Giờ thứ 38 của 45
Ba đèn tín hiệu cảnh báo bật lên cùng một lúc. Nhiên liệu thấp, áp suất dầu thấp, nhiệt độ động cơ thấp. Percey thử điều chỉnh độ cao của máy bay một chút để xem cô có thể lắc cho chút nhiên liệu còn sót lại chảy vào đường ống được không, nhưng rõ ràng là các bình chứa nhiên liệu đã cạn khô.
Với một tiếng lạch xạch rất khẽ, động cơ số một ngừng khục khặc và im bặt.
Và đèn trong buồng lái vụt tắt hoàn toàn. Tối như hũ nút.
Ôi, không…
Cô không thể nhìn thấy bất kỳ thiết bị nào, dù chỉ là một nút vặn hay cần điều khiển. Điều duy nhất giúp cô không bị rơi vào trạng thái chóng mặt khi bay mò trong đêm đen là quầng sáng yếu ớt của thành phố Denver hắt lên – từ xa tít tắp phía trước họ.
“Chuyện gì thế này?”, Brad hỏi.
“Lạy Chúa. Tôi quên mất là còn máy phát điện”.
Máy phát điện chạy bằng năng lượng của động cơ. Không còn động cơ, cũng không còn điện.
“Thả cánh quạt không khí thủy lực xuống”, cô ra lệnh.
Brad mò mẩm trong bóng tối để tìm công tắc điều khiển và rồi cũng tìm thấy. Anh đẩy công tắc lên và chiếc cánh quạt không khí thủy lực thò ra dưới bụng máy bay. Đó là một chiếc chong chóng nhỏ được nối với một máy phát điện. Dòng không khí làm xoay cánh quạt, khiến cho máy phát điện bắt đầu hoạt động. Nó chỉ giúp cung cấp nguồn điện tối thiểu cho các thiết bị điều khiển và bóng điện trong buồng lái. Không giúp được gì cho cánh tà, số và phanh giảm tốc.
Một lát sau mấy bóng điện bật sáng trở lại.
Percey chăm chú nhìn đồng hồ hiển thị tốc độ rơi thẳng đứng. Kim đồng hồ chỉ rõ mức rơi là 3500 feet một phút. Nhanh hơn nhiều so với con số mà họ dự tính. Họ đang rơi xuống với tốc độ xấp xỉ 50 dặm một giờ.
Sao lại thế? Cô băn khoăn. Tại sao những phép tính lại cho kết quả với sai số lớn đến thế được?
Là do không khí loãng ở trên này! Cô đã tính toán tốc độ rơi dựa trên mật độ không khí đậm đặc hơn. Và giờ đây khi cân nhắc đến yếu tố này cô lại chợt nhớ ra rằng bầu không khí xung quanh Denver cũng sẽ rất loãng. Cô chưa bao giờ lái một chiếc tàu lượn lên cao quá một dặm.
Cô kéo mạnh cần lái về phía sau để giảm tốc độ rơi. Nó giảm xuống còn 2100 feet một phút. Nhưng tốc độ bay vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Trong bầu không khí loãng như thế này tốc độ tròng trành chỉ còn khoảng 300 knot một giờ. Cần đo rung động trên máy bay bắt đầu rung lên bần bật và những thiết bị điều khiển cũng không còn tác dụng. Với một chiếc máy bay không còn nhiêu liệu như trong trường hợp này thì đừng hy vọng gì đến việc thoát ra khỏi tốc độ tròng trành và khôi phục tốc độ cũ.
Góc quan tài…
Đẩy cần lái về phía trước. Họ lại rơi nhanh hơn, nhưng tốc độ bay cũng tăng lên. Cô chơi trò này suốt gần 50 dặm. Đài Kiểm soát Không lưu cho họ biết những vị trí mà gió ngược chiều đang thổi mạnh nhất, căn cứ vào đó Percey cố tìm ra sự kết hợp hoàn hảo giữa độ cao và luồng gió – những luồng gió đủ mạnh để nâng chiếc Lear lên mức cao nhất nhưng cũng không có vận tốc quá lớn có thể làm giảm tốc độ bay của họ.
Cuối cùng, Percey – toàn thân đau nhức vì phải gồng người điều khiển chiếc máy bay bằng thuần túy sức mạnh cơ bắp của mình – giơ tay lên quệt mồ hôi trên trán và nói, “Gọi cho họ đi, Brad”.
“Trung tâm Denver, đây là Lear 695 Foxtrot Bravo, đang bay về phía các bạn từ độ cao 19000 feet. Chúng tôi còn cách sân bay 21 dặm. Tốc độ bay là 220 knot một giờ. Máy bay của chúng tôi đang ở trong tình trạng cạn sạch nhiêu liệu và yêu cầu được điều khiển đến đường băng dài nhất thích hợp với hướng bay hiện tại của chúng tôi là 250.”
“Đã nghe rõ, Foxtrot Bravo. Chúng tôi vẫn đang chờ các bạn. Cao kế chỉ 30,95. Rẽ trái hướng 240. Chúng tôi đang hướng các bạn tới đường băng 28 bên trái. Các bạn sẽ có đường băng dài 11000 feet[117].”
“Đã nghe rõ, Trung tâm Denver.”
Điều gì đó đang giày vò trong cô. Lại là cơn đau buốt trong bụng. Như cảm giác của cô khi nhớ lại chiếc xe thùng màu đen đó.
Điều gì chứ? Chẳng lẽ chỉ là mê tín?
Không bao giờ hai mà không ba…
Brad nói, “Cách điểm hạ cánh 19 dặm. Độ cao 16000 feet”.
“Foxtrot Bravo, liên lạc với Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Denver.” Anh ta cung cấp cho họ tần số liên lạc, rồi nói thêm, “Họ đã được thông báo đầy đủ về tình hình của các bạn. Chúc may mắn. Tất cả chúng tôi đều đang nghĩ tới các bạn”.
“Chúc vui vẻ, Denver. Cám ơn nhé!”
Brad chuyển máy radio sang tần số liên lạc mới.
Có chuyện gì vậy? Cô lại băn khoăn. Chẳng lẽ còn điều gì đó mình chưa nghĩ tới.
“Trung tâm Tiếp cận Denver, đây là Lear 695 Foxtrot Bravo. Đang bay về phía các bạn từ độ cao 13000 feet, cách đường băng hạ cánh 13 dặm.”
“Chúng tôi thấy các bạn rồi, Foxtrot Bravo. Chếch về bên phải theo hướng 250. Chúng tôi được biết là các bạn đã cạn nhiên liệu, đúng vậy không?”
“Chúng tôi là chiếc tàu lượn khốn khiếp lớn nhất mà các anh từng nhìn thấy, Denver.”
“Cánh tà và hệ thống bánh xe hạ cánh của các bạn còn hoạt động không?”
“Không còn cánh tà. Chúng tôi sẽ hạ bánh xe xuống bằng tay.”
“Đã nghe rõ. Các bạn có cần xe không?”
Nghĩa là xe cứu hỏa, xe cấp cứu.
“Chúng tôi nghĩ trên máy bay có bom. Chúng tôi muốn tất cả những gì các anh có.”
“Đã nghe rõ.”
Đột nhiên, giật nẩy mình vì kinh hoàng, cô chợt nhận ra: Áp suất không khí!
“Trung tâm Tiếp cận Denver”, cô hỏi, “cao kế chỉ bao nhiêu?”.
“Ừm, chỗ chúng tôi là 30,96, Foxtrot Bravo.”
Vậy là cột thủy ngân đã tăng 1% của một inch trong vòng một phút vừa qua.
“Nó đang tăng dần?”
“Chính xác là như vậy, Foxtrot Bravo. Một front áp cao khá lớn đang quét qua.”
Không! Điều đó sẽ càng làm tăng áp suất xung quanh quả bom, làm cho quả bóng bay bị xẹp xuống, như thể họ đang ở độ cao thấp hơn so với thực tế.
“Đúng là chó cắn áo rách”, cô lẩm bẩm.
Chú thích
[117]Feet: Khoảng hơn ba kilômét.
Brad quay sang nhìn cô.
Cô bảo anh ta, “Mức thủy ngân lúc ở Mamaroneck là bao nhiêu nhỉ?”.
Anh chàng kiểm tra lại trong sổ nhật trình. “20,6.”
“Hãy tính toán độ cao 5000 feet ở mức áp suất đó so với mức 31,0.”
“31? Thế thì cao khủng khiếp.”
“Thì đó là trạng thái áp suất chúng ta đang bay vào.”
Anh ta tròn mắt nhìn cô. “Nhưng quả bom…”
Percey gật đầu. “Tính đi.”
Chàng thanh niên bấm những con số đó bằng một bàn tay rất vững vàng.
Anh thở dài, đây là lần đầu tiên anh để lộ cảm xúc của mình trong suốt chuyến bay. “5000 feet ở Mamaroneck sẽ tương đương với 8500 feet ở đây”.
Cô lại gọi cho Bell bước lên phía trước. “Tình hình là thế này. Có một front áp cao đang quét qua. Cho đến khi chúng ta chạm đến đường băng, rất có thể quả bom sẽ tự động hiểu mức áp suất không khí xung quanh là tương ứng với độ cao dưới 5000 feet. Có thể nó sẽ phát nổ ngay khi chúng ta còn cách mặt đất khoảng 50 đến 100 feet cũng nên.”
“Được rồi”. Anh bình tĩnh gật đầu. “Được rồi.”
“Chúng ta không còn cánh tà, do đó chúng ta sắp sửa hạ cánh với vận tốc cực lớn, xấp xỉ 200 dặm một giờ. Nếu nó phát nổ chúng ta sẽ mất kiểm soát và đâm thẳng xuống đất. Chắc sẽ không có nhiều khói lửa vì các bình chứa nhiên liệu đều đã cạn. Và tùy thuộc vào những gì đang chờ đợi phía trước, nếu xuống đủ thấp có thể chúng ta sẽ bị trượt đi một đoạn trước khi bắt đầu va đập. Cũng không thể làm gì được nữa ngoài việc thắt chặt dây an toàn và cúi thấp đầu xuống.”
“Được rồi”, anh nói, gật đầu bình thản, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.
Cô liếc nhìn vẻ mặt anh. “Tôi hỏi anh câu này được không, Roland?”
“Tất nhiên là được.”
“Đây không phải chuyến bay đầu tiên của anh đấy chứ?”
Anh thở dài. “Cô biết đấy, khi cô sống gần như cả thời thanh niên ở một nơi như North Carolina, đơn giản là cô sẽ không có nhiều cơ hội đi đây đi đó. Còn khi chuyển đến New York, hừm, chúng tôi lại có những chuyến tàu hỏa của Amtrak rất lịch sự và tiện lợi”. Anh ngừng lại. “Thực tế là tôi chưa bao giờ ở cao hơn so với nơi một chiếc thang máy đưa tôi lên.”
“Không phải chuyến bay nào cũng thế này đâu”, cô nói.
Anh bóp chặt vai cô, rồi thì thầm, “Đừng có làm rơi kẹo đấy”. Nói xong, anh quay về ghế của mình.
“Được rồi”, Percey nói, xem lướt qua những thông tin trong Cẩm nang cho phi công về Sân bay quốc tế Denver. “Brad, chúng ta sẽ tiếp cận hạ cánh bằng mắt trong điều kiện ban đêm xuống đường băng 28 bên phải. Tôi sẽ chỉ huy điều khiển chiếc máy bay. Anh sẽ hạ bánh xe xuống bằng tay và thông báo tốc độ rơi, khoảng cách tới đường băng, và độ cao – cho tôi biết độ cao thực sự phía trên mặt đất, không phải là so với mực nước biển – cùng tốc độ bay”. Cô cố nghĩ xem còn điều gì nữa. Không còn nhiên liệu, không còn cánh tà, không còn phanh giảm tốc. Chẳng còn gì để mà nói nữa, đây là lệnh phân công nhiệm vụ trước khi hạ cánh ngắn nhất trong sự nghiệp bay của cô. Cô nói thêm, “Điều cuối cùng này nữa. Khi chúng ta dừng lại, hãy thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt”.
“Cách đường băng 10 dặm”, anh nói to. “Tốc độ bay 200 knot. Độ cao 9000 feet. Chúng ta cần làm chậm tốc độ rơi.”
Cô kéo nhẹ cần lái lên trên một chút và tốc độ chậm đi rất đột ngột. Cần đo rung động lại rung lên. Lúc này mà máy bay rơi vào trạng thái tròng trành thì coi như họ cầm chắc cái chết.
Lại đẩy về phía trước.
Chín dặm… Tám…
Mồ hôi đầm đìa như một trận mưa dông. Cô đưa tay lên lau mặt. Những vết rộp trên phần da mềm giữa ngón cái và ngón trỏ.
Bảy… Sáu…
“Cách điểm chạm đất năm dặm nữa, độ cao 4500 feet. Tốc độ bay 210 knot.”
“Hạ bánh xe”, Percey ra lệnh.
Brad vặn chiếc vòng nhỏ có chức năng thả bộ bánh xe nặng nề xuống bằng phương pháp cơ học. Anh cũng được trọng lực giúp sức, mặc dù vậy đây vẫn là một công việc cực kỳ nặng nhọc. Tuy nhiên, anh vẫn không quên dán chặt mắt vào bảng thiết bị điều khiển và đọc to, bình tĩnh như một nhân viên kiểm toán đang đọc bảng cân đối tài chính, “Cách điểm chạm đất bốn dặm, độ cao 3900 feet…”.
Cô vật lộn với sự lắc lư do hiện tượng giảm độ cao gây ra cùng những đợt gió đang thổi mạnh.
“Đã thả xong bánh xe”, Brad thông báo giữa hơi thở hổn hển. “Ba đèn xanh.”
Tốc độ bay giảm xuống còn 180 knot – tương đương với khoảng 200 dặm một giờ. Như thế là quá nhanh. Cực nhanh là khác. Một khi không có những bộ tên lửa hãm dự phòng, chiếc máy bay sẽ mài hết cả đường băng dài nhất chỉ trong tích tắc.
“Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Denver, cao kế chỉ bao nhiêu?”
“30,98”, người nhân viên Kiểm soát Không lưu trả lời không một chút bối rối.
Đang tăng. Mỗi lúc một cao hơn.
Cô hít một hơi thật sâu. Theo như quả bom “hiểu” căn cứ vào mức áp suất thực tế, đường băng nằm ở độ cao chưa đến 5000 feet so với mực nước biển. Nhưng không hiểu tên Vũ công đã chính xác và tỉ mỉ đến mức độ nào khi hắn chế tạo chiếc kíp nổ?
“Bánh xe hạ cánh đã hạ xuống hoàn toàn. Tốc độ rơi là 2600 feet một phút.”
Có nghĩa là tương đương với tốc độ rơi theo phương thẳng đứng 38 dặm một giờ. “Chúng ta đang rơi quá nhanh, Percey”, Brad thông báo. “Nếu thế này chúng ta sẽ tiếp đất ngay phía trước đèn báo vào sân bay. Còn cách đường băng khoảng 100 thước. Có thể là 200 cũng nên.”
Giọng nói của nhân viên Kiểm soát Không lưu cho thấy họ cũng đã nhận ra điều này: “Foxtrot Bravo, các bạn cần duy trì độ cao. Máy bay đang rơi xuống thấp quá nhanh”.
Lại kéo cần lái. Tốc độ giảm ngay lập tức. Lại cảnh báo tròng trành. Lại đẩy cần về phía trước.
“Cách điểm tiếp đất hai dặm rưỡi, độ cao 1900 feet”.
“Quá thấp, Foxtrot Bravo!”, nhân viên Kiểm soát Không lưu lại cảnh báo.
Cô nhìn ra ngoài qua phần mũi màu bạc của chiếc máy bay. Cơ man nào là các loại đèn – ánh sáng nhấp nháy của các loại đèn tiếp cận báo hiệu cho họ tiến về phía trước, những chấm màu xanh của đường dẫn máy bay ra đường băng, và đèn màu đỏ cam của đường băng. Và cả những ánh đèn mà Percey chưa bao giờ nhìn thấy trong tất cả các lần hạ cánh. Hàng trăm ánh đèn đang nháy loang loáng. Trắng và đỏ. Toàn bộ các phương tiện khẩn cấp đều được huy động.
Ánh đèn ở khắp nơi.
Tất cả những vì sao đêm…
“Vẫn thấp”, Brad hô to. “Chúng ta sẽ lao xuống còn cách đường băng 200 thước.”
Tay ướt đẫm mồ hôi, căng người về phía trước, Percey lại hình dung ra cảnh Lincoln Rhyme, đang bị cột chặt vào chiếc xe lăn, bản thân anh cũng rướn về phía trước, chăm chú kiểm tra thứ gì đó trên màn hình máy tính.
“Quá thấp, Foxtrot Bravo”, Kiểm soát Không lưu nhắc lại. “Chúng tôi sẽ cho phương tiện khẩn cấp cơ động tới khoảng trống ngay trước đường băng.”
“Bác bỏ đề xuất đó”, Percey kiên quyết nói.
Brad lại hô to, “Độ cao 1300 feet. Còn cách điểm tiếp đất một dặm rưỡi”.
Chúng ta còn có ba mươi giây nữa! Mình phải làm gì bây giờ?
Ed? Cho em biết đi! Brit? Có ai đó…
Cố lên nào, những kỹ năng của loài khỉ… Mình phải làm cái chết tiệt gì bây giờ?
Cô nhìn ra ngoài cửa sổ buồng lái. Dưới ánh trăng chiếu sáng cô có thể nhìn thấy những khu ngoại ô và thị trấn cùng những cánh đồng và trang trại, nhưng đồng thời, phía bên trái, là những dải sa mạc rộng mênh mông.
Colorado là một bang có diện tích chủ yếu là sa mạc… Tất nhiên rồi!
Bất thình lình cô bẻ ngoặt cho máy bay rẽ nghiêng sang bên trái.
Brad, hoàn toàn không hiểu cô đang định làm gì, vẫn hô to, “Tốc độ rơi 3200 feet một phút, độ cao còn 1000 feet, 900 feet, 850…”.
Nghiêng cánh cho một chiếc máy bay không còn hoạt động sẽ làm giảm rất nhiều độ cao chỉ trong tích tắc.
Kiểm soát Không lưu vội hét lên, “Foxtrot Bravo, không được rẽ. Xin nhắc lại, không được rẽ ! Các bạn không còn đủ độ cao cần thiết”.
Cô chỉnh cho máy bay thăng bằng trở lại khi bay trên dải sa mạc.
Brad bật ra một tiếng cười sung sướng. “Độ cao ổn định… Độ cao đang tăng dần, chúng ta đang ở 900 feet, 1000 feet, 1200 feet, 1300 feet… Tôi không thể nào tin nổi.”
“Một luồng nhiệt lưu[118]”, cô giải thích. “Sa mạc hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng chúng ra suốt thời gian ban đêm.”
Kiểm soát Không lưu cũng đã đoán ra. “Tuyệt lắm, Foxtrot Bravo! Tuyệt lắm. Các bạn vừa giúp mình tự tiến thêm được khoảng 300 thước nữa. Chếch phải theo hướng 290… tốt lắm, giờ thì chếch trái 280. Tốt rồi. Giữ nguyên hướng. Nghe này, Foxtrot Bravo, nếu các bạn muốn xóa sổ dãy đèn hiệu tiếp cận kia, xin cứ tự cho.”
“Cảm ơn vì đề nghị đó, Denver, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cho máy bay hạ cánh quá vạch số đường băng đúng 1000 nhiên feet.”
“Thế thì lại càng tốt”.
Chú thích
[118]Nhiệt lưu: Luồng không khí nóng từ dưới mặt đất bốc lên, các tàu lượn thường lợi dụng luồng khí này để tăng độ cao (giống như cơ chế hoạt động của khinh khí cầu).
Giờ thì họ lại gặp một vấn đề khác. Họ có thể chạm tới đường băng, nhưng tốc độ bay vẫn còn vô cùng lớn. Cánh tà chính là thiết bị có tác dụng làm giảm tốc độ tròng trành của một chiếc máy bay giúp cho nó có thể hạ cánh xuống mặt đất một cách chậm hơn. Bình thường thì tốc độ tròng trành của một chiếc Lear 35A vào khoảng 110 dặm một giờ. Nhưng khi không còn cánh tà tốc độ này sẽ xấp xỉ 180 dặm một giờ. Với tốc độ lớn như vậy thì ngay cả một đường băng dài hai dặm cũng biến mất chỉ trong tích tắc.
Thế là Percey cho máy bay lượn nghiêng sang một bên.
Đây là một thủ thuật rất đơn giản đối với những chiếc máy bay tư nhân cỡ nhỏ, thường áp dụng khi hạ cánh trong điều kiện có gió thổi tạt ngang. Bạn nghiêng cánh máy bay sang bên trái và đạp pedal bánh lái bên phải. Cách này sẽ làm giảm đáng kể tốc độ của máy bay. Percey không biết đã có ai từng sử dụng kỹ thuật này với một chiếc phản lực nặng bảy tấn chưa, nhưng cô cũng không thể nghĩ ra cách nào khác được nữa. “Cần anh giúp một tay”, cô hô to lên với Brad, thở hổn hển vì gắng sức trong khi cơn đau nhói chạy xuyên qua hai bàn tay để trần của cô. Brad nắm chặt lấy cần lái và cũng đạp chân lên pedal. Kỹ thuật này có tác dụng làm giảm tốc độ của máy bay, mặc dù nó làm xệ thẳng cánh bên trái xuống gần như dựng đứng.
Cô sẽ nghiêng nó trở lại vị trí thăng bằng như cũ trước khi tiếp xúc với đường băng.
Cô hy vọng thế.
“Tốc độ?”, cô gọi to.
“150 knot.”
“Có vẻ tốt đấy, Foxtrot Bravo.”
“Cách đường băng 200 thước, độ cao 280 feet”, Brad hô lên. “Đèn hiệu báo tiếp cận, hướng thẳng”.
“Tốc độ rơi?”, cô hỏi.
“2600 feet một phút.”
Nhanh quá. Hạ cánh với tốc độ rơi lớn như thế này có thể phá hủy hệ thống bánh xe. Và cũng có thể kích hoạt cho quả bom phát nổ.
Ngay trước mặt cô lúc này là những ánh đèn tín hiệu đang nhấp nháy – hướng dẫn cho hạ cánh…
Xuống, xuống, xuống…
Đúng khi họ ầm ầm lao về phía giàn đèn tín hiệu cao vút, Percey bỗng hét to, “Để đấy cho tôi!”.
Brad rời tay khỏi cần lái.
Percey trả máy bay về tư thế cân bằng như trước khi nghiêng cánh và cho chếch mũi lên trên. Chiếc máy bay vụt vổng đầu lên tuyệt đẹp và như vừa níu được vào không khí, đã rơi xuống thẳng đứng bị chặn lại ngay phía trên vạch số màu trắng sơn ở đầu đường băng.
Trên thực tế, chiếc máy bay bám chắc vào không khí đến nỗi nó nhất định không chịu đáp xuống.
Trong điều kiện không khí đậm đặc hơn của mức áp suất tương đối thấp hơn, chiếc máy bay đang lao đi với vận tốc khá lớn – nhất là lại nhẹ đi rất nhiều vì không còn nhiên liệu – nhất định không chịu chạm xuống mặt đất.
Cô thoáng nhìn thấy ánh đèn màu xanh-vàng của những chiếc xe cấp cứu nằm rải rác dọc bên cạnh đường băng.
Đã vượt quá vạch số đúng 1000 feet, vậy mà họ vẫn còn lơ lửng cách mặt bê tông 30 feet.
Rồi đến lượt 2000 feet lướt qua. Rồi đến 3000 feet.
Chó chết thật, cho nó hạ xuống thôi.
Percey đẩy nhẹ cần lái về phía trước. Chiếc máy bay đột ngột chúi mũi xuống và Percey lại kéo mạnh cần lái về phía sau hết cỡ. Con chim bạc rùng mình rồi nhẹ nhàng chạm xuống bề mặt bê tông. Đây là lần tiếp đất êm ái nhất mà cô từng thực hiện.
“Kéo phanh hết cỡ!”
Cô và Brad cùng đạp mạnh chân lên pedal điều khiển bánh lái và họ nghe rõ tiếng những mảng kim loại phía sau rít lên ken két, toàn thân máy bay rung chuyển dữ dội. Khói bốc đầy trong buồng lái.
Họ đã bay lướt qua hơn một nửa chiều dài đường băng và vẫn còn đang lao đi với vận tốc 100 dặm một giờ.
Mặt cỏ, cô nghĩ, mình sẽ ngoặt cho máy bay chạy trên đó nếu cần thiết. Có thể làm hỏng hệ thống bánh xe lăn nhưng mình sẽ cứu được kho hàng…
70, 60…
“Đèn báo cháy, bánh xe bên phải”, Brad hô lớn. Và rồi: “Đèn báo cháy, bánh xe dưới mũi”.
Khốn nạn thật, cô thầm rủa, rồi dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể mình lên bàn đạp phanh.
Chiếc Lear bắt đầu trượt và rung lên bần bật. Cô cố bù bớt lực cho bánh xe dưới mũi. Khói trong buồng lái càng đặc kín.
60 dặm một giờ, 50, 40…
“Cánh cửa”, cô ngoái lại gọi Bell.
Trong nháy mắt viên thám tử đã đứng bật dậy, đẩy tung cửa ra ngoài; nó bỗng trở thành một chiếc cầu thang.
Những chiếc xe cứu hỏa đang cùng lao về phía chiếc máy bay.
Với một tiếng rít dài đến chói tai của những bộ phanh đang bốc khói, chiếc Lear N695FB trượt rê trên mặt bê tông thêm một đoạn rồi dừng lại cách cuối đường băng đúng 10 feet.
Giọng nói đầu tiên vang lên trong buồng lái là của Bell. “Được rồi, Percey, ra ngay! Chạy ra!”
“Tôi còn phải…”
“Bây giờ tôi mới là người chỉ huy!”, viên thám tử gầm lên. “Tôi phải lôi cô ra khỏi đây, tôi sẽ làm thế đấy. Giờ thì ra ngay không!”
Bell lùa cả cô và Brad ra ngoài, rồi đến lượt anh nhảy xuống mặt đường bê tông, dẫn họ chạy xa khỏi chiếc máy bay. Anh hét lên với những nhân viên cứu hộ đang bắt đầu phun bọt cứu hỏa vào các bánh xe bốc khói. “Trên máy bay có bom đấy, có thể nổ bất kỳ lúc nào. Trong buồng động cơ. Đừng lại gần!”. Một trong hai khẩu súng của Bell đã lăm lăm trên tay từ lúc nào và anh căng mắt lia qua đám đông nhân viên cứu hộ đang vây quanh chiếc máy bay. Như trước kia chắc hẳn Percey đã nghĩ anh đang bị hoang tưởng. Nhưng bây giờ thì không.
Cách chiếc máy bay khoảng hơn 100 feet họ dừng lại. Chiếc xe chuyên dụng của Đội rà phá bom mìn thuộc Sở Cảnh sát Denver vừa trờ tới. Bell vẫy nó rẽ về phía mình.
Một viên cảnh sát cao lòng khòng trong trang phục cao bồi bước từ trong xe bước ra. Hai người chìa phù hiệu ra cho nhau kiểm tra và Bell giải thích cho anh ta về quả bom, về vị trí của nó trên máy bay theo họ nghĩ.
“Vậy là”, tay cảnh sát Denver nói, “các vị không chắc chắn là nó có trên máy bay”.
“Không. Không phải 100%”
Thế nhưng đúng lúc Percey vô tình liếc nhìn chiếc Foxtrot Bravo – lớp vỏ bạc lộng lẫy của nó bị phủ lỗ chỗ những màng bọt cứu hỏa, loang loáng phản chiếu ánh đèn pha gay gắt – một tiếng nổ dữ dội đến đinh tai bỗng cất lên. Tất cả mọi người trừ Percey và Bell đều vụt nằm thụp xuống đất trong khi toàn bộ nửa phía sau của chiếc máy bay nổ tan tành trong một quầng lửa màu cam khổng lồ, bắn tung tóe những mẩu kim loại vào không trung.
“Ôi”, Percey chết lặng người, theo bản năng cô đưa tay lên bụm miệng lại.
Tất nhiên trong các bình chứa không còn chút nhiên liệu nào, nhưng phần nội thất của chiếc máy bay – ghế ngồi, dây điện, thảm lót sàn, những chi tiết nhựa, và cả lượng hàng quý giá – bốc cháy dữ dội trong khi mấy chiếc xe cứu hỏa khôn ngoan chờ đợi trong giây lát rồi mới ùa lên phía trước, vô ích đua nhau phun thêm bọt trắng xóa lên cái xác chết bằng kim loại đã bị phá hủy hoàn toàn.