Chị thân mến,
Một người cha chăm lo cho con viết lá thư này cho chị đây. Năm ngoái, con gái tôi không qua được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Bây giờ nó đang định theo học một số lớp nào đó, còn tôi thì hàng đêm không ngủ được. Nó đâu có biết con người ta mà không bằng cấp thì chẳng ra cái thá gì. Nó phải đi học đại học – chứ đừng có nghĩ vớ vẩn. Vẫn có những lớp học cấp tốc đấy thôi – tôi đã tìm cách dọa dẫm hoặc thuyết phục, buộc nó phải đi học. Vậy mà không kết quả gì. Ô hô, lại một người cha bị lệ thuộc nữa.
Anh thân mến,
Xin anh bình tâm, con gái anh có thể học giỏi – còn chuyện nó thay đổi và sẵn lòng thay đổi thì lại tùy thuộc vào chính chúng ta. Tôi xin được trả lời thư anh một cách thành thực và hy vọng không vì thế mà anh cho tôi là người xấu. Đọc thư anh, tôi rút ra một điều là anh gắn bó cực kỳ sâu nặng với con gái, với thành công và thất bại của nó, anh chăm lo cho con – đúng là anh đã nguôi ngoai ít nhiều sau kỳ thi tốt nghiệp của con, song có gì đó không cho anh yên lòng, khiến anh chẳng buồn làm việc, không cho phép anh sống và hoạt động bình thường. Tôi mạn phép trích lời của anh, bởi có lẽ đó là những lời quan trọng nhất trong thư. Tôi hiểu được anh với tư cách là mẹ của một cô bé sắp thi tốt nghiệp phổ thông trung học…
Lạy Chúa! Hẵng gượm! Một phút thôi. Chẳng biết Tosia đã bắt đầu học thi tốt nghiệp chưa? Chỉ còn ba năm nữa thôi!
… rằng anh lo cho tấm bằng tốt nghiệp của con gái.
Tuy vậy, có những chuyện cần phải cân nhắc, để tiện cho cuộc sống của mình và không gây khó cho cuộc sống của con... Con gái anh là một người lớn rồi. Có thể cháu chưa được như anh mong muốn, có thể tính khí nó vẫn còn trẻ con, nhưng nó đã qua mười tám tuổi, nếu muốn kết hôn nó cũng không cần sự cho phép của anh nữa, nó đã được quyền bầu cử, được quyền đi làm, đi xa nhà v.v.. Trong khi đó tôi có cảm giác, trong ý nghĩ và sự chăm lo của anh, nó vẫn là một cô gái bé bỏng, không có khả năng quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Anh hãy để cháu sống cuộc sống của mình! Không đỗ tốt nghiệp chưa phải là ngày tận thế đâu. Nhưng ngày tận thế có thể lại là ý muốn kiểm soát sinh hoạt và hành vi của cô con gái đã lớn. Ý muốn bảo bọc tất cả mọi thứ trong cuộc sống và điều khiển hành vi của con, như thể nó vẫn còn là một cô bé năm tuổi. Theo tâm lý học và kinh nghiệm thực tế, con cái chỉ chịu ảnh hưởng của bố mẹ cho đến khi chúng khoảng mười lăm tuổi. Sau đó ta chỉ có thể hỗ trợ và yêu thương con, cho phép chúng sai lầm và trả giá cho những sai lầm đó. Chúng ta cũng có thể làm gương nữa, nhưng đó là chuyện khác. Tôi thấy anh rất căng thẳng về chuyện cô bé thi trượt. Không đỗ tốt nghiệp phổ thông trung học có phải là tận thế đâu. Biết đâu đó là dấu hiệu duy nhất của sự phản kháng mà con anh có thể tự cho phép mình – mặc dù vô thức? Biết đâu là vì một kỳ thi khó khăn, vì luật học tài thi phận, và sau chót – vì sự sao nhãng chăng? Không phải của anh, mà là của cháu. Không sao. Anh cứ để cho con mình mắc lỗi.
Khi trả lời những bức thư như thế này, tôi luôn có cảm tưởng, tình cảm của cha mẹ đối với con cái rất sâu nặng, có lúc chúng ta tránh cho con mình khỏi thất bại đến độ toan gánh lấy cả trách nhiệm về cuộc đời của chúng. Và trái với cái vỏ bề ngoài – đó lại chính là tước đi sức mạnh và ý muốn thay đổi của chúng. Anh muốn sao cho tốt đẹp nhất. Có điều cái tốt đẹp nhất đối với anh không phải lúc nào cũng là cái tốt đẹp nhất đối với con gái. Tôi không biết, cháu có những kế hoạch gì, cháu dự định sẽ làm gì, học ở đâu – tôi có cảm giác anh đang cố truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của mình cho con gái bằng mọi giá, nhưng thật đáng tiếc, anh không truyền nổi đâu. Anh có thể giúp con mình bằng cách thay đổi chính mình và thay đổi quan hệ cha con. Vì tình yêu không xuất hiện được trong vòng kiểm soát. Con gái của anh đang trưởng thành – thất bại đầu tiên đã ở phía sau nó. Phải làm gì sau thất bại đó, hãy để cho cháu lựa chọn. Anh có thể giúp đỡ, chẳng hạn tìm địa chỉ những khóa học cấp tốc, nhưng đừng ép nó phải làm gì đó với bản thân nó. Khi nào phải cáng đáng gánh nặng, con gái anh sẽ biết rằng, người cha cực kỳ yêu thương của nó đã không thể kiếm được chỗ trên trái đất cho mình chỉ vì mảnh bằng tốt nghiệp cho con!
Cuối cùng tôi chiêu đãi anh ta bài thơ triết lý, vì đời đẹp lắm thay>Con của các người>Đâu phải là con của các người >Chúng là con trai, chúng là con gái>Mộng mơ cuộc đời mãn nguyện>Chúng sinh ra qua các người>Chứ không phải từ các người>Cho dù ở với các người>Chúng không lệ thuộc các người được đâu>Trao cho con cái tình yêu>Nhưng trao ý nghĩ cao siêu thì đừng>Bởi tự mình các con biết nghĩ>Gặp các con là điều hay>Gặp tâm hồn chúng việc gay quá chừng>Bởi tâm hồn chúng đang cư ngụ>Trong ngôi nhà Tương Lai>Dù có chiêm bao tới tận sáng mai>Các người cũng không tới được>Các người có thể làm cho mình giống chúng>Nhưng chớ nhọc công làm chúng giống mình>Bởi cuộc sống không bao giờ lùi>Ngay cả đợi ngày hôm qua cũng chịu>Các người là những cánh cung">Dành cho con cái các người cưng>Còn chúng là những mũi tên biết nói>Cho cánh cung bắn vào tương lai">Cung thủ tìm tín hiệu trên con đường vô tận">Mang hết sức bình sinh kéo các người thật mạnh">Cho mũi tên bay nhanh và bay xa">Cầu mong cho sức uốn dai>Của các người trong tay Cung thủ">Chất đầy vận may">Bởi cũng như cung thủ">Yêu mũi tên bay vào không trung">Cánh cung không chòng chành chao đảo>Ban cho con tình yêu muôn trùng">{Trong Nhà tiên tri của Kahlil Gibran}.
Thay mặt tòa soạn, tôi xin gửi tới anh những lời chào thắm thiết…
Thế nhưng tôi là người thông minh! Xem tivi thấy người ta nói vậy.
Rồi tôi sẽ xem mấy cuốn tạp chí. Tôi chỉ còn phải viết thư trả lời Xanh Lơ nữa thôi.
Anh thân mến,
Tôi đang hăm hở đọc cuốn sách mà anh giới thiệu cho tôi. Quả là sau những quay cuồng vừa rồi liên quan tới Jung và Jong tôi đi tới kết luận – và điều này hẳn khiến anh mừng – rằng đã đến lúc xóa bỏ các lỗ hổng văn học–tâm lý học.
Tôi xin trả lời câu hỏi đầu tiên: tôi là một phụ nữ tóc vàng. Không trẻ và cũng chẳng mảnh mai – tôi muốn canh chừng anh điều tra tiếp.
Ui chà, tôi đang nói dối anh ta! Thứ nhất, tôi là một phụ nữ tóc nâu, thứ hai v.v…
Tôi xin trả lời câu hỏi thứ hai: ba cặp song sinh. Đằng nào tôi cũng không tin là hồi trẻ anh đã đọc “Anne”, vì không một người đàn ông nào trên thế giới này lại đâm đầu vào đó. Nói thật, dù thế nào tôi cũng khâm phục kiến thức văn học của anh. Anh có làm việc ở hiệu sách không đấy?
Còn nói về thuật ngữ phép chiếu, anh có lý, điều này – thật đáng tiếc – tôi phải công nhận.
Thay mặt mùa xuân và tòa soạn, tôi xin gửi tới anh những lời chào thắm thiết. Judyta P.
Anh ta sẽ ngạc nhiên cho xem.
TB. Nếu tôi có thể giúp được gì đó cho anh, không chỉ về chuyện trí lực, mà có thể cả những việc thường ngày, chẳng hạn lo việc nhà cửa, chữa áo len mất tuyết, xin cứ viết thư, sẽ không có một lá thư nào không được trả lời. Riêng cái này tôi nói ngoài lề – dĩ nhiên là chuyện sắp tới đây, với điều kiện anh chưa vượt quá con số một trăm – chắc anh sẽ thích có một bạn nữ để giải khuây. Tôi xin tiết lộ bí mật với anh, đàn bà thích vai này lắm đó! Nếu anh thấy đúng là anh đang buồn vì mình là người đàn ông bị ruồng bỏ v.v.. Thế nhưng, xin nói thật với anh, anh chớ đầu hàng. Trong đời ai cũng có một cái gì đó tuyệt vời đang đợi mình, chỉ cần tin vào điều đó.
Vân vân, vân vân và đại loại như thế.
Thứ Tư này tôi phải diện cái gì nhỉ? Tôi đi làm đầu ở hiệu nào được đây? Nom tôi cũng được đấy, vì da tôi vừa được tắm nắng. Hay là tôi đi nhuộm tóc highlight? Tiền nong không thành vấn đề, con người ta chỉ sống có một lần. Không biết bây giờ kiểu đầu nào là mốt nhỉ? Phải làm gì trong cuộc hẹn hò với anh chàng đã ngoài ba mươi, thậm chí gần bốn mươi, thực ra anh ta phải suýt soát bốn mươi, cho dù nhìn mặt thì không đến vậy, có lẽ vì anh ta thừa cân, cho nên không nhìn thấy các nếp nhăn trên trán chăng?
Tại sao phom người tôi không được như Jola chứ?
Bây giờ tôi mà dùng kem của Tosia để bôi mắt thì tôi sẽ quen với ý nghĩ mình là một người đàn bà thanh lịch, và rằng ngày kia tôi không thể, không được chọc tay vào mắt. Rồi tôi sẽ đi nhuộm tóc highlight nữa. Bây giờ tôi cho phép mình giải lao đúng năm phút – tôi có cả một cuộn báo. Rồi tôi sẽ biết hết mọi thứ!