Vị Khách Lúc Nửa Đêm

Chương 66: Chương 66: Ngoại truyện: chuyến du lịch trăng mật.




Ngoại truyện: chuyến du lịch trăng mật.

Dịch: Bòn Iddlehouse

Đầu xuân cuối đông, Tông Anh phát hiện ra một số manh mối…

Có vẻ Thịnh Thanh Nhượng đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa.

Đầu năm, sau khi Tông Anh quay lại làm việc, dần dần bắt đầu bận rộn, hiếm lắm mới được một hôm về nhà lúc trời còn xế chiều, hai người ăn cơm tối xong, Tông Anh cuộn mình trên ghế sô pha soạn tài liệu và viết luận văn, loáng thoáng nghe thấy từ ngoài ban công truyền đến tiếng nói chuyện, cô nghiêng đầu ngó ra, xuyên qua rèm cửa đang bị gió đêm thổi hé mở, Thịnh Thanh Nhượng đang chống tay trên lan can nói chuyện điện thoại, cánh tay trái của anh đặt trên thành lan can, cổ tay đè lên một cuốn sổ ghi chép, tay phải cầm bút, không ngừng ghi chép gì đó.

Ngoài trời đã tối đen, đèn đóm xa xa lấp lánh trong màn đêm. Không khí bên ngoài tràn vào phòng, se se lạnh, có lẽ chưa tới 10 độ.

Thịnh Thanh Nhượng có vẻ như hoàn toàn chưa cảm nhận được ánh mắt đang quét về phía mình từ trong phòng khách, chỉ cúi đầu chăm chú lo viết.

Tông Anh không rõ anh đang liên lạc với ai, càng không rõ anh đang lên kế hoạch gì, cô tiếp tục gõ bản trích yếu luận văn của mình, lúc gõ đến “High falling is one of the most common types……” thì Thịnh Thanh Nhượng đóng cửa ban công lại, cất điện thoại, bước vào phòng.

Luồng khí lạnh len lỏi quanh gian phòng lập tức bị chặt đứt, Tông Anh tiếp tục đánh máy, tiết tấu gõ phím chậm đi một cách rõ rệt, tầm mắt thì vẻ như đang đặt trên màn ảnh, nhưng sự chú ý thì đang dõi theo bóng Thịnh Thanh Nhượng tiến vào thư phòng.

Anh vào trong chỉ khoảng nửa phút, rất nhanh chóng đã bưng một chồng sách ra, đặt chúng xuống góc bàn trà rồi vào bếp nấu một ấm trà trái cây, hương vị ngòn ngọt chậm rãi lan toả quanh phòng.

Tông Anh điều chỉnh tướng ngồi, nhoài người về phía trước thăm dò mớ sách nằm trên bàn trà.

Cuốn trên cùng là một quyển sách giáo khoa “Ghép Âm Tiếng Hán – Trung Văn Tiêu Chuẩn”, mặt bìa có mấy nhân vật hoạt hình, đoán chừng là sách vỡ lòng.

Tiên sinh đồ cổ chưa từng được học cách gõ ghép âm hiện đại của tiếng Hán, lại thèm muốn hiệu quả của phương pháp ghép âm, nên đành bắt đầu từ sách vỡ lòng của học sinh tiểu học. Đành rằng tinh thần hiếu học tự tiến là một chuyện rất nghiêm túc, nhưng Tông Anh liếc bìa sách mấy cái, lại ngầm cảm thấy đáng yêu lạ thường.

Tuy nhiên không ngờ bên dưới quyển sách giáo khoa ấu trĩ kia lại là cuốn “Tuyển Tập Các Phương Án Ghép Âm Tiếng Hán Kinh Điển”, hình như là giảng giải về lịch sử phát triển của phương pháp ghép âm tiếng Hán, khỏi cần mở ra cũng biết, đây tuyệt nhiên không phải sách thiết yếu cho người mới nhập môn, nhưng vô cùng phù hợp với tác phong truy xét cho ra ngọn ngành của tiên sinh phục cổ.

Ở phía dưới nữa – “Tiếng Phần Lan – Vỡ Lòng” đập vào mắt.

Động cơ học phương pháp ghép âm tiếng Hán thì có thể hiểu được, nhưng mà, tiếng Phần Lan?

Tông Anh hơi nheo mắt. Đúng lúc này có tin nhắn được gửi đến di động của anh đặt ngay cạnh đó, người gửi tin là Tiết Tuyển Thanh, nội dung là: “Cách thức đặt vé VR (*) bên Phần Lan vừa nói với anh lúc nãy [URL]” Ngay sau đó lại thêm một tin nữa, “Tuy nhiên nhắc nhở hữu nghị, hộ chiếu của Tông Anh không nằm trong tay cô ấy, phải xin phép từ Cục bộ.”

(*) VR là tên đường sắt quốc gia của Phần Lan.

Tông Anh vừa nhìn thấy rõ nội dung xong, màn hình đã tắt.

Thịnh Thanh Nhượng bưng chiếc ấm thuỷ tinh từ trong bếp đi ra, khom người rót trà trái cây vào chén, Tông Anh vươn tay lấy một chén, vờ như không biết gì cả, đến khi anh ngồi xuống đầu bên kia của ghế sô pha, mới lơ đãng nhắc nhở: “Vừa rồi di động của anh hình như có tin nhắn được gửi đến.”

Dạo này Thịnh Thanh Nhượng đóng đô gần như cả ngày trong phòng tự học của thư viện, di động cài chế độ im lặng, nghe Tông Anh nói một cái liền cầm di động lên mở khoá màn ảnh, đúng là nhìn thấy tin nhắn của Tiết Tuyển Thanh gửi tới.

Anh hơi hơi mím môi, ánh mắt của Tông Anh lại chuyển về màn ảnh máy tính, vờ như đang coi tư liệu, còn cố ý hớp một ngụm trà.

Tiếng Phần Lan, vé xe, hộ chiếu…

Mấy từ mấu chốt này xâu lại thành một chuỗi, trong bụng Tông Anh đại khái đã rõ.

Chỉ thương thay cho tiên sinh đồ cổ đã xem nhẹ trình độ nghiêm mật và rườm rà của thủ tục xuất ngoại đối với một cảnh sát hiện đại, cái câu “hộ chiếu của Tông Anh không nằm trong tay cô ấy,” của Tiết Tuyển Thanh mới khiến anh nhận thức được, cản trở lớn nhất đối với kế hoạch của mình chính là vì anh muốn giấu cái người kia.

Nếu giấu không xong thì không còn gọi là gây bất ngờ nữa, Thịnh Thanh Nhượng nhìn màn ảnh rồi chìm vào vây khốn.

Đổi thành lộ tuyến trong nước? Vậy thì chỉ cần mỗi số chứng minh thư là được, sự việc sẽ trở nên đơn giản không ít.

Nhưng Tông Anh muốn đi chỗ nào trong nước? Anh không biết. Chỉ có Lapland là nơi duy nhất anh biết chắc cô muốn đi, anh đã từng thấy cô xem tất cả những phim tài liệu có liên quan đến nó, cũng biết được từ miệng của Tiết Tuyển Thanh là cô thật sự từng có kế hoạch đi du lịch bên Lapland, vì thế một khi vừa xác định được Tông Anh còn dư vài ngày nghỉ sau đám cưới, anh liền bắt tay vào chuẩn bị chuyến đi này. Lần đầu tiên tiếp xúc với “trang mạng du lịch,” với “hệ thống đặt vé”, với “công lược” (*)… Sau khi tiếp xúc với bao nhiêu là danh từ mới mẻ và vô số kinh nghiệm những người du khách đi trước đã để lại, bản thân anh thậm chí cũng đã lập được một kế hoạch rất khá.

(*)Các cách thức làm gì đó mà hướng dẫn và kinh nghiệm được ghi xuống bởi những người người đi trước, tương tự như cuốn sách Lonely Planet cũng gọi là công lược, chơi game mà có người chỉ cách sao giết boss cũng là công lược, v.v..

Nhưng kế hoạch có khá tới đâu đi nữa, nếu không cách nào thực hiện, thì cũng chỉ trở thành đánh trận trên giấy.(*)

(*) Đánh trận trên giấy: Y là chỉ nói suông.

Anh ngồi ở đầu kia của sô pha, đắn đo suy nghĩ, cuối cùng, lúc định tiết lộ kế hoạch với Tông Anh, Tông Anh lại đóng máy tính xách tay lại, bưng chén trà lên hỏi anh: “Anh có sợ lạnh không?”

Thịnh Thanh Nhượng cảm thấy quá đột ngột, ngẩng phắt đầu, thì nghe Tông Anh hỏi tiếp: “Nếu không sợ lạnh, chúng ta đi Bắc Cực đi? Lapland, muốn đi chung với nhau không?”

Không kịp đề phòng.

Tông Anh mỉm cười với anh rồi xoay người đặt chén trà lên bàn, thấy anh không đáp lời, hỏi ngược lại: “Lẽ nào không muốn đi?”

Lúc bấy giờ Thịnh Thanh Nhượng mới hoàn hồn, hiểu ra là cô đã đoán trước được.

Thế là chuyến du lịch tới Lapland chính thức được lên lịch.

Tông Anh vẫn đi làm như thường, Thịnh Thanh Nhượng vẫn đóng đô phần lớn thời gian của mình trong thư viện, đôi khi nhận một chút công việc phiên dịch tiếng Pháp, còn lại bao nhiêu thời gian đều dành vào việc chuẩn bị cho chuyến du lịch.

Nom anh vui vẻ hào hứng nghiền ngẫm, Tông Anh mới thoải mái làm sếp chỉ tay năm ngón. Cô nghĩ, đối với Thịnh Thanh Nhượng, đây cũng có thể coi như một cơ hội tốt để khám phá thế giới mới này, cô thật sự để cho anh thu xếp hết thảy, không hề hỏi han gì về tiến độ.

Vậy nên cho tới lúc ra đến phi trường, Tông Anh vẫn không hề hay biết gì về sắp xếp lộ trình của chuyến du lịch trăng mật này.

Đến quầy vé làm thủ tục lên máy bay, rồi ký gửi hành lý thành công xong, Tông Anh cúi đầu nhìn xuống nơi hạ cánh trên tấm vé, mới xác nhận đúng là mình sẽ bay đến Heilsinki.

Chuyến bay không bị trễ, đúng giờ cất cánh, mọi việc đều thuận lợi.

Tông Anh ngồi vào chỗ kế cửa sổ, Thịnh Thanh Nhượng ngồi cạnh cô, nhìn tuyến đường bay trên màn ảnh, hai tay đan vào nhau, hơi mím môi, đây là kiểu như cố gắng che giấu sự căng thẳng.

Lần đầu tiên ngồi trên máy bay hiện đại, lại không cẩn thận ngồi đúng chuyến bay đường dài, khó lòng tránh khỏi bị căng thẳng.

Tông Anh cài dây an toàn xong, nói: “Không sao, em không hay đi chơi, cũng đã rất lâu rồi chưa ngồi máy bay.”

Lời an ủi hiếm hoi này từ cô nghe rất gượng gạo, rõ ràng khó có thể hoá giải được một tâm trạng đang đầy lo âu và nôn nóng. Giây phút máy bay cất cánh, Tông Anh cảm nhận được đối phương nắm lấy tay mình.

Chiếc máy bay khổng lồ bay xuyên qua những tầng mây thấp, ánh sáng ngoài cửa sổ dần dần trở nên chói chang, do múi giờ chênh lệch, sẽ cộng thêm 6 tiếng đồng hồ, ngày hôm nay sẽ là một ngày rất dài.

Chuyến bay dài 10 tiếng đồng hồ, lúc hạ cánh là vào buổi chiều bên Phần Lan.

Đèn trong khoang máy bay lần lượt bật sáng, Tông Anh nghe bên tai đang có người gọi cô, lập tức choàng tỉnh giấc, tháo miếng đắp mắt ra, gặp ngay đèn đóm sáng chưng, lại lập tức nhắm mắt lại theo phản xạ, tiếp sau đó, một chiếc áo lông vũ mềm mại nhẹ tênh được nhét vào lòng cô.

Lúc lên máy bay, một chiếc áo khoác mỏng đã đủ, lúc tới nơi, bên ngoài là một thế giới băng tuyết âm độ.

“Chúng ta đến nơi rồi.” Thịnh Thanh Nhượng nói.

Chuyến bay kéo dài đã khiến cho tiếng nói của anh hơi trầm khàn, nhưng trong giọng nói toát lên vài phần phấn khởi và hào hứng.

Tông Anh nhìn xuyên qua cửa sổ trông ra ngoài, mây đen giăng kín trời, trông có vẻ như sắp đổ tuyết, phía sau không ngừng có hành khách đang xuống máy bay, Tông Anh ngủ nãy giờ mới tỉnh dậy, vẫn còn đang ôm áo lông vũ ngồi bần thần. Thịnh Thanh Nhượng nghiêng qua tháo dây an toàn cho cô, cảm nhận được sự hoang mang của cô liền rướn người, cúi đầu thăm dò nhiệt độ trên trán cô, xác nhận cô không bị sốt mới thở phào nhẹ nhõm, đưa nước được đựng trong cốc giữ nhiệt qua.

Uống xong một ngụm nước ấm áp, cảm quan mới dần dần thức tỉnh; ra khỏi khoang máy bay, chân chính đứng trên mảnh đất phía Bắc Cực ấy, cái lạnh giá buốt như táp vào mặt chân chính triệt để làm người ta tỉnh táo.

Trong gió có mùi của tuyết, rét căm căm và bén nhọn.

Xe khách đi thẳng về hướng ga xe lửa trong trung tâm thành phố Helsinki, Thịnh Thanh Nhượng cầm cuốn sổ của mình trong tay, định làm theo những cách thức đã được ghi chép xuống để ký gửi hành lý, đồng thời hỏi thăm ý kiến của Tông Anh: “Chuyến xe đi Rovaniemi của chúng ta là buổi đêm, hiện giờ vẫn còn đến mấy tiếng đồng hồ, có thể đi ăn, dạo vòng vòng.”

Tông Anh cầm cốc giữ nhiệt gật gù: “Em đợi anh ở đây.”

Thịnh Thanh Nhượng được phép, lập tức lôi hành lý đi ký gửi, Tông Anh quay người nhìn ra con đường lớn Mannheim, nhớ đến năm ngoái ngồi một mình trong phòng khách xem phim tài liệu về Lapland, đêm ấy là lần đầu tiên cô và Thịnh Thanh Nhượng có cuộc gặp gỡ định mệnh. Nào biết rằng hôm nay mình sẽ thực sự đứng trên đất Phần Lan, đi về phía Bắc Cực, càng không ngờ vị khách không mời mà đến ấy đã ở lại đây, đang cố gắng thích ứng với cuộc sống hoàn toàn mới mẻ.

Ra khỏi nhà ga trung tâm, ăn một bữa bên quán ven đường, hai người đi ngang qua giáo đường Temppeliaukio.

Tông Anh đã từng nghe qua về nó, được xây nằm lọt thỏm trong một khối đá lớn, nhìn từ bên ngoài chỉ thấy một khoảng đất nhô cao, nhưng bên trong lại là một thế giới khác biệt.

Từ ngoài bước qua ngưỡng cửa trông như đường hầm là một vòm mái khổng lồ cao 24 mét, cùng với cả trăm cột thép mở rộng nguyên một không gian, đứng giữa nơi này sẽ hoàn toàn không mang một chút cảm giác ngột ngạt như đang ở dưới lòng đất.

Trời nhá nhem tối, trong giáo đường lưa thưa người, mới đầu còn có tiếng dương cầm, song tiếng nhạc rất mau chóng ngừng lại.

Những ngọn nến lần luọt được thắp lên, thiết kế đặc thù khiến bên trong ngôi giáo đường tự mang một cảm giác trang nghiêm tĩnh lặng.

Sắc trời tối dần, hai người ngồi xuống băng ghế, không ai nói năng gì.

Hơn nửa năm vừa qua, cả hai đều đã trải qua quá nhiều thăng trầm và biến hoá, đời người luôn tiến về phía trước, nhưng đôi lúc dừng chân, từng giọt từng giọt ký ức lại tràn ra.

Những ký ức này đặc biệt mãnh liệt đối với Thịnh Thanh Nhượng. Cuối năm ngoái, dạo anh mới xuất viện, khi đứng trên ban công của chung cư 699, anh cũng thường hay nghĩ, đồ đạc cá nhân trong căn hộ của anh 70 năm trước đây, về sau được ai xử lý? Hơn nữa xử lý ra sao? Thanh Huệ cùng với những đứa trẻ trong gia đình kia, sau đó đã đi về đâu?

Quá nhiều băn khoăn về quá khứ không thể giải được, giờ đây nghĩ lại, đều bắt nguồn từ tiếc nuối vì không thể tra cứu.

Vườn hoa dưới lầu chung cư đã không còn tươi tốt như xưa, cũng không còn những thiếu phụ tóc vàng luôn thôi thúc con cái đi lễ vào những sớm Chủ Nhật, lại càng không còn Diệp tiên sinh chạy ra đường gọi giúp xe taxi… Ơn phước thần kỳ của số mệnh đã cho anh được xuyên đến nơi này, thời đại này, nhưng với anh mà nói, năm 1937 đã trở thành một bến nước không bao giờ quay về được nữa.

Hai người ngồi đó nửa tiếng rồi cùng ăn ý đứng lên đi ra.

Vừa ra khỏi giáo đường, Tông Anh chợt cảm thấy mặt mình lành lạnh, rất nhanh sau đó, bông tuyết thi nhau rơi xuống.

Không mang theo ô, cô rụt cổ quay qua nhìn Thịnh Thanh Nhượng. Anh mặc một chiếc áo khoác lông vũ vạt ngắn, đầu đội mũ, do bị loạn thị nên mới lấy về một cặp kính mới, ngay lúc này đang cúi đầu nhìn bản đồ trên di động, trông bộ dạng rất giống một học sinh.

Đêm tuyết giăng giăng, bỗng dưng, mũ của anh trùm lên đầu Tông Anh, chẳng nói một câu dư thừa nào, anh nắm lấy tay cô, đi về phía nhà ga trung tâm thành phố.

Rảo bước về đến nhà ga lấy hành lý xong, thong thả uống chút đồ nóng, rồi ngồi đợi chuyến xe lửa giữa khuya đi về hướng Vòng Bắc Cực.

Tông Anh không rõ anh thuê được WIFI từ đâu, thậm chí anh còn thành thạo mở di động ra kiểm tra vé được lưu trữ trong di động bằng mã QR, tốc độ thích ứng nhanh chóng với những điều mới lạ của anh đã vượt qua mức độ cô tưởng tượng rất nhiều.

Lên xe rồi, sắp xếp hành lý đâu ra đó, ngồi xuống trong toa xe ấm áp, cơn buồn ngủ lại bị ly cà phê nóng hổi mới vừa uống ban nãy xua tan đi, e rằng có nhắm mắt cũng không cách nào nhập mộng.

Con tàu VR mang hai màu trắng và xanh lao nhanh trên đường ray lớn, vững vàng phóng về mảnh đất bắc cực, đêm càng về khuya.

Thịnh Thanh Nhượng lấy Kindle ra đọc sách, Tông Anh gỡ miếng che mắt ra, từ bỏ kế hoạch dỗ giấc ngủ.

“Sao vậy em? Khó chịu?”

“Không ngủ được, chẳng biết nên làm gì nữa.”

“Vậy anh kể truyện cười nhé?”

“Con tôm cảm ơn hả?”

Tông Anh vừa nói vừa nghiêng đầu nhìn anh, ánh mắt giao nhau, nhớ đến chuyện xưa, cả hai đều không hẹn mà khúc khích cười.

Năm ngoái, dạo Tông Anh mổ xong phải nằm viện, Thịnh Thanh Nhượng chân bị thương chưa lành mà ngày nào cũng đến thăm cô, nhưng lại không biết phải làm cách nào giúp cô giải khuây, thế là nghe theo lời đề nghị của bà Phương, leo lên mạng tìm chuyện cười.

Anh tuyển tới tuyển lui được vài mẩu chuyện, mở màn bằng một chuyện có liên quan đến tiếng Hẹ (Thượng Hải): “Một con cua gặp một con tôm, lên tiếng chào hỏi. Tôm nói với cua: xiè xiè (cua cua); cua nói với tôm: chhia-chhia(tôm tôm, đồng âm với cảm ơn trong tiếng Hẹ)!”

Tông Anh nghe xong không một chút phản ứng, anh giải thích: “Cho nên con cua đó là một con cua Thượng Hải.”

Tông Anh: “…”

Vì không có khiếu kể chuyện cười, từ đó trở đi Thịnh Thanh Nhượng không dám tuỳ tiện kể chuyện cười nữa, hôm nay nhớ lại, vẫn không khỏi cảm thấy hơi xấu mặt.

Gạt đi những lúc bôn ba giữa hai thời đại khác nhau, gạt đi những lúc phải lo âu sợ hãi, hai con người sớm tối bên nhau, sẽ dần dần phát hiện khía cạnh sinh động của nhau.

Trong toa xe quá đỗi yên tĩnh, tiếng cười khe khẽ dường như đã khuấy động màn đêm, Thịnh Thanh Nhượng choàng tay ra sau đầu của Tông Anh, để cô ghé đầu tựa lên vai mình, “Ngủ nữa đi em, ngủ dậy sẽ đến nơi thôi.”

Giọng nói này khiến người ta yên lòng, dựa đầu lên vai anh, Tông Anh âm thầm ngửi được mùi hương ấm áp không phải của nước hoa.

Chuyến xe giữa đêm đang lao xuyên qua vương quốc cổ tích đầy tuyết trắng, hầu hết mọi người trong xe đều dần dần chìm vào giấc ngủ. Ngoài xe là tuyết tiếp tục rơi nhanh, đang náu mình trong màn đêm, trong xe là hơi thở đều đều bên vai, và tiếng nhịp đập của tim mình, Thịnh Thanh Nhượng buông Kindle xuống, gỡ kính, hơi ngả đầu dựa vào đối phương, nhắm mắt lại, nhớ đến những gì vừa đọc trong sách…

“Tất cả mọi chuyện đều là những may mắn tình cờ, nhưng kết quả lại chắc chắn tựa như định mệnh.”

Lapland chưa vào xuân, hồ Inari vẫn còn đóng băng.

Rovaniemi nghênh đón họ trong buổi ban mai trắng xoá – đây là cố hương của ông Già Nô-en trong truyền thuyết, một thành phố Phần Lan đã gần như bị san bằng trong thế chiến đệ nhị.

Nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp, quần áo cũng càng lúc càng dày lên thêm, cộng với việc đường ngập tuyết không thuận lợi cho việc di chuyển va li, mới kéo hành lý một chút đã phải thở hồng hộc.

Đổi xe, tiếp tục đi thêm 8km về phía Bắc chính là ngôi làng của ông già Nô-en.

Không phải đang trong mùa Nô-en, nhưng đâu đâu cũng đầy những trang hoàng mang tính chất Nô-en.

Ngoài việc có thể đặt chân lên Vòng Bắc Cực, trả tiền để được một giấy chứng nhận đã “nhập cảnh” đến Bắc Cực, thì còn có thể tới bưu điện gửi một tấm bưu thiếp định thời, nó sẽ đợi cho đến mùa Nô-en rồi mới khoan thai vượt biển tìm đến đích.

Tông Anh lấy bút từ trong ba lô ra, hí hoáy gần như viết kín một tấm bưu thiếp, địa chỉ nhận là chung cư 699, người nhận là Thịnh Thanh Nhượng, câu cuối cùng trong đó là: “Sinh nhật vui vẻ.”

Một trăm năm trước đây, Thịnh Thanh Nhượng đã chào đời trong bệnh viện Quảng Nhân trên đường Ái Văn Nghĩa thuộc Tô Giới Công Cộng, ngày sinh chính là vào đêm Nô-en, 24 tháng 12.

Cuối năm ngoái còn đang lu bu đủ chuyện, đã quên khuấy mất sinh nhật của anh, cho nên từ nay về sau, cô sẽ cố gắng để không sơ sẩy nữa.

Đoàn người đi Bắc Cực tiếp tục lên đường tiến về phía Bắc, Tông Anh để ý thấy Thịnh Thạnh Nhượng lâu lâu lại kiểm tra dự báo trực tuyến của Bắc Cực quang.

Do đó cô hỏi: “Hôm nay có thể thấy được cực quang không?”

Thịnh Thanh Nhượng nhìn chăm chú chỉ số Kp trên màn hình, lắc đầu.

Không phải ai cũng may mắn được thấy cực quang, nhưng dọc đường đi về phía Bắc, lòng mong ngóng được trông thấy nó tự nhiên sẽ càng lúc càng mãnh liệt.

Sau đó, đến đêm khi hai người vừa ngồi bên cửa sổ uống đồ nóng vừa thức đến giữa khuya, cũng vẫn không thấy được cực quang.

Đêm cuối cùng trước khi rời Vòng Bắc Cực, ban đêm ngủ lại trong nhà trọ có trần bằng kính ở Saariselkä , lúc tới nơi đã buồn ngủ chịu hết nổi, mệt nhọc cả một ngày cuối cùng mới có chỗ dừng chân, vội vội vàng vàng ăn cơm tắm rửa, mau mau để đi nghỉ ngơi cho sớm.

Gian phòng hoàn toàn được xây bằng kính ghép lại với nhau, nằm trên giường nhìn lên trần nhà, thấy rõ mọi thứ trên bầu trời, tựa như đang ở dưới trời tuyết bên ngoài.

Xung quanh yên vắng, trong phòng ấm áp dễ chịu, kéo rèm thấp che bớt đi, ôm nhau cuộn mình trên chiếc giường êm ái, cơn buồn ngủ mau chóng ập đến.

Khoảng gần 1 giờ sáng, chiếc di động bên gối của Thịnh Thanh Nhượng chợt nhận được một tin nhắn, khiến anh thức giấc.

Anh lấy di động ra nhìn tin nhắn nhận được trên màn hình, chợt cảm thấy có gì là lạ, ngước lên trời theo phản xạ…

Màn đêm u tối đơn điệu như bị ai đó xé toạc ra, ánh cực quang đang đua nhau tung tăng tràn xuống, tuyết dày đặc đóng cao quanh những căn nhà kính, dưới ánh sáng nhảy nhót của cực quang, cũng thay đổi dáng vẻ.

Anh nhẹ nhàng lay Tông Anh dậy, cặp mắt ngái ngủ của của Tông Anh mơ màng nhìn lên trần nhà, những dải sáng rực rỡ không ngừng biến ảo, tựa như muôn vàn tinh linh đang mở vũ hội, càng lúc càng đông đảo.

Một giây nọ, cả người như đang chìm trong đại dương sâu thẳm, trên cao là ánh sáng diệu kỳ rực rỡ, không ngừng biến đổi dồn dập, trời đêm chưa bao giờ tráng lệ mới mẻ như thế.

Không biết xem bao lâu, sau đó hai người không hẹn mà cùng thu ánh mắt, trở mình, hôn nhau.

Đêm nay, cả hai đều nằm mơ.

Trong mơ, phong cảnh vẫn chờ mong, rồi sẽ gặp.

Người hằng mong chờ, rồi cũng sẽ xuất hiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.