CHƯƠNG 20 – THƯỢNG TỴ MỘ XUÂN.
Ấm áp mới sang se lạnh hãy còn, sắc xuân hòa hợp.
Từ xưa Lũng Tây đã tương tiếp với man di, so với Trung Nguyên thì dân phong nơi đây thuần phác và bưu hãn hơn nhiều.
Tĩnh tây vương cùng quan lại địa phương ngồi trên đài cao, đối diện là nhược thủy róc rách. Mặc dù không có liễu rủ phi hoa, nhưng sắc nước ở đây còn xanh hơn cả Trường Giang và Hoàng Hà trong Trung Nguyên, cát đá ven sông ánh vàng rực, chiếu lên bích thiên như tẩy lại mang tới vẻ phong tình riêng biệt.
Phóng mắt trông phía trên bờ đê, từng tốp những nàng thiếu nữ phục trang lộng lẫy đang rẽ nước đùa chơi, trong đó không thiếu cả dị tộc.
Chiếu theo cấp bậc phẩm chất, Chu Kỳ ngồi phía sau cùng, lúc này đã lờ đờ say.
Hiên Viên Phù đang bị viên huyện thừa quấn lấy, theo sau còn hàng tá thân sĩ Cô Tang muốn kết thân tri kỷ với Hiên Viên Phù.
Chu Kỳ lặng lẽ bước xuống đài, bước chân không mục đích thong thả ven hồ.
Phía đài thấp thoáng vang tiếng đàn sáo, yêu đồng ngọc nữ, thúy vũ oanh ca.
Chu Kỳ lắng nghe, mỉm cười, sau đó ngồi lên một phiến đá lớn.
Trời cao mà xa, ngẫu nhiên có con diều hâu liệng qua, vài tảng mây là đà trôi, cô tịch.
Chu Kỳ đột nhiên nhớ về đằng đẵng một năm trước, trong bữa tiệc hạnh viên[1]Vĩnh gia năm thứ ba bên bờ Khúc Giang xưa ấy[2], nhóm tiến sĩ vịnh thơ lộng phú, khúc thủy lưu thương[3]. Ý cười trên môi chợt ấm, người đồng hương Cố Bỉnh của y đó, dường như vận may luôn kém thường nhân một chút, không biết ngâm thơ lại hết lần này tới lần khác bắt phải chén rượu, rồi thành trò cười cho tất cả.
Khóe môi Chu Kỳ khẽ cong, gần như y có thể tưởng tượng ra vẻ mặt Cố Bỉnh khi quỳ trong đông cung để được chiêm ngưỡng long nhan của thái tử, cúi đầu thờ thẫn, mặt đỏ tai hồng? Hay cố gắng trấn tĩnh, ứng đối tự nhiên?
Thái tử vì tiến mà lui, lấy thủ mà công, tự mình xin đi Định Châu thủ lăng, đông cung phân tán quá nửa.
Bất quá, lấy tính cách Cố Bỉnh… chắc hẳn cũng tới Định lăng rồi?
Chu Kỳ vốc nước rửa mặt, cái lạnh đến bất thình lình khiến cả người y run lên, cơn say cũng vơi đi một nửa.
Trước mắt vẫn là Cô Tang của Lũng Tây.
“Ngươi ổn đấy chứ?” – một cô nương dị tộc lanh lợi lại gần hỏi thăm.
Chu Kỳ đánh giá nàng ta, hồn nhiên khờ khạo, không rành thế sự, nhịn chẳng đặng bật cười khẽ, “Sao lại không?”
Cô nương ngây thơ cười, “Nhưng mặt ngươi trắng lắm, trông như mắc bệnh ấy.”
Chu Kỳ lắc đầu, “Đa tạ cô nương quan tâm, chẳng qua là uống nhiều rượu thôi, cũng không có gì không khỏe cả.”
Thiếu nữ kỳ quái nhìn y, “Chẳng phải uống nhiều thì mặt phải đỏ sao?”
Chu Kỳ vẫn lắc đầu, “Có thể là tại hạ say quá rồi.”
Thấy thiếu nữ cái hiểu cái không, Chu Kỳ chống tay đứng dậy, “Nếu người có thể say thật sự, vậy thà say đến chết cũng chẳng tỉnh lại thì hơn.”
“Chu lục sự.” – tiếng Trương Khuê lúc nào cũng khiến người ta phiền muộn.
Chu Kỳ cúi đầu, đáp tiếng.
“Vương gia cho triệu ngươi.”
Chu Kỳ bất đắc dĩ theo hắn, cao đài đơn sơ lại hiện hình trong mắt.
“Chu đại nhân.” – người vừa cất tiếng mang một biểu tình kỳ quặc.
Chu Kỳ hồi tưởng mới nhớ ra là viên huyện thừa tới Lương Châu đưa đón Hiên Viên Phù, y liền lên tiếng đáp.
Viên huyện thừa vô cùng nhiệt tình, lôi kéo Chu Kỳ lải nhải không ngừng, từ phong thổ Cô Tang cho tới mùa thu hoạch năm nay thế này, rồi quan lại đặt lợi ích tập thể lên quyền lợi riêng thế kia… Chu Kỳ treo khuôn mặt mỉm cười, trông thì như tập trung tinh thần lắng nghe lắm mà suy nghĩ sớm đã lửng lơ tận chín tầng mây rồi.
Viên huyện thừa đột nhiên túm tay áo y, Chu Kỳ giật mình hồi tỉnh, chỉ thấy trong tay áo đã có thêm vài món trang sức châu báu, nhìn qua cũng biết không phải hạng tầm thường.
“Lưu đại nhân, ngài có ý gì?” – Chu Kỳ ra vẻ kinh ngạc.
Khuôn mặt Lưu huyện thừa cong thành từng nếp, “Chu đại nhân là tâm phúc của Vương gia, còn phải nhờ Chu đại nhân nói tốt mấy câu trước mặt Vương gia giúp hạ quan mà.”
Chu Kỳ mơn trớn món đồ lạnh lẽo trong tay áo, nhạt cười, “Đó là tất nhiên.”
*
Hành quán Cô Tang cũng chẳng khác mấy dinh thự của quan lớn quan nhỏ theo Hiên Viên Phù là mấy, hào nhoáng mà lãnh ngạnh.
Chu Kỳ được an bài ở tây sương, có lẽ vốn dành cho nữ quyến nên cách trang trí gian phòng nơi đây không khác tú lâu là nhiêu.
Đỉnh là màn phù dung, nằm là giường quý phi, ngủ là uyên ương gối, đâu đâu cũng thơm mát hương vị nữ tử…
Hiện tại, Chu Kỳ chẳng còn nghi ngờ gì, chắc hẳn vị huyện thừa thông minh nhanh nhẹn kia đã nghe phong thanh được lời đồn nào đó hoặc tận mắt thấy gì đó mới coi y như nội quyến mà lấy lòng thế này.
Chu Kỳ thưởng thức vòng ngọc trên cổ tay, đột nhiên không biết nói sao cho phải, thật là không mê được hảo ý của vị Lưu huyện thừa tốt bụng kia.
Có người đẩy cửa, trăng sáng đổ đầy phòng.
Chu Kỳ ngước mắt, nhẹ nhàng: “Vương gia.”
Hiển nhiên Hiên Viên Phù đã say, trên người nồng nặc mùi rượu, gã ngồi vào bên cạnh Chu Kỳ, Chu Kỳ ngửi, dường như nhẹ hơn Thiêu đao tử một chút.
“Rượu đồng mã.” – Hiên Viên Phù đột nhiên nói.
Chu Kỳ cũng không kinh ngạc, “Có mùi sữa, chắc là sữa ngựa?”
Tựa hồ Hiên Viên Phù đã mệt mỏi đến cực hạn, gã ngã ngửa ra giường, thuận tay kéo cả theo Chu Kỳ.
Hơi thở dần đều đặn, Chu Kỳ khẽ giãy người xanh tấm chăn thêu sen tịnh đế[4], đắp lên cho cả hai.
Giường quý phi không lớn, mình Chu Kỳ nằm đã là nhỏ, lại thêm một Hiên Viên Phù tám thước cao, thật sự có chút không chịu nổi sức nặng. Chu Kỳ chỉ âm thầm lo lắng, không biết cái tin Tĩnh tây vương cùng phụ tá nằm trên giường quý phi ngã xuống đất ngay trong đêm tới tuần tra Cô Tang có được tính là kinh tâm động phách hay không.
*
Giờ Thìn(7-9h)ngày thứ hai, khi Chu Kỳ đang ngẩn người nhìn xà nhà, Hiên Viên Phù tỉnh dậy.
Hiên Viên Phù nhìn y, “Bản vương nghe được một vài tin tức, nhưng có lẽ với thủ đoạn của Chu lục sự chắc đã biết từ sớm rồi nhỉ?”
Chu Kỳ im lặng, “Vương gia không nói sao hạ quan biết mình có biết hay chưa?”
Hiên Viên Phù hừ lạnh, “Bừa bãi. Ngày trước ở Trung Thư Tỉnh[5], Tô thái phó kiến nghị lên Hoàng Thượng, phế Thái Tử thay bằng Tứ Hoàng tử.”
Chu Kỳ nhíu mày, từ đầu thu năm ngoái, y rất khó khăn trong việc thu thập tin tức trong kinh. Sự tình Thái Tử trông coi lăng cũng là nghe được qua đám hạ nhân tán gẫu, chẳng ngờ tình thế đông cung lại nguy ngập đến mức này.
Hiên Viên Phù trầm ngâm đánh giá y, lạnh lùng: “Biểu tình của ngươi như bị chồng bỏ ha.”
Chu Kỳ lơ đễnh, đưa mắt nhìn gã: “Nga? Rốt cuộc Vương gia cũng chịu buông tha cho hạ quan về Trung Nguyên ư?”
Hiên Viên Phù hít một hơi thật sâu, “Bản vương không muốn cả ngày tranh cãi với ngươi.”
Chu Kỳ không nói, đứng dậy bắt đầu rửa mặt, Hiên Viên Phù lại tiếp tục, “Mà, Bản vương còn phải chúc mừng ngươi.”
Đáp lại gã chỉ có tiếng cười khẽ, “Nga, thật là hiếm có. Ta còn tưởng cả đời này mình vô duyên với hai chữ ‘chúc mừng’ này chứ.”
Hiên Viên Phù nhìn y, “Ngươi có tỷ muội?”
Chu Kỳ ngẩn người, sau một lúc mới chậm rãi đáp, “Có lẽ là có, cũng không nhớ lắm, đại khái là tộc muội(em gái trong dòng tộc)nhà ai.”
Thấy Hiên Viên Phù hứng thú nhìn mình, đầu óc y chợt ‘ong’ lên, một dự đoán khó tin chợt nổi lên trong tâm trí.
Y ngập ngừng hỏi: “Vương gia muốn cầu hôn?”
Hiên Viên Phù cười nhạo, “Ngươi cho Bản vương muốn có đại cựu tử(anh vợ)như ngươi lắm sao?”
Chu Kỳ thở phào một hơi, “Vậy thì tốt, một nhân vật anh hùng như Vương gia, Chu gia ta có trèo cao cũng không với tới.”
Hiên Viên Phù vẫn ngả người trên giường, biếng nhác nói: “Thứ nữ của thứ sử Nhuận Châu Chu Dực, đường thúc ngươi, mới đây vừa sinh hạ trưởng tử cho Thái Tử.”
Chẳng biết sao, ngữ khí hôm nay của gã ôn hòa hơn thường ngày.
Chu Kỳ lặng yên nhìn gã, nhẹ giọng hỏi: “Vương gia còn điều gì muốn cho hạ quan biết?”
________
1. Hạnh viên yến: Yến tiệc hoàng đế ban thưởng cho tân khoa tiến sĩ khoa cử.
2. Khúc Giang: Sông Khúc Giang phía đông thành Trường An (tức Lạc Kinh trong tác phẩm).
3. Khúc thủy lưu thương: là tập tục cổ xưa của Trung Quốc vào ngày đạp thanh tháng ba âm lịch, mọi người ngồi hai bên bờ sông, dùng một loại “thương” – tức loại công cụ uống rượu thời cổ, nhẹ để trôi theo dòng nước tính từ đầu dòng, hễ chung rượu đặc biệt này trôi đến bên ai, thì người đó phải uống. Thường sau đó những nhà quyền quý hoặc giới văn thơ thường ngồi trong đình viện dùng lối này uống rượu làm thơ.
4. Tịnh đế liên: tình vợ tình chồng nồng mặn, như hai đóa sen mọc cùng một gốc)
5. Trung Thử Tỉnh: Một trong ba cơ quan đứng đầu trung ương trong bộ máy hành chính cổ đại Trung Hoa dân quốc, có nhiệm vụ giúp vua lo việc triều chính.