CHƯƠNG 32
Trồng trà tại Không Sơn.
Không Sơn mới rơi trận mưa xuân, lá rụng rải đầy trên sơn đạo nhỏ hẹp, tiếng vang xào xạc từ những bước chân đi lên hòa lẫn với âm thanh líu lo chim rừng càng tôn thêm mấy phần thanh thản bằng an.
Thư sinh thanh sam lau nhè nhẹ tầng mồ hôi trên trán, nghía sang thư đồng đang đứng bên mình.
“Đi nửa ngày trời vẫn không ra khỏi ngọn núi này, chúng ta không lạc đường đó chứ?”
Thư đồng lúng túng gãi đầu gãi tai, phóng mắt nhìn chung quanh, rồi nhãn tình chợt bừng sáng, ngón tay chỉ về phía trước, “Công tử, người nhìn xem bên kia có một trà nông, chi bằng chúng ta qua đó hỏi thăm?”
Chỗ ở của vị nông dân trồng trà kia ngụ ở nơi rất cao, gian nhà tranh nho nhỏ ẩn nấp giữa mây mù uốn lượn, nếu không để ý kỹ cũng khó mà phát hiện cho ra. Bên ngoài căn nhà tranh là một mảnh vườn rau nhỏ nhắn, phía dưới vườn rau là mấy mẫu trồng trà. Không biết là trồng giống gì mà thân trà rất thấp, người nọ phải ngồi xổm trên đất làm việc, thật cẩn thận ngắt từng búp trà xanh non trên đỉnh, thả vào chiếc gùi vác trên lưng.
“Lão bá, tiểu sinh vào kinh thành dự thi, bất hạnh lạc đường tại núi này, chẳng hay lão bá có thể chỉ cho tiểu sinh biết đây là đâu không?”
Có lẽ vì rất hiếm khi có người qua nơi đây mà người nọ thoáng chút ngạc nhiên. Khi y quay đầu lại, thư sinh mới giật mình nhận ra, người này tuổi cũng không lớn, độ nhi lập(30) là cùng, vì chiếc nón che khuất nên không thấy rõ mặt mũi ra sao, chỉ có nước da là trắng vô ngần.
“Núi Mông Đỉnh, Nhã Châu[1].” – khẩu âm của y không giống người địa phương, có vài phần du dương trong trẻo.
Thư sinh giật mình thảng thốt, “Ta đi suốt hai ngày trời mà vẫn còn trong Mông Đỉnh sơn ư?”
Người nọ cười nhẹ, nói: “Mông Đỉnh sơn có năm tòa, công tử là đi qua cả đi?” – y nhỏm người đứng dậy, buông giỏ trúc, chỉ ra phía núi non trùng điệp xa xa.
“Công tử xem, tòa kia là đỉnh Thượng Thanh, từ đó đi xuống phía tây mười dặm là tới Thanh Y giang.”
Thư sinh nghe thấy thế thì vội la lên: “Vậy ta tới kinh thành như thế nào?”
Người nọ tốt tính chỉ dẫn: “Có bến đò, công tử lên thuyền xuôi theo Thanh Y giang tới Gia Châu, từ Gia Châu là có đường thẳng tới Lạc Kinh.”
Thư sinh mừng rỡ, liên tục chắp tay cảm tạ, “Đa tạ ngài đã chỉ điểm!” – dứt lời liền kéo thư đồng vội vội vàng vàng chạy đi.
Núi non thoáng chốc hồi phục lại vẻ bình yên tĩnh lặng vốn có, người trồng trà nọ giương mắt nhìn sắc trời, áng chừng số búp trà trong gùi, khóe miếng khẽ cong.
Dưới vành nón, cặp mắt hoa đào trong veo lấp lánh.
______
1. Nhã Châu: tên cũ của Nhã An, một địa cấp thị của tỉnh Tứ Xuyên.