Vị Khách Lúc Nửa Đêm

Chương 24: Chương 24




Trong mắt Thịnh Thanh Nhượng, Tông Anh đơn giản lại bí ẩn tầng tầng lớp lớp.Cô có năng lực hành động vượt trội, tác phong thẳng thắn, ít tính toán, cách đối nhân xử thế cố chấp gần như đơn thuần, nhưng anh không hiểu gì về cuộc sống của cô, cho dù anh đã quan sát vô số vật dụng cá nhân của cô rất gần.

Anh biết chuyênh ngành cô học, hiểu đơn giản về sở thích của cô, nhưng lại không hiểu vì sao sau một thời điểm nào đó, người thiếu nữ trong bức ảnh kia lại không còn nét tươi cười sau mỗi lần chụp ảnh, càng không hiểu lý do vì sao cô lại lập di chúc ở độ tuổi này.

Có lẽ ánh mắt anh ẩn chứa quá nhiều câu hỏi, Tông Anh ngẩng đầu nhìn anh trong chốc lát, trả lời câu hỏi không thể nói thành lời đó…

Tại sao phải lập di chúc?

Cô nói: “Đề phòng trước để tránh tai hoạ.”

Giọng nói bình thản, lại kiên quyết không thể dao động. Từ hành động này cho thấy, cô cũng không phải người liều lĩnh qua quít, cô có suy nghĩ và chủ kiến của riêng mình, thậm chí tính toán tương đối chu đáo.

Nói xong, Tông Anh mở điện thoại di động ra, màn hình hiển thị lượng pin còn vẻn vẹn 15%, không có tín hiệu, thời gian là 19 giờ đúng ngày 16 tháng 8.

“Còn 3 tiếng nữa, anh mau về chung cư sớm đi, như vậy sẽ ổn thỏa hơn.” Cô nói, đoạn tắt nguồn điện thoại di động, lại dặn dò tiếp: “Tôi đã thay khoá nhà và để lại một chiếc chìa khoá dự bị trong tủ cạnh cửa trước, anh có thể lấy mà dùng.”

Dường như cô vô cùng thản nhiên đón nhận những “phiền toái” do Thịnh Thanh Nhượng mang đến, hơn nữa còn tự giác thích ứng với cuộc sống khác với lẽ thường này.

Thịnh Thanh Nhượng thấy cô rút điếu Black Devil ra khỏi hộp thuốc lá bị đè bẹp dí, cuốn giấy màu vàng đen bao lấy ruột thuốc lá bị đè nhăn nhúm, cô dùng hai tay vặn nhẹ phần đầu và phần đuôi, thong thả vân vê, nhưng không châm lửa.

Anh đột nhiên đưa hộp diêm cho cô, sau đó cất giấy bút vào cặp, đứng dậy cáo biệt.

Lúc anh bước ra cửa, Tông Anh cầm hộp diêm kia, vô thức bày tỏ sự quan tâm: “Anh Thịnh, chúc anh tối nay ngon giấc.”

Nhịp tim vốn đập nhanh vì thiếu ngủ của Thịnh Thanh Nhượng đột nhiên ngừng một nhịp – có người để ý đến vẻ mệt mỏi của anh, còn đưa ra lời chúc đầy thiện ý, đối với anh, đó là trải nghiệm hiếm có từ trước tới nay.

Anh không biết nên đáp lại ra sao, chỉ cúi đầu vội vã ra ngoài, tranh thủ thời gian về chung cư 699 gấp.

Mười giờ tối, Thịnh Thanh Nhượng thuận lợi tìm thấy chìa khoá dự bị mà Tông Anh để lại trong tủ cạnh cửa trước và ra ngoài.

Trong gió chỉ lưu lại chút không khí oi bức của ban ngày, cảm giác thật thoải mái, bóng đêm trong trẻo đẹp đẽ. Đèn đường sáng rực suốt dọc đường là minh chứng cho lượng điện dồi dào trong thời đại hòa bình; phiến lá ngô đồng Pháp khẽ lay động trong gió Đông yếu ớt, thanh thản mà bình yên; phương tiện giao thông như ô tô, tàu thuyền đi trên từng con đường riêng, cửa hàng ven đường cũng không cần lo lắng gặp cảnh chen chúc mua bán… Đều là tình cảnh không thể có trong thời chiến.

Thịnh Thanh Nhượng rẽ phải, tiến vào cửa chính bệnh viện, một chiếc xe cứu thương tuýt còi lao vút qua người anh, anh nghe thấy tiếng dừng xe, lại thấy một chiếc xe taxi vững vàng dừng trước cửa toà nhà cao tầng.

Anh nhớ tới lần gặp gỡ đầu tiên giữa mình và Tông Anh, cũng ở trong một chiếc xe taxi. Đó là lần đầu tiên anh tới bệnh viện này, cũng nhờ đó mà cả hai tình cờ gặp nhau.

Ngày ấy, sau khi Tông Anh xuống xe, xe taxi lái khỏi bệnh viện, anh cũng nhanh chóng xuống xe, đi vòng về bệnh viện nhưng không gặp lại Tông Anh, vốn định quay về chung cư, nhưng trời đột nhiên đổ mưa, vì vậy đành bật chiếc ô in số 914 trên vòng mobius của Tông Anh, rời khỏi bệnh viện.

Có lẽ anh không biết, Tông Anh đứng ở tầng trên trông thấy mình.

Lấy lại tinh thần, Thịnh Thanh Nhượng bước nhanh vào hàng thuốc. Dưới sự bao bọc của ánh sáng trắng lạnh lẽo, điều hòa ra sức toả hơi lạnh, trong tiệm có một mùi thảo dược man mát. Dược sĩ già mặc áo blouse trắng dựa vào tủ thuốc đọc tạp chí, nghe thấy tiếng bước chân, ông hạ thấp kính lão, ngước mắt nhìn Thịnh Thanh Nhượng qua tròng kính: “Cậu muốn mua thuốc gì?”

Thịnh Thanh Nhượng sợ mua nhầm thuốc, cố ý đưa danh sách Tông Anh viết cho dược sĩ xem.

Đối phương lại đẩy kính lão lên, nheo mắt cẩn thận đọc một lượt, lúc này mới lấy hai hộp thuốc trong quầy ra, nói: “Nhà cậu vừa có em bé à?”

Thịnh Thanh Nhượng gật đầu, lấy thẻ ngân hàng đưa cho ông.

Ông dược sĩ già cau mày: “Có mấy chục đồng còn quẹt thẻ, không có tiền lẻ sao?”

Trong ví của anh chỉ có Pháp tệ, đành nói: “Xin lỗi, cháu không có.”

Ông dược sĩ già không còn cách nào khác, đành gọi một thanh niên nhà bên cạnh đến, lúc này mới trả tiền thừa cho anh.

Anh cất hộp thuốc vào cặp tài liệu, bước nhanh khỏi hiệu thuốc, đi tìm cửa hàng bán đến 12 giờ.

Mặt tiền cửa hàng bày bán những giỏ trái cây tươi ngon, bên trong lác đác vài người khách, các loại hàng hoá xếp chồng chất trên kệ, phần lớn là vật dụng cần thiết khi nằm viện, tận cùng phía Tây có một loạt kệ riêng biệt, bày đầy đồ dùng cho trẻ sơ sinh, chủng loại đầy đủ, nhưng sự lựa chọn khá ít, cũng đỡ phải do dự.

Thịnh Thanh Nhượng đứng dưới ánh đèn đọc thông tin ghi trên nhãn hiệu của hộp sữa, nhưng không hiểu gì, dứt khoát bỏ cuộc.

Anh đối chiếu danh sách, mua đầy đủ các đồ dùng, cầm giỏ đi tính tiền, đúng lúc này, Thịnh Thu Thật cũng vào mua một lon cà phê nóng, đứng xếp hàng sau lưng anh.

Nhân viên thu ngân quẹt thẻ xong bảo anh nhập mật mã, lại xé hóa đơn đưa anh ký tên, thẻ đặt trên quầy.

Lúc này, Thịnh Thu Thật đang đứng phía sau đột nhiên nheo mắt lại, ghé sát vào nhìn thoáng qua hoá đơn trên quầy. Đối phương dùng thẻ ngân hàng, mặt trước in tên phiên âm “ZONG YING”.

Thịnh Thu Thật thuận tiện nhìn thoáng qua phần ký tên trên hoá đơn mua sắm nhả ra từ máy POS, đối phương thành thạo ký hai chữ “Tông Anh”.

Tên này không phổ biến, không những thế, tấm thẻ này cũng rất quen mắt.

Thịnh Thu Thật không kìm được đánh giá Thịnh Thanh Nhượng vài lần, chỉ thấy anh cất từng hàng hoá vào túi ni lông, hầu như tất cả đều là đồ dùng cho trẻ sơ sinh.

Thịnh Thu Thật nghi ngờ nhíu mày, ai ngờ đúng lúc này Thịnh Thanh Nhượng đột nhiên quay lại nhìn thoáng qua anh.

Cái nhìn này khiến Thịnh Thu Thật thật sự ngẩn người, mãi đến khi nhân viên thu ngân nhắc nhở, anh mới lấy lại tinh thần. Vội vàng trả tiền, Thịnh Thu Thật ngay cả tiền lẻ cũng không cần, chạy thẳng ra cửa, chờ đón anh chỉ còn bóng đêm mịt mùng, Thịnh Thanh Nhượng đã biến mất.

Thịnh Thanh Nhượng rời khỏi bệnh viện về nhà trọ, kiểm tra đối chiếu với danh sách, hết thảy đều chuẩn bị thỏa đáng, chỉ còn một bộ quần áo sạch sẽ…

Là quần áo để Tông Anh thay.

Thịnh Thanh Nhượng rơi vào thế bí, quần áo của cô để ở đâu, cần bộ nào, anh hoàn toàn không biết, chỉ trách mình không hỏi rõ ràng.

Anh rửa tay, đi đến cửa phòng Tông Anh, chần chừ mấy giây, cuối cùng ấn tay nắm cửa, đẩy cửa phòng ra, bật công tắc đèn trên trần nhà.

Ánh đèn mờ nhạt sáng lên, đập vào mắt anh là cửa sổ mười sáu song kiểu cũ, một chiếc giường gỗ kê sát mặt tường phía Đông, hai chiếc tủ to đặt song song với mặt tường phía Tây, gia cụ ít mà thực dụng.

Anh mở chiếc tủ năm ngăn bên phải ra, thuận lợi tìm được một áo sơ mi và một quần dài, nhưng vì bị đè ép trong thời gian dài, quần áo có nhiều nếp nhăn, cần là qua.

Đang định cầm lên gác là, Thịnh Thanh Nhượng đột nhiên nhớ tới một chuyện, liền quay lại phòng ngủ, nhưng lại chần chừ không biết có nên lật tiếp không…

Cô ấy có cần thay đồ lót không? Cần.

Đứng dưới ánh đèn tối tăm toả ra từ đèn treo trên trần nhà, anh hạ quyết định, lại cúi xuống mở tủ, lấy một đôi tất sạch.

Sau đó, anh lại chuyển sang tủ bên trái, mở tầng thứ nhất ra, không thấy quần áo lót; tầng thứ hai, không có; tầng thứ ba tầng thứ tư, cũng không có… Tầng cuối cùng, chỉ có một quyển sổ làm bằng da to bằng chiếc cặp đựng tài liệu nằm trơ trọi.

Bìa ngoài đen nhánh sạch sẽ, bên phải được gài kín bằng dây thun co dãn, không một hạt bụi, đẹp một cách khắc kỷ kiềm chế, như chiếc hộp đen cất giấu bí mật.

Thịnh Thanh Nhượng nhìn hồi lâu, khom lưng lấy quyển sổ ra, tháo dây chun, trịnh trọng lật trang thứ nhất…

Chính giữa quyển sổ dán một tấm ảnh đen trắng, tiệm chụp ảnh trang trí thêm cho nó đường viền hoa. Người trong ảnh là một mỹ nhân trẻ tuổi, đại khái chỉ mười bảy mười tám tuổi, cổ thon dài, tóc ngắn mạnh mẽ, ánh mắt sắc bén.

Tông Anh rất giống bà ấy.

Anh tiếp tục lật sang những trang sau, lác đác vài tấm ảnh chụp chung cả tập thể, trong đó có một tấm ảnh Thịnh Thanh Nhượng từng trông thấy trên giá sách của Tông Anh, ảnh chụp chung hồi tốt nghiệp đại học.

Vị mỹ nhân này tốt nghiệp năm 1982, theo học chuyên ngành dược học, về sau được nhà nước cử đi Mỹ du học.

Không lâu sau khi về nước, bà kết hôn, nhanh chóng có con, tiếp đó ảnh chụp thưa thớt hơn nhiều, thay vào đó là vô số mảnh giấy cắt từ báo… có tin tức trên báo chí, có bài phỏng vấn trên tạp chí, có bài báo học thuật, thoạt nhìn sự nghiệp đã chiếm toàn bộ cuộc sống của bà.

Lật tiếp các trang phía sau, Thịnh Thanh Nhượng đọc được tin công ty sản xuất thuốc Tân Hi thành lập, trên mảnh báo ố vàng in kèm một tấm ảnh đen trắng mơ hồ, có thể loáng thoáng phân ra hình dáng của người sáng lập, trong đó không chỉ có vị mỹ nhân này, còn có… Cha của Tông Anh, người anh nhìn thấy trên báo lần trước.

Ngay sát phía sau là một bài phỏng vấn, ở cuối bài, bà trình bày lý tưởng và quyết tâm của mình với xí nghiệp nghiên cứu điều chế thuốc của riêng mình.

Phía sau lại có thêm vài bài luận văn nghiên cứu, Thịnh Thanh Nhượng đọc lướt qua, đồng hồ để bàn trong phòng khách đổ chuông.

Đêm càng sâu, anh cũng sắp lật đến trang cuối, chỉ còn lại hai trang.

Một trang dán tin công ty sản xuất thuốc Tân Hi sắp đưa ra thị trường thuốc do chính họ nghiên cứu, chế tạo, trang cuối cùng là tin tương tự, tựa đề “Nghiêm Mạn, chủ nhiệm phòng nghiên cứu hoá dược Tân Hi, nhảy lầu tự tử, lúc còn sống bị nghi mắc bệnh trầm cảm”.

Lúc này, Thịnh Thanh Nhượng vuốt quyển sổ chỉ còn lại bìa da cứng trong tay, những trang trước đó đều đã lật qua, trang cuối cuốn sổ là điểm kết thúc, cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời của vị mỹ nhân nhân này.

Thịnh Thanh Nhượng đọc lướt hết các thông tin, chỉ nhớ kỹ một ngày – ngày 14 tháng 9.

Ngày này, Nghiêm Mạn, mẹ của Tông Anh, rơi từ trên toà nhà cao tầng xuống, tử vong ngay tại toà nhà Tân Hi sắp bắt đầu sử dụng.

Thịnh Thanh Nhượng khép quyển sổ lại, đột nhiên phát hiện một vòng mobius mạ vàng nằm chính giữa trang bìa.

Anh từng trông thấy ký hiệu này trên đồ đạc của Tông Anh không chỉ một lần, chiếc vòng này chỉ vẻn vẹn một mặt, từ đầu bên này vòng ra ngoài, cuối cùng trở lại điểm cũ – là khởi đầu, cũng là điểm cuối, như một luân hồi.

Cùng lúc đó, Thịnh Thu Thật trực đêm ở bệnh viện, anh vừa kiểm tra hết các phòng bệnh và quay về phòng làm việc ở tầng dưới, điện thoại di động chợt rung mạnh trong túi áo blouse.

Anh bắt máy, đầu dây bên kia truyền đến giọng nói thiếu kiên nhẫn của cô em gái: “Chỉ tìm được hai bức thôi, em đã chụp lại gửi cho anh rồi đấy, anh tự xem hộp thư đi.” Sau đó lại là ngáp mấy cái, oán trách: “Anh cả, anh để ý chênh lệch múi giờ được không, bên em mới 4 giờ sáng thôi! Hôm qua viết luận văn đến 2 giờ, em còn đang ngủ mơ màng đã bị anh gọi dậy lật tìm ảnh cũ, thật không có nhân tính, em muốn đi ngủ, tạm biệt…”

Thịnh Thu Thật chưa kịp nói câu nào, đối phương đã dập máy.

Anh không để ý tiếng tít tít truyền đến từ đầu dây bên kia, nhanh chóng mở hộp thư di động, đáy màn hình hiển thị “Đang kiểm tra tin nhắn…”, nhưng mãi không cập nhật được tin mới.

Tín hiệu trong bệnh viện quá kém, tâm trạng của anh càng lúc càng nôn nóng, cuối cùng đợi không kịp, dứt khoát xuống cầu thang, bước nhanh xuống tầng dưới.

Ra khỏi toà nhà, đứng dưới ánh đèn đường tối tăm, hòm thư rốt cuộc hiển thị dòng chữ “Vừa cập nhật, 1 tin nhắn chưa đọc”.

Anh vội vàng kích vào phần đọc tin nhắn, trang tin đính kèm hai tấm ảnh đen trắng lâu đời.

Dưới ánh đèn lờ mờ, anh khẽ chạm vào một trong hai tấm ảnh gia đình được phóng to trên màn hình, cuối cùng thấy được gương mặt quen thuộc kia ở vị trí chính giữa hàng phía sau, quả thật giống nhau như đúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.