Trong giây lát Rafferty không thể cử động, như bị cắm rễ tại chỗ trên vỉa hè khi thảm họa bày ra trước mắt. Gã đã làm nhân chứng quá nhiều lần, đứng lặng thinh khi các băng nhóm tàn bạo ở Chicago phải trả giá cho tội ác của chúng. Cũng là cách gã gặp gỡ định mệnh đời mình, nơi cuối họng súng máy. Gã không thể trơ mắt nhìn nó xảy ra thêm lần nữa.
Rồi gã lao thục mạng về phía cô Emerson, xô cả hai người ngã nhào xuống đất giữa đống tài liệu văng tung tóe. Từ xa gã có thể nghe tiếng lốp xe rít lại rồi phóng vọt đi, gã lẳng lặng nhắm mắt tạ ơn Chúa.
“Anh vui lòng buông tôi ra được không?” Helen Emerson vừa thở hổn hển vừa gay gắt nói.
Gã nhìn xuống cô. Cặp kính của cô bị văng ra ngoài, và khuôn mặt tái nhợt vì sốc. Hơi thở cô gấp gáp, trái tim đập thình thịch trên ngực gã, và gã nhận ra tốt nhất nên khẩn trương buông cô trước khi cô phát hiện chỗ nào đó của gã đã cứng như đá.
Đương nhiên do cô Emerson đã gây ấn tượng là người chưa nếm sự đời, nên chắc chắn giờ cô thậm chí còn chưa hình dung nổi tình trạng của gã. Gã thả cô, đứng dậy và chìa tay để kéo cô lên. Mất một lúc cô cứ ngồi yên, và vẻ mặt của cô vừa mê mụ lại vừa thù địch, cuối cùng cô cũng chịu nhét bàn tay nhỏ xinh của mình vào tay gã và để gã kéo cô đứng dậy.
“Sao anh lại làm thế?” Giọng cô nghe có vẻ khản và bàng hoàng.
“Tôi nghĩ cô sắp bị xe đâm”.
Gương mặt cô xanh mét, và cô hơi run rẩy. “Ý anh là ai đó đang cố giết tôi?” Cô kêu lên.
Gã dùng hai tay tóm lấy tay cô, kháng cự cơn bốc đồng muốn kéo cô vào lòng, dùng hơi ấm của bản thân ủ ấm cô, dùng tất thảy sức lực bao bọc lấy cô. Gã nhẹ nhàng giữ cô đứng yên, sẵn sàng siết chặt gọng kìm nếu cô dám vùng ra. “Dĩ nhiên là không rồi”, gã thuyết phục. “Tôi chỉ thấy ai đó vào cua quá nhanh và quyết định cứ hành động trước cho yên tâm. Người kia không lao đến chỗ nào gần cô, nhưng tôi không biết trước những gì sắp xảy ra. Tên đó hẳn đã uống quá nhiều”.
Hiển nhiên chiếc xe xém chút nữa đâm hai người khi Rafferty có thể cảm nhận vạt áo choàng quất lên mui xe, nhưng Helen đang quá chấn động để nhận ra sự thật.
“Anh không nhìn thấy biển số xe phải không?” Cô bước lui lại, lùa bàn tay qua mái tóc dài sẫm màu. Bàn tay cô đang run rẩy.
“Quá nhiều số”, gã lắc đầu đáp. Thời của gã mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều, và không cần trình độ tiến sĩ mới ghi nhớ được biển số xe. Tất nhiên, có biết số xe cũng không ăn thua. Chắc chắn Ricky Drago sẽ dùng xe ăn cắp cho cuộc dạo chơi nguy hiểm của hắn.
“Anh chạy nhanh thật đấy”, cô nói. “Anh có lẽ đã cứu sống tôi. Tôi... cảm ơn anh”.
Gã có thể nhận ra cô không muốn bị ôm. Và trong khi một phần của gã muốn nói dối rằng cô tuyệt đối an toàn gã vẫn muốn dính lấy cô như keo. Có thứ gì đó đã mau lẹ len vào quyết định thay cho gã. Hai ngày này sẽ được dùng cho phân vai vị thánh của gã. Gã sẽ canh chừng Helen Emerson và giữ cô cách một khoảng an toàn với Ricky Drago. Nhiệm vụ sẽ được chuyển giao cho người khác vào ngày mười lăm.
“Không có gì”, gã nói, thật thích cái cụm từ đặc thù đó. “Tôi được đặt biệt danh Jamey Tốc Độ khi chơi bóng thời sinh viên”.
“Anh học ở đâu?”
Thực tế, gã thuộc số ít thành viên nơi đáy xã hội Chicago tốt nghiệp một trường trong nhóm Ivy League[1]. Harvard chưa từng đặc biệt tự hào về những sinh viên cá biệt này, nhưng Bugs Moran nhận ra có gã bên cạnh cũng thú vị ra trò. “Harvard”, gã đáp.
[1] Nhóm gồm 8 trường đại học lâu đời và trứ danh ở miền Đông nước Mỹ, bao gồm: Brown, Colombia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania, Yale.
“Anh trông không giống một cựu sinh viên Ivy League lắm”, cô vừa nói vừa nhích ra xa khỏi gã một chút.
“Ừ, tôi biết. Trông cũng không giống luật sư. Chính xác thì tôi trông giống ai, thưa cô Emerson?” Gã thản nhiên giễu cợt.
“Humphrey Bogart[2]”.
[2] Hay Humphrey DeForest Bogart (25/2/1899 - 14/01/1957), diễn viên huyền thoại của Mỹ, một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của ông là Casablanca.
“Ai?” Cô đã tìm được cách để ném cho gã một mớ bòng bong. Chút sắc hồng ửng trở lại trên gò má xanh xao, và đôi mắt cô dần trở nên lấp lánh.
“Pha với một chút của John Garfiel tại đỉnh cao sự nghiệp. Và có lẽ thêm vài nét của Cary Grant[3] mỗi khi trở nên xấu tính”.
[3] Hay Archibald Alec Leach (18/01/1904 - 29/11/1986) diễn viên Mỹ gốc Anh được xem như là sự kết hợp hài hòa giữa sự tự tin, ngoại hình, sự nam tính và sức lôi cuốn quyến rũ.
“Cô đang bảo tôi giống ngôi sao điện ảnh đấy à?” Gã gặng hỏi.
Cô lắc đầu. “Không đâu, anh Rafferty. Tô đang bảo anh y xì đúc một gã găngxtơ”.
***
Thật vô nghĩa, và Helen Emerson luôn tự hào mình là người lý trí, ít nhất là trong mối quan hệ với người khác giới. Chẳng có lý do nào để ngồi đối diện với người hệt một tên xã hội đen vượt thời gian trong một quán ăn đông đúc, dù người đó lôi cuốn đến hút hồn và đầy nguy hiểm và nhìn anh ta nghiến ngấu lượng cholesterol cô chỉ dám ăn trong cả tháng, hút thuốc lá và chăm sóc cô.
Dẫu vậy, cô cũng đã cảm nhận được sự chăm sóc từ trước rồi, và cũng chính là lý do để cô có mặt ở đây. Anh ta kéo phắt cô khỏi vỉa hè đông đúc, mang cô vào quán Murphy's Diner, dồn dập đưa cho cô trà và một hộp aspirin con con bằng thiếc trông có niên đại đến nửa thế kỷ. Anh ta nhặt đống giấy tờ vung vãi của cô lên, cuốn chiếc áo choàng chặt hơn quanh người cô, đỡ lấy cánh tay cô và dẫn cô đến một thiên đường nhỏ tĩnh lặng và an toàn, lờ đi những lời phản đối yếu ớt rằng cô có thể tự lo cho mình. Đương nhiên cô có thể tự chăm sóc bản thân. Cô chỉ không chắc có muốn thế không thôi.
Cô hoàn toàn biết anh ta đang cố mê hoặc cô, giống như khi cô phát hiện đâu là lúc một luật sư bào chữa đang cố phỉnh nịnh cô vậy. Nếu không phát hiện thì há ba năm trong nghề của cô đều vứt đi? Tất nhiên Rafferty không có động cơ. Cô đã để Billy Moretti đi, và dù có ân hận chăng nữa, bản năng vẫn đang khẳng định rằng cô đã đúng.
Bản năng cũng bảo James Rafferty sẽ không gây tổn hại đến cô. Ngay cả khi anh ta chớp mắt và các nét hấp dẫn lồ lộ hết ra bên ngoài, từ tận thâm tâm cô cũng biết anh ta không phải mối đe dọa của cô. Ngoại trừ với chốn bình yên trong tâm trí.
Có lẽ cô là một con ngốc khi lắng nghe bản năng của mình. Chúng không phải luôn đúng, dẫu cho chúng đóng vai trò rất lớn trong phần lớn cuộc đời cô. Nếu cô còn chút sáng suốt như gia đình cô tin tưởng, cô sẽ tống cổ Rafferty lẫn tác động của anh ta đi.
Nhưng cô sẽ không để điều đó xảy ra. Cô đã báo cáo sẽ nghỉ sớm hôm nay, giờ mà quay lại còn quái lạ hơn. Và trong lúc cô nên rũ bỏ Rafferty, cô lại không sao làm cho được. Anh ta sẽ từ giã cô sớm thôi, một khi anh ta chắc chắn cô đã vượt qua sợ hãi.
Thật buồn cô còn chẳng nhìn thấy chiếc xe nào lao thẳng về phía cô. Cô vẫn không chắc có nên tin anh ta hay không - sau cùng, nếu bị xe đâm người ta đã chẳng ngã lăn xuống đất nhẹ nhàng như thế rồi. Nhưng nếu chuyện chiếc xe là bịa đặt, thì anh ta muốn gì ở cô? Và liệu cô có sẵn lòng trao nó cho anh ta hay không?
Anh ta ngả lưng và tự ý châm một điếu thuốc, rít một hơi dài thứ thuốc lá không có đầu lọc. “Anh không biết chúng tai hại thế nào với bản thân à?” Cô hỏi với giọng chê trách.
“Tôi chờ nghe cô nói đây”, anh ta đáp, phả một vòng khói lười biếng về phía cô. Cô mê hoặc nhìn theo khi làn khói lơ lửng trôi qua chiếc bàn, rồi tản ra ngay trước mắt như vòng hoa của những nàng tiên.
Thật ngớ ngẩn, khi chính thứ sản phẩm độc hại kia đang nhảy múa trước mắt cô.
“Nó sẽ giết chết anh”, cô thẳng thừng nói.
Rồi anh ta gượng gạo mỉm cười, một nụ cười tự giễu vừa quyến rũ lại vừa nhức nhối. “Không đâu”.
“Người phát ngôn của Bộ Y tế...”
“Bác sỹ chẳng biết cái đếch gì cả”, Rafferty nói, thư giãn dựa lưng và nhìn cô qua đôi mắt lim dim. “Tôi sẽ không chết vì ung thư phổi”.
“Giãn phế quản[4]”.
[4] Emphysema: các nang trong phổi bị phồng to, mất khả năng hấp thụ dưỡng khí.
“Cũng không phải cái đó nốt. Tôi đảm bảo sẽ toi đời giữa một cơn mưa đạn, như trong phim Gương mặt sẹo[5]”.
[5] Scarface: bộ phim tội phạm nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 1983.
“Anh xem quá nhiều phim rồi đấy!”
“Cô cũng vậy”, anh ta đáp. “Hiển nhiên tôi thích các bộ phim sản xuất từ hồi xưa hơn. Với lại tôi cũng nhiều tuổi hơn cô”.
“Không nhiều lắm”.
“Cô hẳn sẽ ngạc nhiên cho xem”, anh ta lầm bầm, giụi tắt điếu thuốc. “Cô sẵn sàng để đi chưa?”
“Đi đâu?”
“Tôi sẽ lái xe đưa cô về”.
“Tôi hoàn toàn có thể tự lái xe”, cô nói.
“Không được. Dù thấy ổn cô vẫn là một tay lái tồi. Cô đi quá chậm và cẩn thận. Nếu chúng ta ra đường mà còn nguyên vẹn thì tôi sẽ lấy làm kinh ngạc lắm. Sau cú chấn động chắc chắn cô sẽ đánh xe lao vào một xe đá trước khi đi được nửa đường về nhà”.
“Một xe đá?” Helen bối rối.
Rafferty thậm chí còn chẳng chớp mắt. “Thế ở Chicago người ta không đi đưa đá lạnh à? Đến các quán bar, khách sạn và những nơi kiểu thế”.
“Tôi nghĩ là có, nhưng…”
“Đừng tranh cãi với tôi, Helen ạ. Tôi sẽ lái xe đưa cô về nhà, chấm hết”.
Cô trừng trừng nhìn lên anh ta. “Tôi không thích bị bắt buộc”, cô gay gắt. “Tôi lớn lên trong gia đình toàn đàn ông, ai cũng nghĩ họ biết điều gì tốt nhất cho tôi, nhưng tất thảy đều giẫm lên tôi nếu tôi thoáng tỏ ra yếu đuối. Đời tôi thì tôi tự quyết định”.
“Họ quyết định thay cô thế nào?” Anh ta vừa hỏi vừa uống cạn tách cà phê của mình.
“Họ không muốn tôi theo học trường Luật. Họ không muốn tôi làm ở Viện công tố. Họ muốn tôi lấy anh bạn chơi chung từ thuở bé, sinh con và trở thành vợ của một cảnh sát mẫu mực”.
“Còn cô không muốn?”
“Phải”, cô thẳng thắn. “Tôi không nghĩ mình sẽ kết hôn”.
“Thôi nào, luật sư, trông cô có hơi dừ một chút nhưng không tệ đến nông nỗi ấy đâu”, anh ta lẩm bẩm.
Cô tròn mắt nhìn anh ta, trước khi kịp nhận ra anh ta đang trêu chọc cô. “Kiểu người như anh mới nói thế”, cô êm ái đáp trả. “Thực tế tôi chưa gặp được ai phù hợp với tôi”. Cô tựa lưng vào ghế, thản nhiên đánh giá anh ta, và lần đầu tiên cô phát hiện lợi ích của một điếu thuốc. Cô sẽ rất hài lòng nếu được rít một hơi và nhả luồng khói mát lạnh vào đôi mắt đen thách thức kia.
Anh ta nhìn cô một lúc, rồi nụ cười cong trên miệng anh ta. Nụ cười này không còn sót lại chút chế nhạo nào, và đôi mắt sẫm đen nghiền ngẫm của anh ta sáng lên trong chớp mắt. “Quá tệ, cô Emerson ạ. Có lẽ cô sẽ phải chết khi vẫn còn là một trinh nữ”.
Tay cô bối rối va phải tách trà. Thật may trà không còn nhiều nên đám chất lỏng màu đen chỉ sánh một chút ra bàn, cô vừa bận rộn lấy khăn giấy lau chùi vừa hy vọng anh ta không chú ý đến màu hồng mỗi lúc một sậm trên má cô. Sao anh ta biết? Mắt anh ta có tia X-quang hay thứ gì đó sao?
Anh ta đứng lên, quẳng xấp tiền xuống mặt bàn. “Đi thôi, luật sư. Cô trông vẫn lung lay lắm”.
Cô trợn mắt với anh ta, nhưng không ăn thua. Anh ta vẫn tiếp tục thản nhiên nhìn cô bằng cặp mắt thích thú đó, và nếu cô dám chống đối, chắc điều anh ta sẽ nói còn xúc xiểm hơn câu vừa nãy nhiều. “Anh có thể đưa tôi về”, cô chấp nhận. “Nhưng chỉ vì tôi không thích tranh cãi với anh”.
“Thế cô thích làm gì với tôi nào, Helen?”
“Tống khứ được anh càng nhanh càng tốt. Cách hiệu quả nhất là để anh lái xe đưa tôi về”.
“Cô học nhanh đấy”, anh ta nói. “Đưa tôi chìa khóa xe”.
“Thôi nào, ngay bây giờ hả, anh Rafferty”, cô oán thán, miễn cưỡng nhượng bộ.
Anh ta chỉ đơn giản đứng trước mặt cô, tay chìa ra. “Chùm chìa khóa”.
Cô nhìn xuống bàn tay anh ta. Đó là một bàn tay thanh mảnh đến không ngờ, với những ngón dài, khéo léo, lòng bàn tay hẹp, cổ tay mạnh mẽ đeo một chiếc đồng hồ vàng nhỏ nhắn lỗi thời. “Đồ bắt nạt”, cô vừa lẩm bẩm vừa thò tay vào chiếc ví lộn xộn để tìm chùm chìa khóa.
Helen cứ thế kinh ngạc nhìn anh ta mở cửa bên ghế phụ cho cô. Trước đây cô chưa từng được đàn ông mở hộ cửa xe, đặt hai bàn tay khỏe khoắn, rắn chắc của họ lên khuỷu tay cô, chăm chút cho cô. Cô không thích thế. Ngay cả khi cô nhận ra những điều đó cám dỗ đến nguy hiểm.
Nhưng đảm bảo anh ta chỉ mở cửa để cô khỏi nhảy vào ghế lái thôi, cô hậm hực nghĩ khi thắt dây an toàn. Cô vụng trộm thích thú khi quan sát anh ta khinh khỉnh ngồi xuống chỗ bên cạnh, co hai cái chân dài vào trong chiếc xe chật ních của cô với phong thái tao nhã của một anh hề đang trèo lên chiếc xe trong tranh với một tá chiến binh cùng một con tinh tinh theo hầu bên cạnh. Anh ta tròn mắt nhìn bảng đồng hồ điều khiển một lúc lâu, như thể nó là thứ gì đó không thua tàu con thoi, và anh ta cũng không định thắt dây an toàn.
“Anh có biết cách lái xe, đúng chứ?” Helen hỏi.
“Tôi từng lái xe to hơn nhiều”. Anh ta xoay chìa khóa đến khi bộ khởi động rên lên trong đau đớn, rồi bắt đầu nhìn xuống sàn. “Bàn đạp đâu rồi?”
“Không cần. Đây là xe tự động. Anh chắc chắn là biết cách lái chứ hả?”
“Ừ”. Anh ta vẫn không nhúc nhích để đưa chiếc xe vào trạng thái Lái.
“Anh biết xe tự động là gì phải không? Anh chỉ cần ấn cái nút nhỏ có chữ D để lái xe và định hướng xe là xong. Rất đơn giản”.
“Rất đơn giản”, anh ta lẩm bẩm, rồi đẩy cần số. Chiếc xe chồm lên trước, anh ta dậm phanh làm Helen đập đầu vào cửa
“Kinh khủng thật!” Cô càu nhàu. “Anh tốt nhất nên thắt dây an toàn vào. Thứ nhất, đó là luật. Thứ nữa, tôi có cảm giác chuyến đi của chúng ta sẽ không êm dịu đâu”.
Không hiểu sao cái dây an toàn có vẻ cũng xa lạ với anh ta giống hộp số tự động. Anh ta khẽ chửi thề, những câu chửi đủ lịch sự mỗi khi gặp rắc rối, rồi hướng sự chú ý vào tình hình giao thông. “Cô vẫn lái xe qua mớ hỗn tạp này à?” Anh ta khiếp sợ hỏi. “Người ta làm thế quái nào sản xuất được nhiều ô tô thế?”
“Có rất nhiều người ở Chicago, anh Rafferty ạ, và tất cả họ đều lái xe”.
“Quỷ tha ma bắt!” Anh ta thốt. Và bỏ chiếc pickup[6] cực lớn mất hút sau lưng.
[6] loại xe bán tải đa năng tương tự như xe jeep rất được ưa chuộng tại Mỹ.
Anh ta có thể lái xe không giỏi, nhưng lái rất nhanh. Bọn họ sượt qua chiếc pickup, tránh một chiếc Mercedes, quẹt vào dải phân cách và thắng gấp trước một chiếc taxi. Trông anh ta không khác gì đến từ một không gian và thời gian khác khi khom người trên chiếc vô lăng bé tẹo trong cái xe tí hon của cô.
“Anh chưa lái xe nước ngoài sản xuất bao giờ phải không?” Cô hỏi, chộp lấy tay nắm cửa và lén ép chặt hai bàn chân xuống sàn mỗi lần mong anh ta phanh lại.
“Phải”. Anh ta giật mạnh vô lăng, cua vèo qua góc đường và hướng về phố Elm. Anh ta có lẽ không mấy thông thạo về chiếc xe của cô, nhưng giác quan định hướng của anh ta không tồi. Anh ta đang đi những lối đi tắt cô phải mất hàng tháng mới tìm ra.
“Chiếc xe đầu tiên của anh là xe gì?” Cô thử hít thở đều đặn để giúp bản thân bình tĩnh khi anh ta phóng vào giữa hai chiếc xe chở hàng đồ sộ.
“Một chiếc Packard cũ”, anh ta lẩm bẩm, rồi thò tay vào túi tìm thuốc lá.
“Đừng!” Cô thét lên. Và cố nói bằng giọng điềm nhiên hơn, “Tôi mong anh không hút.
“Đừng có bảo tôi đây là xe cấm thuốc lá”, anh ta nhăn nhó nói, rẽ hai bánh trước vào lối ngoặt.
“Không hẳn. Tôi chỉ muốn anh đặt cả hai tay lên vô lăng”.
“Cô có thể châm nó hộ tôi bất cứ lúc nào”.
Cô câm nín. Cô ghét thuốc lá; chúng là những thứ xấu xa và bốc mùi. Cô ghét ai hút thuốc cùng đám khói độc hại lẫn thái độ mặc kệ lá phổi của tất cả mọi người. Nhưng ý tưởng châm thuốc hộ James Rafferty, rồi chuyển từ miệng cô sang miệng anh ta, gần như kích tình không sao chịu nổi.
“Không thuốc lá”, cô thẳng thừng.
“Tôi biết ngay mà”.
“Tôi chưa dùng xe Packard bao giờ. Chúng không phải loại hạng sang ở thập niên ba mươi sao?”
“Họ cũng sản xuất vào những năm hai mươi và bốn mươi nữa. Tôi có một chiếc mẫu cuối cùng”.
“Tôi cá nó hẳn rất tuyệt vời”.
“To. Và rất nhanh”. Anh ta vọt lên một ngã rẽ khi đèn giao thông chuyển đỏ, chệch qua một người đi bộ chỉ trong vài centimet ngắn ngủn.
“Anh có thể lái xe chậm một chút không?” Cô nghiến răng đề nghị.
“Không. Tôi cần một điếu thuốc”.
“Anh có biết chúng tai hại thế nào với anh không?”
“Cô có biết ai hút thuốc cũng ghét phải nghe tác hại của chúng đối với họ thế nào không?”
“Lái chậm lại và tôi sẽ không thuyết giáo anh nữa”.
“Để tôi hút và tôi sẽ lái chậm lại”.
Bế tắc. Phần còn lại chuyến đi nhường chỗ cho sự im lặng, chỉ đôi khi bị ngắt quãng bởi tiếng phanh rít lên cùng những tiếng kêu tắc nghẹn vì sợ hãi. Cô cuối cùng cũng đầu hàng và nhắm chặt mắt, siết cả hai tay lên ghế và dâng một lời cầu nguyện lên Đức Chúa như vẫn làm thời thơ ấu. Khi cô mở mắt chiếc xe đã giật lên chuẩn bị ngừng ngay bên ngoài tòa nhà chỉ chực đổ sụp của cô.
“Thứ này dừng thế nào đây?” Anh ta càu nhàu, đã đút tay vào túi để tìm những điếu thuốc của anh ta ngay rồi.
“Ấn nút P để đỗ xe. Chỉ cần nghĩ đến các chữ cái của thuật ghi nhớ thôi”. Tay cô khẽ run rẩy khi tháo dây an toàn. Thế là trọn vẹn ngày hôm nay đã diễn ra kích thích một cách đáng nguyền rủa, và giờ mới vừa qua trưa.
“Chỉ cần nghĩ đến cái gì?” Anh ta tắt máy, lúng túng dờ dẫm tháo dây an toàn trước khi xuống xe.
“Thôi quên đi”. Cô tự mở cửa xe trước khi anh ta kịp làm thay, mà anh ta còn bận thỏa mãn bản thân bằng đám chết tiệt kia kìa. Cô chìa tay ra, khi thừa biết nên tống khứ anh ta đi. Thừa biết rằng cô không muốn thế “Tôi thực sự đánh giá cao tất cả những gì anh đã làm”.
Anh ta nhìn xuống cô, và có một nét thích thú mờ nhạt ánh lên trong đôi mắt tối đen, giễu cợt ấy. “Cô đang thử phủi tôi đấy à?”
Cách dùng từ kỳ quặc. “Đương nhiên không phải”, cô lắp bắp.
“Tốt”, anh ta nói. “Bởi vì tôi rất thích vào trong uống một tách cà phê”.
“Nhà tôi hết cà phê rồi”.
“Tôi sẽ uống nước”.
“Nước ở Chicago sao?” Cô lặp lại. “Anh đùa chắc”.
“Ý cô là mọi người không thể uống nước nữa?” Anh ta kinh ngạc hỏi. “Chuyện quái gì xảy ra với thành phố này vậy? Không thể hút thuốc, không thể tự ý vượt hàng triệu chiếc xe trên đường và giờ cô đang bảo đến mấy hớp nước chết tiệt kia tôi cũng không uống được nữa? Thế mà bảo phát triển, ở thập niên hai mươi người ta sống sung sướng hơn nhiều”.
“Làm sao anh biết?”
Câu hỏi đó chặn anh ta lại. Anh ta nhún vai, và thêm lần nữa cái điệu cười quyến rũ, giả tạo đó rộ trên gương mặt anh ta. “Đoán vậy thôi”. Anh ta không chạm vào cô, nhưng thực tế cũng không phải làm thế. Dù đứng xa cả thước, sự hiện hữu của anh ta vẫn hiển nhiên, mãnh liệt và khuấy đảo. Thật khó lý giải, cái sức hút ấy mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì cô từng cảm nhận trong cuộc đời. Cô không thể bị quyến rũ bởi kẻ lạ mặt khó gần chỉ thích chế nhạo ấy được.
Nhưng đã quá muộn.
“Hẳn tôi vẫn còn một ít hòa tan”.
Trong chốc lát anh ta ngây ra như phỗng. “Hòa tan?” Anh ta nói theo.
“Cà phê hòa tan. Anh nói muốn uống cà phê, nhớ không? Tôi nghĩ cà phê hạt thì chắc hết rồi, nhưng loại hòa tan rất có thể vẫn còn một lọ dùng dở. Nếu anh không cầu kỳ”.
Anh ta cứ thế nhìn cô. Những giây phút tưởng như vô cùng tận khiến cô cứ có cảm giác lạ lùng rằng mình sắp phạm phải sai lầm cực lớn, hơn việc chia sẻ một tách cà phê rất nhiều. Rằng cô sắp trao cho anh ta nhiều hơn thế nữa.
“Tôi không cầu kỳ”, anh ta trầm giọng nói. Khi anh ta theo cô lên những bậc tam cấp đến trước cửa nhà, cô tự hỏi không biết đã mắc sai lầm nghiêm trọng đó hay chưa.
Và cô biết mình cũng không quan tâm.
***
Thôi được, cô là người luộm thuộm. Rafferty nghĩ khi gã nhìn bao quát phòng khách có ba lớp giấy dán tường bong tróc, những chồng báo, đĩa đựng đồ ăn sáng, đồ ăn và quần áo la liệt khắp bàn. Mẹ gã luôn giữ ngôi nhà gọn ghẽ không một hạt bụi. Đó từng là niềm kiêu hãnh, hạnh phúc của bà lẫn nỗi thất vọng liên miên của gã. Một gã đàn ông chỉ có thể cảm giác như ở nhà trong một nơi thế này.
Vượt lên tình trạng bừa bãi song rất thoải mái, ở đây có một chiếc tivi lớn nhất gã từng được trông thấy trong đời. Gã chắc chắn đây là một chiếc tivi màu, trong lúc vẫn chưa đoán được những chiếc hộp đen trên đinh tivi là gì song chúng hẳn có công dụng nào đấy.
Gã là người hâm mộ cuồng nhiệt của những chiếc tivi. Yêu hết thảy những gì phát ra từ loại màn hình đen trắng mười inch đến chiếc cỡ lớn sành điệu nhiều màu sắc như chiếc của Helen. Các trận bóng chày, khúc côn cầu, bóng bầu dục. Quảng cáo bia, những bộ phim mì ăn liền[7] và các chương trình trò chơi. Lần đầu tiên gã phát hiện tivi là trong phòng khách sạn, gã đã dành toàn bộ thời gian để ngồi trước nó, lờ đi lời mời gọi đầy mê mẩn của một người đàn bà tuyệt đẹp đến từ Evanston. Gã đã học được cách tiết chế thời gian trong những lần trở lại tiếp theo, nhưng hình ảnh chiếc tivi cỡ lớn này đã đẩy ham muốn như chưa bao giờ căng đầy trước đây trong trái tim gã.
[7] Soap opera: khái niệm này xuất hiện những năm 50 ở Mỹ, chỉ những bộ phim gia đình dài tập không mấy chất lượng do các công ty bột giặt tài trợ chủ yếu để quảng cáo xà phòng.
“Tôi biết, tôi biết”, Helen nói, lại gần với một cốc cà phê nghi ngút trong khoảng thời gian ngắn đến kinh ngạc. “Những khơi gợi từ chiếc ti vi”.
“Phải không?” Gã tò mò ngước lên. Gã đã xem một trong những kênh đó trong khách sạn, ngạc nhiên và thích thú khi thấy những điều chắc chắn không hề thay đổi trong năm mươi năm qua.
“Ý tôi là kích cỡ của nó. Không kể một hộp nối cáp và hai đầu máy video. Tình cờ tôi lại thích xem ti vi”.
“Tôi cũng vậy”.
Cô không được xoa dịu. Có vẻ thời nay việc thích xem ti vi bị cho là đáng xấu hổ. Gã không hình dung nổi sao lại có người phản đối một thứ tuyệt vời như vậy
“Tôi chỉ xem những kênh của PBS[8] thôi”, cô thủ thế nói.
[8] Public Broadcasting System mạng truyền thông phi lợi nhuận có 349 đài truyền hình làm thành viên ở Mỹ, các kênh chương trình của nó được trả một phần bởi người xem và một phần từ tài trợ của chính phủ và các công ty lớn.
“Hẳn rồi”, gã hoang mang đáp.
“Và những bộ phim cũ. Tất cả những phim âm nhạc, găngxtơ. Những bộ phim đen trắng kinh điển”.
“Cô thích phim đen trắng hơn á?” Gã ngạc nhiên. Những bộ phim màu là cả một kỳ quan với gã, phim đen trắng có gì đâu mà xem.
Cô nhún vai. “Biết nói gì được nữa? Tôi là người lỗi thời mà”.
Gã xém đánh đổ cốc cà phê. “Vậy sao?” Gã cẩn thận hỏi.
Cô cố nặn một nụ cười chê trách. “Cha tôi nói tôi sinh nhầm thập kỷ. Tôi đáng nhẽ nên sinh vào thập niên ba mươi hoặc bốn mươi mới đúng”.
“Còn những năm hai mươi?” Giọng gã ram ráp ngay cả với chính đôi tai gã.
Cô không nhận ra. “Thập niên hai mươi thì không” cô thẳng thắn nói. “Chicago lúc đó quá dữ tợn”.
Gã không thích cuộc nói chuyện này. Không thích ẩn ý từ lời phát biểu vô tư của cô. “Chắc rồi”, gã nói. Gã quyết định thay đổi chủ đề. “Cô pha cà phê kiểu gì nhanh thế?”
“Tôi có lò vi sóng”.
Không hiểu sao suốt mấy lần quay lại gần đây gã đều bỏ qua nó. Nghe cứ như thứ gì đó ngoài tầm hiểu biết của Buck Rogers[9] và có vị hệt bìa cứng hóa lỏng. Thêm một thứ khác không được cải tiến trong hơn nửa thế kỷ. “Ngon đấy”, gã nói.
[9] Nhân vật trong truyện giả tưởng của Phillip Francis Nowlan, về sau được chuyển thể thành truyện tranh và phim. Nhân vật chính Buck Rogers sau một trận nổ phóng xạ rơi vào trạng thái ngủ đông suốt 492 năm và thức tỉnh vào năm 2419.
“Anh nói dối, anh Rafferty”.
Gã không nao núng. “Rafferty thôi”, gã nói. “Sao cô lại nói thế?”
“Thứ nhất, cà phê này ít nhất cũng được hai năm tuổi, các tinh thể ở đây là thứ tôi cạo được nơi đáy bình, và thực sự không ngon để uống cho lắm”.
Gã trao cho cô một nụ cười thản nhiên. “Đâu phải lời nói dối kinh khủng nào cho cam. Mẹ tôi dạy tôi thành người lịch sự”.
“Tôi chắc bà đã làm thế. Tôi chỉ thắc mắc về những lời nói dối khác của anh thôi”.
“Những lời nói dối khác?”
“Tôi không nghĩ anh là người như anh đã giới thiệu, Rafferty ạ. Và tôi tin vào bản năng”. Cô nhấp một ngụm cà phê, rồi nhăn mặt. Cô trông vô cùng bình tĩnh, vô cùng tự chủ, nhưng gã có thể thấy những gợn căng thẳng bên dưới khuôn mặt ấy. “Cô muốn tôi nói thật sao?”
Trong một khắc điên rồ gã đã cân nhắc chuyện đó, chỉ vì hứng khởi được trông thấy cơn sốc của cô. Gã chưa bao giờ thử tin một người phụ nữ, gã cũng không định bắt đầu thói quen ấy ngay lúc này. Gã ngả người, rút bao thuốc lá và dịu dàng mỉm cười. “Em sẽ không bao giờ tin, cục cưng ạ”.
“Cứ thử xem”.
Gã liếc cô qua ngọn lửa từ que diêm gỗ, trong những giây thiêu đốt, hai đôi mắt chạm nhau. Rồi cô đỏ mặt, loại đỏ mặt ngượng ngùng, ngây thơ gã không hề bắt gặp trong mấy chục năm trời. “Anh là ai, Rafferty?” Cô hỏi. “Và anh muốn gì ở tôi?”