Văn Ngọc Thanh Hiên Truyện

Chương 8: Chương 8




Tôi đi photo tài liệu với tốc độ nhanh nhất có thể, đem tài liệu về lớp giao cho lớp phó học tập, mang sang lớp bên cạnh, rồi cầm bản gốc lên phòng giáo viên. Trước khi đi, tôi đã kín đáo liếc qua sân trường, lớp trưởng đang chơi bóng rổ. Mười phút nữa cậu ta sẽ nghỉ. Tắm ở phòng tắm của trường hết 15 phút, 15 phút tiếp theo sẽ đi dạo trong khuôn viên phía bắc của trường, và về lớp đúng 7h15 phút để chỉnh đốn lớp trước khi thầy cô bước vào.

Vậy là có hai mươi lăm phút cả đi cả về, hi vọng cháo không nguội, tôi rảo bước.

Thầy giáo nhận bản gốc từ tay tôi, mỉm cười:

- Làm nhanh lắm

Tôi chưa kịp đáp lời thì mấy tiếng “ọc ọc ọc” vang lên. Tôi ngượng ngùng cúi đầu. Thầy giáo cười khẽ, xoa xoa sống mũi:

- Ngại quá, em đừng để ý nhé. Tối qua tôi ở trường làm việc cả đêm. Giờ thành ra thế này ngay trước mặt sinh viên. Việc lớp, rồi tuyển dụng, việc ở công ty,... À, thôi đừng để ý làm gì. Em giữ kín việc này giùm tôi nhé.

- Vậy thầy chưa ăn gì ạ? - Tôi nói mà không kịp nghĩ, cặp lồng cháo trên tay bỗng dưng nặng trĩu xuống. Tôi đặt luôn cặp lồng ấy lên bàn - Em có cháo đây này.

Nói ra rồi tôi hối hận ngay lập tức. Cảm thấy mình nhanh nhảu đoảng lại thiếu lễ phép. Cứ như chỉ đợi người ta mở miệng là vồ ngay lấy. Tôi lại cúi đầu thật thấp, giấu đi những suy nghĩ hỗn loạn, hi vọng duy trì hình ảnh đạm mạc chững chạc thường có. Không khí không vì thế rơi vào khoảng lặng bởi người ấy bật cười:

- Ừ. Tôi không chê đâu. Đói quá rồi, xin phép em nhé.

Chữ “nhé” kia hình như hơi dài ra một chút, hơi luyến láy, hoặc hình như tôi nghe nhầm rồi.

Cầm cặp lồng cháo chỉ còn chút ít ở đáy ra khỏi phòng giáo viên, ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại rẽ qua khuôn viên bắc của trường. Khuất sau lùm cây, tôi nghe tiếng tíu tít:

- Cậu bị thương như vậy còn chơi bóng sao, chẳng chú ý tới sức khỏe gì cả.

- Này, này, tớ mang cháo tới cho cậu, cả tối qua tớ thức trông mãi đấy.

- Cậu nhận bánh của tớ đi, sản phẩm đầu tay mang ra cho cậu nếm thử đấy.

- Này...

- Cậu ơi, ...

Lớp trưởng à, không chỉ cơ bắp cậu cường tráng, mà vận đào hoa của cậu cũng “cường tráng” ghê. Anh hùng có mĩ nhân, lời tung hô, lời quan tâm lo lắng và đồ ăn rồi, tôi tới hay không cũng thế. Hoặc giả như là không phải tôi mà là bất cứ ai khác lâm vào tình cảnh hôm trước cậu ta cũng sẽ đối xử như thế, rồi thì chuyện cũng sẽ thế này. Không biết lúc nào tôi lại tự đặc biệt hóa bản thân thế nhỉ, “cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui thôi“. Cười cười, tôi khẽ lắc cái cặp lồng đã nhẹ tênh, định quay lưng đi. Chợt một tiếng sột soạt vang lên. Lông tơ trên người tôi lập tức dựng đứng.

Giữa âm thanh ồn ào vọng lại từ sân trường, âm thanh của đám tíu tít còn đang ríu rít kia, lí ra tôi không thể nghe tiếng sột soạt bé nhỏ lọt thỏm như vậy. Trừ khi...

Tôi quay ngoắt sang bên cạnh, nhìn chằm chằm vào bụi cây tôi vừa dùng làm lá chắn. Tiếng sột soạt vừa dừng lại khe khẽ vang lên. Tôi nghiêng người chầm chậm đặt cặp lồng xuống, mắt không rơi bụi cây lớn hơn đầu người đó. Đây tựa như hàng rào xanh khổng lồ ngăn cách khuôn viên bắc với thế giới bên ngoài. Khuôn viên nằm phía sau nhà D, từ tầng một nhìn sang chỉ thấy hàng rào xanh mướt, tầng hai tầng ba là dãy phòng vi tính, hội trường, kho,... rất ít người lui tới, vì thế đây là khuôn viên gần như kín đáo nhất trường. Tôi rón rén đưa ngón tay luồn qua những thân cây bé nhưng chắc chắn, luồn sâu vào bên trong. Một bụi cây rối bời, tôi đoán. Nhưng khi tôi lách được gần trọn bàn tay vào, cảm giác trống rỗng. Đúng, trống rỗng, không quờ thấy cành, thấy lá. Tôi dùng sức của mu bàn tay và cổ tay xé toạc, đẩy lớp thân lá với hi vọng có thể nhìn vào bên trong bụi cây. Nhưng bụi cây trông vô cùng hiền hoà mềm yếu kia lại vững chắc vô cùng, khó lòng lay chuyển. Nỗi tò mò biến thành giọng nói thầm thì thôi thúc bên tai: cần phải nhìn vào bên trong. Tôi dồn thêm sức. Gai trên thân cây cọ xát vào da khiến tay cổ tay tôi rơm rớm máu. Tôi không sợ, vì tôi biết rõ khả năng của mình.

Chợt, một cảm giác buồn buồn lan tỏa từ hai đầu ngón trỏ truyền đến. Tựa như có thứ sợi gì đó vừa phớt qua bàn tay tôi, một thứ sợi mỏng mảnh, mượt mà. Rất nhanh, thứ sợi ấy thít chặt đầu ngón trỏ của tôi, rồi cả bàn tay. Sợi mềm kia dường như là ra đa, cú lướt nhẹ phải chăng là để thăm dò, thám thính, và tay của động vật máu nóng bậc cao đã được xác định là con mồi lí tưởng. Tay tôi đã bị thít chặt cứng không thể nhúc nhích thêm nữa. Cảm giác máu tụ lại, mạch máu như thủy tinh không chịu nổi áp lực, bị bóp chặt đến vỡ tan tành. Nơi những vết xước xát, như có một nghìn cái miệng nhỏ xíu đang cắn xé vết thương rộng ra để dễ mút máp. Hút máu. Hút lấy hút để.

Mắt tôi trừng lớn, nhìn chằm chằm vào màn xanh ngắt nhức mắt kia. Dù bao nhiêu lực, cánh tay cũng không thể nhúc nhích. Tôi bị cầm tù và ngấu nghiến sức lực bởi thứ gì đó phía sau màu xanh tưởng chừng tĩnh lặng hiền hoà ấy. Mồ hôi toát nhễ nhại, tôi vẫn nghiến răng giành giật.

- Cậu cứng đầu thật – Âm thanh chợt vọng lên bên tai khiến tôi giật mình. Tôi chưa kịp quay sang bên cạnh thì bàn tay bỗng nhẹ bẫng. Cú buông bất chợt làm tôi bị mất đà, bật ngửa về phía sau, đập mạnh vào một bức tường khác.

Cú đập làm đầu tôi ong ong. Chưa kịp định thần thì một loạt câu hỏi đã dồn dập ập đến:

- Này, làm gì ở đây vậy? Bụi cây ấy có vấn đề gì à? Cậu muốn tìm cái gì ở đó? Sao tay cậu chảy máu hết thế kia?

Tôi đưa tay lên day thái dương, nheo mắt mãi cuối cùng một trăm vị lớp trưởng trước mắt cũng nhập lại thành một. Chưa biết nên trả lời câu hỏi nào trước thì cậu ta đã cúi xuống, nhấc chiếc cặp lồng lên, mở nắp ra kiểm tra.

- Cháo à? Cháo thịt tía tô này? Mang cháo đến trường, lại còn lén la lén lút tại địa bàn của tôi. Hừm - lớp trưởng cố ý kéo dài giọng, rồi nhìn tôi cười cười - định lấy lòng anh đây sao?

Tôi tự nhiên lưu ý đến mấy chữ “địa bàn”

- Địa bàn của cậu?

- Còn ai trồng khoai đất này nữa.

Cái điệu bộ dương dương tự đắc kia thật khó ưa, tôi giả vờ:

- Ờ thế cậu hay ra đây lắm nhỉ?

- Hỏi thừa thãi thế?

- Ừ, tại... tại tôi chưa đến đây vào buổi chiều với... với tối bao giờ...

Tôi làm điệu bộ lắp bắp, vụng về giải thích. Tỏ ra khôn ngoan từng trải với kẻ thích giễu võ dương oai chỉ khiến việc khai thác thông tin đi vào ngõ cụt.

- Ha, tôi đến đây đều đặn sáng và chiều. Nhưng tiên cá mắc cạn ạ, không được phép và không nên đến đây vào buổi tối.

- Thật... thật sao?

- Ừ. Trường mình có một lời đồn, từ rất lâu rồi, bao thế hệ học sinh đều biết tới lời đồn đại ấy, có người còn kiểm chứng và đã biến mất trong bí ẩn.

Đã biến mất trong bí ẩn sao còn gọi là kiểm chứng? Logic gì đây? Tôi cảm thấy mình cũng ngu luôn rồi nhưng bên ngoài vẫn chăm chú, háo hức lắng nghe, thuận tiện giấu đôi bàn tay dày vết xước nông sâu ra phía sau tránh gây sự chú ý. Có lẽ biểu cảm của tôi khiến lớp trưởng hài lòng, sau khoảng lặng hợp lí thường được dùng để gây tò mò cực độ, cậu ta mặt mày nghiêm trọng nói tiếp:

- Ngày xưa, từ thời chiến, khi trường mình chưa có hai chữ Quốc tế, có một đôi trai gái yêu nhau vô cùng sâu đậm. Họ cũng như bao người khác, gác bút nghiên lại theo lời gọi của Tổ Quốc, chàng trai chuẩn bị ra chiến trường, cô gái lên đường vào quân y. Họ đã hẹn thề nhau dưới gốc cây đa kia rằng nhất định sẽ bình an trở về, sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm. Chiến tranh qua đi, cô gái trở về. Cô ấy tối tối đến trường, ngồi trên gốc cây kia, chờ đợi. Chờ đợi, lại chờ đợi. Không có tin báo tử, chỉ có bạn bè cũ được mời đến đám cưới của chàng trai và bạn thân cô gái. Sự dữ dội thời chiến không đáng sợ bằng những phản bội thời bình. Cô gái biết tin nhưng chỉ cười, cô bảo, cô đợi chàng trai của ngày xưa. Ngày họ lấy nhau, cô gái không đi dự. Tối ấy, đúng giờ mà năm xưa họ chia tay nhau, cô ấy đội mũ trùm đầu đến trường, và... Khoan đã, đúng là cậu mang cháo cho tôi không? Tại sao chỉ còn một chút ít thế này? Không đúng, đây là bị ăn chỉ còn chừng này. Nói ngay, cậu đem cháo cho thằng nào ăn hả? Nói ngay, còn đờ đẫn cái gì?

Lớp trưởng lay bả vai tôi rất mạnh khiến cả người tôi chao đảo. Tôi là dân kinh tế, nhưng có những câu chuyện kể, lại dễ dàng khiến tôi chìm vào thế giới khác. Như kẻ lãng du, tôi bước vào thế giới đó, chứng kiến những sự kiện đó trước mắt, rồi chính tôi sẽ nhìn ra cái kết của câu chuyện ngay trước khi nó kết thúc. Chỉ là, tôi đờ đẫn, một phần vì đã nhập tâm, một phần vì câu chuyện này được phủ một màn sương, ngoài những bóng hình mờ mờ nhân ảnh, tôi không thể nhìn rõ sự kiện, không thể nhìn ra kết thúc. Có lẽ, đây chỉ là một câu chuyện truyền tai nhau, không hề có thực? Có lẽ thế giới mờ mờ kia chỉ là do tôi tự tưởng tượng ra, không giống như những lần kia, không thực sự như những lần kia. Tôi tự thuyết phục mình như vậy, rồi nhìn lớp trưởng nhoẻn miệng cười. Hình như cậu ta khựng lại thì phải. Rồi tôi thấy cậu ta vừa rảo bước vừa quát lớn “7h25 rồi, ngay lập tức về lớp! Nếu muộn giờ để thành tích lớp bị ảnh hưởng, tôi sẽ không tha cho cậu!”

Tôi nhìn theo cậu ta, rồi hấp tấp chạy theo. Hình như cậu ta giận. Mà đang giận lại đờ đẫn. Rồi lại giận. Tôi đâu phải chuyên gia tâm lý học, tôi chịu. Đi nhanh không thì bị phạt mới là quan trọng. Tôi không thể để mình lại gây sự chú ý được. Không tốt lành gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.