Hiểu Linh đã nghĩ rất nhiều nhưng rồi quyết định mang tấm bản đồ thô sơ kia đến nhà Chu Thanh An để bà xem. Biết đâu cô chỉ mới manh nha ý tưởng này nhưng người đi trước vài chục năm như bà ấy đã nắm trong tay tấm bản đồ rồi. Bản đồ thời đại này là một thứ tuyệt mật, hơn nữa do công nghệ đo đạc chưa cao, tỷ lệ chính xác cũng thấp. Nhưng chỉ cần một chút thứ gì đó gọi là bản đồ rơi vào tay ngoại quốc cũng là cả một vấn đề lớn.
Chu Thanh An nhìn thứ được vẽ ra trên giấy ban đầu có chút mờ mịt không hiểu. Nhưng rồi khi bà thấy những ghi chú nho nhỏ về địa danh thì thật sự như sét đánh ngang tai. Bà hết nhìn tấm lược đồ lại nhìn Hiểu Linh. Giọng run run không tin:.
||||| Truyện đề cử: Đích Thê Tại Thượng |||||
- Cái này là ngươi vẽ?
Hiểu Linh mím môi gật đầu:
- Vâng. Là học trò dựa vào những cuốn sách thầy đưa về địa lý, lịch sử mà phác thảo nên thứ này. Có điều dữ liệu còn thiếu rất nhiều, tỷ lệ bản đồ chắc chắn không chính xác. Bản đồ Nam Bình đại khái là như vậy.
Chu Thanh An đăm đăm nhìn Phạm Hiểu Linh. Những cuốn sách bà đưa cho đứa nhỏ này bà đều đọc qua, làm sao có thể từ chúng mà Hiểu Linh có thể vẽ ra tấm bản đồ này chứ. Chu Thanh An trước kia khi còn học trong Quốc Tử Giám từng một lần được nhìn tấm bản đồ về vị trí của Nam Bình với các quốc gia láng giềng. Khi đó những người giỏi nhất của Quốc Tử Giám mới được đến dự buổi dạy học của Thái Sư Lê An Thịnh. Đó là một trong những buổi học đáng nhớ nhất trong đời bà và hình ảnh về tấm bản đồ cũng in sâu trong trí nhớ người Thái học sinh ấy. Thứ ở trước mắt bà đây không chính xác rất nhiều nhưng lại thể hiện được rõ mối quan hệ giữa các quốc gia. Bà hỏi:
- Căn cứ vào đâu mà trò có thể vẽ ra thứ này. Những cuốn sách ta đưa trò kiến thức có là có, nhưng không thể nào đầy đủ để hình dung ra tấm bản đồ này được.
Hiểu Linh liền biết Chu Thanh An sẽ nghi ngờ. Chuyện này cũng không lấy gì là ngạc nhiên khi chỉ qua năm cuốn sách cô có thể vẽ ra thứ này. Hiểu Linh áp dụng những ký hiệu ở hiện đại vào tấm bản đồ nên nhìn chúng có phần rất khác lạ.
Hiểu Linh bắt đầu chỉ vào từng hình vẽ và giải thích:
- Trong ba cuốn Đại Lĩnh Nam sử lược có nhắc đến những cuộc chiến biên giới với Bắc Hoa ở phía bắc và Lang San ở phía nam, lại cũng nói Nam Bình chúng ta giao hảo khá tốt với Tây An. Chính vì thế học trò mới khoanh vùng những quốc gia này lại theo quy chuẩn đông – tây – nam- bắc. Lại nói trong cuốn du ký có viết qua những đoàn tàu biển chở hàng hóa, hải sản từ phía nam có thể dừng ở phố Hiến để theo đường bộ tiến vào kinh đô… nên học trò nghĩ hẳn là phía đông giáp biển. Qua cách mô tả của hai cuốn tản văn du lịch, học trò thêm thắt một số các địa hình quan trọng lên đây như những dãy núi thấp hình cánh cung phía đông, hay dãy Hoàng Sơn cao vút ở phía tây. Nơi nào đó có cửa biển. Vùng có đồng bằng thì hẳn là có con sông chảy qua…. Có điều học trò vẫn không biết các châu huyện ở Nam Bình phân bố thế nào nên mới chỉ ước chừng để vẽ lên đó. Thầy Chu… thực sự thứ này ta đều vẽ ra từ năm cuốn sách ấy, ngài muốn hỏi chỗ nào, học trò đều có thể chỉ cho ngài.
Chu Thanh An vừa nghe Hiểu Linh nói chuyện, trong đầu hình như sáng lên những điểm được nhắc tới trong cuốn sách. Có những chi tiết bà không nghĩ tới cũng trở thành cứ liệu để cô nương này vẽ lên. Phải nói con người này nhìn xa trông rộng hay có trí tưởng tượng tuyệt vời đây.
Chu Thanh An đi tới bàn sách cầm ra bút và nghiên mực. Bà chậm rãi mài mực, không nhìn Hiểu Linh, hỏi:
- Phạm Hiểu Linh, trò vẽ ra thứ này nhằm mục đích gì?
Hiểu Linh mím môi:
- Học trò cũng không nghĩ gì to tát, chỉ muốn biết Nam Bình trông như thế nào từ Bắc chí Nam từ Đông sang Tây. Trên hai cuốn tản văn cũng nói ở hai miền Nam – Bắc, Đông – Tây có những kiểu thời tiết không giống nhau. Theo học trò nghĩ liệu có phải do địa hình từng nơi khác nhau nên khí hậu mới khác nhau không? Và với địa hình như vậy, chất đất cũng khác nhau thì trồng cái gì, nuôi cái gì mới là tốt nhất cho người dân đây? Học trò chỉ muốn làm rõ những điều đó.
Hiểu Linh khéo léo nhắc nhở Chu Thanh An về việc địa hình, khí hậu sẽ ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào. Môn địa lý của cô học trước kia không thiếu việc phân tích hướng phát triển cây nông nghiệp phụ thuộc vào địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng mỗi địa phương... Tại sao đồi đất thích hợp trồng ngô, chè, lúa nương. Tại sao vùng phù sa thì tập trung trồng lúa nước hay tại sao vùng đất núi lửa bazan lại hợp với cà phê, điều... Mỗi vùng đều có thế mạnh cây nông nghiệp riêng bởi địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đó quy định. Mục đích duy nhất Hiểu Linh đưa tấm bản đồ này ra cho thầy Chu xem để muốn khẳng định nơi này có giống quê nhà cô không mà thôi. Nhưng cô cần một lý do chính đáng để giải thích mục đích của mình. Tiết lộ bản đồ cũng có thể là trọng tội.
Chu Thanh An ngẩn người. Bà biết khí hậu vài nơi khác nhau, nơi núi cao thường mát hơn vùng gần biển, đất đai cũng không giống. Nhưng bà chưa từng nghĩ đến chuyện đó do địa hình gây nên và cũng chưa từng nghĩ đến chuyện này ảnh hưởng thế nào đến nông nghiệp. Nếu như ở một vùng đất biết rõ đất đai, khí hậu của nơi mình phù hợp với loại cây gì thì chẳng phải quan phụ mẫu nơi đó có thể tập trung hướng dẫn người dân trồng trọt sao? Nếu thật sự có một mẫu số chung cho các nơi… như vậy chẳng phải chỉ cần vùng đất ấy có địa hình tương tự liền có thể trồng trọt những giống cây mới phù hợp rồi. Càng nghĩ, nhiệt huyết trong Chu Thanh An càng sôi sục. Nếu điều này được kiểm chứng, dân chúng nhiều nơi thật sự sẽ được ban phước. Bà cũng không cần phải đắn đo nữa.
Chu Thanh An chấm mực rồi bắt đầu vẽ lên tấm lược đồ kia những chi tiết mà bà nhớ:
- Ta đã từng nhìn thấy tấm bản đồ Nam Bình… xem như ta giúp trò đi tắt một đoạn đường đi. Hi vọng suy nghĩ của trò sẽ giúp ích được cho dân cho nước.