Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 136: Chương 136




Trương Vô Kỵ lúc này thần trí đã hơi tỉnh táo, ám vận nội tức lưu chuyển, thấy chân khí đi đến ngực bên phải thì bị chặn lại, nghĩ thầm: "Ta còn một hơi thở, quyết không để cho lục đại phái giết một người của Minh giáo". Chàng liền đem chân khí vận chuyển qua bên trái ngực và bụng vài lần, thấy Tiểu Chiêu khóc rất thương tâm, liền nói:

- Tiểu Chiêu đừng sợ! Ta sẽ không chết đâu.

Tiểu Chiêu trong lòng nhẹ đi, buông hai tay ra, chỉ khóc nói:

- Công tử nếu phải chết, con sẽ cùng chết với công tử.

Trương Vô Kỵ từ từ đứng lên, nói:

- Phái Nga Mi, phái Võ Đang nếu còn vị nào không phục tại hạ dàn xếp, xin mời bước ra tỉ thí.

Chàng nói câu đó, mọi người ai nấy đều kinh hãi, thấy Chu Chỉ Nhược đâm một kiếm lợi hại như thế, vậy mà vẫn dám mở mồm khiêu chiến. Diệt Tuyệt sư thái lạnh lùng nói:

- Phái Nga Mi hôm nay thì đã thua rồi, nếu ngươi không chết, ngày sau thể nào cũng có dịp thanh toán. Chúng ta nay chỉ còn trông vào phái Võ Đang. Công việc này thành hay bại, đều do phái Võ Đang lo liệu cả.

Lục đại môn phái vây đánh Quang Minh Đỉnh, năm phái Không Động, Thiếu Lâm, Hoa Sơn, Côn Lôn, Nga Mi đều đã thua Trương Vô Kỵ rồi, chỉ còn một phái Võ Đang chưa từng giao thủ với chàng. Lúc này chàng đã bị kiếm thương, mười phần chết, một phần sống, không nói gì một cao thủ hạng nhất mà chỉ cần vài người thường đến gây rối, chàng cũng chịu không nổi, thậm chí không cần phải ai ra tay, đợi một lát có thể cũng lăn ra chết rồi. Võ Đang ngũ hiệp bất cứ người nào tiến lên, không phải phí sức cũng có thể giết được chàng, sau đó cứ theo kế sách đã vạch ra mà tru diệt Minh giáo.

Mọi người đều nghĩ thầm, phái Võ Đang từ trước đến nay vốn rất trọng hai chữ "hiệp nghĩa", nếu muốn họ ra tay đối phó với một thanh niên đang bị thương nặng ắt thanh danh sẽ bị tổn hại rất lớn, e rằng Võ Đang ngũ hiệp không ai đứng ra đâu. Thế nhưng nếu như phái Võ Đang không chịu ra tay, không lẽ việc "lục đại phái vi công Quang Minh Đỉnh" vang rền võ lâm kia lại cụp đuôi ra về? Như thế thì từ nay trở về sau, lục đại môn phái còn mặt mũi nào trong giang hồ nữa? Sự chọn lựa quả thực là khó khăn biết bao. Câu nói đó của Diệt Tuyệt sư thái, ý nói hôm nay vinh nhục của lục đại môn phái, toàn do phái Võ Đang quyết định cả, xem phái Võ Đang có ai dám vì bảo toàn đại cục mà hi sinh thanh danh cá nhân không?

Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Trương Tòng Khê, Ân Lê Đình, Mạc Thanh Cốc năm người nhìn nhau, mặt mày đăm chiêu, không ai dám có chủ ý. Tống Thanh Thư đột nhiên nói:

- Thưa cha, thưa bốn vị sư thúc, để hài nhi ra lo liệu y cho.

Võ Đang ngũ hiệp hiểu ngay ý của Tống Thanh Thư, y là hậu bối của phái Võ Đang, nếu có ra tay cũng không làm tổn thương anh danh của ngũ hiệp. Du Liên Châu nói:

- Không được. Chúng ta để cháu ra tay, có khác gì chính chúng ta ra tay đâu. Text được lấy tại truyenyy[.c]om

Trương Tòng Khê nói:

- Nhị ca, cứ ý kiến của đệ, đại cục là nặng mà tên tuổi năm huynh đệ mình là nhẹ.

Mạc Thanh Cốc nói:

- Tên tuổi chỉ là vật ngoại thân, có điều đối phó với một thanh niên trọng thương như thế, lương tâm mình không an.

Nhất thời bàn cãi không quyết định được, mọi người đưa mắt nhìn Tống Viễn Kiều, tính lặng chờ ông ta quyết định. Tống Viễn Kiều thấy Ân Lê Đình trước sau không nói nột lời, nhưng trên mặt đầy vẻ phẫn nộ, biết rằng người vợ chưa cưới là Kỷ Hiểu Phù bị thất thân vì Dương Tiêu của Minh giáo, khiến cho phải chết, là một đại hận, đại sỉ trong đời, nếu không giết tận Minh giáo, quét sạch gian ác dâm đồ thì làm sao tiêu tan được nỗi niềm đó, nên chậm rãi nói:

- Ma giáo tác ác biết bao nhiêu, trừ ác phải trừ cho hết, chính là đại tiết của đạo hiệp nghĩa. Thanh danh dĩ nhiên quan trọng rồi, nhưng trước mắt không thể vẹn được cả hai, thành thử chỉ giữ được cái lớn. Thanh Thư, con cẩn thận.

Tống Thanh Thư khom lưng đáp: "Vâng", đi đến trước mặt Trương Vô Kỵ, lớn tiếng nói:

- Tăng thiếu hiệp, nếu thiếu hiệp không phải là người trong Minh giáo, vậy thì cứ tự tiện đi khỏi, xuống núi tìm cách dưỡng thương. Lục đại phái chỉ tru diệt tà đồ ma giáo, không liên can gì đến người khác.

Trương Vô Kỵ tay trái giữ vết thương trên ngực, nói:

- Đại trượng phu đứng ra lo chuyện khó cho người, đến chết mới thôi. Đa tạ… đa tạ hảo ý của Tống huynh, có điều tại hạ… tại hạ quyết cùng với Minh giáo sống cùng sống chết cùng chết.

Người trong Minh giáo và Thiên Ưng giáo xôn xao lớn tiếng kêu lên:

- Tăng thiếu hiệp, thiếu hiệp đối với chúng tôi như thế là hết lòng hết dạ rồi, huynh đệ chúng tôi cảm kích vô cùng. Đến nước này, không cần phải tái đấu nữa.

Ân Thiên Chính loạng choạng bước đến gần, nói:

- Họ Tống kia, để lão phu tiếp cao chiêu của ngươi.

Nào ngờ hơi thở đứt quãng, đầu gối nhũn xuống, ngã phịch trên mặt đất. Tống Thanh Thư nhìn Trương Vô Kỵ nói:

- Tăng huynh, nếu đã như thế, tiểu đệ chỉ vì đại cục, đành phải đắc tội.

Tiểu Chiêu chặn ngay trước mặt Trương Vô Kỵ, kêu lên:

- Vậy ngươi giết ta trước đi rồi hãy tính.

Trương Vô Kỵ hạ giọng nói:

- Tiểu Chiêu, cô đừng lo lắng, y không giết được ta đâu.

Tiểu Chiêu vội la lên:

- Công tử… trên người đang bị thương!

Trương Vô Kỵ nhỏ nhẹ nói:

- Tiểu Chiêu, sao cô đối với ta tốt quá như thế?

Tiểu Chiêu nghẹn ngào đáp:

- Chỉ vì… chỉ vì công tử đối với ta thật tốt.

Trương Vô Kỵ chăm chăm nhìn nàng giây lát, nghĩ thầm: "Nếu như mình có chết ngay bây giờ, cũng có một người tri kỷ đối với mình thật hết lòng hết dạ", liền nói:

- Sau này, cô làm tiểu muội của ta đi.

Tiểu Chiêu từ từ gật đầu, vui sướng vô cùng. Tống Thanh Thư quay sang quát Tiểu Chiêu:

- Ngươi mau cút ra chỗ khác.

Trương Vô Kỵ nói:

- Sao ngươi đối với vị tiểu cô nương này hung hăng hò hét, thật là vô lễ.

Tống Thanh Thư giơ tay xô vào vai Tiểu Chiêu một cái, đẩy nàng ra mấy bước, nói:

- Yêu nữ, tà nam, có ra quái gì đâu. Mau đứng dậy, đỡ chiêu của ta.

Trương Vô Kỵ nói:

- Lệnh tôn Tống đại hiệp là người khiêm khiêm quân tử, thiên hạ không ai không phục. Các hạ lại thô bạo như thế, cùng ngươi động thủ, chắc chẳng cần… chắc chẳng cần đứng lên đâu.

Kỳ thực chàng không vận nổi kình lực, biết mình không sao đứng lên được. Trương Vô Kỵ sau khi bị thương, mất hết hơi sức, ai ai cũng đều biết cả. Du Liên Châu lớn tiếng nói:

- Thanh Thư, điểm huyệt để y không cử động được là đủ, không cần phải giết hắn ta làm gì.

Tống Thanh Thư đáp:

- Vâng.

Tay trái khoát lên lấy đà, tay phải tung ra nhắm ngay đầu vai Trương Vô Kỵ điểm tới. Trương Vô Kỵ ngồi yên, đợi ngón tay y điểm tới huyệt Kiên Trinh, mới dẫn nội lực đi lên, đẩy chỉ lực của y bật ra ngoài. Một chỉ đó của Tống Thanh Thư tưởng như đâm vào nước, không thấy một chút lực khí nào, vì bất ngờ không dự liệu, nên thân hình bổ nhào tới trước, suýt nữa ngã đè lên Trương Vô Kỵ, vội vàng gượng lại, nhưng cũng không khỏi luống cuống.

Y định thần, đá chân phải lên, nhằm ngay ngực Trương Vô Kỵ đạp tới, ngọn cước đó sử dụng đến sáu, bảy thành công lực. Tuy Du Liên Châu bảo y không nên giết Trương Vô Kỵ, nhưng không hiểu vì sao, trong lòng y đối với thanh niên này đầy thù hận, chẳng phải vì đã mắng y là thô bạo, mà chính vì Chu Chỉ Nhược nhìn chàng bằng cặp mắt đầy trìu mến, thiết tha, tuy sau vâng lệnh thầy đâm chàng một kiếm nhưng sắc mặt thật đau khổ, rõ ràng trong lòng hết sức xót xa.

Tống Thanh Thư từ khi gặp Chu Chỉ Nhược, mắt như dán vào người nàng, tuy đã hết sức tự chế, không dám nhìn lâu, để người khác khỏi coi y là người khinh bạc, nhưng nhất cử nhất động của nàng, dù khi nhíu mày, khi cười nụ, đều không qua khỏi mắt y, trong lòng chua chát nghĩ thầm: "Sau khi nàng đâm y một kiếm rồi, dù y chết hay y sống, kể từ nay trong lòng nàng sẽ không thể nào quên y được nữa". Y biết rằng nếu như y đánh chết Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược sẽ cực kỳ oán hận, thế nhưng lửa ghen bốc lên, y không thể nào bỏ qua cơ hội hiếm có này để giết kẻ thù. Tống Thanh Thư văn võ song toàn, lại là nhân vật xuất quần bạt tụy trong đám đệ tử đời thứ ba của phái Võ Đang, vốn xưa nay chính trực trọng nghĩa, thế nhưng khi vướng vào cái cửa "tình" này, bụng dạ không còn an bình được nữa.

Mọi người thấy Tống Thanh Thư đá cú ấy, nếu Trương Vô Kỵ không nhảy ra ngoài tránh thì cũng phải giơ tay lên đỡ, thế nhưng chàng gượng ngồi cũng đã cực kỳ khó khăn, xem ra cú đá này thể nào cũng khiến chàng táng mạng. Vừa thấy năm ngón chân chạm vào ngực, năm ngón tay của Trương Vô Kỵ liền phẩy nhẹ, chân Tống Thanh Thư lập tức chuyển hướng, đâm xéo xuống bên cạnh người, chỉ cách Vô Kỵ chừng ba tấc, cú đá đó hóa ra đá vào chỗ không.

Tống Thanh Thư không cách nào có thể thu chân về, liền tiện đà bước tới một bước, gót chân trái nhắm ngay lưng Trương Vô Kỵ đạp trở lại, chiêu đó vừa nhanh lại vừa ác liệt, là một chiêu số cực kỳ cao minh khó ai liệu nổi. Thế nhưng mấy ngón tay của Trương Vô Kỵ lại phất nhẹ, lập tức đẩy ngay gót chân y ra ngoài.

Ba chiêu qua, những người chung quanh ai nấy đều lạ lùng. Tống Viễn Kiều kêu lên:

- Thanh Thư, bản thân y không còn một chút hơi sức nào cả, đây là phép bốn lượng gạt nghìn cân đấy thôi.

Ông nhãn quang già dặn, nhìn thấy Trương Vô Kỵ hoàn toàn mất hết kình lực, công phu sử dụng có vẻ quái dị, nhưng căn bản cũng không ngoài phương pháp mượn sức đánh sức trong võ học.

Tống Thanh Thư được cha lên tiếng chỉ bảo, chiêu số liền biến đổi, hai tay nhẹ nhàng phiêu phiêu, khi có khi không đánh ra, chính là Miên Chưởng, một trong những tuyệt học của phái Võ Đang. Tá lực đả lực chính là căn bản võ công của phái Võ Đang nên Miên Chưởng y sử dụng lúc có lúc không chính là để đối phương không có cách nào mượn sức. Thế nhưng Trương Vô Kỵ đã luyện đến Càn Khôn Đại Na Di thần công cấp thứ bảy, Miên Chưởng tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn hữu hình hữu kình, tay trái chàng chặn vết thương trên ngực, năm ngón tay phải tưởng như gảy đàn, lúc khẩy lúc xoay, khi búng khi gạt, nửa thân trên hoàn toàn bất động, trong giây lát đã hoàn toàn hóa giải ba mươi sáu chiêu Miên Chưởng của Tống Thanh Thư.

Tống Thanh Thư hết sức kinh hãi, ngẫu nhiên quay đầu, chạm phải ánh mắt Chu Chỉ Nhược, thấy nàng mặt đầy vẻ lo âu, cảm thấy vừa cay cú vừa tức bực, biết nàng quan thiết không phải cho mình, lập tức hít một hơi dài, tay trái giơ ra tát mạnh mào má Trương Vô Kỵ, tay phải giơ chỉ điểm vào huyệt Khuyết Bồn trên đầu vai trái. Chiêu đó có tên là Hoa Khai Tịnh Đế, tên dễ nghe như vậy nhưng chiêu số cực kỳ lợi hại, hai tay đánh xong rồi, lập tức tay phải biến thành tát, tay trái biến thành chỉ điểm vào huyệt Khuyết Bồn của vai bên phải. Cả hai chiêu Hoa Khai Tịnh Đế liền lạc thành một, liên tiếp bốn thức đánh ra, tưởng như gió táp mưa sa, thế đạo cực kỳ mãnh liệt, thủ pháp nhanh nhẹn cấp kỳ, quả thật ghê gớm không thể tả. Mọi người trông thấy tình hình như thế ai nấy hoảng hốt kêu lên, không hẹn mà cùng tiến lên một bước.

Chỉ nghe bốp bốp hai tiếng thật dòn, chưởng trái của Tống Thanh Thư đánh luôn vào má trái của mình, ngón tay trỏ bên phải điểm luôn vào huyệt Khuyết Bồn trên đầu vai trái, tiếp theo chưởng phải đánh luôn vào má bên phải, tay trái lại điểm luôn vào huyệt Khuyết Bồn bên phải. Bốn thức của chiêu Hoa Khai Tịnh Đế Tống Thanh Thư đánh ra đều trúng cả, nhưng bị Trương Vô Kỵ dùng Càn Khôn Đại Na Di công phu đẩy ngược lại chính mình. Nếu y đánh ra chậm đi một tí, thì khi huyệt Khuyết Bồn trên vai phải của mình bị điểm rồi, hai chiêu sau không có lực đánh ra, nhưng vì bốn thức liên hoàn, cực kỳ nhanh nhẹn, huyệt bên vai trái tuy đã bị điểm rồi, cánh tay vẫn chưa kịp tê, đến khi sử xong nửa sau của chiêu Hoa Khai Tịnh Đế rồi, bấy giờ chân tay mới nhũn ra, bình một tiếng ngã ngửa, vùng vẫy một hồi mới đứng lên được.

Tống Viễn Kiều lập tức lao vụt ra, tay trái nắn mấy cái, giải khai huyệt đạo cho con. Chỉ thấy hai bên má y sưng vù, mỗi bên hằn vết năm ngón tay tím bầm, biết y bị thương tuy nhẹ nhưng Tống Thanh Thư tâm cao khí ngạo, hôm nay bị nhục trước mặt mọi người, so với giết y đi còn dễ chịu hơn, thành thử không nói một lời, dắt tay con trở về bản phái.

Bấy giờ bốn bên tiếng hoan hô nổi lên, kẻ đứng lên, người ngồi xuống, bàn tán khen ngợi xôn xao, nghe ù cả tai. Đột nhiên Trương Vô Kỵ há hốc mồm, ọc ra một ngụm máu tươi, tay chặn ngực ho lên sù sụ. Tiểu Chiêu đứng bên cạnh, giơ tay bịt miệng vết thương của chàng, vừa khóc vừa hạ giọng an ủi. Mọi người chăm chăm nhìn chàng, hết sức lo lắng, nghĩ thầm: "Y sau khi bị thương nặng rồi còn phải cố gắng chống đỡ thế tấn công như bão táp của Tống Thanh Thư, tuy đắc thắng, nhưng nội lực tiêu hao rất nhiều". Có người nhìn chàng, rồi lại nhìn phái Võ Đang, không biết đã chịu thua chưa, hay vẫn cử người khác ra đấu tiếp.

Tống Viễn Kiều nói:

- Việc ngày hôm nay, phái Võ Đang cũng đã tận lực rồi, chắc rằng ma giáo khí số chưa dứt, nên trời mới sai một thanh niên kỳ quái xuống đây. Nếu còn tiếp tục đấu dây dưa mãi, danh môn chính phái và ma giáo có khác gì nhau?

Du Liên Châu nói:

- Đại ca nói đúng lắm. Bọn ta hôm nay lập tức quay về núi, xin sư phụ chỉ điểm thêm. Ngày sau phái Võ Đang có dịp quay lại, đợi thanh niên này thương thế khỏi rồi, tái quyết thắng phụ.

Mấy câu đó ông nói thật quang minh lỗi lạc, hào khí ngùn ngụt, hôm nay tuy thua, nhưng không tin là phái Võ Đang tài nghệ lại chịu kém người. Trương Tòng Khê và Mạc Thanh Cốc cũng nói:

- Quả đúng như thế.

Bỗng nghe soạt một tiếng, Ân Lê Đình đã rút trường kiếm ra khỏi vỏ, đôi mắt rưng rưng, hung hăng tiến tới, mũi kiếm chỉ vào Trương Vô Kỵ, nói:

- Họ Tăng kia, ta và ngươi vô oán vô cừu, nếu bây giờ ra tay giết ngươi, Ân Lê Đình này không đáng xưng là "hiệp nghĩa". Thế nhưng Dương Tiêu và ta thù sâu như bể, ta không giết y không xong, ngươi đứng tránh ra.

Trương Vô Kỵ lắc đầu:

- Vãn bối còn một hơi thở, quyết không để ai giết một người nào của Minh giáo.

Ân Lê Đình nói:

- Nếu thế ta phải giết ngươi trước.

Trương Vô Kỵ lại hộc ra một ngụm máu, thần trí hôn mê, tâm tình khích động, thều thào nói:

- Ân lục thúc, lục thúc giết cháu đi.

Ân Lê Đình nghe thấy ba tiếng "Ân lục thúc" giọng điệu cực kỳ quen thuộc, trong đầu chợt lóe lên: "Vô Kỵ khi còn bé vẫn thường gọi ta như thế, thanh niên này…". Ông chăm chăm nhìn chàng, càng nhìn càng thấy giống, tuy xa cách đã tám năm, Trương Vô Kỵ từ một đứa bé nay thành một thanh niên tráng kiện, tướng mạo đã thay đổi rất nhiều, nhưng trong lòng Ân Lê Đình đã nghĩ rằng "không lẽ đây là cháu Vô Kỵ", nên khi nhìn kỹ, từng điểm từng điểm khuôn mặt xưa kia của Vô Kỵ hiện ra, giật mình run run kêu lên:

- Ngươi… ngươi là Vô Kỵ đấy ư?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.