Cô cứ vậy mà chờ anh, chờ anh qua hết ngày hai mươi bảy, cô nghĩ, anh thật sự bận bịu nên sẽ chở cô về hơi trễ, hai mươi tám, hay sáng hai mươi chín cũng không sao, miễn là về trước giao thừa thì cũng là trước tết. Nhưng ngày hai mươi tám anh lại bặt tăm, tới chiều ngày hai mươi chín anh mới về. Vừa thấy anh bước qua cửa là Liên lập tức quay đi, thấy cô bỗng nhiên tỏ thái độ giận dỗi, anh kéo tay cô lại.
- Cô làm gì vậy, thấy tui là bỏ đi, tui đâu có bị cùi mà cô tránh tui dữ vậy. Đừng có chọc tui, chuẩn bị đồ đi, sớm mai tui chở về Gò Công.
- Đi gì nữa mà đi, vài tiếng nữa là giao thừa rồi, anh còn muốn đi dâu?
- Giao thừa gì mà giao thừa, bữa nay mới hai mươi chín tết thôi mà, còn ngày mai nữa chi.
- Năm nay ăn tết thiếu mà, làm gì có ba mươi tết mà có ngày mai cho anh.
Đạt ngơ ngác nhìn Liên rồi tự “à” lên một tiếng trong lòng, mấy bữa nay, vì phải lo chuyện sổ sách ở sở xe đò nên anh không để ý lắm tới ngày tháng, khổ nỗi, người Pháp lại xài công lịch, họ bắt toàn toàn dân phải xài theo lịch đó nên việc làm ăn của anh cũng theo lịch đó nên anh không nhớ tết năm nay là tết thiếu, tức là không có ba mươi tết, vậy mà, anh cứ nghĩ là sẽ cố gắng làm thật nhanh để chở cô về kịp trong ngày ba mươi tết.
- Nếu anh không muốn chở em về thì cứ nói, anh hứa mà chi, để em chờ, rồi bây giờ...
- Hứa hồi nào, cha biểu chớ tui có hứa đâu...
Liên thấy ấm ức không chịu được, cô tự hỏi, đàn ông đều vô lý như anh sao hay chỉ có mình anh là vô lý tới mức này, và cái sự vô lý này của anh là đối với tất cả mọi người hay chỉ đối với riêng cô.
Thấy Liên cứ nhìn anh đăm đăm, nét giận hờn pha lẫn nét buồn bã, anh cũng thấy lòng mình ái ngại nhưng anh không muốn nhận lỗi, anh trợn mắt nhìn lại cô mà nói cứng.
- Mà nếu như vậy thì sao không biểu ai đó đi kiếm rồi nhắc tui một tiếng, tui có trăm công ngàn việc nên không nhớ cũng là bình thường.
- Biểu ai, kêu tới ai họ cũng nói họ mắc công chuyện, họ không đi, họ biểu tui muốn thì tự mà đi nhưng tui có biết anh ở đâu mà kiếm.
- Vậy thì cứ về trước, nhà còn một cái xe với một sốp phơ mà, kêu nó chở, ai biểu chờ.
- Kêu, tui có quyền gì mà kêu, sốp phơ nói, anh với anh Thành mỗi người đều một chiếc, ở nhà chỉ còn một chiếc, ảnh phải chờ chủ trong nhà không ai có việc cần tới thì mới dám lấy mà chở tui đi. Cực chẳng đã mới nhờ anh mà anh cứ hứa rồi thất hứa. Anh không muốn đi thì cứ nói để tui biết mà tui tự liệu.
- Nè, nói chuyện với chồng mà xưng tui vậy đó hả, có biết như vậy là không được hay không?
- Vậy còn anh, anh kêu cô xưng tui thì sao?
- Sao giống nhau, tui là chồng cô, tui có quyền.
- Anh thiệt là vô lý mà.
Liên la lên rồi bỏ chạy ra ngoài. Ngay lập tức, Đạt cung nắm tay đấm lên mặt bàn thật mạnh. Anh rất giận, nhưng lại không rõ vì sao, giận cô hay giận chính mình. Trong anh đang có rất nhiều mâu thuẫn, cứ lạnh nhạt với cô như thế này, thì anh rất mệt mỏi nhưng coi như không có gì xảy ra thì anh lại không thỏa lòng, anh cảm thấy vị trí của mình mất đi vài phần sức nặng.
Pháo nổ vang từ giao thừa cho tới sáng mùng một, nhà Đạt là nhà giàu nên đốt pháo cũng nhiều hơn. Tụi con nít mặc quần áo mới chạy rong khắp đầu trên xóm dưới rồi cùng nhau quy tụ về trước sân nhà Đạt, chúng thích coi pháo nổ, thích lượm pháo về chơi. Những trái pháo chưa nổ kịp hay bị lép được chúng lượm về để lấy thuốc pháo bên trong mà tự tạo ra những trái pháo cho mình.Pháo nổ giòn tan khi mọi người đứng vây quanh, tiếng pháo nổ đùng đoàng gieo vào không khí thứ âm thanh rộn rã. Dây pháo còn chưa kịp nổ hết, mấy đứa con nít đã đua nhau mà giật, thấy có vài viên pháo dưới chân mình vừa nổ xong, Liên cúi người lượm lên, định bụng đưa cho mấy đứa nhỏ, nhưng vừa cầm lên đã nghe tiếng Đạt la lớn.
- Liên, bỏ xuống.
Tiếng quát lớn làm Liên giật mình. Không biết anh từ đâu xuất hiện, cô vừa mới quay người về phía cửa nhà đã thấy anh từ bậc thềm nhà chạy ào tới chỗ cô cầm mấy viên pháo quăng ra xa. Sau đó, anh quay lại nhìn cô trừng mắt, mặc kệ mọi người và đám con nít còn đứng vây quanh, anh la cô như la một đứa con nít.
- Lớn rồi mà còn ngu quá vậy, pháo mới nổ xong, khói còn chưa kịp tắt, ai mà biết nó còn nổ nữa không, cầm lên như vậy lỡ nó mà nổ thì bàn tay còn gì. Đúng là không biết suy nghĩ, pháo nổ trúng có thể làm thương tật, nặng hơn là chết người luôn đó, lớn rồi mà còn muốn chơi pháo như con nít vậy hả? Em có biết là em bao nhiêu tuổi rồi hay không?
Giọng Đạt vang lên khiến người trong nhà cũng nghe thấy, mọi người nhìn Liên với vẻ ái ngại. Ông Duy thấy đầu năm mà Đạt lớn tiếng quát tháo, ông phải lên tiếng can anh.
- Thôi đi Đạt, mới đầu năm đầu tháng phải biết kiêng cữ chứ, làm gì mà la lối om sòm, muốn gây thì hai đứa về phòng mà gây, tết nhứt mà cũng không để cho nhà này được yên.
Bà Ngự thấy Đạt bị ông Duy rầy nên bà tới gần anh mà khuyên lơn nhỏ nhẹ.
- Thôi con, vô nhà đi, có gì chờ qua ba ngày tết rồi nói, cự cãi như vầy, lát nữa bà con họ hàng tới chúc tết thấy được thì sao? – Bà vừa nói vừa đẩy lưng Đạt để anh đi, đoạn, bà quay về phía Liên - Còn cô nữa, làm gì mà chọc cho nó giận hoài vậy, suốt ngày mặt cứ lầm lầm lì lì như chết cha chết mẹ không bằng, cô muốn trù nhà này suy tàn mạt vận lắm chắc, xuống nhà sau lo trà nước với tụi nó đi.
Liên lầm lũi đi thẳng ra nhà sau mà không dám nhìn ai. Đạt nhìn theo cô không nói, sắc diện anh vẫn còn hung dữ. Khi tiếng pháo nổ vừa ngưng thì đã nhìn thấy cô cúi người cầm trên tay mấy trái pháo từ dây pháo vừa mới nổ xong, anh lập tức hốt hoảng, cố hết sức từ trong nhà lao ra thật nhanh cùng với việc la lớn tiếng làm cho cả khuôn mặt đỏ au như đang tức giận. Đạt vì quá lo lắng nên có phần lớn tiếng quá mức, phần vì chuyện của anh với Liên đã làm anh luôn trong tình trạng dễ nổi cáu nên nhìn vào người anh bây giờ, người ta chỉ có thể thấy sự giận dữ, bực bội mà thôi.