Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 139: Chương 139




Dương Tiêu và các nhân vật thủ lãnh đều xúm quanh thi thể vợ chồng Dương Đính Thiên, nghe Trương Vô Kỵ thuật lại làm sao nhặt được di thư của Dương giáo chủ, làm sao luyện thành Càn Khôn Đại Na Di thần công tâm pháp. Chàng nói xong, đem tấm da dê ghi tâm pháp giao lại cho Dương Tiêu. Dương Tiêu không nhận, khom lưng đáp:

- Dương tiền giáo chủ trong thư đã viết rõ ràng: Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp tạm do Tạ Tốn tiếp chưởng, về sau sẽ giao lại cho tân giáo chủ. Vậy thì tâm pháp này phải do chính giáo chủ chưởng quản.

Sau đó mọi người chuyền tay nhau đọc di thư của Dương Đính Thiên, ai nấy đền phẫn khái thở dài:

- Có ai ngờ một người thần dũng trí mưu như Dương giáo chủ, chỉ vì tình nghĩa vợ chồng đến nỗi tẩu hỏa nhập ma mà quy thiên. Nếu như chúng ta sớm được đọc lá thư này, thì đâu đến nỗi hôm nay thua một trận không còn manh giáp thế này.

Mọi người nghĩ đến đồng bọn bị chết thảm, chính mình phải bỏ chạy nhục nhã, ai nấy nghiến răng chửi bới Thành Côn. Dương Tiêu nói:

- Gã Thành Côn kia tuy là sư huynh của Dương giáo chủ phu nhân, là sư phụ của Kim Mao Sư Vương nhưng trước kia chúng ta chưa ai gặp y lần nào, thấy người này quả thực là tâm kế. Thì ra mấy chục năm trước, y đã chăm chăm tìm cách phá hủy bản giáo rồi.

Chu Điên nói:

- Dương tả sứ, Vi Bức Vương, hai người đều rơi vào kế của y mà không hề hay biết, có thể nói là bất tài đó.

Y vốn định nói cả Ân Thiên Chính luôn, nhưng vì nể mặt giáo chủ nên không nhắc đến bốn chữ "lão già Bạch Mi" mà thôi. Dương Tiêu mặt đỏ lên, nói:

- Thế nhưng "lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt", tên ác tặc Thành Côn kia sau cùng cũng bị táng mạng dưới chưởng của Dã Vương huynh.

Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa Kỳ là Tân Nhiên hậm hực nói:

- Tên ác tặc Thành Côn kia làm biết bao điều ác nghiệt, vậy mà chết như thế thì quả thật là sướng cho y.

Mọi người bàn tán một hồi, rồi chia ra tĩnh tọa dụng công để dưỡng lành thương thế. Ở trong bí đạo bảy tám ngày, vết thương của Trương Vô Kỵ đã khỏi đến chín phần, thành một cái sẹo dài hơn tấc, liền ra tay trị cho các anh em bị ngoại thương. Tuy nơi đây dược vật thiếu thốn, nhưng với tài xoa nắn, châm cứu của chàng, vẫn chẳng kém gì một đại danh y. Trước kia mọi người chi biết rằng vị giáo chủ trẻ tuổi này võ công cao thâm không ai lường được, có biết đâu y đạo chàng cũng tinh thông đến thế, chẳng kém gì Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu năm xưa.

Lại thêm vài ngày nữa, kiếm thương của Trương Vô Kỵ hoàn toàn khỏi hẳn, lập tức vận Cửu Dương thần công giúp cho Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Ngũ Tản Nhân khu trục hàn độc Huyễn Âm Chỉ trong người ra. Chỉ trong ba ngày, nội thương của các đại cao thủ đều hết, người nào người nấy ý khí phấn chấn, muốn ra khỏi đường hầm, tiến lên tấn công kẻ địch. Trương Vô Kỵ nói:

- Các vị thương thế mới khỏi, nội lực chưa đầy đủ, mình đã nhẫn nại lâu nay, vậy xin cố đợi thêm ít hôm nữa.

Mấy ngày đó mọi người càng ra công rèn luyện, kẻ võ công thấp thì mài đao dũa kiếm, kẻ võ công cao thì luyện khí vận kình, từ khi lục đại phái vi công Quang Minh Đỉnh đến giờ, Minh giáo chỉ toàn là bị đánh thật là nhục nhã, bao nhêu oán khí đều tích tụ vào đây.

Buổi chiều hôm đó, Dương Tiêu đem giáo nghĩa tông chỉ của Minh giáo, các quy củ tương truyền từ đời trước đến nay, thế lực chi đàn các nơi thế nào, tính cách tài năng các nhân vật thủ lãnh, bẩm báo Trương Vô Kỵ hết cả.

Bỗng nghe tiếng dây xích leng keng, Tiểu Chiêu bưng trà đem vào, đưa lên hai chén trà nóng. Trương Vô Kỵ nói:

- Dương tả sứ, cô gái này gần đây không làm điều gì sai trái, xin ông mở khóa thả cô ta ra đi.

Dương Tiêu đáp:

- Giáo chủ đã có lệnh, đâu không dám không theo.

Lập tức gọi Dương Bất Hối vào, nói:

- Bất Hối, giáo chủ dặn rằng con mở khóa cho Tiểu Chiêu đi.

Dương Bất Hối đáp:

- Chìa khóa con để trong ngăn kéo trong phòng, không đem xuống đây.

Trương Vô Kỵ nói:

- Cái đó cũng không sao, chìa khóa chắc đốt không cháy đâu.

Dương Tiêu đợi con gái và Tiểu Chiêu ra khỏi rồi, nói:

- Giáo chủ, con tiểu a đầu Tiểu Chiêu tuy tuổi nhỏ, nhưng lại thực là quái lạ, với nó không thể không lưu tâm giữ gìn.

Trương Vô Kỵ hỏi:

- Lai lịch tiểu cô nương đó ra sao?

Dương Tiêu trả lời:

- Nửa năm trước đây, thuộc hạ và Bất Hối xuống núi du ngoạn, gặp nó một thân một mình trong sa mạc, đang ngồi ôm hai cái xác chết khóc lóc. Chúng tôi liền đến gần tra hỏi, nó nói người chết chính là cha mẹ nó. Cha nó ở Trung Nguyên đắc tội với quan quân, cả nhà ba người bị xung quân đưa đi Tây Vực, mấy hôm trước vì không chịu nổi cảnh lăng nhục của quân Mông Cổ nên bỏ trốn. Cha mẹ nó bị thương nên kiệt lực hai người cùng chết cả. Tôi thấy đứa bé này còn nhỏ mà đã cô khổ lênh đênh, tuy mặt mày cực kỳ xấu xí, nhưng nói năng không đến nỗi ngu đần nên giúp nó chôn cha mẹ, nhận nó đem về hầu hạ Bất Hối.

Trương Vô Kỵ gật đầu nghĩ thầm: "Thì ra cha mẹ Tiểu Chiêu cùng chết cả rồi, thân thế thật là đáng thương, chẳng khác gì ta cả". Dương Tiêu nói tiếp:

- Chúng tôi đưa Tiểu Chiêu về Quang Minh Đỉnh rồi, một hôm tôi dạy võ nghệ cho Bất Hối, Tiểu Chiêu đứng bên cạnh nghe, nào ngờ khi tôi giải thích phương vị của sáu mươi tư quẻ, Bất Hối còn chưa hiểu, mắt của Tiểu Chiêu đã nhìn đúng ngay vị trí rồi.

Trương Vô Kỵ nói:

- Có lẽ cô ta thiên tư thông tuệ, ngộ tính so với Bất Hối muội tử nhanh hơn chăng?

Dương Tiêu nói:

- Lúc đầu thuộc hạ cũng nghĩ như thế cho nên rất cao hứng, nhưng chỉ suy nghĩ lại, bỗng khởi nghi, cố ý nói sai mấy câu khẩu quyết thật khó mà tôi chưa dạy Bất Hối bao giờ. Lúc đó mặt trời đã ngả về phương tây, địa hỏa Minh Di, thủy hỏa Vị Tế, tôi cố tình nói sai phương vị, con bé đó liền cau mày, dĩ nhiên đã nhìn ra chỗ sai của tôi. Từ đó thuộc hạ lưu tâm, biết là tiểu cô nương này đã được cao nhân truyền thụ, thân mang thượng thừa võ công, lên Quang Minh Đỉnh này không phải là chuyện bình thường, mà có một mục đích nào đó.

Trương Vô Kỵ nói:

- Hoặc giả cha cô ta tinh thông Dịch lý, đây là sở học gia truyền, nên biết được như thế.

Dương Tiêu đáp:

- Xin giáo chủ minh giám: cái học về Dịch lý của văn sĩ so với dịch lý trong võ học có chút khác nhau. Nếu như sở học của Tiểu Chiêu là do cha mẹ truyền cho thì cha mẹ nó phải là nhất lưu cao thủ trong võ lâm, thế thì lẽ nào lại bị quan quân Mông Cổ lăng nhục mà chết? Khi đó tôi giả tảng như không biết, vài hôm sau mới hỏi qua tên tuổi, thân thế cha mẹ nó. Nó chối sạch nhưng cũng không để lộ một chút dấu vết nào. Khi đó tôi cũng chưa hành động chỉ dặn Bất Hối để ý thôi.

Một buổi kia tôi kể chuyện vui, Bất Hối cười khanh khách, Tiểu Chiêu đứng bên nghe, nhịn không nổi cũng cười theo. Khi đó nó đứng đằng sau tôi và Bất Hối, nghĩ rằng cha con tôi không nhìn thấy nó, nào ngờ trong tay Bất Hối đang cầm chơi một con dao găm, con dao đó sáng loáng như gương, phản chiếu rõ ràng nụ cười của con bé đó. Nó đâu có phải là một con bé xấu? Dung mạo của nó so với Bất Hối còn đẹp hơn nhiều, hơn nữa lại rất giống một người, người đó có quan hệ rất lớn với Minh giáo. Đến khi tôi quay đầu nhìn lại, nó lập tức biến thành một đứa bé quái tướng mồm méo mắt lệch.

Trương Vô Kỵ mỉm cười nói:

- Suốt ngày giả cách thành quái dị như thế, quả thực không phải dễ dàng.

Bụng lại nghĩ: "Dương tả sứ là một nhân vật lợi hại thế này, Tiểu Chiêu chỉ là một cô bé con mà lại muốn bẻ trộm hoa trước mặt ông ta thì làm sao dấu nổi".

Dương Tiêu nói tiếp: nguồn t r u y ệ n y_y

- Thế nhưng khi đó tôi vẫn để yên không nói, tối hôm đó, canh khuya khi mọi người đã ngủ yên, tôi len lén đến phòng con gái để xem Tiểu Chiêu làm gì. Ngay lúc đó Tiểu Chiêu từ phòng Bất Hối đi ra, đi qua bên các phòng phía đông, không biết đi tìm cái gì, mỗi gian, mỗi chỗ kín đáo đều lục lọi cả. Tôi không còn nhịn nổi nữa, bước ra hỏi nó tìm cái gì, do ai phái đến Quang Minh Đỉnh dò xét nằm vùng.

Nó vẫn trấn tĩnh, không một chút hoảng hốt, nói không ai phái đến cả, chỉ vì hiếu kỳ thích đi nơi này nơi khác chơi cho vui thôi. Tôi dọa nạt khuyên bảo dụ dỗ cách nào, nó chung quy vẫn không lộ nửa câu. Tôi nhốt nó bảy ngày bảy đêm không cho ăn, đói đến nỗi chỉ còn thoi thóp, nó cũng không chịu nói. Thành thử tôi mới đem chiếc xích lưu truyền trong bản giáo đã lâu nay khóa nó lại, để khi nào đi lại vang tiếng leng keng, không thể lén gia hại Bất Hối. Tôi sở dĩ chưa giết nó ngay, cốt để tra xét lai lịch của nó. Giáo chủ, con tiểu a đầu này do địch nhân sai đến đây nằm vùng, không còn nghi ngờ gì nữa, chẳng qua nó rất giống một người cũ, chuyện cũ năm xưa tôi cũng không để ở trong lòng. Thế nhưng một đứa bé con thì làm được gì? Vì tình nó chăm lo hầu hạ giáo chủ, giáo chủ từ bi tha cho nó, cũng là may cho nó lắm rồi.

Trương Vô Kỵ đứng dậy, cười nói:

- Bọn mình ở trong địa lao này tù túng đã lâu ngày, bây giờ đi ra ngoài cho thư thái một chút nên chăng?

Dương Tiêu mừng rỡ, hỏi lại:

- Mình định đi ra ư?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Những người bị thương chưa khỏi, dù thế nào chăng nữa cũng không được động thủ, muốn lập công không phải chỉ ngày hôm nay. Còn bao nhiêu đều ra cả, có được không?

Dương Tiêu liền đi ra truyền lệnh, trong bí đạo tiếng hoan hô ầm ỹ. Mọi người khi vào đường hầm là theo cửa ngõ trong phòng Dương Bất Hối, bây giờ đi ra là theo cửa hông, đi thông qua phía hậu sơn. Trương Vô Kỵ đẩy tảng đá chắn lối, tự mình ra trước, đợi mọi người ra hết rồi mới đẩy tảng đá trở lại. Chưởng kỳ sứ Hậu Thổ Kỳ Nhan Viên là người có thần lực mạnh nhất trong Minh giáo, liền đẩy thử tảng đá trông như hòn núi nhỏ kia xem sao, thấy chẳng khác nào chuồn chuồn lay cột nhà, không nhúc nhích chút nào, kinh hãi le lưỡi không rụt lại được, càng nghĩ càng phục vị giáo chủ trẻ tuổi này.

Mọi người ra khỏi bí đạo, sợ rằng địch nhân phát giác, đến tiếng đằng hắng cũng không ai dám mở miệng. Trương Vô Kỵ đứng trên một tảng đá lớn, dưới ánh trăng, thấy giáo chúng Thiên Ưng giáo dàn thành vị trí khách ở hướng tây, Thiên Vi, Tử Vi, Thiên Thị tam đường, Thần Xà, Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Võ ngũ đàn, đâu đâu cũng có hàng ngũ, sắp đặt nhịp nhàng trật tự. Nguyên là bọn đàn chủ Bạch Quy Thọ đã tạ thế, sớm đã lập đàn chủ mới. Ở phía đông là ngũ kỳ của Minh giáo: Nhuệ Kim, Cự Mộc, Hồng Thủy, Liệt Hỏa, Hậu Thổ các kỳ do chính, phó chưởng kỳ sứ tất lãnh anh em trong kỳ chia theo phương vị ngũ hành mà đứng. Ở giữa là thuộc hạ của Dương Tiêu gồm Thiên, Địa, Phong, Lôi tứ môn do các môn chủ thống lãnh giáo chúng trên Quang Minh Đỉnh. Thiên Tự Môn là nam giáo chúng Trung Nguyên, Địa Tự Môn là nữ giáo chúng, Phong Tự Môn là người tu hành Thích gia, Đạo gia. Minh giáo tuy là giáo phái độc đáo bái lửa, nhưng môn hộ rất động, giáo đồ Thích Đạo Cảnh Hồi đều có thể nhập giáo mà không cần rời bỏ giáo phái cũ, còn Lôi Tự Môn là người thuộc phiên bang, Tây Vực. Tuy liên tiếp chiến đấu nhiều ngày qua, Ngũ Hành, Tứ Môn số người thương vong rất lớn nhưng lúc này ai ai cũng đều phấn chấn. Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu và Ngũ Tản Nhân đứng sau lưng hộ vệ giáo chủ. Ai nấy đều yên lặng chờ Trương Vô Kỵ ra lệnh.

Trương Vô Kỵ chậm rãi nói:

- Địch nhân đến tấn công trọng địa của bản giáo, chúng ta tuy muốn chấm dứt một cách an lành nhưng cũng không xong. Thế nhưng bản nhân vốn không muốn tàn sát, cũng mong các vị thể niệm ý nguyện đó cho, tìm chỗ khoan dung mà độ lượng. Thiên Ưng giáo do Ân giáo chủ tất lãnh, từ phía tây tấn công tới, Ngũ Hành Kỳ do Cự Mộc Kỳ chưởng kỳ sứ Văn Thương Tùng thống lãnh, từ phía đông đánh qua. Dương tả sứ tất lãnh Thiên, Địa Tự Môn từ phía bắc đánh xuống. Ngũ Tản Nhân tất lãnh Phong, Lôi Tự Môn từ phía nam đánh lên còn Vi Bức Vương cùng bản nhân ở giữa điều động.

Mọi người cùng khom lưng nhận lệnh. Trương Vô Kỵ phất tay một cái, hạ giọng nói:

- Tiến lên.

Bốn đội giáo chúng liền chia ra bốn mặt đông tây nam bắc bao vây Quang Minh Đỉnh. Trương Vô Kỵ quay sang nói với Vi Nhất Tiếu:

- Bức Vương, bọn mình từ đường hầm chui lên, đánh cho chúng trở tay không kịp.

Vi Nhất Tiếu mừng quá, nói:

- Hay lắm.

Hai người quay trở lại đường hầm, theo khuê phòng của Dương Bất Hối đi ra. Lúc đó bên trên đã đầy gạch ngói, gỗ cháy sụp xuống, mất rất nhiều công lao mới chui ra được, mùi khói khét lẹt. Khi đó giáo chúng Minh giáo còn ở xa nhưng địch nhân trú đóng trên Quang Minh Đỉnh đã phát giác rồi, kêu la om xòm, báo động lẫn cho nhau. Trương Vô Kỵ và Vi Nhất Tiếu hai người nhìn nhau, nghĩ thầm: "Bọn này hoảng hoảng hốt hốt, chưa cần đánh đã biết thắng bại ra sao rồi".


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.