Thời gian như chớp mắt, thoáng cái mấy ngày nghỉ Tết liền qua nhưng cái không khí đó vẫn còn dư âm lại bởi những chiếc bánh chưng, khoanh giò. Ngày trước, Hiểu Linh sợ nhất chính là đoạn phân chia bánh chưng để xử lý. Cũng may thời đại đó có tủ lạnh, bánh để ngăn đá ăn dần là được. Nhưng cơn ác mộng ấy không diễn ra ở Phạm gia nơi này. Hiểu Linh phải nghiêng mình bái phục khả năng ăn bánh chưng của huynh đệ Tiểu Đông. Từ 29 Tết bắt đầu đến hết tối mùng năm, hai mươi lăm chiếc bánh chưng chỉ còn lại năm cái. Mỗi ngày Hiểu Linh chẳng ăn bao nhiêu còn bọn họ liền “xử lý” xong ba cái. Lại bắt đầu lan man những chuyện không đâu.
Sáng mùng sáu, toàn Phạm gia dậy rất sớm ăn sáng rồi dọn dẹp mâm lễ cúng động thổ. Sáng nay đoàn thợ xây của Đường sư phụ sẽ tới bắt đầu làm móng. Trước đó, Trịnh An báo Hiểu Linh sắm một cái lễ đầy đủ theo hắn dặn để cúng động thổ. Việc xây nhà dựng cửa động đến đất đai, lại là tài sản lớn nhất đời người nên chuyện cúng bái lễ lạt cầu an là không thể bỏ qua. Trời vẫn còn lạnh lắm nên Hiểu Linh sai Phan Nhân đánh xe ngựa đi đón thầy trò Trịnh An. Để hắn lặn lội đi bộ từ Đún Sơn đến nhà cô, Hiểu Linh có chút không an tâm.
Đường sư phụ cùng đoàn thợ đến đã thấy Hiểu Linh sắp đồ ra lễ thì bà cười hỏi:
- Phạm gia chủ định tự cúng động thổ hay nhờ thầy?
Hiểu Linh đang lúi húi công việc, nghe tiếng nói thì vội vàng đứng lên đáp lễ:
- Đường sư phụ tới rồi. Lễ động thổ ta mời cô đồng Trịnh trên núi Đún Sơn xuống chu toàn một hai. Cơ ngơi cả đời cũng không thể qua loa được.
Đường sư phụ gật đầu đồng tình:
- Phạm gia chủ nghĩ phải. Ngôi nhà này xây lên chắc chắn to nhất làng. Một cơ ngơi như vậy cũng không thể tùy tiện được.
Nói rồi, bà lấy tấm bản vẽ ra đối chiếu với thực địa thêm một lần nữa. Nơi chuẩn bị dựng nhà đã được dọn sạch sẽ cây cối, phạm vi cũng tương đối đủ. Bà quay sang Hiểu Linh nói:
- Bây giờ ta cho người đo đạc, căng dây chuẩn bị móng nền. Chỉ cần gia chủ lễ xong liền có thể động thổ.
Hiểu Linh gật đầu đáp:
- Vâng. Đường sư phụ cứ làm việc. Ta sai người chuẩn bị sẵn trầu nước cho mọi người. Ngày tết ra vẫn còn chút đồ ăn vặt, các tỷ muội không chê thì lúc nghỉ tay ăn một chút.
Nhà Hiểu Linh đã không phải lo cơm hai bữa thì chuyện trà nước tốt một chút cũng là điều nên làm. Đường sư phụ dặn thêm:
- À… Phạm gia chủ chuẩn bị cho tỷ muội chúng tôi thêm cái điếu cày. Dân thợ thuyền có cái thói quen nghỉ tay là làm bi thuốc lào rồi uống ngụm chè cho tỉnh táo. Một lát đây xe trâu kéo đá và vôi sống tới, Phạm gia chủ ghi chép lại sau này đối chiếu thanh toán cho dễ.
Hiểu Linh đáp:
- Dạ vâng.. ta sẽ ghi chép kỹ càng.
Vừa lúc đó, xe ngựa chở thầy trò Trịnh An cũng vừa tới nên Hiểu Linh đành cáo lỗi Đường sư phụ ra tiếp đón. Đường Hương cũng gật đầu qua loa rồi bắt đầu cầm thước đi đo đạc, đóng mốc để thợ phụ căng dây. Bọn họ sẽ đào móng nhà chính trước. Nhà chính được xây năm gian lớn chia làm sáu phòng. Bốn phòng hai bên mỗi phòng nửa gian là chỗ ở cho người nhà. Gian giữa ba gian chia đôi: phía trước là nơi thờ tự, phía sau là thư phòng. Kết cấu nhà khá lớn nên móng nhà cũng cần đào rộng và sâu hơn.
Lễ cúng động thổ diễn ra rất nhanh gọn, kết thúc bằng việc Hiểu Linh là gia chủ, người đứng tuổi làm nhà bổ một cuốc xuống nền đất khởi công. Ngay sau đó, Đường sư phụ bắt đầu hô hào mọi người làm việc.
Trần Tam Thanh, Nguyễn Cửu Chân chạy sang đến nơi thì không khí bên này đã làm việc ngút trời. Cửu Chân có phần áy náy nói:
- Phạm tu văn… ta thật sự không biết hôm nay bên này làm chuyện lớn nên không sang sớm để giúp việc. Thật xin lỗi.
Hiểu Linh vội vàng xua tay:
- Không có.. không có. Cửu Chân tỷ quá lời rồi. Là ta không thông báo cũng không tới nhà ai nhờ cậy thì làm sao tỷ hay Tam Thanh biết mà tới. Việc xây nhà ta đã khoán trắng cho Đường sư phụ xử lý công thợ, nguyên liệu nên không phải lo nghĩ gì nhiều. Vì thế cũng không muốn phiền đến bà con chòm xóm.
Trần Tam Thanh nghe từ khoán trắng có chút không hiểu, nhưng đứng ngoài cửa thế này mà nói chuyện cũng không hay nên kéo tay Hiểu Linh vào nhà. Nguyễn Cửu Chân có chút ngơ ngác nhưng cũng theo chân đi vào.
Hiểu Linh nhìn bộ dáng lo lắng của hai người bọn họ thì trong lòng ấm áp. Bên Trần bá mẫu Hiểu Linh đã giải thích cặn kẽ chuyện xây nhà thế nào nên hôm nay bà ấy cũng tỷ muội Bán Hạ cũng không qua. Nhưng Tam Thanh và Cửu Chân thì Hiểu Linh cũng chưa nói gì về chuyện này.
- Hiểu Linh. Muội nói cặn kẽ cho ta hiểu khoán trắng là gì vậy? Sao khoán trắng rồi thì không phải lo nhiều?
Vừa vào tới nhà, Tam Thanh vội hỏi. Hiểu Linh từ tốn rót cho bọn họ hai ly nước rồi đáp:
- Tỷ cũng thấy nhà ta neo người lại toàn nam nhân người già trẻ nhỏ, nếu phải nuôi thợ làm nhà thì thật sự không biết khổ bao nhiêu. Nên ta đã nghĩ ra cách giao toàn bộ cho Đường sư phụ lo mua từ nguyên liệu đến nhân công. Nhân công thì ta trả toàn lương và không lo ăn uống. Nguyên liệu cũng tính tổng khối lượng, đặt cọc cho Đường sư phụ mua sắm rồi tất toán xong. Như vậy chi phí xây nhà có đắt hơn một chút nhưng người nhà ta không cần quá vất vả lo cơm nước hai bữa cho gần hai mươi người thợ suốt mấy tháng liền. Hơn nữa như vậy ta cũng không lo không đủ thợ thuyền để làm nhà.
Trần Tam Thanh nghe Hiểu Linh nói chuyện, sắp đặt đâu ra đó thì có chút thở phào. Nhưng nàng cũng nhắc nhở:
- Phạm gia mới có chút tích lũy, muội cũng đừng nên phung phí quá.
Hiểu Linh cười gật đầu:
- Ta biết. Nhà xây xong rồi từ từ mua sắm đồ sau. Nhưng nhà chắc chỉ xây một lần trong đời nên ta muốn làm cho ra làm.
Nguyễn Cửu Chân nói thêm:
- Phạm tu văn nếu cần người thì cứ gọi ta. Việc nông giờ cũng nhàn xuống. Giúp được gì cho Phạm tu văn ta luôn sẵn lòng.
Hiểu Linh đáp:
- Ta cảm ơn mọi người đã lo lắng. Nếu cần giúp đỡ, ta sẽ không ngại nhờ hai người đâu. Khi nhà hoàn công, mọi người nhất định phải nể mặt Hiểu Linh này đến ăn tân gia đấy nhé.
Nhận được lời mời của Hiểu Linh, đương nhiên cả hai người đều đồng ý. Bọn họ nán lại xem xét thợ làm việc hồi lâu rồi mới an tâm về nhà.