Vệ Gia Nữ

Chương 4: Chương 4: Thôi thị




Edit: Đào

Trong một đêm ngắn ngủi, bầu không khí của Trần gia ở Hà Trung vốn trọng lễ nghi, tri thức nay thay đổi lớn. Những cuộc tán dóc trước cửa các hộ gia đình đã không còn, cổng sân ở các tiểu viện cũng đóng chặt, số thủ vệ bộ khúc qua lại tuần tra nhiều hơn mấy lần. Ngay cả cửa hông đều do những tôi tớ tầm thường trông coi giờ đây cũng đổi thành một đội đàn ông vạm vỡ, gần như có thể chắn ngang cửa lại.

Việc tuần tra, bảo vệ nội viện Trần gia vốn do Ngũ lang Trần gia phụ trách. Sau khi chuyện thích khách xảy ra, hắn bị chính cha ruột của mình là Trần nhị lão gia phạt một trăm roi. Chỉ là hiện tại Trần gia đang trong giai đoạn khó khăn, vì thế dùng hình phạt này để răn đe trước, đợi nhân vật ác như hổ nào đó đi rồi tính tiếp.

Đương nhiên “Nhân vật ác như hổ” kia là ám chỉ Định Viễn công trấn quốc đang chiếm khách viện của Trần gia, bây giờ trên dưới Trần gia nói là sợ như sợ cọp cũng không ngoa chút nào. Dính dáng đến khách viện nếu có thể đi vòng thì đành đi vòng, cứ như là nơi đó không phải người ở mà là nơi bị ma ám vậy.

Đương nhiên, đối với Trần nhị lão gia Trần Trọng Kiều mà nói, ông ta thà rằng trên dưới Trần gia bị oán linh ám còn hơn bị “yêu quái” sống tra tấn dằn vặt. Từ khách viện ra ngoài chỉ một canh giờ, chòm râu được chăm chút cẩn thận trên cằm ông cũng rụng mất phân nửa.

Vệ Tường bảo ông ta viết thư cho chín gia đình còn lại chưa dâng tiền trong mười ba thế gia tại Lưỡng Kinh, căn bản là đang mượn tay Trần gia moi tiền. Hơn trăm năm nay, giữa các thế gia đều có liên hệ thân thiết, qua lại khăng khít. Hiện tại, Trần gia bị cướp mất ba thước đất, còn muốn lôi các thế gia khác xuống vũng bùn. Trước giờ chỉ nghe nói giữa các thế gia đều được liên hôn, không ngờ hôm nay lâm vào hoàn cảnh phải liên đất.

Khi Trần nhị lão gia cầm bút lên viết thư thì chỉ hận không thể ngửa mặt lên trời hét lớn, giải tỏa hết cơn tức giận, nhưng bút đặt xuống giấy vẫn là “Ngu huynh cảm thấy Định Quốc công từ Bắc Cương xa xôi vất vả đến đây...“. Nghĩ đến việc thủ hạ thô tục của Định Viễn công sẽ cầm lấy bức thư do đích thân ông viết này đi gõ cửa từng thế gia còn lại, trên tờ giấy viết thư mỏng là từng câu văn tối nghĩa đã soạn khiến ông ước đầu mình có thể tách ra. Viết xé, viết xé, cố gắng lắm mới được ba, bốn phong thư, tay ông run lên, chút phẩm chất, đức hạnh mấy thập niên coi như đổ sông đổ biển, cuối cùng không thể chịu được nữa mà chạy ra khỏi chính viện.

... Sau khi chạy về tiểu viện của mình liền nghiêm mặt đuổi hết hạ nhân, cuối cùng ôm lấy eo thê tử, không nói lời nào.

Thê tử Trần Trọng Kiều xuất thân từ Thôi thị ở Bối Châu, là gia tộc đứng đầu tiền triều, đến nay vẫn có ảnh hưởng khá lớn ở vùng Sơn Đông. Mặc dù vì triều đại thay đổi nên không nằm trong mười ba thế gia tại Lưỡng Kinh, nhưng cũng là gia đình quyền thế, chỉ cần nhấc tay là kinh động một phương.

Thôi thị lớn hơn Trần Trọng Kiều hai tuổi, ôm lấy trượng phu của mình như ôm đệ đệ chưa trưởng thành thời còn thiếu nữ.

“Từ nhỏ A Tường đã nổi danh dũng cảm. Năm đó ở Tây Kinh, đừng nói binh sĩ Trần gia của chúng ta, những võ tướng trong các gia đình quyền quý khác cũng không tìm được chàng trai nào có thể đánh bại nàng. Cô nương kiên nghị như vậy mà phải trải qua tình cảnh hỗn loạn, dùng thân phận nữ tử vực dậy thanh thế cho Vệ gia, nếu không dũng cảm đôi chút, sợ rằng đã sớm bỏ mạng ở Bắc Cương rồi. Hiện tại, Hoàng hậu nương nương lấy danh nghĩa cầu phúc cho Thánh nhân, đưa những cô nương chưa gả chồng của các thế gia tại Đông Đô vào cung, thế gia mất hết thể diện, chỉ đồng lòng hận Hoàng hậu cường quyền. Đại bá mời A Tường trở về là để có thể phá vỡ cục diện một tay che trời của Hoàng hậu trong kinh. Nhị lang, Trần gia chúng ta muốn lợi dụng nàng thì phải đối đãi chân thành như với người bình thường. Ý nghĩ sử dụng nàng như thanh đao của chàng và đại bá, ngay cả một phu nhân thấp kém ở hậu trạch như thiếp cũng biết huống chi là nàng, nắm giữ vị trí nhất phẩm Quốc công, trải qua sương gió tảo tần? Mặc dù thiếp không hiểu việc quân, cũng không hiểu việc triều chính, nhưng thiếp biết tình nghĩa là quan trọng nhất. Lòng người khó đoán... luận về giá cả, vàng bạc không thể sánh nổi.”

Vùi đầu vào eo nhỏ mềm mại của thê tử, Trần Trọng Kiều thở dài một hơi, nói: “Tứ nương, ta còn chưa kịp nói về tình nghĩa thì việc này đã không thể cứu vãn!”

Yêu quái như nàng sẽ không bàn chuyện tình nghĩa với con người!

Ngón tay mềm mại, trắng trẻo lướt nhẹ qua lưng của trượng phu, Thôi thị nhẹ nói: “Nhị lang, đừng trách thiếp không nói sớm! Năm đó, chàng và phụ thân A Tường là quan đồng liêu, nếu thật sự đề cao tình nghĩa, thì lần đầu gặp gỡ phải nhớ mối quan hệ đời trước mà đưa nàng tới hậu viện gặp thiếp mới đúng, sao lại trực tiếp dẫn vào khách viện chẳng hỏi han gì? Còn nữa, từ ban đầu, chàng đã xem người ta là vũ khí sắc bén. Con người đối với vũ khí sẽ xa lánh, sẽ phòng bị không hơn không kém!”

Một lát sau, Trần Trọng Kiều buồn bực: “Hối hận thì đã muộn!”

Thôi thị nở nụ cười: “Người đang ở trong nhà sao có thể nói muộn? Năm đó A Tường thích nhất là vải Việt Châu, cũng thích màu đỏ ngọc hồng lựu. Vừa hay thiếp có một tấm, đêm qua đã may thành y phục. Chàng không đến thì hôm nay thiếp cũng đích thân đi tặng nàng.”

“Tứ nương! Dao tỷ!” Gọi bằng cách xưng hô lúc nô đùa thuở thiếu thời, Trần Trọng Kiều cọ cọ gương mặt già nua: “Là ta có lỗi với nàng!”

Phu nhân tên đầy đủ là Thôi Dao vuốt ve bờ vai trượng phu, dáng vẻ ngoan ngoãn, khẽ cười: “Đã là phu thê, nói chuyện này làm gì?”

Nhị phu nhân Thôi thị dẫn theo vú già cùng tới khách viện, chuyện này lập tức truyền khắp trên dưới Trần gia, dĩ nhiên Trần Ngũ lang cũng biết.

Nhưng biết thì hơi muộn, khoảng một canh giờ sau khi mẹ ruột hắn “dê vào miệng cọp“.

Gót chân sắp khoét được một cái hang trên sàn đất nung, Trần Ngũ lang vẫn không thể ngừng lo lắng cho mẫu thân của mình, vì vậy liền đi về phía khách viện.

Vừa tới cửa khách viện hắn đã nghe thấy vú già nói: “Ngũ lang, phu nhân và Quốc công đại nhân đi đến hoa viên rồi. Quốc công đại nhân còn mang theo thanh trường đao kia của nàng!”

Trong đầu lập tức nhớ lại hình ảnh thi thể bị chặt làm hai khúc, rồi hiện lên cảnh hổ dữ nhai thịt, Trần Ngũ lang nắm chặt thiết thương trong tay, nhanh chân chạy về phía hoa viên.

Hoa viên của Trần gia được xây lượn quanh bờ hồ, có vài cây cổ thụ trăm tuổi bên hồ. Trần Ngũ lang mới bước qua cổng hoa viên chợt nghe thấy có người nói: “Ôi chao, cẩn thận kẻo ngã!”

Trong nháy mắt, hắn đã chuẩn bị dang tay đỡ lấy mẹ của mình.

Khi hắn chạy như tên bắn đến dưới tàng cây thì chợt dừng lại.

Có một người mặc cẩm bào màu đen đang đứng trên cành cây cách mặt đất gần hai trượng, cành cây rất hẹp. Nàng mang guốc mộc quấn lụa mà như đang đi trên mặt đất bằng phẳng, một tay cầm trường đao, tay kia ôm con mèo nhỏ đang kêu gào “meo meo“.

Dưới gốc cây hầu như chỉ toàn những đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn của Trần gia. Từng đứa chúng nó ngửa đầu chăm chú quan sát như những chú chim non đợi được mớm mồi, miệng không ngừng cổ vũ nhất cử nhất động của người kia.

Người đang đứng trên tán cây vẻ mặt khá đắc ý, đó là vẻ mặt Trần Ngũ lang chưa bao giờ trông thấy.

Trường đao trong tay xoay một cái, người kia cười nói: “Lúc ta bằng các ngươi thì đã là bậc thầy leo cây! Bây giờ tin rồi chứ?”

“Tin rồi! Tin rồi! A Tường, con mau xuống đi!” Giọng nói ở dưới gốc cây vang vọng. Trần Ngũ lang nhìn qua, thấy mẹ của mình đang đứng lẫn trong những đứa trẻ vừa ngửa đầu vừa cười, hai tay đưa lên mặt bắc thành cái loa.

Người được gọi là “A Tường” đương nhiên là Vệ Tường, nàng mỉm cười, vuốt ve con mèo ly hoa nhỏ trong lòng, trường đao tựa vào nhành cây, cao giọng nói: “Muốn ta xuống dưới thì các người lùi lại một chút. Tiểu tử bên kia, đừng có lén lút học theo ta! Bản lĩnh của ta các ngươi học cũng không vô đâu, đầu tiên hãy xoạc đùi luyện trung bình tấn ba năm cho giỏi rồi bàn tiếp!”

(1) Mèo ly hoa: một giống mèo Trung Quốc

Nàng đứng trên cây chỉ chỉ trỏ trỏ bọn nhỏ đứng dưới gốc, cười thành tiếng. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống mặt nàng cũng được nàng làm bừng sáng.

Dưới tàng cây, có người hỏi nàng có cần dây thừng, hoặc ném trường đao xuống trước, ít nhất cũng tháo đôi guốc mộc trơn trượt trên chân ra. Nàng đều lắc đầu từ chối, chỉ khua tay bảo mọi người tránh ra.

“Lùi một bước, thêm bước nữa...” Nàng hướng dẫn mọi người lui ra phía sau, chân mình cũng di chuyển theo khiến người ở dưới vô cùng lo lắng.

Trong lúc Trần Ngũ lang sai người đi lấy thang thì từ trên cây truyền tới một tiếng kêu thất thanh, Vệ Tường cứ thế trượt chân, ngã xuống.

Trần Ngũ lang sợ đến nỗi đầu tóc muốn dựng ngược, vội vã xông về phía trước nhưng lại bị một thanh kiếm cản đường.

“Chớ nhúng mũi vào!” Người vừa nói là Vệ Thanh Ca đang không ngừng nhét điểm tâm vào miệng.

Trong tiếng gào thét kinh hãi của những người tại đó, Vệ Tường lại không ngã xuống đất như bọn họ tưởng. Mu bàn chân chỉ mang guốc mộc móc lên nhánh cây, nàng chợt xoay tay lấy vỏ đại đao vòng qua thân cây, dùng lực một chút, rồi dứt khoát quay người, khép chân và rút đao cùng lúc, sau đó, nhanh nhẹn tiếp đất như một chú bướm đen to lớn.

Guốc mộc vững vàng đáp trên nền đá tạo ra một tiếng vang nho nhỏ.

Trong hoa viên, mọi người còn chưa kịp làm động tác che mắt không dám nhìn thì vào lúc này, tất cả đều sững sờ đứng đó.

Một lúc lâu sau, tiếng kêu thảng thốt phá vỡ bầu không khí im lặng: “A Tường, con làm ta sợ muốn chết!” Nghe xong câu này, những người khác dường như được sống lại, có người kêu lên, có người thét lớn, có người lại cười to vỗ tay.

Vệ Tường vươn tay, đặt con mèo nhỏ vào lòng một nữ hài tử, vừa cười tít vừa nói với người kia: “Dì Thôi, dọa mọi người rồi kìa! Đây đâu phải lần đầu tiên dì thấy con đùa như vậy!”

Vóc người nàng cao dong dỏng, có chút ý cười tinh nghịch giữa hàng chân mày, xinh đẹp động lòng người, vượt qua cả đám hoa cỏ mùa xuân trong vườn. Còn thái độ luôn đúng mực, phóng khoáng vừa như làn gió xuân thổi bay cánh tường vi, vừa như gợn sóng lăn tăn trên sông dài.

Thôi thị đưa tay vỗ một cái lên vai Vệ Tường, vô cùng nhẹ nhàng, giống như đang vỗ về an ủi vậy: “Con ở trên cao giả vờ té để đùa giỡn thế đó! Dù thấy bao nhiêu lần vẫn khiến người khác sợ hãi!”

“Là lỗi của con, cho con xin lỗi dì Thôi!” Vệ Tường nói, cứ thế lấy từ trong ngực ra một viên đá màu đen: “Dì Thôi thích sưu tầm đá quý, viên đá này con giành được ở Lân Châu. Trông nó màu đen nhưng hướng về ánh mặt trời thì là màu xanh ngọc lục bảo, hướng về phía ánh trăng lại thành màu xanh lam. Vì dì Thôi, con đặc biệt mang theo nó vất vả ngàn dặm đó!”

Thôi thị vừa sợ vừa mừng, ngón tay run lên vài cái mới nhận lấy viên đá.

“Nhiều năm như vậy rồi, thế mà sở thích nơi khuê phòng của ta con vẫn nhớ sao?” Dứt lời, bà đưa khăn che miệng nở nụ cười, tay còn lại nắm lấy tay Vệ Tường.

Trần Ngũ lang trợn tròn mắt nhìn người mẹ đã hơn bốn mươi tuổi ở trước mặt sát thủ đệ nhất thiên hạ cười làm nũng như thiếu nữ xuân thì. Khuôn mặt lặng ngắt tựa như chuẩn bị rời xa nhân thế.

Cười đùa xong, Thôi thị khoác tay lên vai Vệ Tường, bà thấy con trai của mình liền vẫy tay gọi hắn đến.

“A Tường, đây là con trai thứ hai của ta, tên Trọng Viễn, nhũ danh Ly Nô, năm nay hai mươi hai rồi. Ly Nô, không mau đến bái kiến A Tường tỷ tỷ của con đi?”

Bên cạnh Trần Trọng Viễn có người cười thành tiếng: “Ly Nô? Chẳng phải phải là mèo con (2) sao? Há há há...”

(2) Ly nô là cách gọi khác của mèo tại Trung Quốc.

Người cười là Vệ Thanh Ca.

Trần Trọng Viễn chỉ cảm thấy từ bộ não trở xuống đều bị người khác đóng đinh vào sàn gỗ, bất động toàn bộ, còn cảm thấy có đống lửa đang được nhóm ở trên mặt.

Nhưng sát thần áo đen cứ cố ý không hiểu sự bối rối của hắn, nàng kinh ngạc đánh giá Trần Trọng Viễn, sau đó cười nói: “Đây đúng là Ly Nô sao? Là tiểu đệ đệ ngày trước đó sao? Con nhớ ngày còn ở Tây Kinh, nó chỉ cao chừng hai thước, còn giãy đành đạch đòi học võ, tòng quân. Vậy mà bây giờ đã lớn thế kia rồi!”

“Đến cả con cũng từng là Vệ gia “Nhị lang” chinh chiến khắp Tây Kinh, giờ đã trở thành Quốc công đại nhân rồi! Trẻ con tất nhiên phải lớn lên, nếu không...”

Thôi thị xoa xoa vết sẹo trên mu bàn tay phải của Vệ Tường, giọng điệu khó nén sự thổn thức. Bà cũng cảm thấy trong lòng mình có chút ngưng đọng, lại ngẩng đầu lên cười nói: “A Tường, con muốn xem thử khả năng võ thuật của đệ đệ Ly Nô không? Coi như chỉ dạy nó một chút.”

“Được! Ly Nô thường dùng thương sao?”

Lúc gật đầu đồng ý, Vệ Tường đã chuẩn bị rút đao khỏi vỏ.

Lông tơ trên sống lưng Trần Trọng Viễn lập tức dựng đứng, ngón tay gần như muốn siết gãy cán thương, cố gắng lắm mới không lùi lại.

Những đứa trẻ khác ở Trần gia đều được nuôi nấng trong nhà cao cửa rộng, không biết cái gì là sát thủ hay sát khí. Trên từng khuôn mặt nhỏ nhắn tràn ngập vẻ chờ mong và thích thú.

Ánh mắt di chuyển từ người Trần Trọng Viễn về phía những đứa trẻ kia, Vệ Tường tra thanh đao đã rút ra một nửa ngược trở vào.

Nàng cười, nói: “Chúng ta ở đây múa may vài cái thì không nhất thiết phải dùng đao. Thanh Ca, đưa kiếm của muội cho ta.”

Tiểu cô nương ôm kiếm rề rà đi tới, vẻ mặt có chút miễn cưỡng, nhưng vẫn giao kiếm, sau đó đón lấy thanh đao rồi kéo đi.

Vệ Tường ước lượng kiếm trong tay, rút trường kiếm ra, thanh kiếm cũng đưa lại cho Vệ Thanh Ca, chỉ chừa lại vỏ kiếm.

Nàng tiến lên phía trước hai bước, bọn nhỏ đang nhốn nháo, chen lấn đều lui ra.

“Ly Nô đệ đệ, theo cách đệ dùng thương thì đệ đang theo học Nhạc đại gia ở Tây Kinh. Nhạc đại gia giỏi nhất là liên chiêu đột phá, tiến không thấy hình, lùi không thấy bóng. Đệ biểu diễn một chút cho ta xem nhé!”

Nét mặt nàng thoải mái, ôn hòa. Dường như hai thi thể kia, hổ dữ từng bước đe dọa sáng nay cùng lắm chỉ là cơn ác mộng của Trần Trọng Viễn mà thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.