Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 47: Chương 47: Mở cõi lòng (2)




Nói về những cuộc kỳ ngộ trong cuộc đời Lý Vị, hắn chưa từng đối mặt với một người nào như vậy cả. Khi thì buồn tủi ưu sầu, khi thì thông tuệ biết lễ nghĩa, khi lại được chiều quá rồi đâm tùy hứng, càng lúc càng khó chiều. Lấy nàng ra so sánh với Trường Lưu, có thể thấy rõ Trường Lưu ngoan ngoãn hiểu chuyện hơn hẳn, bé đến lớn chẳng bao giờ khiến hắn phải lo lắng.

Ban ngày bệnh tình của Xuân Thiên đỡ hơn được đôi chút, chỉ là người vẫn uể oải cạn sức. Ban đêm sốt cao hôn mê, hô hấp dồn dập, lặp đi lặp lại mãi không dứt. Cứ mỗi khi hắn thấy có vẻ ổn lên rồi, thì nàng lại chuyển biến theo hướng xấu đi. Tình hình này kéo dài suốt ba ngày liên tiếp.

Lý Vị đã thử gần như tất cả các loại thảo dược trị bệnh mà hắn tìm được. Lý nương tử ốm đau từ nhỏ, Lý Vị luôn mời thầy bốc thuốc cho Lý nương tử, hết năm này qua năm khác, lâu dần căn bệnh mọc rễ bám trong người. Xét cho cùng hắn cũng không phải người có chuyên môn, chỉ biết bó tay hết cách.

Ban đêm hầu như nàng đều ở trong trạng thái mê man, Lý Vị sợ nàng bất tỉnh nên buộc phải túc trực ngay bên cạnh không rời nửa bước. Hắn đã từng thức đêm, nhưng lúc này đây lại có cảm giác mệt mỏi hơn cả thức đêm.

Hai mắt Xuân Thiên nhắm nghiền, lúc mơ mơ màng màng, bỗng nhiên nàng kéo tay áo hắn, khóe mắt ứa ra một giọt nước mắt trong suốt: “Cha ơi, con xin lỗi...”

Lý Vị thấy nước mắt nàng tuôn lã chã, từng giọt từng giọt kéo dài thấm đẫm hai bên thái dương, bèn nhẹ nhàng gọi nàng: “Xuân Thiên, Xuân Thiên.”

Nàng đắm chìm trong cơn ác mộng không tỉnh lại, khe khẽ lẩm bẩm, nức nở mãi chẳng ngừng. Hắn thở dài một hơi, sờ vào phần tóc mai ươn ướt của nàng, “Nữu Nữu, cô mở mắt ra nhìn xem.”

Hắn gọi liên tục mấy tiếng, bấy giờ Xuân Thiên mới mở được mắt. Nàng nửa tỉnh nửa mê, đảo cặp mắt mờ sương nhìn bốn phía chung quanh. Thấy Lý Vị bên cạnh mình, nàng mấp máy môi: “Lý Vị... đây là chỗ nào...”

“Đang trên đường đến Y Ngô, đi tìm cha của cô.”

“Còn phải đi rất xa nữa sao?”

“Không xa.”

“Tại sao ngài lại đi cùng tôi chứ...”

Hắn trầm mặc.

“Ta không thể nhìn cô tự đi tìm cái chết.” Hắn trả lời nàng, “Cô không được tới đây.”

“Rất nhiều lần tôi đã suýt chết. Lúc qua Hoàng Hà, thiếu chút nữa đã bị nước sống nuốt chửng, là người ở trên đã dùng dây thừng kéo tôi lên; đổ một trận bệnh ở Lan Châu, là sư phụ trong am ni cô đã giúp đỡ tôi; gặp mã phỉ ở Hồng Nhai Câu, là ngài đã ra tay cứu tôi. Sao tôi lại có nhiều vận may đến vậy chứ...”

Nàng thôi khóc, khuôn mặt nhợt nhạt thiếu sức sống, thần sắc hiện nét mỏi mệt. Hồi lâu sau, nàng cất giọng yếu ớt: “Lý Vị, nếu có một ngày tôi không kiên trì được nữa, bỏ mạng trên đường, ngài có thể thiêu tôi thành tro, rải theo hướng cha tôi chết trận được không?”

“Cô sẽ không chết đâu.” Hắn mỉm cười, “Ta sẽ đưa cô bình an trở về.”

Nàng nghiêng đầu, xuyên qua kẽ hở của lán gỗ, chỉ nhìn thấy được ánh hồng mỏng manh của đống lửa phía ngoài kia, nàng nói chầm chậm: “Dưới nơi chín suối, tôi gặp cha, không biết ông có chịu nhận tôi hay không nữa...”

“Tôi đi lâu như thế, không dám nói cho bất kỳ ai... cha của tôi, là bị tôi hại chết...”

“Là lỗi của tôi...”

“Sau khi cha qua đời, mẹ bị Vi Thiếu Tông bắt vào Vi phủ.”

“Có một lần mẹ từ Vi phủ trở về thăm tôi, tôi nghe thấy cậu và mẹ nói chuyện. Mẹ nằm nhoài ra bàn khóc, mẹ nói Vi Thiếu Tông thấy sắc nảy lòng tham, gạt bỏ cương thường luân lý. Hóa ra trước khi cha tôi mất, hắn ta đã chòng ghẹo mẹ tôi. Tới khi mẹ tôi thành góa phụ, còn chưa thờ chồng được một trăm ngày, hắn ta đã vội vàng bắt mẹ tôi đi. Cậu khuyên mẹ phải hết sức nhẫn nại, mẹ lại đành ngậm đắng nuốt cay về Vi phủ.”

“Sau đó Vi gia bị xét nhà, các đảng phái Vi gia bị nhổ tận gốc. Mẹ nương nhờ vào Tĩnh vương. Từ đó về sau có một lần, Tĩnh vương và cậu tôi nghị sự trong thư phòng, khi đó tôi trốn sau giá sách trong thư phòng, nghe Tĩnh vương và cậu nói đến một vụ án. Một người họ hàng xa của Vi gia tên là Diệp Lương, sau khi Vi gia rớt đài, người này vì dính án tham ô quân lương nên bị tống vào ngục, cuối cùng chết trong ngục tù. Trước lúc chết người này viết thư thuật lại tội xưa, liên quan tới án oan năm ấy, mấy năm trước người này từng nhậm chức Quả Nghị đô úy của quân Y Ngô, ông ta... từng là quan trên của cha tôi.”

“Năm Cảnh Nguyên thứ sáu, Diệp Lương nhận được một lá thư của Vi Thiếu Tông. Sau đó cha nghe theo lệnh Diệp Lương, dẫn binh tấn công doanh của địch trước, nhưng lại chẳng đợi được những gì đã giao ước sẵn... Cha tôi rõ ràng là nghe lệnh làm việc, cuối cùng chết trận, lại bị mang tội làm trái mệnh lệnh.”

“Hóa ra là do Vi Thiếu Tông thèm muốn sắc đẹp của mẹ tôi, nên đã mưu hại cha tôi, khiến mẹ tôi trở thành góa phụ, mất trượng phu, cắt đứt những nhớ nhung, cướp mẹ tôi đi một cách danh chính ngôn thuận.”

“Tĩnh vương hỏi cậu tôi về chuyện năm đó Vi Thiếu Tông cướp người, cậu ấp a ấp úng không dám trả lời. Sau cùng cậu tôi mới nói, từ lâu cậu đã biết người hại cha tôi chính là Vi Thiếu Tông, song lại bị bức ép dưới uy quyền của Vi gia, nên không dám hé môi nói nửa lời, càng không dám để mẹ tôi biết được sự thật. Cậu mợ tôi, biết rõ Vi gia là hung thủ, thế mà vẫn đưa mẹ tôi vào Vi phủ.”

“Tĩnh vương không muốn mẹ nhớ mong tình xưa nữa, cũng không muốn dính vào vụ án năm ấy, năm lần bảy lượt nhắc nhở cậu, không thể để việc này bị mẹ tôi biết, phải giấu bà mãi mãi.”

“Không một ai nhớ đến oan khuất của cha tôi, mẹ yếu đuối chẳng nơi nương tựa, không làm gì được cả, không biết chút gì cả...”

Xuân Thiên giơ tay che mặt mình.

Tiết phu nhân mẹ của nàng xinh đẹp động lòng người. Có một lần ra ngoài, đi trên đường bị Vi Thiếu Tông trông thấy. Vi Thiếu Tông vừa gặp đã cảm mến, dò la nghe ngóng khắp nơi mới biết đó là cô em gái của một viên quan họ Tiết. Tiếc rằng lại là phụ nữ đã có chồng, trượng phu ở trong quân, cùng con gái dựa vào nhà anh trai sống cho qua ngày đoạn tháng.

Vi Thiếu Tông tìm cách dụ dỗ Tiết phu nhân, dây dưa trêu chọc mấy bận, song lần nào cũng thất bại. Tiết phu nhân nhu nhược lâm cảnh hoang mang, bị hắn ta quấy rối liên tục, dẫu thấy vô cùng phiền phức, nhưng không dám đắc tội: “Thiếp là đàn bà có chồng, phu quân làm việc trong quân. Phu quân nhà thiếp oai hùng lẫm liệt, thiếp cảm tạ tấm lòng thành của công tử, khuyên công tử hãy buông tay, như vậy mới tốt.”

Trong lúc Vi Thiếu Tông nổi cơn giận, vừa khéo chiến sự ở biên cương nổ ra dồn dập. Biết trượng phu của người đàn bà này ở trong đó, hắn ta bèn thổi gió tới tai tâm phúc trong quân. Chỉ một câu nhẹ nhàng thôi, đã khiến cho người đàn bà trẻ tuổi mất chồng, cuối cùng chớp thời cơ chiếm vào trong tay mình.

Người cậu bám vào Vi phủ đã đánh hơi được huyền cơ trong đó, sẵn sàng chắp tay dâng em gái của mình cho Vi phủ.

“Sau khi tôi và mẹ dọn vào nhà cậu, mẹ không muốn nghe mợ nhiếc móc, nên từ đầu chí cuối không bước ra khỏi cửa, có việc gì thì chỉ sai thị nữ đi thay, nên sao mẹ có thể có bị Vi Thiếu Tông bắt gặp được. Sau đó có một lần nọ, tôi gặp thị nữ Lan Hương của mẹ tôi, cô ấy sớm đã bị cậu tôi đuổi đi. Lan Hương kể rằng vào tiết Hoa Triêu năm Cảnh Nguyên thứ sáu, cô ấy phải giao một xấp khăn đến tú phường bán lấy tiền. Không khéo là ngày đó bụng bị đau dữ dội, đành phải xin nghỉ với mẹ tôi. Mẹ tôi khổ não, vì tiết Hoa Triêu, con gái trong nhà nhất định phải có trâm liễu vàng, cỏ bội lan, còn phải ăn bánh hoa nữa. Khi ấy tôi rất ngưỡng mộ các chị ở nhà cậu chẳng thiếu thốn thứ gì, lại thích nhất là ăn bánh hoa của cửa hàng Thẩm gia, nên cứ mãi quấn lấy mẹ đòi mua. Nhưng hoàn cảnh túng quẫn, phải chờ lấy tiền bán khăn rồi mới mua bánh hoa cho tôi ăn được.”

“Mẹ không muốn làm tôi thất vọng, nên dứt khoát tự ra ngoài một mình. Bà không nỡ bỏ tiền thuê xe lừa, vì vậy đã đi bộ đến thẳng tú phường. Chính trên con đường ấy, đã gặp Vi Thiếu Tông...”

“Vốn là tại tôi... Nếu không phải tôi nằng nặc đòi mẹ mua bánh hoa, mẹ tôi sẽ không ra ngoài, sẽ không bị Vi Thiếu Tông chòng ghẹo. Cha tôi sẽ không bị hại, mẹ tôi cũng sẽ không bị bắt vào Vi phủ, cuối cùng bỏ tôi lại mà đi...”

“Đều là lỗi của tôi... Tôi mới là đầu sỏ gây chuyện cuối cùng.”

Nàng co vai, thu người mình thành một cục nho nhỏ, lẳng lặng rơi lệ giữa màn đêm cô tịch.

“Thế nên cô mới không sợ gian nan, bất chấp hậu quả, nhất quyết muốn tới nơi này bằng được?” Giọng của Lý Vị nhẹ nhàng hết mức, “Cô từ Trường An ngàn dặm xa xôi đến, ôm theo lòng một hai muốn chết, tìm di cốt của cha cô về, chuộc tội cho mình ư?”

“Tôi không thể để thi cốt của cha rơi rớt chốn hoang dã, cũng không thể tha thứ cho bản thân mình.”

“Đứa nhỏ ngốc.” Hắn thở dài, “Tạo hóa trêu ngươi, tại sao đến cùng cô lại là người phải gánh chịu những điều ấy. Cô mới là đứa bé vô tội nhất kia mà...”

Lý Vị dịch tay nàng ra, lặng lẽ nhìn nàng đăm đăm, thấy khuôn mặt ốm yếu xanh xao của nàng nhuốm chút sắc hồng, nước mắt đầm đìa hai gò má, vô cùng nhếch nhác. Trong cặp mắt ngấn lệ sưng đỏ lên vì đau và hơi nóng hầm hập kia, cất giấu một linh hồn bé nhỏ.

Hắn che mặt nàng lại bằng tay áo của mình, giấu nàng vào trong bóng tối tĩnh mịch. Nương theo tay áo hắn, nàng ngửi được mùi hương của hắn. Nỗi đau và sự bất lực trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của đời người, sự bàng hoàng và cô đơn của người thiếu nữ ồ ập kéo đến, đau thấu tận lòng. Bả vai nàng run rẩy, yên lặng nghẹn ngào.

Lý Vị từ tốn mà dịu dàng vỗ về mái tóc nàng, đợi đến khi nước mắt nàng chảy hết. Ai ai cũng đều phải trải qua những thời khắc như vậy, không cần biết đúng sai và kết quả, hãy nhớ rằng, có đau, thì mới biết cuộc đời về sau phải lựa chọn thế nào.

Tối nay trăng tàn mờ ảo, gió đêm mơn man, bốn bề vắng lặng, sao giăng rợp trời, chiếu sáng cả không trung.

Xuân Thiên khóc mệt, lại ngủ mê man.

Sau khi khóc một trận, giấc này nàng ngủ rất an ổn, tới buổi trưa hôm sau mới thức dậy. Cơn sốt cao cũng được đẩy lùi chút ít, chỉ là người ngợm vẫn mềm nhũn, thể lực cạn kiệt, không chống đỡ nổi, bụng thì đói kêu vang.

Hai mắt nàng đau nhức chẳng tài nào mở ra, giơ tay chạm lên mới phát hiện mắt đã sưng húp như quả hạch đào, chỉ hé được một đường bé xíu để trông thấy ánh sáng thấp thoáng. Cổ họng rát buốt, ngay cả nói cũng không thành tiếng.

Xuân Thiên nghe hình như bên cạnh có tiếng cười khẽ. Quay đầu nhìn sang, liền thấy Lý Vị đưa khoanh tay dựa tường, đôi đồng tử đen nhánh nhìn chằm chằm nàng.

Nàng nhớ tới chuyện đêm qua, muốn nói lời cảm ơn với Lý Vị, song cổ họng lại khô không khốc. Nghĩ đến bộ dạng chật vật xấu xí của mình, nàng bèn nâng tay áo che mặt.

“Ăn chút đồ này trước đi, ta đi lấy nước nóng cho cô chườm mắt.” Hắn trông nàng cả đêm, thấy tình hình nàng đã có dấu hiệu khởi sắc, bấy giờ cũng thở phào một hơi nhẹ nhõm.

Hôm qua khóc đến tận nửa đêm, dù Xuân Thiên có hơi buồn bực kém vui, nhưng thổ lộ ra tâm sự chôn giấu suốt bao năm, nước mắt đã khóc cạn, vậy nên thể xác và tinh thần đều dễ chịu hơn hẳn, bất tri bất giác uống hết hai ba chén canh thịt. Lúc này cổ họng mới đỡ hơn, tuy nhiên vẫn còn chút khàn khàn: “Cảm ơn đại gia.”

Lý Vị đắp chiếc khăn nóng lên hai mắt nàng. Xuân Thiên bị đau, khẽ xuýt xoa một tiếng. Bàn tay dày rộng của hắn đè khăn nóng xuống, đầu ngón tay chạm vào thái dương nàng, chỉ để lộ bờ môi nhợt nhạt trắng bệch cùng khuôn cằm nhòn nhọn.

Nàng đưa tay tìm kiếm ống tay áo hắn, kẹp giữa hai ngón tay lắc lắc, ngữ khí mềm mại, dè dặt thận trọng: “Tôi cứ gây rắc rối cho đại gia hoài, xin lỗi.”

“Phạt cô hôm nay uống thêm hai chén thuốc.” Ánh mắt hắn lướt qua môi nàng, ngón tay khẽ nhúc nhích, “Đêm qua cô còn đánh đổ một chén, tính cả vốn lẫn lãi, hôm nay phải uống hết bốn chén thuốc này.”

Đôi mi thanh tú dưới khăn nóng hơi nhíu, đôi môi dẩu lên mà nếu không nhìn kỹ thì sẽ không thể thấy. Xuân Thiên thành khẩn gật đầu: “Được.”

Hàng mày của Lý Vị giãn ra, nhúng tấm khăn vào nước nóng rồi đưa lại cho nàng: “Chính miệng cô nói đấy, không được đổi ý. Ta đi sắc thuốc cho cô.”

Xuân Thiên đắp khăn lên chỗ mí mắt sưng phù, cũng đứng dậy khỏi giường đá, hơi hí mắt nhìn, lẽo đẽo theo chân Lý Vị đi ra lán gỗ, nhìn Lý Vị thu dọn đồ dùng, nhóm lửa đun thuốc.

Lý Vị cầm trong tay mấy loại cỏ lá, một ít thân rễ, một ít lá non. Xuân Thiên nhặt một cành mỏng mảnh xanh biếc lên, hỏi: “Đây là gì vậy ạ?”

“Mần trầu, nếu lạc đà hành tẩu trong sa mạc lên cơn sốt hay nôn mửa, chúng sẽ chủ động gặm loại cỏ này, có tác dụng trừ nhiệt giải độc.”

“Còn cái này?” Nàng xoắn một chiếc lá mọc đối với đầy là những bông hoa vàng xen kẽ.

“Kim long đảm, cực đắng, tính hàn, chỉ có ở sa mạc, trị đau đầu, giải độc, canh đắng mà cô uống chính là nó.” Lý Vị cũng nhặt một cành lên, “Trong quân ở Tây Bắc thường dùng thuốc ấy để trị nóng trị độc cho các tướng sĩ.”

“Không ngờ đại gia còn biết y thuật.”

“Trong nhà nhiều người bệnh, hỏi thầy xin thuốc, nghe nhiều nên quen, ta cũng chỉ biết có vài thứ thôi.”

“Đại gia... mấy năm nay cũng vất vả lắm.” Nàng thấp giọng nói, “Sức khỏe Lý nương tử không tốt, đại gia vừa phải chăm lo cho người ở nhà, vừa phải ra ngoài làm việc nuôi gia đình.”

“Cũng tạm. Từ năm mười ba tuổi ta đã đi theo cha ra ngoài buôn bán. Sau đó nhập ngũ, rồi lại rời quân về nhà, trở về con đường buôn bán. Hơn mười năm nay, thời gian ở nhà cũng ít ỏi, nợ người nhà rất nhiều điều.”

Xuân Thiên lấy khăn nóng đắp mắt xuống, đặt ở đầu gối: “Đại gia có từng tìm kiếm thân thế và thân tộc của mình chưa?”

Hắn ngừng hoạt động trong tay, đôi mắt là một màu ảm đạm nhàn nhạt: “Năm mười lăm tuổi, cha đưa ta qua sông Vị một lần, chỉ cho ta chỗ năm xưa cha mẹ ruột của ta bị giết hại. Đó là bờ sông Vị ở quận Thiên Thủy, ven đường dân cư rất thưa thớt, bên bờ có hai nhà trọ. Năm đó cha mẹ ta vào nhà trọ nghỉ chân một đêm, ta hỏi chủ trọ về bản án cũ ngày xưa. Chủ trọ chỉ nói cha mẹ ruột của ta, cộng thêm tôi tớ nữa là mười người, mang vô số là rương hòm, áo quần là lượt, nghe giọng có vẻ là người Trung Nguyên. Vì tôi tớ vô ý làm đổ một chiếc hòm, lộ ra của cải, nên có lẽ đã lọt vào tầm ngắm của bọn giặc. Nhưng trộm cắp ở bờ sông Vị này chẳng biết có bao nhiêu, phải bắt đầu điều tra từ hồ sơ quan phủ, tung tích của bọn thổ phỉ và cha mẹ ta dọc đường đi. Nhân lực và tài lực hao phí vượt ngoài dự đoán của ta. Sau đó ta lại vào quân, thành hôn sinh con, vướng phải cả đống chuyện, cuối cùng không thể tiếp tục truy tìm nữa. Có lúc nghĩ lại, cho dù có tìm được thân thế thân tộc của mình, biết mình tên gì họ gì, thế nhưng cha mẹ ruột đã qua đời, chỗ nương tựa mất hết, không có ai để dâng trà hiếu kính, vậy thì có tác dụng gì đâu? Nên ta đã ở lại Hà Tây làm Lý Vị, cũng không tệ.”

Ở cùng một độ tuổi ấy, cả hai đều bước trên con đường tìm kiếm cha mẹ.

Hai người im lặng một lúc lâu, Lý Vị nấu thuốc, Xuân Thiên nhóm lửa, hồi sau Xuân Thiên nói: “Đại gia còn có người nhà, còn có Trường Lưu ở bên.”

Lý Vị mỉm cười: “Trường Lưu à. Mười bảy tuổi ta đã có Trường Lưu, nhoáng cả đã mười một năm trôi qua, thằng bé cũng trưởng thành rồi.”

Trong hẻm Người Mù, Xuân Thiên và Trường Lưu sớm chiều ở chung, nàng rất quý Trường Lưu, đắn đo một lúc, nàng không nhịn được hỏi: “Hồi... đại gia còn trẻ, cũng giống như Trường Lưu sao?”

Trường Lưu nhút nhát, điềm đạm, rụt rè, chững chạc, văn tĩnh, gầy yếu. Lòng nàng chậm rãi miêu tả dáng vẻ thời niên thiếu của Lý Vị, có giống nhau không? Hắn của lúc đó trông mặt mũi thế nào?

Hắn quay đầu, mắt chất chứa ý cười: “Cô muốn hỏi gì?”

“Tôi muốn nghe về chuyện trước đây của đại gia.” Rốt cuộc nàng cũng cố lấy dũng khí, nhìn thẳng vào hắn.

Lý Vị bưng canh thuốc đưa tới trước mặt nàng: “Uống thuốc đã.”

(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.