Trương Vô Kỵ kêu lên:
- Ồ, đến Đại Đô, quả nhiên là triều đình hạ độc thủ, về sau thế nào?
Chu Nguyên Chương đáp:
- Bọn người hung ác dẫn chúng tôi đưa những nhà sư Thiếu Lâm đến một ngôi chùa lớn ở phía tây, bảo chúng tôi ngủ lại trong đó.
Trương Vô Kỵ nói:
- Cái miếu đó tên là gì?
Chu Nguyên Chương đáp:
- Khi thuộc hạ vào chùa có ngẩng đầu lên nhìn biển ngạch, thấy tên là Vạn An Tự, nhưng cũng vì nhìn mà bị ngay một tên hung ác quất cho một roi. Đêm đó anh em chúng tôi lén bàn nhau, bọn người hung ác kia thể nào cũng phải sát nhân diệt khẩu, không tha mình đâu nên trời tối lập tức chúng tôi trốn đi ngay.
Trương Vô Kỵ nói:
- Sự tình quả là hung hiểm, cũng may bọn hung ác kia không đuổi theo.
Thang Hòa mỉm cười:
- Chu đại ca cũng đã tính đến nước đó, nên đã sắp đặt sẵn mọi việc. Chúng tôi đi đến các hãng xe lừa ở gần đó bắt bảy tên phu xe, đổi y phục cho bọn họ, sau đó giết luôn cả bảy người trong miếu, mặt mũi đâm chém bầy nhầy, không để cho bọn người hung ác kia nhìn ra được. Sau đó lại giết hết tất cả các phu xe đi cùng, tiền bạc rắc khắp nơi làm như hai bọn tranh nhau tiền bạc giết nhau vậy. Có thế bọn hung nhân quay lại mới khỏi nghi.
Trương Vô Kỵ trong lòng kinh hãi, chỉ thấy Từ Đạt mặt tỏ vẻ bất nhẫn, Đặng Dũ hơi có vẻ xấu hổ, Thanh Hòa nói vẻ mặt đắc ý dương dương, chỉ một Chu Nguyên Chương bình thản làm như không có gì xảy ra cả. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Bọn này ra tay độc ác thật, thật là những tay ghê gớm". Chàng bèn nói:
- Kế đó của Chu đại ca tuy hay thật, nhưng từ nay về sau, chúng ta không nên lạm sát người vô tội.
Đây là huấn dụ của giáo chủ, bọn Chu Nguyên Chương nhất tề đứng lên, khom lưng nói:
- Cẩn tôn giáo chủ lệnh chỉ.
Về sau Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Đặng Dũ, Thang Hòa hành quân giao chiến, quả nhiên tuân theo lệnh của Trương Vô Kỵ, không dám giết người bừa bãi, khiến cho dân tâm quy thuận, làm nên đại nghiệp một đời.
Trương Vô Kỵ nói:
- Bảy vị của Chu đại ca thám thính được tin tức cao thủ các phái Thiếu Lâm, Võ Đang, công này thật không nhỏ. Đợi sắp đặt xong việc kháng Nguyên khởi nghĩa rồi, chúng ta sẽ đi Đại Đô một chuyến để cứu các người đó ra.
Chàng bàn công việc chung xong, lại cùng bọn Từ Đạt nói chuyện riêng, đến việc năm xưa ăn trộm bò của Trương viên ngoại, cả bọn cùng cười ha hả.
Đêm hôm đó, Trương Vô Kỵ tập họp tất cả giáo chúng, đốt lửa thắp hương, tuyên cáo các nơi đều cùng nổi dậy, chung sức kháng lại Nguyên triều, các lộ giáo chúng phải đỡ đần nhau, khiến cho quân Nguyên phải đôn đáo bôn ba việc lớn ắt sẽ thành.
Sau đó định ra phương sách, giáo chủ Trương Vô Kỵ cùng Quang Minh tả sứ Dương Tiêu, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu chấp chưởng tổng đàn làm tổng soái cho toàn giáo.
Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính chỉ huy giáo chúng trong Thiên Ưng Kỳ khởi sự tại Giang Nam.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thang Hòa, Đặng Dũ, Hoa Vân, Ngô Lương, Ngô Trinh cùng với nhân mã của Thường Ngộ Xuân cùng Tôn Đức Nhai tại Hào Châu, Hoài Bắc khởi binh.
Bố đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc tất lãnh Lưu Phúc Thông, Đỗ Tôn Đạo, La Văn Tố, Thịnh Văn Úc, Vương Hiển Trung, Hàn Hiệu Nhi khởi binh tại Dĩnh Châu, Hà Nam.
Bành Oánh Ngọc tất lãnh Từ Thọ Huy, Trâu Phổ Vượng, Minh Ngũ khởi sự tại các châu Cám, Nhiêu, Viên, Tín vùng Giang Tây.
Thuyết Bất Đắc trước kia từng ở Nhữ Ninh, Tín Dương châu giúp đỡ Bổng Hồ, theo lời kêu gọi của Minh giáo mà khởi nghĩa phản Nguyên. Bành Oánh Ngọc từng ở Viên Châu giúp đỡ Chu Tử Vượng khởi nghĩa kháng Nguyên, đều bị dập tắt, hai người phụng mệnh liên lạc với người cũ Bổng Hồ và Chu Tử Vượng khởi sự lần nữa.
Thiết Quan đạo nhân tất lãnh Bố Tam Vương, Mạnh Hải Mã tại các vùng Tương, Sở, Kinh Tương khởi binh.
Chu Điên tất lãnh Chi Ma Lý, Triệu Quân Dụng tại Từ, Tú, Phong, Bái khởi sự.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thang Hòa, Đặng Dũ, Hoa Vân, Ngô Lương, Ngô Trinh và nhân mã trong trại Thường Ngộ Xuân, cùng Tôn Đức Nhai ở Hoài Bắc, Hào Châu khởi binh, phụng lệnh của Hàn Sơn Đồng.
Lãnh Thiêm cùng các giáo chúng miền Tây Vực, ngăn chặn và chia cắt các đội quân tiếp viện của Mông Cổ từ Tây Vực đến Trung Nguyên.
Ngũ Hành Kỳ thuộc về quyền điều khiển của tổng đàn, nơi nào gặp nguy thì tới đó cứu viện.
Phương sách xếp đặt đó, mười phần đến chín là do Dương Tiêu và Bành Oánh Ngọc đưa ra. Trương Vô Kỵ công bố ra rồi, giáo chúng reo hò vang động.
Trương Vô Kỵ lấy ra thủ thư "Thánh hỏa lệnh tam đại lệnh, ngũ tiểu lệnh" của Dương giáo chủ lấy từ trong mật đạo trên Quang Minh Đỉnh, nếu năm đó mọi người tuân theo đại tiểu bát lệnh này thì Minh giáo hôm nay không gặp đại nguy nan này. Trương Vô Kỵ cao giọng nói:
- Bản giáo lấy tông chỉ là phổ thế cứu nhân, tất cả không được ngược đãi dân, hại dân, không được tranh chấp với nhau, vân vân, đó là điều rất dễ làm. Thánh hỏa lệnh đại lệnh thứ nhất tối quan trọng, chúng huynh đệ xin nghe.
Trương Vô Kỵ dồn khí mười phần, khiến cho mấy ngàn giáo chúng trong Hồ Điệp Cốc đều nghe thấy:
- Lệnh thứ nhất: không được làm quan, làm vua. Bản giáo từ giáo chủ đến đệ tử mới nhập giáo, đều có ý nghĩ muốn phổ thế cứu nhân, quyết không mưu đồ tư lợi. Cũng không được đi thi khoa cử, không được nghe theo triều đình phân phó, không được làm tướng suất, thừa tướng, không được làm bất kì chức quan lớn nhỏ nào, lại càng không được tự lập làm vua, chiếm đất xưng đế. Lúc tranh đấu với quân binh ngoại tộc có thể tạm lấy danh vương hầu, tướng quân để kêu gọi giúp đỡ. Một khi đã thành nghiệp lớn, từ giáo chủ cho đến giáo chúng đều phải lui về làm thường dân, sống nơi thảo dã, chuyên tâm tận tụy cứu dân, độ thế, hành hiệp trừ ác, không được nhận vinh hàm, tước vị của triều đình, không được nhận đất đai, kim ngân của triều đình ban tặng. Chỉ người thảo dân mới có thể kháng quan, giết quan hộ dân, một khi làm quan làm vua, chính là đẩy thảo dân ra ngoài rồi.
Chàng đem đại lệnh thứ nhất của thánh hỏa lệnh thành khẩn đọc ra, các giáo chúng nghe xong đều thấy nghiêm nghị.
Trương Vô Kỵ lại nói:
- Chúng ta hiện nay đều là tiểu dân thảo dã, đại lệnh thứ nhất của thánh hỏa lệnh cũng không khó làm. Một khi chúng ta lập được cơ nghiệp, chiếm hạ đại đô thành, mọi người phải nhớ, nhất định không được xưng hoàng xưng đế. Làm kẻ đối địch với dân chúng cũng chính là làm kẻ đối địch với Trương Vô Kỵ ta.
Dương Tiêu đi theo nói:
- Các vị huynh đệ, mọi người lúc này phải quyết ý chắc chắn, đến khi mai này có công lao sự nghiệp, trong tay có đại quyền, có thành trì binh mã, lại phải buông ra thì sẽ rất khó.
Tất cả mọi người khẳng khái tuyên thệ, quyết ý vì dân, quyết không mưu đồ quyền lợi.
Sau này quả nhiên giáo chúng Minh giáo quả nhiên công thành chiếm đất ở các nơi, lập nên đại cơ nghiệp. Đám người Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân đánh hạ Ứng Thiên phủ, lập làm đô thành, Chu Nguyên Chương mới xưng Ngô vương, không dám xưng đế. Sử sách ghi lại rõ ràng, có thư sinh kiến nghị với Chu Nguyên Chương: "Cao kiến tường, quảng tích lương, hoãn xưng vương". Kỳ thật là bởi vì Minh giáo có ràng buộc đại lệnh thứ nhất của thánh hỏa lệnh, Chu Nguyên Chương sau lại phải thoát ly Minh giáo, không chịu quy tắc của thánh hỏa lệnh, lúc này mới khai quốc xưng đế, phong quan tặng tước. Những chuyện đó sau này hãy nói.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chỉ dựa vào sức của một mình bản giáo mà thôi, khó mà có thể lay chuyển được cơ nghiệp đã có hàng trăm năm của Nguyên triều. Do đó cần phải liên lạc với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, chung sức lo toan mới mong thành công được. Hiện nay các nhân vật đầu não của võ lâm Trung Nguyên đều bị triều đình bắt giữ cả, tổng đàn phải tìm cách cứu ra trước. Ngày mai các anh em rẽ đi ra khắp nơi, gặp cơ hội thì cứ việc giết quân Thát tử, tổng đàn lập tức đi Đại Đô cứu người trước. Hôm nay tất cả anh em vui say một chuyến, sau này không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau. Các anh em cần lấy nghĩa khí làm trọng, đại sự trước hết, quyết không nên tranh quyền đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, nếu như có ai giở trò bất nghĩa, tổng đàn quyết không tha thứ.
Mọi người đều lên tiếng đáp ứng:
- Lệnh chỉ của giáo chủ quyết không dám vi phạm.
Tiếng la ó vang cả sơn cốc. Mọi người lập tức trích huyết ăn thề, đốt hương làm chứng, thà chết không phụ đại nghĩa. Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, các lộ giáo chúng ngồi cả dưới đất, các giáo chúng chấp sự tổng đàn đem bánh nhân chay ra chia cho mọi người. Ai nấy thấy bánh tròn như mặt trăng nên gọi là bánh Trung Thu. Về sau người ta truyền tụng người Trung Hoa ăn bánh Trung Thu để thề giết quân Mông Cổ chính là từ đại hội của Minh giáo mà ra.
Trương Vô Kỵ lại tuyên bố tiếp:
- Bản giáo từ đời trước truyền đến nay, không ăn thịt, không uống rượu. Thế nhưng hiện nay đâu đâu cũng tai ương thành thử gặp gì ăn nấy. Huống chi công việc lớn hàng đầu của anh em ta là khu trừ Thát tử, nếu không ăn thịt cá tinh thần không đủ mạnh, khó có đủ sức chiến đấu. Từ nay trở đi, bãi bỏ quy luật không ăn thịt, không uống rượu trong bản giáo. Chúng ta lập thân xử thế lấy đại tiết làm trọng, ẩm thực cấm kỵ chỉ là thứ yếu.
Cũng từ đó bánh Trung Thu giáo chúng Minh giáo có làm nhân thịt.
Sáng sớm hôm sau, các lộ giáo chúng cáo biệt Trương Vô Kỵ. Ai nấy tuy đều là hào kiệt khẳng khái, nhưng nghĩ đến mai này chiến đấu nơi nơi, biết ai còn ai mất, đại sự nếu như thành, người có mặt hôm nay tại đại hội Hồ Điệp Cốc e rằng còn sống chưa đầy một nửa, nên không khỏi quyến luyến khi chia tay. Lúc đó trước Hồ Điệp Cốc thánh hỏa bốc lên cao, đột nhiên ai đó lớn tiếng hát:
Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh bốc bừng bừng.
Khi sống có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Lập tức tất cả đều hát theo phụ họa:
Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh bốc bừng bừng.
Khi sống có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Nguyện hành thiện trừ ác,
Cốt sao cho quang minh.
Bao hỉ lạc bi sầu,
Cũng đều thành cát bụi.
Vạn sự đều vì dân,
Không màng đến tư lợi.
Thương thay cho con người,
Sao lo buồn lắm vậy.
Thương thay cho con người,
Sao lo buồn lắm vậy.
Những câu: "Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy. Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy." vang động cả Hồ Điệp Cốc. Quần hào ai nấy áo mặc trắng tinh, đi tới trước mặt Trương Vô Kỵ khom lưng hành lễ, ngẩng đầu hùng dũng mà đi, không quay đầu nhìn lại. Trương Vô Kỵ nghĩ đến bao nhiêu dũng sĩ thế này, trong vòng một hai chục năm máu sẽ thấm đầy một giải Trung Nguyên, nhịn không nổi nước mắt rưng rưng. truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y
Tiếng hát xa dần, tráng sĩ ly tán, Hồ Điệp Cốc mấy hôm qua ồn ào náo nhiệt nay trở lại vắng lặng như xưa, chỉ còn lại Vi Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Chu Nguyên Chương và vài người khác. Trương Vô Kỵ hỏi kỹ chùa Vạn An tọa lạc chỗ nào, hình dáng bọn người hung dữ kia ra sao rồi nói:
- Chu đại ca, ở một giải Hào Tứ này đang đại loạn, không nên đễ lỡ cơ hội khởi sự. Các vị không cần phải đi theo tôi lên Đại Đô làm gì, thôi mình từ biệt nơi đây.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân cả bọn cùng nói:
- Xin chúc giáo chủ mã đáo thành công, bọn thuộc hạ chờ đón tin mừng.
Lập tức bái biệt Trương Vô Kỵ, ra khỏi thung lũng lo việc khởi nghĩa.
Trương Vô Kỵ nói:
- Bọn mình cũng đi thôi. Tiểu Chiêu, cô có mang xích, đi lại không tiện, ở lại đây đợi tôi nhé.
Tiểu Chiêu rầu rĩ vâng lời, nhưng khi đưa tiễn, đưa đến ba dặm rồi lại thêm ba dặm nữa, vẫn không chịu chia tay. Trương Vô Kỵ nói:
- Tiểu Chiêu, cô càng đưa càng xa, coi chừng lúc về lạc đường đó.
Tiểu Chiêu hỏi lại:
- Trương giáo chủ lên Đại Đô liệu có gặp Triệu cô nương chăng?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Không chừng sẽ gặp đó.
Tiểu Chiêu nói:
- Nếu giáo chủ gặp cô ấy, có thể nhờ cô ấy giúp tôi một việc được không?
Trương Vô Kỵ lạ lùng hỏi:
- Cô có chuyện gì muốn nhờ?
Tiểu Chiêu nhún vai một cái, đáp:
- Giáo chủ mượn Ỷ Thiên kiếm chặt cái dây xích này, chứ không cả đời tôi sẽ không được tự do nữa.
Trương Vô Kỵ thấy cô gái thần sắc ủ rũ thật đáng thương, trong lòng không nỡ, liền nói:
- Chỉ sợ cô ta không cho mượn đâu, nhất là lại mượn kiếm đem về tận đây.
Tiểu Chiêu nói:
- Thế thì… thế thì, giáo chủ đưa tôi đến trước mặt cô ấy, nhờ cô ta dùng kiếm chặt một nhát, có phải hơn không?
Trương Vô Kỵ cười nói:
- Nói qua nói lại, chẳng qua cô muốn theo tôi lên Đại Đô chứ gì? Dương tả sứ, ông xem có đem cô ta theo được không?
Dương Tiêu biết Trương Vô Kỵ đã nói thế là đã có ý cho cô ta theo nên nói:
- Cái đó cũng không sao, việc cơm nước áo quần đã có cô này lo, chỉ có điều dây xích leng keng sợ người ta chú ý. Đã thế cô ta giả vờ bị bệnh, chỉ ngồi trên xe, bình thời đừng ra ngoài làm gì.
Tiểu Chiêu mừng lắm vội nói:
- Đa tạ công tử, đa tạ Dương tả sứ.
Cô quay qua nhìn Vi Nhất Tiếu nói thêm:
- Đa tạ Vi pháp vương.
Vi Nhất Tiếu cười:
- Sao cô lại cảm ơn tôi là sao? Cô coi chừng tôi mà bệnh trở lại là hút máu cô đó.
Nói xong nhe hai hàm răng trắng nhởn, giả vờ làm dữ. Tiểu Chiêu biết y chỉ đùa, nhưng cũng không khỏi sợ hãi nói:
- Ông… ông đừng dọa tôi.