Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 217: Chương 217: Chương 216




Mọi người trong thư phòng vốn rất hào hứng đột nhiên sững lại khi nghe Hiểu Linh nói chuyện. Một vị học giả không tin vào tai mình liền hỏi lại:

- Phạm cô nương nói muốn cải cách cái gì?

Hiểu Linh chậm rãi nhắc lại:

- Học trò muốn cải cách giáo dục, thay đổi cách dạy và học ở thư viện Lam Kinh này. Học trò muốn nơi này trở thành nơi dạy ra những vị quan tốt chứ không đơn thuần là nơi giúp học sinh có thể vào quan trường.

Vị học giả lớn tuổi nhất lúc này bỗng nhiên tức giận, vỗ bàn gầm lên:

- Hoang đường. Ngông cuồng. Thư viện là nơi dạy ra những người hiền tài chứ không phải là nơi dạy dỗ những mánh khóe khi trở thành quan lại.

Hiểu Linh nhận ra vị học giả này hiểu lầm ý cô nên vội thanh minh:

- Tiên sinh hiểu nhầm ý của học trò rồi. Ta là muốn nơi này dạy cho học sinh những kiến thức để giúp họ trở thành những vị quan tốt chứ không đơn thuần là những kỹ năng để có thể thi đậu công danh.

Phan viện trưởng cũng đỡ lời:

- Tào huynh bình tĩnh một chút nào, nghe Hiểu Linh giải thích. Đứa nhỏ này làm việc ta vẫn luôn tin tưởng, hẳn là huynh hiểu nhầm gì đó.1

Hiểu Linh nhìn thẳng Tào tiên sinh một cách đầy kiên định. Nhìn thái độ ngay thẳng đó của cô, Tào tiên sinh cũng có chút dịu lại rồi nói:

- Để ta xem Phạm cô nương muốn cải cách cái gì trong giáo dục.

Nhìn thấy vị Tào tiên sinh đã bình tĩnh trở lại Hiểu Linh có chút thở phào chậm rãi nói:

- Theo như học trò được biết Lam Kinh thư viện có dạy cả văn và võ. Văn sinh thì học Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia, Đại học, Trung dung. Võ sinh thì học võ thuật, binh pháp. Cả văn sinh và võ sinh cùng học các lớp lễ nghi, viết biểu tấu sớ. Còn lại những thứ như cầm kỳ thi họa là các môn tự chọn.

Hiếu Linh đưa mắt nhìn mọi người trong thư phòng chờ đợi một sự phản bác Nhưng đây là những điều Phan viện trưởng nói cho cô biết nên chắc chắn đều đúng.

- Học trò muốn thêm vài môn bắt buộc với cả văn sinh và võ sinh trong chương trình học, bao gồm lịch sử, địa lý, toán học và giáo dục thể chất.

Thanh Ngọc hứng thú hỏi lại:

- Lịch sử và Toán học thì ta đã biết nhưng địa lý và giáo dục thể chất là thứ gì?

Hiểu Linh nhẹ cười giảng giải:

- Giáo dục thể chất như tên gọi chính là việc nâng cao sức khỏe cho học sinh. Học sinh nơi này ngoại trừ những người học võ hay văn võ kiêm tu thì sức khỏe đều yếu ớt. Một phần vì họ không phải làm việc nặng, phần khác cũng do quá đặt trọng tâm vào việc ôn học mà không chú ý đến rèn luyện bản thân. Nhưng điều này thật sự không tốt đối với họ. Một người không có sức khỏe thì làm sao có thể gánh vác được việc lớn. Ta muốn môn Giáo dục thể chất này giúp rèn luyện cho các văn sinh sức nhanh, sức mạnh, sức bền. Không cần yêu cầu quá cao như võ sinh nhưng ít nhất không thể để học sinh Lam Kinh thư viện mang tiếng thư sinh yếu ớt được.

- Nói hay lắm. Ta từ lâu cũng chướng mắt những văn nhân tay trói gà không chặt, chẳng thể làm được bất kỳ việc nặng kia rồi. Môn học này ta nhận dạy.

Một vị tiên sinh vỗ bàn cười nói. Nhìn phong thái và cách nói chuyện của vị tiên sinh, Hiểu Linh chắc chắn người này dạy võ thuật. Cô mỉm cười yếu ớt đáp lại:

- Tiên sinh, vì đây là lần đầu tiên môn học này được áp dụng nên ta muốn ngài viết ra một giáo án những gì ngài sẽ dạy trong khi đứng lớp.

Vị tiên sinh ngẩn người hỏi lại:

- Giáo án sao?

Hiểu Linh gật đầu:

- Vâng là giáo án. Ta gọi tắt của phương án giảng dạy. Các môn học khác đều có những quyển sách để các vị tiên sinh có thể dựa vào đó mà giảng dạy nhưng môn học này thì không hề có. Không chỉ giáo dục thể chất, môn Lịch Sử, Địa Lý hay Toán học ta cũng hi vọng các vị tiên sinh ở đây có thể bàn luận với nhau để đưa ra một giáo án thích hợp cho học sinh.

Vị tiên sinh gật đầu chấp nhận:

- Cũng là một cách gọi hay, ta có thể làm được.

Hiểu Linh có chút thở phào. Môn học dễ nhất có thể áp dụng đã không bị phản đối. Những môn còn lại Hiểu Linh tin chỉ cần mình giải thích rõ, các vị tiên sinh ở đây sẽ sẵn sàng bắt tay vào soạn thảo giáo án.

- Toán học là một môn áp dụng cho thực tế mà học trò thấy rất ít trường giảng dạy một cách nghiêm túc. Vì thế, học trò muốn đưa môn học này vào chương trình bắt buộc của Lam Kinh thư viện. Như vậy những học sinh nếu không thể theo con đường khoa cử cũng có thể chuyển sang làm những ngành nghề khác như chưởng quỹ hay chướng phòng.

Thanh Ngọc bỗng nhiên chen lời:

- Hiểu Linh tỷ vẫn chưa nói về môn địa lý. Nó rốt cuộc là gì?

Hiểu Linh xem như chưa nghe qua những lời ấy tiếp tục công việc của mình.

- Như học trò đã nói không chỉ môn Giáo dục thể chất những môn Toán học, địa lý, lịch sử học trò cũng muốn các vị tiên sinh đây có thể cùng nhau soạn thảo ra giáo án để giảng dạy. Về môn lịch sử, học trò muốn giảng dạy cho môn sinh quá trình dựng nước, giữ nước của Nam Bình ta từ trước tới nay, trải qua các thời kỳ thịnh suy. Mối quan hệ bang giao của Nam Bình và các quốc gia láng giềng đặc biệt là Bắc Quốc.

Mấy vị tiên sinh nhìn nhau, Phan Viện có chút mơ hồ hỏi lại:

- Hiểu Linh con đây là muốn làm gì? Lịch sử Nam Bình trong thư viện có những buổi học nhắc tới nhưng không hề hệ thống như con mong muốn. Lý do nào khiến con muốn biến môn này thành một môn học bắt buộc.

Hiểu Linh nghiêm túc đáp:

- Lịch sử nước nhà nếu không được dạy hệ thống một cách bài bản sớm muộn cũng sẽ bị mai một. Lịch sử là những bài học cho tương lai, vì thế học trò muốn các môn sinh đều có thể biết rõ lịch sử, biết rõ mối quan hệ của nước ta với các nước láng giềng. Để sau này họ có làm quan thì cũng có cái nhìn tổng quát về việc bang giao giữa các nước.

Câu trả lời của Hiểu Linh khiến cả thư phòng chấn động, lặng ngắt như tờ. Rốt cuộc trong cái đầu 17 tuổi đó đang ẩn chứa những gì mà có thể nói ra những lời triết lý như vậy. Những câu nói của Hiểu Linh cũng khiến các vị tiên sinh nơi này sục sôi ý chí. Phải rồi, môn sinh gần đây luôn yêu thích Bắc sử mà không quan tâm lịch sử của chính mình. Đây là lúc cần để chấn chỉnh lại bọn họ.

- Vậy còn môn địa lý thì sao?

Hiểu Linh nhẹ cười:

- Môn Địa Lý học trò muốn dạy cho môn sinh biết đến khí hậu, địa hình, đất đai, con người, kinh tế của từng vùng miền trên mảnh đất Nam Bình này. Là văn sinh cần hiểu để có thể trở thành quan phụ mẫu lo cho dân tốt nhất. Là võ sinh cũng cần biết để có thể giữ vững giang sơn này.

- Hiểu Linh môn này giáo án viết như thế nào đây dựa vào đâu để viết?

Hiểu Linh nhìn hết lượt các vị tiền bối lúc này ánh mắt đã rực sáng nhưng vẫn đâu đó phảng phất lo âu, cô đáp:

- Việc này nếu không phải các vị tiên sinh thì thật sự không ai có thể làm được. Mấy chục năm giảng dạy, môn sinh của các vị tiền bối trải rộng khắp Nam Bình. Bọn họ chính là những người nắm rõ nhất về khí hậu, đất đai, con người của từng vùng đất mình sinh sống. Ta mong các tiên sinh có thể viết thư cho học trò của mình để từ đó có nguồn tư liệu quý viết nên bản giáo án đầu tiên của môn địa lý này. Học trò tin với kiến thức mà môn địa lý này trang bị, học sinh Lam Kinh thư viện khi đến làm quan ở bất kỳ vùng đất nào cũng có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình và phát triển thế mạnh nơi đó, tạo phúc cho thiên hạ.

Bàn tay Phan Sư Khương vô thức siết chặt. Bà đã hiểu rốt cuộc tại sao Hiểu Linh muốn những môn học này trở thành bắt buộc và được giảng dạy bài bản. Tất cả chỉ hướng tới một mục tiêu duy nhất là đào tạo ra những viên quan có thể tạo phúc cho thiên hạ dù ở bất kỳ nơi đâu trên Nam Bình. Giọng bà run run nhưng cũng tràn đầy phấn khích:

- Hiểu Linh, chuyện cải tạo điều kiện sống cho học sinh tất cả giao lại cho con. Còn việc thu thập tài liệu, viết nên giáo án của những môn học này cứ để cho những bà già chúng ta làm. Ta chờ mong một ngày Lam Kinh thư viện thay da đổi thịt, trở thành thư viện để nhất Nam Bình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.