Xuân Yến

Chương 51: Chương 51: Chương 8.8




Cô học tập cũng không chuyên cần cho lắm, nhưng thi cử lên lớp rất thuận lợi. Hẳn là nhờ một nguồn sức mạnh rọi chiếu thế gian mà mắt trần không sao nhìn thấy được, điều động những sự vật sự việc mà không ai lý giải hay sáng tạo nổi. Cô tin rằng cảm ứng của mình với sức mạnh này bắt nguồn từ những năm ấu thơ sống gần chùa chiền. Dường như tượng Phật và bích họa khảm hình kì ảo chính là một hình hài giản dị chân phương của nó. Sức mạnh này vượt qua tất cả các thí nghiệm và luận chứng trong thư viện và phòng thí nghiệm. Tốt nghiệp xong, cô không học tiếp lên cao học, cũng không tìm kiếm công việc làm ăn buôn bán nào.

So với đời sống tình ái điên cuồng dạo trước, đột nhiên cô ngừng yêu đương suốt một thời gian dài. Không còn vương vấn tình cảm và dính líu xác thịt với bất cứ ai. Bao nhiêu dục vọng bỗng bị trấn áp bởi một thứ lý tính tinh khiết và cứng mạnh. Cô không thể cuống cuồng đam mê ngưỡng mộ một cách lầm lạc như các cô gái trẻ được nữa. Chỉ muốn nghỉ ngơi. Cứ thế âm thầm đơn côi sống qua một năm mông lung vớ vẩn.

Sau đó, cô tham gia vào một tổ chức từ thiện quốc tế, làm tình nguyện viên, nhiệm vụ đầu tiên là đi cùng một nhóm nhỏ đến các làng quê dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á, hướng dẫn họ bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên. Trước hết đến Việt Nam và Lào. Vậy là quay lại Lào một lần nữa. Văn phòng của nhóm đặt tại Viêng Chăn. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ ở các làng bản xa xôi, cả nhóm lại tập trung về Viêng Chăn. Cô không tranh thủ được lúc nào đi Luang Prabang. Nơi từng sống thuở ấu thơ, ngôi nhà lớn màu trắng với phong cách thực dân pháp, đường lớn ngõ nhỏ ánh dương nóng bỏng không khí đôn hậu, và chùa chiền yên ắng với bích họa cổ xưa. Tuy không phải là cố hương của cô, nhưng đó là một dấu mốc trong kí ức.

Toàn bộ hành trình của cô và Trinh Lượng đã hóa thành một cấu kiện không thể tách rời con người cô. Nhờ thế, cô không cần phải kiểm chứng hay kiếm tìm hối ức.

Ở Viêng Chăn, có hai ngày nghỉ giữa hai giai đoạn. Cô trú chân tại một khách sạn trong khu thành cũ, gần một ngôi chùa, lúc nhàn rỗi đều sang đây ngồi thiền và mát xa với lá thuốc. Buổi trưa hôm ấy, phơi xong quần áo trong vườn hoa, đi qua sảnh nhỏ thì trông thấy một người đàn ông da trắng trẻ tuổi mặc áo sơ mi khaki màu xanh lục quân đang hỏi thăm người thiếu niên bản địa ở bàn lễ tân, làm cách nào để xem hoạt động ban đêm của đàn voi.

Hai người họ nói gà nói vịt một lúc rất lâu, cô sốt ruột giùm, bèn đi đến giải thích với anh ta, muốn xem voi thì nơi gần Viêng Chăn nhất là làng Ban Na, cách đây 82 ki lô mét. Voi sẽ ra bãi ngâm muối vào lúc hoàng hôn hoặc muộn hơn một chút. Nhớ mang theo đèn pin, đêm trăng tròn là thích nhất, nhưng chưa chắc đã gặp được. Nếu không ngại đi xa thì xuống hẳn làng Kiet Ngong ở miền Nam. Ở đó người dân tộc Lao Loum hồi trước còn cho voi làm đồng áng. Nhưng bây giờ voi càng ngày càng ít, nên chỉ dùng để chở khách du lịch mà thôi.

Anh hỏi, làm sao cô biết. Hàng mi anh dày và đôi mắt màu nâu sẫm trong sáng như trẻ thơ.

Cô nói, hồi nhỏ tôi sống với mẹ một thời gian dài ở làng quê miền Nam. Đi trong rừng thường thấy voi chở gỗ, nhưng bây giờ chắc không gặp được nữa.

Nắng gắt như chảo lửa. Vào giữa trưa, rất ít du khách lang thang trên đường, thực vật nhiệt đới vẫn đua nở cuồng nhiệt trong nắng nôi bụi đất. Họ cùng nhau đi đến Wat Si Saket. Đây là ngôi chùa cô thích nhất ở đây. Hồi người Xiêm La kéo quân sang, làm cỏ sạch sẽ kinh thành, duy chỉ có ngôi chùa này được bảo tồn trọn vẹn. Hành lang tinh xảo bố trí rất nhiều ngăn thờ nhỏ, bày đủ mọi loại tượng Phật bằng bạc hoặc gốm sứ. Cô cởi giày, đi chân trần vào điện thờ cao rộng. Bản sinh kinh(*) cổ xưa khắc trên tường đã tróc lở hư hại, nhưng không hề ảnh hưởng đến vẻ đẹp của bức bích họa. Trần nhà trang trí hoa lá cầu kì. Đèn chùm hình cành cây bằng pha lê kiểu Pháp. Một pho tượng Phật được thờ phụng giữa hoa và nến, miệng mim mỉm cười.

(*) Một bộ kinh của Ấn Độ, kể lại sự tích và luân hồi của Phật Thích Ca, các đệ tử và những người chống đối Phật, cũng chỉ rõ nghiệp tạo kiếp trước đóng vai trò thế nào trong kiếp này.

Cô để anh đợi ở cây cột hành lang ngoài điện. Một mình quỳ bên trong, hai tay chắp lại, dùng tư thế thành kính nhất quỳ vái, thiền định hồi lâu.

Khi cô trở ra, anh hỏi, cô cầu xin tượng Phật bảo vệ và ban phúc phải không? Cô nói, chỉ bày tỏ lòng tôn kính thôi, pho tượng Phật này đã trải qua bao nhiêu niên đại, vậy mà tôi ngày nay còn được trông thấy, đó là một sự đãi ngộ. Dĩ nhiên mỗi lần đến đây, tôi đều tiện thể thổ lộ những nguyện vọng và tâm sự từ tận đáy lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.