Lúc này trời đã tối hẳn, người của Minh giáo liền đốt lửa lên, làm lò nấu ăn. Trương Vô Kỵ vẫn ngồi trên ngọn đồi, nhìn trăng lên dần mới quyết định: "Phải lên núi Thiếu Lâm gặp chưởng môn Không Văn thần tăng, nói rõ đầu đuôi, yêu cầu ông ta đưa ra một biện pháp". Nghĩ thế xong lại tưởng: "Nếu như mình nói xong rồi không đến đâu, phải động thủ thì làm sao đây?".
Chàng thở dài một tiếng, đứng lên, nghĩ thầm: "Ta tuổi còn trẻ, mới giữ nhiệm vụ lớn, gặp ngay một chuyện thật khó nghĩ, chỉ một lòng muốn bãi chiến, không tranh giành, thế nhưng những món nợ máu này lại ép mình phải tiến tới. Ta đảm đương trọng nhiệm giáo chủ Minh giáo, từ chối cũng không xong, bỏ đi cũng không được, từ nay còn bao nhiêu là lo buồn, khốn khổ thực không kể đâu cho xiết. Giá như không làm giáo chủ có phải sướng biết bao?".
Chàng trở về bên đống lửa, mọi người tuy bụng đói, nhưng chưa ai dám cầm đũa ăn trước, vội vàng cung kính đứng lên. Trương Vô Kỵ thấy vậy áy náy, vội nói:
- Các vị từ nay về sau cứ dùng bữa tự nhiên, không phải đợi tôi làm gì.
Chàng đến thăm Ân Lê Đình, thấy Dương Bất Hối đang dùng nước nóng lau những vết thương, đang cho chàng ăn cháo. Ân Lê Đình thần trí mơ hồ, đột nhiên mắt mở to, trừng trừng nhìn Dương Bất Hối, kêu lên:
- Hiểu Phù muội tử, huynh nhớ muội biết là chừng nào, muội có biết không?
Dương Bất Hối mặt đỏ bừng, thần sắc thật là bẽn lẽn, tay phải cầm muỗng nói nhỏ:
- Lục hiệp uống thêm vài thìa nữa.
Ân Lê Đình nói:
- Muội hứa đừng bao giờ xa huynh nữa nhé.
Dương Bất Hối nói:
- Được rồi, được rồi. Lục hiệp ăn thêm vài thìa rồi sẽ nói sau.
Ân Lê Đình dường như trong lòng hết sức vui sướng, vội há mồm ăn ngay. Hôm sau Trương Vô Kỵ truyền lệnh xuống, mọi người tạm thời đừng phân tán vội, tất cả cùng đi lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, hỏi cho ra nguyên ủy việc Ân Lê Đình bị thương rồi sẽ tính sau. Cả bọn Vi Nhất Tiếu, Chu Điên thấy Ân Lê Đình bị thương nặng như thế, trong bụng ai cũng bất bình, nghe giáo chủ bảo đi lên Thiếu Lâm vấn tội, đều lớn tiếng hoan hô. Dương Tiêu vì việc Kỷ Hiểu Phù, đối với Ân Lê Đình hết sức thương cảm, tuy không nói ra nhưng trong bụng đã có chủ ý, quyết tâm hết sức vì chàng mà báo thù, lại bảo con gái cố gắng chăm lo săn sóc, bù lại phần nào lỗi lầm khi xưa.
Từ đó trên đường không gặp chuyện gì khác lạ. Ân Lê Đình lúc mê lúc tỉnh, Trương Vô Kỵ hỏi chàng bị thương thế nào, Ân Lê Đình ngơ ngẩn không kể rõ được, chỉ nói:
- Năm hòa thượng phái Thiếu Lâm vây đánh một mình ta. Đúng là võ công phái Thiếu Lâm không thể nào lầm được.
Chẳng bao lâu cả đoàn tiến vào Ngọc Môn Quan, liền bán hết lạc đà chuyển sang cưỡi ngựa, lại sợ người ngoài dòm ngó nên mua quần áo cải trang làm khách thương. Có người thì đánh xe lừa, giả vờ như chở theo hàng hóa, thuốc men.
Hôm đó sáng sớm mọi người đã ra đi, theo đường lớn Cam Lương mà đi, ánh mặt trời chói lọi, trời đã bắt đầu nóng. Đi được chừng hai giờ, thấy trước mặt một hàng dương liễu khoảng hai chục cây, ai nấy đều mừng rỡ, vội vàng thúc ngựa đi tới dưới bóng cây nghỉ ngơi.
Đến gần hơn, đã thấy dưới tàn cây có chín người ngồi đó, tám người đàn ông mặc quần áo kiểu thợ săn, bên hông đeo đao, lưng đeo cung tên, còn thêm năm sáu con chim ưng dùng để đi săn, lông đen móng sắc, hình dáng trông rất hiên ngang. Một người nữa là thanh niên công tử, mặc áo dài lam, phe phẩy quạt lông không dấu vẻ ung dung sang trọng.
Trương Vô Kỵ nhảy xuống ngựa, liếc nhìn thanh niên công tử kia một cái, thấy chàng ta tướng mạo cực kỳ đẹp đẽ, đôi mắt trắng đen rõ ràng, lấp loáng hữu thần, cái quạt trong tay cán làm bằng bạch ngọc, bàn tay cầm quạt cũng trắng không khác gì cán quạt. Bỗng mọi người không hẹn mà cùng nhìn xuống ngang hông công tử đó, thấy thắt lưng có khóa bằng vàng, đeo một thanh trường kiếm, trên cán kiếm có khắc hai chữ Ỷ Thiên theo kiểu triện. Nhìn kiếm đó, hình dáng dài ngắn, chính là thanh kiếm Ỷ Thiên mà Diệt Tuyệt sư thái đã dùng để đồ sát giáo chúng Minh giáo và Chu Chỉ Nhược đã dùng để đâm Trương Vô Kỵ một nhát suýt chết. Người trong Minh giáo ai nấy ngạc nhiên, Chu Điên nhịn không nổi toan lên tiếng hỏi. Ngay lúc đó, thấy trên đường cái từ phía đông có tiếng vó ngựa lộp cộp, một đoàn người cưỡi ngựa chạy ào tới.
Đoàn người đó là một đội quân Nguyên, khoảng chừng năm sáu chục người, lại có thêm khoảng trên trăm phụ nữ, bị quân Mông Cổ dùng thừng trói lôi theo. Những người đàn bà đó phần lớn chân yếu tay mềm, làm sao chạy kịp với ngựa, có người ngã lăn, liền bị kéo lê trên đất. Họ đều là người Hán, hiển nhiên là dân chúng bị đoàn quân Nguyên này bắt cóc, hơn nửa y phục rách bươm, có người lộ cả thân trên, khóc khóc mếu mếu, cực kỳ thảm thiết. Quân Nguyên có đứa tay cầm bình rượu, uống đã nửa tỉnh nửa say, có kẻ vung roi đánh túi bụi vào đám phụ nữ. Những tên quân Mông Cổ này lớn lên trên lưng ngựa, thuật đánh roi cực kỳ xảo diệu, roi vung ra lúc rút về đều cuốn một mảng quần áo của những người đàn bà. Những kẻ khác liền lớn tiếng reo hò, cười nói xí xố.
Người Mông Cổ xâm nhập Trung Quốc đã gần một trăm năm, trước nay vẫn coi người Hán chẳng bằng súc vật, nhưng ngay giữa ban ngày ban mặt làm trò dâm ô hối nhục thế này thì là điều ít thấy. Người trong Minh giáo ai nấy mắt như đổ lửa, chỉ chờ Trương Vô Kỵ ra lệnh một tiếng, là lập tức xông ra giết bọn quân binh cứu người.
Thanh niên công tử kia bỗng nói:
- Ngô Lục Phá, ngươi ra bảo bọn chúng thả những người đàn bà ra, quấy rối như thế, còn ra cái giống gì nữa. Nguồn tại http://truyenyy[.c]om
Thanh âm trong trẻo, vừa yểu điệu vừa nũng nịu, tưởng như giọng con gái. Một đại hán đáp lời: "Vâng", cởi giây buộc một con ngựa vàng dưới gốc cây, nhảy lên lưng ra roi chạy lên, lớn tiếng quát:
- Này, ban ngày mà làm loạn như thế, các ngươi không có quan trưởng ước thúc hay sao? Mau thả đàn bà con gái ra ngay lập tức.
Một tên quan quân trong đám Nguyên binh giục ngựa chạy ra, mắt lờ đờ say, tay vẫn còn cắp một thiếu nữ, cười ha hả nói:
- Thằng chó chết kia không muốn sống hả, sao dám xen vào chuyện của các ông?
Đại hán nọ cười nhạt nói:
- Thiên hạ loạn lạc khắp nơi, cũng vì chúng mày không biết thương xót trăm họ mà ra cả, để ta dạy các ngươi một trận cho biết phép tắc.
Tên quân nọ đánh giá đám người dưới bóng cây, trong lòng hơi lấy làm lạ, nghĩ thầm dân chúng mỗi khi thấy quan binh, chạy cho nhanh còn không kịp, còn bọn này không biết uống mật báo, ăn gan hổ hay sao mà lại dám can thiệp vào việc của quan quân? Y liếc qua thấy trên khăn đầu của công tử nọ có đính hai hạt châu to bằng quả long nhãn, lấp lánh phát quang, liền nổi lòng tham, cười lớn:
- Này chú thỏ con kia, đi theo ông, ta cho mày hưởng phúc.
Nói xong hai đùi thúc một cái, giục ngựa xông đến chàng thanh niên công tử. Chàng kia vốn dĩ mặt mày hòa hoãn, thấy bọn Nguyên binh bạo hành không nổi giận, bấy giờ nghe tên quân này vô lễ như thế, đôi lông mày hơi nhướng lên nói:
- Không để tên nào sống sót.
Tiếng "sót" vừa ra khỏi miệng, nghe vụt một tiếng, một mũi tên đã xuyên thủng ngực tên quân kia, chính là do một người thợ săn đứng bên cạnh chàng thanh niên bắn ra. Người đó phát tiễn thủ pháp thật nhanh nhẹn, kình lực lại mạnh, dường như là một cao thủ bậc nhất võ lâm, thợ săn tầm thường làm sao có tài như thế?
Chỉ nghe tách tách tách liên tiếp, cả tám người cùng bắn, quả thực có tài bách bộ xuyên dương, không mũi tên nào hụt, một mũi tên bắn chết một tên Nguyên binh. Bọn quân Nguyên thấy tình thế đột biến, giật mình kinh hoảng, nhưng vốn cung tên thuần thục nên lớn tiếng kêu la lập tức bắn trả. Bảy người thợ săn cũng đều nhảy lên lưng ngựa xông ra, cứ một mũi tên là một đứa, chỉ trong khoảnh khắc đã bắn chết trên ba chục tên. Những đứa còn lại thấy tình hình không ổn, luôn mồm kêu la, vội bỏ đám phụ nữ giục ngựa chạy ngay. Thế nhưng ngựa của tám người thợ săn đều là tuấn mã, chạy nhanh như gió đuổi theo, cứ tám mũi tên buông ra là có tám tên ngã xuống, đuổi chưa đầy một dặm, tất cả quân Mông Cổ không còn ai sống sót.
Thanh niên công tử kia cũng nhảy lên ngựa, giục ngựa chạy đi, không quay đầu nhìn lại lấy một lần. Y ra lệnh cho bộ thuộc trong nháy mắt giết hơn năm chục tên quân Mông Cổ, tưởng như ăn cơm uống nước thường ngày, không coi vào đâu cả. Chu Điên kêu lên:
- Này, này, đợi đã, cho ta hỏi một câu.
Công tử kia không thèm để ý đến, do tám người thợ săn hộ vệ theo sau, chạy về hướng xa xa.
Trương Vô Kỵ, Vi Nhất Tiếu nếu như thi triển khinh công đuổi theo, cũng có thể kịp ngựa đang chạy, hỏi chàng công tử này cho minh bạch, thế nhưng thấy tám người thợ săn kia thần tiễn sát địch như thế, vẻ đầy hiệp nghĩa, trong bụng ai cũng ngầm kính phục, không tiện mạo phạm đến họ. Mọi người bàn tán xôn xao nhưng không ai đoán ra được lai lịch của chín người này. Dương Tiêu nói:
- Thanh niên công tử kia rõ ràng là gái giả trai, còn những cao thủ ăn mặc như thợ săn kia đối với chàng ta cực kỳ cung kính. Tiễn pháp của tám người đó thật là thần diệu, không giống nhân vật của môn phái nào ở Trung Nguyên.
Lúc đó Dương Bất Hối và những giáo chúng trong Hậu Thổ Kỳ đã chạy ra an ủi những người đàn bà bị bắt cóc, hỏi thăm tình hình mới biết đều là người ở các thôn trấn chung quanh, bèn lục các xác quân Nguyên lấy kim ngân tài bảo chia cho họ bảo họ tìm đường nhỏ tự kiếm đường về nhà.
Mấy ngày liền, quần hào vẫn tiếp tục bàn về chín người dừng cung tên giết quân Nguyên kia, trong bụng ai ai cũng có chiều ái mộ, ân hận không có dịp làm quen. Chu Điên nói với Dương Tiêu:
- Dương huynh, lệnh ái vốn dĩ là một mỹ nữ, thế nhưng so với tiểu thư mặc giả trai kia, cứ bề ngoài mà nói, xem ra còn kém một chút.
Dương Tiêu nói:
- Đúng vậy, đúng vậy. Bọn họ nếu như gia nhập bản giáo, cứ tám người thợ săn kia phải xếp hạng trên cả Ngũ Tản Nhân.
Chu Điên giận dữ nói:
- Nói thối bỏ mẹ, bọn ta cưỡi ngựa có kém gì ai đâu? Ngươi thử bảo bọn họ thi tài với Chu Điên xem nào.
Dương Tiêu trầm ngâm rồi nói:
- Cứ so với Chu huynh thì quả có kém thực, nhưng nếu chỉ tính võ công thôi, xem ra họ có vẻ hơn Lãnh Khiêm huynh một chút.
Trong năm người Ngũ Tản Nhân của Minh giáo thì Lãnh Khiêm võ công đứng đầu, chuyện đó ai ai cũng biết. Dương Tiêu và Chu Điên trước nay vẫn không hợp tính, tuy không còn công khai kèn cựa với nhau nhưng Chu Điên hễ có cơ hội là cãi với Dương Tiêu vài câu ngay, bây giờ nghe y nói võ công tám người thợ săn kia cao hơn Lãnh Khiêm, rõ ràng là trên tất cả Ngũ Tản Nhân, trong bụng tức lắm, đang tính châm chọc mấy câu trả miếng, Bành Oánh Ngọc cười nói:
- Chu huynh lại bị Dương tả sứ cho vào tròng rồi, y định chọc cho Chu huynh tức đấy mà.
Chu Điên cười sằng sặc nói:
- Vậy ta không thèm tức xem làm gì được nào?
Thế nhưng chẳng mấy chốc, Chu Điên lại chỉ trích Dương Tiêu cưỡi ngựa không được tinh thông, quần hào chỉ mặc kệ không ai trả lời.
Ân Lê Đình được Trương Vô Kỵ ngày ngày chữa trị, thần trí đã tỉnh táo nhiều, kể lại hôm đó từ Quang Minh Đỉnh chạy xuống, tâm thần khích động, nên lạc lối, càng chạy càng xa, lang thang trong sa mạc mênh mông tám chín ngày. Đến khi kiếm được đường cũ quay về thì không còn liên lạc được với huynh đệ đồng môn phái Võ Đang nữa.
Hôm đó chàng bất ngờ gặp phải năm nhà sư Thiếu Lâm, những hòa thượng đó không nói một lời, lập tức tiến lên động thủ. Năm nhà sư đó võ công rất cao, tuy Ân Lê Đình đánh bại hai người nhưng quả bất địch chúng, cuối cùng bị đánh trọng thương. Chàng thấy võ công họ đều thuộc phái Thiếu Lâm không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng chưa từng lên Quang Minh Đỉnh nên không gặp mặt bao giờ, xem ra có thể là người đi sau tiếp viện, nhưng vì cớ gì lại hạ độc thủ thì không nghĩ ra. Chàng cũng đã thông báo tên tuổi, như thế không thể nói là lầm người được.
Trên đường đi, Dương Bất Hối săn sóc Ân Lê Đình cực kỳ chu đáo, nàng biết cha mẹ mình đã không phải với chàng thật nhiều, lại thấy bị nạn thê thảm như thế, không khỏi chạnh lòng thương hại.
Đế sẩm tối hôm đó, quần hào qua khỏi Vĩnh Đăng, cố giục ngựa chạy nhanh hơn mong đến được Giang Thành Tử nghỉ ngơi. Đang đi bỗng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, trên đường cái có hai kỵ sĩ song song chạy đến, cách chừng mươi trượng liền nhảy xuống ngựa, đứng tránh qua một bên đường, cử chỉ thật là cung kính. Hai người đó mặc theo lối đi săn, chính là người trong bát hùng bắn tên giết quân Nguyên hôm trước. Quần hào vui mừng, vội vàng nhảy xuống ngựa đến chào hỏi.
Hai người đó đi đến trước mặt Trương Vô Kỵ, khom lưng hành lễ. Một người cao giọng nói:
- Tệ thượng ngưỡng mộ hành vi nhân hiệp cao nghĩa của Trương giáo chủ Minh giáo, cùng cung cách anh hùng của quý liệt vị, nên sai tiểu nhân mời các vị dừng ngựa nơi tệ trang để tỏ lòng hâm mộ.
Trương Vô Kỵ hoàn lễ hỏi lại:
- Không dám, không dám. Không hiểu quý thượng tên họ xưng hô thế nào?
Người kia đáp:
- Tệ thượng họ Triệu, khuê danh không dám gọi tới.
Mọi người thấy y nhận ngay thanh niên công tử kia là con gái giả trang, quả thực có thành ý, trong bụng mừng thầm. Trương Vô Kỵ nói:
- Từ khi được chứng kiến thần kỹ bắn tên của quý vị, chúng tôi ai ai cũng khen ngợi hết lời, quý vị không hiềm hạ mình kết giao thì thật vinh dự xiết bao, chỉ e như thế không tiện.
Người kia đáp:
- Các vị là anh hùng đời nay, tệ thượng đã ngưỡng mộ từ lâu, hôm nay có dịp đi qua đất nhà, nếu chẳng được dâng lên ba chén rượu nhạt thì e không hết được lễ nghi của địa chủ.
Trương Vô Kỵ đang muốn được quen biết thêm với những nhân vật anh hùng này, lại muốn hỏi xem thanh kiếm Ỷ Thiên vì đâu qua tay đổi chủ như thế nên nói:
- Nếu đã như thế, từ chối quả là không cung kính, vậy xin được đến viếng quý trang.
Hai người kia mừng lắm, lên ngựa đi trước dẫn đường. Qua khoảng chưa tới một dặm, trước mặt lại có hai người cưỡi ngựa chạy đến, ở xa xa xuống ngựa đứng đợi, cũng là người trong thần tiễn bát hùng. Đi thêm một dặm nữa, bốn người còn lại trong bát hùng lại phi ngựa đến đón tiếp. Quần hào Minh giáo thấy bên kia lễ số chu đáo như thế, ai nấy cực kỳ cảm động.
Cả bọn đi theo một con đường lát đá xanh dẫn đến một đại trang viện, có sông nhỏ uốn khúc vây quanh, bờ sông trồng đầy dương liễu xanh rờn, suốt một dải Cam Lương bây giờ bỗng thấy phong cảnh chẳng khác gì ở Giang Nam, quần hào ai cũng thấy tinh thần sảng khoái hẳn lên. Trước mặt trang môn mở lớn, cầu treo đã hạ xuống từ bao giờ, vị cô nương họ Triệu kia mặc bộ trường bào màu xanh nhật, vẫn cải nam trang, đứng ngay tại cửa nghênh tiếp.
Triệu tiểu thư tiến lên hành lễ, dõng dạc nói:
- Quý vị hào hiệp của Minh giáo hôm nay giá lâm Lục Liễu Sơn Trang, quả thực là rạng rỡ cho nhà tranh vách đất của chúng tôi. Xin mời Trương giáo chủ, mời Dương tả sứ, mời Ân lão tiền bối, mời Vi Bức Vương…
Nàng biết hết từng người trong quần hào Minh giáo, không cần phải giới thiệu, thuận miệng nói ra danh hiệu, kẻ cao người thấp không sai một ai, ngay cả thứ tự ngũ nhân ngũ hành kì cũng nói ra rành mạch. Cả bọn kinh ngạc, Chu Điên nhịn không nổi liền hỏi:
- Đại tiểu thư, sao cô biết hết tên tuổi chúng tôi? Chẳng lẽ cô có bản lãnh tiên tri hay sao?
Triệu tiểu thư mỉm cười nói:
- Quần hiệp Minh giáo danh mãn giang hồ, ai chẳng hay biết? Trận đánh trên Quang Minh Đỉnh mới rồi, Trương giáo chủ dùng tuyệt thế thần công uy nhiếp lục đại môn phái, việc đó đã vang động cả võ lâm. Các vị đến Trung Nguyên, trên đường biết bao bằng hữu võ lâm mong được tiếp đãi, có phải chỉ mình tiểu nữ đâu?
Mọi người nghe thấy quả không sai, trong bụng mừng thầm nhưng miệng ai cũng khiêm tốn, hỏi ngay đến sư thừa tên tuổi thần tiễn bát hùng. Một người thân thể cao to đáp:
- Tại hạ là Triệu Nhất Thương, đây là Tiền Nhị Bại, đây là Tôn Tam Hủy, đây là Lý Tứ Tồi.
Y chỉ tiếp qua mấy người kia nói:
- Đây là Chu Ngũ Thâu, đây là Ngô Lục Phá, đây là Trịnh Thất Diệt, còn đây là Vương Bát Suy.
Quần hào Minh giáo nghe xong, ai cũng ngẩn người, nghĩ thầm tám người này họ sắp xếp theo Bách Gia Tính là Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương, đã là hết sức lạ lùng rồi nhưng tên lại toàn những chữ không gì tốt lành như Vương Bát Suy chẳng hạn, thật ngoài dự liệu. Thế nhưng người trên giang hồ vì lánh nạn, tránh thù, tùy nghi lấy tên giả là chuyện rất thường, thành ra không dám hỏi thêm.
Triệu tiểu thư tự mình dẫn đường, nhường cho mọi người tiến vào đại sảnh trước. Quần hào thấy đại sảnh trên cao có treo một tấm biển viết bốn chữ đại tự Lục Liễu Sơn Trang. Ngay tại chính giữa treo một bức tranh Bát Tuấn Đồ do Triệu Mạnh Phủ vẽ, tám con ngựa mỗi con một kiểu không con nào giống con nào, con nào cũng ra vẻ thần mã. Bên phía trái treo một bức bút thiếp, văn viết: