Khánh Trường, sao mà em khỏe thế.
Cố chấp và hung hăng chống lại những thứ đang đè xuống mình, đó chính là sức mạnh trong cốt tủy cô, nhưng lại không phải bản tính trời sinh.
Giống như thân cây bị chém, ở vết nứt sẽ ứa chất dịch bao bọc vết
thương, để bớt đau đớn, để tiếp tục tồn tại. Đứng trước tình trạng thiếu thốn, thảm thương, mất mát của cuộc sống, nếu không thể chạy trốn hay
né tránh, thì đành phải gánh vác, nhẫn nại và khuất phục. Cần tích lũy
sức mạnh, nếu không sẽ ngã bẹp ra đất, và sẽ bị những thứ đang đè xuống
kia ấn nhồi quất đập. Cho đến khi nát nhão.
Cô đã từng gặng hỏi bà nội, khi nào mẹ quay về. Dần dần thôi hỏi, biết
rằng sẽ không có câu trả lời. Mười năm sau mới gặp lại mẹ lần nữa. Bấy
giờ cô còn nhỏ, không thể ngờ tới những sắp đặt của thời gian. Bà nội
nuôi dưỡng cô, cha suy sụp bây lâu rồi cũng đến lúc sinh bệnh. Nằm viện
dài ngày, tiền bạc khánh kiệt, ra viện thì nằm liệt giường ở một căn
phòng nhỏ trong nhà. Cứ thế hơn một năm rưỡi thì mất.
Cái chết đến lặng lẽ. Để mất mát và khốn khó cho người ở lại. Vò võ đêm
trường, bà nội khóc đến lả người đi trên ghế, hễ tỉnh lại máy móc bật
dậy, bổ nhào đến bên quan tài kêu gào thảm thiết, liên tục như thế tới
tận sáng. Đây là lần đều tiên cô chứng kiến sức mạnh của nỗi đau, nó hàm chứa sự bền bỉ và kích động to lớn. Nhưng Khánh Trường không rơi lấy
một giọt nước mắt. Quan hệ giữa cô với cha luôn hờ hững. Có lẽ cha cũng
âm thầm oán hận và cố tình xa cách, bởi cô có khuôn mặt giống mẹ. Còn
cha trong mắt cô, chỉ là một người đàn ông gục ngã vì cuộc sống nghèo
đói và hôn nhân thất bại, không sao gượng dậy được nữa.
Mười hai tuổi. Bà nội qua đời. Nương nhờ nhà chú ba năm.
Chú bận buôn bán, vắng nhà dài ngày. Thím và các em giày vò cô, cuộc
sống rất chật vật. Đồ ngon trên bàn ăn chỉ mình cô không được đụng đũa.
Quần quật làm việc nhà, thi thoảng vẫn bị móc máy đay nghiến. Thím là
người bộ dạng hung ác tính tình cay nghiệt. Càng là người gần gũi càng
ít động lòng thương xót. Dù nói cho đúng ra bấy giờ thím sống cũng không dễ dàng gì, hôn nhân nhìn chung không hạnh phúc. Nhưng hồi nhỏ cô không hiểu được. Đôi lúc thím nói năng nanh nọc quá khiến cô nổi tính hung,
hai người cãi cọ gay gắt, còn động chân động tay. Cô bỏ nhà đi, bắt đầu
trốn học. Đêm khuya về không ăn cơm, bác gái hàng xóm dẫn cô vào căn bếp nhỏ nhà mình, đổ nước vào cơm nguội, quấy thành cháo, lại chan thêm ít
tương và nước thịt cho cô ăn. Đây là món duy nhất cô thấy ngon trong kí
ức thời niên thiếu.
Bác gái nói, con bé bướng bỉnh ăn nhờ ở đậu này, không có cha mẹ thật
khổ quá. Những nhận xét không né tránh ấy khiến trái tim cô bức bối và
cứng rắn thêm mỗi ngày. Thái độ cảnh giác, ánh mắt thù địch với người
ngoài, nỗi thất vọng, nghi ngờ và chống đối tình cảm dĩ nhiên không phải chỉ hình thành trong ngày một ngày hai. Đó là một quá trình lâu dài,
mài gọt và rõ nét dần.
Mười lăm tuổi. Ông chú chẳng còn cách nào khác hơn là đưa cô vào trường
nội trú, từ đó cô ở lại kí túc suốt, kì nghỉ cũng không muốn về nhà,
không có nơi nào để đi, bèn lang thang ngoài đường, trung tâm thương
mại, thư viện, nhà ga chỉ để lấy một ít hơi ấm và không khí của đám
đông. Gần như lẽ tất nhiên, cô bắt đầu cặp kè với các nam sinh cấp ba.
Khánh Trường có sức hấp dẫn bẩm sinh, người ta khó lòng từ chối nhu cầu
tình cảm mãnh liệt mà sâu sắc của cô. Đôi lúc qua đêm ở nhà ai đó. Cũng
thường xuyên được các cậu con trai hơn tuổi quan tâm chăm sóc.
Cô trưởng thành sớm. Cuộc sống thiếu thốn không thể khắc phục, cũng không thể vượt qua.
Năm ấy, mẹ từ Thâm Quyến trở về thăm cô. Trọ ở nhà nghỉ gần trường cô học.
Khuôn mặt mẹ không thay đổi nhiều. Áo liền váy, tóc đen nhánh mượt như
mây. Hương vị quen thuộc riêng có của mẹ, của người phụ nữ trẻ ngồi bên
giường cô khóc nức nở năm hai mươi sáu tuổi. Khi gặp lại, mẹ đã ba mươi
sáu. Vừa ly hôn lần nữa, có thêm một đứa con trai, nhưng vẫn muốn tái
giá. Mẹ là người sôi nổi, coi cuộc sống như một lộ trình mạo hiểm liên
tục. Luôn trong trạng thái di chuyển.
Ăn cơm ở nhà hàng nhỏ, không có chuyện gì để nói. Khánh Trường mặc đồng
phục, sơ mi trắng váy xanh lam, gầy gò lạnh nhạt. Cuộc sống bơ vơ và yêu đương sớm đã nhum nét đăm chiêu lên khuôn mặt cô. Người đàn bà đứng
tuổi ngồi đối diện rõ ràng là xa lạ, họ không còn hiểu được cuộc sống
của nhau nữa, vì sao phải gặp lại. Mẹ đang ở chỗ ngoặt của cuộc đời, sực nhớ đến đứa con gái bất hạnh, cho rằng hai bên có thể thương xót nhau
chăng. Không. Cô không thương xót gì mẹ hết, cũng như mẹ chưa từng
thương xót cô. Thương xót là thứ cảm xúc hàm chứa ít nhiều khinh bỉ. Cô
không còn tin tưởng vào tình cảm con người.
Cô không nói một lời, mẹ thì kích động và phẫn nộ, kêu lên, Khánh
Trường, vì sao con lại đối xử với mẹ như thế. Mẹ vẫn chưa sửa được tính
tình bột phát xưa kia, cầm đĩa thức ăn trên bàn ném bừa xuống đất, mảnh
vỡ bắn tung tóe. Cô lạnh lùng nhìn, mép khẽ nhếch lên mai mỉa. Khơi gợi
được phản ứng dữ dội ở đối phương, dù là hận, cũng là chứng cứ cho thấy
tình cảm vẫn còn. Cô chỉ cần có thế.
Cô đứng dậy định đi, nhưng mẹ kéo lại. Mẹ kiên trì bắt kt theo về chỗ
nghỉ. Cô tháo giày cởi áo, nằm xuống giường, im lặng quay mặt vào tường. Thật lòng cô không biết phải nói gì với người mẹ đột nhiên xuất hiện
này nữa, bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi ghê gớm, cứ thế ngủ thiếp đi. Sáng
sớm lơ mơ tỉnh dậy, mẹ nằm đằng sau đang ôm lấy cô, như hồi cô còn trẻ
con, nhẹ nhàng lướt tay qua tóc, vai, cánh tay cô, xót xa và yêu thương. Trong tiếng khóc rấm rức cố nén của mẹ chứa đựng ân hận, bi ai và cả
bất lực. Đối với cuộc sống của chính mình lẫn Khánh Trường, mẹ không làm được gì khác hơn là buông xuôi và khuất phục.
Khánh Trường giữ nguyên tư thế, giả vờ ngủ, không nói một lời, nhìn bức
tường còn mờ tối, nước mắt lặng lẽ thấm xuống gối. Bỗng nhớ tới ngôi
đình trên đỉnh núi trong chuyến đi Lâm Viên mùa hè năm năm tuổi, cô đứng bên vách kính có bóng mẹ phản chiếu. Một con chim trắng ngậm cá bay vụt qua đời họ rồi biến mất không tăm dạng. Cuộc sổng này, sau những kì
tích dũng cảm ngắn ngủi là sự quẫn bách và mệt mỏi kéo dài. Nhưng quãng
thời gian khổ sở vẫn là quá lâu. Lâu đến nỗi không có kết thúc, lâu đến
nỗi không thấy quá khứ, không thấy tương lai. Chỉ có mất mát của hiện
tại, giày vò khó chịu, đành gồng sức lên mà chống đỡ.
Cô đã trưởng thành, không còn là cô bé ngây thơ dễ dàng tin vào kì tích
và mong mỏi lời hứa hẹn nữa. Lòng thôi thúc mãnh liệt, chỉ muốn quay
ngay lại ôm chầm lấy mẹ và cùng khóc, muốn nói với mẹ, mẹ ơi, đừng rời
xa con, mang con theo với, dẫn con đến thành phố của mẹ, để hai mẹ con
sống với nhau, không bao giờ chia cách nữa. Nhưng muôn vàn tiếng gọi
trong lòng cuối cùng chỉ hóa thành nỗi tuyệt vọng câm lặng. Cô biết mẹ
không đủ sức sắp xếp lại cuộc sống mà họ đang đối mặt. Bản thân cô thì
nhỏ nhoi yếu ớt. Chỗ đứng chật hẹp thế này, ngoài việc nhẫn nại chịu
đựng ra cô chẳng biết vòng tránh vào đâu được.
Trời đã sáng, mẹ nhỏm dậy thu dọn hành lý chuẩn bị rời đi. Lại một lần
nữa ôm lấy Khánh Trường từ sau lưng, hôn lên tóc cô. Khánh Trường nhắm
mắt nín thở, lắng tai nghe tiếng bước chân xa dần cùng tiếng đóng cửa
khẽ khàng. Âm thanh ấy khiến tim cô tan nát. Cô đứng dậy nhìn căn phòng
xa lạ lờ mờ ánh lam. Trên bàn có một bức thư và tiền mẹ để Iại. Cô cho
tiền vào túi váy, thư thì vo viên và ném thẳng vào thùng rác.
Trong gương, cô thấy mặt mình bỗng chốc già sọm đi. Khuôn mặt của một
phụ nữ trưởng thành, in dấu xói mòn của nước mưa và thất vọng.
Đẩy cửa ra, băng qua hành lang khách sạn. Vì đã biết nỗi cô độc là thế
nào, lúc này cũng không thể trốn tránh nó được. Mỗi phần trên cơ thể đều bị đâm thủng và đập mạnh. Ý thức vụn vỡ và cảm giác tan nát đang hủy
hoại cô. Tưởng chừng trên trái đất chỉ có mình cô, không còn ai khác. Cô chưa bao giờ thấy lòng bừng bừng nổi loạn như thế, muốn chống đối lại
tất cả như thế. Ước sao nhốt được trái tim vào lồng sắt, để khỏi ai hay
bất cứ thứ gì đến làm tổn thương.