Ta cúi đầu, hốc mắt nóng lên.
Hắn thở dài, ở bên tai ta ôn nhu nói: "Thanh thanh tử bội, du du ngã tư. Túng ngã bất vãng, tử ninh bất lai ? Khiêu hề thoát hề, tại thành khuyết hề. Nhất nhật bất kiến, như tam tháng hề*." Cùng một câu này, bảy năm trước là khi gặp hắn ở yến tiệc Địch Nhân Kiệt, chỉ làm ta bất an mơ hồ, mà nay đã trở thành một tầng ý tứ khác.
*Trích từ bài Tử Khâm trong Kinh Thi
Dịch thơ:
Xanh xanh thắt lưng
Tương tư dai dẳng
Lâu không gặp Người,
Người nỡ buông xuôi?
Ngày nhớ, đêm trông
Bên tường cao vợi.
Không thấy một ngày
Như ba tháng đợi.
Ta tựa vào ngực hắn, lắng nghe từng câu từng chữ, nhớ tới tình cảnh ở tướng phủ khi xưa. Năm đó mới vào cung không biết sâu cạn ra sao, tự cùng hắn hứa hẹn hôn ước, nay mắt thấy hoàng quyền trong gang tấc, lại hung hiểm khó dò... Ta với hắn, một người là Võ gia quận chúa, một người là hoàng tôn trưởng tử, trong mắt người ngoài là tôn quý vô thượng, nhưng ngay cả tính mạng bản thân cũng không thể nắm trong tay, làm sao dám mơ gì xa hơn.
Hai người cứ yên tĩnh như vậy, đột nhiên ta nhớ tới chuyện Tiên Huệ, bèn hỏi: " Trong nhà Trương Cửu Linh đã có vợ con gì chưa ?" Lý Thành Khí lắc đầu: "Không có." Ta ừ một tiếng, nói tiếp: "Vĩnh Huệ đến tuổi xuất giá rồi, Hoàng cô tổ mẫu e là muốn tứ hôn, chàng có biết nàng có ý với Trương Cửu Linh không, ta sợ nàng không hiểu chừng mực trong đó, nói ra lời không nên nói, dẫn tới đại họa."
Hắn trầm ngâm một lát, trả lời: "Bất kể Trương Cửu Linh có tâm hay là vô tâm, Tiên Huệ nhất định sẽ phải gả cho Võ gia, việc này ta cũng đã nghĩ tới." Ta thấy hắn bình thản, nghĩ có lẽ cũng không gấp gáp, gật gật đầu, không nói thêm nữa.
Lý Long Cơ từ sau bình phong đi vào, gặp chúng ta chợt dừng lại. Hắn cúi đầu lui ra phía sau hai bước, thấp giọng nói: "Cô cô đến đây."
Ta vội đứng lên, cảm giác Lý Thành Khí níu tay ta, lại lập tức buông ra, ý bảo ta lui sang một bên.
Ngoài lều có tiếng thỉnh an, khi ta cùng với Lý Long Cơ đi ra ngoài bình phong, đã có người vén rèm tiến vào, Thái Bình tươi cười rạng rỡ toả nắng. Ta cúi người vấn an nàng, Lý Long Cơ cũng cười hành lễ: "Cô cô."
Thái Bình quét mắt nhìn hai ta, ánh mắt dừng trên người ta một chút, ý vị thâm trường cười cười: "Long Cơ ngươi thiên vị thật là rõ ràng, sao không thấy Vương thị?" Lý Long Cơ chỉ cười không đáp, ta đành vội giải thích: "Là Vĩnh An cố ý muốn tới, Vĩnh Bình quận vương coi như là sư phụ Vĩnh An, lần này bị trọng thương theo lý nên đến thăm." Thái Bình thờ ơ gật đầu: "Nếu ngươi không tới ta cũng quên." Nàng nói xong, vòng qua bình phong, bên trong truyền đến âm thanh trò chuyện hỏi han ân cần.
Ta và Lý Long Cơ nhìn nhau một cái, hắn nói nhỏ: "Tiểu quận chúa đúng là nghĩ một đằng nói một nẻo, lần này là có phải cảm tạ ta ?" Ta trừng mắt không thèm để ý, hắn sờ sờ khóe môi, cúi đầu cười, mắt nhìn ra cửa.
Hà Phúc vén màn, Nguyên Nguyệt đang cầm nước trà đi đến, ta xấu hổ cười cười, vội vàng chạy ra ngoài lều.
-
Từ khi Khiết Đan đánh chiếm Dực Châu, Địch Nhân Kiệt liền được bệ hạ đề bạt, nội trong một năm đã thăng chức liên tục, dân chúng ca tụng công đức, các nơi lập bia ghi nhớ ân huệ.
Đợi khi gặp lại, ông đã là Loan đài thị lang, tương đương chức Tể tướng.
"Địch công", ta từ Nhạn Tháp đi ra, gặp Địch Nhân Kiệt đang đi tới, mừng rỡ chạy đến hành lễ: "Chúc mừng Địch công đã nhận lại chức Tể tướng." Địch Nhân Kiệt gật đầu, cười nói: "Nhiều năm không gặp, tiểu Quận chúa đã trưởng thành rồi."
Ta thấy ông đã già đi nhiều, tóc gần như bạc trắng, thâm tâm nảy sinh vài phần cảm khái: "Ta lớn thêm một tuổi, Địch công lại càng oai phong thêm một bậc. Vài năm nay, trong ngoài triều đình đều nhắc tới chiến tích của người, mặc dù đang ở địa vị cao nhưng vẫn tìm hiểu đời sống dân tình, đó là phúc khí của bá tánh."
Địch Nhân Kiệt cười lắc đầu: "Vốn là tới thăm bạn cũ, gặp quận chúa cũng coi như có duyên, đúng lúc đang muốn đi ngắm rừng phong, quận chúa có nguyện ý bồi bổn tướng một chút ?" Ta thấy trong mắt ông có thâm ý, gật đầu theo ông đi dọc theo Nhạn Tháp, hướng về ngự hoa viên.
Trong ngự hoa viên trồng rất nhiều cây phong, lúc này là khi lá phong dần chuyển sang sắc đỏ, đỏ rực cả một trời, trông rất đẹp mắt.
Địch Nhân Kiệt vừa thưởng cảnh, vừa nói: "Mới vừa rồi khi diện thánh, bệ hạ có nhắc tới chuyện thành hôn của quận chúa, tâm tình vô cùng tốt." Ta âm thầm cười khổ, đành tỏ vẻ thản nhiên: "Trong cung đã chuẩn bị cho lễ cưới từ nửa tháng trước, đến lúc đó nhất định sẽ náo nhiệt phi thường, Hoàng cô tổ mẫu tất nhiên vui mừng". Ta nghĩ nghĩ, lại nói tiếp, "Huống hồ tháng trước Khiết Đan lui binh, trong cung lại có hỉ sự, xem như cũng hợp cảnh."
Nửa tháng trước, Vương Hoàn phát hiện có hỉ mạch, Hoàng cô tổ mẫu mừng rỡ, lại thầm oán ta chậm chạp không thành hôn, để cho trắc phi đoạt trước, bởi vậy trước mặt mọi người định ra ngày thành hôn. Nhân dịp vui vẻ, Hoàng cô tổ mẫu cũng nhắc tới Nguyên Nguyệt vẫn chưa có động tĩnh, bèn đem một đôi tỷ muội Thanh Hà Thôi thị ban cho Vĩnh Bình quận vương, trêu rằng làm ca ca mà để đệ đệ giành trước, cũng nên sớm có con nối dõi mới tốt.
Từng đạo ý chỉ, trong mắt các thúc phụ, là bệ hạ coi trọng Lý gia. Liên tiếp ban tứ hôn, đã thế đầu năm nay lúc đi săn, bệ hạ còn cho phép con cái Thái tử ra cung lập phủ riêng, cựu thần Lý gia là Địch Nhân Kiệt lại vào triều khôi phục chức Tể tướng, tương đương với việc chèn ép thế lực Võ gia.
Địch Nhân Kiệt mỉm cười, không tiếp tục đề tài này.
"Khi bổn tướng nhập kinh, nghe phố phường lưu truyền bài 'Lục Châu oán', không biết quận chúa có từng nghe ?" Ta nghĩ nghĩ, đáp: "Có nghe cung nhân bàn tán qua." Kỳ thật, không chỉ là cung nhân lén lút bình luận, ngay cả Hoàng cô tổ mẫu cũng từng vì thế mà nổi giận.
Năm trước thúc phụ Võ Thừa Tự giành vũ cơ của một triều thần, ai ngờ người nọ là một kẻ si tình, cuồng dại mê luyến vũ cơ này, không chịu cưới vợ nạp thiếp, nhưng ngại thúc phụ quyền thế không dám đòi lại, chỉ có thể bí mật viết bài 'Lục Châu oán' gửi tặng nữ tử này.
Nàng kia thấy tiếng thơ như tiếng lòng, bi thương oán hận, cho rằng không thể đền đáp, chỉ có thể đập đầu tự sát. Việc này nếu dừng ở đây, nhiều nhất là thúc phụ cưỡng ép chia rẽ nhân duyên, liệt nữ trung trinh làm người ta thổn thức. Nhưng người bị cả thành Lạc Dương trào phúng là thúc phụ, lấy tính tình của hắn dễ gì bỏ qua, tìm một tội danh không có, hại chết triều thần kia, cửu tộc liên quan giết sạch.
Nếu là năm rồi, việc này tuyệt đối sẽ không truyền đến tai Hoàng cô tổ mẫu, đương nhiên là đã bị bịt miệng che giấu. Nhưng giờ này ngày này, bên người Hoàng cô tổ mẫu là huynh đệ Trương thị, cũng là người của Thái Bình, chỉ tuỳ tiện nói mấy câu, liền làm cho Hoàng cô tổ mẫu giận tím mặt, trước mặt mọi người mắng mỏ Võ Thừa Tự, Võ gia chư vương không một ai dám che chở.
Ta không hiểu vì sao Địch Nhân Kiệt nhắc tới việc này, chỉ im lặng chờ ông tiếp tục.
Ông hít một hơi, trầm giọng nói: "Tình này mặc dù đáng thương, nhưng lại hại chết vô số mạng người, thi từ dù có kiều diễm, suy cho cùng cũng là bùa đòi mạng thôi." Ta nghe lời này, giật mình hiểu ra, trầm mặc một lát, mới nhìn chằm chằm trên lá phong như lửa đỏ trên cây, chậm rãi nói: "Một bài 'Lục Châu oán' có thể lưu truyền thiên cổ, nhưng vì vậy mà hại chết người, trong sử sách nhiều nhất chỉ lưu một câu 'Tộc nhân tẫn tru'. Nếu là tình đến nỗi này, không bằng quên hết tốt hơn."
Địch Nhân Kiệt cười nhìn ta: "Quận chúa nhiều năm theo hầu bệ hạ, so với người thường quả thực rất hiểu chuyện."
Ta trịnh trọng hành lễ, nói: "Hoàng quyền gang tấc, tuyệt không dám vọng động (làm bừa). Địch công vì triều đình hao tâm tổn sức, không cần vì chuyện vụn vặt này mà lo nghĩ", ta thấy ông tìm cách an ủi, khổ sở càng sâu, nói thêm một câu: "Một năm kia Địch công bỏ lỡ việc vui, lần này Vĩnh An thành hôn, cần phải hảo hảo uống vài chén, coi như là hoàn trả tiệc rượu nhậm chức lúc trước."
Dứt lời, ta lại cùng ông dạo thêm một lát, mới cáo lui trở về cung.
Vào phòng, Lý Long Cơ đang ngồi sau bàn học, giúp ta sao chép kinh, hắn thấy ta trở về, ngẩng đầu cười cười, lại tiếp tục cúi đầu viết, hình như cực kỳ hứng thú. Ta đi đến cạnh bàn, giựt quyển kinh trong tay hắn, nói: "Vương thị đang mang thai, ngươi còn chạy đến chỗ ta, nếu nàng tức giận sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi."
Lý Long Cơ bắt chéo chân lên bàn, giọng điệu lạnh nhạt: "Nàng mang trưởng tử của bổn vương, mừng còn không kịp, làm gì tức giận ?" Hắn thấy ta không nói lời nào, lại nói: "Có con trưởng tử lại là vọng tộc chi nữ, nếu quá mức sủng ái, ngày sau nàng nhập môn thì còn địa vị gì nữa?"
Ta bị hắn đáp trả liên tiếp hai câu, á khẩu không cãi được, chỉ cười khổ nói: "Triều đình quyền mưu, hậu viện nữ quyến, thật ra trong lòng ngươi đã có tính toán." Hắn nhận ra ta bực bội, chống cằm nhìn ta, cười híp mắt: "Nghe ngữ khí nàng không tốt, có phải oán ta thiên sủng nàng ta, để cho trắc phi mang cốt nhục trước?"
Ta không trả lời, đi đến bàn trang điểm, từ trong tráp lấy ra một túi gấm màu hồng, đứa tới trước mặt hắn: "Vật này tặng Vương Hoàn." Hắn mở túi gấm ra, thấy bên trong là một tượng phật nhỏ bằng vàng, sửng sốt: "Đây là Nghĩa Tịnh đại sư tặng nàng, nàng đưa cho nàng ta làm cái gì?" Ta cột kín túi gấm kia, nhét vào tay hắn: "Tặng quà phải có thành ý, vật này vừa hợp."
Hắn nhìn chằm chằm túi gấm một lát, nhẹ giọng nói: "Vương thị vào phủ đã có một năm, nếu vẫn không có động tĩnh, Thái Nguyên Vương thị chắc chắn sẽ kín đáo quở trách." Ta gật đầu: "Ta biết, huống hồ Vương Hoàn không chỉ là nữ nhi vọng tộc, phụ thân của nàng nắm giữ binh quyền, sau này ngươi còn phải cậy vào", ta nghĩ nghĩ, bổ sung thêm: "Huống hồ một khi Vương thị có trưởng tử, nếu ngươi muốn cưới thêm, Thái Nguyên Vương thị cũng sẽ không nói gì."
Lúc này, Nghi Hỉ đi vào, hỏi Lý Long Cơ có muốn dùng bữa lúc này hay không, ta vừa muốn cự tuyệt, hắn đã gật đầu đồng ý trước.
Ta bất đắc dĩ nhìn hắn, hắn giả bộ không thấy, thảnh thơi uống ngụm trà: "Nửa tháng rồi ta không gặp nàng", nói xong, buông chén trà, đem tượng phật trả lại cho ta: "Nghe người ta nói nàng mới có thêm một muội muội, xem như bổn vương mượn hoa hiến phật, thưởng cho muội muội nàng."
Dùng xong bữa tối, ta và hắn thay xiêm y, không nhanh không chậm phẩm trà chơi cờ, đến khi tối khuya, mới bị ta giả thua dỗ đuổi đi. Ta đang thu thập tàn cục, bỗng thấy Uyển Nhi chạy vọt vào, sắc mặt xanh trắng nhìn ta, cung tỳ nội thị khom người thối lui sang một bên, hít thở mạnh cũng không dám.