhiều tính toán tốt, nên làm thế nào thúc giao lại hết cho con đấy."

Nếu biết trước tình huống này sẽ xảy ra thì lúc trước ta đã giấu cha một chút ngân lượng cất vào nơi nào bí mật một chút, ít nhất bây giờ cũng có vốn làm ăn. Ta buồn bực nằm vật ra sàn gỗ, cảm nhận cơn gió đêm tràn khắp hành lang nhẹ lướt qua làn da ta mát rượi.

Nhà ta cái gì cũng không có chỉ có trái cây cùng hoa lá là nhiều, mùa này có thể thu hoạch táo và lựu. Ta nhớ mỗi lần cây nho ra quả, Bàng thúc đều cất lại một ít dưới hầm để ngâm rượu, bảo Tiết Thống mang một ít ra chợ bán cũng có thể kiếm được bộn tiền. Còn hoa... cây nào nở thì vặt cây đó, dù sao ta cũng chẳng nhớ nổi tên chúng. Sang màu hè cây lê sân sau cũng thu hoạch được, mùa thu thì thu hoạch hồng sớm một chút làm hồng khô. Ôi chao, cứ thế mà sống thì còn lo lắng gì nữa, ta thật là nể phục đầu óc tính toán của mình.

Vui vẻ đứng dậy đi gọi Tiết Thống và Tiểu Kỳ, trong đầu nghĩ thêm chắc phải làm một tấm biển đặt ngoài cửa để nhiều người biết càng tốt.

Diệp thiếu lang chuẩn bị trở thành chủ vựa trái cây đây!

Ngày hôm sau, trời mới tờ mờ sáng ta đã mặc áo quần đàng hoàng, gọi Tiểu Kỳ và Tiết Thống dậy đi kiếm tiền.

"Tay làm thì hàm nhai, Diệp phủ không rảnh tiền nuôi kẻ lười nhác nghe chưa?"

Ta dẫn tiết Thống xuống hầm rượu, chọn một vài thùng rượu tầm hai ba năm mang ra xe đẩy. Ta biết mấy thùng rượu hơn năm năm toàn là rượu quý của Bàng thúc, lỡ mà bán đi mất thúc ấy sẽ tiếc đến mức bán Tiểu Kỳ chuộc rượu lại thì nguy, lời hứa gả nàng ấy đi ta còn chưa thực hiện nữa mà.

Ta căn dặn hắn cẩn thận: "Ngươi đi lòng vòng quanh mấy tửu lâu ấy, gào to lên cho ta để ai cũng phải nghe. Rượu một năm thì bán bốn quan tiền, hai năm bán năm quan, ba năm bán bảy quan. Chỗ nào mua nhiều thì giảm giá nhưng nhiều nhất chỉ được năm quan không giảm hơn, cò kè mặc cả thì miễn bán luôn. Hôm nay không bán được ngươi đừng hòng ăn cơm, đến cháo cũng không có mà húp đâu đấy."

Tiết Thống vừa đẩy xe rượu ra khỏi cổng, ta lập tức quay sang Tiểu Kỳ: "Em đi lấy mấy cái gùi đựng thật to lại đây cho ta, chúng ta ra sau vườn, ta hái quả em hái hoa. Cẩn thận cả hư mất không bán được."

Ta và Tiểu Kỳ hì hục cả buổi sáng cuối cùng cũng lấp đầy hai gùi tre với táo và thạch lựu cùng với cả đống hoa của Tiểu Kỳ. Để không mất thời gian kẻo chợ tan, hai chúng ta nhanh chóng đeo gùi chạy ra khỏi nhà.

Cả buổi chiều ta vừa lôi kéo người qua đường vừa đảo mắt tìm người quen, dù gì ta cũng từng sống ở đây gần hai mươi năm, cả kinh có ai không biết Diệp thiếu lang nhà Hữu Thừa tướng. Ta mặt dày thì không có gì lạ rồi nhưng Tiểu Kỳ là lần đầu làm việc này cho nên cứ ngại ngùng rụt rè mãi, mặc cho ta động viên cũng không tiến bộ được chút nào, nhưng không sao cơ hội còn nhiều cứ từ từ rèn luyện là được thôi.

"Mới về mà đã chạy đông chạy tây náo loạn rồi, không chịu ở yên một chỗ được à?"

"Còn tưởng ai, hóa ra là Thừa tướng đại nhân ghé thăm hàng nhỏ của tiểu nhân. Đại nhân có muốn mua một chút trái cây về cho phu nhân không, hay là mua hoa nhỉ?"

Vi Tử Khải đưa tay lên che miệng hắng giọng: "Ta chưa có phu nhân, đừng có bịa chuyện bậy bạ."

Ta đứng chống nạnh cười đưa cho hắn một trái táo, hắn thoạt đầu hơi sững sờ nhưng sau đó cũng đưa tay ra nhận khóe môi khẽ cong lên. Đây là lần thứ hai hắn cười trước mặt ta, nụ cười đó vẫn như ngày hắn đến tìm ta vì Tiểu Giảo không chịu lên triều, chỉ một cách nhếch môi cũng khiến lòng người quang đãng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.