Xuyên Thành Thái Tử Phi Bị Mất Nước

Chương 206: Chương 206




Cô đi đến ngồi xuống tấm đệm bồ đoàn bên chân y, gối lên đầu gối y. Lúc y cụp mắt nhìn thì nhoẻn cười, hỏi: “Chàng đọc quyển kinh nào đó?”

“Kinh Kim Cang.” Sở Thừa Tắc đáp, vẻ lạnh lùng trên mặt giảm đi rất nhiều.

Đúng vậy, kiếp trước là kiếp trước, kiếp này đã khác rồi, kiếp này bên cạnh y có cô.

Tần Tranh cười bảo. “Chàng ấy à, không tin Phật nhưng lại thích đọc kinh Phật.”

Sở Thừa Tắc lật một trang kinh trên tay, đáp: “Tĩnh tâm.”

Cơm chay nhanh chóng được các tăng đưa tới.

Vị sư chịu trách nhiệm tiếp khách nói: “Trong chùa không có phong cảnh gì đẹp, tuy nhiên căn phòng mà Vũ Đế tu hành năm xưa vẫn còn được bảo lưu, cây Ông Cháu trong sân cũng hơn ba trăm năm rồi, có không ít khách hành hương đến chùa đều treo thẻ ước nguyện lên đó, chư vị có thể đến tham quan.”

Tần Tranh cảm ơn vị sư kia. Đợi ông đi xong bèn nói với Sở Thừa Tắc. “Đã đến đây rồi thì lát nữa đi xem sao nhé.”

Sở Thừa Tắc không hứng thú lắm nhưng Tần Tranh muốn đi nên y cũng gật đầu.

Trong ký ức của y, trong sân đúng là có một cây bạch quả to, nhìn cũng được, còn phòng thiền thì chẳng có gì để xem. Năm xưa khi y rời khỏi chùa, không biết đã có bao nhiêu đệ tử vào ở căn phòng ấy, bây giờ mang nó ra để lấy tiếng, đúng là không nên.

Hơn nữa lần này đến chùa, y phát hiện Vân Cương Tự đã không còn chút gì giống với trong ký ức của y, chùa chiền mở rộng gấp mấy lần, nhà dành cho khách đến hành hương xây thêm cả trăm gian… Thiền viện năm xưa đã không còn nữa. Sau ba trăm năm tu bổ, e là đã không còn dáng vẻ khi xưa.

Dùng bữa xong, trụ trì đích thân dẫn họ đi tham quan trong chùa, Lâm Nghiêu và Tống Hạc Khanh cũng đi theo.

Tần Tranh vào sân liền nhìn thấy cây bạch quả treo đầy vải đỏ trên các cành bèn ngẩn người. “Đây chính là cây Ông Cháu à?”

Trụ trì mỉm cười, càng giống Phật Di Lặc. “Ông trồng cây, cháu hái quả, tên của cây này từ đó mà ra. Năm xưa lúc Vũ Đế bệ hạ tu hành trong chùa thường múc nước tưới cho nó, cái cây này cũng rất có duyên với ngài ấy.”

Bao năm nay có vô số khách hành hương đến tham quan cái cây này nhưng số người được nghe đích thân trụ trì giải thích lai lịch của nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kiếp trước Tần Tranh đã từng du ngoạn không ít danh lam thắng cảnh, không lạ gì với những lời thuyết trình cố gán ghép cảnh vật và danh nhân kiểu này nên trên mặt không có chút biểu cảm nào.

Nhưng Lâm Nghiêu và Tống Hạc Khanh nghe đây là cái cây mà Vũ Đế từng chính tay chăm sóc thì lập tức nhìn nó với ánh mắt sùng bái.

Tống Hạc Khanh run run sờ lên thân cây, nói: “Cây này được Vũ Đế bệ hạ chăm sóc mấy năm mà có thể trở thành một cây đại thụ chọc trời như thế, Đại Sở ta do một tay ngài gầy dựng nên, đương nhiên cũng có thể trường tồn hưng thịnh.”

Khóe môi Sở Thừa Tắc khẽ nhúc nhích.

Chẳng qua là năm đó những đệ tử ở trong khu này đều phải thay nhau quét dọn, tưới nước cho cây cỏ thôi mà cũng soạn thành bài thế này được à?

Giới thiệu xong cây bạch quả, trụ trì lại giới thiệu bia công đức cao hơn một trượng ở bên cạnh. Đúng như tên của nó, toàn bộ công tích của Vũ Đế đều được viết vào tấm bia đá này.

Công tích của vị khai quốc hoàng đề này Tần Tranh đã được nghe Lâm Chiêu kể nhưng bây giờ nghe trụ trì kể lại vẫn có được những thông tin mới mẻ:

“Nguyên Giang ngập lụt, bách tính vùng Giang Hoài hàng năm chịu khổ, không được yên ổn. Sau khi Vũ Đế thống nhất hai bờ Giang Hoài bèn tu sửa đê điều, khai thông đường thủy, xây đập Ngư Chủy và đập Đại Độ, từ đó từ Thanh Châu xuống phía nam mới không bị ngập lụt. Cái tên Lưỡng Yến Sơn cũng bắt đầu từ đó.”

Trụ trì mỉm cười, nói: “Thanh Châu là nơi đất lành.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.