Vụ Lừa Đảo Tại Ngân Hàng Wilshire

Chương 4: Chương 4




Anh không phải chờ đợi lâu, vài phút sau đó thì Đức – giám đốc chi nhánh – đã lái xe tới rồi lật đật mở cửa ngân hàng. Đức ngạc nhiên khi thấy có khách tới sớm như vậy, nhưng ngạc nhiên hơn là nhìn người khách đó có vẻ vui mừng khi nhìn thấy mình, cứ như đã quen nhau từ lâu rồi:

“Anh cần tôi giúp gì không?” Đức hỏi.

“Tôi…tôi muốn đổi tiền, ban đầu tính ra tiệm vàng nhưng nghe nói có lệnh cấm nên tìm tới đây.”

“Như anh thấy là chưa có nhân viên nào tới cả, nhưng nếu anh cần gấp thì tôi có thể giúp được anh.” Đức nói và kéo cửa sắt lên, mời người đàn ông vào trong và hỏi “Tên anh là gì?”

“Quang, Nhật Quang.”

“Anh cần đổi bao nhiêu tiền?”

Người đàn ông giật mình, lúng túng vài giây rồi thò tay vào túi một hồi mới lấy ra được tờ bạc năm chục nhàu nát. Đức mỉm cười nhận tờ bạc rồi làm vài thủ tục nhỏ, khi đó thì có tiếng gọi từ ngoài cửa khiến hai người cùng quay ra nhìn:

“Ủa? Tôi tưởng hôm nay tôi tới sớm nhất chứ nhỉ?” Ngài Kim nói với giọng hứng khởi, xong thì liếc nhìn Quang và giật mình! Quang khẽ lắc đầu ra hiệu, ngài Kim bước lại nói với Đức vài câu thăm hỏi rồi bỏ ra ngoài, nói là có tí việc.

Quang sau khi đổi tiền xong, ra khỏi ngân hàng rồi nhìn quanh thì thấy ngài Kim đang đứng lấp ló sau gốc cây bàng gần quán cà phê nhỏ. Anh liền bước lại, cười gượng: “Tôi thất bại rồi!”

“Tôi cũng đoán được phần nào.” Ngài Kim nói ái ngại, “Vậy chúng ta sẽ chết hết sao?”

“Chúng ta trước sau gì cũng phải chết mà, nhưng lần này tôi đi không uổng công chút nào. Tôi đã tìm ra một người có thể đánh bại, à không, phải nói là “ngang tầm” với hắn ta thôi. Có điều năng lực của người này còn yếu nên chúng tôi mới thất bại và tôi phải “chạy” về quá khứ thế này.”

Nói tới đó thì Quang lại ho từng tiếng, xong bèn kéo khóa áo xuống cho ngài Kim nhìn cơ thể gầy ốm và tàn tạ của mình: “Tôi đã hết giờ rồi! Thời gian đang kéo tôi quay lại và tôi sẽ mắc kẹt ở tương lai khá lâu đây. Cho nên có thể đây là lần cuối gặp nhau, xin ông hãy giúp tôi chuyện này.”

“Anh cần tôi tìm người mà anh vừa nói đó, rồi thuyết phục người đó phải luyện tập năng lực chờ hai năm sau phải không? “Thuyết phục” là nghề của tôi mà, nhưng tôi biết tìm người đó ở đâu đây?”

“Có lẽ là ý trời!” Quang nói với giọng vui sướng, “Hay là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Người đó chúng ta vừa mới gặp trong ngân hàng đấy thôi! Và không chỉ mỗi anh ta đâu, còn một người khác sẽ giúp đỡ anh ta, hình như người đó cũng là nhân viên tại đây thì phải?”

“Là Đức sao? Nhìn anh ta có vẻ hơi lù khù vậy mà?” Ngài Kim kêu lên ngạc nhiên.

Quang thều thào tính nói thêm gì đó nhưng ngài Kim nghe không rõ, rồi cơ thể anh chợt mờ dần và tan biến như màn sương trước sự ngỡ ngàng của ngài Kim.

“Lại nữa rồi!” Ngài Kim cười méo xệch, “Toàn những lúc quan trọng như vậy, nói chưa hết câu thì đã biến mất, cứ y như trong phim.” Ngài thở dài nhìn quanh quẩn một lúc rồi quay lại ngân hàng.

“Ngày nào cậu cũng tới sớm như vậy à?” Ngài Kim hỏi Đức khi hai người lúc này đứng cạnh cửa ra vào và ngắm nhìn đường phố đang tất bật cho ngày mới.

“Vâng! Vì nhà tôi khá xa nên tôi phải dậy sớm để tránh kẹt xe. Tôi vẫn còn vài kí ức không mấy vui vẻ lúc học đại học đây, chỉ đi chậm vài phút thôi thì có thể mắc kẹt tới cả tiếng lận.”

“Nhà cậu ở đâu?”

“Bình Chánh, cách nơi này khoảng bốn mươi lăm phút chạy xe, còn nhằm hôm bị kẹt thì chắc phải đi cả tiếng hoặc hơn.”

“Trời!” Ngài Kim kêu lên. Được hơn chục phút sau thì những nhân viên khác cũng tới nơi, ngài Kim liếc nhìn đồng hồ rồi nheo mắt nhìn ra xa, bật cười: “Người ở xa thì lại đi làm sớm, còn người ở gần đây thì lại đến...không sớm chút nào.”

Khi đó hai người thấy Khang đang hối hả đạp xe tới. Khang đạp thắng nghe cái “két” rồi nhanh chóng dắt xe đưa cho chú Tiến bảo vệ, xong liền bước vội qua cửa, thấy hai vị giám đốc thì dừng lại và chỉ vào đồng hồ trên tay mình: “Tôi không có tới trễ, còn sáu phút nữa mới tám giờ mà?”

“Thì ông vào đi, chúng tôi có nói gì đâu?” Đức bật cười; Khang thấy thế bèn lẳng lặng bước đi. Khi đó ngài Kim nhìn theo cái bao trên tay Khang và hỏi đó là gì.

“Sữa đậu nành với bánh hot dog đấy ạ.” Khang ngập ngừng.

“Nhìn ngon đấy, cậu mua ở đâu thế?” Ngài Kim hỏi lại và Khang chợt trở nên lúng túng.

“Chỗ tiệm B’ Mart chứ đâu!” Kiệt – nhân viên hỗ trợ khách hàng – nói chen vào, “Thằng Khang để ý con nhỏ bán hàng chỗ đó nên sáng nào nó cũng ghé qua đó mua bánh và ngắm con nhỏ. Nói thật chứ nhìn nó có đẹp gì đâu mà mê mệt đến vậy?”

Khang nghe Kiệt nói như vậy thì giận ra mặt, nhưng vì thấy ngài Kim đang đứng gần đó nên đành im lặng và bước lên lầu. Ngài Kim bấy giờ nói với Đức rằng: “Tôi có một việc cần nói với cậu, nhưng trong lúc làm việc nói ra không tiện, vậy lúc hết giờ làm đi đâu đó ăn uống nhé?”

“Vâng, nhưng ngài nói gấp quá, chiều nay tôi biết kiếm đâu ra cái nón bảo hiểm cho ngài đây?”

“Ra ngoài mua, năm chục đồng một cái cũng keo!” Kiệt lại nói chen ngang, Đức nghe thế thì thấy bực bội trong lòng nhưng im lặng không đáp.

Sau đó thì ai về chỗ người đó chuẩn bị cho ngày làm việc: ngài Kim ở tầng dưới theo dõi các nhân viên phòng giao dịch, Đức thì lên tầng hai và gõ cửa phòng Khang:

“Mười giờ là ông Hoàng tới, ông đã chuẩn bị mọi hồ sơ chưa?”

“Hồ sơ gì?” Khang dừng bút hỏi lại.

“Ông cứ đùa, hồ sơ tài chính của ông Hoàng chứ gì nữa?”

“Nó ở trên bàn, trước mắt ông này!” Khang nói giọng tỉnh rụi rồi bật cười.

“Tôi biết ông thích đùa rồi, có chuẩn bị sẵn mọi thứ thì tốt. Bây giờ hỏi nghiêm túc này: hôm qua tan ca rồi ông đi tới chỗ công an cho lời khai thật à? Cái vụ người bị trúng thực ói máu chết đấy?”

“Ừ, vì tôi thấy hơi tội tội ông chủ quán đó mà. Tôi đến được vài phút thì Hon cũng đến, rồi hai chúng tôi ngồi đợi lấy lời khai tới gần chín giờ đêm mới về. Nói công bằng thì tôi không nghĩ là người kia bị trúng thực đâu, vì những thực khách đâu có bị sao?

“Quán cơm thì thường có nhiều món mà, biết đâu anh ta ăn nhằm món gây trúng thực còn những người khác thì không?”

“Anh ta ăn món lạp xưởng giống món của tôi. Và giờ nhìn tôi xem, vẫn bình thường đấy thôi.”

“Được rồi, đừng nói chuyện này nữa, ông lo chuẩn bị hồ sơ cho kĩ nhé. Mười giờ đấy!”

Khang nhún vai rồi lại cắm cúi viết báo cáo. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi, công việc ngân hàng tiến triển khá chậm chạp nên từ lúc mở cửa chỉ có hai người khách đến gửi tiền, thành ra nhân viên phòng giao dịch tạm gọi là bận rộn chút đỉnh. Còn nhân viên hỗ trợ khách hàng như Kiệt thì ngồi hết than ngắn lại thở dài, hết táy máy bút viết rồi lại lôi báo ra đọc. Ở tầng hai – phòng tài chính – quan cảnh cũng không khác mấy: Hon thì bận rộn nói chuyện điện thoại với khách, trong khi Khang thì có bản báo cáo viết mãi không xong.

Tới gần mười giờ thì có khách đến ngân hàng: người đó trạc khoảng ba mươi tuổi, dáng người cao ráo, ăn bận lịch sự với áo sơ mi trắng và quần tây đen, tay xách một cái cặp nhỏ. Anh có khuôn mặt chữ điền với mái tóc chải rẽ ngôi nhìn óng mượt, cái mũi khoằm nâng đỡ một cặp kính gọng vuông. Và ẩn sau cặp kính là đôi mắt của một người từng trải, với những nét chân chim hiện rõ quanh khóe mắt.

Anh hắng giọng, đưa tay chỉnh cà vạt lại rồi lên tiếng chào từng người trong ngân hàng, như là đã quen biết từ trước. Kiệt khi đó liền nhanh tay dẫn anh ta tới trước ngài Kim, nói “Đây là tổng giám đốc của tụi tôi, ổng mới từ Mỹ đến đây vào ngày hôm qua và sẽ ở đây khá lâu để quan sát chúng tôi làm việc có hiệu quả không. Nếu không thì chắc ổng cho giải thể ngân hàng này luôn.”

“Giới thiệu thì giới thiệu, nói thêm mấy cái thừa thãi làm gì?” Đức lúc này từ tầng trên đi xuống, nghiêm mặt bảo Kiệt. Xong thì anh bước vội lại bắt tay người đàn ông rồi nói với ngài Kim: “Đây là anh Hoàng mà tôi có nói với ngài sáng nay, hôm nay ảnh đến là để bàn với chúng ta về vay vốn cho công việc làm ăn. Tôi và Khang sẽ đảm nhận việc này, nhưng sẵn có ngài ở đây thì xin mời ngài tham dự chung với chúng tôi, và biết đâu có thể đưa ra lời khuyên nào hữu ích thì lại càng hay.”

Ngài Kim gật đầu, ba người liền đi lên phòng họp nằm tại tầng bốn của tòa nhà. Cả căn phòng rộng lớn chỉ có mỗi một cái bàn chữ nhật dài nằm chính giữa, xung quanh để mười hai cái ghế xoay màu đen bọc đệm. Khang hay nói vui rằng phải chi trong đây để một cái bàn tròn thì hợp hơn, lúc đó chả còn ông chủ hay người làm công gì cả. Căn phòng ba vách đều là tường, chỉ có mặt hướng nhìn ra đường Ba Tháng Hai là được lắp cửa kính dày và chắc, bên ngoài nhìn vào không thấy gì nhưng bên trong nhìn ra thì thấy rõ mọi việc xảy ra dưới kia.

Ba người cùng vào trong phòng thì thấy Khang đang ngồi thừ ra trên ghế với ánh mắt đăm chiêu nhìn xa xăm. Đức khi đó hắng giọng khiến Khang giật mình đứng dậy, chào hỏi Hoàng vài câu rồi chờ ba người kia ngồi xuống thì anh mới ngồi theo. Khi đó thì Hoàng ngồi ở phía bên kia bàn, còn đối diện theo thứ tự là Đức, Khang và ngài Kim. Đức muốn ngài Kim ngồi ở đầu bàn nhưng ngài Kim nói rằng mình không phải “nhân vật chính”, với lại mục đến tham dự như Đức đã nói là chỉ góp ý khi cần thiết thôi.

“Chúng ta đã quá quen nhau rồi, nhưng hôm nay tôi lại may mắn được gặp ngài tổng giám đốc đây, vậy tôi xin phép được giới thiệu lại bản thân mình nhé?” Hoàng lên tiếng trước và ngài Kim gật đầu.

“Tên của tôi là Nguyễn Thanh Hoàng và tôi là giám đốc của công ty nội thất Hoàng Lâm, địa chỉ công ty là tại đường Lý Chính Thắng, quận 3.” Hoàng nói xong bèn rút tấm danh thiếp và trao cho ngài Kim, “Hiện nay do công việc làm ăn đang tiến triển rất tốt nên tôi có ý định mở thêm một vài chi nhánh ở các quận, huyện khác. Nhưng trước hết, tôi đang nhắm tới việc mở một phòng trưng bày (showroom) tại tòa nhà Bitexco, đó là một tòa nhà lớn và sầm uất, lại mang tính biểu tượng cho thành phố nên mỗi ngày đón tới hàng trăm ngàn lượt khách tham qua. Tôi hy vọng việc mở showroom tại đó có thể giúp quảng bá cho công ty tôi nhiều hơn.”

Ngài Kim gật gù “Tiếp đi!” và Hoàng bắt đầu giải thích cặn kẽ về kế hoạch của mình, phân tích những mặt lợi, hại của phòng trưng bày, những rủi ro có thể xảy ra... Sau đó anh ta nói về ý định mở thêm chi nhánh công ty tại quận 12:

“Theo như suy nghĩ thông thường thì chỉ có nhà nào khá giả hay có điều kiện mới sử dụng những đồ nội thất cao cấp, nay tôi muốn phá bỏ đi cái định kiến đó. Mục tiêu của công ty chúng tôi là cung cấp những đồ nội thất chất lượng với giá cả hợp lí cho bất cứ ai có nhu cầu. Vì vậy mà tôi học theo ngân hàng, để cho khách hàng có thể lựa chọn hình thức trả góp hằng tháng nếu thấy phù hợp. Lời lãi có thể không bao nhiêu, nhưng nhờ vậy mà chúng tôi lại có thêm nhiều khách hàng hơn. Các anh có thể kiểm tra lời tôi vừa nói thông qua các báo cáo doanh thu mà tôi đã gửi trước đó.”

Khang nghe nói thế liền mở tập hồ sơ trên bàn, lấy từng bản báo cáo mà Hoàng đã cung cấp, đưa cho Đức rồi bắt đầu phân tích những sự biến đổi của các con số mang ý nghĩa gì. Khang còn kiêm cả “thông dịch viên” cho ngài Kim để ngài hiểu được họ đang bàn về vấn đề nào. Cứ thế sau hơn một tiếng đồng hồ, thấy vẻ mặt của Đức như sắp đồng ý, Hoàng liền lên tiếng:

“Xin lỗi, nãy giờ tôi mới nhớ ra là tôi quên tính khoảng tiền cần cho việc sửa chữa nhà kho đang bị hư hỏng. Liệu bây giờ tôi muốn tăng khoảng vay lên một chút có được không?”

“Về cơ bản thì không thành vấn đề, chỉ là việc chỉnh sửa lại các con số trong giấy tờ thôi. Nhưng mà theo điều lệ thì chúng tôi ngoài việc cung cấp cho anh biết tỷ suất cho vay thì còn phải tính toán số tiền mà anh phải trả từng tháng, anh hiểu không? Làm như vậy để cho anh có được cái nhìn tổng quát về khoản vay và ước lượng xem số tiền phải trả đó liệu có vượt quá khả năng của anh hay không. Bây giờ nếu tăng khoản vay lên thì mọi con số đều phải tính lại từ đầu, tốn chút thời gian đấy.” Đức đáp.

“Chuyện nhỏ, đợi tôi một tí!” Khang chợt như tỉnh táo hẳn lên và lấy máy tính bỏ túi ra để lên bàn: “Anh muốn điều chỉnh khoản vay lên bao nhiêu?”

“Ba mươi tỷ, ủa sao anh biết trước mà có chuẩn bị vậy?” Hoàng bật cười.

“Tôi làm nghề này lâu rồi, rành quá mà.” Khang vừa nói vừa lướt các ngón tay trên các nút máy tính, trông anh điệu nghệ không khác gì một nghệ sỹ bên những phím đàn. Anh vừa tính toán vừa lẩm bẩm: “Lãi suất không đổi, gia tăng kì hạn lên, tính toán lại số dư hằng tháng…” Rồi anh dùng bút gạch xóa hết các con số trong giấy tờ và viết lại một loạt những con số mới, động tác mau lẹ như một cái máy.

“Xong rồi đấy!” Khang đẩy tờ giấy cho Đức, “Tôi đã tính toán những con số đó tới ba lần nên chắc không có sai sót gì đâu.”

“Trong vòng năm phút?” Hoàng kêu lên, “Tôi ấn tượng đấy!”

“Tôi cũng thế!” Ngài Kim nói theo, “Thấy cách cậu tính toán, ghi chép mà tôi không theo kịp mất thôi.”

“Tôi làm việc gì cũng dở cả, ít ra phải giỏi một thứ nào đó chứ nhỉ?” Khang đáp lại vui sướng.

Đức sau khi coi tờ giấy rồi thì chuyển qua cho Hoàng xem; Hoàng im lặng nhìn vào các con số hồi lâu rồi gật đầu: “Tôi đồng ý với khoản vay này.”

“Chúc mừng anh.” Đức nói và đứng dậy bắt tay Hoàng, “Bây giờ chỉ cần anh kí vài thứ giấy tờ là thủ tục có thể hoàn tất, nhưng trước đó tôi cần giải thích ý nghĩa các điều khoản này đã.”

“Tôi đi vay nhiều nơi nên cũng biết mấy điều khoản đó nói gì rồi, anh cứ tóm tắt cho lẹ để khỏi tốn thời gian của nhau đi!”

Đức bật cười, nhún vai nói: “Thôi thì theo ý anh vậy,” rồi anh giải thích ngắn gọn cho Hoàng về các điều lệ và bảo Khang đưa giấy tờ cho Hoàng kí tên vào. Khi tờ giấy cuối cùng được kí thì việc bàn luận cũng hoàn tất, Hoàng đứng dậy bắt tay Đức, Khang, ngài Kim; rồi bốn người cùng ra khỏi phòng họp và đi xuống lầu. Khang dừng lại ở tầng hai để chỉnh sửa lại vài con số trong giấy tờ và đem đi sao lưu lại, còn ba người kia thì đi thẳng xuống khu vực phòng giao dịch ở tầng trệt.

“Trong lúc chờ Khang hoàn thành bản copy hồ sơ của tôi, liệu anh có phiền nếu tôi “quảng cáo” cái này một tí không?” Hoàng hỏi và nhận được cái gật đầu đồng ý từ Đức: “Cứ tự nhiên!”

Hoàng liền mở cặp và lấy ra một xấp giấy A4, xong thì đem phát cho từng người đang có mặt trong ngân hàng và giải thích: “Tôi và anh Lâm bên công ty địa ốc Bắc Hải hiện đang cộng tác với nhau trong dự án sắp tới đây: có một tòa chung cư tại quận 7 sắp sửa khánh thành và chúng tôi muốn chào bán những căn hộ tại đó, giá phải chăng và ưu tiên cho những khách hàng đầu tiên, đặc biệt là cho nhân viên của ngân hàng Wilshire đấy.”

Thấy mọi người bàn tán sôi nổi, Hoàng đi một vòng và giải thích cặn kẽ dự án, xong thì quay qua hỏi Đức có hứng thú mua nhà không.

“Tôi đã có hai căn nhà rồi, cám ơn anh đã hỏi.” Đức nhún vai đáp.

“Không sao. Vậy còn ngài Kim, ngài có muốn mua một căn nhà tại đây để làm nơi nghỉ dưỡng không? Nếu ngài không thường xuyên ghé thăm Việt Nam thì ngài cũng có thể cho người khác thuê lại, vậy là có lợi chứ không hại đâu.”

“Để tôi suy nghĩ đã, thú thật là tôi cũng muốn biết cảm giác được sống ở những căn hộ chung cư cao cấp là như thế nào lắm.” Ngài Kim đáp lại, vừa khi đó thì Khang cũng đã sao lưu xong bộ hồ sơ và đem xuống lầu giao cho Hoàng. Hoàng nhận bộ hồ sơ, nói lời cảm ơn rồi hỏi Khang có dự tính mua nhà không.

“Tôi vẫn còn đang trả nợ căn nhà đây, chưa biết đến bao giờ mới trả xong nữa.” Khang đáp và cầm tờ giấy A4 lên, đọc lướt qua rồi nói: “Chỗ này gần khu Phú Mỹ Hưng phải không?”

“Đúng rồi!”

“.Tôi hay ghé thăm người thân sống ở đó nên chắc cũng từng thấy tòa nhà này. À, ra bên chào bán là công ty địa ốc Bắc Hải nổi tiếng, nghe nói một năm họ bán được tới một nghìn căn nhà lận.”

“Chỉ là lời đồn thôi, nghe chừng chỉ có hai trăm căn nhà chứ làm gì tới một nghìn?” Hoàng bật cười, “Mà tôi thấy anh cũng quan tâm mấy vấn đề địa ốc đấy nhỉ?”

“Công việc của tôi mà, cũng đúng lúc tôi có một khách hàng hình như đang tính mua nhà từ bên công ty địa ốc Bắc Hải đó.”

“Tên anh ta là gì? Anh có thể giới thiệu với anh ta về dự án này giúp tôi được không?”

Khang gãi đầu: “Anh ta tên Đỗ Trần Minh…” Vừa nói tới đó thì khuôn mặt Hoàng chợt biến sắc, tay run run đến nỗi làm rớt cả xấp giấy xuống sàn nhà. Khang cùng vài người khác liền phụ Hoàng nhặt mớ giấy lên, khi đó chợt cô Ngọc quay sang hỏi khẽ: “Khang này, lúc nãy ông nói có quen người tên Đỗ Trần Minh à? Có phải người trên báo sáng nay không?”

“Trên báo?” Khang ngạc nhiên hỏi lại, “Có chuyện gì sao?”

Cô Ngọc đứng dậy nhìn quanh rồi lấy tờ báo Tuổi Trẻ trên bàn Kiệt, đưa cho Khang, bảo anh tự đọc thì sẽ rõ. Khang lật các trang báo mà lòng thấy không yên, tới một mẩu tin nhỏ thì anh dừng lại. Anh đọc mẩu tin đúng ba lần thì nét kinh hoàng đã hiện rõ trên mặt. Anh quay sang gọi ngài Kim và Đức lại:

“Hai người có nhớ người khách đến gặp tôi vào gần trưa hôm qua không? Ngài Kim, lúc đó ngài còn bắt tay và hỏi chuyện anh ta đấy?”

“Tôi nhớ chứ! Mà có chuyện gì à?”

Khang run run cầm tờ báo đưa cho hai vị giám đốc, thở dốc: “Anh ta chết rồi!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.