- Thiên đạo rốt cuộc là gì, sư phụ khổ sở cả đời tìm hiểu cũng đã bảy mươi năm rồi, đến giờ còn chưa có duyên thấy được. Vất vả bôn ba giữa hồng trần tầm thường này, đến cuối cùng lại vẫn còn là tay trắng. Haizz...
Tiểu Nhất đang thu dọn bát đũa, nụ cười đã thu lại, đồng tử xoay chuyển rồi dè dặt nói:
- Sư phụ, người lại uống nhiều rồi sao?
Nhìn đệ từ tuy có phần gầy gò nhưng thanh tú, trong lòng lão đạo sĩ rất vui mừng, nhưng chợt nghe những lời ấy, lão ngẩn người ra và cười mắng:
- Tên tiểu tử thối nhà ngươi, sư phụ uống nhiều bao giờ, chẳng qua là rượu không say, người tự say đó thôi.
Tiểu Nhất thấy tâm trạng của sư phụ tốt hơn nên nhân cơ hội trêu nghẹo:
- Sư phụ, bản lĩnh của ngài quá lợi hại, sau này Tiểu Nhất cũng sẽ lợi hại như sư phụ, sư tổ… đến lúc đó tổ sư hẳn là sẽ không khiển trách.
Tiểu Nhất vừa nói vừa liếc trộm sư phụ.
Tâm tư của đệ tử làm sao giấu được sư phụ, nhưng lão đạo sĩ không để ý, cười nói:
- Tên tiểu tử thối nhà ngươi chỉ được cái mồm!
Lão nói xong lại ngửa cổ uống một hớp rượu.
- Sư phụ uống Thiên Thu Phức đã mấy chục năm, hương vị trước giờ vẫn là trước ngọt sau êm nhưng không tránh khỏi quá mạnh. Haizz, rượu vẫn vậy, sư phụ lại từng ngày, từng ngày già đi...
Giọng điệu của lão đạo sĩ lại thay đổi, có ý vui mừng:
- Chẳng qua, Tiểu Nhất ngày một lớn lên, ha ha.
...
Chạng vạng tối, gió núi thổi qua ngọn núi tới gian điện chính cũ nát của Huyền Nguyên Quan. Những bức tượng cao trong chính điện với gương mặt đã không còn có thể phân biệt rõ nhưng vẫn uy nghi đứng đó không biết bao lâu. Màn trướng hai bên đã không còn lành lặn, đang theo gió chầm chậm tung bay.
Trước điện, lão đạo sĩ nằm ngang trên tấm bồ đoàn, tiếng ngáy đều đều vang lên. Một bóng người bé nhỏ bận rộn giữa cảnh hoàng hôn.
Tiểu Nhất đắp cho sư phụ một tấm áo đơn, dọn dẹp bát đũa rồi nhẹ nhàng lui ra bên ngoài. Hắn băng qua sân không lớn lắm, bước ra phía ngoài tường viện đã đổ nát. Ở đó có một con trâu đá đang nằm bình thản. Đó là nơi Tiểu Nhất rất thích nán lại mỗi ngày. Tiểu Nhất vén đạo bào rồi dùng cả tay và chân leo lên vai của con trâu đá, nằm vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên cánh tay.
Lúc này đã vào tháng năm, trong ánh nắng cuối ngày cùng gió núi thổi tới trên người, trên mặt làm hắn thấy rất dễ chịu. Một vầng trăng treo trên bầu trời sao, ánh sáng bàng bạc chiếu xuống đỉnh núi. Trong ánh trắng, Huyền Nguyên Quan tôn nghiêm lại thật tiêu điều. Phía xa là từng dãy núi trùng điệp mờ ảo. Huyền Nguyên Quan nằm ở trong dãy núi Thái Bình trải dài ngàn dặm.
Nằm trên con trâu đá, Tiểu Nhất cảm giác thật thoải mái, ngắm nhìn bầu trời mênh mông, bên tai nghe tiếng côn trùng, tiếng thú rừng thỉnh thoảng vọng tới. Mỗi lúc như thế, đôi mắt hắn càng thêm linh hoạt, gương mặt nhỏ nhắn cũng có vẻ bình thản không hợp với lứa tuổi.
Từ lúc hiểu chuyện, Tiểu Nhất đã ở cùng sư phụ. Đạo hiệu của sư phụ là Thanh Vân, hắn không biết tên tục gia của lão đạo sĩ là lão bảo mình đã quên mất rồi.
Chỉ e là sư phụ không muốn nói mà thôi.
Sư phụ kể lại, Huyền Nguyên Quan do Huyền Nguyên chân nhân sáng lập cách đây hơn một ngàn năm. Huyền Nguyên chân nhân cả đời tu đạo cuối cùng thành công, có người nói ông có thể thăng thiên, độn địa, hô mưa, gọi gió, là một tiên nhân được người người ngưỡng mộ. Thời điểm huy hoàng nhất, Huyền Nguyên Quan có rất đông môn nhân, là nơi người dân trong nước tới nghe đạo chầu thánh. Năm hai trăm tuổi, Huyền Nguyên chân nhân phi thăng thành tiên, vạn người chấn động, cảnh tượng hoành tráng chưa từng có. Người đời sau đã tạc tượng ông đặt tại Huyền Nguyên Quan thờ cúng, kéo dài đạo chính thống.
Nhưng không biết tại sao, sau khi Huyền Nguyên chân nhân phi thăng, trong đám đời sau lại không còn người nào có thể đắc đạo thành tiên, việc cúng bái cũng dần trở nên thưa thớt, các môn nhân cũng chỉ còn biết rời khỏi đạo quán đi xung quanh để mưu sinh. Huyền Nguyên Quan một thời náo nhiệt, cuối cùng trở nên vắng vẻ tới mức có thể giăng lưới bắt chim ngay trước cửa. Tu tiên đắc đạo cũng vì thế trở thành truyền thuyết xa xăm.
Sư phụ Thanh Vân đạo trưởng là quan chủ Huyền Nguyên Quan đời thứ hai mươi. Tiểu Nhất hẳn là quan chủ đời thứ hai mươi mốt. Bởi vì Thanh Vân đạo trưởng từng nói Tiểu Nhất là đệ tử của chưởng môn thì cũng là quan chủ kế tiếp. Vậy là trọng trách chấn hưng Huyền Nguyên Quan cứ như vậy được đặt lên vai một Tiểu Nhất mới mười ba tuổi đầu.
Nghĩ tới đây, khóe miệng Tiểu Nhất không khỏi nhếch lên, hắn nào để tâm đến cái gì gọi là chưởng môn. Về phần tu tiên, đắc đạo à? Hắn chỉ là một người bình thường, chuyện liên quan tới thần tiên chẳng qua chỉ dừng lại ở mấy lão nông kể chuyện lạ bên bàn trà mà thôi.
Trong tưởng tượng thì trên trời có tiên nhân, thế nhưng trong lòng hắn hiểu rõ mình chưa từng gặp qua, hiển nhiên sẽ không tuyệt đối tin tưởng vào truyền thuyết đó. Sư phụ tu hành đã mấy chục năm, ngoài một thân võ công thế tục cùng với y đạo, hắn thấy chuyện sư phụ đắc đạo thành tiên vẫn là chuyện xa vời. Mỗi ngày có sư phụ bầu bạn, có cơm ăn no bụng, có thể học được bản lĩnh của sư phụ chẳng phải rất tốt rồi sao? Mỗi ngày Tiểu Nhất đều sống rất vui vẻ.
Theo lời sư phụ, Tiểu Nhất được người tìm thấy bên đường. Năm đó Thanh Vân đạo trưởng đi vân du bốn phương để tìm kiếm cơ duyên thiên đạo nhưng không có kết quả. Trên đường trở về Huyền Nguyên Quan, lão gặp phải sơn thôn bị lũ sơn phỉ cướp bóc. Đôi vợ chồng trong thôn bị trọng thương, lúc gần chết mới nhờ đạo trưởng cứu giúp Tiểu Nhất. Đúng lúc Thanh Vân đạo trưởng nghĩ tới việc mình còn chưa có người nối nghiệp Huyền Nguyên Quan nên nhận lời nuôi đứa bé đáng thương. Hơn mười năm trời vất vả, cuối cùng cũng nuôi nấng đứa trẻ lớn lên. Vì vậy, đối với Tiểu Nhất, Thanh Vân đạo trưởng có công ơn tái tạo, ân nghĩa ấy khác gì cha mẹ.
Lúc Tiểu Nhất được năm, sáu tuổi, Thanh Vân đạo trưởng bắt đầu dốc lòng truyền thụ Huyền Nguyên Quan. Tiếc là ở tuổi xế chiều, mặc dù Thanh Vân đạo trưởng cả đời tu luyện, sức khỏe cũng không còn được như lúc trước, công thêm không thầy trò không có buôn bán kiềm tiền, ngay cả cuộc sống thường ngày cũng dần trở nên quẫn bách.
Không còn cách nào khác, lão đạo sĩ đành phải thường xuyên dẫn Tiểu Nhất xuống núi, hai thầy trò tiến hành đuổi quỷ trừ tà ở hương thôn gần đó để nhận được chút tiền bạc hương đèn. Ngoài ra lão còn bốc thuốc, trị bệnh cho dân trong núi gần đó, cũng nhận được chút gạo muối và đồ trong núi..
Tháng ngày sống kham khổ nhưng đối với một Tiểu Nhất còn nhỏ tuổi vô tư thì lại quá yên ả, thanh bình.
Cuộc sống nơi Huyền Nguyên Quan cứ chậm rãi trôi qua giống như dòng nước.
Chỗ ngọn núi của Huyền Nguyên Quan gọi là đỉnh Tiên Nhân, là một trong mười tám đỉnh núi thuộc dãy núi Thái Bình.
Đỉnh Tiên Nhân cao chót vót, ba phía bắc, đông, tây đều là vách đá dựng đứng cao trăm trượng. Phía Nam có một con đường dẫn xuống núi, chính là bậc thang bằng đá bên sườn núi, rộng khoảng ba thước, uốn lượn như một con rắn lớn lên tới đỉnh.
Đỉnh núi rộng chừng hai, ba mươi trượng, nơi này xây chính điện Huyền Nguyên Quan cùng hơn chục gian nhà liền kể. Chỉ là quá lâu không được tu sửa, bây giờ lại trở thành như vậy.
Ngoại trừ chính điện cũng chỉ còn hai, ba căn nhà xung quanh có thể làm chỗ chắn gió, che mưa. Đây cũng là nơi hai thầy trò dùng để sinh hoạt hằng ngày.
Dưới chân núi có một đền thờ bằng đá, trước đây hẳn là cổng lớn của Huyền Nguyên Quan. Cảnh sắc xung quanh hoang tàn, đổ nát dường như đã chứng kiến tất cả mọi thứ từng tồn tại.