Mùi hương thơm nồng theo cú đè kia xộc vào mũi khiến bản năng phòng vệ của tôi trỗi dậy. Tôi co chân sút vào háng anh ta. Đùi lập tức bị bóp chặt khiến chân tôi rơi xuống. Bộp! Mục tiêu của tôi là gò má trái vừa thiếu phòng thủ khi tay vừa giơ tay ra đỡ đòn từ chân. Đấm phải cánh tay kịp đưa về đỡ đòn, tôi giơ chân còn lại lên. Lúc này mới là sút mạnh vào chỗ đó. Trúng đích.
Vừa được thả, tôi lập tức bật dậy, tống thẳng vào xương đòn kẻ đối diện, tay còn lại vung lên tát, rồi lùi xa thủ thế. Tôi tin là cùng với việc đạp vào chỗ đấy, người con gái nào cũng bẩm sinh biết tát đàn ông nhanh, mạnh, chuẩn, hiểm, chỉ cần đặt cô ấy vào tình huống thích hợp.
Đèn pin thứ hai rút ra chiếu thẳng mặt anh ta. Khuôn mặt, đôi mắt, nụ cười, tỉ lệ tương xứng khiến tôi có lúc thất thần kia đập vào mắt làm tôi sững người. Một nháy mắt anh ta đã đứng trước mặt tôi, đã tắt đèn pin và giờ tôi đang chạy theo anh ta lên tầng cao hơn. Vừa chạy vừa cúi thật thấp người để không bị phát hiện. Bởi trước khi chạy anh ta đã thì thầm “Bảo vệ“.
Chúng tôi ngồi xổm, cúi đầu thấp hơn lan can. Thanh Hiên nhìn tôi gật đầu, tôi mới dám với tay lên đẩy cửa sổ. Hai người nhanh chóng chui vào phòng, đóng cửa sổ lại, tìm chỗ sâu nhất, trốn dưới gầm mấy bàn học cũ.
Tôi ước lượng thời gian vô cùng kém, không gian cực kì tĩnh mịch khiến tôi có cảm giác bản thân đã ngồi đây cả thế kỉ. Có lẽ an toàn rồi, tôi thò một tay ra ngoài, định tìm điểm tựa để chui ra khỏi gầm bàn thì bị Hiên kéo lại. Tôi rất biết điều, không hề ngã vào lòng người ta. Chưa ai trong chúng tôi kịp có thêm một động tác nào nữa thì cửa phòng đã bật mở.
Suýt chết, tôi len lén thở không thành tiếng.
Từ chỗ tôi có thể thấy bóng đèn pin khua loạn xạ.
- Chỉ có ở trên này thôi, tìm cho kĩ vào, tao đi xem cửa sổ - Một người ra lệnh.
Cửa sổ, tôi thót tim. Chiều nay tôi đã lén đến đây, mở khóa trong của tất cả những của sổ có thể mở. Giấu lá phải giấu vào rừng, làm vậy vừa có nhiều lối ra vào vừa nhỡ bị bắt cũng coi như vô tình phát hiện thầy cô quên đóng cửa nên em bồng bột nghịch dại mà thôi. Tuy nhiên, cửa sổ khu này đã cũ rồi, rất lâu mới được mở ra, đóng lại hoàn toàn như những cái kia trong hoàn cảnh gấp gáp lúc đó là không thể.
Một hồi dài chỉ có tiếng sục sạo.
Phòng tư liệu chiếm toàn bộ tầng 3, độ rộng của nó là không thể chối cãi. Nhưng rộng mấy thì đi mãi cũng hết. Tiếng bước chân, tiếng lục sục đã tiến dần vào góc phòng chỗ chúng tôi, cái góc duy nhất không có hồ sơ mà có mấy bàn học cũ xếp ngay ngắn để cho tiện sở dụng.
- Phải kiểm tra tiếp không anh?
- Ừ, mày lên trước đi, xem kĩ từng cái ngăn bàn nhé.
- Vâng - Tiếng “vâng” vang lên hơi miễn cưỡng.
Cậu bảo vệ trẻ vừa dợm bước tiến lên thì không biết từ đâu, một tiếng khóc vọng tới. Tiếng khóc nghe não nề, ủ dột, nghe thê lương, ai oán. Tiếng khóc nhỏ, cứ lớn dần lớn dần. Cùng lúc đó, có tiếng mèo nhà ai kêu ré lên giữa đêm khuya. Xé gan xé ruột.
Có tiếng đóng cửa vang lên gấp gáp, chúng tôi vẫn ngồi yên lặng, lắng nghe tiếng khóc kia tới lúc chúng nhỏ dần rồi tắt hẳn. Tôi quay sang bên cạnh, khẽ nhúc nhích người như muốn cử động, không gặp sự phản đối nào thì chầm chậm chui ra ngoài.
Nhưng tôi không đứng dậy ngay mà lợi dụng khe hở giữa các bàn cùng ánh sáng vàng vọt hắt hiu từ ngọn đèn sân phía xa để xác định cửa đã đóng. Ánh đèn không lọt vào phòng, cả phòng vẫn tối đen, nếu bây giờ có người vờ đóng cửa rồi nấp trong bóng tối? Tôi còn do dự chưa đứng dậy ngay thì đã thấy Thanh Hiên chui ra từ bao giờ, đang áp mặt vào cửa phòng, xuyên qua lớp kính mờ nheo mắt nhìn xuống dưới.
Biết đã an toàn, tôi bật dậy, xoa nhẹ thắt lưng, nhanh chóng lấy đèn pin soi khắp phòng.
- Thấp xuống một chút.
Tôi hạ đèn xuống thấp, nhìn quanh quất. Không hổ là chiến trọn vẹn một tầng nhà, phòng tư liệu vô cùng rộng. Bốn bức tướng thì có ba bức là những tủ kệ kê sát tường, cao chạm trần. Bức tường có cửa ra vào ngoài hai dãy cửa sổ thấp hai bên cửa, thì kín tường là tủ kính đựng ảnh. Cả bức tường kín mít những khuôn mặt nhìn thẳng về phía trước. Tôi đoán đây là ảnh chụp trong những dịp đặc biệt.
Từ cửa đi vào vài mét, gần như chính giữa phòng có một chiếc bàn làm việc, trên bàn không có đồ đạc gì, chắc là bàn của cô văn thư chuyên trông coi nơi này. Ngoài ra, phòng tư liệu kê san sát tủ hồ sơ thành từng dãy dài, chỉ có góc trên bên trái nếu nhìn từ cửa, chỗ chúng tôi vừa ẩn nấp, là có kê vài bàn học sinh, loại bàn bốn chỗ có gắn liền ghế dài, chắc là phục vụ người vào tìm tư liệu. Tuy nhiên, đây không phải thư viện, mà gần như là kho chứa, nên tôi cảm thấy mấy cái bàn ở đó hơi thừa thãi.
Không khí cứ vương vất cái mùi thơm nồng nồng kia, tôi khẽ ngửa cổ lên hít hít, cứ như hương thơm chỉ là đường thẳng, ngửa đầu có thể hít được không khí khác vậy. Dù sao cũng đã ở đây rồi, việc ai người đó làm thôi. Tôi chỉ có trong tay một đêm trải nghiệm, một câu chuyện truyền tai nhau mà quá nửa là mùi vị “thêm mắm dặm muối”, đứng giữa căn phòng rộng lớn với lượng giấy tờ khủng khiếp này, không khỏi thấy bối rối.
Đến gần chiếc bàn làm việc trống trơn, tôi đẩy chiếc ghế xoay ra, nhìn kĩ. Bàn làm việc là loại bàn ngày xưa, không có ngăn bàn, chỉ có tủ nhỏ ngay dưới mặt bên tay phải. Phần tủ có hai ngăn, một ngăn kéo cao chừng 15cm, kéo ra chỉ thấy vài đồ văn phòng lặt vặt, dưới ngăn kéo là tủ có cánh, khóa chặt. Tôi giật mình, chợt nghĩ, nếu tất cả tủ ở phòng này đều khóa, chẳng phải tối hôm nay sẽ là công cốc sao?
- Không, giấu lá phải giấu vào rừng, tủ trong phòng này không có cái nào khóa trừ chiếc này - Giọng nói quen thuộc vang lên từ phía sau lưng, mùi hương lạ lẫm cũng xông tới. Tôi hơi né mình, nói một câu nhạt thếch: “Ừ”. Khóa, một thứ đại diện cho sự cá nhân hóa, ở hoàn cảnh này lại tạo sự bình thường nhẹ nhõm hơn hẳn những cánh cổng mở mời gọi kia, không biết là mật đường hay gai góc.
- Thư ký mới.
Nên không hiểu chuyện, nên mới mua thứ đồ có mùi hương này. Chắc là không kịp thay đổi nữa nên dùng tạm, dù sao Văn Thanh Hiên cũng không thể không tắm.
Tôi nhớ cái thứ mùi của nợ này mình đã ngửi thấy chiều nay lúc đi mua thêm pin. Chủ cửa hàng giới thiệu loại này bán rất chạy, một bộ gồm hai lọ lần lượt tên Gentleman và Lady, dùng cho các đôi yêu nhau, nhiệt tình mời tôi mua một bộ về dùng thử, đảm bảo không kích thích không lấy tiền. Tôi cười cười, trả lời một câu còn nhạt thếch hơn cả nhạt thếch:
- Thư kí tốt.
Đúng lúc đó, tiếng khóc ai oán khi nãy một lần nữa vang lên. Tôi chỉ tay:
- Cuối hành lang bên trái, anh ra xem thử xem nó là cái gì? Để tôi lo liệu ở đây.
- Em vốn trời sinh nhạy bén về khướu giác, mùi này ghét lắm đúng không? Cố gắng chịu một chút, cái loa kia kêu ba phút sẽ tắt, mai anh về nhà tắm qua, mùi này sẽ hết.
Bị phát hiện ra vũ khí bí mật, tôi khó chịu. Hoặc tôi khó chịu chẳng vì cái gì cả. Tự nhủ rằng anh ta vẫn luôn đào hoa như thế, anh ta có thể đã có người yêu, cặp kè cô này cô kia, vân vân. Thế giới của chúng tôi tách biệt từ rất lâu rồi, tôi không nên tỏ ra nhỏ nhặt vì chút mùi hương “không kích thích không lấy tiền” này, nhỡ đâu anh ta nghĩ tôi “ghen tuông thường tình” vô duyên thì xấu mặt. Thế là tôi thở hắt. Quay về vẻ mặt bình thường, thậm chí có phần “tốt bụng” tham khảo ý kiến anh ta:
- Chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Tôi đã nghe một chuyện đồn đại thế này...
Tôi hăng say kể, không ki bo bớt xén thông tin. Anh ta kiên nhẫn lắng nghe. Câu chuyện kết thúc thì tiếng khóc cũng dứt.
- Em có thể tắt loa kia đi không, anh nghĩ bảo vệ không dám quay lại nữa đâu.
- Ừ, tôi cũng chỉ có thu âm một đoạn dài như vậy thôi.
- Không phải loa hẹn giờ?
- Không, anh nghĩ tôi giàu lắm à? - Tôi lườm nguýt - Chỉ cần tìm đoạn phim ma, ghi âm lại một hai phút rồi dừng đoạn phim ấy lại, coi như ghi âm không khí, căn giờ lâu lâu rồi tiếp tục đoạn phim kia. Thế là có hai lần khóc cách biệt nhau, lại hơi khang khác chứ không trùng nhau. Khi nào cần ấn bật lên là được.
Khoe về chút khôn lỏi của mình, tôi cảm thấy hơi thích ý. Người nào đó cũng cười cười:
- Nghe ra cả tiếng rè rè, chất lượng loa không tốt lắm.
- ...
- À, câu chuyện vừa rồi của em thực sự có ích. Chúng ta cũng thấy người con gái đội cái mũ trùm sùm sụp, đầu không còn sợi tóc nào rồi. Cả bài hát nữa, cái giai điệu hôm ấy đấy. Câu chuyện em nghe không có bài hát, nhưng câu chuyện anh tìm được, lại là cô ta đứng trên cành cây hát mãi, hát tới kiệt sức thì ngã chết. Ít ra, khớp với những gì chúng ta chứng kiến thì có khả năng chuyện này có thật, cũng có thể giới hạn thời gian là vào thời chiến đúng không. Giai đoạn chiến tranh là từ 45-54 và 54-75, tổng cộng phải tìm tư liệu trong phạm vi 30 năm.
- Không đâu, trường mình thành lập sau kháng chiến chống Pháp mà. Tức là từ năm 54 đến năm 75 thôi. Dù thế, vẫn là 21 năm đấy - Tôi vừa nói vừa nghĩ thầm: Khả năng đánh trống lảng tốt đấy.
- Anh nghĩ bắt đầu từ báo chí đi. Không tên không tuổi, khó mà tìm được trong hồ sơ lưu trữ lắm.
- Được, tôi sẽ tìm trong dãy kỉ yếu và lưu bút học sinh để lại cho trường xem có gì không.
Chúng tôi lập tức bắt tay vào tìm kiếm. Hãy thử tưởng tượng, nửa đêm, bạn ở giữa bạt ngàn giấy tờ, không có google, bing, wikipedia, để tìm kiếm về một người không tên không tuổi, còn được gắn với những lời đồn thổi. Hệt như mò kim đáy biển. Tôi lật không biết bao cuốn kỉ yếu, của từng lớp có, của từng khóa có. Nhìn qua bao khuôn mặt, bao cái tên, vắn tắt ngày sinh và lớp học, tôi không nhìn ra có điều gì bất thường. Cô gái trong hang tóc đi ra từ sương mù mờ ảo, da dẻ đã tái xanh tái xám, có chỗ máu khô thành màu nâu, mắt đờ đẫn vô thần, sao có thể giống ai trong những bức hình tươi rói, trẻ trung này?
Một cuốn sách rơi ra từ chồng kỷ yếu, tôi nhặt lên, theo thói quen lấy tay vuốt vuốt bề mặt, đọc tên sách, là một cuốn truyện ngắn. Tuyển tập “Những cánh bồ câu trắng” . Tôi bắt đầu đọc. Đây là tập sách do trường xuất bản, dành cho những học sinh ham mê và có năng khiếu viết lách. Tuyển tập chỉ có mười truyện, là mười cung bậc rất đẹp của tình cảm sinh viên. Những dòng chữ các anh chị đi trước viết về chiến tranh, hòa bình, tình bạn, tình yêu, mơ mộng tương lai, về những điều bình dị mà cao cả, giản đơn mà đẹp đẽ khiến tôi xúc động. Sinh viên, thời nào cũng thế, có lí tưởng, có đam mê, và có sức trẻ cùng đôi bàn tay nghị lực để theo đuổi tất cả. Lật đến trang cuối cùng của cuốn sách mỏng, tôi nhìn thấy dòng chữ mờ mờ cùng chữ kí. Vết mực tím đã nhòe mờ theo thời gian nằm lẳng lặng trên trang giấy ố vàng, nếu không phải vì bị lẫn giữa những quyển kỉ yếu lớn, ít được mở ra, chỉ sợ mực sẽ bay mất không giữ được.
Tôi một tay cầm cuốn sách nhỏ, một tay dọn lại chồng kỉ yếu, xếp đúng thứ tự ban đầu, đi tìm Thanh Hiên.
Đèn pin bắt đầu chập chờn. Tôi có dự cảm không tốt. Ngoài thính mũi ra, các giác quan của tôi bình thường, mắt cận nhẹ nhưng tôi không đeo kính. Người kia mạnh nhất là thị giác và thính giác, nghe qua đã biết tiếng khóc là “giả”, biết tiếng chân bảo vệ mà ước chừng tốc độ và khoảng cách từ họ đến chỗ bọn tôi, nhìn qua cửa kính mờ xác định được an toàn. Tôi đập đập đèn pin, cố ý tạo tiếng bước chân lớn hơn bình thường. Nhưng không gian xung quanh vẫn im ắng. Lúc này tôi mới nhận ra, xung quanh mình, ngoài ánh sáng từ đèn pin của tôi, ánh sáng hiu hắt chỗ cửa ra vào, không còn ánh sáng đèn pin nào khác. Không có tiếng lật sách, tiếng đóng mở tủ sắt hoen gỉ, thậm chí không có cái mùi thơm thơm nồng nồng khó ngửi. Không có gì hết. Không gian là một mảng tĩnh lặng hoàn toàn.
Một cơn lạnh buốt chạy dọc sống lưng. Tôi không quay lại theo bản năng mà giả như mình vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Tôi nhìn các ngăn đủ đánh số, vừa tìm kiếm vừa tiến dần đến dãy tủ báo chí những năm 54-75. Rõ ràng tủ đựng kỉ yếu rất gần tủ báo chí, nhưng khi tôi đếm đến năm 54, vẫn không thấy bóng dáng Thanh Hiên. Tay tôi bắt đầu rịn mồ hôi, nhưng tôi không thể buông thứ gì mà lau đi. Một cơn gió thổi sau lưng rồi lại lặng đi. Phòng kín này không có khả năng có gió. Tôi biết “thứ đó” chực chờ tôi quay lại sau lưng. Đón đợi tôi có thể là máu, tóc, hay những hình ảnh cực kinh dị. Nhưng vẫn tiếp tục nuôi hi vọng, tôi không hề quay đầu, tiếp tục tìm ở dãy khác. Dường như đã lạc vào một mê cung, tôi cảm thấy mình đang đi lòng vòng giữa những dãy tủ. Sức lực cạn kiệt, đèn pin yếu dần, trước mắt vẫn chỉ là màu xám tro lạnh ngắt của tủ sắt. Tôi vén áo, giắt cuốn sách mỏng vào cạp quần, phủ áo lên. Sau đó dứt khoát tắt đèn pin, nhắm chặt mắt, dùng tay chân lần mò về phía trước. Sử dụng xúc giác và khướu giác, tôi đi rất chậm, nhưng cảm nhận về không gian lại khác đi rất nhiều khiến tôi an tâm.
Mùi hương kia đã quay trở lại. Giữa mùi sách cũ, mùi sắt gỉ, là mùi hương mà giờ tôi không hề thấy ghét. Tôi vẫn nhắm chặt mắt, loạng choạng bước về phía mùi hương. Đến khi mạnh dạn quờ tay ôm chầm lấy, chỉ vơ được chiếc áo vét, tôi hoảng hốt. Không lẽ, “thứ đó” lừa tôi?
Cả người căng cứng cuối cùng cũng thả lỏng khi tôi lập tức được ôm lấy từ phía sau. Tôi thề, khi ấy, tôi biết ơn cái mùi “không kích thích không lấy tiền kia vô cùng” kia vô cùng.