Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 156: Chương 156




Trương Vô Kỵ mừng quá, nước mắt đang chực trào ra, mặt lập tức tươi rói, vội vàng nói:

- Ba chuyện gì? Nói ngay, nói ngay.

Triệu Mẫn mỉm cười:

- Mới khóc lại cười, thật không biết xấu. Tôi đã nói với công tử rồi, tôi chưa nghĩ ra, bao giờ tôi nghĩ ra được lúc đó sẽ nói với công tử, chỉ cần công tử kim khẩu một lời, quyết không vi ước là xong. Tôi không bắt công tử đi hái mặt trăng trên trời, cũng chẳng đòi công tử làm chuyện ác vi phạm đạo hiệp nghĩa, cũng chẳng bảo công tử tự tử, dĩ nhiên cũng chẳng bảo công tử làm heo làm chó.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Chỉ cần không vi phạm đạo hiệp nghĩa, thì dù có khó khăn đến mức nào, ta cũng kiệt lực mà làm cho được". Chàng bèn khẳng khái đáp:

- Triệu cô nương, nếu được cô nương huệ tứ linh dược để tại hạ trị khỏi cho tam sư bá và lục sư thúc, dù cho cô nương sai bảo điều gì, dẫu phải dầu sôi lửa bỏng Trương Vô Kỵ này cũng nguyện mặc tình sai khiến quyết không từ nan.

Triệu Mẫn giơ bàn tay ra nói:

- Hay lắm, vậy mình đập tay ăn thề. Tôi sẽ đưa giải dược cho công tử để trị cho tam sư bá và lục sư thúc, sau này tôi đòi công tử làm cho tôi ba chuyện, chỉ cần không vi phạm đạo hiệp nghĩa, công tử phải hết sức làm, không được từ chối đấy nhé.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Xin quyết tuân theo lời vàng ngọc của cô nương.

Hai người nhè nhẹ đập tay ba lần. Triệu Mẫn lấy chiếc hoa trên mái tóc nói:

- Thế bây giờ công tử đã chịu lấy đồ của tôi tặng cho chưa?

Trương Vô Kỵ sợ nàng không đưa giải dược, không dám trái ý, vội cầm lấy bông châu hoa. Triệu Mẫn nói:

- Nhưng tôi không muốn công tử đem cho con a hoàn đâu nhé.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Được.

Triệu Mẫn mỉm cười lui lại ba bước, nói:

- Giải dược sẽ đem đến ngay, xin từ biệt Trương giáo chủ.

Nàng phất tay áo, quay mình đi. Huyền Minh nhị lão liền dắt ngựa lại, đỡ nàng lên yên đi trước. Tiếng chân ba con ngựa lộp cộp lộp cộp, thủng thẳng xuống núi.

Bọn Triệu Mẫn ba người vừa khuất sau một triền núi, bên tàn cây lớn phía trái liền nhô ra một người, chính là Tiền Nhị Bại trong thần tiễn bát hùng. Y tay cầm thiết cung, giương tên lớn tiếng nói:

- Chủ nhân chúng tôi trình lên Trương giáo chủ một phong thư, kính xin nhận lấy.

Nói xong nghe soẹt một tiếng đã bắn mũi tên ra, thế bay cũng không nhanh lắm. Trương Vô Kỵ khua tay một cái, chộp ngay được mũi tên, thấy mũi không có đầu sắt, đuôi buộc một phong thư. Trương Vô Kỵ cởi ra xem thấy trên phong bì đề: "Trương giáo chủ thân khải". Chàng mở thư thấy có một bức hoa tiên, trên viết mấy dòng theo lối tiểu khải như sau:

Hộp vàng ấy hai tầng vốn sẵn,

Linh cao kia nằm ẩn bên trong.

Châu hoa ở giữa trống không,

Dược phương dấu đó để phòng cần đưa.

Hai món sớm tặng người quân tử,

Sao lại còn đôn đáo làm chi?

Vật hèn tuy chẳng đáng gì,

Đem lòng rẻ rúng coi như đất bùn.

Dẫu sao cũng từ tay tiện thiếp,

Nỡ lòng nào chàng lại coi khinh?

Tặng cho người ở kẻ ăn,

Hóa ra phụ tấm chân tình này sao?

Trương Vô Kỵ đọc kỹ ba lần tờ thư, vừa mừng vừa sợ, lại thêm sượng sùng, vội lấy đóa châu hoa ra coi, vặn thử quả nhiên một viên ngọc trai có thể chuyển động, chàng liền tháo ra thấy cán hoa rỗng không trong có chứa một vật gì trăng trắng. Trương Vô Kỵ lấy trong bọc ra một chiếc kim vẫn dùng để châm huyệt đạo, khều vật đó ra, quả nhiên là một tờ giấy mỏng dính, trên đó ghi rõ bảy loại độc trùng nào và bảy loại hoa nào, người trúng độc giải cứu ra sao, từng loại từng loại thật minh bạch.

Thực ra chàng chỉ cần biết được các tên của bảy loại hoa, bảy loại trùng kia là biết cách chữa, không cần phải ai chỉ điểm. Chàng xem giải pháp hoàn toàn không có gì sai sẩy, biết Triệu Mẫn không có ý phá mình nữa, thực là mừng rỡ, chạy ngay vào nội viện, theo đúng đó mà phối chế thuốc men cứu chữa. Quả nhiên chỉ hơn một giờ sau, độc thế của Du Ân hai người nhẹ hẳn, trong người không còn ngứa ngáy nữa, mắt cũng không còn bị hoa.

Chàng lại lấy cái hộp vàng dùng để đựng bông hoa hạt châu của Triệu Mẫn tặng ra xem kỹ, sau cùng mở được hai tầng giáp nhau ra, bên trong quả đựng đầy thuốc cao đen nhánh, mùi thật thơm tho, mát dịu.

Lần này chàng không dám bộp chộp, bắt một con chó, bẻ gãy một bên chân sau, bôi thử cao lên vết thương, đợi đến sáng hôm sau, con chó vẫn tỉnh táo nhanh nhẹn, không có vẻ gì là trúng độc, chỗ vết thương đã thấy khá hơn nhiều.

Qua ngày thứ ba, chất độc trong người hai vị Du Ân đã hoàn toàn trừ hết, Trương Vô Kỵ liền đem Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao thật bôi lên tứ chi hai người. Lần này không chuyện gì xảy ra, Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao quả nhiên công hiệu như thần, chỉ hai tháng sau, hai tay của Ân Lê Đình đã hoạt động lại, xem ra sau này không những tay chân cử động bình thường mà võ công cũng không mất mát lắm. Chỉ có Du Đại Nham tàn phế lâu năm, muốn được như xưa thì thật khó, nhưng xem tình hình hồi phục của ông ta, chỉ sáu tháng thôi, có thể dùng nạng cặp vào nách thay chân bước đi chầm chậm được rồi, tuy vẫn còn tàn phế nhưng không còn là một người nằm ỳ một chỗ không động đậy được gì như trước.

Trương Vô Kỵ ở lại trên núi Võ Đang lâu như thế, những người của Ngũ Hành Kỳ cử đi các phái trước sau đã quay trở về, đem toàn những tin tức khiến ai nấy đều kinh ngạc. Toàn bộ nhân chúng các phái Nga Mi, Hoa Sơn, Không Động, Côn Lôn viễn chinh Quang Minh Đỉnh, không một người nào trở về cả. Trên giang hồ thì thầm đồn đãi, ai cũng bảo rằng Minh giáo người nhiều thế mạnh, đã tiêu diệt toàn bộ các cao thủ đi Tây Vực rồi, nay đang chia ra đi đánh các phái. Các tăng nhân phái Thiếu Lâm đột nhiên thất tung đã đem tới một trận phong ba không tiền khoáng hậu trong võ lâm. Cũng may các phó sứ Ngũ Hành Kỳ lần này đi ai cũng mang theo tín phù của Trương Tam Phong, lại không tiết lộ thân phận mình, nếu không chắc cũng đã bị đánh cho một trận tơi bời. Cũng theo các chưởng kỳ phó sứ, hiện nay các môn phái, bang hội, đến cả các tiêu hãng, sơn trại, thuyền bang, bến đò bãi nước đều đâu đâu cũng nghiêm mật canh phòng sợ Minh giáo bất ngờ đến đánh.

Thêm vài ngày nữa, cha con Ân Thiên Chính và Ân Dã Vương cũng quay về núi Võ Đang, cho hay Thiên Ưng Kỳ đã hoàn toàn chỉnh đốn, tất cả đều quy thuộc Minh giáo. Hai người cũng cho hay phía đông nam quần hùng đang nổi lên, những người phản Nguyên chỗ này xuống thì chỗ khác lại lên, ba đạo quân Hàn Sơn Đồng, Trương Sĩ Thành, Phương Quốc Trân là mạnh nhất. Thời đó quân Nguyên còn rất mạnh, nơi nào cũng chỉ một mình chiến đấu, không ai liên lạc hô ứng với ai thành thử chưa được dân chúng hưởng ứng đã bị tiêu diệt.

Buổi chiều hôm đó, Trương Tam Phong cho dọn cỗ chay ở hậu điện ca ngợi tin tức của cha con Ân Thiên Chính. Trên bàn, Ân Thiên Chính phân tích nguyên nhân thất bại của các nơi, nơi nào cũng có người của Minh giáo và Thiên Ưng giáo tham gia, bị quân Nguyên hoặc bắt bớ, hoặc tàn sát số người tuẫn nạn thật là đông. Quần hào nghe thế không ai là không ngậm ngùi.

Dương Tiêu nói:

- Trăm họ khổ sở đã nhiều, ai ai cũng trong đợi có sự thay đổi, chính là lúc thuận tiện để đuổi quân Thát tử, lấy lại giang sơn. Năm xưa Dương giáo chủ còn tại thế, ngày đêm nghĩ chuyện hưng phục, có điều bản giáo xưa nay hành sự lệch lạc, hơn trăm năm qua gây oán chuốc thù vớ võ lâm Trung Nguyên, thành ra khó mà cùng nhau nắm tay giết giặc. Thế nhưng trời thương đưa Trương giáo chủ lên coi sóc giáo vụ, oán thù với các phái tạm cởi phần nào, chính là thời cơ đồng tâm hiệp lực, cùng nhau chống lại Hồ Lỗ.

Chu Điên nói:

- Dương tả sứ, lời của ông nghe ra thì không sai. Có điều chỉ là nói chơi cho vui, cũng thật tào lao cán cuốc.

Dương Tiêu nghe rồi không nổi giận, chỉ nói:

- Vậy xin được Chu huynh chỉ giáo.

Chu Điên nói:

- Trên giang hồ ai cũng đồn là Minh giáo chúng ta giết sạch cao thủ các môn phái, chỉ nghe hai chữ "Minh giáo" là người ta đã giận thấu xương, lấy gì mà "đồng tâm hiệp lực, khu trừ Hồ Lỗ" cho được? Nói ra thì nghe hay lắm, nhưng làm sao mà thực hành? nguồn t r u y ệ n y_y

Dương Tiêu nói:

- Chúng mình tuy bị mang tiếng xấu, nhưng thực ra mình sáng như ban ngày, huống chi lại có Trương chân nhân minh chứng điều đó.

Chu Điên cười nói:

- Nếu quả như mình có giết bọn Tống Viễn Kiều, Diệt Tuyệt lão ni, Hà Thái Xung thì Trương chân nhân cũng bị đánh lừa luôn, lấy gì mà làm chứng cho được?

Thiết Quan đạo nhân quát lên:

- Chu Điên, trước mặt Trương chân nhân và giáo chủ, không được nói lếu nói láo.

Chu Điên le lưỡi nhưng không nói gì thêm. Bành Oánh Ngọc nói:

- Lời của Chu huynh cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Cứ như ý của bần tăng, chúng ta nên triệu tập một đại hội Minh giáo các thủ lãnh khắp nơi, nói rõ ý của Trương giáo chủ muốn thân thiện với các môn phái. Ngoài ra nhiều người sự việc cũng rõ ràng hơn, để xem Tống đại hiệp, Diệt Tuyệt sư thái các người ở đâu, trong đại hội cũng có thể tra cứu được.

Chu Điên nói:

- Muốn biết tung tích Tống đại hiệp thật là quá dễ, có thể nói là như thổi tro trong bếp.

Mọi người nhao nhao hỏi:

- Sao thế? Sao không nói sớm?

Chu Điên dương dương đắc ý, uống một chén rượu nói:

- Chỉ cần giáo chủ lại hỏi Triệu cô nương một câu, ít ra mười phần cũng biết được đến chín. Tôi dám nói là những người đó không bị cô ta giết thì cũng bị cô ta bắt rồi.

Hơn hai tháng qua, Vi Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc cả bọn chia nhau ra xuống núi dò tìm tông tích, lai lịch Triệu Mẫn, nhưng từ sau hôm nàng đến cửa quan cùng Trương Vô Kỵ đập tay thề thốt đến nay, không biết cả bọn họ đi đâu mất tăm, ngay những thủ hạ đông đảo thế mà cũng không tìm đâu ra một chút dấu vết nào. Quần hào ai nấy suy tính, tin chắc bọn họ thể nào cũng có liên quan đến triều đình, nhưng ngoài điều đó ra vẫn không thấy thêm đầu dây mối nhợ khác. Bây giờ lại nghe Chu Điên nói, ai nấy liền cự ngay:

- Ngươi nói mới thật là tào lao. Nếu như tìm ra được cô gái họ Triệu kia, chẳng lẽ bọn ta không biết dò hỏi chắc?

Chu Điên cười:

- Các ngươi tìm không ra là phải, ai mà chẳng biết. Thế nhưng giáo chủ còn nợ cô ta ba chuyện chưa làm, không lẽ một người ghê gớm như cô ta lại bỏ qua không hỏi đến? Ha ha, cô gái đó thật là kiều diễm, nguyệt thẹn hoa nhường, thế mà mỗi lần nghĩ đến cô ta là Chu mỗ lại dựng tóc gáy, sợ muốn chết.

Mọi người nghe y pha trò đều cười ồ lên, nhưng nghĩ lại thì quả là đúng thế. Trương Vô Kỵ thở dài:

- Ta cũng chỉ mong cô ta ra ba nạn đề để hết sức làm cho xong món nợ, khỏi phải ngày đêm khắc khoải, không biết cô ta còn giở trò gì quái đản nữa không.

Chu Điên cười nói:

- Tốt nhất là cô ta nói muốn gả cho giáo chủ, giáo chủ tức thì đồng ý, sau này trong khuê phòng, cô ta muốn giáo chủ làm gì thì giáo chủ làm chuyện đấy, đừng nói là ba việc chứ ba trăm việc cũng không sợ!

Mọi người lại cười lên ha hả. Trương Vô Kỵ mặt đỏ lên, vội chuyển hướng câu chuyện, nói:

- Bành đại sư vừa đưa ý kiến bản giáo triệu tập thủ lãnh các nơi, việc này xem ra nên lắm, các vị có ý gì không?

Quần hào đều đáp:

- Nên lắm. Mình ở trên núi Võ Đang ngồi không cũng chẳng làm được việc gì.

Dương Tiêu nói:

- Giáo chủ nghĩ xem mình nên tập họp ở đâu cho phải?

Trương Vô Kỵ suy nghĩ một hồi, nói:

- Bản nhân hôm nay đảm nhiệm chức vị giáo chủ, vẫn thường nghĩ đến ân tình của hai vị trong bản giáo. Người thứ nhất là Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu tiên sinh, lão nhân gia nay đã chết vì tay Kim Hoa bà bà. Người kia là Thường Ngộ Xuân đại ca. Tôi nghĩ đại hội kỳ này nên cử hành tại Hồ Điệp Cốc ở Hoài Bắc.

Chu Điên vỗ tay nói:

- Hay lắm, hay lắm. Cái lão Kiến Tử Bất Cứu năm xưa tôi vẫn hay cãi nhau với hắn, cũng không đến nỗi tệ hại, chỉ phải cái tính khí thất thường, so với Dương tả sứ thì cũng cá mè một lứa. Y thấy chết không cứu, thành ra lúc y chết cũng chẳng ai cứu cho, đúng là báo ứng. Chu Điên này cũng muốn đến trước mộ y rập đầu vài cái.

Quần hào không ai còn ý gì khác, quy định hơn ba tháng nữa nhằm tháng tám Trung Thu, tất cả các thủ lãnh của Minh giáo cùng đến Hồ Điệp Cốc tại Hoài Bắc tụ hội.

Sáng sớm hôm sau, các cấp của Ngũ Hành Kỳ và Thiên Ưng Kỳ chia nhau ra đi từ núi Võ Đang truyền hiệu lệnh của giáo chủ:

Các lộ giáo chúng, từ hương chủ trở lên hãy giao lại giáo vụ cho người phụ tá đảm trách, đến Hồ Điệp Cốc tại Hoài Bắc trước ngày Trung Thu tháng tám.

Từ nay đến ngày Trung Thu còn xa, Trương Vô Kỵ thấy Du Đại Nham và Ân Lê Đình bệnh tình chưa khỏi hẳn, sợ thương thế nếu như trở lại thì thật phí bao công phu, nên tạm ở lại núi Võ Đang lo lắng cho hai vị Du Ân, khi rảnh rỗi thì học hỏi Trương Tam Phong thêm về Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm. Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc thì đi du hành các nơi, thám thính tung tích của Triệu Mẫn.

Dương Tiêu theo lệnh giáo chủ ở lại núi Võ Đang, thế nhưng vì chuyện Kỷ Hiểu Phù, đối với Ân Lê Đình có phần bẽ mặt, bình thời chỉ đóng cửa đọc sách, chẳng mấy khi rời khỏi phòng một bước. Cứ thế đến hơn hai tháng, một buổi chiều, Trương Vô Kỵ đến gặp Dương Tiêu bàn về những việc cần phải truyền xuống các giáo chúng trong đại hội sắp tới tại Hồ Điệp Cốc. Chàng tuổi trẻ, kiến thức nông cạn, bỗng dưng phải đảm trách trọng nhiệm, thường vẫn lo ngay ngáy, chỉ sợ thất thố làm hư đại sự. Dương Tiêu thông hiểu giáo vụ nên Trương Vô Kỵ giữ lại bên cạnh, có việc gì thì hỏi.

Hai người nói chuyện một lát, Trương Vô Kỵ thuận tay cầm một cuốn sách trên bàn của Dương Tiêu lên, thấy trên bìa có viết bảy chữ tựa đề "Minh Giáo Lưu Truyền Trung Thổ Ký", bên dưới có một hàng chữ nhỏ "Đệ Tử Quang Minh Tả Sứ Dương Tiêu cung soạn". Trương Vô Kỵ nói:

- Dương tả sứ, ông văn võ toàn tài, thật là rường cột của bản giáo.

Dương Tiêu chắp tay:

- Đa tạ giáo chủ khen ngợi.

Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng chữ nhỏ theo lối khải, mọi việc đều dẫn chứng sách vở rõ ràng. Trong sách kể lại minh bạch, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này. Ngày hai mươi chín tháng sáu năm thứ ba đời Đại Lịch nhà Đường, chùa Minh giáo Đại Vân Quang Minh được xây cất tại Lạc Dương, Trường An. Sau đó tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Đại Vân Quang Minh tự. Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo.

Trương Vô Kỵ đọc đến đoạn này, không khỏi thở dài, nói:

- Dương tả sứ, giáo chỉ của bản giáo nguyên là làm điều thiện, trừ điều ác, cùng với đạo Phật chẳng khác bao nhiêu, vậy mà từ đời Đường đến giờ, đời nào sao cũng bị giết hại thảm họa?

Dương Tiêu nói:

- Người trong Thích đạo tuy nói phổ độ chúng sinh, nhưng tăng chúng xuất gia đều cố giữ thanh tu, không để ý đến chuyện đời. Đạo gia cũng thế. Còn bản giáo tụ tập lương dân, bất luận ai gặp nguy nan khốn khổ thì mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân lành, có đời nào ít đâu? Có vùng nào ít đâu? Nếu có người nào bị quan phủ ức hiếp, oan khuất, bản giáo liền đứng ra chống lại. Về sau động đao động thương, cũng không còn cách nào.

Trương Vô Kỵ gật đầu:

- Chỉ khi nào triều đình, quan lại không còn áp bức dân lành, thổ hào ác bá không còn hoành hành vô phép tắc, đến lúc ấy bản giáo mới có thể hưng vượng được.

Dương Tiêu vỗ bàn đứng dậy, lớn tiếng nói:

- Lời của giáo chủ quả thật nói lên được tôn chỉ gốc rễ của bản giáo.

Trương Vô Kỵ nói:

- Dương tả sứ, ông xem có một ngày nào được như thế chăng?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.